Nguyên nhân bệnh sinh

       

NGUYÊN NHÂN BỆNH

 

Môn học về nguyên nhân bệnh bao gồm hai phương diện, một là bàn về nguyên nhân phát sinh của bệnh, hai là căn cứ vào nguyên nhân bệnh mà quy loại. Về phương diện thứ nhất, như trong thiên Điều kinh luận sách Tố vấn nói: “Bệnh phát sinh ra hoặc sinh ra ở phần âm, hoặc sinh ra ở phần dương; sinh ở phần dương là bị nhiễm phải gió, mưa, rét, nắng; sinh ở phần âm là vì sự ăn uống, sinh hoạt, mừng giận thất thường”. Bệnh ở đây là chỉ vào tất cả những nhân tố gây nênbệnh như gió, mưa, rét, nắng trái thường và ăn uống, sinh hoạt, mừng giận không điều độ.

 

Về phương diện thứ hai, như trong sách Kim quỹ yếu lược của Trương Trọng Cảnh nói: “Mọi thứ tật bệnh không vượt khỏi ba điều: một là kinh lạc bị tà rồi truyền vào tạng phủ, là bệnh do nội nhân; hai là đường thông của tứ chi, cửu khiếu, huyết mạch bị bế tắc, đó là bị trúng phong ở ngoài bì phu; ba là bị phòng thất, bị đâm chém, bị trùng thú cắn; hiểu được như thế là hiểu hết tất cả nguyên nhân bệnh”.

 

Đến đời nhà Tống có quyển Tam nhân cực nhất bệnh chứng phương luận của Trần Vô Trạch, lại cho rằng cảm phải khí lục dâm là ngoại nhân, bị thương vì thất tình là nội nhân, vì ăn uống, phòng thất, vấp ngã, đâm chém là bất nội ngoại nhân, lập ý ấy có chỗ khác với sách Kim quỹ yếu lược. Trương Trọng Cảnh lại lấy bộ vị mà khách khí tà phong truyền vào làm chủ yếu, không lấy ngoại cảm nội thương chia ra nội ngoại, mà lấy kinh lạc, tạng phủ chia ra nội ngoại. Ông cho rằng: do kinh lạc truyền vào tạng phủ là sâu, là ở trong; từ bì phu đến huyệt mạch là nông, là ở ngoài, còn như bị phòng thất, bị đâm chém, bị trùng thú cắn, không phải là loại khách khí tà phong, thì thuộc về loại bất nội ngoại nhân.

 

Thuyết của Trần Vô Trạch là lấy trời và người làm biểu lý mà lập luận, cho nên lấy cảm tà khí lục dâm bệnh từ ngoài vào là ngoại nhân; vì tình chí trong ngũ tạng bị thương, bệnh từ trong sinh ra là nội nhân; vì ăn uống, phòng thất, vấp ngã, bị đâm chém, không liên quan với tà khí, với tình chí là bất nội ngoại nhân. Còn như nguyên nhân bệnh nói ở chương này đại để vẫn lấy nội dung nói trên làm chủ yếu và tham khảo những luận thuyết có quan hệ đến phương diện này của các y gia ra đời sau để bổ sung thêm cho được đúng đắn. Song trên phương pháp quy loại, không lấy tam nhân để phân biệt, mà là trực tiếp căn cứ vào tính chất của nhân tố gây ra bệnh, rồi chia ra chín phương diện: lục dâm, dịch lệ, thất tình, ăn uống; làm lụng nhọc mệt, phòng thất không điều độ, bị đâm chém và trùng thú cắn, trùng tích, trúng độc, di truyền.

 

 

A. Lục dâm

 

 

Sáu thứ khí: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa gọi là lục khí. Lục khí là hiện tượng bình thường và biến hóa của khí hậu tự nhiên, gặp tình trạng trái thường vì thái quá hoặc bất cập, thì gọi là “lục dâm”, lục dâm là nhân tố chủ yếu gây ra bệnh ngoại cảm. Lục dâm gây ra bệnh, thường thường có quan hệ với thời tiết, ví dụ như mùa xuân nhiều bệnh phong, mùa hạ nhiều bệnh thử, trưởng hạ nhiều bệnh thấp, mùa thu nhiều bệnh táo, mùa đông nhiều bệnh hàn, đó là quy luật chung của bệnh ngoại cảm phát ra trong các mùa. Nhưng vì khí hậu biến hóa phức tạp và sự cảm thụ của thể chất người bệnh khác nhau, nên cùng trong một mùa, mà có thể phát ra bệnh ngoại cảm có tính chất khác nhau.

 

Vả lại, cảm phải tà khí cũng không hoàn toàn là đơn thuần, như lấy phong tà mà nói, thì thường thường có phong hàn, phong thấp, thậm chí có ba thứ khí phong, hàn, thấp, đồng thời cảm nhiễm, do đó có thể biết sự phát sinh của bệnh ngoại cảm và sự biểu hiện ra những chứng trạng ấy, tất nhiên là có thường có biến, không nhất định.

 

 

1.Phong

 

 

Phong là chủ khí của mùa xuân, bệnh ngoại cảm về phong tà, thường rất nhiều về mùa xuân, phần nhiều vì lạnh ấm không điều hòa, thớ thịt không kín đáo, làm cho phong tà từ ngoài truyền vào, tục gọi là thương phong. Triệu chứng là ho, đau đầu, ngạt mũi, sổ mũi, nhảy mũi...Còn như chứng trúng phong của thái dương kinh trong Thương hàn luận thì triệu chứng chung là có những chứng phát sốt, sợ rét, ra mồ hôi, đau đầu, mạch phù hoãn. Phong tà lại thường hợp với các tà khí khác mà cùng cảm nhiễm, nhu cùng hợp với hàn tức la phong hàn, cùng hợp với thấp tà tức là phong thấp, cùng hợp với hỏa tà tức là phong hỏa.

 

Vả lại, giữa những chứng ấy, lại có thể chuyển hóa lẫn nhau. Ví như phong theo hàn hóa gọi là phong hàn, phong theo nhiệt hóa gọi là phong ôn. Chứng hậu của nó rất phức tạp. Vì thế trong lục dâm thì phạm vi của bệnh phong rất rộng, biến hóa nhiều cách, cho nên trong thiên Phong luận sách Tố vấn nói: “Phong tà là đứng đầu trăm bệnh”.

 

 

Ngoài ra còn có những chứng trạng đờm hỏa nhiệt thịnh, hoặc huyết hư, phong động, sinh ra chứng ngất, sợ hãi, co quắp, choáng đầu, hoa mắt, tê dại, miệng mắt méo lệch, uốn ván, đó là phong từ trong sinh ra, không thuộc phạm vi về lục dâm, ta thường gọi là “nội phong”.

 

 

2. Hàn

 

 

Hàn là chủ khí của mùa đông, nhưng cũng có thể hiện ra trong những mùa khác, nó là một thứ âm tà rất dễ làm tổn hại đến dương khí của người, khí hàn tà còn có ở phần biểu, thì thấy những chứng trạng sợ rét, phát sốt, không ra mồ hôi và suyễn, đầu đau, mình đau, mạch phù khẩn. Hàn tà vào đường lạc thì thấy phát sinh chứng gân xương đau nhức, hàn tà xâm vào tạng phủ thì thấy hiện ra những chứng nôn mửa, ỉa chảy, sôi bụng, đau bụng.

 

 

Ngoài ra như dương khí trong nội tạng hư yếu mà thấy những chứng trạng nôn mửa, ỉa chảy, chân tay lạnh, mạch phục, sắc mạch xanh nhợt, đó là dương hư sinh nội hàn gây ra. Thiên Ngũ tà sách Linh khu nói: “Tà ở tỳ vị...Dương khí không đủ, âm khí có thừa thì hàn ở trong mà sôi bụng, đau bụng”. Đó là hàn từ trong sinh ra cũng không thuộc vào phạm vi lục dâm.

 

 

3. Thử

 

 

Thử là chủ khí của mùa hạ, thiên Ngũ vận hành đại luận sách Tố vấn nói: “Ở trời là nhiệt, ở đất là hỏa...tính của nó là thử”. Thiên Nhiệt luận lại nói: “Bệnh phát trước ngày hạ chí là bệnh ôn, sau ngày hạ chí là bệnh thử”. Cho nên bệnh nhiệt của thời lệnh mùa hạ gọi là bệnh thử, chứng trạng chủ yếu của nó là đầu đau, mình nóng, miệng khát, tâm phiền, tự ra mồ hôi, mạch hồng mà sắc. Nhưng phạm vi của bệnh thử, thì không những chỉ nói về bệnh nhiệt.

 

Người xưa có câu: “Động mà bị bệnh là dương thử, tĩnh mà bị bệnh là âm thử”. Như khi làm việc ở ngoài trời nắng hoặc đi đường xa, thường thường bỗng nhiên bị ngã lăn ra, mê mẩn bất tỉnh mà thành chứng trúng thử, là thuộc về dương thử”. Như tháng nắng hóng mát, uống nước lạnh thì dương khí bị âm hàn át đi, ngoài da bốc nóng sợ lạnh, đầu đau mà nặng hoặc đau bụng thổ tả, đó là tháng nắng bị trúng hàn là thuộc về “âm thử”. Âm thử và dương thử tuy cùng tên là bệnh thử mà thực tế bản chất khác nhau, lại còn thử và thấp hợp nhau phạm vào đường ruột mà sinh chứng xích bạch lỵ, mót rặn gọi là bệnh lỵ, thậm chí phát sinh chứng trạng nôn mửa, ỉa chảy, đau bụng, vọp bẻ, gọi là bệnh hoắc loạn. Những bệnh đó, tuy đều có quan hệ với thử tà, nhưng đối với bệnh thử nhiệt này cũng có phân bệnh khác nhau.

 

 

4. Thấp

 

 

Thấp là chủ khí của thời tiết trưởng hạ, nó là một thứ âm tà trọng trọc và ẩm ướt, nói chung thì phần nhiều vì ngoại cảm sương móc, hoặc thường thường tầm nghịch dưới nước, hoặc lội nước dầm mưa, hoặc ở nơi ẩm thấp mà sinh ra. Về phương diện bệnh biến có chỗ khác nhau, là thấp ở trên, thấp ở dưới, thấp ở biểu và thấp ở lý. Như thấp ở trên thì đầu nặng mũi ngạt, mắt vàng mà suyễn; thấp ở dưới thì mu bàn chân sưng hoặc sinh chứng lâm trọc, đái hạ; thấp ở biểu thì nóng rét, tự ra mồ hôi, thân thể mệt nhọc, hoặc khớp xương đau nhức, hoặc tay chân mình mẩy sưng phù; thấp ở lý thì thấy những chứng trong ngực khó chịu, nôn lợm hoặc bụng dạ đầy trướng, hoặc hoàng đản, hoặc ỉa nhão. Đại để thấp tà ở biểu thì bệnh phần nhiều ở kinh lạc, thấp tà ở lý thì bệnh phần nhiều ở tạng phủ.

 

Lại như cùng hợp với năm khí khác thì có những chứng hàn thấp, phong thấp, thấp nhiệt, thử thấp, trong lâm sàng đều có thể dựa vào chứng trạng khác nhau để phân biệt. Nhưng cũng có khi vì uống rượu, nghiện trà hoặc ăn nhiều hoa quả sống lạnh và đồ ngọt béo, làm cho tỳ dương kém sự vận hóa mà thấp tự sinh ra ở trong, cũng không thuộc vào phạm vi của lục dâm, cần phân biệt.

 

 

5. Táo

 

 

Táo là chủ khí của mùa thu, có chia ra lương táo và ôn táo. Như trong quyển Thông tục thương hàn luận nói: “Cuối mùa thu bắt đầu mát gió tây heo hắt, người bị cảm phải, phần nhiều là phong táo, đó thuộc về táo lương, so với khí phong hàn mùa đông thì nhẹ hơn; nếu trời tạnh lâu không mưa, nắng thu dầu dãi, người bị cảm phần nhiều là ôn táo, đó thuộc về táo nhiệt, so với khí phong ôn của mùa xuân thì nặng hơn”.

 

Đấy là nói cụ thể về nguyên nhân gây ra bệnh ngoại táo, và phân biệt ra “lương táo” và “ôn táo”. Chứng trạng bệnh lương táo thì hiện ra chứng đầu hơi nhức, sợ lạnh, ho không có mồ hôi, ngạt mũi; chứng trạng bệnh ôn táo thì hiện ra những chứng mình nóng có mồ hôi, miệng khát, họng đau, ho nghịch lên, ngực đau, ra đờm lẫn máu và khí xông lên, mũi khô.

 

Còn như người bị mất tinh huyết hoặc uống nhiều thuốc ôn táo hoặc dùng hãn thổ, hạ pháp không được thích đáng, đến nỗi bị khắc phạt quá, làm thương tổn đến tân dịch, cũng có thể hiện ra hiện tượng bệnh táo, hiện tượng này thì ở ngoài da dẻ nhăn nheo, sắc tiều tụy, móng tay móng chân khô, miệng môi nứt nẻ; ở trong thì dịch vị khô cạn, khát nước nhiều, nghẹn, đại tiện táo kết, thậm chí chân tay bại liệt, cứng đờ, ho ra máu. Đó đều là chứng tân dịch bị thương tổn ở trong, có chỗ khác với chứng ôn táo lương táo đã nói ở trên, vì thế cho nên không thuộc vào phạm vi của lục dâm.

 

 

6. Hỏa

 

 

Nhiệt quá độ có thể hóa thành hỏa, vì rằng hỏa là nhiệt càng thịnh hơn lên một bậc; hỏa sinh ra bệnh, làm hại rất ghê gớm, có thể hun đốt tạng phủ, khô ráo tân dịch. Chứng hỏa nói chung, có những hiện tượng nóng dữ, tâm phiền, miệng khát, họng đau, mắt đỏ, mạch sác. Mặt khác như chứng lở nhọt sưng đỏ, nóng bừng cũng gọi là hỏa độc, vả lại tính hỏa bốc lên, thường phần nhiều gây bệnh đến tâm thần, cho nên thiên Chí chân yếu đại luận sách Tố vấn nói: “Các chứng nhiệt làm cho co giật, mắt mờ đều thuộc về hỏa” và câu “Các chứng vật vã, phát cuồng, đều thuộc về hỏa”.

 

 

Trong năm khí phong, hàn, thử, thấp, táo của lục dâm, ở một điều kiện nhất định đều có khả năng hóa hỏa, như bệnh phong nhiệt thì hiện ra những chứng trạng: hai mắt trực thị, tay chân co quắp, uốn ván, đó là phong hỏa cùng bốc lên mà sinh ra. Chứng trúng thử, tâm phiền, mặt đỏ, người nóng, mồ hôi ra nhiều, miệng khát luôn, trên thực tế là do thử tà hóa thành hỏa mà gây ra. Thời kỳ sau của bệnh ôn nhiệt, nhiệt bị uất lại hóa hỏa, làm tiêu hao tân dịch thì xuất hiện những chứng trạng môi khô, lưỡi ráo, tinh thần mê mẩn, nói nhảm. Táo khí hóa hỏa, xông đốt ở phế thì xuất hiện chứng trạng ho đờm, thổ huyết. Thời kỳ cuối của bệnh thương hàn xuất hiện ra ở các chứng lưỡi đỏ sẫm, tâm phiền, họng đau, không ngủ là vì hàn tà hóa hỏa gây nên, đó gọi là chứng ngũ khí hóa hỏa. Ngoài ra giận quá thì can hỏa bốc lên, no say thì hỏa tụ ở trong, phòng lao thì tướng hoả động xằng, buồn thương xúc động ở trong thì hỏa bốc lên phế đó đều thuộc về hỏa trong ngũ chí sinh ra bệnh từ tạng phủ gây nên, không thuộc về phạm vi lục dâm.

 

 

PHỤ: phục khí

 

Phục khí như trong thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn nói: “Mùa đông cảm phải hàn khí thì mùa xuân tất nhiên bị bệnh ôn”, “mùa xuân cảm phải phong khí thì mùa hạ sinh bệnh ỉa sống phẩn”; “mùa hạ cảm phải thử khí thì mùa thu sinh bệnh sốt rét”; “mùa thu cảm phải thấp khí thì mùa đông sinh chứng ho”. Đó là vì bị cảm tà khí lục dâm, ẩn nấp ở trong thân thể người ta, qua một thời kỳ rồi mới xuất hiện ra bệnh trạng. Sở dĩ có nguyên nhân của sự ẩn nấp ấy, một số là vì sự giữ gìn không cẩn thận, sức đề kháng của thân thể bị sút kém, hoặc có một bộ phận nào trong thân thể bị suy yếu, ngoại tà nhân chỗ suy yếu ấy mà vào, cho nên nói: “ Chỗ nào hư nhiều thì đó là chỗ dung nạp tà”. Ví dụ như về mùa đông, người lao động quá mức thì lỗ chân lông sơ hở, mồ hôi ra quá nhiều, hàn tà rất dễ nhân chỗ mồ hôi ra mà lẫn vào trong da thịt; hoặc người thận khí hư yếu, hàn tà nhân hư mà vào ẩn nấp ở kinh Thiếu âm, những bệnh đó gọi là phục khí. Bệnh phục khí thì nói chung là đến khoảng mùa xuân, mùa hạ, dương khí mở ra, nhân vì ngoại tà xúc động đến mà phát bệnh, cũng có khi không nhưng ngoại tà xúc động mà do phục khí tự động mà phát ra.

 

 

Sự phân biệt về phục khí và tân cảm: Khi lâm sàng chủ yếu là căn cứ vào quá trình mắc bệnh dài hay ngắn và chứng trạng nặng hay nhẹ để phân biệt, như thời gian mắc bệnh và quá trình mắc bệnh đều ngắn, sức khỏe trở cũng lại dễ dàng thì đơn thuần thuộc về chứng tân cảm, nếu như tiếp sau chứng tân cảm đã xuất hiện lại biến chứng lung tung, quá trình mắc bệnh kéo dài, tức là chứng “tân cảm” dẫn động đến “phục tà”. Nếu như bắt đầu không có chứng tân cảm, một khi phát bệnh thì biểu hiện chứng trạng nóng ở trong rất nặng, có chiều hướng hóa táo, đôt hao chân âm, tức là chứng tượng đơn thuần tự phát của phục tà.

 

 

 

B. DỊCH LỆ

 

 

Dịch lệ là một trong những nhân tố ở ngoài gây ra bệnh. “Lệ” là một thứ khí trái thường trong trời đất. “Dịch” có bao hàm ý nghĩa truyền nhiễm. Thiên Di thiên thích pháp luận sách Tố vấn nói: “Năm chứng dịch lưu hành đều truyền nhiễm từ người này sang người khác, không kể người lớn người nhỏ, bệnh trạng đều giống nhau”. Sách Chư bệnh nguyên hậu luận nói: “Không kể người nhỏ, chứng phát ra đều giống nhau như có khí quỷ lệ, nên gọi là bệnh dịch lệ”. Cho nên bệnh dịch lệ khác với khí lục dâm: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa.

 

 

Khí dịch lệ thì trong các sách y học của Trung Quốc gọi rất nhiều tên, có chỗ gọi là dị khí, có chỗ gọi là lệ khí, có chỗ gọi là tạp khí, cũng có chỗ gọi là độc khí. Nói tóm lại thứ khí này là thứ khí trái thường ở trong khoảng trời đất có nguy hại rất lớn đối với sức khỏe của con người. Còn như hình thành của lệ khí có hai loại chủ yếu dưới đây:

 

 

Một là do biến hóa riêng biệt của khí hậu như lạnh, nắng, gió dữ, mưa dầm, hạn lâu, lụt lội, trái mùa và sơn lam chướng khí, vv... uất kết lại mà thành; hai là vì hoàn cảnh vệ sinh không được tốt như xác chết của động vật không vùi lấp kịp thời và những vật bẩn thủi tạp nhạp bỏ bừa bãi, lâu ngày thối nát hóa thành lệ khí, sau khi người ta hấp thụ phải mà gây ra bệnh, rồi truyền nhiễm lẫn nhau mà hình thành bệnh ôn dịch lưu hành, như những chứng đại đầu ôn (đầu sưng to), sưng quai bị, hoắc loạn, dịch sốt rét, dịch lỵ, bạch hầu, lạn hầu, đan sa (mụn nhỏ lở loét trong họng, đậu mùa, đều là do dịch khí gây nên).

 

 

C. THẤT TÌNH

 

 

Thất tình là chỉ vào bảy thứ tình chí biến đổi khác nhau là: mừng, giận, lo, nghĩ, buồn, sợ, kinh. Những sự biến đổi này là biểu hiện cụ thể của tinh thần hoạt động, theo ảnh hưởng của sự vật khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, làm cho tình chí của con người hoạt động biến đổi từng giờ từng phút. Nhưng trong tình trạng bình thường sự biến đổi đó có tiết chế được, cho nên không trở ngại đến sức khoẻ. Nếu như mừng, giận, lo nghĩ quá, tinh thần kích thích thì liền ảnh hưởng đến sinh lý bình thường mà phát sinh tật bệnh. Như thiên Cử thống luận sách Tố vấn nói: “Giận thì khí bốc lên, mừng thì khí hoãn, buồn thì khí tiêu, sợ thì khí hạ, kinh thì khí loạn... nghĩ thì khí kết”.

 

Thiên Âm dương ứng tượng đại luận nói: “Mừng quá hại tâm, giận quá hại can, nghĩ quá hại tỳ, lo quá hại phế, sợ quá hại thận”. Những điều đó đều là nói rõ thất tình bị thiên thắng là không có lợi đối với nội tạng của thân thể người ta. Ngoài ra, thất tình tất nhiên có thể làm cho ngũ tạng sinh bệnh, nhưng quy kết lại thì tuy nhiên là gốc ở tâm, vì “tâm tàng thần”, tâm là chủ tể của ngũ tạng lục phủ, thất tình động đến tất nhiên ảnh hưởng đến tâm. Thiên Khẩu vấn sách Linh khu nói: “Buồn, thương, lo, sầu thì động đến tâm, tâm động thì ngũ tạng lục phủ đều dao động”. Nói rõ hơn, tâm là chủ thể của thân thể con người, có tác dụng quan hệ lẫn nhau với nội tạng.

 

 

1. Mừng

 

 

Mừng là biểu hiện sự vui vẻ của tâm tình, mừng thì ý hòa khí hư thái, dinh vệ điều hòa, là hiện tượng khỏe mạnh không có bệnh, nhưng nếu mừng quá thì tâm khí bị hao tổn. Thiên Bản thần sách Linh khu nói: “Khi vui mừng thì thần tán ra mà không chứa lại”. Đó là mừng quá làm cho thần khí tản mát mà tâm thần không yên. Lại có khi đột nhiên mừng quá, đột nhiên vui quá cũng ảnh hưởng đến tâm thần mà sinh bệnh. Thiên Bản thần lại nói: “Vui mừng quá đáng thì hại đến phách của phế”. Đó là vui mừng quá độ mà ảnh hưởng đến phế, trên thực tế là tật bệnh của thần chí.

 

 

2. Giận

 

 

Phàm người ta một khi gặp sự việc không hợp lý, hoặc vì việc không thỏa mãn, thường thường thấy khí tức lên không bằng lòng, nhân đó khí nghịch xông lên, lửa giận đùng đùng. Thiên Tứ thời thích nghịch tòng luận sách Tố vấn nói: “Khí huyết nghịch lên làm cho người ta hay giận”. Thiên Điều kinh luận sách Tố vấn lại nói: “Huyết có thừa thì hay giận”. Đó là nói rõ người huyết khí vượng thịnh thì dễ sinh ra giận. Nói trái lại giận quá cũng thấy hao tổn huyết dịch, cho nên trong thiên Âm dương ứng tượng đại luận lại có câu: “Giận quá thì hại âm”, bởi vì âm huyết suy kém thì thủy không nuôi mộc, can hỏa càng vượng, hễ đụng đến thì phát ra, cho nên người âm suy thì hỏa vượng, phần nhiều hay giận. Giận chẳng những một mình tạng can sinh ra, mà các tạng khác cũng có thể sinh ra giận, như thiên Tật bệnh điều 26 của sách Trương thị loại kinh nói: “Giận vốn thuộc can mà có người nói đởm làm ra giận”, vì can đởm là biểu lý với nhau, can khí tuy mạnh mà sự quyết đoán là nhờ ở đởm. Có kẻ nói: “Huyết dồn lên trên, khí dồn xuống dưới, tâm buồn bực hay giận, là vì dương bị âm thắng cho nên bệnh liên cập đến tâm”. Có kẻ nói: “Giận dữ quá độ thì tổn hại đến chí của thận”. Lại có kẻ nói: “Tà xâm vào đường lạc của kinh Túc Thiếu âm làm cho người ta tự nhiên hay giận”, là vì phát ra ở phần âm mà xâm lấn vào thận. Như thế là can, đởm, tâm, thận, bốn tạng đó đều có thể sinh ra giận.

 

 

3. Lo

 

 

Lo sầu là trạng thái trầm lặng uất ức của tình chí, nếu như lo sầu quá độ, rầu rĩ không vui thì khí không thư thái, thiên Bản thần sách Linh khu nói: “Lo sầu thì khí bị bế tắc không thông”. Phế chủ khí, khí đã bế tắc, thì phế cũng nhân đó mà bị thương tổn, cho nên thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn lại nói: “Lo hại phế”, nhưng lo cũng có thể hại tỳ, thiên Bản thần sách Linh khu nói: “Lo sầu không giải được thì hại đến ý của tỳ”. Thiên Tạng tượng điều 9 trong sách Trương thị loại kinh lại nêu cụ thể ra nguyên nhân lo hại đến tỳ, như nói: “Lo vốn là chí của phế mà cũng hại đến tỳ, là vì khí của mẹ và con thông với nhau”.

 

 

4. Nghĩ

 

 

Nghĩ là biểu hiện sự tập trung tinh thần để suy xét vấn đề. Thiên Bản thần sách Linh khu nói: “Cân nhắc suy nghĩ một sự việc, gọi là “nghĩ”. Đó là nói “nghĩ” là dùng ý chí để suy đi xét lại, vì thế, sự lo nghĩ hoàn toàn phải dựa vào sự giúp đỡ của tinh thần, nếu lo nghĩ nhiều quá thì tinh thần bị ảnh hưởng, ý chí cũng thêm rối loạn, tình hình ấy trong thiên Bản thần sách Linh khu cho là: “Tâm sợ hãi lo lắng thì hại đến thần”. Chữ tâm nói ở đây là chỉ vào thần minh của tâm, mà nói ý nghĩa tức là tác dụng “thần minh” của tâm, nhân vì lo nghĩ mà bị tổn hại. Mặt khác chí của tỳ vốn là “nghĩ”, nhưng lo nghĩ quá độ cũng có thể hại đến tỳ.

 

 

5. Buồn

 

 

Buồn là do thương xót phiền não, đau khổ mà sinh ra, về phương diện sinh ra bệnh, có khi vì buồn thương, mà tổn hại đến nội tạng; cũng có khi vì nội tạng phát sinh biến hóa, mà sau đó sinh ra trạng chứng buồn thương. Như thiên Bản thần sách Linh khu nói: “Tâm khí hư thì buồn”. Thiên Tuyên minh ngũ khí luận sách Tố vấn nói: “Kinh khí... dồn lên phế thì buồn”. Đó là nói rõ vì trong nội tạng không điều hòa mà sau đó sinh ra trạng chứng buồn. Thiên Bản thần sách Linh khu lại nói: “Buồn thương động ở trong thì hại hồn của can”. Thiên Ngược luận sách Linh khu nói: “Buồn thương quá độ thì bào lạc tuyệt, bào lạc tuyệt thì dương khí động ở trong, mà sinh chứng đi đái nhiều”. Thiên Cử thống luận sách Tố vấn nói: “Buồn thì tâm hệ căng thẳng, lá phổi dương lên, thượng tiêu không thông, dinh vệ không tản ra, khí nóng ở trong, cho nên khí tiêu đi”. Đó là đều nói rõ, vì thương buồn quá độ, mà tổn hại đến nội tạng.

 

 

6. Sợ

 

 

Sợ tức là sợ hãi, là biểu hiện sự khiếp đảm do tinh thần căng thẳng đến cực độ mà gây ra, nguyên nhân sinh ra sợ hãi tuy phần nhiều là do sự kích thích của sự vật ở bên ngoài, nhưng người thận khí suy kém, khí huyết không đủ, chí kém thần khiếp càng dễ gây ra sợ, vì “thận tàng khí”, “tâm tàng thần” huyết không đủ thì chí kém, chí kém thì dễ sợ, sợ thì thần khiếp. Vì thế thiên Bản thần sách Linh khu có nói: “Thần bị thương thì sợ hãi như người như mất hồn”. Thiên Kim mạch sách Linh khu có chép: “Mạch Túc thiếu âm thận... khí không đủ thì hay sợ”, và thiên Điều kinh luận sách Tố vấn nói: “Huyết không đủ thì sinh ra sợ”. Theo những lời ghi chép này, có thể thấy được trong nội tạng người ta bị hư tổn cũng là nhân tố trọng yếu gây ra sợ hãi, lại có người sợ hãi không yên cũng có thể hại làm đến nội tạng, như thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn nói: “Sợ thì hại thận”. Thiên Ngọc cơ chân tàng luận sách Tố vấn nói: “Sợ thì tỳ khí lấn át đến thận”. Đó là bị hoàn cảnh ở ngoài, kích thích thái quá sinh ra sợ hãi, làm tổn thương đến nội tạng.

 

 

7. Kinh

 

 

Kinh là biểu hiện sự căng thẳng đột ngột của tinh thần, bỗng nhiên bị sự biến đổi khác thường mà gây nên. Như bất thình lình gặp sự hiểm ác, đột ngột gặp phải nguy nan, mắt thấy vật gì lạ, tai nghe tiếng vang lớn, đều có thể sinh ra kinh hãi. Kinh và sợ có khác nhau, sách Nho môn sự thân nói: “Kinh là mình không biết trước, sợ là mình đã biết rồi”. Bị kinh thì làm động tâm thần ở trong, thần chí bị quấy nhiễu thì tinh thần không yên.

 

Cho nên thiên Cử thống luận sách Tố vấn nói: “Kinh thì tâm không chỗ dựa, thần không chỗ nương, ý nghĩ không định, cho nên khí rối loạn”. Tuy kinh có thể làm rối loạn tinh thần, nhưng gặp sự kinh hãi xúc động thì lại do quan hệ tâm bị hư yếu truớc. Nếu tâm mạnh thì mặc dầu thốt nhiên gặp nguy hiểm, hoặc lâm vào cảnh ngộ khác thường, cũng vẫn có thể trấn tĩnh được, không đến nỗi sinh ra kinh hãi, hoặc sinh ra bệnh kinh.

 

 

D. ĂN UỐNG VÀ MỆT NHỌC

 

 

Người ta lấy vị khí làm gốc, đều nhờ vào tinh khí của thủy cốc mà sinh trưởng. Nếu ăn uống không dè dặt, tỳ vị bị thương, thì có thể ảnh hưởng đến công năng vận hóa, sinh ra tật bệnh, nay chia ra trình bày như sau:

 

 

ăn uống bừa bãi không tiết chế, vượt quá sự chứa đựng bình thường của dạ dày, thường làm ảnh hưởng đến sự tiêu hóa, hấp thu của trường vị, gây ra những chứng trạng lồng ngực đầy tức, bụng trướng đầy, nuốt chua ợ hăng, không muốn ăn uống hoặc đại tiện thất thường. Nếu ăn nhiều đồ ngon béo quá thì có thể sinh thấp, sinh đờm, sinh nhiệt mà cũng có những chứng trạng nuốt chua, cồn cào, đờm nhiều, ngực tức, hoặc sinh nhọt lở ở ngoài.

 

Ngoài ra ăn như những đồ ăn không sạch sẽ vào đường ruột có thể sinh ra đi lỏng, đi lỵ, ăn nhiều thức sống lạnh, dương khí của trường vị bị thương tổn, thường thường phát sinh những chứng trạng bụng đau, chướng đầy, ỉa chảy, no tức. Như thích ăn nhiều đồ cay nóng có thể làm cho trường vị bị tích nhiệt mà gây ra chứng đại tiện táo kết hoặc bệnh trĩ. Lại như thích riêng về ngũ vị, thường làm cho tạng khí thiên thắng nhau, hình thành sự khắc chế lẫn nhau. Như ăn nhiều đồ chua thì hại tỳ; ăn nhiều đồ đắng thì hại phế; ăn nhiều đồ ngọt thì hại thận; ăn nhiều đồ cay thì hại can; ăn nhiều đồ mặn thì hại tâm.

 

Lại có người thường ngày uống rượu nhiều quá, đến nỗi độc rượu tích lại, làm hại đến khí huyết, thường thường thành bệnh nghiện rượu, bệnh tửu tích, bệnh tửu đản. Uống rượu say quá rất dễ sinh ra bệnh cấp tính, nhẹ thì làm cho tinh thần khác thường, nặng thì có thể chết được. Đó là vì ham thích một thứ quá nhiều mà sinh bệnh. Trên đây là bàn về ăn uống quá độ cũng gây ra bệnh, đương nhiên ăn uống không đủ, thường hay đói khát, cũng có thể làm cho sự dinh dưỡng của thân thể bị sút kém, nhân đó mà ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn thân.

 

 

Lao động vốn là bản năng của loài người, là phần trọng yếu của sự sinh sống. Nếu an nhàn quá, có thể làm cho huyết mạch không thư thái, là không có lợi cho sức khỏe. Nhưng nhọc mệt quá độ cũng thấy tổn hại đến tỳ khí, xuất hiện ra những chứng trạng khí lực suy kém, tay chân mỏi mệt, không muốn nói năng, cử động thì thở suyễn lên, phát sốt, tự ra mồ hôi, tâm phiền không yên. Cho nên thiên Cử thống luận sách Tố vấn nói: “Khó nhọc quá thì khí hao”. Thiên Bản bệnh sách Tố vấn lại nói: “Trông lâu hại huyết, đứng lâu hại xương, đi lâu hại gân”. Đó là nói rõ lao lực quá độ làm cho khí huyết bị tiêu hao nhiều quá, đều có thể tổn hại đến gân cốt mà gây nên bệnh tật.

 

 

Đ. PHÒNG THẤT KHÔNG ĐIỀU ĐỘ

 

 

Phòng thất không tiết độ, là chỉ sắc dục quá độ, tổn hại đến tinh khí ở trong thận. Thiên Tà khí tạng phủ bệnh hình sách Linh khu nói: “Nếu phòng dục quá độ... thì hại đến thận”. Thân thể người ta lấy thận làm nơi chứa tinh, là căn bản của tiên thiên. Nếu tinh khí đầy đủ *thì người khỏe sức mạnh, trong thì ngũ tạng điều hòa, ngoài thì da dẻ tươi nhuận, sáng sủa, tai mắt thông minh. Nếu như say đắm sắc dục bừa bãi, chẳng những làm cho thân thể hư nhược, rất dễ cảm thụ bệnh tà, mà thận âm thận dương cũng vì thế mà suy tổn, do đó liên tiếp sinh ra những chứng ho đờm, thổ huyết, đau nóng trong xương, sốt cơn, đổ mồ hôi trộm, đánh trống ngực, đau lưng, mỏi gối, tay chân lạnh, mộng tinh, hoạt tinh, di tinh, liệt dương, tảo tiết và đàn bà kinh nguyệt bất điều, băng lậu,* đái hạ, thành ra những chứng hậu hư tổn.

 

 

E. BỊ THƯƠNG VÀ TRÙNG THÚ CẮN

 

 

 

Bị thương là nói về những bị vết thương như bị đâm chém, vấp ngã, bị đòn, bị súng đạn bắn, là bị thương ở ngoài phạm vào, thường thấy nhất là bị thương ngoài da dẻ, bắp thịt sưng đau chảy máu, và sai khớp xương, bong gân, gãy xương chân, vv... Nếu như lại có ngoại tà theo chỗ vết thương mà xâm lấn vào, thì làm cho bệnh tình lại càng thêm phức tạp hoặc trở nên nguy hiểm, như những chứng làm mủ, phá thương phong... Nhưng cũng có khi tổn thương đến nội tạng, đến đường huyết mạch lớn, đến đầu sọ mà làm cho huyết ra nhiều, thần chí mê mẩn, mạch tuyệt, thậm chí có thể chết.

 

 

Còn như bị trùng thú cắn, thì nói chung phần nhiều bị tổn hại ở ngoài da. Nhưng nếu bị rắn độc, chó dại cắn, thì chẳng những bị tổn thương trực tiếp ở ngoài thân thể mà trọng yếu hơn là có thể gây nên sự trúng độc nặng nhẹ khác nhau, mà sớm muộn đều có thể sinh ra bệnh biến nghiêm trọng.

 

 

F. TRÙNG TÍCH (giun sán)

 

 

Chứng trùng tích sinh ra phần nhiều do sự ăn uống không cẩn thận, ăn bừa bãi những thứ hoa quả sống lạnh và chất ngọt béo làm cho thấp đình trệ lại, nhiệt sinh ra, ủ lại sinh trùng, lâu ngày thành tích; hoặc nhiều thứ rau có sẵn ấu trùng và đồ ăn ôi thối bẩn thỉu mà gây ra. Cơ năng trường vị của trẻ em non yếu, vả lại thường hay cho ăn uống bừa bãi, ăn không có chừng mực, cho nên dễ bị cảm nhiễm hơn người lớn.

 

 

Loại ký sinh trùng ở trong thân thể người ta thường rất nhiều, gây ra bệnh biến cũng có chỗ khác nhau. Trong sách Chư bệnh nguyên hậu luận có ghi chép hình thái của những thứ trùng như giun đũa, giun kim, bạch thốn trùng... và trạng chứng phát ra, sau khi bị những thứ bệnh đó, như nói: “Giun đũa thường dài 30-40cm, hoặc 6,7 tấc, khi nó nhoi lên thì đau bụng... Khi đau khi không, cũng đau đến tâm, hay mửa nước dãi và mửa nước trong, tổn hại đến tim thì chết”. “Giun kim là thứ giun rất nhỏ, hình như con sâu rau... ở vào khoảng cuối ruột già, nhiều thì làm ra bệnh trĩ, nặng quá thì bệnh lác, nhân chỗ bị lở của người bệnh, mà sinh ra chứng ung nhọt, mụn chốc, lở ngứa”. “Bạch thốn trùng dài một tấc, sắc trắng hình như nhỏ dẹt, nhân lúc tạng phủ hư yếu mà nó nhoi lên, khi nó nhoi lên thì tổn hại sinh khí của con người, lưng và chân đau yếu”.

 

 

Ngoài ra một số bệnh cổ trướng, đi lỵ, cũng là do trùng tích gây ra, như những chứng cổ trướng, cổ lỵ. Sách Y sao loại biên nói: “Chứng cổ trướng là trong có vật cứng chắc, bụng to trướng, nếu không phải trùng thì là huyết, chứng ấy bụng to, ấn tay vào như có từng cục, tay chân gầy mòn, phát sốt không thôi...” Sách Biện chứng kỳ văn nói: “Người bệnh chỉ riêng bụng đầy trướng, tay chân không sưng, đã đến vài năm mà không chết, người ta cho là chứng thủy cổ” mà không biết là không phải thủy cổ, nếu là chứng thủy cổ thì không thể sống được vài năm và chưa có người nào là không chảy nước ra ngoài da mà chết. Nay người này đã mấy năm không chết mà ngoài da không chảy nước ra, đấy là không phải chứng thủy cổ, mà là chứng trùng tích ở trong huyết; huyết học lấy trùng, giống như bệnh cổ mà không phải bệnh cổ, càng ngày càng thêm, khối huyết càng lớn”.

 

Lại như sách Thiên kim phương nói: “Phàm thốt nhiên bị chứng đi lỵ, hoặc đỏ hoặc đen, không nhiều thì ít, đều là chứng cổ độc”. Thầy thuốc kém đoán là bệnh lỵ, rồi cho uống thuốc, đều là nhầm to. Do đó có thể biết, chứng hậu này cùng với các chứng lỵ, thủy thũng, cổ trướng, khác nhau, thực là do trùng tích gây nên. Vì thế phần nhiều gọi là chứng cổ.

 

 

G. TRÚNG ĐỘC

 

 

Trúng độc là chỉ người ta bị trúng phải chất có độc, làm tổn hại mà sinh bệnh hoặc đến nỗi chết người. Nguyên nhân gây ra trúng độc rất nhiều, trừ chứng trúng độc có thể phát sinh bệnh nặng nhẹ khác nhau, như bị thương thú dữ, rắn độc ra, còn nói chung thì không ngoài hai loại trúng độc, ăn uống và bị thuốc độc.

 

 

Trong những đồ ăn uống sẵn có chất độc, ăn vào thì có thể trúng độc, hoặc chết người như cá nóc, nấm độc, rượu mạnh quá. Thức ăn và đồ uống có chất độc, thì mọi người đã biết sẵn và chú ý giữ gìn, cho nên ít khi bị trúng độc, hoặc tuy là trúng độc cũng có thể kịp thời tìm cách giải được, có công hiệu, không đến nỗi gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trúng độc vì ăn uống rất thường thấy, như ăn các thứ cá ươn, thịt thiu chẳng hạn. Ngoài ra cũng có những thứ đồ ăn có chất độc mà không biết, nhân đó ăn nhằm phải mà bị trúng độc. Như trong Kim quỹ yếu lược chép: “Thịt và gan rơi xuống không dính đất, thịt lợn bỏ xuống nước nổi lên, các thứ thịt và cá nếu cho chó không ăn, chim không mổ, những thứ lòng ruột và cá ném xuống đất không dính bẩn, thịt những vật bị chết mà há miệng, thịt lục súc bị chết dịch, các thứ chim bị chết há miệng, cánh không khép lại, cá nhắm mắt, những giống cá không có mang v.v... Những thứ ấy ít nhiều đều có chất độc khác nhau. Ăn vào sẽ sinh bệnh hoặc chết. Trúng độc vì thuốc, trừ uống thuốc độc tự tử, hoặc uống lầm phải thuốc có độc, như phê sương, ba đậu, ban miêu, lưu huỳnh, khinh phấn ra, cũng có khi vì thầy thuốc chẩn đoán không đúng, cho uống nhầm thuốc và bệnh nhẹ, thuốc liều lượng nặng quá mà gây ra.

 

 

H. DI TRUYỀN

 

 

Sự sinh thành ra con người là do ở sự giao hợp hai thứ tinh khí giữa cha và mẹ, vì thế mỗi người thường thường có đặc trưng tương tự với cha và mẹ của người ấy, như hình dáng ở ngoài, cá tính, cho đến thể chất, v.v...Cả đến một số bệnh của tổ tiên, cha mẹ cũng có thể di truyền cho đến đời sau,

 

 

Như thiên Kỳ bệnh luận sách Tố vấn, Hoàng đế hỏi: “Con người sinh ra mà có bệnh điên, gọi là bệnh gì? Vì sao mà có, Kỳ Bá đáp: “Tên bệnh là thai bệnh, bị bệnh từ lúc trong bụng mẹ, khi đó người mẹ bị kinh quá, khí đi lên mà không xuống, tinh khí dồn vào một chỗ, cho nên làm cho người con phát bệnh điên”. Điên tức là bệnh kinh phong, phàm bệnh kinh phong người bị bệnh phần nhiều có lịch sử bệnh di truyền của gia tộc ấy. Ngoài ra, như độc bệnh giang mai cũng có di truyền. Mục Ngoại khoa tâm pháp trong bộ Y tông kim giám nói: “Chứng này là bị di độc của tiên thiên ở trong bào thai, chia ra hai thứ bẩm thụ và truyền nhiễm”.

 

Bẩm thụ là do cha mẹ bị độc giang mai trước, mà sau mới kết thai, khi sinh ra thì trẻ con khắp mình đỏ mà không có da. Truyền nhiễm là kết thai trước, rồi sau cha mẹ mới mắc bệnh dương mai, độc khí truyền vào trong thai, đứa trẻ khi sinh ra thời trên đầu có lỗ lõm xuống... Những chứng nói trên, đều là những bệnh tật thường thấy nhiều hơn trong các bệnh truyền nhiễm.

Bài viết này có 0 bình luận

Viết một bình luận :

2667