Nhi khoa khái yếu

 Nhi khoa khái yếu

Nhi khoa cũng gọi là Tiểu phương mạch là một bộ phận tổ chức trong Đông y xưa. Bởi vì trẻ con tạng phủ còn non yếu, khí huyết còn chưa mạnh, dễ hư, dễ thực, dễ hàn, dễ nhiệt, nếu có chỗ nào đau đớn, thì không biết nói, tay không biết trỏ. Một khi có bệnh hoạn, chủ yếu là nhờ ở thầy thuốc xem hình xét sắc, nghiệm chỉ tay, nghe tiếng, hết lòng suy xét mới có thể dò xét được bệnh nguyên, nắm vững được bệnh tình, cho nên đời sau có tên gọi là á khoa.

 

 

I. Bảo dưỡng

 

Trẻ con thể chất còn non yếu, khí huyết chưa ổn định, sự bảo dưỡng lỡ có sơ suất, có thể sẽ gây nên bệnh, cho nên công tác bảo dưỡng làm được tốt thực có bao hàm ý nghĩa dự phòng. Nay đem chia từng điểm để trình bày dưới đây.

Cắt rốn: trẻ con mới sinh ra, việc đầu tiên là săn sóc về cuốn rốn, nếu việc săn sóc không đúng, sẽ có thể ảnh hưởng đến sự an toàn về tính mệnh của nó, về vấn đề này, người xưa đã có bàn đến. Như thiên Tề phong trị vị bệnh trong sách Ấu khoa phát huy nói: “Phàm trẻ mới sinh ra việc cắt rốn, giữ gìn rốn cần phải cẩn thận, cho nên khi cắt rốn lấy vải lót mà cắt đứt đi là hơn hết. Lấy lửa đốt cho đứt đi là thứ nhì. Lấy kéo cắt rồi lấy lửa hơ lại là thứ ba. Về cách giữ gìn rốn thì khi đã cắt rốn rồi dùng miếng vải nỏn quấn bọc, đợi khô là nó tự rụng, chớ cho nước chạm vào. Ngày thứ ba tắm cho trẻ, cần giữ gìn chỗ rốn, chớ cho nước thấm vào. Sau khi rốn đã rụng, nên thay tả lót đừng để cho nước tiểu trẻ con thấm ướt vào trong rốn”...

Lại thiên Sơ sinh trong sách Ấu khoa chuẩn thằng nói: “Để nước thấm vào rốn, hay sinh ra bệnh Thiên điếu, đau khổ la khóc, sắc mặt xanh đen, rốn bị thương, làm cho lâu ngày không khô, bị thương ngoại phong, thì cấm khẩu, không cứu chữa được”. Mục Ấu khoa tâm pháp yếu quyết sách Y tông kim giám cũng có chép: trước khi cắt rốn, dùng kéo hơ lửa cho nóng, cắt đứt cuống rốn, rồi lại dùng lửa hơ chung quanh rốn. Theo trên đây thì ta có thể biết được người xưa coi trọng việc cắt rốn và giữ gìn rốn.

Móc miệng: khi đứa trẻ mới lọt lòng mẹ, trong miệng có ngậm chất dịch độc, nếu để cho nó nuốt xuống có thể sinh ra các bệnh sởi, nhọt. Vì thế phải dùng tay móc ngay nó ra (xem ở sách: Anh đồng bách vấn. Nhưng trong lúc thảng thốt, thường không dễ làm được. Vì thế, người xưa dùng những thứ nước Hoàng liên, hay (Châu sa, Mật ong hoặc nước Cam thảo thay cho việc móc miệng). Ngoài ra các khu vực ở Tô nam phần nhiều cho uống bài Tê hoàng hoặc bài Tam hoàng thang để giải thải độc cũng là phương pháp rất tốt.

Tắm rửa: muốn cho trẻ con da dẻ sạch sẽ, để đề phòng ngừa sinh ra các bệnh ngoài da, tục có thói quen 3 ngày tắm rửa cho trẻ. Ở mục Ấu khoa tâm pháp yếu quyết trong sách Y tông kim giám đã nói rất rõ ràng: “Sau khi cắt rốn 3 ngày thì tắm cho trẻ”. Phép này đã có lâu đời làm cho sạch chất nhơ bẩn. Khi tắm tìm nơi kín gió, tắm vừa thì thôi, không nên để lâu trong chậu nước... để tẩy hết chất nhơ bẩn lại có thể mượt da dẻ, làm cho trẻ con không sinh lở ngứa.

Mặc áo: quần áo trẻ con, nguyên tắc là nên dùng thứ vải mềm nõn, nhẹ mỏng và sạch sẽ và nên theo sự thay đổi của khí hậu mà thêm bớt dày mỏng cho thích hợp, đã không nên cho lạnh quá, cũng không nên cho ấm quá; ấm quá thì dễ cảm mạo. Nên tập dần dần cho trẻ con bị rét, để tăng cường sức đề kháng trong cơ thể.

Bú mớm: việc bú mớm có quan hệ đến sức khỏe và sự phát dục của trẻ con. Người xưa cho là trẻ mới sinh được 12 giờ (24 giờ ngày nay), mới nên cho bú, nếu sữa của người mẹ chưa ra, thì tìm người vú sữa khỏe mạnh không có bệnh mà cho bú dần dần. Đồng thời, trong thời kỳ cho trẻ bú, cần phải chú ý mấy điểm như dưới đây: như lúc trẻ con đang la khóc thì không nên cho bú, khi cho bú không nên vội quá, no quá để cho trẻ khỏi bị ho sặc, nôn trớ và không tiêu. Mục Tiểu nhi tạp bệnh chú hậu ẩu thổ nghịch hậu trong sách Chư bệnh nguyên hậu nói: “Trẻ con la khóc chưa nín, hơi thở chưa đều, mà nỗu mẫu vội vàng cho bú, khi ấy hơi còn nghịch lên, sữa không xuống được, lưu trệ ở hông ngực thì ngực đầy thở gấp làm cho trẻ nôn ọe ra”. Thứ hai là tư thế cho con bú trong khi nằm cũng cần phải chú ý, như mục Sơ sinh xuất phúc đệ nhị trong sách Thiên kim phương nói: “Nếu con nằm thì người mẹ nên lấy cánh tay mà gối cho nó để cho vú với đầu trẻ ngang nhau, rồi mới cho bú, thế là làm cho con không bị nghẹn. Khi mẹ muốn ngủ thì phải rút vú ra, kẻo làm lấp miệng, mũi trẻ lại, không biết no hay đói”. Ngoài ra ở mục Sơ sinh xuất phúc đệ nhị trong sách Thiên kim phương có câu nói: “Mùa hạ không vắt sữa nóng, thì làm cho trẻ nôn trớ; mùa đông không vắt bỏ sữa lạnh thì làm cho trẻ ho và đi lỵ”, câu ấy chỉ rõ ra rằng trong khi cho con bú cần phải chú ý đến quan hệ về nóng lạnh của khí hậu và sữa người. Còn như sự lựa chọn sữa người cần phải chú ý đến các phương diện như thể cách tính tình, chất sữa cho đến bệnh tật v.v... Như mục Sơ sinh xuất phúc đệ nhị trong sách Thiên kim phương nói: hình sắc vú sữa thế nào, cách lựa chọn rất nhiều không thể cầu toàn được, chỉ nên dùng những người không có bệnh hôi nách, lên bướu, ho thở, lở ghẻ, si ngốc, trọc tóc, mụn nhọt, sứt môi, điếc, tịt mũi, điên giản là có thể cho trẻ bú được.

La khóc: La với khóc khác nhau: la thì luôn mồm, có tiếng mà không có nước mắt; khóc thì khi khóc khi nín, có tiếng lại có nước mắt. Nói chung trẻ con la khóc nếu không phải đói thì khát, không phải ngứa thì đau, cha mẹ cần phải dò xét cho khéo, hễ biết nó khát thì cho uống, đau thì xoa, ngứa thì gãi, đói thì cho bú, thế là thôi không khóc nữa. Nếu khóc mãi không nín nên dò tìm nguyên nhân khác, nếu như vẫn không nín, thường thường do tật bệnh gây ra, nên mời thầy thuốc sớm chừng nào tốt chừng ấy. Đối với câu nói: “Trẻ con la khóc là có ích cho sự lớn mạnh của nó” và câu “Trẻ con khóc tức là trẻ con hát” nên xét kỹ tình hình mà linh hoạt đối xử.

Rét ấm: mục Dưỡng tiểu nhi hậu trong sách Chư bệnh nguyên hậu luận nói “Lúc khí trời ôn hòa không có gió, bảo mẹ bế ra chơi ở dưới bóng mặt trời, thường có nắng gió, thì khí huyết lưu thông, da thịt rắn chắc, quen chịu gió lạnh thì không ốm đau. Nếu cứ cho ở luôn trong màn trướng kín đáo, mặc nhiều áo cho ấm nóng, không khác gì cây cỏ mọc trong chỗ râm, không thấy nắng gió, thì mềm yếu không chịu nổi gió lạnh”. Đó là nói rõ trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ con, thì ánh sáng mặt trời và không khí tươi tốt rất là cần thiết, lại nêu rằng: muốn được thể chất mạnh khỏe không sợ gió lạnh, thì cần luyện tập từ khi nhỏ. Nhưng chúng ta cần phải chú ý là tránh những khi gió mạnh, nắng gắt, không thì hiểu lầm ý nghĩa của người xưa, tức là có hại đến sức khỏe của trẻ con.

Nằm và bế: trẻ con sau khi sinh ra không nên cho nằm lâu, nằm lâu thì đầuútọ dễ bị méo, chỉ nên vừa nằm, vừa bế, thay đổi là tốt hơn. Khi bế nên bế nằm ngang, không nên bế dựng thẳng, vì trẻ con chất còn non, xương còn mềm bế dựng thẳng hay làm cho khớp xương uốn cong, dễ thành người gù lưng. Khi nằm cũng thường đổi vị trí, để cho xương thịt có đủ sức phát triển toàn diện, những điều này người săn sóc trẻ cần phải thông hiểu.

 

 

II. Chẩn đoán

 

Phép chẩn đoán nhi khoa trên nguyên tắc cũng nhất trí với nội khoa, chẳng qua trẻ con vì hình thể chưa sung túc, phát triển chưa toàn diện, có điểm khác với người lớn về mặt sinh lý, đồng thời là vì trẻ con không biết dùng lời nói để trình bày cái đau khổ của mình, vả lại trong khi chẩn đoán thường la khóc dãy dụa, làm cho hơi thở, mạch tượng rối loạn, rất khó dựa vào biện chứng, cho nên chẩn đoán nhi khoa cần nắm vững mấy đặc điểm để nhận xét. Nay kể sơ lược như sau:

1. Trông sắc mặt và các khiếu:

Bởi vì trẻ con chưa biết nói, hoặc biết nói cũng không thể trình bày hết sự đau khổ được, cho nên xem xét hiện tượng sắc mặt và các khiếu là có ý nghĩa rất trọng yếu.

Trông xét nhan sắc ở trên mặt cũng phải dựa vào 5 bộ vị phối hợp với 5 tạng, 5 tạng phối hợp với 5 sắc. Nói chung thấy bộ vị với sắc tương sinh là thuận, bộ vị với sắc tương khắc là nghịch. Về phương diện 5 sắc chủ bệnh thông thường lấy sắc mặt xanh chủ về kinh phong và đau nhức, sắc mặt đỏ hồng chủ về sốt nóng, sắc vàng chủ về thương thực tỳ hư, sắc mặt trắng chủ về bệnh hư hàn, sắc đen chủ đau lại chủ bệnh nguy kịch. Các điều này đều là chuẩn để xem sắc mặt.

Sách Ấu khoa thiết kinh nói: “5 tạng không thể trông thấy được, chỉ trông thấy ở các khiếu của 5 tạng, nếu thấy sắc khác với ngày thường, mà sắc của các khiếu với sắc mặt phù hợp nhau thì trong tạng phủ chỗ nào hư thực đều biết rõ” cho nên cách trông các khiếu là có sự giúp đỡ chỗ thiếu sót của cách trông sắc mặt. Nói chung thì cho là: lưỡi là khai khiếu của tâm, lỗ mũi là khai khiếu của phế, đầu sống mũi thuộc tỳ, tai là khiếu của thận, mắt là khiếu của can. Cho nên môi lưỡi đỏ là tâm nhiệt, trắng nhợt là huyết hư, mũi đỏ ráo là tỳ nhiệt, vàng sẫm là tỳ hư, lỗ mũi khô ráo là thuộc nhiệt, chảy nước trong là thuộc hàn, mắt nhìn dữ tợn mà tròng chuyển động là chủ về phong, nhìn thẳng mà tròng không chuyển động là can khí tuyệt... đó là bệnh ở nội tạng phản ánh ra các khiếu.

 

 

2. Xem chỉ ngón tay:

 

Cách xem chỉ ngón tay là phương pháp để chẩn đoán riêng biệt của nhi khoa từ cuối đời Bắc Tống đã đem ứng dụng vào việc lâm sàng.

Bộ vị để xem chỉ ngón tay, thì lấy ngón tay trỏ của trẻ con làm chuẩn, đốt thứ nhất gần hổ khẩu là phong quan, đốt thứ nhì là khí quan, đốt thứ ba là mệnh quan, đó tức là hổ khẩu tamquan. Căn cứ vào hình sắc của chỉ mạch hiện ra tam quan, có thể biện biệt được các loại bệnh. Như mạch chỉ hiện ở phong quan là bệnh tà mới cảm vào, tương đối còn dễ chữa, chỉ hiện ở khí quan là bệnh tà đương thịnh, chỉ chạy ra mệnh quan là thời kỳ rất nặng, phần nhiều thuộc bệnh nguy hiểm. Bởi thế mới có câu nói tóm tắt là “phong nhẹ, khí nặng, mệnh nguy”.

Màu sắc chỉ ngón tay, có thể chia làm mấy loại xanh, đen, đỏ, tía, vàng kê trong biểu đồ nói rõ dưới đây:

Chỉ ngón tay

Nổi

Chìm

Nhạt

Trệ

Đỏ

Tía

Xanh

Bầm

Đen

Chẩn đoán

Biểu

Thực

Hàn

Nhiệt

Phong

Thực tích

Nguy

Những điểm trình bày trên biểu đồ này chỉ mới là một số tình hình, để xem chỉ ngón tay, trong khi lâm sàng còn cần phải tham hợp với chứng trạng toàn thân để xem xét toàn diện.

 

 

3. Nghe tiếng la khóc:

 

Trẻ con tuy chưa biết nói, nhưng những tiếng la khóc của nó thường có thể biểu lộ được một bộ phận bệnh tình và sự đau khổ.

Như đói bụng mà la khóc, phần nhiều thấy có tiếng kéo dài mà yếu sức, thường có động tác mút vú và mút ngón tay, đã được bú rồi thì lập tức nín.

Vì bệnh đau mà la khóc thì tiếng khóc thét to, khi cấp khi hoãn, khi khóc khi nín, trong cổ họng có bệnh, tiếng khóc phần nhiều khàn khàn và thở không thông lợi.

Bị bệnh cam tích mà khóc thì tiếng khóc chậm và rên rỉ.

Nói tóm lại, tiếng khóc trong trẻo hoàn toàn là tốt, thét to và nhỏ yếu hoặc khóc không có nước mắt phần nhiều thuộc về thời kỳ nguy hiểm.

 

 

4. Nắn ngực bụng:

 

Trẻ con nhiều khi ăn uống không có điều độ, dễ bị thương thực mà phát sinh ở trường vị, cho nên cách nắn ngực bụng, cũng là một trọng điểm trọng yếu trong việc chẩn đoán bệnh tật trẻ con. Nhưng trước khi xem bệnh và sờ nắn thầy thuốc cần phải làm cho tay của mình ấm lên, gặp mùa rét lạnh lại càng phải chú ý hơn vì trẻ con gặp lạnh dễ bị kinh sợ làm cho da bụng càng rắn, mất bình thường. Khi sờ nắn nên dùng tay ấn nhẹ hoặc ấn nặng để phân biệt sự cứng mềm, nóng lạnh và chịu nắn hay chối nắn. Theo đó mà quyết định bệnh chứng thuộc hàn hay nhiệt, hư hay thực. Nói chung bụng mềm và ưa nắn là thuộc hư, thuộc hàn; bụng đầy cứng mà chối nắn là thuộc hư, thuộc nhiệt; nắn vào như ống hơi trống rỗng là đầy hơi; nắn vào có chất nước động đậy là trong có tích nước; nếu nắn vào gần như kết lại, nắn lâu nặng tay, dưới tay có chuyển động là có trùng tích. Trong khi xem xét ngực bụng, trước hết chú ý đến tình hình chuyển động của huyệt Hư lý (ở dưới vú bên trái, chỗ đầu tim chuyển động). Nếu thấy đập động nhanh hơn đứa trẻ thường, hoặc không thích ứng với ôn độ trong thân thể thì phần nhiều là thân thể hư nhược vì tiên thiên bất túc, hậu thiên thất điều, trong khi chữa bệnh phải nên dùng ít thuốc công phạt để khỏi hại đến chính khí.

Ngoài những điểm đã kể ở trên ra, trong khi lâm chứng còn cần phải hỏi han người mẹ những tình hình có quan hệ với bệnh trạng, trước và sau khi bị bệnh, cho đến sự ăn uống v.v...để tham khảo chẩn đoán.

 

 

III. Chứng trạng và cách chữa

 

Bệnh tật của trẻ con tuy đơn thuần hơn bệnh người lớn, nhưng cũng có một số bệnh riêng biệt, rất hay phát hiện ra như các bệnh sởi đậu, kính, cam, ho gà. Trừ những chứng ấy ra còn có những nhân tố khác như: khi đứa trẻ đang ở trong bụng mẹ bị những ảnh hưởng về sự ăn uống, hoặc tinh thần, hoạt động của người mẹ; và khi mới sinh việc săn sóc không chu đáo mà gây ra những bệnh: Thái kinh, khóc đêm, ọc (trớ) sữa, cho đến các chứng hư nhược, 5 chậm 5 mềm(1) do tiên thiên bất, hậu thiên thất điều mà gây ra.

Về phương diện trị liệu, vì trẻ con thể chất còn non yếu, rất dễ sinh biến cho nên khi dùng thuốc chữa bệnh càng nên hết sức cẩn thận, hễ trúng bệnh thì thôi, chớ nên cho uống quá mức để khỏi hại đến chính khí.

Nay đem 4 chứng đại yếu trong nhi khoa là: đậu, kính, cam, sởi và các bệnh thường thấy như cảm mạo, ho gà v.v... giới thiệu sơ lược dưới đây:

 

 

1. Sởi:

 

Bệnh sởi là bệnh thường thấy của trẻ con, bệnh này hay phát vào vụ đông xuân, nguyên nhân phần nhiều do thai độc của thiên nhiên uất kết ở trong, lại cảm phải khí trái thường của thời tiết lưu hành mà phát ra, cho nên sách Ấu ấu tập thành nói: “Bệnh sởi tuy là thai độc, nhưng phần nhiều có kèm khí hậu nóng lạnh lưu hành trái mùa, trai gái truyền nhiễm nhau mà gây nên”.

Chứng trạng khi mới phát đại để cũng giống như bệnh thương phong: phát sốt, ho thở, mũi chảy nước trong, hắt hơi, ngáp vặt, hai mắt đỏ ngầu, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, tiếp đó thì sốt cao độ, hoặc có thể sốt khi nặng khi nhẹ, tinh thần mỏi mệt, hay ngủ, hoặc buồn bã trằn trọc không yên, qua ngày thứ tư thì mụn sởi phát ra, trước hiện ra ở các nơi mặt, ngực, lưng, ngang eo lưng, rồi khắp cả toàn thân và tay chân, sắc đỏ hình nhỏ như hạt mè (vừng), khi mới mọc thì thưa ít, dần dần mọc đầy từng mảng. Sởi mọc được 3 ngày thì theo thứ tự mà lặn, chỗ mọc trước thì lặn trước, sốt nóng cũng giảm dần, rồi các chứng trạng cũng hoàn toàn tiêu hết, đó là quá trình của bệnh sởi.

Chứng này có chia ra thuận nghịch, nặng nhẹ. Phàm thấy phát sốt, có ra mồ hôi, ho nhẹ, đại tiểu tiện điều hòa, mụn sởi theo thứ tự mà phát ra, đều là chứng thuận, chứng nhẹ. Nnếu nóng sốt dữ dội mà không có mồ hôi, tay chân lạnh, mặt xanh, mụn sởi ẩn nấp trong da, hoặc có phát ra nhưng lặn ngay, ho suyễn mũi phập phồng, ỉa chảy như rót nước, hoặc mụn sởi phát ra khắp mình mà trên đầu, trên mặt không có đều thuộc chứng nghịch, chứng nặng.

Chứng thuận, chứng nhẹ của bệnh sởi, nói chung khi mới bắt đầu, chỉ cần dùng thuốc mát, thông phát tán và săn sóc cho chu đáo là có thể dần dần lành khỏi.

Nguyên tắc chữa bệnh sởi: mục Chẩn đậu tâm pháp yếu quyết trong sách Y tông kim giám nói: “Sởi cần phát biểu, hàn lương rất kỵ độc tà nội công, mọc rồi thanh lợi đề phòng, lặn rồidưỡng huyết khỏi vòng thương âm”. Vì thế, khi bệnh mới bắt đầu trước hết nên phát tán đuổi tà ra. Căn cứ vào nguyên tắc chữa bệnh sởi ở câu “Ma hy thanh lương, đậu hỷ ôn” (bệnh sởi ưa dùng thuốc mát, bệnh đậu ưa dùng thuốc ấm) thì nên dùng các vị thuốc cay mát để phát biểu cho sởi thấu suốt ra nhưng cũng phải tham hợp với khí hậu ấm lạnh của thời tiết, cả đến chứng trạng toàn thân để biện chứng luận trị. Nói chung có thể dùng bài Tuyên độc phát biểu thang gia giảm. Sau khi sởi đã mọc khắp, nếu còn nhiệt độc ngăn trở không giải được thì dùng phép thanh nhiệt giải độc làm chủ, như bài Hóa độc thanh biểu thang (1). Nếu sau khi bệnh sởi khỏi rồi vì tân dịch bị thương tổn mà nóng còn lại, thì dùng phép dưỡng âm làm chủ, như bài Sài hồ thanh nhiệt ẩm (2). Các lối này đều là phép tắc cơ bản để chữa bệnh sởi, ngoài ra như việc săn sóc không chu đáo, hàn tà bó lại ở ngoài, nhiệt độc chứa ở trong làm cho ho suyễn, thậm chí hai bên mũi phập phồng run động, thì châm chước dùng bài Ma hạnh thạch cam thang. Nếu sốt cao, dây dưa liên tục, khí nóng vào tâm bào, hiện ra các chứng trạng thần chí mê man, nói nhảm, lưỡi đỏ, mạch sác, thì dùng phép thanh tâm lương huyết mà chữa như bài Tê giác địa hoàng thang, Ngưu hoàng thanh tâm hoàn, Chí bảo đan, Tứ huyết đan đều có thể tùy chứng chọn dùng.

Tóm lại: nhất thiết phải cấm dùng thuốc bậy bạ, cho uống lung tung, dùng bậy thuốc phát hãn và tả lợi, để tránh gây nên những biến chứng như: ho ra máu, đổ máu mũi, đau cổ họng, tai đỏ, buồn bực, trằn trọc, tỳ hư, ỉa chảy v.v... đó là cần phải chú ý.

 

 

2. Đậu mùa:

 

Bệnh đậu mùa là một thứ bệnh rất hiểm ác, nguyên nhân của bệnh này cũng do thai độc chứa ở trong, cảm xúc với thời khí mà phát ra. Từ ngày Cách mạng thành công đến nay được sự coi trọng và lưu tâm của Đảng, công tác dự phòng đậu mùa, phổ biến chủng đậu hết sức phát triển cho nên về bệnh đậu căn bản đã được tiêu diệt. Nhưng trong khi lâm sàng còn thấy có một loại thủy đậu cũng là bệnh thường thấy của trẻ con, để phân biệt nhận định cho được rõ ràng, nay kê thành biểu đồ dưới đây:

 

 

Biểu đồ phân biệt bệnh đậu mùa và thủy đậu

 

 

 

đậu mùa (trái giống)

 

 

Thủy đậu (trái rạ)

1. Phát sốt 3 ngày mới mọc

1. Phát sốt 1, 2 ngày mọc ra mụt nước có khi phát sốt, chứng trạng không rõ rệt

2. Mụn đậu dày sờ vào rắn chắc chối tay

2. Sờ vào không thấy chối tay hình như thấm nước

3. Sưng cao dần lên mà mưng mủ, đầu mụn lõm xuống

3. Có nước mủ lờ không lõm đầu vào

4. 11 – 18 ngày thì thu áp đóng vẩy

4. Từ 3 – 4 ngày phát ngứa rồi thu áp, cũng có khi dài ngày mới thu

5. Nốt đậu dày đặc phát đều ra một lúc

5. Nốt đậu thưa thớt, nốt này áp nốt kia mọc, trước sau không đều

6. Bệnh tình nặng thời kỳ kéo dài

6. Bệnh tình nhẹ thời kỳ ngắn

7. Sau thành mặt rổ

7. Mặt không thành rổ

8. Trẻ con người lớn đều có

8. Người lớn bị rất ít

Bệnh đậu mùa nói chung khi mới bắt đầu mọc mụt, nên dùng thuốc phát tán giải độc trước, có thể dùng bài Thăng ma cát căn thang gia giảm mà chữa, nếu nhiệt độc chứa đầy, sốt cao, thần chí mê man, mụn đậu hiện ra sắc tía, thì nên chọn các bài Tê giác địa hoàng thang gia giảm mà dùng, nếu nguyên khí hư nhược, đậu bị hãm không mọc ra được mà không mưng mủ, thì nên dùng bài Bảo nguyên thang (3) để bồi dưỡng nguyên khí thác độc ra ngoài.

Bệnh thủy đậu mà không có kiêm chứng thì không cần dùng thuốc. Như khi thủy đậu mới mọc ra mà sốt nhiều, nôn mửa, buồn bực, khát nước nên dùng phép sơ thông tiêu trệ, dùng bài Khoan trung thấu độc ẩm làm chủ (4). Nếu vì ăn nhiều thức ăn có tính kích thích hoặc cục bộ chưa thể giữ gìn trong sạch, đến nỗi mụn đậu dập loét không đóng vẩy được, thì trong nên uống bài Hoàng liên giải độc thang, ngoài dùng Miên kiên tán (5) mà rắc vào.

 

 

3. Kinh phong:

 

Bệnh kinh phong có thể chia làm hai loại: là cấp kinh và mạn kinh. Bệnh cấp kinh rất mau chóng, hình chứng đều hữu dư là thuộc dương, thuộc nhiệt và thuộc thực. Bệnh mạn kinh thì chậm phát hơn, phần nhiều là bệnh đã lâu ngày, trung khí đã hư, hình chứng đều bất túc là thuộc âm thuộc hàn và thuộc hư. Bệnh kinh phong thấy biểu hiện trong khi lâm sàng, đại khái có thể chia ra 8 chứng hậu căn bản là: co giật, nắm mở, đầu vai co rút, run, ưỡn mình, giương tay, trợn mắt, tròng mắt trương đờ. Các chứng này có khi xuất hiện một chứng, cũng có khi xuất hiện cả các chứng một lúc.

Bệnh cấp kinh, phần nhiều là do phong hàn cảm ở ngoài, hoặc ăn uống tích ở trong hoặc đờm nhiệt bế tắc, hoặc vấp ngã kinh sợ mà gây nên, trong khi lâm sàng phần nhiều biểu hiện các chứng trạng: khát nước, sặc đờm suyễn gấp, thần chí không sáng láng, ngủ li bì, kêu thét lên, tay chân co giật, thậm chí thành chứng uốn ván. Trong khi trị liệu đều dùng phương pháp “cấp trị kỳ tiêu”: dùng bài Khai quang tán (6) trước để khai khiếu cho hắt hơi, sau thì căn cứ vào nguyên nhân khác nhau và chứng trạng cụ thể để biện chứng luận trị. Như vì ngoại cảm phát nóng hoặc nội thương về ăn uống mà gây nên tật bệnh co giật thì nên dùng thuốc giải biểu, hoặc dùng thuốc tiêu thực làm chủ, dùng thuốc thanh nhiệt trấn kinh làm tá. Nóng dữ dội ở trong, nhiệt độ tăng cao, khát nước thì dùng bài Đạo xích tán (7), Lương cách tán. Thần chí không sáng láng, ngủ li bì, kêu thét lên, dùng bài Ngưu hoàng thanh tâm hoàn, hoặc Tử Huyết đan, Chí bảo đan. Tay chân co giật uốn ván, cấm khẩu thì nên dùng bài Dĩ phong tán (8), Chỉ kinh tán (9). Vì kinh sợ mà sinh chứng co giật nên dùng bài Chu sa an thần hoàn (10), nhiều đờm đặc lên bế tắc lại nên hợp với bài Tô hợp hương hoàn hoặc Hầu táo tán.

Nguyên nhân gây chứng mạn kinh phong, đại khái chia làm 3 phương diện:

* Sau khi bị những bệnh cấp kinh, thương hàn, sốt rét lâu ngày đi lỵ lâu ngày, lên sởi xong hoặc ăn uống tích trệ chưa khôi phục kịp thời mà chuyển thành.

* Đột ngột bị thổ tả dữ dội, thổ tả lâu, đến nỗi tỳ vị cực hư mà gây nên.

* Do chữa bậy mà gây nên, như cho uống thuốc hàn lương công phạt hoặc hãn hạ quá đến nỗi làm tổn thương chính khí v.v... Tóm lại, chứng mạn kinh là do sau khi bệnh nặng hư yếu lâu không khôi phục được hoặc săn sóc không đúng cách, hoặc chạy chữa không thích đáng gây nên.

Trong khi lâm sàng thấy biểu hiện ra, phần nhiều đều là sắc mặt xanh nhợt, người gầy mòn, tinh thần rầu rì, hô hấp nhỏ chậm, miệng mũi thở hơi lạnh, ngủ li bì mà mắt mở trao tráo, đại tiện ra nước trong lạnh, tiểu tiện trong dài mà thông lợi, mạch đi trì hoãn, co giật chậm và đuối sức v.v...

Về mặt trị liệu, nói chung đều dùng phép bồi dưỡng nguyên khí, ôn bổ tỳ vị làm chủ, như bài Lục quân tử thang gia giảm, Trang thị gia vị lý trung địa hoàng thang (11) đều có thể tùy chứng chọn dùng.

 

 

4. Cam tích:

 

Cam tích là chỉ về bệnh mãn tính của trẻ con, do tỳ vị vận hóa không được mạnh, sự dinh dưỡng mất điều hòa mà gây nên những hiện tượng sắc mặt vàng, da thịt gầy, lông tóc tiều tụy, đồng thời trong đó cũng bao gồm cả chứng trùng tích. Trong các bệnh trẻ con thì bệnh cam tích tương đối nhiều hơn, nguyên do gây ra bệnh này rất có quan hệ mật thiết với sự ăn uống và săn sóc, cho nên bệnh này phần nhiều là do sự ăn uống không điều độ, tỳ vị bị tổn thương nhiều quá mà gây nên, như cai sữa sớm quá, hoặc cho ăn nhiều thức ngọt, béo quá, hoặc khi no đói thất thường, hoặc sau khi bị bệnh nặng săn sóc không đúng, hoặc uống thuốc công phạt nhiều quá làm cho nguyên khí hao tổn, tân dịch bị thương.

Tất cả chứng trạng bệnh cam tích là mặt vàng, người gầy bụng to và đau, đại tiện phân sệt tanh hôi, và kèm có giun đũa và sán, hoặc tiểu tiện đục lờ như nước vo gạo, thậm chí có các chứng sốt cơn, mồ hôi trộm, mắt khô, chói ánh sáng, kéo màn v.v...

Phép chữa không ngoài hai mặt công và bổ. Khi bệnh mới phát, do ở tích trệ, phần nhiều là thuộc chứng thực thì trước nên tiêu tích, sau thêm thuốc trục giun, như bài Tiêu cam lý tỳ thang. Sử quân tử tán (12) chờ khi tích đã tiêu, trùng đã hết thì lấy lý tỳ điều vị làm chủ, như bài Sâm linh Bạch truật tán, Dị công tán, Tiền thị khải tỳ tán (13). Nếu thể chất đã hư mà tích trệ chưa tiêu hóa thì nên kiêm dùng cả công lẫn bổ như bài Phì nhi hoàn (14). Nếu bệnh lâu thể nặng, biểu hiện chứng hư toàn bộ thì nên dùng đại tễ để bồi bổ như những bài Tứ quân tử thang, Sâm linh Bạch truật tán đã kể ở trên. Ngoài ra như các bài Hương liên đạo trệ hoàn (15), Kê can tán (16) đều có thể tùy chứng chọn dùng.

 

 

5. Cảm mạo:

 

Cảm mạo, tục gọi cảm gió. Vì trẻ con thể chất yếu đuối, da dẻ non nớt dễ bị gió lạnh xâm nhập. Khi thời tiết thay đổi thì khí hậu lạnh nóng biến đổi đột ngột cho đến sự chăm nom săn sóc không chu đáo càng dễ phát sinh bệnh này.

Triệu chứng bệnh cảm mạo có hai loại nặng và nhẹ. Nhẹ thì thấy ngạt mũi, chảy nước mũi, ho hắng hắt hơi, sợ gió hoặc phát sốt nhẹ. Nặng thì sốt cao độ sợ lạnh, đau đầu ngạt mũi, tiếng nói nặng, ho hắng nhiều, hơi thở không bình thường, hoặc đau bụng ỉa chảy, không muốn ăn uống, hoặc nằm ngủ không yên, kinh sợ hơi giật...

Về phép chữa, nhẹ thì chỉ cần kiêng gió, giảm bớt ăn bú và chú ý săn sóc hơn, tuy không uống thuốc cũng có thể khỏi. Nặng thì nên phát tán như bài Kinh phòng giải biểu thang. Nếu kèm chứng thực trệ thì có thể dùng loại phát tán mà có gia các vị tiêu đạo như Bảo hòa hoàn. Nếu sốt cao độ nằm ngủ không yên, có hơi co giật, lại cần dùng phép phát tán lấy các vị trấn kinh làm tá, như bài Thái cực hoàn (17).

 

 

6. Ho gà:

 

Ho gà gọi là “bách nhật khái” bởi hay truyền nhiễm cho nên cũng gọi là “dịch khái”. Nguyên nhân phần nhiều là do gió lạnh xâm nhập vào phổi lưu đó mà không giải được hoặc vội dùng các thuốc tư bổ, tà lưu lại ở phổi không tuyên thông được mà gây nên.

Hiện chứng chủ yếu là: ho từng chặp, khi phát ho thì liên tục không dứt, lại có biểu hiện ra chứng thở suyễn cấp bách, lâu ước mấy phút đồng hồ, bao giờ mửa ra hết đờm dãi trong loãng mới thôi. Khi bệnh nặng thì có thể ho ra máu, đổ máu mũi, đầu mặt phù thũng, nặng thì khó ho, vãi đái, vãi cứt, trẻ con mới đẻ thêm có chứng đờm sặc lên thành kinh quyết rất nguy hiểm.

Về phép chữa khi mới mắc bệnh nên thông phế khí, tán đờm dãi như bài Hạnh tô tán gia giảm, khi ho từng chặp liên miên, nên dùng bài Chỉ thấu tán gia giảm. Còn như những bài Lư từ diên hoàn (18) mật gà chích cho ra nước hòa với đường cát trắng cho vừa, trộn đều như nước hồ cho uống, và bài Thiên môn đông hợp tễ (19) đều có thể chọn dùng cho thích đáng.

 

 

 

Phụ Phương

 

 

 

 

1. Hóa độc thanh biểu thang (Y tông kim giám).

 

Cát căn, Lá bạc hà, Địa cốt bì, Ngưu bàng (sao nghiền), Liên kiều, Phòng phong, Hoàng cầm, Hoàng liên, Huyền sâm, Tri mẫu, Mộc thông, Cam thảo, Cát cánh lấy gừng sống và bấc đèn làm thang sắc uống.

 

 

2. Sài hồ thanh nhiệt ẩm (Y tông kim giám).

 

Sài hồ, Hoàng cầm, Xích thược, Sinh địa, Địa cốt bì, Mạch môn (bỏ lõi), Tri mẫu, Cam thảo, lấy gừng sống và bấc đèn làm thang sắc uống.

 

 

3. Bảo nguyên thang (Lý Đông Viên)

 

Nhân sâm, Hoàng kỳ, Cam thảo, Nhục quế (một bài không có Nhục quế, một bài không có Nhân sâm).

 

 

4. Khoan trung thấu độc ẩm

 

Cát căn, Cát cánh, Tiền hồ, Thanh bì, Chỉ xác, Sơn tra, Thuyền thoái, Liên kiều, Kinh giới, Mạch nha.

 

 

5. Miên kiển tán (Chứng trị chuẩn thằng)

 

Kén tằm, lấy phèn chua đập cho nát rồi nhét đầy vào trong vỏ kén, đốt cho phèn khô, đem ra nghiền nát cho thật nhỏ, chùi sạch mủ ở mụn, rồi rắc thuốc này lên.

 

 

6. Khai quan tán (Nghiệm phương)

 

Tế tân, Nha tạo, nghiền nhỏ thổi vào mũi cho hắt hơi.

 

 

7. Đạo xích tán (Tiền Ất phương)

 

Sinh địa, Cam thảo, Mộc thông. Các vị bằng nhau làm thành bột, mỗi khi uống dùng 3 đồng cân, 1 bát nước, 1 nắm lá tre, sắc lên lấy 1/2 bát, sau khi ăn cơm cho uống, uống hơi âm ấm.

 

 

8. Dĩ phong tán (Chứng trị chuẩn thằng)

 

Thiên trúc hoàng (nghiền nhỏ), Phòng phong, Câu đằng đều 1 lạng, Cương tàm, Toàn yết, Bạch phụ tử, Xạ hương đều 5 đồng, sắc nước Kinh giới làm thang mà uống.

9. Chỉ kinh tán (Phương chữa viêm màng não loại B của Trung y, Nhân dân xuất bản xã Hà Bắc xuất bản lần đầu tháng 7 năm 1955).

Toàn yết, Ngô công (nghiền nhỏ như phấn).

 

 

10. Chu sa an thần hoàn (Lý Đông Viên).

 

Chu sa 1 đồng (nghiền, thủy phi 1/2 vào thuốc, 1/2 làm áo), Hoàng liên 1 đồng rưỡi (rửa bằng rượu), Cam thảo 5 phân (nướng), Sinh địa 1 đồng, Đương quy 1 đồng tán nhỏ luyện với mật viên to bằng hạt gạo, Chu sa làm áo, mỗi lần uống từ 10 đến 30 viên, uống trước khi ngủ.

 

 

11. Trang thị gia vị Lý trung địa hoàng thang (Trung nhất quỳ phú ấu biên).

 

Thục địa 5 đồng; Đương quy, Chích kỳ, Kỷ tử, Bạch truật (sao với Hoàng thổ), Đảng sâm, Cố chỉ,Táo nhân (sao) đều 2 đồng; Bào khương, Chích thảo, Sơn thù, Nhục quế đều 1 đồng.

 

 

12. Sử quân tử tán (Chứng trị chuẩn thằng)

 

Sử quân tử 10 quả (sao), Cam thảo (tẩm nước mật lợn 1 đêm). Bạch vu di đều 1 phân, Khổ kuyện tử 5 quả (nướng bỏ hạt) nghiền làm bột mỗi lần uống 1 đồng, dùng nước nấu lên mà uống.

 

 

13. Tiền thị khải tỳ tán (Thành phương tiện độc).

 

Đảng sâm, Bạch truật, Liên nhục, Tra thán(1), Ngũ cốc trùng(2), Trần bì, Sa nhân.

 

 

14. Phì nhi hoàn (Nghiệm phương).

 

Hậu phác, Kê nội kim, Bạch linh đều 4 lạng; Tân hội bì, Thanh bì đều 2 lạng, Ngũ cốc trùng, Sa nhân, Hồ liên đều 3 lạng; Bạch truật (sao sém) 6 lạng Mạch môn (sao), Biển đậu, Sơn tra (sao sém) đều 8 lạng; Binh lang 1 lạng rưỡi, Can thiềm (nướng) 11 con, Thần khúc 12 lạng. Nghiền thành bột, luyện với mật làm hoàn, thang bằng nước cơm.

 

 

15. Hương liên đạo trệ hoàn (Y tông kim giám).

 

Thanh bì, Trần bì, Hậu phác, Hoàng liên, Cam thảo, Sơn tra, Thần khúc, Mộc hương, Binh lang, Đại hoàng.

 

 

16. Kê can tán (Nghiệm phương).

 

Thạch lộ cam (chế) 6 đồng, Xích thạch chi, Hoạt thạch (phi), Hồ liên đều 5 đồng, Thần sa 4 đồng, Thanh đại 3 đồng, Thạch quyết minh (đốt) 1 lạng, Gan gà trống 1 cái.

 

 

17. Thái cực hoàn (Ấu ấu tập thành)

 

Thiên trúc hoàng, Đởm nam tinh, Đại hoàng, Cương tàm, Xạ hương, Thượng mai phiến.

 

 

18. Lư từ diên hoàn (Nghiệm phương)

 

Hạnh nhân, Chi tử (sao đen), Thạch cao, Cáp phấn, Thiên hoa đều 2 lạng, Ngưu bàng 3 lạng, Cam thảo 4 đồng, Ma hoàng 8 đồng; Thanh đại, Xạ can đều 1 lạng; Tế tân 5 đồng, tán nhỏ thành bột, lấy dãi chim cồng cộc thêm mật làm viên to bằng viên đạn, dùng bấc đèn, lá tre sắc lấy nước làm thang.

19. Thiên môn đông hợp tễ (Trương binh quang thị kinh nghiệm phương, Trung y tạp chí tháng 1 năm 1955).

Thiên môn, Mạch môn, Bách bộ, Qua lâu, Quất hồng bì làm thang sắc uống.

Bài viết này có 0 bình luận

Viết một bình luận :

9606