Ngoại khoa khái yếu

Ngoại Khoa khái yếu

 

Ngoại khoa đời xưa gọi là Dương khoa, đời nhà Chu đã có chế độ dùng thầy thuốc Dương y(1) để chữa các bệnh thũng dương, hội dương, kim dương, chiết dương. Phạm vi chủ trị của khoa này rất rộng rãi. Nói tóm lại, phàm là những bệnh ở tổ chức khí quan, ở phần ngoài thân thể, hoặc ở nội tạng nào phát sinh những chứng trạng cục bộ như đau, ngứa, sưng thũng, làm mủ thì cần phải chọn dùng vị thuốc, khí cụ, thủ thuật để chữa ở ngoài hoặc chữa ở trong như: ung thư(2), nhọt đinh, mụn nhọt, tràng nhạc, bướu cổ và bệnh ở mắt, tai, mũi, miệng, cho đến bị thương vì gươm dao, vì đòn, ngã, vì rét cóng, bỏng, bị trùng thú cắn v.v... đều có thể gọi là bệnh ngoại khoa cả. Nhưng do phát triển của y học, sự phân công của nghiệp vụ càng ngày càng đi sâu vào chỗ tinh vi, đối với sự nghiên cứu và trị liệu của một số tật bệnh cũng càng ngày càng đi sâu vào chuyên khoa hóa, vì thế mà kế tiếp dựng lại các chuyên khoa. Lại nhân kết quả của chuyên khoa hóa thu hẹp được phạm vi chữa bệnh ngoại khoa lại. Vì thế, chương này chỉ chú trọng trong phạm vi ngoại khoa mà trình bày, còn như nhãn khoa, thương khoa v.v... thì lập ra từng chương riêng để thảo luận. Bệnh ngoại khoa tuy phần nhiều được phát ở bên ngoài thân thể, hoặc theo ở ngoài để chữa, nhưng các tạng phủ, kinh lạc, dinh, vệ, khí, huyết cùng với tứ chi bách hài, ngũ quan, thất khiếu của người ta, đều là trong ngoài, trên dưới, từng giây, từng phút có quan hệ với nhau, vì thế trong khi xử lý tất cả các bệnh ngoại khoa không thể chữa một cách lẻ loi, đối với chứng trạng cục bộ. Người xưa đã có câu “Bệnh ung thư tuy thuộc về ngoại khoa, kỳ thực căn bản là ở tạng phủ”. Vì thế, trong khi chữa bệnh ngoại khoa, cần phải kết hợp với chứng trạng toàn thân hiện ra lúc ấy hoặc kiểm chứng để xem xét cho kỹ càng, phải nghiên cứu về nguyên nhân phát bệnh cùng với bệnh lý chuyển biến để xử lý cho toàn diện, tức là nói đến sự nhận thức và xử lý tất cả các bệnh ngoại khoa phải nên xuất phát theo toàn bộ của người bệnh.

Nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh ngoại khoa cũng không ngoài lục dâm, thất tình, ăn uống, khởi cư, phòng sự, lao động, đao thương, trùng thú cắn v.v.... Nhưng ở khoảng giữa nguyên nhân và bộ vị phát bệnh lại có quy luật chung của nó: tức là phát bệnh ở thượng bộ phần nhiều vì phong ôn hoặc phong nhiệt, bệnh phát ở trung bộ phần nhiều do khí uất hoặc hỏa uất, bệnh phát ra ở hạ bộ phần nhiều do thấp nhiệt hoặc hàn thấp. Tất cả các bệnh ấy phần nhiều thuộc về bệnh sang dương thuộc thực tính, nhưng cũng có tình trạng cá biệt do sự lao thương khí huyết và sự dinh dưỡng không điều độ mà gây ra bệnh đó tức là chứng sang dương thuộc hư tính. Bởi thế những điều luận đoán ở trong này cố nhiên không phải là tuyệt đối, nhưng nếu nắm vững được trọng điểm thì đối với sự chẩn đoán và trị liệu tất cả các bệnh ngoại khoa cũng có phần giúp đỡ rất lớn.

 

I. Phân loại các bệnh chủ yếu

 

 

Trong phạm vi bệnh ngoại khoa, đều lấy loại ung nhọt làm chủ. Bài Tông luận ở sách Dương khoa tuyển túy nói: “Chứng bệnh của Dương khoa không gì quan trọng bằng chứng ung nhọt (thư)” cho nên các sách vở ngoại khoa ở thời đại Minh, Thanh đều chú trọng về lý luận của bệnh ung nhọt. Đây xin đem những bệnh chủ yếu mà thường thấy trong môn ngoại khoa, để giới thiệu những điểm trọng yếu.

 

Ung:

 

 

Chứng ung mọc ở khoảng giữa bắp thịt, khi mới phát thì ở ngoài da, chưa có đầu làm mủ, chỉ sưng đỏ cao lớn, nóng bừng, đau nhức, chung quanh giới hạn phân minh. Khi chưa thành mủ thì dễ tiêu, khi thành mủ dễ vỡ, vỡ rồi dễ thu miệng. Như ung ở cổ, ung ở vú, ung ở đít v.v...

 

Thư:

 

 

Thư có hai loại: một loại phát ở khoản giữa bắp thịt, khi mới phát đã có đầu mủ, hình như hạt lúa, rất dễ lở loét lan rộng ra chung quanh, có nhiều đầu giống như cái tàng ong, như các loại não thư, bối thư, lại có một loại ngoài da không có đầu mủ, bằng phẳng và sưng tản mạn ra, mầu da như thường, không đỏ, không nóng, chưa thành mủ thì khó tiêu, đã thành mủ thì khó vỡ, khi vỡ rồi thì cũng khó hàn miệng và thường tổn hại đến gân xương, như các loại phụ cốt thư và hoãn thư.

 

Nhọt đinh:

 

 

Phần nhiều lên ở đầu, mặt, chân tay. Đinh mọc ở đầu mặt thì khi mới lên có đầu như hạt thóc, chân đinh sâu mà cứng rắn, hoặc tê hoặc ngứa, hoặc trước ngứa sau đau, chung quanh sưng tấy lên nóng như đốt, nếu nặng quá thì kèm có chứng trạng toàn thân như nóng rét và lại rất dễ thành chứng tẩu hoàng(1). Đinh mọc chân tay thì phần nhiều thấy sưng đỏ, nhưng không có đầu mụn rõ rệt. Nếu có tia đỏ chạy lên thì gọi là Hồng ty đinh.

 

Mụn nhọt:

 

 

Là một bệnh ở ngoài da, có thể chia ra hai loại: có đầu và không có đầu, chân mụn rất nông (cạn) sưng tấy đỏ đau, ấn nắn không thấy cứng rắn, chỗ sưng có hạn, ngang dọc ước độ 1 tấc, cho nên nhẹ và dễ chữa.

 

Tràng nhạc:

 

 

Là một loại bệnh mãn tính, phần nhiều lên ở cổ giữa và gáy, có khi cũng có thể mọc lan xuống ngực, đến nách. Khi mới mọc hình như một hạt đậu, màu da không thay đổi, dần dần to lớn, hoặc dài hoặc tròn, hoặc chỉ mọc một mụn, hoặc tua tủa như chuỗi hạt, lấy tay day vào thì thấy trì trật, ấn vào thì thấy đau, dằng dai lâu ngày không chữa thì vỡ ra, đã vỡ thì khó thu miệng lại.

 

Bướu cổ (Anh Lựu):

 

 

Bướu cổ gọi là anh lựu, anh thuộc về dương chứng, hình dáng như cái dải mũ, sắc đỏ mà nhô cao lên, da phẳng phiu, không có nhăn, cuống nhỏ mà không thõng xuống, nắn vào hơi mềm, không bao giờ vỡ ra. Lựu thuộc về âm chứng, chỗ sưng có giới hạn rõ ràng, da non mà sáng bóng, đầu nhỏ mà chân lớn, nắn vào thấy hơi cứng, cũng có cái để lâu ngày rồi tự nó vỡ ra.

 

Bướu độc (Nham)

 

 

Khi mới mọc hình như hạch kết lại, về sau thì rắn như đá, không đau nhức gì cả. Vài năm sau mới bắt đầu vỡ dập ra, nhưng chỉ chảy máu mà không có mủ, khi ấy đau thấu đến tim, chỗ bị đau nứt loe lồi ra hoặc nhân nứt loe lồi ra lâu ngày quá, có đôi chút mủ dính quấn quýt trên mặt nhọt phát ra mùi hôi thối, hình dáng bệnh này lồi lõm như nham thạch, cho nên sách đời xưa có tên gọi là nham như nhũ nham chẳng hạn, bệnh này rất khó chữa khỏi.

 

Nhọt di chuyển (Lưu chú)

 

 

Phát ra không nhất định chỗ nào, chỗ nào cũng có thể phát ra được, chứng trạng chủ yếu của nó, sưng lan man không có đầu, màu da không thay đổi. Chứng này rất dễ chạy quanh, thường thường chỗ này chưa khỏi, chỗ khác đã sinh ra, không có huyệt để có thể đặt tên được, cho nên gọi nó là nhọt di chuyển.

 

Trĩ:

 

 

Phàm trong các hốc lỗ có miếng thịt thừa lồi ra tức gọi là bệnh trĩ, như trĩ tai, trĩ mũi, trĩ hậu môn. Có chứng trĩ đầu to chân nhỏ, có chứng trĩ đầu nhọn chân rộng như cái nấm, như quả cà, hình trạng không nhất định. Bệnh trĩ ở hậu môn lại có thể chia ra làm hai loại, mọc ở phía ngoài hậu môn gọi là trĩ ngoại, mọc ở phía trong hậu môn gọi là trĩ nội.

 

Lỗ dò (Lậu, mạch lươn)

 

 

Phàm các nhọt ở ngoài vỡ đã lâu mà không thu miệng, miệng nhọt lõm sâu, nước mủ chảy ra dầm dề, thì gọi dò (lậu) như nhãn lậu, nha lậu, tề lậu và hậu môn lậu khi lâm sàng ta thường thấy bệnh dò ở chung quanh hậu môn rất nhiều.

 

Đơn độc:

 

 

Bệnh đơn độc phát sinh ở ngoài da, có hai loại càn tính và thấp tính. Loại thuộc càn tính thì sắc đỏ, hình như đám mây lượn, chạy không nhất định, trên nổi mụn như hạt lúa, nhưng nóng hay phát ngứa; loại thuộc thấp tính thì nổi mụn, phồng lên, sắc vàng hay sắc trắng, chảy nước đến đâu thì lở loét đến đó, đau nhức nặng hơn.

 

Nhọt nội tạng: (Nội ung)

 

 

Phàm mụn nhọt phát triển ở trong nội tạng, tức là nội ung, như phế ung, vị ung, can ung, tỳ ung và trường ung v.v... Về cách phân biệt, nhận xét tương đối phức tạp hơn, phải đợi có sách chuyên đề thảo luận, ở đây miễn bàn đến.

 

II. Chẩn đoán

 

 

Việc chẩn đoán bệnh Ngoại khoa cũng như chẩn đoán bệnh Nội khoa, cần phải thông qua tứ chẩn mới có thể nhận đúng được âm, dương, biểu, lý, hàn, nhiệt, hư thực và sự lành dữ thuận nghịch của bệnh tình. Còn chỗ khác với Nội khoa tức là cần đem chứng trạng toàn thân và chứng trạng cục bộ kết hợp lại để xem xét và phân tích.

 

1. Biện âm dương:

 

 

Âm dương là cương lĩnh của Bát cương, cho nên có hiểu rõ được âm dương mới phân tích được hàn, nhiệt, hư, thực, biểu, lý của bệnh tình. Ở đây căn cứ vào những đặc điểm thường vận dụng trong môn Ngoại khoa, đem âm chứng và dương chứng phân biệt mà bàn luận dưới đây.

a) Dương chứng: phàm thấy hình nhọt sưng cao, vành chân bó chặt, nóng dữ, mưng đau, màu da đỏ thắm; khi phát lên mau gấp dữ dội, chưa làm mủ thì dễ tiêu, đã làm mủ thì dễ vỡ, khi vỡ rồi nước mủ đặc dính, rất dễ thu miệng, thế là thuộc dương chứng.

b) Âm chứng: phàm hình nhọt sưng loang ra, mà bằng đầu, chân nó tản mạn không đỏ, không nóng, hoặc cứng rắn hoặc mềm lõm, hoặc không đau, hoặc hơi đau, hoặc cả nhức đau, khi phát lên chậm chạp, chưa thành mủ khó tiêu, đã thành mủ khó vỡ, khi vỡ rồi nước mủ loãng trong, không dễ thu miệng được, thế là thuộc âm chứng. Nếu thấy chứng hậu chỗ sưng tản mạn mà không nóng, hơi đỏ mà màu nhợt, thế là thuộc chứng bán âm bán dương cao, hơi đau mà không quá đau, hơi mưng lên mà không. Nói chung, dương chứng nhẹ và dễ chữa, âm chứng nặng mà khó khỏi. Chứng bán âm, bán dương và chứn nham khó nhận thức hơn, cho nên trong khi chẩn đoán, phải nên biện biệt ràng mạch, mới có thể tránh được sự chữa sai lầm.

 

 

Bảng phân biệt âm chứng và dương chứng

 

 

 

 

 

 dương chứng

 âm chứng

Thời gian

Thể phát lên mạnhchóng

Thể phát lên nhẹ chậm

Bộ vị

Phát ở da thịt

Phát ở gân cốt

Hình trạng         

Nổi cao lên

Bằng phẳng

Phạm vi

Chân nhọt bó ngắn

Tản mạn không gọn

Màu da

Tươi đỏ hồng hoạt

Màu da không thay đổi

Đau nhức

Đau nhức kịch liệt

Không đau hoặc hơi đau

Độ nóng

Nóng đốt

Không nóng hoặc hơi nóng hoặc đau ê ẩm       

Độc cứng

Mới mọc tuy cứng khi vỡ thì mềm          

Hoặc mềm lõm hoặc cứng như đá

Mủ

Đặc dính sắc vàng không hôi thối

Loãng trong sắc nhợt có mùi hôi thối

Bệnh trình

Ngắn (dễ tiêu dễ vở dễ thu)

Dãi (khó tiêu, khó vở, khó thu)

Dự đoán

Tốt (lành thuận)

Không tốt (xấu nghịch)

 

 

2. Phân biệt tốt xấu, thuận nghịch

 

 

 

a) Năm điểm lành bảy điểm dữ:

 

 

Là tổng kết kinh nghiệm của người xưa, trong lâm sàng thực tiễn lâu dài. Chủ yếu là nắm vững bệnh cơ lúc bấy giờ để dự đoán sự lành, dữ về sau của bệnh ung nhọt. Nói chung thì có cách giải thích là: “Năm điểm lành thấy ba điểm là tốt, bảy điểm dữ thấy hai điểm là xấu”.

- Chứng lành:

( Tinh thần tỉnh táo khoan khoái, tiếng nói hòa nhã, thông suốt, lưỡi nhuận không khô, mụn nhọt tuy đau mà miệng không khát, không có hiện tượng buồn bực, vật vã, nằm ngủ bình thường.

( Thân thể nhẹ nhàng thuận tiện, tâm yên ổn không buồn bực, móng tay hồng hoạt, khi nằm khi dậy yên tỉnh.

( Môi miệng hoạt nhuận, ăn uống bình thường, mủ đặc vàng mà không hôi thối.

( Tiếng nói rắn rỏi, da dẻ nhuận hoạt, không có ho hắng, thở suyễn, hô hấp như thường, đại tiện bình thường.

( Quá trưa không phát nóng, miệng, răng không khô ráo, tiểu tiện trong và dài, đêm ngủ ngon giấc.

- Chứng dữ:

+ Thần chí tối mờ, tâm hồn buồn bực không yên, miệng lưỡi khô ráo, nói năng líu ríu, màu chỗ nhọt bầm đen.

+ Thân thể cứng thẳng, tròng con mắt nhìn nghiêng kinh sợ không yên, miệng nhọt thường khi chảy máu.

+ Hình dung gầy còm, không muốn ăn uống, chỗ nhọt mềm lõm xuống, không biết đau nhức, mủ trong ít mà hôi thối.

+ Da dẻ khô rộp, nhiều đờm, thanh âm ngọng líu, thở suyễn nghịch, mũi phập phồng.

+ Hình dạng đen xám, cổ họng khô ráo, buồn bực khát nước uống nhiều, bìu dái co lên.

+ Tay chân mình mẩy phù thũng, nôn mửa, nấc nghịch, bụng sôi, ỉa chảy.

+ Nhọt độc lõm xuống hình như tổ con lươn, máu tự nhiên chảy ra, tay chân móp lạnh.

 

b) Chứng thuận, chứng nghịch

 

 

Chứng thuận và chứng nghịch chủ yếu dựa theo quá trình diễn biến của bệnh trạng để dự đoán sự phát triển của bệnh tình tốt hay xấu. Phàm thấy những chứng trạng của bệnh thể phát triển bình thường và dự đoán về sau được tốt, thì gọi là chứng “thuận”, trái lại gọi là chứng “nghịch”.

+ Khi chứng thuận mới bắt đầu, đỉnh cao, chân rộng, sắc đỏ phát sốt, sưng tấy đau nhức, mỗi ngày nổi to lên sưng mà không tản mạn.

+ Khi đã thành hình nhọt sưng tấy lên, nóng và đau, da mỏng sáng bóng, dễ mưng mủ, dễ ra mủ,ăn uống không biết ngon, đại tiểu tiện điều hòa.

+ Sau khi nhọt vỡ, mủ đặc màu tươi không hôi, thịt mùn nát, tự rớt hết, sưng tấy dễ tiêu, mình nhẹ nhàng, đau giảm bớt.

+ Thu miệng, mủ đặc màu vàng, dễ sinh da non, miệng nhọt dễ kéo miệng, ăn uống hơn lên dần, không có đau đớn gì mà lại thấy phát ngứa.

 

+ Khi nghịch chứng bắt đầu, đỉnh bằng phẳng, chân tản mạn, sắc tối hơi sưng, không nóng, không đau, thân thể mỏi mệt.

+ Khi đã thành chỗ sưng thì cứng, sắc tím bầm, không làm mủ, không vỡ, đầu nhọt mềm mà lõm xuống, miệng khô, khát nước, lòng buồn bực.

+ Sau khi nhọt vỡ, da nát loét, thịt cũng không tan, sưng đau không bớt, lòng buồn, nằm ngủ không yên.

+ Thu miệng, nước mủ trong loãng, thịt thối tuy thoát mà không sinh da non, sắc bớt hôi thối, ăn uống kém.

Bệnh ung nhọt thông qua sự nhận xét, phân tích về tốt xấu, thuận nghịch đã nói trên là thể dự đoán được kết quả tốt xấu, đồng thời khi phát hiện ra được chứng xấu, chứng nghịch, còn có thể cứu chữa được sớm, có đủ ý nghĩa dự phòng rất là trọng yếu.

 

3. Bàn về kinh lạc:

 

 

Bệnh ung nhọt tuy mọc ở phần ngoài thân thể, nhưng cùng với tạng phủ kinh lạc bên trong có quan hệ mật thiết. Bởi vậy, có nắm vững được học thuyết Kinh lạc, mới có thể theo trên bộ vị phát bệnh mà biết bệnh thuộc kinh nào rồi theo đó mà chia kinh để dùng thuốc.

Như nhọt mọc ở quãng giữa đỉnh đầu, là bệnh thuộc kinh Đốc;

Mọc ở hai bên Đốc mạch là bệnh thuộc túc Thái dương Bàng quang kinh;

Mọc ở bộ mặt, là bệnh ở túc Dương minh Vị kinh;

Ở quầng mắt là bệnh thuộc Can kinh;

Mọc ở quãng mồm là bệnh thuộc Tâm kinh;

Mọc ở quãng môi là bệnh thuộc Tỳ kinh;

Mọc ở trong tai là bệnh thuộc Thận kinh;

Mọc ở quãng mũi là bệnh thuộc Phế kinh

Mọc ở trước hay sau tai là bệnh thuộc túc Thiếu dương Đởm kinh

Mọc ở quãng xương sườn là bệnh thuộc túc Quyết âm Can kinh

Mọc ở quãng vú là bệnh thuộc Can kinh hoặc Vị kinh;

Mọc ở lòng bàn tay là bệnh thuộc Thủ Quyết âm Tâm bào lạc kinh;

Mọc ở lòng bàn chân là bệnh thuộc túc Thiếu âm Thận kinh;

Mọc ở vùng lưng là bệnh thuộc sáu Dương kinh; mà mọc ở hàng giữa lưng thì lại là kinh Đốc mạch làm chủ.

Mọc ở ngực bụng là bệnh thuộc sáu âm kinh, mà mọc ở hàng giữa bụng lại là kinh Nhâm mạch làm chủ.

Phía ngoài bắp cánh tay thuộc về Thủ tam dương kinh.

Phía trong bắp cánh tay thuộc về Thủ tam âm kinh

Phía trong đùi chân thuộc về Túc tam âm kinh

Phía ngoài đùi chân thuộc về Túc tam dương kinh.

Về sự biện biệt khí huyết nhiều hay ít của kinh lạc, cũng có phần giúp cho việc chữa bệnh và dự đoán về sau như các kinh Thủ thiếu dương tam tiêu, Túc thiếu dương Đởm, Thủ thiếu âm Tâm, Túc thiếu âm Thận đều ít huyết nhiều khí; Thủ thái âm Phế, Túc thái âm Tỳ đều nhiều khí ít huyết; Thủ thiếu âm Tâm bào lạc, Túc quyết âm Can, Thủ thái dương Tiểu trường, Túc thái dương Bàng quang đều nhiều huyết ít khí; Thủ dương minh Đại trường, Túc dương minh Vị đều nhiều huyết nhiều khí. Phàm nhọt mọc ở những kinh nhiều huyết ít khí và những kinh nhiều huyết, nhiều khí đều dễ chữa khỏi; nếu nhọt mọcưở những kinh nhiều khí ít huyết thì khó chữa hơn.

 

4. Phân biệt về mạch:

 

 

Chẩn mạch là một việc rất chủ yếu trong khi chẩn bệnh Nội khoa, mà trong chỉ chẩn đoán bệnh Ngoại khoa cũng trọng yếu như thế. Bệnh ung nhọt trong khi có hình trạng làm bằng chứng, nhưng phép chẩn mạch nhất định có sự giúp dò xét sự biến chuyển của bệnh tình như: mạch tượng phù khẩn, không phát sốt chỉ gai gai rét, đồng thời trong mình có chỗ đau, phần nhiều là phát bệnh ung nhọt. Như: mạch tường phù tán, thân thể phát nóng, vẻ người lặng lẽ, trong ngực hơi có phiền táo, tuy có cảm thấy đau mà không chỉ ra là đau ở nơi nào, đó là triệu chứng bệnh ung nhọt sắp phát ra.

Theo quá trình của bệnh ung nhọt mà nói đại khái trước khi chưa vỡ mủ, mạch nên hữu dư; sau khi đã vỡ mủ rồi, thì mạch nên bất túc. Bởi vì khi chưa thấy vỡ mà mạch hữu dư, là biểu hiện độc khí đang thịnh, khi vỡ rồi mà thấy mạch bất túc là biểu hiện chính khí đã hư, đều là hiện tượng bình thường của mạch và chứng cùng thích ứng với nhau. Nếu như khi chưa vỡ mà thấy mạch bất túc đó là chính khí hư mà độc khí hãm lại; hoặc khi đã vỡ rồi mà vẫn thấy mạch hữu dư, đó là chính khí bị trệ mà độc khí thịnh, đều là hiện tượng phản thường của mạch và chứng không thích ứng với nhau.

Cho nên xem mạch đối với bệnh Ngoại khoa không những có thể dò xét được sự biến hóa của bệnh tình mà còn có thể biết đúng được phương hướng chữa bệnh.

 

5. Biện về sưng, đau, mủ ngứa

 

 

Tất cả các bệnh Ngoại khoa, trong cả một quá trình của nó, thì những hiện tượng sưng đau, làm mủ và ngứa là những chứng trạng tất nhiên phải có. Bởi vì nguyên nhân khác nhau, cho nên có biểu hiện ra khác nhau.

a. Sưng: khí huyết trong thân thể người ta tuần hoàn không ngừng, lỡ có chỗ nào đọng trệ lại, thì sưng đau cũng theo đó mà phát ra. Những tình trạng cùng màu sắc của chỗ sưng đều có khác nhau. Nói chung, chỗ sưng tản mạn thuộc hư, chỗ sưng cao đột thuộc thực; sưng thuộc hoả thì sắc hồng mà da sáng, nóng rực, cứng ngắc; sưng thuộc hàn thì sưng mà cứng như cây gỗ màu da xanh tối; sưng thuộc thấp thì da thịt nặng trĩu xuống mà cố định một nơi; sưng thuộc phong thì chỗ sưng nổi phồng lên mà hay chạy, sưng thuộc đờm thì mềm nhũn như bông hoặc cứng như cái bánh bao, không hồng, không nóng, màu da như thường. Vì ứ huyết mà sưng thì sắc hơi hồng hồng mà xanh bầm; nếu ứ huyết trệ lại lâu ở kinh lạc, thì sưng mà cứng như cây gỗ, chỉ đỏ mà không nóng; nếu đã làm mủ mà sắp vỡ thì màu sắc tất nhiên tím bầm.

b. Đau: đau là do khí huyết không lưu thông mà gây nên, đau thuộc hư thì chịu nắn; đau thuộc thực thì chối nắn; đau thuộc hàn thì tụ lại một chỗ mà không di dịch, màu da không thay đổi, gặp nóng thì bớt đau, đau thuộc nhiệt thì màu mưng đỏ, gặp lạnh thì đau nhẹ; vì làm mủ mà đau thì vừa đau vừa sưng to; vì phong mà đau thì đau chạy khắp người rất chóng; vì khí mà đau, thì đau chạy quanh không nhất định chỗ nào.

c. Làm mủ: mủ là do khí huyết hóa sinh ra, nếu khí huyết suy kém, thì không thể đẩy độc ra ngoài được, vì thế sự bài nùng của các chứng ung nhọt là chính khí đẩy độc ra ngoài, cho độc khí theo mủ mà tiết ra, phép này có tác dụng giống như bệnh thương hàn, là biểu chứng thì phát hãn, lý chứng thì tả hạ. Cho nên, bệnh ung nhọt thũng độc cho đến giai đoạn thành hình, cần phải nhận xét kỹ càng, xem nó đã làm mủ hay chưa, nếu đã có mủ lại cần phải nhận xét rõ ràng, xem mủ ở sâu hay cạn, rồi mới có thể xử lý thích đáng. Bởi thế, về phương diện chẩn đoán bệnh ung nhọt cục bộ, thì sự biện biệt xem có mủ hay không mủ, là một mấu chốt rất trọng yếu. Đồng thời sau khi đã làm mủ, đã vỡ mủ, thì việc xem xét tính chất của mủ, cũng có tác dụng nhất định cho sự dự đoán về sau của việc chẩn đoán bệnh ung nhọt. Ở đây đem phương pháp xem mủ và tính chất của mủ chia ra trình bày như sau:

- Phương pháp xem mủ: lấy tay ấn vào chỗ lên nhọt, cảm thấy nóng là có mủ; không nóng là không có mủ. ấn vào thấy cứng là chưa làm mủ, mềm nhũn là trong đã có mủ và đã chín; ấn nhẹ liền thấy đau, là mủ ở ngoài cạn, màu da không thay đổi lại không cao lên là mủ ở cạn, ấn vào nặng mới thấy đau, là mủ ở trong sâu. Da mỏng phồng lên là mủ ở cạn, màu da không thay đổi lại không cao lên là mủ ở sâu. Đó đều là phương pháp xem mủ mà người xưa đã bàn tới. Theo hiểu biết của chúng tôi, thì cách phân biệt có mủ hay không có mủ, chủ yếu là lấy tay ấn vào thấy có; động ngón tay, hay không động ngón tay: thấy động ngón tay là mủ đã có, thấy không động ngón tay là chưa làm mủ. Cái gọi là động ngón tay với không động ngón tay, tức là lấy hai đầu ngón tay trỏ đặt nhè nhẹ lên chỗ đau nhọt, hai ngón cách nhau cho vừa phải, rồi ấn mạnh ngón trỏ tay trái xuống thì đầu ngón trỏ tay phải cảm thấy giật giật, lại ấn ngón trỏ bên phải xuống, thì đầu ngón trỏ bên trái cũng có cảm giác như thế, hai ngón cứ thay đổi nhau mà ấn, thì càng thấy giật giật rõ rệt, như thế tức là động ngón tay, nếu không tức là không động ngón tay. Phương pháp này trừ những ung nhọt mọc ở đầu ngón tay, đầu ngón chân và gối chân là chỗ da dày, không nắn được ra, còn các chỗ khác thì không kể ung nhọt ở bộ vị nào đều có thể chiếu theo phương pháp này để phân biệt có mủ hay không có mủ.

- Tính chất của mủ: bởi vì nguyên nhân phát bệnh khác nhau cho nên tính chất của mủ không nhất trí. Phàm người khí huyết thịnh vượng thì mủ ra đặc và vàng, người bệnh khí huyết hư yếu thì mủ ra loãng cũng và trắng; nếu mủ ra như nước đục, hoặc nước như bột, tức là nước mủ thối, đó là chứng không chữa được. Đại khái về bệnh ung nhọt, ghẻ lở, khi đầu ra mủ vàng và đặc, sau thì ra mủ như màu hoa đào, rồi sau nữa ra nước đỏ nhợt, thế là hiện tượng bình thường, dễ thu miệng để ra da non, nếu sắc mủ như dầu trẩu hoặc thường chảy nước vàng hay nước trong, thì phần nhiều thuộc về chứng bại nghịch.

d. Ngứa: phàm bệnh ung nhọt trước khi chưa vỡ mà phát ngứa, là phong với nhiệt cấu kết nhau. Sau khi đã vỡ mà phát ngứa, thuộc về bình thường thì là khí huyết dần dần đầy đủ, bồi dưỡng cho thịt mới da non, nhưng cần phải ngứa như kiến bò mới tốt. Nếu thuộc về bệnh biến mà phát ngứa, bệnh nhẹ thì do nước mủ thấm ngầm, bệnh nặng thì do miệng nhọt cảm phong mà phát ra. Miệng nhọt lòi ra hình như hột gạo mà ngứa, sau khi gãi thì chảy nước, là tỳ kinh có thấp; chảy ra máu tươi là tỳ kinh táo quá, ngoài ra ngoài da bị lở ghẻ mà ngứa, là thuộc về bệnh phong, lại nên phải phân biệt.

 

III. Phép chữa

 

 

 

A. Phép chữa trong

 

 

 

Vận dụng cách uống thuốc trong để chữa bệnh ung nhọt Ngoại khoa, trên nguyên tắc chia làm 3 phép là Tiêu, Thác và Bổ.

Phép Tiêu: để dùng cho chứng mụn nhọt chưa có mủ, làm cho nó tiêu tán đi.

Phép Thác: để dùng vào thời kỳ ung nhọt đã mưng mủ và khi mới vỡ có thể đẩy độc ra ngoài và phòng ngừa khi độc vào sâu lan rộng.

Phép Bổ: để dùng vào thời kỳ sau khi nhọt đã ữã, khi ấy mủ đã ra, độc khí đã tiết, khí huyết đã hư, phải nên bổ để giúp cho chính khí khôi phục. Ba phép ấy là ba mấu chốt để chữa bệnh Ngoại khoa. Bởi vì nguyên nhân phát bệnh khác nhau, biểu lý hư thực, hàn nhiệt của bệnh tình đều khác nhau, vậy trong ba phép chữa này lại có thể chia ra nhiều phép chữa nữa. Căn cứ khi lâm sàng thực tiễn, thì phương pháp thường dùng có mấy loại kể dưới đây:

 

1. Giải biểu tán tà

 

 

Phàm các bệnh ung nhọt khi mới bắt đầu phát bệnh, có những biểu chứng như sợ lạnh phát sốt, đau đầu, mạch phù, thì phải dùng phép giải biểu tán tà mà chữa, hơn nữa bệnh ung nhọt do lục dâm gây nên, khi mới phát đều có biểu chứng xuất hiện, dùng phương thuốc giải biểu tán tà để chữa, có thể làm cho độc khí theo mồ hôi mà ra.

Phương thức thông dùng để giải biểu thì lấy bài Kinh phòng bại độc tán làm đại biểu.

Thiên về nhiệt nặng nên dùng bài Ngưu bàng giải cơ thang (1) để trừ phòng kói tiết nhiệt khí, nhất là ung nhọt sinh ở thượng bộ, phần nhiều vì phong nhiệt mà gây nên, dùng phương này rất thích đáng.

Nếu vì phong hàn mà gây nên, thì dùng bài Bảo an Vạn linh đan (2) để phát tán phong hàn và thông hành kinh lạc.

Những bệnh ngoại khoa như đinh, nhọt là do có độc nặng, thế phát ra phần nhiều là xấu, nên dùng bài Thiêm tô hoàn (3) để cho ra mồ hôi và giải độc.

 

2. Công lý tiết nhiệt

 

 

Phàm các bệnh ung nhọt hiện ra lý chứng, như phát sốt, khát nước, phiền táo, đại tiểu tiện bí kết và mạch Trầm thực hữu lực, thì phải dùng phương thuốc công lý. Lý chứng phần nhiều là thuộc thực nhiệt, thường là hiện ra sau biểu chứng. Bài thuốc thường dùng thì có những bài Lương cách tán và Nội sơ hoàng liên thang.

Nếu khi bệnh ung nhọt có lý chứng, lại kiêm có biểu chứng như: sợ lạnh, phát nóng, đau đầu, thì phải giải cả biểu và lý, dùng cả phép Hãn và phép Hạ. Phương thuốc thường dùng thì có bài Thần thụ vệ sinh thang chẳng hạn.

 

3. Thanh nhiệt tiêu độc

 

 

Bệnh ung nhọt có chứng trạng cục bộ như: đỏ, nóng, sưng, đau, đều thuộc về dương chứng, nên dùng phép thanh nhiệt tiêu độc. Khi nhiệt độc đương còn nhẹ, thì dùng bài Tiên phương hoạt mệnh ẩm.

Nếu nhiệt nặng hỏa thịnh, có chứng trạng phát sốt, khát nước, phiền táo, mạch sác, nên dùng phép thanh nhiệt tả hỏa, như bài Hoàng liên giải độc thang chẳng hạn. Nếu hỏa nhiệt ở trong thịnh quá, độc vào phần dinh, có chứng mặt đỏ, lưỡi đỏ tươi, phiền táo nặng quá thì hôn mê nói nhảm, nên dùng phép thanh nhiệt lương huyết, như bài Tê giác địa hoàng thang chẳng hạn.

Vì thấp nhiệt gây nên, phần nhiều sinh ở hạ bộ, phép chữa phải thanh nhiệt lợi thấp như bài Tỳ giải thẩm thấp thang (5) chẳng hạn.

 

4. Thanh tâm giải độc

 

 

Bệnh ung nhọt nhiệt độc nung đốt dữ dội, độc khí hãm vào Tâm bào, mà lúc có những chứng trạng sốt cao, phiền táo, hôn mê, nói nhảm, co cứng, quyết nghịch, nên dùng phép Thanh tâm giải độc. Nếu chứng “Tẩu hoàng” thuộc bệnh đinh và chứng “Nội hãm” thuộc bệnh nhọt, tức là độc khí hãm vào tâm bào mà gây nên. Phương thuốc thường dùng để chữa có những bài như: Tử tuyết đan, Ngưu hoàng thanh tâm hoàn.

 

5. Ôn kinh thông lạc

 

 

Bệnh ung nhọt thuộc hư hàn thì chỗ nhọt bằng đầu mà sưng loang ra, màu da không thay đổi, không đỏ, không nóng ê ẩm, hơi đau mạch trì tế như chứng phụ cốt thư(1) chứng nhọt di chuyển chẳng hạn, nên dùng phép ôn kinh thông lạc, có thể dùng bài Dương hòa thang.

 

6 Sơ can giải uất

 

 

Vì lo nghĩ, uất giận, tình tứ không được thư sướng, thất tình uất kết mà gây nên như những bệnh sưng vú, thất vinh(2), thạch thư(3), tràng nhạc. Chỗ sưng cứng rắn khác thường, màu da không thay đổi, khó tiêu cũng khó vỡ, về loại này phải dùng phép Sơ can giải uất, phương thuốc thường dùng để chữa thì có bài Thư can hội kiên thang (6).

 

7. Bài nùng thác độc

 

 

Bệnh ung nhọt đã mọc lên rồi, không có cách gì mà tiêu tan đi được, khi sắp làm mủ hoặc đã làm mủ mà chưa chín muồi, thì phép chữa nên thác độc cho ra ngoài, làm cho độc theo mủ mà ra, như do khí hư thì nên dùng bài Thác lý thấu nùng thang. Như vì khí trệ thì nên dùng bài Thấu nùng tán.

Bệnh ung nhọt khi sắp thành mủ hoặc đã thành mủ, tuy là nên uống thuốc Thác lý, nhưng có trường hợp độc thế quá mạnh, phải cần phối hợp với thuốc tiêu độc mà dùng, nên cho uống bài Thác lý tiêu độc tán (7).

Bệnh ung nhọt khi mới vỡ thì phải cho uống phương thuốc Thác lý bài nùng để cho mủ độc tức thì bài tiết ra mà dễ thu miệng ra da non, nên dùng bài Thác lý bài nùng thang (8).

 

8. Sự phong giải nhiệt

 

 

Khi phong nhiệt, uất kết ở ngoài da, mọc nốt như nốt sởi, ngứa gãi không thôi, đỏ quầng thanh từng đám, phát sốt, phát rét, nặng hơn thì nước mủ đầm đìa, bệnh này nên dùng phép sơ phong giải nhiệt làm chủ, dùng phép khu thấp hoạt huyết làm phụ, nên dùng bài Tiêu phong tán (9), Đương quy ẩm tử (10).

 

9. Bổ ích điều lý

 

 

Bệnh ung nhọt sau khi đã vỡ, mủ ra hết, thịt thối đã rụng hết, khi ấy khí huyết trong người cũng hư, bởi vì mủ và thịt thối là do khí huyết hóa ra. Hơn nữa, là bệnh ung nhọt khi nào có chỗ miệng nhọt hoen loét rộng lớn quá, nếu không bồi bổ khí huyết thì phần nhiều không dễ thu miệng được, mà chính khí cũng khó khôi phục được. Huyết hư phải bổ huyết, dùng bài Tứ vật thang. Khí hư phải bổ khí, dùng bài Tứ quân tử thang. Cả khí cả huyết đều hư thì bổ cả hai mặt, nên dùng bài Bát trân thang. Như chỗ miệng nhọt nhỏ cạn, người bệnh chính khí không hư thì bất tất phải dùng bổ. Lại như bệnh ung nhọt trước khi chưa vỡ, do ảnh hưởng của sự đau sưng làm cho tỳ vị bị tổn thương, người bệnh không muốn ăn uống, khi đã vỡ ra mủ rồi bớt đau, khí của tỳ vị dần dần khôi phục lại thì muốn ăn, uống ngay, cũng bất tất phải uống thuốc, nếu bệnh tình nặng, thời gian dài, khí của tỳ vị khó khôi phục ngay được thì cần nhờ vào thuốc để điều lý. Tỳ vị là nguồn gốc để sinh hóa khí huyết, tỳ vị được bình thường thì ăn uống được tốt, khí huyết cũng tự nhiên thịnh vượng. Những bài thuốc chung để điều bổ tỳ vị, như bài Hương sa lục quân tử thang, Tích khí dưỡng vinh thang (11). Ngoài ra sau khi bệnh ung nhọt đã vỡ mà thận thuỷ bị hư nên uống bài Lục vị địa hoàng hoàn, Thận dương hư thì nên dùng bài Kim quỹ thận khí hoàn.

Các mục bàn ở trên đây chỉ là tình trạng chung chung, ngoài ra còn phải xem xét thể chất của người bệnh và sự biến hóa của bệnh tình, để tiến hành những cách điều trị khác.

 

 

B. Phép chữa ngoài

 

 

 

Phép chữa ngoài của bệnh Ngoại khoa phải nên căn cứ vào giai đoạn khác nhau (khi sưng và khi vỡ mủ) và chứng hậu khác nhau (âm chứng và dương chứng) trong quá trình của bệnh để phân biệt lựa dùng mọi phương pháp và vị thuốc khác nhau, mới có thể thu được công hiệu chữa bệnh. Nay đem phương pháp thường dùng khi lâm chứng, trình bày sơ lược dưới đây:

 

1. Thuốc dán

 

 

Thuốc dán tức là thuốc cao thường dùng của bệnh Ngoại khoa, trên phương diện Ngoại khoa, dùng nó để tiêu thũng hút độc, trừ thịt thối khỏi đau, ra da non, thu miệng. Bởi vì các phương thuốc cao có khác nhau, cho nên trong khi ứng dụng cũng có những thích ứng khác nhau, ví dụ như Gia vị thái ất cao (12) có thể thanh hỏa tiêu thũng, lại có thể hút mủ sinh cơ, cho nên nó là phương thuốc cao thông dụng để chữa khi nhọt mưng và khi nhọt vỡ, thích hợp với chứng dương và chứng nửa dương nửa âm; bài Dương hòa giải ngưng cao (13), tính thiên về ôn nhiệt không kể nhọt đã vỡ hay chưa vỡ đều dùng được cả, nhưng chỉ thích hợp với chứng âm hàn; bài Hoàng liên cao (14) có công năng thanh hỏa nhuận táo, cho nên bệnh ung nhọt đã vỡ rồi, mà sưng lại nên đau nhức, thì rất là thích hợp; bài Sinh cơ ngọc hồng cao (15) có công năng chuyên trừ thịt thối, ra da non, là phương thuốc cao thu liễm rất hay của môn Ngoại khoa.

 

2. Thuốc bao vây

 

 

Bệnh ung nhọt khi mới phát, có sưng lên thành khối thì dán cao tiêu tan rất là thích hợp, nếu như sưng tản mạn mà không có chân, không nổi cục lên, cứng chắc rõ rệt thì phải cần dùng thuốc bao vây, bởi vì tác dụng của thuốc bao vây có thể làm cho ung độc thu lại, không đến nỗi lan rộng ra, chứng nhẹ có thể tiêu đi rồi khỏi. Nếu như độc khí đã hết tụ cũng có thể làm cho mụn nhọt thu nhỏ lại và dội cao lên, dễ mưng mủ, dễ vỡ mủ, thuốc này không những khi mới phát nên dùng, mà dù sau khi đã vỡ mủ rồi, chỗ sưng còn sót lại, cũng cần dùng nó để tiêu sưng. Chẳng qua vì sự hàn nhiệt khác nhau của tính thuốc lại nên tùy chứng mà lựa dùng, như bài Như ý kim hoàng tán thì thích hợp với chứng dương mà không lợi cho chứng âm. Bài Hồi dương ngọc long cao (16) thì thích hợp với chứng âm mà không lợi cho chứng dương.

 

3. Thuốc rắc

 

 

Có mấy công dụng như sau:

a. Tiêu tan: bất kể bệnh Ngoại khoa nào mà có thể tiêu tan đi được thì tức là có thể rút ngắn được bệnh trình, giảm nhẹ được sự đau đớn của người bệnh, cho nên mức yêu cầu số một của sự chữa bệnh Ngoại khoa, tức là việc tiêu tan được mau chóng. Thuốc rắc là một phương pháp dùng các vị thuốc để làm cho ung nhọt tiêu tan đi, tức là rắc lên trên lá cao một thứ thuốc bột có tác dụng tiêu tan, rồi dán vào chỗ sưng, ưu điểm chủ yếu của nó là: đã có thể phát huy sức thuốc được mau chóng lại có thể tùy chứng để gia giảm. Thực là một phương pháp giản đơn mau lẹ nhất. Những bài phổ thông thích dụng về dương chứng có bài Dương độc nội tiêu tán (17), thích dụng về âm chứng có bài Âm độc nội tiêu tán (18). Còn bài Nạo sa tán (19) lại là bài thuốc thông dụng.

b. Thác độc ra, trừ thịt thối: tất cả chứng ung nhọt thũng độc khi mới bắt đầu vỡ mủ thì cách chữa cục bộ phải dùng phương pháp thác độc ra, trừ thịt thối. Vì mủ và thịt thối không hết thì không sinh được da non, không những thêm sự đau khổ cho người bệnh mà còn ảnh hưởng đến sự thu miệng của miệng nhọt. Bởi thế, việc thác độc ra, trừ thịt thối là một phép cơ bản nhất để chữa bệnh ung nhọt. Hồng thăng đơn, Bạch gián đơn tức là bài thuốc chủ yếu để thác độc ra và trừ thịt thối. Bài Bạch gián đan chuyên ăn mòn thịt thối, chỉ có thể dùng tạm mà không nên dùng lâu, bài Hồng thăng đơn đã có thể trừ bỏ thịt thối, lại có thể mau ra da non, được ứng dụng có rộng rãi hơn. Còn như các bài Cửu nhất đơn (20), Ngũ hổ đơn (21), ngoài việc thác độc trừ thịt thối ra, còn có thể sinh da non và kín miệng nữa, cho nên trong khi chữa bệnh phần nhiều dùng loại thuốc này.

c. Ra da non thu miệng: sau khi ung nhọt đã vỡ, vào thời kỳ thịt thối hết, mủ ít, khí huyết của người bệnh dần dần đầy đủ, thì có thể tự ra da non và thu miệng. Nhưng chỉ đơn thuần dựa vào khả năng tự nhiên của thể chất người bệnh, thì thời gian tương đối chậm, hơn nữa, nếu người bệnh mà khí huyết kém, tuy thịt thối đã thoát hết, mủ đã ra ít đi, mà da non vẫn không thể sinh ra được. Trong tình trạng này, ngoài việc dùng thuốc bổ uống trong ra lại phải dùng cao Sinh cơ dán ở ngoài, để giúp cho sự ra da non và thu miệng. Thuốc Sinh cơ thường dùng những bài Bát bảo sinh cơ đơn (22), Can khương sinh cơ tán (23) (thích hợp với các chứng âm hàn).

d. Cầm máu: chứng ung nhọt hỏa độc nóng dữ dội, hoặc bầu mủ lớn quá, ăn đứt đường lạc của huyết, cho đến bị thương vì gươm đao hoặc mổ xẻ không cẩn thận làm tổn thương huyết lạc, đều thấy ra máu không thôi, mà gây ra sự nguy hiểm, cho nên sử dụng thuốc cầm máu cũng rất quan trọng. Những phương thuốc thường dùng như bài Tử kim đơn (24), Kim nhẫn độc thanh đơn (25) hiệu quả rất tốt.

 

e. Cách rửa

 

 

Rửa là cách dùng thuốc nấu lấy nước, nhân khi nước nóng đem ra rửa ráy, ngâm thấm, bôi ướt và ngồi tắm vào chỗ bị đau, như bài Song quy tháp thũng thang (26), dùng vào khi ung nhọt mới sưng và khi sắp vỡ mủ, bài Ngải nhung phu pháp (27) dùng vào khi chứng âm thư không nổi lên được, đều có tác dụng làm cho thớ thịt thưa hở, huyết mạch thông đều, hết thịt thối, sạch sẽ miệng nhọt. Bài Khổ sâm thang có thể dùng rửa tất cả các chứng lở, hắc lào, ngứa ngáy không chịu nổi, có tác dụng khu phong, trừ thấp, sát trùng khỏi ngứa? Đại để bệnh ở chân tay, có thể dùng nước thuốc để ngâm dầm, bệnh ở lưng bụng thì nên chấm rửa luôn luôn, bệnh ở hạ bộ có thể dùng cách ngồi tắm. Khi dùng phép tắm rửa, thì nước thuốc phải nên âm ấm, hơi nguội thì thay ngay, mùa đông cần phải giữ cho ấm, mùa hạ cũng phải tránh gió, bởi vì khí huyết gặp nóng thì lưu thông, gặp lạnh thì ngưng trệ, cho nên độ ấm của nước rửa cần được vừa phải.

 

5. Cách cứu

 

 

Dùng phép cứu chữa bệnh ngoại khoa, thì trong sách Nội kinh đã có rất sớm. Có phép dùng một mình mồi ngải để cứu, có phép dùng vị thuốc khác làm thành cuộn thuốc cứu, có phép dùng miếng thuốc lót dưới mồi ngải để cứu: loại cứu rất nhiều, phạm vi ứng dụng cũng rất rộng rãi, như phép cứu lót tỏi (29), phép cứu bằng bánh đậu sị (30) v.v... dùng vào chứng ngoại khoa mới phát, có khả năng sơ thông khí huyết, khai kết, tán độc, tạo được tác dụng tiêu tan. Phép cứu bằng Phụ tử bĩnh (31), thích dụng vào bệnh ung nhọt đã vỡ, vì khí huyết hư hàn không thể thu liễm miệng nhọt được. Phép Lôi hỏa thần châm (32) chữa bệnh phong, hàn, thấp, xâm lấn vào kinh lạc, phép cứu gỗ dâu (33) thì phàm những âm chứng, cứng mà không vỡ được, không sinh được da non, đau nhức không khỏi đều có thể ứng dụng.

 

6. Cách soi lửa

 

 

Dùng thứ thuốc bột rắc vào tờ giấy bông, xe lại như ngón tay, tẩm vào trong chai dầu mè cho ngấm dầu, rồi đốt lên, hơ vào chỗ đau cách độ nửa tấc, hơi thuốc nhờ hơi lửa đưa lọt vào chỗ đau, khí độc có thể lập tức tiêu mất, chứng xấu trở thành chứng tốt, bằng phẳng có thể nổi cao lên được, tiêu sưng bớt đau, hết thịt thối sinh ra thịt mới rất là hiệu nghịệm. Cách soi lửa (34) dùng vào tất cả các chứng ung nhọt lâu ngày không thu miệng và có mùi hôi thối thuộc loại hư hàn.

Cần nên nói rõ là phép cứu cũng có trường hợp cấm kỵ, như dương chứng không nên cứu, sợ rằng dùng lửa giúp nóng, trên đầu là nơi dương khí tụ hội, cổ gáy tiếp cận với yết hầu, cho nên trên đầu và cổ gáy không nên cứu; nhưng chứng thuần âm thì không cấm kỵ, các đầu ngón tay là nơi da thịt mềm mỏng, cũng không nên cứu sợ rằng cứu thì sẽ nứt da lồi thịt, khi chữa bệnh cần phải chú ý.

 

7. Cách lể

 

 

Nhể là phương pháp dùng mảnh sành nhọn, hoặc dao nhọn, thích nhẹ vào chỗ bị đau cho rớm máu ra để bài tiết chất độc. Phép này tiện dùng cho chứng Hồng ty đinh(1), và chứng ung nhọt vào chỗ sưng đỏ tản mạn quá. Khi dùng thì đem miếng sành nhọn buộc vào đầu chiếc đũa hoặc dùng mũi dao dí thẳng vào da, luôn luôn di động gõ nhẹ lên đầu chiếc đũa hoặc chuôi dao cho chảy máu ra là được, không nên thích sâu quá, cho máu khỏi chảy ra nhiều, khỏi thương tổn đến mạch lạc; và nên chú ý về sự sạch sẽ, khi thích xong dùng nước âm ấm rửa sạch rồi băng bó lại.

 

8. Cách mổ

 

 

Trước khi mổ cần phân biệt nước mủ xem đã chín muồi hay chưa, ở sâu hay cạn, khi mổ phải tập trung tinh thần chuyên chú, có can đảm và cẩn thận, mới có thể làm đúng ý muốn. Nếu mủ chưa muồi mà mổ sớm quá thì khí huyết đã tiết ra mà khó thành mủ; ngược lại, mủ đã thành mà vẫn chưa mổ, thì thịt thối càng sâu rất khó thu miệng, thậm chí khí độc hãm vào trong, hoặc loét vào màng mỡ, mổ sâu hay cạn cũng cần phải chú ý. Như nhọt ở cánh tay, nhọt ở mông đít, sinh ở bộ vị thịt dày, thì nên mổ sâu để tiết độc ở trong ra, nếu như mủ ở sâu mà rạch miệng cạn thì mủ không thể ra được lại gây nên sưng tấy lên và ra máu; như các chứng hột xoài ở hai bên háng, nhọt ở lưng, nhọt ở rốn, nhọt ở bụng và tràng nhạc, thì nên mổ cạn, nếu bọc mủ cạn mà chích sâu quá, thì tổn thương đến thịt lành, mổ miệng nên rộng lớn, và nên theo chỗ nhọt của người bệnh tìm chỗ hơi thấp mà mổ để cho nước mủ dễ chảy ra, khỏi bị mủ chứa lại rồi làm hại. Phàm những chỗ khó mổ như khớp xương và các đường gân mạch, cũng nên cẩn thận, nhất thiết không được liều lĩnh cả gan cắt đứt gân mạch mà những chứng thất vinh, nhất thiết không được mổ, nếu không thì tất nhiên huyết lựu, thạch thư và nhọt vú gây nên hậu quả không tốt, người bệnh nào thể chất hư yếu quá lại nên phải bồi dưỡng trước đã rồi sau mới mổ để khỏi sự hư thoát.

 

9. Nung dùi lửa (hỏa châm)

 

 

Dùng cách nung dùi lửa chữa bệnh Ngoại khoa có hai loại: loại dùi to để tháo mủ, loại dùi nhỏ để tiêu tán. Nay chia ra trình bày như sau:

Dùi to hình như chiếc đũa bằng sắt dài ước chừng 20cm đầu tròn, khi dùng phải chuẩn bị mỗi thứ hai cái, nhúng mũi dùi vào dầu mè, rồi cho vào lửa đốt cho đỏ lên, nhằm vào chỗ thấp nhất của bầu mủ dùi xiên vào mé trên, lập tức mủ chảy vọt ra, một mồi không thông phải dùng mồi nữa. Phép này thích dùng cho các nhọt âm chứng, thịt dầy, mủ sâu như Phụ cốt thư, nhọt di chuyển... Sau khi nung dùi rồi miệng nhọt chưa dễ thu lại ngay, như thế dễ để cho tháo hết mủ ra, không đến nỗi tích đọng lại mà gây hại.

Dùi nhỏ làm bằng bạc, cũng đốt đỏ như phép trên, đâm thẳng vào chỗ sưng đau, thích dụng về những chứng sưng khó tiêu, chậm nung mủ, thuộc loại âm chứng, chỗ sưng hơi to có thể dùi 3 hay 5 lỗ, có tác dụng làm cho hồi dương và tiêu tán.

Các âm chứng kể trên dùng phép hỏa châm để chữa thì công hiệu tương đối tốt, nhưng dùng không thoả đáng, sẽ gây ra nhiều tệ hại, như dùng vào chứng sưng đỏ mưng đau, hỏa độc nhiều quá thì càng sưng đau thêm, mà vỡ ra lở loét càng sâu. Đầu và mặt là chỗ các dương kinh tụ hội, da thịt mỏng cạn, không nên khinh suất mà dùng. Vùng ngực, vùng lưng không thể chích sâu để khỏi thương tổn nội tạng. Các chỗ gân xương và khớp xương cũng không thể dùng được hỏa châm để tránh khỏi nạn khô gân, cháy xương, rồi trở thành người tàn tật.

 

10. Cách giác thuốc (35)

 

 

Giác thuốc là phép dùng nước thuốc để nấu ống trúc cho nóng, úp chặt vào miệng nhọt để hút lấy máu mủ ra, thích dùng vào những chứng nhọt ở lưng, nhọt ở não mà mủ độc đã vỡ ở trong, nhưng còn đặc dính không ra được, có thể giảm bớt được sự đau đớn vì nặn ép, khi dùng xem đường kính của miệng ống trúc lớn hay nhỏ, cốt là làm cho vừa hợp với diện tích của nhọt, nếu miệng nhọt nông và nhỏ quá, khó hút mủ ra, có thể trước khi làm chọc miệng nhọt ra 3 lỗ. Tóm lại là cốt để làm cho hút hết mủ đọng ở trong ra, những bệnh ung nhọt nào lở loét nhiều quá thì không nên dùng phép giác để khỏi mất nhiều máu.

 

 

Phụ: Phép chữa bệnh trĩ rò (Mạch lươn)

 

 

 

Phép chữa bệnh trĩ mạch lươn của Trung y, không những giản tiện dễ làm mà còn có hiệu quả chắc chắn. Hiện nay có 3 loại dưới đây là hay áp dụng nhất trong khi lâm sàng.

1. Cách chữa khô trĩ: phép chữa khô trĩ là dùng bột Khô trĩ tán (36) bôi lên mụn trĩ làm cho mụn trĩ hoại tử rồi rụng đi là khỏi. Thích dùng cho chứng trĩ nội, lồi ra ngoài hậu môn, khi đã khỏi rồi không có các di chứng về sau như chứng hẹp hậu môn và rộng hậu môn. Những chứng trĩ ngoại và chứng trĩ nội mà không lồi ra ngoài hậu môn thì đều không dùng được.

Thao tác: đầu tiên bắt người bệnh rặn cho trĩ lòi ra, rồi nằm nghiêng lên giường, hết sức co hai đùi lại, làm cho mụn trĩ lòi hết ra ngoài. Đồng thời đem thuốc khô trĩ tán hòa với nước nguội như hồ đặc, trát lên miếng giấy bông, rồi dán lên trên mụn trĩ, lại dùng giấy xốp bao phủ lại, ước độ 8 hay 10 giờ, thì mụn trĩ sưng trướng lên, không thụt vào được nữa, sau đó cứ mỗi ngày 2 lần thay thuốc, khi thay thuốc phải rửa mụn trĩ cho sạch, dùng giấy xốp cuộn lại che khuất chung quanh chân mụn trĩ, đề phòng thuốc khô trĩ ăn vào thịt lành. Lại đem thuốc khô trĩ bôi lên mụn trĩ độ dày lấp kín mụn trĩ là vừa, dùng giấy bông bọc kín. Sau 3 đến 5 ngày, thì mụn trĩ khô quắt đen cứng, châm vào cũng không thấy ra máu. Khi ấy dùng bài Khởi trĩ thang (37) để rửa hàng ngày và bôi dán Hoàng liên cao. Sau một tuần lễ mụn trĩ bắt đầu rụng, đổi dùng Kim ngân hoa và Cam thảo nấu nước mà rửa và dán Sinh cơ ngọc hồng cao cho ra da non và thu miệng.

2. Cách chữa xâu dây: phép chữa xâu dây là lực dùng thứ dây thuốc hơi có tính ăn mòn thối thịt, là Nguyên hoa tiên (38) để chữa chứng lỗ dò ở hậu môn. Phép này không những giản tiện mà lại không bị ra máu, sau khi khỏi rồi cũng không bị di độc về sau mà sinh chứng ỉa trống tràng.

Tháo tác: trước tiên dùng sợi dây bạc nhỏ bằng sợi tơ, hai đầu dây có nút tròn, để làm cái kim dò tìm miệng trong, luồn từ miệng ngoài lỗ dò vào trong lỗ dò để dò tìm miệng bên trong. Đầu trước của dây bạc xuyên qua miệng trong thông sang hậu môn, lại dùng cái móc luồn vào hậu môn kéo sợi dây bạc ra ngoài, đem sợi dây thuốc buộc vào đuôi sợi dây bạc do đường hậu môn kéo sợi dây bạc ra thì sợi dây thuốc cũng chui vào lỗ dò, rồi theo đường hậu môn mà ra, liền đem đầu dây chắp vào giữa chỗ giấp của dây thuốc ngoài, rồi nhẹ tay quay một vòng, tức thì đường đây trong ống dò thành ra hai sợi. Cuối cùng đem hai đầu dây buộc lại, trên cái nút lại thắt thêm một vòng có chừa mối cho nó chắc chắn, còn sợi dây thừa ngoài cái nút thì cắt bằng đi. Về thủ thuật như thế là xong.

Sau khi buộc dây rồi, cứ cách 2, 3 ngày thắt chặt lại một lần, khi thắt dây thì phải cởi cái vòng và mở nút ra, rồi kéo nút cho dây chặt lại, và bôi cao Hoàng liên vào. Chừng mực thắt chặt dây, thì coi chừng hễ người bệnh không chịu nổi nữa thì thôi, thắt chặt quá thì đau, thắt lỏng lại không có tác dụng. Về sau đường ống rò cứ lần lượt mở rộng, da non cũng sinh ra dần, đến khi ống rò hoàn toàn mở rộng hết, thì dây thuốc tự nhiên rơi đi, chỗ miếng lở của lỗ dò cũng kín lại mau chóng. Về sau cứ mỗi ngày lại bôi cao Sinh cơ ngọc hồng cao đến khi thật lành thì mới thôi.

3. Cách chữa cột thắt: tất cả các chứng trĩ nội, trĩ ngoại, mà mụn trĩ đầu thì to, cuống thì nhỏ đều có thể dùng cách này. Nếu mụn trĩ hình dạng bằng và dẹp, hoặc đầu nhọn, chân rộng cho đến bệnh trĩ thời kỳ cuối, hình dạng vòng tròn mà vây quanh hậu môn, vì các chứng ấy có cột thắt cũng không vững để rơi đi mất, cho nên đều không thích hợp.

Thao tác: sau khi đã định mụn trĩ nào nên cột thắt để chữa thì liền dùng một sợi dây thuốc (phép chữa cũng như phép chữa xâu dây) làm một cái vòng đôi buộc ở chân mụn trĩ, rồi sau lại thắt thêm một nút nữa. Sau đó, mỗi ngày rút chặt lại một lần và bôi cao Hoàng liên, mụn trĩ dần dần tím bầm và lạnh, ước độ từ 2 đến 7 ngày tự nhiên rụng mất, rồi mỗi ngày bôi Sinh cơ ngọc hồng cao, đến khi thu miệng thì thôi.

Trung y chữa bệnh trĩ mạch lươn ngoài mấy cách trên, còn có cách mổ và cách cắt một số lỗ rò ngắn cạn ở hậu môn, và những mụn trĩ không thích dụng cách khô trĩ và cách cột thắt, đều có thể dùng thủ thuật mổ cắt để chữa.

 

Phụ phương

 

 

 

 

1. Ngưu bàng giải cơ thang (Dương khoa tâm đắc)

 

 

Ngưu bàng tử, Bạc hà, Kinh giới, Liên kiều, Sơn chi, Đan bì,Thạch hộc, Huyền sâm, Hạ khô thảo (liều lượng và cách uống, trong nguyên bản đều bỏ sót).

 

2. Bảo an vạn linh đan (Ngoại khoa chính tông)

 

 

Mao truật 8 lạng, Toàn yết, Thạch hộc, Đương quy, Cam thảo, Minh thiên ma, Xuyên khung, Khương hoạt, Kinh giới, Phòng phong, Ma hoàng, Bắc tế tân, Xuyên ô (ngâm nước bỏ vỏ), Thảo ô (ngâm nước sôi bỏ vỏ), Hà thủ ô đều 1 lạng, Minh hùng hoàng 6 đồng cân, tán thành bột, luyện mật làm hoàn, cứ 1 lạng thuốc chia làm 4 hoàn; 1 lạng làm 6 hoàn 1 lạng làm 9 hoàn tức là 3 loại dùng 6 đồng cân, Chu sa nghiền thật nhỏ làm áo, đựng vào lọ sành, nút thật kín. Xét xem người bệnh tuổi già hay trẻ, bệnh thế hoãn hay cấp rồi châm chước mà dùng. Như mụn độc mới phát khoảng 2, 3 ngày hoặc bệnh ung nhọt đã thành, đến trước sau 10 ngày mà chưa ra mủ, trạng thái giống bệnh thương hàn, đau đầu, buồn bực, khát nước, co quắp, sợ rét, tay chân mình mẩy đau nhức, lợm giọng, nôn mửa, tay chân nặng nề, hoảng hốt, phiền loạn, da dẻ nóng dữ đội... dùng 9 tép hành trắng để cả rễ, nấu làm thang uống 1 hoàn, nằm đắp chăn lại cho ra mồ hôi là khỏi. Nếu mồ hôi chậm ra dùng nước hành mà thúc, nếu mồ hôi ra đầm đìa, để mặc kệ nó rồi tự khô ráo, không được cho gió lọt vào, người bệnh thấy khoan khoái, mụn nhọt chưa lành thì tiêu liền, đã lành thì sưng cao lên và vỡ mủ, nếu bệnh không kiêm cả biểu cả lý, thì bất tất phải phát tán, chỉ dùng rượu mài thuốc cho uống, uống xong phải tránh gió kiêng ăn những thức lạnh, cấm phòng sự. Phụ nữ đương kỳ hành kinh và phụ nữ có thai thì kiêng dùng.

 

3. Thiềm tô hoàn (Ngoại khoa chính tông)

 

 

Thiềm tô 2 đồng (hòa vào rượu cho tan ra), Khinh phấn 5 phân, Khô phàn, Hàn thủy thạch (nướng), Đồng lục, Nhũ hương, Một dược, Đởm phàn, Xạ hương đều 1 đồng, Hồng hoàng 2 đồng, Oa ngưu 20 con, Chu sa 3 đồng.

Các vị thuốc trên tán thành bột, chọn giờ Ngọ ngày Đoan ngọ ở trong nhà kín đáo, im lặng trước hết đem Oa ngưu giã nát, rồi đem trộn với Thiềm tô nghiền cho đều, cho thuốc bột vào lèn mãi cho thật đều hoàn bằng bột đậu xanh, mỗi lần uống 3 hoàn, dùng hành trắng thái nhỏ, bọc viên thuốc vào trong, nuốt đi, tiêu với 1 chén rượu, nằm đắp chăn cho ra mồ hôi là khỏi. Chứng nặng có thể uống lại 1 lần nữa. Cũng có thể làm thành bánh để đắp ở ngoài.

 

4. Thần thụ vệ sinh thang (Y tông kim giám)

 

 

Xuyên sơn giáp (sao) 6 phân, Tạo giác thích 1 đồng, Phòng phong 6 phân, Khương hoạt 8 phân, Bạch chỉ 6 phân, Liên kiều 6 phân, Quy vĩ 1 đồng, Kim ngân hoa 1 đồng, Nhũ hương 5 phân, Trầm hương 6 phân, Thạch quyết minh 6 phân, Hồng hoa 6 phân, Đại hoàng (sao rượu) 2 đồng, Cam thảo tiết 1 đồng, Thiên hoa phấn 1 đồng.

15 vị trên đây, đổ vào hai bát nước sắc lấy 8 phân, bệnh ở thượng bộ thì uống một chén rượu trước, rồi sau mới uống thuốc, bệnh ở hạ bộ thì uống thuốc trước rồi sau mới uống một chén rượu để dẫn thuốc đi. Nếu người bệnh khí hư, đại tiện lợi thì không dùng vị Đại hoàng.

 

5. Tỳ giải thẩm thấp thang (Dương khoa tâm đắc)

 

 

Tỳ giải, Dĩ nhân, Hoàng bá, Xích linh, Đan bì, Trạch tả, Hoạt thạch, Thông thảo (phân lạng và phép dùng đều thiếu).

 

6. Thư can hội kiên thang (Y tông kim giám)

 

 

Hạ khô thảo, Sao cương tàm đều 2 đồng, Tửu sao, Hương phụ tử, Thạch quyết minh (đốt) đều 1 đồng 5 phân, Đương quy, Bạch thược (sao giấm), Trần bì, Sài hồ, Xuyên khung, Xuyên sơn giáp đều 1 đồng, Hồng hoa, Khương hoàng thái lát, Cam thảo đều 5 phân, dùng 50 tấc bấc đèn làm thang, 3 bát nước sắc lấy 1 bát uống hơi nóng, cách xa bữa ăn. Nếu đại tiện táo bón gia 1 đồng Nhũ hương, đại tiện đi lỏng gia 1 đồng Mẫu lệ nung đỏ.

 

7.Thác lý tiên độc tán (Ngoại khoa chính tông)

 

 

Nhân sâm, Xuyên khung, Bạch thược, Hoàng kỳ, Đương quy, Bạch truật, Phục linh, Kim ngân hoa đều 1 đồng.

Bạch chỉ, Chích cam thảo, Cát cánh, Tạo giác châm đều 5 phân. Cho vào hai bát nước sắc lấy 8 phân, uống cách xa bữa ăn, người nào tỳ hư yếu thì khử Bạch chỉ, bội Nhân sâm.

 

8. Thác lý bài nùng thang (Y tông kim giám)

 

 

Nhân sâm, Bạch truật (sao hoàng thổ), Bạch thược (sao rượu), Phục linh, Đương quy, Liên kiều (bỏ tim), Kim ngân hoa, Chiết bối mẫu (bỏ tim) đều 1 đồng, Sinh hoàng kỳ 2 đồng, Trần bì 8 phân, Nhục quế 6 phân, Cam thảo 4 phân, gia Sinh khương 1 lát, cho vào ba bát nước, sắc lấy 1 bát uống ấm cách xa bữa ăn. Độc ở trên ngực, gia Cát cánh 1 đồng, ở hạ bộ thì gia Ngưu tất 8 phân, ở đỉnh đầu thì gia Bạch chỉ 5 phân.

 

9. Tiêu phong tán (Y tông kim giám)

 

 

Đương quy, Phòng phong, Tri mẫu, Hồ ma nhân, Thương truật, Sinh thạch cao đều 1 đồng.

Mộc thông 5 phân, Sinh địa, Thuyền thoái, Khổ sâm, Kinh giới, Ngưu bàng tử đều 1 đồng, Sinh cam thảo 5 phân, cho vào 2 bát nước, sắc lấy 8 phân, uống cách xa bữa ăn.

 

10. Đương quy ẩm tử (Lệ dương cơ yếu)

 

 

Đương quy, Xuyên khung, Phòng phong, Kinh giới đều 1 đồng rưỡi, Sinh cam thảo 1 đồng, Bạch thược, Sinh địa, Bạch tật lê đều 1 đồng rưỡi, sao Hoàng kỳ, Hà thủ ô đều 1 đồng sắc uống.

 

11. ích khí dưỡng vinh thang (Chứng trị chuẩn thằng)

 

 

Nhân sâm 1 đồng, Sao Bạch truật 2 đồng, Phục linh 1 đồng, Sinh Cam thảo 5 phân, Đương quy, Bạch thược, Thục địa, Hương phụ, Hoàng kỳ đều 3 đồng, Trần bì, Bối mẫu đều 1 đồng, Sinh khương 3 lát sắc uống.

 

12. Gia vị Thái ất cao (Ngoại khoa chính tông)

 

 

Nhục quế, Bạch chỉ, Đương quy, Huyền sâm, Xích thược, Sinh địa, Đại hoàng, Thổ mộc miết đều 2 lạng, Chân a ngùy 3 đồng, Khinh phấn 4 đồng, cành Hòe, cành Liễu đều 100 đoạn, Tóc 1 lạng, Đông đơn 40 lạng, Nhũ hương tán nhỏ 3 đồng, Một dược (tán nhỏ) 3 đồng, dầu mè 5 cân.

Trước đem 10 vị từ Nhục quế đến cành Liễu ngâm vào dầu, mùa xuân ngâm 5 ngày, mùa hạ 3 ngày, mùa thu 7 ngày, mùa đông 10 ngày, xong đổ cả thuốc cả dầu vào nồi to sạch sẽ, đun lửa nhỏ bao giờ thuốc khô nổi lên thì tắt lửa, dùng túi vải lọc hết bã thuốc, chùi sạch nồi dầu, lại dùng lụa dày lọc dầu vào nồi, càng trong càng tốt, rồi cho tóc vào, đun nhỏ lửa, nấu đến tóc nổi lên, giống như cao hóa tan ra, nấu cho dầu chín đến khi nhỏ vào nước thành như hạt châu, cứ mỗi một cân dầu chín thì từ từ cho vào 6 lạng rưỡi Đông đơn đã phi rồi. Về tiết hè thu nóng quá, có thể cho thêm 5 đồng nữa. Khi ấy đốt lửa to thêm, dùng đũa cả bằng cành liễu quấy luôn tay, đợi cho trong nồi thấy khói xanh phát ra, rồi đến khói trắng ngùn ngụt bốc lên cao là đã ngào xong, đè, cao nhỏ vào trong bát nước, để thử xem mềm hay rắn, nếu cao loãng thì thêm Đông đơn, cao già quá thì thêm dầu, bắc lên lửa ngào lại thong thả, cốt làm cho cao non già được vừa phải. Sau khi bắt ra ngoài và đã hết khói, thì tán A nguy thành bột, rồi rắc mỏng lên mặt cao, A ngùy tan hết, lại cho Nhũ hương, Một dược, Khinh phấn vào, quấy đều rót vào thùng nước, dùng đến cành liễu ngoáy cho thành một khối, thay nước lạnh ngâm cao vào, đem chứa cất cẩn thận chờ khi dùng đến.

 

13. Dương hòa giải ngưng cao (Ngoại khoa chứng trị toàn sinh tập)

 

 

Ngưu bàng tử tươi cả gốc, rễ, cành lá 3 cân. Cành cây móng tay, Xuyên khung đều 4 lạng, Dầu mè 10 cân.

Nấu trước cho thuốc khô rồi bỏ bã đi, hôm sau dùng: Xuyên phụ, Quế chi, Đại hoàng, Đương quy, Nhục quế, Quan quế, Thảo ô, Xuyên ô, Địa long, Cương tàm, Xích thược, Bạch chỉ, Bạch liễm, Bạch cập đều 2 lạng. Tục đoạn, Phòng phong, Kinh giới, Ngũ linh chi, Mộc hương, Hương duyên, Trần bì đều 1 lạng.

Lại bỏ vào nấu cho thuốc khô, bỏ bã đi lọc cho trong, để 1 đêm cho dầu nguội, cân lên cho biết bao nhiêu cân lạng, cứ mỗi cân dầu là dùng 7 lạng Đông đơn đã phi rồi cho vào quấy đều, đun nhỏ lửa mà ngào, đến khi giọt nước cao như hạt châu mà không dính tay là được. Đem nồi cao để vào chỗ lạnh, lại cho bột Nhũ hương, Một dược mỗi thứ 2 lạng, 4 lạng dầu Tô hợp hương, 1 lạng Xạ hương vào trong nồi cao, quấy cho thật đều, làm cho hỏa khí đi hết, sau nửa tháng đem ra dùng.

 

14. Hoàng liên cao (Y tông kim giám)

 

 

Hoàng liên 3 đồng, Đương quy vỹ 5 đồng, Hoàng bá 3 đồng, Khương hoàng 3 đồng, Sinh địa 1 lạng. Dùng 12 lạng dầu mè, bỏ các vị thuốc này vào nấu cho thuốc khô, bỏ bã thuốc rồi lọc trong, thêm vào 4 lạng sáp vàng, nấu cho hóa ra là thành cao.

 

15. Sinh cơ ngọc hồng cao (Ngoại khoa chính tông)

 

 

Đương quy 2 lạng, Bạch chỉ 5 đồng, Cam thảo 1 lạng 2 đồng, Tứ thảo 2 đồng.

Dùng 1 cân dầu mè, cho thuốc vào ngâm 3 ngày, nấu cho thuốc khô bỏ bã đi, cho vào 2 lạng sáp trắng, nấu cho hóa ra lại cho Huyết kiệt, Khinh phấn, mỗi thứ 4 đồng, quấy cho thấu đều, cho vào lọ thu cất kỹ.

 

16. Hồi dương ngọc long cao (Ngoại khoa chính tông)

 

 

Sinh khương 3 lạng sao, Nhục quế 5 đồng, Xích thược (sao) 3 lạng, Nam tinh 1 lạng, Thảo ô 3 lạng (sao), Bạch chỉ 1 lạng. 6 vị trên đây sau khi bào chế kỹ rồi, cùng tán thật nhỏ, hòa với rượu nóng, bôi vào chỗ đau.

 

17. Dương độc nội tiêu tán (Ngoại khoa chính tông)

 

 

Xạ hương, Băng phiến 2 đồng, Bạch cập, Nam tinh, Khương hoàng, Sao giáp phiến, Long não, Băng phiến đều 4 đồng, Khinh phấn, Đởm phàn đều 3 đồng, Đồng lục 4 đồng, Thanh đại 2 đồng.

Các vị trên nghiền thật nhỏ, rắc vào lá cao mà dán.

 

18. Âm độc nội tiêu tán (Ngoại khoa chính tông)

 

 

 

Xạ hương 1 đồng, Khinh phấn 3 đồng, Đinh hương 1 đồng, Nha tạo 2 đồng, Long não, Băng phiến 4 đồng, Hùng hoàng 3 đồng, Lương khương 2 đồng, Nhục quế 1 đồng, Xuyên ô 3 đồng, Sao giáp phiến 3 đồng, Hồ tiêu 1 đồng, chế Nhũ hương 2 đồng, chế Một dược 2 đồng, A ngùy (sao bỏ đầu) 3 đồng.

Các vị thuốc trên nghiền thật nhỏ, rắc vào trong miếng cao mà dán.

 

19. Não sa tán (Trần Hiệp Cát)

 

 

Não sa phấn 1 lạng, Thần sa 1 đồng 5 phân, Hùng hoàng 3 đồng, Hỏa tiêu 5 đồng, Tây nguyệt thạch 5 đồng, tán thật nhỏ, rắc vào trong lá cao mà dán.

 

20. Cửu nhất đan (Ngoại khoa chính tông)

 

 

Hồng thăng đơn 1 đồng, Thạch cao nung 9 đồng, 2 vị này cùng tán thật nhỏ rắc lên miệng nhọt hoặc đem thuốc xe trộn với giấy, nhét vào miệng nhọt, ngoài dán cao

 

21. Ngũ hổ đơn (Trần Hiệp Cát)

 

 

Hoàng thăng 2 lạng 5 đồng, Khinh phấn 1 lạng, Thạch cao nung (ngâm vào trong hố tiểu độ trên 1 năm, rồi lại ngâm rửa xuống sông nước chảy nửa năm là tốt) 6 lạng, Mai phiến 5 đồng, Hoàng liên 10 đồng (1 lạng) đều tán thành bột mịn, đựng vào lọ sành cho kín, bôi lên muệng nhọt, hoặc giấy súc chấm thuốc nhét vào trong miệng nhọt, ngoài dán cao. Thuốc này không nên dùng nhiều, dùng nhiều thì miệng nhọt phát đau.

 

22. Bát bảo sinh cơ đan (Dược liễm khải bí)

 

 

Thục thạch cao 1 lạng, Khinh phấn 1 lạng, Hoàng đơn 3 đồng, Long cốt 3 đồng, Xích thạch chi 1 lạng, Nhũ hương 3 đồng, Một dược 3 đồng.

Các vị trên cùng nghiền thật nhỏ rắc vào chỗ đau, ngoài dán cao.

 

23. Càn khương sinh cơ tán (Y tông kim giám)

 

 

Càn khương 1 lạng, nghiền thật nhỏ, rắc vào miệng nhọt, ngoài dán cao.

 

24. Tử kim đan (Dương khoa cương yếu)

 

 

Tử kim đằng (tức là Giáng hương) 5 lạng, Nhũ hương, Một dược bỏ hết đầu đều 2 lạng, Huyết kiệt, Ngũ bội tử (sao) đều 1 lạng 5 đồng cân.

Các vị trên đều tán thật nhỏ, trộn đều, mỗi lạng thuốc bột cho vào 3 đồng Băng phiến, cho vào lọ nút kín để dành dùng, để lâu càng tốt.

 

25. Kim phẫn độc thánh đan (Dương khoa cương yếu)

 

 

Hột nhãn (sao) 1 lạng, Băng phiến 2 đồng, đều tán nhỏ, trộn đều cất giữ cho kỹ để rắc lên miệng nhọt.

 

26.Thông quy pháp thũng thang (Y tông kim giám)

 

 

Độc hoạt, Đương quy, Bạch chỉ, Cam thảo đều 3 đồng, 7 củ hành đổ vào 3 bát nước, nấu đến khi nào được đặt, lọc bỏ bã, lấy lụa chấm nước thuốc mà rửa nóng. Khi rửa phải tránh gió lạnh, nước ấm lại thay, rửa cho đến khi trong nhọt nóng và ngứa là được.

 

27. Ngải nhung phu pháp (thuốc đắp, Y tông kim giám)

 

 

Lưu hoàng 5 đồng, Hùng hoàng 5 đồng, Ngải nhung 1 cân. Trước tán Lưu hoàng, Hùng hoàng cho thật nhỏ, cùng với ngải đổ nước nấu nửa ngày, khi nước sắp cạn, đem ngải giả nhỏ, nhân khi đương nóng đắp vào chỗ đau, lại nấu, lại thay hơn 10 lần, nhưng đồng thời phải uống thuốc đại bổ hồi dương.

 

28. Trư đề thang (Ngoại khoa chính tông)

 

 

Hoàng cầm, Cam thảo, Đương quy, Xích thược, Bạch chỉ, Phòng phong (tàng ong), Khương hoạt.

Các vị bằng nhau, tán nhỏ dùng một chiếc chân giò trước lợn đực, đổ 6 bát nước, nấu đến khi chân giò nhừ, lọc trong, bỏ váng mỡ trên mặt nước đi, cho một lạng thuốc bột vào, đun nhỏ lửa nấu cho sôi hơn 10 dạo, lấy lụa dày lọc bỏ bã, rồi dùng lụa mềm, nhúng nước sôi chấm lên chỗ nhọt lở nhẹ, tay cọ hết mủ, thịt thối, lau khô miệng nhọt, rồi sau bôi thuốc lên.

 

29. Cứu cách tỏi (Ngoại khoa chính tông)

 

 

Dùng củ tỏi lớn thái 1 nhát mỏng, bề dày ước trên dưới 1 phân, đặt lên đầu mụn nhọt, dùng mồi ngải đốt 3 tráng, rồi lại thay 1 lát tỏi khác; khi mới cứu mà thấy đau, thì cứu đến khi không đau giống như ngứa là được, khi mới cứu mà không đau, thì cứu đến khi biết đau ngứa là được. Nếu chỗ sưng tản mát không có đầu thì lấy miếng giấy ướt đắp lên trên, xem chỗ nào khô trước, thì đặt miếng tỏi lên mà cứu, nếu 2 hay 3 chỗ cùng khô trước, thì cứu luôn 2 hay 3 chỗ ấy. Có cái đầu nhọt đỏ sưng cả bốn phía, thì để giữa trên đầu nhọt mà cứu. Nếu nhọt lớn quá mà lâu ngày rồi thì dùng tỏi gĩa nhuyễn đắp lên chỗ nhọt, rải ngãi lên trên tỏi mà cứu, hễ tỏi nóng thì thay tỏi khác, và nên uống bài Hộ tâm tán trước (trong phương dùng Lục đậu phấn, Nhũ hương, Chu sa, Cam thảo, thấy ở Y tông kim giám) để đề phòng hơn lửa cháy vào trong. Nếu cứu cho trẻ con thì đem miếng tỏi đặt lên cánh tay người lớn trước, chờ cho miếng tỏi nóng rồi sẽ chuyển sang trên nhọt độc của trẻ con.

 

30. Cứu cách bánh đậu sị (Y tông kim giám)

 

 

Đậu sị nghiền thành bột, dùng nước miếng nhào thành bánh, bề rộng vừa với cái nhọt, úp lên trên nhọt, đặt ngải lên mà cứu, miếng bánh ấy khô thì thay miếng khác. Nếu nhọt đã có lỗ, đừng đặt trên lỗ, đè chung quanh mà cứu, làm cho nó hơi nóng thôi, chớ có làm cho chớt da lồi thịt, một ngày cứu 3 lần.

 

31. Cưú cách bánh phụ tử (Y tông kim giám)

 

 

Sinh phụ tử nghiền nhỏ trộn với rượu nặn thành cái bánh dày độ trên dưới 1 phân, đặt lên chỗ đầu nhọt, dùng mồi ngải mà cứu, mỗi ngày 3 tráng, nhưng chỉ cho hơi nóng, chớ làm cho đau, bánh khô thì thay bánh khác, lấy miếng nhọt đỏ tươi làm chừng.

 

32. Châm bằng mồi lửa (Lôi hỏa thần châm) (Y tông kim giám)

 

 

Kỳ nủ©i 3 đồng, Đinh hương 5 phân, Xạ hương 2 phân. Đem thuốc bột cùng với úa ngải vò cho đều, dùng 1 tờ giấy bản, rắc thuốc bột lên giấy, cuộn cho thật chắc bằng ngón tay, khi cứu lấy giấy lót bằng lên trên chỗ nhọt 7 lần, rồi đốt châm cho cháy, nhằm vào chỗ đau mà dí vào cho chặt bao giờ không thấy đau thì mới bắt đầu xoay kim. Bệnh nặng thì châm 2 lần, sau 7 ngày mụn phồng nổi lên, tức là có thể thu được công hiệu.

 

33. Cứu bằng que dâu (Ngoại khoa chính tông)

 

 

Dùng cây dâu tươi, chẻ bằng ngón tay, dài độ 20cm, đốt cháy một đầu, rồi thổi tắt, hơ vào chỗ đau, lửa tắt hết lại thay, mỗi lần 3 hay 4 que, mỗi ngày làm 2, 3 lần đến khi nào cảm thấy nóng nhọt vỡ, thịt nhũn làm chừng, sau khi hở liền theo phép mà dán cao.

 

34. Cách soi lửa (Lục tự ngoại khoa chính tông, có tên khác là Thần đăng chiếu pháp)

 

 

Chân huyết kiệt, Chu sa, Một dược, Minh hùng hoàng đều 1 đồng, Xạ hương 2 phân.

Các vị nghiền thật nhỏ trộn đều, dùng giấy bản xe thành cuộn dài 6 tấc, rộng chừng 1 tấc, rắc thuốc vào cuộn lại bằng ngón tay, tẩm vào dầu mè cho ngấm đều, bảo người bệnh ngồi yên lặng, rồi đốt mồi lên hơ vào chung quanh chỗ đau cách xa độ nửa tấc, mỗi ngày hơ vài lần thì tiêu hết thịt thối ra da non, chuyển âm thành dương.

 

35. Cách giác thuốc (Y tông kim giám)

 

 

Khương hoạt, Độc hoạt, Tử tô kỳ ngải, Xương bồ, Bạch chỉ, Cam thảo đều 5 đồng, Hành cả rễ 2 lạng. Đổ vào 10 bát nước nấu sôi lên vài lần, rót vào cái ống bằng trúc non tươi, đường kinh ống trúc lớn hay nhỏ tùy theo miệng nhọt (dài ước 28cm, một đầu bít mắt, cạo hết da xanh, bề dày độ 1 phân, bên cạnh mắt dùi một cái lỗ nhỏ, lấy miếng gỗ the mốc làm cái nút, nút lại). Lại nấu sôi lên vài mươi dạo đem luôn cả nồi đặt ở trước giường người bệnh, lấy cái ống ra đổ hết nước đi, thừa lúc đang nóng lẹ tay úp lên miệng nhọt, thì tự nhiên nó hút chặt lấy, một chốc, ống thuốc nguội lạnh, rút cái nút the mốc ra, thì cái ống rơi ngay, nước mủ tức thì vọt ra, rồi dùng cao dán kín miệng nhọt lại, nếu mủ chưa ra hết thì ngày mai lại dùng phép hút này.

 

36. Khô trĩ tán (Hoàng tế Xuyên trĩ lậu liệu pháp)

 

 

Thạch tín 5 đồng, Hùng hoàng 2 đồng, Bằng sa 2 đồng, Lưu hoàng 2 đồng. Bạch phàn 2 lạng.

Các vị thuốc trên nghiền riêng thành bột nhỏ, để riêng Lưu hoàng ra, còn các vị khác trộn cho thật đều, đựng vào cái nồi đất, lấy giấy bịt kín miệng nồi lại (ở giữa khoét một cái lỗ nhỏ, ước độ 1 phân rưỡi) đặt lên lò than mà đốt, một chốc thì có khói vàng ở trong lỗ nhỏ ấy bốc ra, trong nồi cũng phát ra tiếng réo lớn nhỏ không đều, đợi đến khi khói vàng biến ra khói xanh và ít khói hơn, sau khi tiếng réo ở trong nồi đều đặn rồi (khi ấy toàn bộ các vị thuốc trong nồi đã chảy tan), lại rót Lưu hoàng vào lỗ con ở miệng nồi và bớt dần lửa đi, đợi đến khi tiếng réo ở trong nồi im lặng, khói xanh ra hết rồi, bắc xuống để nguội, đổ thuốc ra cất vào nơi kín và tối hơn 1 tháng để cho hết độc lửa, nghiền thành bột thật nhỏ mà dùng.

 

37. Thuốc rửa trĩ (Khởi trĩ thang) (Trương thị y thông)

 

 

Hoàng liên, Hoàng bá, Hoàng cầm, Đại hoàng, Phòng phong, Kinh giới, Chi tử, Hòe giác, Khổ sâm, Cam thảo đều 1 lạng, Phác tiêu 5 đồng.

Thuốc trên đây chia làm 3 lần, dùng nấu nước để rửa các chỗ trĩ lở.

 

38. Nguyên hoa tuyến (Y tông kim giám)

 

 

Nguyên hoa 5 đồng, Bích tiền (bao trứng nhện) 2 đồng, Chỉ tơ trắng 3 đồng

Dùng 1 bát con nước, cho cả dây và thuốc vào trong cái bình sành, đun nhỏ lửa, nấu dần khi nước cạn hết làm chừng. Lấy chỉ tơ ra, phơi râm cho khô, cất đi mà dùng.

Bài viết này có 0 bình luận

Viết một bình luận :

8687