Phụ khoa khái yếu
29/12/2013 05:43 - Đăng bởi: adminPhụ khoa khái yếu
Phụ khoa học là một môn học chuyên nghiên cứu về bệnh tật của phụ nữ. Phạm vi của nó nói chung bao gồm 4 phương diện Kinh, Đái, Thai, Sản. Bệnh biến về mấy phương diện ấy đều theo đặc điểm sinh lý của phụ nữa mà ra, đó là nội dung chủ yếu của môn học. Hơn nữa, những bệnh tật của phụ nữ tuy không khác của nam giới, nhưng ở một số tình trạng nào đó thì không thể xem như nhau được, đặc biệt là khi hành kinh, khi có thai cho đến sau khi sinh đẻ, cần phải xem xét đặc điểm sinh lý của họ để cân nhắc phương pháp chữa bệnh. Vì thế, học tập và nghiên cứu về phụ khoa là điều tất yếu.
I. Đặc điểm sinh lý của phụ nữ
Sinh lý của phụ nữ có nhiều chỗ không giống với nam giới, như lấy nội tạng mà nói, thì bào cung là khí quan riêng của phụ nữ, chuyên chủ giữ việc nguyệt kinh và hệ bào, nó là chỗ phát nguồn của mạch Xung và mạch Nhâm. Mạch Xung là bể của huyết, mạch Nhâm là chủ về bào thai cho nên công năng của bào cung cùng với hai mạch Xung và Nhâm có quan hệ không thể tách rời ra được. Sau nữa vì sự nuôi con bú, nên hai vú cũng phát triển đặc biệt. Vú thuộc về kinh Túc dương minh vị. Vị là bể chứa thức ăn uống, tinh khí của thức ăn uống có thể do chỗ ấy mà biến hóa thành sữa.
Sự phát dục của phụ nữ cũng sớm hơn nam giới. Căn cứ lời ghi chép trong thiên Thượng cổ thiên chân luận sách Tố Vấn thì nói chung là trên dưới 14 tuổi, sự phát dục đã thành thục, sinh ra thiên quý(1), khí huyết của mạch Xung, mạch Nhâm bắt đầu đầy đủ thịnh vượng mà đúng tháng thì hành kinh, có thể thụ thai mà sinh con được rồi. Trên dưới 28 tuổi, thể lực mạnh mẽ đầy đủ tột bực, 35 tuổi trở về sau thì đã bắt đầu suy yếu, đến trên dưới 49 tuổi thì khí huyết của mạch Xung, mạch Nhâm suy hết, nguyệt kinh ngừng hẳn, thiên qúy kiệt hết, nói chung khí ấy là không thể sinh đẻ được nữa. Ở đây cần phải nói rõ: đời sau thường đem “thiên quý” và “nguyệt kinh” bàn chung làm một, kỳ thực trong sách “Nội kinh” đã nói rất rõ ràng là con trai khi bộ máy sinh dục phát triển đầy đủ, cũng sinh ra thiên quý, vậy có thể thấy nó là một thứ vật chất sinh ra sau khi thân thể phát triển đầy đủ chứ không phải nói riêng về kinh nguyệt mà chỉ phụ nữ mới có.
Phụ nữ sau khi thụ thai về biến hóa trên sinh lý, thì trước hết là tắt kinh, cuối tháng thứ nhất, nói chung đã bắt đầu có những hiện tượng kén lựa những thức ăn, dạ dày không thư thái, lợm giọng, nôn oẹ v.v... Đến tháng thứ 3 hai vú dần dần nở to, có khi cảm thấy đau nhói, đầu vú và quầng vú đổi sắc, bụng cũng to lên dần dần; đến cuối tháng thứ tư thì đã có thể biết thai nhi ở chỗ nào. Tháng thứ 5, thứ 6 thì các chứng phù tãung, nôn oẹ lại dần dần mất đi, vú lại càng to thêm, nắn thì có thể có ít sữa chảy ra, bụng dưới phình ra rõ rệt, người mẹ đã cảm thấy thai cử động; khoảng tháng thứ 7, thứ 8 bụng phình rất to, rốn lồi, thai cử động càng mạnh thêm; tháng thứ 9 cảm thấy thở có hơi gấp; tháng thứ 10 rốn lồi thêm, thai lại trụt xuống, thường tiểu tiện luôn, đại tiện bí. Khi bắt đầu có thai là lúc xuất hiện dấu hiệu nên phải để ý biện biệt là có bệnh hay là có thai, chớ cho uống thuốc bừa bãi. Vì sự thay đổi ấy phần nhiều thuộc về phạm vi sinh lý, nói chung sau khi sinh đẻ rồi, các chứng trạng đều sẽ tiêu hết, mà trở lại bình thường, nếu gặp lúc vì sự biến hóa sinh lý mà đưa đến sự biến hóa bệnh lý, thì nên kịp thời mà chữa cho thích đáng.
Phụ nữ sinh đẻ cũng là hiện tượng sinh lý tự nhiên về mặt tinh thần không nên vội vàng quá, các thầy thuốc xưa ví như tai nghe, mắt hay thấy, tay hay cầm, chân hay bước và đề ra 6 chữ: “Ngủ, nhịn đau, thong thả đẻ” để làm bí quyết khi sắp đẻ, làm cho tinh thần sản phụ không bị ảnh hưởng gì, để đảm bảo được sự tiến hành thuận lợi trong quá trình sinh đẻ.
Mỗi tháng một lần hành kinh là quy luật chung, nhưng cũng có khi hai tháng một lần gọi là Tính nguyệt, ba tháng một lần gọi là Cư kinh cũng gọi là án quy, mỗi năm một lần gọi là Tỵ niên. Suốt đời không hành kinh, đền kỳ chỉ thấy hơi mỏi lưng một chút gọi là ám kinh. Những người phụ nữ ấy cũng có thể sinh đẻ như thường. Lại còn có người đã có thai rồi mà vẫn hàng tháng hành kinh, nhưng so với khi bình thường thì ít hơn, mẹ con đều không tổn hại gì cả gọi là Thịnh thai hoặc Cấu thai, lại gọi là Khích kinh, đó đều là hiện tượng riêng biệt trong sinh lý của phụ nữ.
II. Chẩn đoán về phụ khoa
a) Về kinh nguyệt: điều cần phải hiểu biết trước nhất là kỳ hành kinh, màu kinh, chất kinh và lượng kinh. Nói chung kinh nguyệt của phụ nữ trừ thời gian có thai và cho con bú ra, thường thường mỗi tháng hành kinh một lần, kinh kỳ kéo dài từ 3 đến 5 ngày một lần. Có người hành kinh trước kỳ hay sau kỳ, hoặc thời gian hành kinh quá dài hay quá ngắn, đều là hiện tượng trái thường. Nói chung, hành kinh trước (trồi) kỳ phần nhiều thuộc thực thuộc nhiệt; hành kinh sau kỳ (sụt) phần nhiều thuộc hư, thuộc hàn. Trước sau không nhất định, phần nhiều vì can khí uất kết, và tỳ vị khí hư. Nếu một tháng 2, 3 lần hành kinh, hoặc 2, 3 tháng mới có một lần, biểu hiện rõ là khí huyết ở mạch Xung mạch Nhâm đã rối loạn, thường làm dấu hiệu cho những chứng băng lậu, kinh bế. Phụ nữ ngoài 40 tuổi rất dễ phát sinh ra hiện tượng ấy. Sau nữa là lượng và sắc của kinh nguyệt rất quan trọng. Nói chung, lượng nhiều, sắc bầm mà đặc phần nhiều thuộc chứng nhiệt. Lượng ít, màu nhợt mà loãng phần nhiều thuộc chứng hư hàn, màu kinh tím mà thành cục là có ứ tích. Ngoài ra còn phải hiểu trong thời gian hành kinh có hay không những hiện tượng bụng trướng, đau bụng, đau lưng, đau đầu, phát sốt, nôn oẹ, không muốn ăn uống để tiện việc biện chứng luận trị.
b) Về khí hư, đái hạ: nói chung, phụ nữ khỏe mạnh đều thường có huyết trắng chút ít, nếu có nhiều là hiện tượng bệnh lý. Bệnh đái hạ thường thấy, nhất là chứng bạch đái, rồi đến chứng hoàng đái, ngoài ra còn những chứng xích đái, thanh đái, hắc đái nhưng thấy ít hơn. Nói chung, bệnh bạch đái phần nhiều thuộc phần khí, bệnh xích đái thuộc phần huyết. Về phương diện ngũ tạng thì bạch đái thuộc về phế, xích đái thuộc tâm, hoàng đái thuộc tỳ, thanh đái thuộc can, hắc đái thuộc thận. Nếu thấy kiêm cả 5 sắc là chứng không lành. Nói chung bệnh đái hạ không có mùi hôi hoặc hơi có mùi tanh, nếu tanh hôi lạ thường, phần nhiều thuộc chứng không lành. Ngoài ra còn phải kết hợp với chứng trạng toàn thân mà xem xét bệnh tình, như thấy bụng dưới khó chịu, mạch đi hoạt sác, phần nhiều thuộc thấp nhiệt dồn xuống, phiền khát không thôi, phần nhiều thuộc nhiệt chứng; mạch đi vi sáp, mình lạnh bụng đau, phần nhiều thuộc dương khí hư ở trong; đi tiểu tiện luôn, đại tiện sống phẩn, phần nhiều thuộc khí của tỳ thận hư yếu v.v...
c) Về thai nghén: hễ thấy phụ nữ tắt kinh, trước hết phải xem xét có phải là có thai hay không? Phải hiểu tình hình kinh nguyệt thông thường trở về trước như thế nào? Rồi sau phải hiểu xem có những sự thay đổi sinh lý về kỳ đầu thai nghén hay không, lại phải xét kỹ mạch có hoạt sác hay không, trên mắt có quầng đen hay không, tổng hợp lại như thế mà phân tích, thì có thể rút được sự phán đoán bước đầu. Trên kia đã nói qua khi phụ nữ mới có thai, nói chung thường có hiện tượng dạ dày không bình thường, ưa ăn đồ chua, có hơi lợm giọng, nôn oẹ váng đầu, hoa mắt, tinh thần không phấn chấn gọi là ốm nghén, trường hợp đó không cần phải chữa. Nếu thấy chứng tương đối nặng có thể ảnh hưởng đến người mẹ và bào thai thì cần phải chữa. Cuối kỳ mang thai, ống chân thường hơi phù thũng, nếu phù thũng tương đối nặng, ăn uống không ngon, nặng hơn thì toàn thân đều thủng như chứng thủy tuuxng gọi là chứng “Tứ thũng”. Nếu đã đến thời kỳ sắp đẻ, phát ra những chứng cấm khẩu, lưng cứng đờ, mê mẫn, co quắp gọi là chứng “Tử giản”. Thường ở khoảng giữa thời kỳ có thai, hay có triệu chứng đầu choáng váng, xây xẩm, tim động hồi hộp thì sẽ gây ra chứng kinh sợ, nên chữa sớm đi. Thai đến kỳ sắp sinh thường vì bào thai đè lên bàng quang đến nỗi tiểu tiện không lợi, đó tức là hiện tượng thai to đè lên bàng quang gọi chứng “chuyển bào”. Nếu tiểu tiện không lợi đi nhỏ giọt đau buốt, gọi là chứng “tử lâm”, phần nhiều vì thấp nhiệt dồn xuống mà sinh ra. Lại có khi cuối kỳ có thai phát sinh ra chứng ngọng miệng, gọi là chứng “tử ẩm”, phần nhiều vì thai khí ảnh hưởng đến thận mạch mà gây ra, không cần phải chữa, đẻ rồi tự khỏi.
d) Về sinh đẻ: chẩn đoán về bệnh tật sản hậu cần phải chú trọng ba phương diện dưới đây:
+ Bụng dưới có đau hay không? Để có biện biệt được có huyết xấu hay không?
+ Đại tiện có thông suốt hay không? Để có thể suy biết được tân dịch thịnh hay suy.
+ Sữa có xuống hay không? Muốn ăn hay không? Để có thể phán đoán được vị khí mạnh hay yếu, đó tức là 3 phép xét mà người xưa từng nói.
Đối với người bệnh sau khi đẻ phát sốt, trước hết nên xem xét ở hai vú, thấy vú sưng cứng mà không có chứng viêm thì sự phát sốt đó thường thường là hiện tượng căng sữa. Nếu phát sốt là vì tà phạm vào âm hộ, huyết hôi lưu trệ lại, tất nhiên bụng dưới căng cứng, nắn thì đau mà huyết hôi ra không thông lợi, lại có mùi hôi. Như thế có thể phân biệt với chứng phát sốt ngoại cảm thông thường.
III. Chứng trạng và phép chữa
A.Bệnh nguyệt kinh
Bệnh nguyệt kinh bao gồm những chứng hành kinh mà đau bụng, kinh không đều, kinh bế, băng kinh, rong kinh (băng lậu), hễ khi tinh thần bị kích thích, ngoại cảm lục dâm hoặc nội thương về ăn uống, đều có thể sinh ra bệnh nguyệt kinh; sự phát sinh bệnh nguyệt kinh chủ yếu là do các nguyên nhân kể trên, mà làm cho khí huyết của mạch Xung Nhâm và bào cung mất điều hòa. Mặt khác trong khi các nội tạng khác có bệnh, đặc biệt là các tạng tâm, tỳ, can, thận cũng thường gây ra bệnh nguyệt kinh. Vì rằng, tâm chủ huyết, can tàng huyết, tỳ thống huyết, mạch can liên lạc với âm khí mà rải rác khắp bụng dưới; thận thì khai khiếu ở tiền âm và hậu âm, lại là chủ tể của cơ năng sinh đẻ, cho nên cơ năng của mấy tạng ấy mất điều hòa, đều có ảnh hưởng đến nguyệt kinh; trái lại, bệnh nguyệt kinh cũng có thể ảnh hưởng đến các nội tạng mà gây bệnh. Do đó, có thể biết bệnh nguyệt kinh có quan hệ đến sức khỏe toàn cơ thể; đồng thời lại ảnh hưởng đến công năng sinh dục, cho nên trong bệnh phụ khoa, thường lấy việc điều kinh làm chủ yếu.
Chữa bệnh nguyệt kinh trước hết phải nhận rõ nó là bệnh phát trước hay phát sau. Nếu là phát trước thì có thể trực tiếp điều kinh. Nếu vì tật bệnh khác mà sau đó mới phát thì phải chữa tật bệnh kia trước. Bệnh kia đã lành, thì nguyệt kinh tự nhiên điều hòa, đó là lẽ “chữa bệnh phải tìm gốc bệnh”.
a) Hành kinh đau bụng: là chỉ vào thời gian trước, sau hoặc trong khi hành kinh, có chứng đau bụng dữ dội, là một thứ nguyệt kinh rất thường thấy, phần nhiều vì ấm lạnh không giữ cẩn thận, hoặc trong khi hành kinh ăn uống bừa bãi những thứ sống lạnh, hoặc tinh thần uất ức mà gây ra. Đại để có thể chia ra 2 loại thực và hư.
* Thực chứng: đau dữ dội, lưng đau như gãy và thường có cảm giác đầy trướng mà không muốn nắn bóp, thường phát trước khi hành kinh, khi đã sạch kinh, liền thấy khoan khoái ngay. Nếu vì phong hàn xâm nhập vào bào cung và mạch xung nhâm mà gây ra, thì phép chữa phải ôn kinh, khu hàn, nên dùng bài Ôn kinh thang. Nếu vì nội thương thất tình mà gây ra, phần nhiều thấy hiện tượng bụng đau hoặc đau ran đến lưng sườn, hoặc đau ran đến thắt lưng, trên dưới đau nhói, mạch trầm trì nên dùng bài Huyền hồ sách thang (1), mạch huyền sác thì dùng bài Huyền hồ sách thang bỏ Quan quế, Đương qui, gia Sài hồ, Bạc hà, Đan bì; .. Nếu vì khí trệ, thì tất nhiên có những chứng ăn uống không ngon, bụng đầy, ợ hơi, nên dùng bài Gia vị ô dước thang (2) vì tình trạng có ứ huyết, kinh nguyệt đỏ, tím chảy ra không thông lợi, nên dùng bài Thông ứ tiễn.
* Hư chứng: đau bụng liên miên, ưa nắn bóp, thường phát ra sau khi hành kinh, kinh màu nhợt mà ít, nếu vì khí hư thì nên bổ ích trung khí, mà dùng bài Bổ trung ích khí thang, nếu dương hư sợ rét có thể dùng bài Tiểu kiến trung thang.
b) Kinh nguyệt không đều: kinh nguyệt bất điều bao gồm sự trái thường về kỳ kinh, lượng kinh và màu kinh. Những chứng ngoại cảm nội thương cho đến những tật bệnh khác như trưng hà, tích tụ, hư lao, trùng tích đều có thể gây ra bệnh này.
* Hành kinh sớm (kinh trồi) chứng này nói chung phần nhiều thuộc nhiệt, nhưng tất nhiên phải có những chứng kinh ra thêm nhiều hơn, màu sắc đỏ tía, ưa lạnh ghét nóng, lưỡi sẩm, mạch sác mới thuộc chứng thực nhiệt, phép chữa nên lương huyết cố kinh, dùng bài Tiên kỳ thang (4), cũng có vì âm hư, trong nóng mà gây ra, nhưng tất nhiên phải hiện ra chứng sắc nhợt mà ít, kinh nhỏ xuống từng giọt, lưng mỏi, khí hư ra nhiều, nóng phiền mê mẩn choáng váng, lòng bàn tay nóng bừng, nên dùng bài Lục vị địa hoàng hoàn gia Tri mẫu, Hoàng bá mà chữa. Nếu đầu đau, đầu choáng, bụng dưới đau nhức là vì can kinh mất sự điều đạt, nên dùng bài Tiêu dao tán, gia Đơn bì, Chi tử mà chữa.
* Hành kinh chậm (kinh sụt): chứng này thông thường đều vì thể âm hư huyết ít, hoặc dương hư lạnh ở trong mà gây nên. Phần nhiều lượng kinh ít, loãng, màu kinh nhợt, sắc mặt xanh nhợt không tươi, mạch tế sác, thậm chí đầu choáng mắt hoa, đó là huyết ít, nên dùng bài Nhân sâm dưỡng vinh thang mà bổ. Nếu sợ lạnh, tay chân không ấm, lưỡi trắng không tươi, bụng dưới đau xoắn không thư thái đó là dương hư, nên dùng bài Tứ vật thang gia Quế chi, Phụ tử, Bạch truật, Sa nhân để làm cho ấm lại. Trừ nguyên nhân hư tổn ra, còn như vì can uất, vì ứ huyết cũng đều có thể gây ra chứng này; nếu vì can uất mà sinh ra, thì nên thư can lý khí, dùng bài Tiêu dao tán hoặc Việt cúc hoàn mà chữa; nếu vì huyết ứ mà sinh ra thì nên khử ứ hoạt huyết, nên dùng bài Quế chi phục linh hoàn hoặc bài Đào hồng tứ vật thang (6).
* Rối loạn kinh nguyệt: kinh trước sau không nhất định, phần nhiều thuộc can kinh uất kết và tỳ vị khí hư. Nếu vì can kinh uất kết thì phép chữa nên hòa can dưỡng huyết, dùng bài Tiêu dao tán làm chủ; nếu vì tỳ vị khí hư thì phép chữa nên bổ tỳ yên vị, dùng bài Quy tỳ thang làm chủ. Nếu một tháng 2, 3 lần hành kinh, hoặc 2, 3 tháng một lần hành kinh, thường thường là triệu chứng của bệnh băng huyết, tiền rong huyết. Nếu phụ nữ ngoài 40 tuổi mà thấy chứng ấy cũng có thể là triệu chứng mãn kinh. Tình trạng hai loại này đều không giống nhau, đại để một tháng 2, 3 lần hành kinh, phần nhiều vì tỳ kinh hư lạnh, hoặc can kinh có hỏa. Trường hợp trước là khí không nhiếp được huyết, chứng của nó là tâm động hồi hộp, hoáng đầu, ù tai, tiêu hóa không tốt, mạch hư đại, vô lực, nên dùng những loại bài Thập toàn đại bổ thang, bài Giao ngải thang để bổ khí nhiếp huyết. Trường hợp sau là huyết nhiệt chạy lung tung, chứng của nó là kinh ra nhiều, mà thường có máu cục, tím bầm, đầu tối sẫm mà đau, bụng đau, mạch huyền sác, nên dùng bài Đan chi tiêu dao tán gia Hoàng cầm, Sinh địa mà thanh nhiệt; nếu có máu cục, tím bầm gia thêm Đào nhân, Hồng hoa. Hai, ba tháng một lần thấy kinh phần nhiều do khí huyết đều hư, hoặc ứ huyết ở trong. Chứng trước là kinh trong mà ít, sắc mặt xanh nhợt, môi và móng tay chân không tươi, đầu choáng, mắt hoa, thân thể tay chân rã rời, mạch tế sác, phép chữa nên kiêm cả bổ khí và huyết, dùng bài Bát trân thang chẳng hạn (7). Chứng của trường hợp sau khi thấy bụng dưới cứng rắn, ấn vào thì đau, thậm chí ngoài da nổi vẩy, mạch đi trầm sáp, cần phải hoạt huyết thông kinh, nên dùng bài Đào nhân thang (8) gia giảm.
c) Kinh bế: là chỉ vào chưa đến thời kỳ dứt kinh, mà kinh bế lại không hành, chứng ấy có hai loại hư và thực; chứng hư thì bổ ích khí huyết; chứng thực thì phải khử ứ sinh tân, hoặc hoạt huyết thông kinh. Người ngoài 40 tuổi mà thấy chứng ấy càng nên đề phòng, còn có chứng trưng hà, nếu sờ vào thấy có cục cứng, chẩn đoán đã chắc chắn thì dùng bài Đại hoàng giá trùng hoàn, bài Đào nhân thừa khí thang, bài Gia giảm tứ vật thang (9) mà công trục đi. Nhưng thuốc công phạt rất tổn hại nguyên khí, người hình khí còn thịnh mới có thể dùng được, người thể chất hư yếu, không nên cho uống bậy, có thể dùng bài như Thập toàn đại bổ để bổ chính khí trước, chờ chính khí đầy đủ, lại chữa chứng trưng hà, hoặc chọn dùng phép vừa công vừa bổ cũng được là vì trong khi trưng hà tiêu tán, rất dễ đưa đến băng lậu, nhất thiết phải chú ý. Ngoài ra người bệnh bị hư lao vì huyết hải khô kiệt mà kinh bế thì nên bổ dưỡng khí huyết, lại nên điều hòa tỳ vị để khai thông nguồn hóa mà sinh ra khí huyết, những thuốc công phạt phải nên nghiêm cấm.
d) Băng lậu: Băng lậu là hai tình trạng: băng thì đột nhiên ra huyết như dội, lậu thì dây dưa nhỏ giọt không cầm. Hai chứng ấy là làm nhân quả lẫn nhau, vì sau một thời gian băng huyết, thường thường cứ nhỏ giọt không cầm mà nhỏ giọt không cầm cũng thường thường đưa đến băng mạnh, vì tính chất hai chứng ấy trên cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau ở trình độ mà thôi. Chứng ấy phần nhiều do kinh nguyệt không đều mà phát triển ra, vả lại thường có quan hệ với kinh bế, đặc biệt là phụ nữ ngoài 40 tuổi thường thường nguyệt kinh tắt đi vài tháng, rồi kế đến băng huyết như dội, là điều rất nên chú ý. Còn người có tinh thần u uất, nguyệt kinh bế tắc, cũng thường thường là triệu chứng băng lậu, do đó những chứng băng lậu có thể theo phương pháp nguyệt kinh không đều mà chữa, nhưng trong khi ra huyết quá nhiều, đổ mồ hôi muốn thoát thì cần phải dùng đại tễ mà bổ khí nhiếp huyết, như bài Độc sâm thang mới có thể thu được hiệu quả. Chứng băng đã bớt mà mạch nhược hư hàn thì có thể dùng bài Giao ngải thang, tỳ hư không nhiếp được huyết, thì có thể dùng bài Quy tỳ thang. Băng lậu đã lâu, huyết hoạt không cầm, thì nên dùng những bài cố sáp như những bài Long cốt tán (10), Thất khôi tán (11).
Lại có một loại nữa, là phụ nữ tuổi già mãn kinh đã lâu, bỗng nhiên sinh chứng băng lậu, phần nhiều vì chứng trưng hà tan vỡ mà thành ra chứng này rất nguy hiểm, nên theo bệnh trưng hà mà chữa.
B. Bệnh khí hư
Nguyên nhân bệnh khí hư rất nhiều như thấp nhiệt hoặc đàm thấp dồn xuống, tinh thần bị kích thích, hoạt động tình dục quá độ, tỳ thận hư yếu v.v... đều có thể gây nên. Vì thấp nhiệt, hoặc đàm thấp dồn xuống uất kết ở tử cung, thì bụng dưới phải đau xoắn không thư thái, mạch đi hoạt sác, phép chữa nên táo thấp hóa đàm. Nếu vì tinh thần bị kích thích mà sinh ra nên lấy phép điều can lý khí mà chữa. Nếu vì tỳ thận dương hư đến nỗi thủy thấp không hóa được dồn xuống làm bạch đái, thì tất nhiên lưng mỏi, ỉa chảy sống phẩn, nên bổ ích dương khí ở tỳ thận, dùng xen với thuốc thẩm hút khí thấp mà chữa. Nhưng không nên dùng thuốc khô ráo mãnh liệt quá sớm, nếu dùng thì thận thủy khô kiệt, tất nhiên sinh ra phiền khát, tiểu tiện không lợi, mặt phù, chân thũng. Trên đây đều là nguyên tắc chung về chứng đái hạ.
Theo màu sắc mà chia, có 5 loại đái hạ là: vàng, trắng, đỏ, xanh, đen, cũng có trắng đỏ và 5 sắc cùng một lúc, trong đó thường thấy nhiều nhất là bạch đái và xích đái lẫn lộn. Chứng bạch đái chủ yếu chia ra 2 loại là hư hàn và thực nhiệt. Chứng thuộc hư hàn phần nhiều vì tỳ, thận dương hư bị hãm xuống, thấy những chứng mắt vàng, môi trắng, lưỡi nhợt, ăn ít, bụng dưới đau liên miên, lưng mỏi, người mệt, huyết trắng chảy ra tanh hôi; như tỳ hư thì nên kiện tỳ hòa vị, có thể dùng loại bài Hương sa lục quân thang (12) mà chữa; như thận hư nên ôn bổ thận dương có thể dùng loại bài Thận khí hoàn mà chữa. Thuộc chứng thực nhiệt, phần nhiều vì can khí uất ức, thấp nhiệt, thấp đàm ngăn trở trong bào cung mà gây nên, thấy những chứng bạch đái ra nhiều, giống như đờm đục, phiền khát nóng nhiều, tiểu tiện không lợi hoặc khi đi tiểu đau buốt, phép chữa phải giải uất, nên dùng loại bài Long đảm tả can (13); nếu cần trừ đàm khử thấp thì nên dùng loại bài Nhị diệu tán hoặc bài Tỳ giải phân thanh ẩm (14). Bạch đái nặng lắm thế mạnh như băng, gọi là bạch băng, nên dùng loại bài Cố nguyên đan (15).
Còn như chứng đái hạ vàng, đỏ, xanh, đen cho đến lẫn lộn cả 5 sắc thông thường đều thuộc thấp tà gây nên, chữa thì nên lấy phép thanh nhiệt hóa thấp làm chủ. Nhưng chứng hoàng đái phần nhiều kiêm tỳ hư, nên dùng bài Hương sa lục quân thang (12) gia Hoàng bá, Xa tiền tử; xích đái phần nhiều kiêm cả tâm kinh có nhiệt, dùng bài Thanh tâm liên tử ẩm (16) gia Hoàng liên, Mộc thông, Đương quy, Xích thược, Sinh địa; thanh đái phần nhiều kiêm can kinh uất nhiệt, nên dùng bài Long đởm tả can thang (13); hắc đái phần nhiều kiêm thận hư, nên dùng bài Lục vị địa hoàng hoàn gia Hoàng bá, Thương truật; nếu thấy 5 sắc lẫn lộn mà tanh hôi quá, đó là triệu chứng tử cung bại hoại, phần nhiều khó chữa.
Chữa chứng đái hạ trừ thuốc uống trong ra, còn có thể lựa dùng phép chữa ngoài, như dùng Xà sàng tử, Khô bạch phàn, liều lượng đều nhau tán bột, lấy giấm bột khuấy hồ làm tọa dược nhét vào âm hộ; cũng có dùng bài Ngô thù du dục thang (17) nấu mà xông và rửa để chữa chứng đái hạ 5 sắc.
C. Tật bệnh khi có thai
Những bệnh trong khi có thai, có khi vì bệnh mẹ mà làm động đến thai, có khi vì có thai mà sinh tật bệnh khác, nên phải phân biệt mà chữa. Như vì bệnh mẹ mà động đến thai thì chỉ nên chữa mẹ, thai tự khắc yên; như vì thai khí không bền chặt, hoặc bị xúc động đến nỗi mẹ bị bệnh, chỉ nên an thai, thì bệnh mẹ tự nhiên lành, đó là then chốt chủ yếu chữa phụ nữ có thai. Phụ nữ có thai, nhờ huyết mẹ để nuôi thai, nếu huyết không đủ thì thai không có gì nuôi; nguyên nhân huyết không đủ là phần nhiều vì nóng ở trong, hỏa thịnh, dương vượng mà âm thiếu, cho nên dùng thuốc trong khi có thai, thường lấy việc thanh nhiệt dưỡng huyết làm chủ, mà dinh từ trung tiêu ra, huyết theo khí lưu hành mà nên lấy phép chữa tỳ điều khí để giúp đỡ. Khí huyết điều hòa, mới có thể làm cho mẹ mạnh, thai yên. Còn như những phép phát hãn: công hạ, lợi tiểu tiện, người xưa đặt vào 3 phép cấm khi có thai, vì rằng quá phát hãn thì vong dương hại đến khí, quá công hạ thì vong âm hại đến huyết, lợi tiểu tiện hại đến tân dịch. Nhưng mà nắm vững được nguyên tắc: “Bớt được quá nửa thì thôi” (thiên Lục nguyên chính kỷ đại luận sách Tố Vấn) cũng không phải tuyệt đối không nên dùng, nhưng cần phải rất cẩn thận, vừa phải thì thôi.
a) ốm nghén: nguyên nhân bệnh ốm nghén chủ yếu là vì thai khí nghịch lên hoặc vì tỳ vị hư nhược đờm ẩm tích trệ. Chứng này phần nhiều sinh ra lúc đã thụ thai được 2, 3 tháng, thường hiện ra những chứng đầu nặng, mắt hoa, mỏi mệt, ưa nằm, ham ăn thứ ăn chua, mặn, hoa quả, trong lòng rạo rực thấy cơm thì ngán, sáng mai dậy hay lợm giọng, hoặc ăn vào thì nôn mửa, thậm chí thấy thức ăn là nôn. Chứng này có chia ra hàn, nhiệt, hư, thực, lúc chữa nên biện chứng mà dùng thuốc. Nói chung dùng thuốc phần nhiều lấy những vị Bán hạ, Phục long can làm chủ, những vị Sinh khương, Trúc nhự, Quất bì, Phục linh làm phụ, tỳ hư gia Bạch truật, Nhân sâm, khí trệ gia Tử tô, Sa nhân, vị hàn nặng thì châm chước gia Càn khương, kiêm có chứng phiền nhiệt, miệng khát gia Hoàng liên, Hoàng cầm.
b) Sưng thủng: phụ nữ có thai mà mình mẩy sưng phù, người xưa có tên gọi tử thũng, tử khí, tử mãn, xuệ cước, sô cước, tuy tên khác nhau, kỳ thực bệnh chứng là một. Nguyên nhân chủ yếu của nó là do phụ nữ tỳ thổ không mạnh, nhân có thai mà hư yếu thêm đến nỗi không chế được thủy, thủy khí tràn đầy mà thành phù thũng. Chữa chứng này nên lấy kiện tỳ thẩm thấp thuận khí an thai làm chủ. Dùng vị thuốc kiện tỳ như Nhân sâm, Bạch truật, vị thuốc thẩm thấp như Phục linh, Trạnh tả, vị thuốc thuận khí như Trần bì, Tô ngạnh. ùon như bài thuốc nếu tỳ hư, thì có thể dùng bài Toàn sinh bạch truật tán (18), Thiên kim lý ngư thang (19) mà chữa. Nếu thủy thấp nặng thì có thể dùng bài Qùy tử phục linh tán (20), Phục linh đạo thủy thang (21) mà chữa. Nếu bị khí trệ có thể dùng bài Thiên tiên đằng tán (22) mà chữa.
c) Tử giản: thời kỳ cuối thai, hoặc khi đẻ phát ra những chứng trạng toàn thân co giật, uốn ván tay chân giật rút, mắt trực thị, hàm răng cắn chặt, tinh thần hôn mê, gọi là chứng tử giản. Nguyên nhân gây ra chứng tử giản, đại khái không ngoài huyết hư bị phong, đàm nhiệt rược lên, chữa thì lấy phép dưỡng huyết khu phong, mát gan tiêu đàm làm chủ, bài Linh dương giác tán và bài Câu đằng thang (23) đều là chủ phương chữa chứng tử giản.
d) Tử huyền: thai động không yên, ngực sườn đầy trướng gọi là chứng tử huyền. Xét nguyên nhân của nó phần nhiều do can khí nghịch lên mà gây ra phép chữa nên bình can lý khí làm chủ, nếu thuộc thực thì có thể dùng bài Tử tô ẩm (24) như thuộc hư có thể dùng bài Đương quy thang (25); như kiêm có nhiệt thì nên dùng bài Giải uất thang (26).
đ) Tử phiền: phụ nữ có thai trong lòng thường thường buồn phiền gọi là tử phiền. Nguyên nhân của nó không ngoài hai chứng đàm và nhiệt quấy rối: như vì đàm ẩm mà gây nên, có thể dùng bài Nhị trần thang để trừ tích tiêu đờm; nếu đàm mà kiêm nhiệt thì nên dùng bài Trúc nhự thang (27) để thanh nhiệt tiêu đờm; nếu vì trong có uất nhiệt thì nên dùng bài Tri mẫu thang (28) để dưỡng âm thanh nhiệt.
e) Có thai đau bụng: phụ nữ có thai đau bụng làm cho thai động không yên, gọi là chứng có thai đau bụng, nguyên nhân chứng này đại để có thể chia ra
1. Hàn khí phạm vào tử cung
2. Mạch Xung Nhâm hư yếu
3. Kiêm có thủy ẩm.
4. Sẵn có đau bụng, lạnh lại cảm phải phong hàn.
Về phép chữa, nếu thuộc hàn thì đau bụng kiêm sợ rét phải làm cho ấm dương tán hàn, có thể dùng bài Phụ tử thang. Nếu vì mạch xung nhâm huyết hư, phần nhiều thấy sắc mặt xanh nhợt hoặc vàng úa, đầu choáng tâm động, phải nên hòa dinh ích huyết, có thể dùng bài Giao ngải thang, nếu vì huyết hư mà trong có nước tích đọng, phần nhiều thấy mặt, mắt, bắp chân phù thũng, đi ỉa chảy nên dùng bài Đương quy thược dược tán. Nếu mới cảm phong hàn mà đau bụng, phần nhiều kiêm cả mình đau sợ rét, nên dùng bài Tử tô ẩm (24).
g) Tử lâm: phụ nữ có thai đi tiểu tiện luôn, nhỏ giọt mà đau gọi là tử lâm. Nguyên nhân chứng này không ngoài thận hư, bàng quang có thấp nhiệt mà gây nên, phép chữa nên lấy thanh nhiệt lợi thấp làm chủ, có thể dùng bài Ngũ lâm tán (29); nếu kiêm có chứng hư thì nên xét rõ khí hư hay huyết hư mà châm chước gia thêm những vị bổ khí hay bổ huyết. Như sinh chứng chân và bắp chân vọp bẻ, mà tiểu tiện không lợi, có thể dùng bài Thận khí hoàn; nếu bào thai đè lên bàng quang đến nỗi tiểu tiện không lợi, gọi là chứng chuyển bào, có thể dùng bài Bát trân thang (7).
h) Động thai ra huyết: là chỉ vào chứng động thai không yên, như muốn sa xuống, nặng thì bụng đau thấy ra huyết, nguyên nhân chủ yếu của bệnh này là vì mạch Xung Nhâm suy kém, không thu nạp được huyết, hoặc bị vấp ngã, hoặc lao động quá độ, hoặc ăn uống không cẩn thận, hoặc uống nhầm thuốc, hoặc nhân bệnh nhiệt làm thương tổn đến thai v.v... mà gây nên. Phép chữa phải lấy chỉ huyết an thai làm chủ yếu, nếu thuộc khí hư, nên bổ khí làm cho vững thai, có thể dùng bài Giao ngải thang. Nếu vì bệnh nhiệt làm tổn thương đến thai, lại nên chữa bệnh nhiệt, sau khi bệnh nhiệt lành, thì tự nhiên thai yên mà huyết chỉ.
i) Sẩy thai, đẻ non: sẩy thai và đẻ non phần nhiều tiếp tục phát ra sau khi bị động thai ra huyết, phép chữa thì khi thai chưa sẩy, nên căn cứ phép chữa chứng động thai ra huyết, nếu thai bị sẩy rồi, thì nên chiếu phép chữa bệnh sản hậu mà chữa. Nói chung sau khi sẩy thai thường thấy hai chứng là huyết ra không cầm và huyết ngưng lại không ra. Chứng trước là kinh mạch bị tổn thương, khí hư không giữ được huyết, phép chữa nên đại bổ khí huyết để giữ vững khỏi thoát, có thể dùng những bài Bổ trung ích khí thang hoặc bài Quy tỳ thang. Chứng sau là huyết xấu bế lại không thông, phép chữa nên khơi thông ứ trệ, thông kinh hoạt huyết, có thể dùng những bài như Sinh hóa thang hoặc bài Thất tiêu tán.
D. Bệnh sau khi đẻ
Các tật bệnh phát sinh ra sau khi đẻ có thể tổng hợp vào 3 tình trạng như dưới:
1. Nhân mạh Xung Nhâm bị hư tổn, huyết ra quá nhiều làm mất huyết, thương tổn tân dịch.
2. Nhân hàn ngưng khí trệ, ứ huyết ngăn trở ở trong.
3. Cảm ngoại tà, hoặc nhân ăn uống, nhân hoạt động phòng dục làm cho thương tổn.
Người xưa đối với bệnh sản hậu (sau khi đẻ) có nói: 3 gấp – 3 xung – 3 bệnh, 3 gấp là ọe mửa, mồ hôi trộm, đi tả, 3 chứng này cùng thấy một lần là nguy. 3 xung là máu xấu xung lên, có chia ra xung tâm, xung phế, xung vị. Chứng xung tâm thì 10 bệnh khó cứu được một. Chứng xung phế thì 10 bệnh chữa được 1, 2. Chứng xung vị thì 5 bệnh chết, 5 bệnh sống. Ba bệnh, như thiên phụ nhân sản hậu bệnh trong sách Kim quỹ yếu lược nói “Một là bệnh co cứng, hai là bệnh uất kết, ba là đại tiện táo bón”.
Sách Đan khê tâm pháp nói: “Sản hậu thì không một người nào là không hư, nên trước hết phảiđại bổ khí huyết, dầu có chứng khác, cũng sẽ chữa sau”, sách Nho môn sự thân nói: “Sản hậu thì phải chữa thận trọng, chớ cho là bệnh gì cũng hư”. Thuyết của hai nhà thật có khác nhau, một nhà thì cho là sản hậu phải lấy bổ hư làm chủ. Một nhà cho là sản hậu không thể nhất khái đều cho là hư mà chữa. Sách Y tông kim giám nói: “Đời xưa nói: khi có thai, không có bệnh bất túc, khi đẻ rồi không có bệnh hữu dư, đó là lẽ thường. Nhưng sản hậu tuy nhiều bệnh bất túc cũng nên xét kỹ xem có chứng hữu dư chăng?”. Đó là nói rõ khi lâm sàng cần phải biện chứng luận trị. Tật bệnh thường thấy nhiều hơn sau khi đẻ, là có mấy loại dưới đây.
a) Sản hậu đau bụng: Căn cứ vào nguyên nhân bệnh mà quy nạp, chứng này chủ yếu có 4 loại: đau vì huyết hư, đau vì ứ huyết, đau vì thương thực, đau vì hàn lãnh. Về phép chữa, nếu vì huyết hư mà đau, không cảm thấy trướng đầy lại ưa xoa nắn, hoặc ưa chườm nóng, thì nên dưỡng dinh bổ huyết, có thể dùng loại bài Tiểu kiến trung thang. Vì có ứ huyết mà đau, đó là máu hôi còn lại, bụng dưới cứng đau, chứng nặng có thể dùng bài Hạ ứ huyết thang (30), nhẹ thì có thể dùng bài Thất tiêu tán. Vì thương thực mà đau, hiện ra ngực và cách mô to trướng, hoặc ghét ăn nuốt chua, bụng đau mà không thể nắn được, nên kiện tỳ tiêu thực có thể dùng bài Dị công tán (31), gia Sơn tra, Thần khúc. Nhân bị hàn mà đau, nên dùng bài Phật thủ tán (32) gia Nhục quế.
b) Máu hôi ra không dứt: phụ nữ sau khi đẻ, máu hôi ra dầm dề, lâu ngày không dứt, có hai nguyên nhân: Một là mạch Xung, Nhâm bị hư tổn, không thu nạp và điều khiển được huyết, màu huyết vàng nhợt, bụng không đau, đó là chứng bất túc. Hai là vì ứ huyết không hết, lưu lại trong bụng, đau bụng không ưa nắn, đó là thuộc chứng hữu dư. Phép chữa như mạch Xung, Nhâm hư tổn thì nên bổ khí huyết, dùng bài Thập toàn đại bổ thang gia A giao, Tục đoạn. Như ứ huyết ngưng trệ thì nên trừ ứ hóa trệ, dùng loại bài Sinh hóa thang, Thất tiêu tán.
c) Sản hậu huyết băng: nguyên nhân của chứng này có thể chia làm 3 loại: vì mệt nhọc hại đến mạch Xung Nhâm, giận dữ tổn hại đến can, trong đó ứ trệ. Sản hậu âm huyết vốn hư, lại bị băng huyết, đó là thuộc chứng nặng, khí hãm huyết thoát nên kịp dùng Độc sâm thang để bổ khí cố thoát. Nếu thấy mạch trầm vi, tay chân giá lạnh, nên dùng đại tễ Sâm phụ để bồi dương. Như vì giận dữ hại đến can, huyết theo khí nghịch mà đi sai đường, nên dùng bài Tiêu dao tán để sơ can lý khí, gia Sơn chi, Sinh địa, Bạch mao căn, để tư âm lương huyết. Như thuộc thực, chứng ứ trệ, thì nên dùng bài Thất tiểu tán để phá ứ.
d) Sản hậu huyết vựng: phụ nữ sau khi đẻ, đột nhiên đầu choáng mắt hoa, không ngồi dậy được, hoặc lượm giọng nôn mửa, nặng thì mê man, không biết gì cả, nguyên nhân chứng này có thể chia ra 2 loại: một là vì ra huyết quá nhiều, hoặc nhọc phiền quá độ mà gây ra; hai là vì ứ huyết xông lên mà gây ra. Về phép chữa, như vì ra huyết quá nhiều, hoặc nhọc mệt buồn phiền quá độ mà gây ra, nhẹ thì dùng bài Bát trân thang để bổ dưỡng khí huyết; nặng thì dùng bài Độc sâm thang để bổ khí cố thoát. Vì ứ huyết xông lên, thì nên cứu cấp, có thể dùng đồ sắt đốt đỏ, tôi vào trong giấm mà xông vào lỗ mũi, hoặc đốt sơn khô (càn tất) để cho ngửi khói, rồi sau uống thuốc khử ứ như bài Đoạt mệnh tán (33), Hắc thần tán.
e) Sản hậu bị bệnh kính: sản hậu cấm khẩu lưng cứng đờ, uốn ván đó là sản hậu bị bệnh kính. Nguyên nhân chủ yếu chứng này không ngoài vì sản hậu ra huyết quá nhiều, huyết hư không nuôi được can, can phong động ở trong, và huyết hư bị phong ở ngoài xâm nhập vào mà gây nên. Nhưng cũng có phong ở ngoài vào hiệp với đàm thấp nữa. Phép chữa, nếu vì huyết hư sinh phong thì nên bổ hư làm chủ, có thể dùng bài Thập toàn đại bổ thang, nếu vì phong ở ngoài xâm nhập vào mà gây ra có thể dùng những bài Hoa đà dũ phong tán (34), bài Đương qui tán (35). Nếu kiêm có đàm thấp, nên trừ thủy ẩm và hóa đàm, có thể dùng bài Thiên ma tán (31), Lục thần thang (37).
g) Sản hậu đại tiện táo bón: sản hậu ăn uống như thường mà đại tiện khó đi, thậm chí nhiều ngày không đi được, đó là vì ra huyết nhiều, tổn thương tân dịch, trường vị khô ráo mà gây ra, không thể dùng bậy thuốc đắng lạnh mà công hạ được, nên bên trong thì uống thuốc dưỡng huyết nhuận trường, bên ngoài thì dùng phép mật tiễn đạo.
h) Sản hậu phát sốt: ấản hậu phát sốt, nguyên nhân rất nhiều, có khi thì vì làm lao động quá sớm, cảm phong hàn ở ngoài mà phát sốt, có khi vì ăn uống quá chừng mực mà thương thực phát sốt, có khi thì máu hôi không ra hết, ứ huyết lưu trệ lại mà phát sốt; cũng có khi vì ra huyết quá nhiều, âm huyết không đủ mà thành huyết hư phát sốt; có khi vì lúc đẻ rặn quá nhiều mà thành mệt sức phát sốt lại có khi căng sữa mà phát sốt. Về phép chữa thì như bị ngoại cảm phát sốt, thì trong thuốc dưỡng huyết nên thêm thuốc giải biểu làm tá như bài Tứ vật thang gia Kinh giới, Sài hồ; vì thương thực mà phát sốt, nên dùng bài Dị công tán (31) gia thêm thuốc tiêu đạo. Vì huyết hư mà phát sốt, thì lấy bổ huyết làm chủ, như bài Đương quy bổ huyết thang, vì ứ huyết mà phát sốt cần phải hành huyết khử ứ, nên dùng bài Sinh hóa thang. Vì mệt nhọc mà phát sốt phải bổ mạnh khí huyết, như bài Thập toàn đại bổ thang. Vì căng sữa mà phát sốt, chỉ làm cho sữa ra thông lợi là sốt tự nhiên lui, thông sữa có thể dùng bài Qua lâu tán (33) lại có thể dùng bã thuốc mà xông và rữa, nếu không cần cho con bú, thì có thể dùng Mạch nha sao cháy sắc uống, cũng có thể tiêu hết sữa mà hạ cơn sốt.
Phụ phương
1. Diên hồ sách tán (Phụ nhân đại toàn lương phương).
Huyền hồ sách, Đương quy, Xuyên khung, Quế tâm đều 7 đồng 5 phân; Mộc hương, Chỉ xác, Xích thược, Đào nhân đều 5 đồng; Thục địa hoàng 1 lạng gia 3 lát gừng sống sắc uống.
2. Gia vị ô dước thang (Nữ khoa chuẩn thằng)
Ô dước, Sa nhân, Mộc hương, Huyền hồ sách đều 1 lạng, Hương phụ (sao bỏ lông) 2 lạng, Cam thảo 1 lạng rưỡi, xắt nhỏ mỗi lần dùng 7 đồng, nước 1 bát rưỡi, gừng sống 3 lát sắc còn 7 phần, uống ấm lúc nào cũng được.
3. Thông ứ tiễn (Cảnh nhạc toàn thư)
Quy vĩ 3 đến 5 đồng, Hương phụ, Hồng hoa (còn tươi sao vàng) đều 2 đồng, Ô dước 1 đồng, Thanh bì 1 đồng rưỡi, Mộc hương 7 phân; Trạch tả 1 đồng rưỡi, 2 bát nước sắc lấy 7 phần, gia rượu 1, 2 cốc nhỏ, uống trước bữa ăn.
4. Tiên kỳ thang (Chứng trị chuẩn thằng).
Sinh địa hoàng, Xuyên đương quy, Bạch thược đều 2 đồng; Hoàng bá, Tri mẫu đều 1 đồng; Ngải diệp, Hương phụ, Cam thảo đều 7 phân, Hoàng cầm, Hoàng liên, Xuyên khung, A giao (sao) đều 8 phân, 2 bát nước sắc lấy 1 bát uống trước bữa ăn.
5. Quế chi phục linh hoàn (Kim qũy yếu lược)
Quế chi, Phục linh, Mẫu đơn (bỏ tim), Đào nhân (bỏ vỏ và đầu nhọn), Bạch thược đều nhau, tán bột luyện mật viên to bằng phân nhỏ, mỗi ngày uống 1 viên trước bữa ăn, không lành gia đến 3 viên.
6. Đào hồng tứ vật thang (Y tông kim giám)
Bài tứ vật thang gia Đào nhân, Hồng hoa.
7. Bát trân thang (Chứng trị chuẩn thằng)
Đương quy, Xuyên khung, Bạch thược, Thục địa hoàng, Nhân sâm, Bạch linh, Bạch truật đều 1 đồng, Cam thảo 5 phân, 2 bát nước gia 3 lát gừng sống, Đại táo 2 quả, sắc còn 8 phân, uống trước bữa ăn.
8. Đào nhân thang (Thiên kim yếu phương)
Đào nhân 5 hạt, Trạch lan, Cam thảo, Xuyên khung, Nhân sâm đều 2 lạng; Ngưu tất, Quế tâm, Đan bì, Đương quy đều 3 lạng; Bạch thược, Gừng sống, Bán hạ đều 4 lạng; Sinh địa 8 lạng, Bồ hoàng 7 vốc; 14 vị xắt nhỏ, nước 3 thăng, nấu lấy 1 thăng rưỡi, chia 6 lần uống.
9. Gia giảm tứ vật thang (Phụ nhân đại toàn lương phương)
Bài tứ vật gia Nga truật, Tam lăng, Quế tâm, Càn tất.
10. Long cốt tán (Phụ nhân đại toàn lương phương).
Long cốt, Đương quy, Hương phụ đều 1 lạng; Tông mao khôi (tức giécây đùng đình) 5 đồng, tán bột, mỗi lần uống 4 đồng hòa nước cơm uống khi đói.
11. Thất khôi tán (Phụ nhân đại toán lương phương)
Liên bồng xác, Anh túc xác, Yêm giải xác, ích mẫu thảo, Hạn liên thảo, Tông mao khôi, Ngẫu tiết đều nhau, đốt tồn tính, tán bột, mỗi lần dùng 3 đồng hòa giấm uống khi đói.
12. Hương sa lục quân tử thang
Nhân sâm, Bán hạ đều 1 đồng, Bạch truật; Bạch linh đều 2 đồng, Cam thảo 7 phân, Trần bì 8 phân, Mộc hương 7 phân, Sa nhân 8 phân.
13. Long đởm tả can thang (Cục phương)
Long đởm, Sài hồ, Trạch tả đều 1 đồng; Sinh địa, Xa tiền, Mộc thông, Quy vĩ, Chi tử, Hoàng cầm, Cam thảo đều 5 phân, xắt nhỏ, đổ 3 bát nước, sắc còn 1 bát, uống nóng xa bữa ăn.
14. Tỳ giải phân thanh ẩm (Dương thị phương)
Xuyên tỳ giải, ích trí (ngâm nước muối 1 đêm), Thạch xương bồ (sao nước muối). Ô dược đều nhau, có phương gia Bạch linh, Cam thảo xắt nhỏ mỗi lần dùng 4 đồng, thêm một nhúm muối, đổ 1 bát nước sắc còn 7 phân, uống ấm trước bữa ăn.
15. Cố nguyên đan (Trực chỉ phương)1 Một phần dùng Tiểu hồi 1 lạng, muối ăn 1 lạng sao chung; 1 phần dùng Xuyên tiêu, Phá cố chỉ đều 1 lạng sao chung; 1 phần dùng Xuyên Ô, Xuyên luyện đều 1 lạng sao chung; 1 phần dùng giấm tốt, rượu cũ đều nửa cân nấu chung cạn khô rồi sấy cho ráo. Cùng với các vị thuốc sao chung ở trên mà tán thành bột, dùng rượu nấu hồ viên to bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống từ 30 đến 50 viên, dùng rượu hoặc giấm ấm mà uống.
16. Thanh tâm liên tử ẩm (Nữ khoa chứng trị ước chỉ phương)
Liên nhục, Tây dương sâm, Mạch môn, Địa cốt bì, Hoàng cầm, Chi tử (sao đen), Cam thảo, Xa tiền tử.
17. Thang thuốc tắm Ngô thù du (Nữ khoa yếu chỉ).
Ngô thù, Mộc hương, Đinh hương đều 1 lạng, Xà sàng, Đỗ trọng đều 2 lạng, Ngũ vị tử 1 lạng, nấu nước còn nóng xông rửa. Hàn thấp nhân hư mà xâm tập vào thương tổn tạng khí, sinh ra chứng đái hạ 5 sắc, uống thuốc sắc không công hiệu mau chóng nên lập ra phép rửa này để xông.
18. Toàn sinh bạch truật tán (Toàn sinh chỉ mê phương)
Bạch truật 2 đồng rưỡi, Trần bì 1 đồng, vỏ gừng sống 1 đồng rưỡi, Đại phúc bì 1 đồng sắc nước uống, hoặc tán bột, mỗi lần hòa với nước cơm uống 3 đồng.
19. Thiên kim lý ngư thang (Thiên kim yếu phương)
Đương quy 3 đồng, Bạch thược 3 đồng, Bạch truật 3 đồng rưỡi, Quất bì 5 phân, Cá chép 1 con (trên đây là một lần uống). Cá chép bỏ vẩy, ruột, đổ nước nấu chín, bỏ cá dùng nước một bát rưỡi, bỏ một lát gừng sống sắc còn một bát uống lúc đói.
20. Quỳ tử phục linh tán (Kim quỹ yếu lược)
Đông quỳ tử 1 cân, Bạch linh 3 lạng, 2 vị tán bột, mỗi lần uống một thìa, ngày 3 lần, tiểu tiện lợi là khỏi.
21. Phục linh đạo thủy thang (Y tông kim giám)
Mộc hương, Mộc qua, Binh lang, Đại phúc bì, Bạch truật, Bạch linh, Trư linh, Trạch tả, Tang bì, Sa nhân, Trần bì, Tô diệp
22. Thiên tiên đằng tán (Hoài nam Trần Cảnh Sơ phương)
Thiên tiên đằng, Chế hương phụ, Trần bì, Cam thảo, Ô dước, Mộc qua phân lượng bằng nhau, xắt nhỏ, mỗi lần dùng 5 đồng thêm 3 lát gừng, 5 lá tiá tô, sắc uống ngày 3 lần.
23. Câu đằng thang (Phụ nhân đại toàn lương phương)
Câu đằng, Đương quy, Phục thần, Nhân sâm đều một lạng. Khổ cát cánh 1 lạng rưỡi, Tang ký sinh 5 đồng, đều giả nhỏ, mỗi lần dùng 5, 6 đồng, đổ hai bát nước, sắc lấy một bát, bỏ bã uống ấm lúc nào cũng được, kiêng ăn thịt heo và cải bẹ trắng.
24. Tử tô ẩm (Bản sự phương)
Đại phúc bì, Nhân sâm, Xuyên khung, Trần bì, Bạch thược đều 5 đồng, Đương quy 7 đồng rưỡi, Cam thảo 2 đồng rưỡi, Cành tía tô l lạng giả lấy nước cùng với các vị trên cắt nhỏ chia làm 3 thang, mỗi lần đổ một bát rưỡi nước sắc lấy còn 7 phân, 4 lát gừng, hành 7 tép sắc bỏ uống lúc đói.
25. Đương quy thang (Sản bảo)
Đương quy, A giao (sao), Cam thảo đều 1 lạng, Nhân sâm 1 lạng rưỡi, Hành trắng cả rễ một nắm.
26. Giải uất thang (Phó thị nữ khoa)
Nhân sâm 1 đồng, Bạch truật (thổ sao) 5 đồng, Bạch linh 3 đồng, Đương quy (rửa rượu 1 lạng), Bạch thược (sao rượu) 1 lạng, Chỉ xác (sao) 5 phân, Sa nhân (sao nghiền) 3 hạt, Chi tử (sao) 3 đồng, Bạc hà 2 đồng sắc nước uống.
27.Trúc nhự thang (Phụ nhân đại toàn lương phương)
Cạo lấy tinh tre 1 lạng, nước lạn một bát lớn, nấu lấy 4 chén con từ từ uống hết làm chừng.
28. Tri mẫu thang (Phụ nhân đại toàn lương phương)
Tri mẫu, Mạch môn (bỏ lõi), Xích tinh, Hoàng cầm đều 1 đồng, Cam thảo 5 phân. Trên đây là một lần uống, sắc nước thêm vào một chén con Trúc lịch, lại nấu sôi 2 lần mà uống.
29. Ngũ lâm tán (Cục phương)
Xích thước (có chỗ chép là Bạch thược), Chi tử 2 lạng, Xích linh 6 đồng, Đương quy 5 đồng, Cam thảo sống đều 5 đồng, nghiền nhỏ, mỗi lần dùng 1 đồng, nước một chén, sắc còn 8 phân uống lúc đói trước bữa ăn.
30. Hạ ứ huyết thang (Kim quỹ yếu lược)
Đào nhân 20 hạt, Đại hoàng 1 lạng, Giá trùng 20 con (bỏ chân) ba vị tán bột luyện với mật làm 4 viên, dùng rượu một thang sắc 1 viên lấy 8 cáp uống hết ngay, ứ huyết ra như gan lợn.
31. Dị công tán (Tiền Ất phương)
Nhân sâm, Bạch linh, Bạch truật, Cam thảo, Trần bì đều bằng nhau, mỗi lần dùng 3, 4 đồng thêm gừng, Đại táo sắc nước uống.
32. Phật thủ tán (Từ văn Trọng Phương)
Xuyên khung 2 lạng, Đương quy 3 lạng, mỗi lần dùng 2 đồng, 1 chén nước, 2 phần hoàng tửu(1) sắc lấy 7 phân uống ấm, hoặc nghiền bột hòa với hoàng tửu mà uống.
33. Đoạt mệnh tán (Phụ khoa chuẩn thằng)
Huyết kiệt, Một dược bằng nhau, tán nhỏ, vừa mới đẻ xong, dùng nước tiểu trẻ con và rượu đều nửa chén, sắc sôi 1, 2 trào, hòa vào 2 đồng thuốc mà uống, một lát lại uống thì máu hôi tự ra, không xung lên nữa, hoặc chỉ dùng nước sôi mà uống cũng được.
34. Hoa đà dũ phong tán (Hoa Nguyên Hóa)
Kinh giới tuệ (sấy vừa tán bột) mỗi lần đúng 3 đồng rượu, rượu hoặc nước tiểu hòa uống, nếu cấm khẩu thì cậy răng mà đổ vào.
35. Đương quy tán (Chỉ mê phương)
Đương quy, Kinh giới tuệ đều nhau tán nhỏ, mỗi lần dùng 2 đồng, 1 chén nước, 1/2 chén rượu sắc còn 1 chén đổ cho uống, như cắn răng chặt quá, cậy ra đổ từng tý một, hễ xuống họng là sống được.
36. Thiên ma tán (Phụ khoa chuẩn thằng)
Thiên ma 7 đồng rưỡi, Bạch phụ tử (bào), Thiên nam tinh (bào), Bán hạ (rửa nước sôi 7 lần bỏ màng chế với gừng). Toàn yết (sao) đều 5 đồng tán bột, mỗi lần dùng 1 đồng, lấy gừng sống, Bạc hà nấu với rượu làm thang, hòa thuốc uống lúc nào cũng được. Răng cắn chặt thì cậy ra mà đổ.
37. Lục thần thang (Lại gọi là Quyên ẩm lục thần thang, nữ khoa tập yếu phương).
Quất hồng bì, Thạch xương bồ, Bán hạ khúc, Đởm tinh, Phục thần, Toàn phúc hoa đều 1 đồng, sắc nước bỏ bã uống ấm.
38. Qua lâu tán (Tế âm cương mục).
Qua lâu 1 quả để nửa sống, nửa sao, Phấn thảo 1 tấc để nửa sống nửa chích, Gừng 1 củ nhỏ để nửa sống nửa nướng, cắt nhỏ dùng 2 bát rượu nấu uống, một lát đau không chịu nổi liền nặn bỏ sữa xấu đi, khi đi nằm uống lại một lần nữa.
Bài viết này có 0 bình luận