Thời bệnh

 

 

 

A. Thời bệnh

(THƯƠNG HÀN VÀ ÔN BỆNH)

 

 

Thời bệnh là những bệnh phát sốt do ảnh hưởng của khí hậu Đông y nhận thức và xử lý về bệnh ngoại cảm,

 

Trương Trọng Cảnh đời Hán căn cứ vào đặc điểm của bệnh sốt về Thưong hàn đã tổng kết những kinh nghiệm của người xưa, kết hợp với sự hiểu biết của mình trong lâm sàng, đem quá trình truyền biến của bệnh sốt Thương hàn, rồi dựa vào lục kinh- Thái dương, Dương minh, Thiếu dương, Thái âm, Quyết âm làm thành lý luận để biện chứng luận trị.

 

Mặt khác là học thuyết Ôn bệnh của đời Thanh học thuyết này là phát triển trên cơ sở biện chứng về lục kinh của Thương hàn.

 

Đặc điểm của học thuyết này đối với quá trình phát triển của Ôn bệnh càng quan sát được rành rõ hơn, theo đó mà phân biệt ra những loại chứng hậu về vệ khí, vinh huyết và tam tiêu làm chỗ dựa cho việc biện chứng luận trị, đã bổ sung vào chỗ thiếu sót của Thương hàn, lại làm đầy đủ thêm cho việc chữa bệnh ngoại cảm, thật là một sự tiến bộ rất lớn.

 

Hai phương pháp biện chứng ở trên, đều có một quy luật nhất định của nó, nắm vững được qui luật ấy rồi thì có thể chẩn đoán hết được tính chất và chỗ phát bệnh đồng thời cũng có thể nhân đó mà xác định được phương hướng chữa bệnh.

 

Điều cần nói rõ là tuy hai phương pháp phân loại chứng hậu này, mỗi thứ đều có đặc điểm riêng, nhưng tinh thần là nhất trí, đều là cách để chữa về bệnh sốt ngoại cảm, đều chịu sự chỉ đạo của lý luận âm dương, biểu lí, hư thực để mà biện chứng khi chữa bệnh.

 

 

I. Thương hàn

 

 

Thương hàn là bệnh ngoại cảm phát sốt vì cảm phải phong hàn mà gây nên.

 

Lúc mới phát bệnh, hàn tà trước tiên từ biểu mà vào, cho nên lúc đầu là thấy ngay biểu chứng của kinh Thái dương, nếu bệnh thế phát triển thêm một bước nữa, thì tiếp tục xuất hiện ra chứng trạng của lối truyền kinh, truyền theo kinh như Dương minh truyền vào Thiếu dương hoặc truyền vượt kinh như vượt qua Dương minh truyền vào Thiếu dương.

 

Nếu bệnh tà ở ba kinh dương không khỏi, thì thế tất sẽ truyền vào ba kinh âm. Bệnh ở ba kinh dương là bệnh nhẹ, ở ba kinh âm là bệnh nặng.

 

Bệnh Thương hàn khi bắt đầu, nếu chữa được đúng, thường thường chỉ phát hãn một lần là bệnh khỏi, nếu chính khí hư, tà khí thịnh, hoặc không biết chữa, hay chữa không đúng, đều có thể làm cho bệnh tà truyền vào mà hiện ra nhiều lối biến chứng. ở đây chỉ giới thiệu phần quan trọng của phép chữa và biện chứng chủ yếu về bệnh lục kinh, còn ý nghĩa của lục kinh, chủ chứng của lục kinh, sự truyền biến của lục kinh và những vấn đề quan hệ lẫn nhau trong đó đã nói rõ ở mục: "Phân loại chứng hậu" trong chương VII của sách này rồi.

 

 

1. Bệnh Thái dương

 

 

Bệnh Thái dương là ngoại tà xâm vào phía ngoài thân thể, cũng là giai đoạn đầu tiên của bệnh Thương hàn. Bệnh ở kinh Thái dương là chính khí chống với tà khí ở cơ biểu, nhân đó mà sinh ra một loạt chứng trạng sợ rét, phát sốt, mạch phù, đầu gáy cứng đau, đó là biểu chứng ở kinh Thái dương.

 

Nhưng vì bệnh tà mà người bệnh cảm phải không giống nhau và thể chất người bệnh cũng khác nhau, cho nên trên cơ sở của những chứng hậu chính về bệnh Thái dương nói ở trên, có thể xuất hiện ra hai loại chứng hậu khác nhau, là mạch "Hoãn" mồ hôi tự chảy ra và mạch "Khẩn" không có mồ hôi.

 

Chứng trước gọi là trúng phong, chứng sau gọi là thương hàn. Trúng phong và thương hàn là căn cứ vào cách "xét chứng trạng mà tìm ra nguyên nhân" bởi vì phong thì tính sơ tán, hàn thì tính bế tàng, cho nên chứng có mồ hôi thì gọi là trúng phong, chứng không có mồ hôi thì gọi là thương hàn. Nếu theo quan điểm biện chứng mà xét thì mạch Khẩn khôn có mồ hôi là biểu thực, mạch Hoãn có mồ hôi là biểu hư.

 

 

Cách chữa về bệnh Thái dương, chủ yếu là dùng phép phát hãn giải cơ để giải bệnh tà ở ngoài; nhưng vì các loại biểu chứng không hoàn toàn giống nhau vì thế nên cách chữa cũng có chỗ khác nhau.

 

Như chứng biểu thực, mạch Khẩn, không có mồ hôi thì dùng Ma hoàng thang để khai biểu phát hãn: như chứng biểu hư, mạch Hoãn, có mồ hôi thì dùng Quế chi thang để điều hòa vinh vệ mà giải được tà khí ở cơ biểu.

 

Như bệnh ở Thái dương lại thấy hiện ra có cả chứng lưng gáy cứng đờ, là biểu tà không giải được mà gân đã mất sự nuôi dưỡng, thì nên dùng bài Cát căn thang để phát biểu giả tà, làm cho lưng gáy đỡ căng cứng.

 

Như biểu tà bó chặt ở ngoài dương khí uất lại sinh phát sốt thời sẽ có chứng trạng không có mồ hôi mà bứt rứt, nên dùng Đại thanh long thang (1) để phát biểu và thanh nhiệt.

 

Dưới tâm có thủy khí, kết hợp ngoại tà bó ở biểu sinh chứng phát sốt ho suyễn thì nên dùng Tiểu thanh long thang (2) để phát biểu làm cho ấm để tiêu tan chất lạnh ứ đọng. Những cách chữa ở đây, đều thuộc phạm vi giải biểu.

 

 

Phép giải biểu phát hãn cố nhiên là phương pháp rất tốt để chữa bệnh chứng ở kinh thái dương: nhưng nếu phát hãn nhiều quá có thể làm thương tổn dương khí, hao mất tân dịch, cho nên những chứng không nên phát hãn mà lại phát hãn, hoặc phát hãn quá đáng đều có thể gây thành chứng thương âm hoặc vong dương. Khi gặp bệnh cần phải theo đúng nguyên tắc của phép hãn để tránh sự lầm lẫn.

 

 

Phủ của kinh Thái dương là bàng quang, nếu bệnh tà ở kinh Thái dương không giải được thì bệnh tà sẽ từ kinh truyền vào phủ, lại có thể gây thành hai tính chất bệnh biến khác nhau, tức là chứng súc thủy và chứng súc huyền như nhiệt tà vào phần khí của Bàng quang, thời nhiệt và thủy kết lại với nhau, khí không vận hóa được mà thành ra chứng súc thủy, chứng trạng của bệnh này là mạch phù sác, phát sốt, phiền khát, tiểu tiện không thông, uống nước vào thì mửa, nên dùng Ngũ linh tán để hóa khí lợi thủy.

 

Nếu nhiệt tà vào phần huyết của bàng quang thì nhiệt và huyết kết lại với nhau mà thành ra chứng súc huyết, chứng trạng của bệnh này là mạch trầm, đau kết ở bụng dưới, tiểu tiện tự lợi và có hiện tượng như phát cuồng, đó là huyết ứ còn nhẹ, nên dùng bài Đào nhân thừa khí thang để tả nhiệt tà trục ứ huyết; nếu bụng dưới đầy cứng, đè vào đau mà có khối, hoặc thân mình phát vàng, tiểu tiện lợi mà phát cuồng, đó là nhiệt và ứ huyết tích lại ở trong thuộc về bệnh nặng, nên dùng Để dương thang để công trục ứ huyết; nếu không có chứng trạng phát cuồng, thì có thể dùng bài Để đương hoàn (3) để trục ứ huyết một cách từ từ.

 

 

Ngoài những chứng trên ra, nếu biểu chứng ở Thái dương chưa hết, mà uống lầm thuốc hạ thì tà nhiệt sẽ hãm vào ngực cùng kết với đờm và thủy khí làm súc thủy, hiện ra chứng từ dưới tâm đến bụng dưới đầy cứng mà đau, sờ tay vào thì khó chịu đó là chứng Đại kết hung, nên dùng Đại hãm hung thang để tẩy nhiệt và trục thủy tà;

 

nếu như kết lại còn nhẹ, chỉ ở dưới tâm, đè vào mới thấy đau, mạch phù hoạt, đó là chứng tiểu kết hung, nên dùng Tiểu hãm hung thang (4) để lợi đàm khống kết.

 

Sau khi uống lầm thuốc hạ nếu không thành chứng kết hung, vùng dạ dày đầy mà không đau, gọi là chứng bĩ đầy. Chứng bĩ là bệnh vì vị khí không điều hòa hư nhiệt tắc trệ lại, nếu có chứng lợm nôn, dưới tâm đầy tức, thì dùng Bán hạ tả tâm thang (5), dùng vị đắng để giáng, vị cay để khai mà tiết nhiệt, tiêu bĩ;

 

nếu trong vị không yên, dưới tâm đầy cứng, ợ ra mùi đồ ăn, dưới sườn có thủy khí, bụng sôi, thì dùng Sinh khương tả tâm thang (6) để tán thủy tà đình trệ,

 

nếu đã nhiều lần uống lầm thuốc hạ, làm cho vị khí suy yếu, rồi khí nghịch lên, dưới tâm đầy cứng, thì dùng bài Cam thảo tả tâm thang (7) để điều hòa trung tiêu mà chữa bì;

 

nếu dưới tâm có nhiệt sinh chứng bĩ, mạch ở bộ quan phù, thì dùng Đại hoàng liên tả tâm thang (8) để tiết hư nhiệt; dưới tâm bĩ mà lại sợ rét thì dùng Phụ tử tả tâm thang (9) để trợ dương mà tiêu bí.

 

 

Tóm lại, chứng chủ yếu của bệnh Thái dương là ớn lạnh, phát sốt, phép hữa chủ yếu là phát hãn giải cơ.

Thiên âm dương ứng tượng đại luận sách Tố Vấn nói: "Người chữa bệnh giỏi là chữa khí tà còn ở lông da".

Cho nên bệnh ở Thái dương, không kể là trúng phong hay thương hàn, nếu chữa được kịp thời thì phát hãn một lần là tà giải, có thể ngăn chặn được, hoặc trên căn bản đã khống chế được sự phát triển của bệnh.

 

 

 

2. Bệnh Dương minh

 

 

Bệnh Dương minh là chứng thực nhiệt mà bệnh tà đã truyền vào lý, chứng hiện ra phần nhiều là sốt cao, tự ra mồ hôi, khát uống nhiều nước, không ớn lạnh mà sợ nóng, hoặc đại tiện táo kết không thông, bụng đầy đau, sốt từng cơn, nói sảng v.v...

Nhưng chứng trạng ấy phần nhiều vì trường vị bị táo nhiệt kết chặt lại mà gây nên, cho nên sách "Thương hàn luận lấy chứng "Vị gia thực" làm đề cương của bệnh Dương minh.

 

 

Nguyên nhân của bệnh Dương minh, chủ yếu có 3 phương tiện dưới đây: một là từ Thái dương truyền vào, vì bệnh ở Thái dương phát hãn nhiều quá, làm hao tổn tân dịch, hoặc bệnh ở Thái dương phát hãn rồi mà chưa đúng mức, biểu tà truyền vào lí mà hóa thành nhiệt thành táo; hai là bệnh từ Thiếu dương truyền đến, vì phát hãn hoặc lợi tiểu làm hao tổn tân dịch đến nỗi dạ dày ráo mà thành kết thực; ba là tà ở kinh Dương minh truyền vào phủ, nhiệt kết ở trường vị gây thành bệnh "vị gia thực" của Dương minh.

 

 

Nguyên nhân gây nên bệnh Dương minh, trừ những nguyên nhân nói ở trên còn có vì bệnh ở tam âm kinh mà chính khí dần dần hồi phục, tà khí đạt ra ngoài, âm chứng chuyển sang dương, có nhiều hướng chuyển vào Dương minh, như ý nghĩa của Nội kinh nói: "Tà ở âm kinh truyền vào vị phủ".

Trong ba thiên tam âm ở sách Thương hàn luận, đều có chứng nên hạ, tức là nói rõ âm chứng có thể chuyển thành dương chứng, tà ở tạng có thể trở ra phủ. Căn cứ vào đó thì bất kỳ chứng hậu ở một kinh nào đều có thể chuyển thành bệnh của Dương minh, mà khi bệnh thế truyền đến Dương minh phần nhiều là có triệu chứng tốt, bởi vì người bệnh cần phải có đầy đủ cơ năng chống bệnh, mới có thể gây nên chứng hậu về thực nhiệt, lúc ấy nếu biết chữa ngay, thường thường có thể lành bệnh một cách nhanh chóng.

Tuy thế nhưng hoàn toàn không phải là sau khi đã làm thành bệnh Dương minh rồi thì không có chuyển biến gì nữa. Nếu người bệnh tỳ vị hư nhược, dương khí ở trung tiêu kém, thì cũng có thể từ bệnh vị gia thực của Dương minh mà chuyển thành các chứng hư hàn của Thái âm như bụng đầy, ỉa chảy, nôn mửa, không khát nước. Nói chung: "Thực thì Dương minh, hư thì ở Thái âm". Thậm chí còn có thể chuyển thành bệnh Thiếu âm, tay chân quyết lạnh, mạch trầm tế, đó là căn cứ vào lí luận "Dương minh là che đỡ bên ngoài cho kinh âm".

 

 

Bệnh Dương minh có sự phân biệt là chứng ở kinh và chứng ở phủ, phàm sốt cao độ, tự ra mồ hôi, không sợ rét mà sợ nóng, bứt rứt, khát nước uống nhiều, mạch hồng đại, là tà nhiệt của Dương minh tản mạn khắp toàn thân, chưa kết lại một chỗ mà thành ra thực, gọi là chứng của Dương minh kinh, nên dùng Bạch hổ thang để thanh nhiệt sinh tân.

 

Nếu đến quá trưa có chứng sốt cơn, nóng hâm hấp ra mồ hôi, đại tiện bế, bụng đầy, đau, đánh rắm, nói sảng, mạch thực hữu lực, là nhiệt đã kết ở trường vị, trong bụng đã có phân táo mà thành ra thực rồi, gọi là chứng của Dương minh phủ, nên dùng phép hạ làm chủ yếu; nhưng cần có sự phân biệt về sự nặng nhẹ hoãn cấp của bệnh.

 

Ví như chỉ có trạng trong dạ dày khô ráo, chứng bĩ mãn chưa nặng thì nên dùng Điều vị thừa khí thang để hạ một cách nhẹ nhàng mà điều hòa vị, nhuận táo;

 

nếu nhiệt kết ở trong còn nhẹ, đầy trướng mà không cứng, thì nên dùng Tiểu thừa khí thang để hạ một cách từ từ mà tả nhiệt điều khí;

 

nếu táo nhiệt kết ở trong, phân đã cứng rắn, có đủ các chứng trạng bĩ, mãn, táo thực, thì dùng Đại thừa khí thang để hạ một cách cấp tốc mà làm mềm chất cứng, tả nhiệt, thông lợi đường ruột, tống hết ứ trệ.

 

Vì bệnh Dương minh táo nhiệt dữ quá, tất nhiên làm thương tổn đến tân dịch, cho nên khi chữa cần tránh những phép phát hãn và lợi tiểu sợ làm thương tổn đến tân dịch, thì lại táo thêm.

 

Nếu thế bệnh mới truyền vào Dương minh biểu tà chưa hết, tân dịch chưa bị thương tổn, thì còn có thể châm chước dùng phép Ma hoàng, Quế chi để giải biểu trước, đợi sau khi biểu tà giải được rồi, thì sẽ công lí.

 

 

Bệnh ở Dương minh, ngoài lối tà khí hóa táo mà gây thành hai chứng kinh và phủ ra, có lúc cũng có thể tà khí từ thấp biến hóa mà gây nên chứng phát hoàng, vê hiện chứng và cách chữa bệnh này nói rõ ở mục Hoàng đản trong chương này.

 

 

Bệnh Dương minh là thời kỳ cao độ của bệnh phát sốt, thế bệnh tuy nặng hơn bệnh Thái dương, nhưng khi tà đã truyền đến Dương minh là bệnh tình có chiều hướng ổn định, đồng thời vì kinh này lại nhiều khí, nhiều huyết, sức đề kháng mạnh, nếu chữa được đúng (hoặc thanh, hoặc hạ) thì bệnh chóng lành.

 

 

 

3. Bệnh Thiếu dương

 

 

Bệnh Thiếu dương thuộc về chứng nhiệt ở bán biểu, bán lý. Bán biểu, bán lí là nói bệnh tà đã rời khỏi phần biểu của Thái dương mà chưa truyền vào phần lý của Dương minh, đang ở vào giai đoạn giữa biểu và lý, lúc đó nếu sức chống bệnh của cơ thể mạnh là có thể đuổi tà khí ra biểu mà bệnh khỏi, nếu sức chống bệnh yếu thì tà khí cũng có thể vào lý mà bệnh nặng thêm.

 

 

Bệnh Thiếu dương biểu hiện ra những chứng khi nóng, khi rét ngực sườn đầy đau, tâm phiền hay mửa, miệng đắng, cổ khô, mắt hoa. Về cách chữa chỉ nên dùng phép hòa giải, dùng Tiểu sài hồ thang làm chủ phương, bởi vì tà không ở biểu, cũng chưa vào kết thực ở lý, cho nên ba phép Hãn, Thổ, Hạ đều không dùng được.

 

 

Bệnh Thiếu dương đã thuộc vào chứng bán biểu bán lý ở vào giữa Thái dương và Dương minh, cho nên thường thấy kiêm có chứng biểu của Thái dương và chứng lý của Dương minh. Nếu kèm có biểu chứng của Thái dương thì nên dùng kèm phép hãn, như Sài hồ quế chi thang (10); nếu kèm có lý chứng của Dương minh, thì có thể dùng kiêm với phép hạ như bài Đại sài hồ thang. Đó là thuộc về cách biến đổi là bệnh Thiếu dương có thể phát hãn hoặc có thể hạ.

 

 

Mặt khác, vì Thiếu dương và Quyết âm có quan hệ biểu lí với nhau, cho nên bệnh Thiếu dương lúc phát triển mạnh có thể truyền vào Quyết âm, khi bệnh Quyết âm đã giảm bớt cũng có thể chuyển ra Thiếu dương, đó lại là một quá trình chuyển biến của bệnh lý.

 

 

 

4. Bệnh Thái âm

 

 

Bệnh Thái âm với bệnh Dương minh tuy cùng là chứng, nhưng về tính chất thì lại trái nhau, về bệnh Dương minh là dương chứng thuộc về nhiệt về thực, bệnh Thái âm là âm chứng thuộc về hư hàn. Trên cơ chế của bệnh lý thì bệnh Dương minh là nhiệt kết hóa ra táo, bệnh Thái âm là hàn kết hóa ra thấp.

 

 

Chứng chủ yếu của bệnh Thái âm là: bụng đầy có lúc đau, nôn mửa, ỉa chảy, không ăn uống được, đó là tỳ vị hư hàn, thấp tà thịnh ở trong mà gây nên, cho nên phép chữa chủ yếu là phải ôn bổ dương khí ở trung tiêu, trừ hàn, táo thấp như bài Lý trung thang (11), Tứ nghịch thang có thể tùy chứng chọn dùng.

 

 

Đoạn trên đã nói: "Thực thì ở Dương minh, hư thì ở Thái âm, tức là dương khí ở trung tiêu suy kém thì tà khí có thể từ Dương minh chuyển sang Thái âm; nếu dương khí ở trung tiêu trở nên thịnh, thì tà khí cũng có thể từ Thái âm chuyển sang Dương minh. Nếu bệnh Thái âm bụng đầy mà thực và đau thì dùng Quế chi gia Đại hoàng thang đó chính là trường hợp từ âm chuyển sâng dương, từ hư chuyển sang thực".

 

 

Bênh Thái âm hàn và thấp uất lại lâu ngày cũng có thể sinh chứng phát hoàng, nhưng mà sắc tối Sẫm, và cũng không có hiện tượng đắng miệng phát sốt, khác với bệnh Dương minh vì thấp nhiệt uất lại nung nấu mà sinh chứng vàng da, cho nên về Thái âm thì gọi là "âm hoàng", về Dương minh thì gọi là "dương hoàng". Phép chữa cụ thể về chứng âm hoàng xem ở mục Hoàng đản trong chương này.

 

 

 

5. Bệnh Thiếu âm

 

 

Bệnh Thiếu âm chủ yếu là dương khí ở tâm thận suy kém, biểu hiện ra hiện tượng hư hàn khắp toàn thân. Sự biến hóa của bệnh lý là dương hư âm thịnh, bệnh hóa ra hàn. Chứng chủ yếu là sợ rét, nằm co, chân tay giá lạnh, mạch vi tế, chỉ muốn ngủ, chứng bệnh này tương đối nguy hiểm hơn, muốn biết lành hay dữ thì lấy dương khí còn hay mất làm mấu chốt chủ yếu, nếu dương khí còn là sống , dương khí mất là chết. Vì thế về phép chữa, việc cần thiết là phải phù dương, hồi dương, Tứ nghịch thang là phương thuốc đại biểu chữa bệnh Thiếu âm.

 

 

Một cách biến hóa khác của bệnh Thiếu âm là: âm hư dương lấn lên, bệnh hóa ra nhiệt, biểu hiện ra chứng trạng trong tâm phiền, không nằm được, đó là hiện tượng âm hư dương lấn lên, trái lại với hàn chứng là từ âm hóa hàn, cho nên phép chữa chủ yếu là dưỡng âm thanh nhiệt, bài Hoàng liên a giao thang là một bài thuốc đại biểu cho phép chữa này.

 

 

Trong quá trình hàn hóa của bệnh Thiếu âm có khi có thể xuất hiện ra chứng hậu âm cực giống như dương, lúc đó một mặt biểu hiện ra chứng hư hàn như đi ỉa sống phân, chân tay quyết lạnh, mạch vi muốn tuyệt, đồng thời lại biểu hiện ra chứng giả nhiệt như phát sốt, mặt đỏ, phiền táo, đó là âm thịnh ở trong, đẩy dương ra ngoài, mà gây nên, chứng này chết rất nhanh, lúc đó cần phải dùng ngay bài Thông mạch tứ nghịch thang hoặc bài Bạch thông gia trư đởm trấp thang để ôn kinh thông mạch mà hồi dương. Do đó có thể biết Thiếu âm là một tạng vừa có thủy lại vừa có hỏa, nên trong việc chữa có hai phép lớn là hồi dương và cứu âm.

 

 

Như bệnh Thiếu âm lúc mới phát mạch trầm mà lại có biểu chứng của Thái dương, phát sốt, không có mồ hôi, thì có thể dùng bài Ma hoàng phụ tử tế tân thang để ôn kinh mà phát hãn, chiếu cố cả hai phần biểu và lý. Như bệnh Thiếu âm thận thủy bị nung đốt, nhiệt ở Dương minh phủ lại thịnh lên, hiện ra những chứng miệng ráo, cổ khô, hoặc bụng chướng không đi đại tiện, thì nên dùng Thừa khí thang hạ ngay để bảo tồn phần âm và tả nhiệt ở Dương minh, đó tức là cứu phần âm ở Thiếu âm, nếu để chậm không hạ, thì dương sẽ mạnh lên, không kiềm chế lại được, mà âm dịch càng thêm hao kiệt.

 

 

6. Bệnh Quyết âm

 

 

Bệnh Quyết âm là giai đoạn cuối cùng của chính khí giành với tà khí cho nên chứng hậu của kinh này biểu hiện ra, nói chung là lẫn lộn, phức tạp, nhưng trên cơ bản có thể chia thành 4 loại:

 

 

- Một là chứng "thượng nhiệt hạ hàn" thì biểu hiện ra các chứng tiêu khát, khí xông lên tâm, trong tâm nóng và đau, đói mà không muốn ăn, ăn vào thì mửa ra giun đũa, uống thuốc hạ vào thì đi ỉa không cầm được, phép chữa nên dùng bài Ô mai hoàn vừa là thuốc hàn vừa là thuốc để ấm nội tạng mà yên được giun.

 

 

- Hai là chứng "hàn nhiệt thắng phục", thì xuất hiệnủa chứng nhiệt và quyết thay đổi nhau. Nếu quyết nhiều hơn nhiệt là chính khí hư, tà khí thịnh, là hiện tượng bệnh tiến, nếu nhiệt nhiều hơn quyết là chính khí hồi phục, tà khí rút lui, là hiện tượng bệnh bớt. Theo tình hình quyết và nhiệt thay đổi nhau thì có thể suy biết tình hình tiêu trưởng của âm dương, thịnh suy của tà khí, chính khí, như thế đối việc chẩn đoán và chữa bệnh, đều là có ý nghĩa trọng yếu.

 

 

- Ba là chứng "Quyết âm hàn" thì biểu hiện ra chứng tay chân lạnh giá, mạch vi muốn tuyệt, đó là do huyết hư , hàn uất, gây nên, nên dùng Đương quy tứ nghịch thang để ôn kinh thông mạch, vì hàn khí và thủy ẩm nghịch lên sinh chứng mửa ra nước bọt mà đau đầu, thì nên dùng Ngô thù du thang.

 

 

- Bốn là chứng "Quyết âm nhiệt" nếu nhiệt tà của Quyết âm bức bách ở dưới thành ra chứng lỵ nhiệt, mót rặn, thì nên dùng Bạch đầu ông thang để thanh nhiệt giữ âm. Còn như khi tà khí ở quyết âm có cơ chuyển ra ngoài, hiện ra chứng mửa, phát sốt của Thiếu dương thì có thể dùng Tiểu sài hồ thang để làm cho tà khí từ Thiếu dương mà giải ra.

 

 

 

 

II. Ôn bệnh

 

 

 

Vì thời tiết và nhân tố phát bệnh khác nhau, cho đến chứng hậu biểu hiện ra cũng đều khác nhau, cho nên trong học thuyết Ôn bệnh đã phân biệt nêu ra nhiều loại bệnh không giống nhau. Đoạn dưới đây giới thiệu đại khái về mấy chứng chủ yếu có tính chất đại biểu ở trong đó như xuân ôn, thử ôn, thấp ôn, thấp ôn, thu táo, đông ôn và cách chữa những bệnh ấy.

 

 

1. Xuân ôn, phong ôn

 

 

Xuân ôn, phong ôn đều là bệnh phát nhiệt lưu hành về mùa xuân, nhưng về nguyên nhân, chứng hậu và cách chữa đều có chỗ giống và khác nhau, đồng thời quá trình của bệnh phong ôn thì ngắn, quá trình của bệnh xuân ôn thì dài, nay đem chỗ cốt yếu về triệu chứng và cách chữa chia bệnh ấy kể ra dưới đây:

 

 

a. Xuân ôn: bệnh xuân ôn phần nhiều về mùa đông cảm phải hàn tà, mà không phát bệnh ngay, ẩn phục vào phần trong cơ thể, uất lại lâu ngày hóa thành nhiệt, đến mùa xuân dương khí phát tiết, hoặc vì phong hàn khởi động, nhiệt ẩn phục ở trong phát ra ngoài mà sinh ra bệnh này.

 

 

Quá trình bệnh này phát ra dựa vào sự khác nhau của chứng bệnh thể hiện, có thể đem chia thành hai loại là khí phận và huyết phận để tiện cho việc biện chứng.

 

Khí phận: lúc mới phát thì mặt đỏ, mắt đỏ, đau đầu, trán hơi nặng, tay chân mình mẩy đau đớn khó chịu, sợ lạnh, không có mồ hôi, có thể dùng Kinh phòng giải biểu thang (12).

 

Nếu nóng dữ sợ gió hoặc có mồ hôi mà nóng vẫn không giải được tâm phiền, miệng khát, có thể dùng tân lương giải biểu như Thông sị cát cánh thang gia Hoàng cầm để thanh tiết lý nhiệt.

 

Nếu khi nóng, khi lạnh, ngực đầy, buồn nôn, có thể dùng Cao cầm thanh đởm thang.

 

Nếu lại có chứng hông ngực đầy tức đè vào thì đau, có thể cho uống Sài hồ hãm hung thang (14) để sơ khí tán kết;

 

nếu biểu tà đã hết mà nhiệt ẩn ở trong phát ra sinh các chứng khát uống nhiều nước, phiền táo, nói sảng, có thể dùng bài Lôi thị gia Bạch hổ thang, thanh lương để trừ nhiệt,

 

nếu có cả chứng đại tiện bí kết, nước tiểu đỏ, hông ngực nóng dữ, có thể dùng Lương cách tán gia giảm;

 

nếu mạch thực hữu lực bụng đầy chướng đau đè vào khó chịu, cần phải thông lợi ở phu mà trừ nhiệt, có thể chọn dùng một trong ba bài Thừa khí thang;

 

nếu âm dịch đã bị hao tổn không thể dùng Thừa khí thang được thì có thể dùng Tăng dịch thang (16) hoặc hợp với Điều vị thừa khí thang để điều hòa;

 

nếu nhiệt thế bốc lên mạnh, khoảng hông ngực hiện ra ban chẩn lờ mờ không rõ, thì cần phải kịp thời làm cho ban chẩn phát ra hết, muốn cho ban lên khắp thì dùng Hóa ban thang,

 

muốn cho chẩn lên khắp, thì dùng Ngân kiều tán bỏ Đậu sị mà gia các vị: Tế sinh địa, Đơn bì, Đại thanh diệp, Huyền sâm;

 

nếu tinh thần mê mẩn thì nên dùng thuốc phương hương khai khiếu thanh nhiệt giải độc, như bài Chí bảo đan, Tử tuyết đan.

 

Nếu sau khi lành bệnh còn hư phiền, nôn ọe, không ngủ được, có thể dùng bài Ôn đởm thang (17) gia các vị Dương sâm, Mạch đông, Giả thạch, Táo nhân...

 

Còn như điều lý sau khi lành bệnh thì có thể dùng những bài như Mạch môn đông thang.

 

 

Huyết phận: lúc mới phát thì cảm thấy gai rét, phát sốt không có mồ hôi hột, cổ họng khô đau, miệng ráo, răng khô, cách chữa nên tư âm giải biểu, dùng bài gia giảm Nhuy dy thang.

 

Nếu không thấy rét mà nóng dữ, có thể dùng theo phép thanh lương thấu tà của Lôi thị rồi gia giảm mà chữa .

 

Nếu nóng như đốt, phiền táo không yên, có lúc sinh chứng nục huyết, hoặc ho mửa có dây huyết. Phép chữa nên lương huyết, thanh nhiệt, thông huyết tiêu ứ, nên dùng Tê địa thanh lạc ẩm (20) giam giảm.

 

Nếu tinh thần hôn mê, nói sảng, đại tiện bí, nên dùng bài Tê liên thừa khí thang (21).

 

Nếu lưỡi rụt ngắn lại, tinh thần mê mẫn có thể đổi sang bài Ngưu hoàng thừa khí thang (22).

 

Nếu đại tiện không bí phép chữa nên dùng thuốc phương hương khai khiếu, để làm mát và tuyên thông ở bào lạc, dùng bài An cung ngưu hoàng hoàn.

 

Nếu có chứng động phong, cứng đờ quyết lạnh, chân tay co quắp, mạch huyền mà cứng, phép chữa nên dùng bài Linh dương câu đằng thang gia giảm để thanh nhiệt mà thư cân.

 

Nếu như chất dịch ở can thận kém, mạch tế sác, tân dịch khô mà phong động lên, lại nên cho uống bài Tam giáp phục mạch thang để dưỡng âm, làm yên phong tà. Nhưng bệnh đã đến như thế, chắc là về sau không tốt.

 

Còn như điều lý khi bệnh đã khỏi, thì có thể chọn mà dùng những bài như Trúc diệp thạch cao thang, Ngọc trúc môn đông thang (24), Thanh tân liên tử ẩm (25).

 

 

b. Phong ôn: bệnh phong ôn là cảm thụ khí ấm áp của mùa xuân mà phát ra như khi trời khô tạnh, khí hậu ấm áp, người ta làm việc nhiều, ra mồ hôi, hoặc người vốn bẩm thụ âm khí bất túc, tấu lý không được kín đáo, cảm nhiễm phải khí ấy, thì phát ra bệnh phong ôn.

 

 

Bệnh này lúc mới phát thì có những chứng mình nóng, sợ gió, đau đầu, ho đờm, khát nước, mạch phù sác, rêu lưỡi trắng mỏng, đó là tà còn ở phần biểu, có thể cho uống bài Thông sị thang hoặc dùng những vị thuốc tân lương giải biểu như Bạc hà, Ngưu bàng tử, Tiền hồ, Hạnh nhân, Cát cánh, tang diệp, Tượng bối, Kinh giới, hết thảy bệnh cảm nhẹ thường thường uống vào là khỏi.

 

Nếu như nóng nhiều, không có mồ hôi, ho đờm, khí suyễn, rêu lưỡi hoặc trắng hoặc vàng, mạch phù hoạt mà sác, đó là tà nhiệt tắc ở phế kinh không tuyên thông ra được, dùng Ma hạnh thạch cam thang (26 đã giải rồi, chỉ nóng mà không rét, ho đờm khí suyễn, tiếng đờm khò khè trong cổ, khát nước, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch hoạt sác, đó là đàm và nhiệt cản trở ở phế, phế không đưa được khí mát xuống mà gây nên, có thể cho uống bài đình lịch đại táo tả phế thang gia vị hợp với bài Vỉ hành thang (27) để tả phế, định suyễn, hóa đờm thanh nhiệt.

 

Nếu mình nóng, ho đờm, khát nước, són ỉa, ngực đầy, rêu lưỡi vàng, mạch sác, đó là ôn tà từ phế vị dẫn xuống đại trường, có thể cho uống bài Cát căn cầm liên thang (28).

 

Nếu nhiệt ở trong bốc lên mạnh, phiền khát luôn luôn, phép chữa nên thanh phế lương vị, có thể dùng bài Tăng giảm bạch hổ thang.

 

Nếu nhiệt tà làm hao hết tân dịch, can phong động ở trong mà sinh ra chứng mình nóng, ho đờm, miệng khát, thần mê, chân tay co giật giống như động kinh, mạch huyền sác, có thể dùng bài Linh dương câu đằng thang để thanh nhiệt dập tắc phong tà.

 

 

Nói tóm lại, chứng phong ôn rất dễ hóa thành táo mà thương tổn đến âm cho nên về phép chữa chủ yếu là dùng những thuốc hơi ngọt, hơi mát, rất kiêng những vị cay ấm, phát tán hoặc thứ thuốc quá mạnh, quá tiêu, để tân dịch khỏi bị hao tổn mà sinh biến chứng.

 

 

Nói chung đặc điểm của bệnh xuân ôn: về tinh thần phần nhiều vật vã không yên, không được sáng suốt, có lúc không bày tỏ sự đau đớn một cách đúng được.

 

Thời kỳ đầu chất lưỡi phàn nhiều đỏ tươi mà có rêu trắng mỏng nổi lên, tiếp đó lưỡi đỏ sẫm mà khô táo ít tân dịch, nặng thời tía mà khô tối, hoặc như bầu dục lợn, mạch nói chung thì phần nhiều trầm, sác, tuy có thêm chứng tân cảm cũng không hiện rõ ra mạch phù, chứng này là vì chính khí hư trước, không thể đuổi tà ra ngoài được mà gây nên. Chứng bệnh của bệnh xuân ôn, bệnh còn ở phần khí, phần nhiều là thực chứng, bệnh ở phần huyết, phần nhiều là hư chứng, thực chứng thì dễ kết lại ở trường vị, hư chứng thì dễ hãm vào Quyết âm, hai chiều hướng đổi của bệnh đại khái như thế.

 

 

 

2. Bệnh thử ôn: (Phụ thêm chứng thửu phong, trúng thử).

 

 

Bệnh thử ôn chủ yếu là bệnh nhiệt tính, vì cảm phải khí hậu nóng bức của mùa hè mà phát ra, nhưng nếu gặp các khí phong, vũ, hàn, thấp hoặc ăn nhiều đồ sống lạnh, cũng thường có thể dẫn đến bệnh này, cho nên bệnh thử ôn lại có những chứng hậu kiêm thấp, kiêm hàn.

 

 

Bản chứng của bệnh thử ôn là đau đầu, nóng dữ, khát nhiều, nhiều mồ hôi, mạch hồng, đại mà sác, phép chữa nên thanh thử, tiết nhiệt, dùng bài Bạch hổ thang.

 

Nếu mạch yếu có thể gia thêm Nhân sâm. Nếu thử và nhiệt thương tổn đến khi làm hao tân dịch, thân thể nóng, tự ra mồ hôi, người nhọc mệt, mạch hư, hơi thở ngắn như suyễn, có thể dùng Tân định thang thử ích khí của Vương thị (30).

 

Nếu ra mồ hôi nhiều, mạch tán đại, suyễn, khát muốn thoát, thì có thể dùng Sinh mạch tán.

 

 

Thử kiêm hàn thì lúc bệnh mới phát ra có cả các chứng rét ở ngoài, đau đầu, nóng rét, chân tay mỏi mệt, không có mồ hôi, hoặc có mồ hôi. Cách chữa nên dùng phương thuốc tân ôn, phát hãn và tân lương trừ thử như bài Nhu hoắc khư thử phương (31) để phát hãn giải biểu.

 

Nếu nặng về phần thử và nhiệt, thì nên dùng bài Diệp thi Nhu hạnh thang (32) để giải thử nhiệt và thanh lợi.

 

Nếu sau khi ra mồ hôi, chứng thử đã bớt mà đầu hơi trướng lên, mắt không linh lợi là vì dư tà chưa hết, có thể dùng bài Ngô thị Thanh lạc ẩm (33) là thuốc tân lương để trừ hết dư tà còn lại trong phế lạc.

 

Nếu vì thương thử khát nước, ăn bậy những đồ dưa quả sống lạnh mà sinh nôn mửa tiết tả, ngực đầy tức, rêu lưỡi trắng trơn, thì dùng bài Lục hòa thang bỏ Nhân sâm, Biển đậu để điều hòa lại.

 

 

Thử kiêm thấp mà lúc đầu có biểu chứng, thì dùng Hoắc hương chính khí tán để hóa thấp trừ thử, khi biểu tà đã giải rồi mà có các chứng ở khoang miệng dạ dày khó chịu, bụng đầy, tiết tả, tiểu tiện ít, thì đổi dùng Đại quất bì thang gia giảm là thuốc thấm thấu để trừ thấp.

 

 

Phép chữa chung về thử và thấp tà: trước tiên dùng thuốc tân lương, rồi dùng thuốc cam hàn, cuối cùng dùng thuốc cam toan để thu liễm tân dịch, ngoài ra như thanh tâm, lợi tiểu tiện cũng là điểm chủ yếu để chữa bệnh này.

 

 

a. Thử phong: bệnh này là chứng nội phong do thử và nhiệt gây ra. Thường thấy các chứng trạng phát sốt, đau đầu dữ dội, nôn mửa, co giật, hôn mê, buồn bực, vật vã và nói sảng.

 

 

Bệnh thử phong mà nặng thì thường thường đột nhiên sốt cao độ, hoặc có rét run, rồi thì co giật, hôn mê, hàm răng nghiến chặt, nặng thì tay chân giá lạnh.

 

 

Bệnh này có thể tham khảo ở cách chữa bệnh thử ôn. Nói chung chủ yếu đều dùng thuốc tân lương để thấu tà, thuốc thanh nhiệt để giải độc, thuốc phương hương khai khiếu để bình can và tức phong.

 

Thuốc tân lương thấu tà như bài Bạch hổ thang dùng chung với bài Ngân kiều tán và gia các vị Thanh cao, Bội lan.

 

Thuốc thanh nhiệt giải độc như Thanh ôn bại độc ẩm. Thuốc phương hương khai khiếu như những bài Tử tuyết đơn, An cung ngưu hoàng hoàn.

 

Thuốc bình can tức phong như các vị Linh dương giác, Sinh địa, Huyền sâm, Thạch quyết minh, Cam cúc hoa, Câu đằng, Toàn yết.

 

Ngoài ra như khi lợm giọng nôn mửa, có thể dùng những vị Giả thạch, Trúc nhự; như thấy chứng cứng đờ quyết lạnh nhiều đờm thì có thể dùng những vị Thiên trúc hoàng, Viễn chí, Xương bồ. Các phép chữa ở trên, có thể kết hợp mà sử dụng.

 

 

Như chứng thử phong mà thiên về thấp, trong tình hình răng miệng và rêu lưỡi chưa đến nỗi khô táo, nếu cần dùng thuốc cay mát đuổi tà, thì có thể dùng bài Bạch hổ thang hợp với bài Hương nhu ẩm.

 

Khi tinh thần hôn mê thì dùng bài Bạch hổ thang hợp với bài Chí bảo đơn và bài Bảo long hoàn; như lúc mới phát mà hiện ngay ra chứng tay chân giá lạnh, thuộc về trường hợp nhiệt độ cao thì giá lạnh cũng cao, thì trong bài thuốc tân lương lại nên dùng Tô hợp hương hoàn để phụ tá thêm, để thanh nhiệt khai bế.

 

 

Trong quá trình chữa bệnh thử phong, cần chú ý xem đại tiểu tiện khó đi hay dễ đi, nếu đại tiện bí, rêu lưỡi vàng thì trong những bài thuốc chữa bệnh có thể gia thêm những vị Huyền minh phấn, Qua lâu để nhuận đại tiện.

 

Nếu tiểu tiện không lơị, vàng, đỏ, thì có thể gia Liên tử tâm, ích nguyên tán (37) để thanh lợi đại tiểu tiện.

 

Chứng này khi đã chữa khỏi rồi, nếu thời gian bị bệnh không dài, thì sau khi bệnh lành có thể hồi phục như cũ, nếu thời gian hôn mê lâu và liên tục cứng đờ giá lạnh thì sau khi bệnh lành rồi thường còn có các chứng không nói được, chân tay mình mẩy không mềm mại điều hòa, hoặc một bên tay chân không vận động được.

 

Có thể căn cứ vào tình hình toàn diện lúc đó, mà trong những bài thuốc chữa bệnh lại gia thêm những vị thuốc thông lạc như: Xương bồ, Thuyền y, Trúc nhự, Tang kí sinh, Nhẩn đông đằng để được thích đáng hơn.

 

 

(1) Nhiệt thâm quyết diệc thâm ?

 

 

b. Bệnh trúng thử: bệnh này người xưa gọi là bệnh "Trúng yết". Cũng gọi là "Thử quyết". Nguyên nhân của nó, ngoài lí do như sách Sào thị bệnh nguyên nói "vì trời nắng chang chang mà đi đường xa" hoặc khi làm việc ở ngoài nắng lâu quá cũng có thể gây ra bệnh này.

 

 

Chứng trạng lúc mới phát thường thấy thốt nhiên ngã lăn ra, mê man bất tỉnh, người nóng hơi có mồ hôi, suyễn thở không nói, hàm răng nghiến chặt. Trước khi phát bệnh cũng có thể có những hiện tượng đau đầu chóng mặt, lợm giọng. Bệnh này lúc mới phát thường trầm hoạt hữu lực; nếu bệnh thế trở nên ác liệt thì mạch thường Xúc mà Nhược, hơi thở cũng ngắn hơn, như lúc ấy không chết ngay, mà chữa được đúng thì cũng có thể khôi phục dần dần lại được.

 

 

Bệnh này khi mới bắt đầu, cấm không được uống hoặc dùng nước lạnh mà phun để làm cho thử tà khỏi vì thế mà không đạt ra ngoài được. Cần phải dùng ngay phép giải thử khai bế tắc, như đại tễ Lục nhất tán sắc thành nước uống với bài Hành quân tán (38), lại dùng một ít thuốc Bát bảo hồng linh đan (39) thổi vào mũi để cho ách xì, đợi sau khi tinh thần đã tỉnh lại cho uống Bạch hổ thang hoặc bài Trúc diệp thạch cao thang tùy theo người hư thực mà điều trị.

 

 

 

3. Bệnh thấp ôn:

 

 

Bênh này phần nhiều phát sinh vào khoảng cuối hạ đầu thu, vì cảm phải thấp tà của mùa này phát ra. Đặc điểm của bệnh là thời gian bệnh kéo dài phát sốt từ nhẹ rồi nặng dần lên, quá trưa lại nóng hơn, hoặc nóng rét như bệnh sốt rét.

Lúc mới phát thì thường thấy gai rét, hâm hấp phát sốt, rêu lưỡi nhợt, không khát, hoặc tuy khát mà không muốn uống nước, hoặc muốn uống nước nóng, ngực đầy, bứt rứt, mạch phiền nhiều nhu hoẵn hoặc trầm mà hoãn trệ; nếu nhiệt tà lưu lại lâu ngày ở khí phận thì phần nhiều sinh chứng "Bạch bồi", ở huyết phần thì có thể phát sinh chứng xích chẩn.

 

 

Bệnh này thường vì ôn tà cảm vào nặng hay nhẹ, hóa nhiệt nhiều hay ít, nên chứng hậu biểu hiện ra cũng có khác nhau, nói chung thì có sự phân biệt là thấp nhiều hay nhịt nhiều. Nguyên tắc chữa bệnh này là dùng ba phép: phương hương hóa trọc, thấm thấu dễ hút thấp khí, đắng lạnh để giải nhiệt.

Vận dụng có thể là, nếu thấp nhiều thì dùng thuốc phương hương để hóa trọc khí, thuốc thấm thấu hút thấp khí làm chủ, thuốc đắng lạnh để giải nhiệt là phụ nếu nhiệt nhiều thì dùng thức đắng lạnh đê giải nhiệt làm chủ yếu, thuốc phương hương hóa trọc khí và thuốc thấm thấu để hút thấp khí là phụ.

 

 

Lúc bệnh mới phát có chứng trạng của biểu tà, thì nên dùng phép phương hương hóa trọc (40) của Lôi thị mà gia giảm, để giải biểu tiêu thấp, làm cho thấp tà theo bì phu mà giải ra.

 

Nếu thấp tà lưu trệ ở khí phần sinh chứng nóng rét như chứng sốt rét thì có thể dùng bài Cao cầm thanh đởm thang để hòa giải và hóa thấp.

 

Nếu không còn chứng ớn lạnh nữa, thấp bị nhiệt ngăn lại, mà có hiện tượng ngực bụng đầy tức, buồn bực vật vã, nói sảng, thì dùng Tăng giảm hoàng liên tả tâm thang (41) hoặc Hoàng liên giải độc thang uống với bài Cam lộ tiêu độc đan (42) để tiết nhiệt lợi thấp.

 

Nếu thấp và nhiệt đều nặng, nóng dữ, khát nước, tự ra mồ hôi, mình nặng, ngực đầy, mạch hồng đại mà trường, có thể dùng bài Thương truật bạch hổ thang (43), chứng thấp nặng hơn thì: rêu lưỡi trắng dày, hoặc kiêm vàng sẫm, hai bên lưỡi đỏ, đó là hiện tượng thấp nhiều không hóa được, thì phép chữa nên hóa thấp là chủ yếu, thanh nhiệt là phụ, như Hoắc phác hạ linh thang (44) hoặc Tam nhân thang (45) đều có thể chọn dùng.

 

Chứng nhiệt nặng hơn thì rêu lưỡi vàng lẫn trắng mà hơi khô, rồi sau vàng dày, mạch phần nhiều sáp sác hoặc hồng hạt, thì phép chữa nên dùng thanh nhiệt là chủ yếu, hóa thấp là phụ, có thể dùng thuốc cay để mở ra, thuốc đắng để giáng xuống, hoặc thuốc đắng lạnh để giải nhiệt, như bài Liên phác sẩm của Vương thị.

 

 

Thấp đã hóa thành táo, nhiệt đã vào dinh phần, thời lưỡi đỏ sẫm, thần mê, nên dùng Tê giác địa hoàng thang hoặc Thanh dinh thang phụ thêm bài Tử tuyết đơn, hoặc bài An cung ngưu hoàng hoàn để thanh tâm lương huyết; nếu kiêm có chứng run, giật kinh, quyết thì dùng Linh dương câu đằng thang hoặc bài Tê địa thanh thần thang (47) gia thêm Tử tuyết đan, để mát tâm thông kinh lạc, bình can tức phong.

 

 

Bệnh đến thời kỳ cuối nhiệt đã lậm sâu vào phần dinh, cần phải đề phòng, đừng để nhiệt làm tổn thương các âm lạc, mà biến thành chứng hạ huyết.

Nói chung lại nếu thấy chất lưỡi sạch trơn không có rêu thì nên kịp thời làm thanh dinh huyết, đề phòng sự phát sinh chứng trạng hạ huyết.

Nếu đã có chứng hạ huyết, nhiệt độ bỗng nhiên hạ xuống, sắc mặt xanh nhợt, mạch trầm tế, nặng thì lã mồ hôi chân tay lạnh, đó là triệu chứng vong dương nguy hiểm, trước tiên nên dùng bài Độc sâm thang tiếp đó dùng bài Đào hoa thang hoặc hợp dụng với bài Hoàng thổ thang để hồi dương cố thoát.

Nếu hạ huyết không có chứng trạng vong dương nói ở trên mà mạch tế sác, tâm phiền không yên, là hiện tượng thương âm, có thể dùng Tê giác địa hoàng thang, hoặc Hoàng liên a giao thang gia thuyến thảo thán, Địa du, Ngân hoa thán để làm mát dinh huyết.

 

 

(1) Bạch bồi: một thứ hạt nhot trong, bóng như thủy tinh, đây là một loại Thủy bào hay mọc ở xung quanh gáy, cổ, ngực bụng và lưng, Nam bộ gọi là trái trắng.

 

(2) Xích chẩm: sởi lên màu đỏ, Nam bộ gọi là trái đỏ.

 

 

Ngoài ra, thấp là âm tà rất dễ làm hại đến dương khí, như thấp hóa theo hàn sinh ỉa nhão, nên dùng bài Thẩm thị linh truật thang (48) để lấy sức ấm để hóa tan thấp tà. Hơn nữa, nếu có những hiện tượng nguy hiểm thuộc về âm chứng thì nên dùng ngay phép cứu chính khí để hồi dương (49) của Lôi thị bỏ Ngô thù gia Bạch thược để hồi dương cố thoát.

 

 

Chữa bệnh này cần phải chú ý là đã không nên phát hãn nhiều, hoặc phát hãn liều, cũng không nên hạ mạnh, hoặc hạ sai, hơn nữa bệnh đến kỳ giữa, kỳ cuối càng nên thận trọng.

 

 

 

4. Bệnh thu táo:

 

 

Thu táo là một thứ bệnh nhiệt tính do cảm phải táo khí của mùa thu mà phát sinh. Sách Thông tục thương hàn luận nói: "Đến cuối mùa thu thì trời mới lạnh, gió Tây heo hắt, người bị cảm phải, phần nhiều là bệnh phong táo, chứng này thuộc về lương táo, so với bệnh phong hàn mùa đông thì nhẹ hơn.

Nếu tạnh lâu không mưa, nắng thu thiêu đốt, người bị cảm phải phần nhiều là bệnh ôn táo, chứng này thuộc về táo nhiệt so với bệnh phong ôn mùa xuân thì nặng hơn. Vì thế, theo triệu chứng biểu hiện nếu thiên về hàn thì gọi là "lương táo" , thiên về nhiệt thì gọi là "ôn táo".

 

 

Bệnh này lúc mới phát thường có những hiện tượng đau đầu, ho đờm, nóng rét, không có mồ hôi, như thời gian ớn lạnh ít, nóng dần dần nặng thêm, và không phải vì mồ hôi ra mà dần dần giảm xuống, ho khan không có đờm, hoặc có đờm hơi đặc, cổ họng khô táo mà đau, mũi và miệng môi khô ráo, nuốt đau, da khô sáp tâm phiền, khát nước, khi ho thì hai bên sườn đau, rêu lưỡi trắng vàng khô khan, ở đầu lưỡi và hai bên lưỡi đỏ sẫm, đã có hiện tượng nhiệt bệnh, lại có tình hình tân dịch khô táo gọi là bệnh "Ôn táo".

 

 

Chứng hậu của bệnh lương táo căn bản cũng giống với bệnh ôn táo, nhưng trình độ giữa táo và nhiệt không rõ ràng như ôn táo. Nhưng sau khi đã hóa nhiệt rồi, thì những chứng trạng biểu hiện và xu thế phát triển cũng y như bệnh ôn táo.

 

 

Đặc điểm của bệnh này là: lúc bắt đầu đã xuất hiện ra chứng trạng tân dịch khô ráo và khác với những bệnh nhiệt tính khác. Vì thế phép chữa bệnh thu táo tuy có khi nên uống thuốc ôn, có khi nên uống thuốc lương khác nhau, nhưng nguyên tắc làm cho nhuận thì là một, cho nên bệnh ôn táo thì uống thuốc "lương nhuận", bệnh Lương táo thì uống thuốc "ôn nhuận".

 

 

Phép chữa bệnh lương táo: khi bắt đầu có những biểu chứng như đau đầu, mình nóng, sợ rét, không có mồ hôi, nên dùng thuốc tân tán biểu tà, dùng bài Hương tô thông sị thang (50) bỏ Hương phụ gia Hạnh nhân, Ngưu bàng, Tiền hồ, Cát cánh;

 

nếu hàn ở biểu nặng hơn, ho có đờm loãng mũi ngạt, thở khò khè, nên dùng bài Hạnh tô tán để ôn tán; nếu nóng rét qua lại ngực sườn đầy tức, ho đờm không khoan khoái thì nên hòa giải và kiêm dùng thuốc đắng để giáng hạ xuống, thuốc cay để phát ra, như bài Sài hồ chỉ cát thang (51) gia những vị Hạnh nhân, Tô diệp, Tiền hồ, Ngưu bàng tử;

 

nếu nhiệt tà đã giải rồi mà đại tiện bí, bụng hơi đau, thì nên dùng thuốc tân nhuận lợi khí như bài Ngũ nhân quất bì thang gia Qua lâu, Giới bạch; đợi sau khi bệnh lương táo đã hóa nhiệt rồi, thì phép chữa cũng giống với bệnh ôn táo.

 

 

Phép chữa bệnh ôn táo: lúc bắt đầu có các chứng đau đầu, mình nóng, khát nước, ho khan, không có đờm, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng mà khô táo, nhẹ thì dùng bài Tang cúc ẩm, nặng thì dùng bài Tang hạnh thang (53) để lương nhuận và sơ tán biểu tà;

 

nếu cổ họng ngứa ho khan, ngực sườn đau, thì dùng bài Gia vị tả bạch thang (54) để tả phế thanh nhiệt; nếu đờm dãi dính đặc, ho nhiều, họng đau, có lúc ra huyết, thì dùng theo phép Thanh kim ninh lạc (55) của Lôi thị và gia những vị Ngưu bàng tử, Bối mẫu, Bạch tiền, Trúc lịch, để nhuận phế long đờm; nếu lưỡi đỏ không có rêu, thuộc về táo khí làm thương tổn ở phần âm thì nên dùng bài Thanh táo cứu phế thang của Dụ gia ngôn.

 

Nếu miệng lưỡi khô ráo mà khát nước nhiều thì dùng bài Ngọc trúc môn đông thang hợp với bài Ngũ trấp ẩm (56) để nhuận táo, thêm tân dịch;

 

nếu đại tiện bí, bụng đầy, trung tiện luôn, nóng đốt lên, tự ra mồ hôi, rêu lưỡi đen khô thì dùng bài Điều vị thừa khí thang gia những vị Thủ ô tươi, Thạch hộc tươi để giải nhiệt và nhuận trường,

 

nếu chỉ riêng chứng đại tiện bí có thể dùng phép Tùng bá thông u của Lôi thị (57) để khai kết, nhuận trường;

 

nếu mình nóng, nhiều mồ hôi, ho mà thở suyễn phiền khát, lưỡi đỏ, mạch hồng, thì dùng bài Ngọc nữ tiễn hợp với bài Sinh mạch tán (trong đó đổi Thục địa sang Sinh địa tươi, bỏ Ngưu tất, gia Thạch hộc) để thanh nhiệt nhuận táo mà liễm âm;

 

nếu táo khí đã lâu làm hại đến phần âm của can thận, mà chứng hậu biểu hiện ra là ngày mát đêm nóng hoặc ho khan, hoặc không ho, thậm chí phát sinh chứng kính quyết (1), thì có thể dùng những bài Tam giáp phục mạch thang, hoặc bài Đại định phong châu (58) để bổ phần âm ở can thận mà dập tắt phong tà.

 

 

 

5. Bệnh đông ôn:

 

 

Bệnh này phát sinh phần nhiều do mùa đông mà thấy khí hậu mùa xuân, ngoài cảm phải khí âm trái mùa, trong sẵn có phục tà mùa thu, chính khí hư tổn ở trong, hai phương diện ấy ảnh hưởng lẫn nhau mà phát sinh ra.

 

 

Đông ôn là một thứ bệnh nhiệt tính lưu hành về mùa đông, vì nguyên nhân dắt dẫn của bệnh ngoại cảm ở ngoài nữa,cho nên có các chứng đau đầu, mình nóng hoặc có mồ hôi mà sợ gió, hoặc không có mồ hôi mà sợ lạnh. Hiện tượng của bệnh này rất giống với bệnh thương hàn, nhưng vì bệnh này có phục tà ở trong cho nên khi mới phát là các hiện tượng nóng dữ, tâm phiền, miệng khô mạch sác, đó là điểm chủ yếu, khác với chứng trạng thời kỳ đầu của bệnh thương hàn.

 

 

Bệnh này lúc mới phát thì đau đầu phát sốt, ho đờm, khí nghịch, có khi cũng có chứng trạng ngạt mũi, chảy nước mũi, lúc đầu tuy sợ rét nhưng sau đó thì không sợ rét mà sợ nóng, tâm phiền miệng khát, mạch phần nhiều phù sác, hoặc huyền sác mà vi trầm, nếu lúc đầu cảm phải hàn nặng thì mạch hơi Khẩn.

 

 

Rêu lưỡi lúc đầu trắng rồi dần dần từ trắng chuyển sang vàng, mồ hôi ra mà nóng vẫn không bớt, sườn và sườn cụt đau ran, nặng thì buồn bực vật vã không yên. Nếu nhiệt tà vào phần dinh thì phiền táo không ngủ được mê mẩn, nói sảng, có lúc lại phát sinh ra chứng xích chẩn, mạch huyền mà sác, lưỡi đỏ sẫm, rêu vàng khô. Nhiệt vào huyết phần thời lưỡi đỏ sẫm mà khô, thần mê nói sảng, hoặc tay chân run rẩy, mạch tế sác hoặc huyền tế hoặc xúc.

 

 

Phép chữa bệnh đông ôn: như lúc mới cảm, bệnh tà còn ở phần vệ, nói chung có thể dùng thuốc cay mát giải biểu như bài Thông sị cát cánh thang,

 

nếu có hiện tượng ớn lạnh, thời có thể dùng bài Ngân kiều tán gia những vị Tang diệp, Lâu bì, Hạnh nhân, Tỳ bà diệp.

 

Nếu nhiệt nặng, khát nước, ho có đờm, sườn đau, có thể dùng bài Tang cúc ẩm gia những vị Thạch cao, Tri mẫu, Bối mẫu, Lâu bì, Uất kim, Tỳ bà diệp,

 

nếu họng sưng đau, hoặc răng đau, dùng bài Gia giảm dưỡng âm thanh phế thang (59) để bổ âm, thanh nhiệt, tiêu thủng, giải độc.

 

Nếu họng sưng đau, có thể dùng Băng bằng tán (60) thổi vào.

 

Nếu sưng mà lở loét có thể dùng Tích loại tán thổi vào. Nếu ngực tức, bụng đau, đại tiện bí, tiểu tiện đỏ, nên dùng Lương cách tán gia Hoạt thạch, Thông thảo để thanh nhiệt ở Tam tiêu.

 

 

Nhiệt vào phần dinh, nốt sởi đỏ mọc lờ mờ, hôn mê nói sảng, nên dùng bài Thanh dinh thang gia tiển Thạch hộc, tiển thạch Xương bồ, sinh Thạch cao, Hoàng uất kim, hoặc cho uống chung với An cung ngưu hoàng hoàn càng tốt.

 

Nếu nhiệt tà vào phần huyết, sởi mọc màu bầm đen, lưỡi đỏ sẫm, hôn mê, thì dùng bài Tê giác địa hoàng thang (dùng Sinh địa tươi) gia những vị Huyền sâm, Liên kiều, Nhân trung hoàng, Tử đan sâm, Tử thảo để lương huyết giải độc, hoặc cho uống chung với Tử tuyết đan.

 

Nếu chân âm đã kiệt, hư phong động ở trong, sinh chứng tay chân run rẩy, thì nên dùng những bài Nhị giáp phục mạch thang (61) hoặc Tam giáp phục mạch thang (62) để bổ âm liễm dương và nhuận can, dập tắt phong tà.

 

 

(1) Kính: bệnh phát thấy toàn thân, gân mạch cứng đờ, chân tay co quắp.

 

Quyết: chân tay mát mà không ấm, gọi là quyết nghịch, quyết có âm quyết, dương quyết:

 

- Âm quyết là hàn quyết là do nội tạng hư hàn, dương khí không tỏa đến chân tay, do đó mà quyết nghịch.

 

- Dương quyết là nhiệt quyết là do bệnh sốt nóng nhiều, hôn mê, hoặc nhiệt độ vùng ngực bụng lên cao, trái lại chân tay thì giá lạnh, là do nhiệt bị ứ tắc bên trong mà ra (ND).

Bài viết này có 0 bình luận

Viết một bình luận :

0465