Trầm cảm ( kỳ 2 )

 

Thưa các bạn, chúng ta đang cùng tìm hiểu chứng bệnh trầm cảm của cậu bé Vương Tân. Trong bài này, chúng tôi sẽ tiếp tục câu chuyện về nội dung ẩn chứa đằng sau 3 bức tranh của Vương Tân. Liệu khi đã biết được nguyên nhân căn bệnh của con, cha mẹ Vương Tân suy nghĩ thế nào và phải làm sao giúp con cũng như bản thân họ vượt qua những trở ngại của căn bệnh. Mời các bạn cùng theo dõi.

 

Dựa trên những ẩn ý mà Vương Tân gửi gắm trong tranh, các bác sĩ tâm lý đã bắt đầu hẹn nói chuyện với Vương Tân. Bắt đầu từ việc mà cậu bé thấy thích thú nhất. Đó là lên mạng.

-          Trong thế giới ảo cậu bé có thể quên đi những điều không mấy vui vẻ của cuộc sống hiện tại. Đồng thời chơi trò chơi trong thế giới ảo kia còn có thể thắng được người khác.

Vương Tân cho biết, từ khi lên lớp 9 cậu đã bắt đầu lên mạng. Nhưng việc cậu lên mạng không hề giống với những người nghiện lên mạng Internet khác, cậu lên mạng chỉ vì đó là sự chọn lựa bất đắc dĩ.

-          Không muốn cứ ở nhà hoài. Do đó có lúc tôi muốn cha mẹ đều đi công tác hết hoặc là không ở nhà. Nhưng cũng không có cách gì khác.

Thì ra, Vương Tân lên mạng là muốn tránh gặp cha mẹ mình. Tại sao cậu lại muốn làm như vậy? Chẳng lẽ giữa cậu bé và cha mẹ đã xảy ra chuyện gì?

-          Chúng ta đều biết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Con cái có yêu cha mẹ không? Nhất định là có rồi. Thế cha mẹ có yêu con không? Cha mẹ nào chẳng yêu con. Nhưng có lúc trong ý nghĩa của từ “yêu” đó, giữa những thành viên trong gia đình lại có những biểu hiện khác nhau.

Quả nhiên, sau khi được gợi ý, Vương Tân đã nói ra những vấn đề mâu thuẫn giữa cậu bé và cha mẹ.

-          Cha mẹ tôi cứ hễ đi làm về là luôn hỏi thành tích học tập của tôi. Hỏi tôi kết quả thi thế nào, thi điểm có cao hơn so với mọi người hay không. Sau đó, cha mẹ cứ hỏi đi hỏi lại khiến tôi cảm thấy khó chịu và cũng có chút sợ hãi.

Vương Tân sợ hãi điều gì? Lẽ nào thành tích học tập của cậu không tốt?

-          Lúc nhỏ con trai tôi học rất giỏi, trong lớp luôn đứng đầu.

Thì ra, cũng giống như những người làm cha mẹ khác, từ nhỏ Vương Tân đã là niềm tự hào và hy vọng của cha mẹ. Vả lại kết quả học tập cuả con trai cũng rất tốt nên cha mẹ cậu đều đặt quá nhiều kỳ vọng vào cậu con trai của mình.

-          Nhà tôi có 6 chị em, 4 chị, 1 đứa em gái, chỉ có mình tôi là con trai. Trong 5 đứa con của bốn người chị tôi thì có đến 2 người là tiến sĩ, 3 đứa là thạc sĩ.

Cha mẹ Vương Tân cũng hy vọng con mình được như thế, cho nên mặc dù lên cấp hai Vương Tân đã nổ lực học tập và học rất giỏi nhưng những yêu câù cha mẹ đặt ra càng ngày càng hơn cao.

-          Khi làm kiểm tra, phải có điểm số thật cao. Phải đạt 100 điểm, nếu không được thì cũng phải trên 95 điểm.

-          Lúc ban đầu thì yêu cầu tôi có trong 10 người đứng đầu lớp. Nhưng về sau, khi tôi đã đứng trong danh sách 10 người rồi, thì yêu cầu của cha mẹ càng ngày càng cao. Bắt tôi phải lọt vào top 5 người đứng đầu, rồi 3 người, thậm chí yêu cầu tôi phải đứng đầu lớp.

Cứ như vậy, theo những yêu cầu của cha mẹ, Vương Tân đã không ngừng cố gắng và có một lần Vương Tân đã đứng vị trí thứ 3 trong lớp.

-          Con tôi chỉ kém một chút so với lớp trưởng và một bạn khác.

-          Có thể lớp trưởng được 98, 99 điểm thì con tôi được 94, 95 điểm. Nhưng dù sao thì mỗi lần lớp trưởng đều cao hơn con tôi. Tôi nói lớp trưởng là con gái mà con vẫn không thể vượt qua được sao? Con phải vượt qua. Tôi nói con phải học theo gương của bạn, luôn luôn đứng đầu.

-          Luôn đem tôi ra so sánh với lớp trưởng. Về sau, tôi có cảm giác khả năng của tôi dường như không so được với cô ấy. Tôi nghĩ nếu lớp trưởng là con gái của cha tôi thì tốt rồi. Tôi cảm thấy cha mẹ sinh tôi thật phí.

Trong suy nghĩ cuả Vương Tân, cho dù mình có nổ lực như thế nào cũng không cách gì khiến cha mẹ bằng lòng, được khen ngợi. Từ đó, trong lòng cậu bé có những thay đổi nhỏ.

-          Về đến nhà cũng không dám nhìn thẳng vào cha mẹ, cũng không dám nói chuyện. Tôi có cảm giác rất lạc lõng.

 

Vương Tân đã bắt đầu xuất hiện những biểu hiện của ức chế tinh thần. Nếu biết cách tháo gỡ hoặc cha mẹ biết được vấn đề của con cái để giúp cậu bé tháo gỡ thì có lẽ cậu bé đã không mắc phải chứng trầm cảm. Thêm vào đó, do Vương Tân gặp một số khó khăn trong giao tiếp bạn bè trên lớp. Vì cậu có giọng đọc nhỏ và phát âm không được chuẩn khiến các bạn trong lớp hay trêu chọc, đã làm lòng tự ti của cậu thêm tổn thương. Từ đó, Vương Tân ngại nói chuyện, lâu dần hình thành thói quen có thể hạn chế nói chuyện nếu như không bị bắt buộc, tránh tất cả các hoạt động có thể tránh được. Điều cần thiết đối với một đứa trẻ đang ở độ tuổi mới lớn là phải được sự giúp đỡ và ủng hộ của cha mẹ. Nhưng Vương Tân không dám nói bởi cậu sợ cha mẹ càng cảm thấy mình thật vô dụng. Những băn khoăn, lo nghĩ đau khổ đó cứ tích tụ, nung nấu nhưng cậu bé cũng hy vọng có một ngày nào đó cậu sẽ chứng minh với bạn bè, với cha mẹ rằng cậu là người có khả năng.

 

-          Tôi nghĩ đến kỳ thi tốt nghiệp sắp đến gần. Nếu tôi thi tốt kỳ thi này thì có thể cất ngẩng cao đầu trước thầy cô bạn bè, tôi sẽ cảm thấy là mình đã có thể chứng minh cho họ khả năng của mình. Nhưng điều thứ hai là hy vọng có thể thay đổi thái độ của cha mẹ đối với tôi.

Vương Tân đặt hết hy vọng vào kỳ thi tốt nghiệp cấp hai, nhưng càng nổ lực học tập đến đâu thì lại càng không thể nào gỡ bỏ những băn khoăn trong lòng.

-          Cảm thấy rất áp lực, cũng rất căng thẳng, cảm giác giống như dây cót kéo căng vậy.

Thế là chẳng được bao lâu, những triệu chứng không tốt cho cơ thể như mất ngủ, đau đầu cứ không kéo đến. Để giải toả đi những căng thẳng và áp lực, Vương Tân bắt đầu mê lên mạng.

-          Buổi tối cháu không đi ngủ mà cứ lên mạng chơi say mê. Tôi nói cháu sao vẫn không đi ngủ đi, tại sao cứ ngồi chơi mãi thế, như vậy thì làm sao mà thi được.

Tuy Vương Tân đặt mọi niềm hy vọng vào kỳ thi cuối cấp này nhưng lại không muốn học hành. Đáng tiếc là đến khi kỳ thi kết thúc cậu bé vẫn không thể nào ổn định lại tinh thần.

-          Trong tôi tồn tại 2 con người. Một người là muốn không học tiếp nữa, muốn vất bỏ tất cả, tự ruồng bỏ bản thân. Nhưng con người kia thì cũng muốn cố gắng học tiếp nhưng lại cảm giác mình không có năng lực. Hai suy nghĩ này thật mâu thuẫn.

-          Kết quả thi rất tồi tệ, thành tích kém xa so với trước đây rất nhiều. So với lớp trưởng thì thua tổng cộng hơn 70 điểm. Lúc đó, tôi có cảm giác sắp bị cha mẹ từ bỏ. Bởi vì trước đó cha cũng đã nói, một đứa trẻ mà không nổ lực học tập thì không phải con của ông ấy, hay là nuôi đứa con trai không học thì chi bằng nuôi heo còn hơn.

Trên thực tế, thành tích kỳ thi lần này của Vương Tân cũng rất tốt, do đó đã đậu vào lớp chuyên của trường cấp 3 và cũng không bị cha mẹ trách mắng quá nhiều. Nhưng lúc đó cậu bé đã không còn nghĩ như vậy.

-          Tuy trong lời nói không trách mắng nhiều, nhưng khuôn mặt cha mẹ rất lạnh lùng, sau đó cũng không nói gì cả. Tôi cảm giác bầu không khí nặng nề tràn ngập.

Vương Tân lúc đó đã quá mẫn cảm nên cho dù trong một lần cãi nhau rất bình thường giữa cha mẹ, cậu bé cũng đổ lỗi là do mình.

-          Những lúc đó, tôi đi về phòng mình, chỉ muốn được yên tĩnh một mình, chìm trong thế giới chỉ của riêng mình, không muốn nghĩ đến những chuyện buồn bực có liên quan đến cha mẹ.

Không nói chuyện với cha mẹ, không chơi với các bạn, cứ như vậy Vương Tân lao vào các trò chơi trên mạng. Kết quả là thành tích học tập bị giảm sút nghiêm trọng.

-          Cháu nói con đã không đủ điểm bất kỳ môn học nào, con không theo kịp các bạn nữa, con đã không học nỗi. Tôi hỏi cháu sao lại không học nỗi. Cháu bảo thật là không học được.

Cũng chính đúng vào lúc đó, lúc mà Vương Tân càng ngày càng nản chí đó thì lại thường bị cha trách mắng. Người cha đã không hề biết rằng Vương Tân đang trượt dài đến 1 hố sâu đáng sợ.

-          Con tôi nói là nó học không vào, nó hận cha mẹ, hận lớp trưởng, hận các thầy cô, căm ghét tất cả mọi người ở trường.

Mãi cho đến sự kiện “tự sát” sau này, cũng là 3 tháng trước khi được các bác sĩ chữa trị, Vương Tân đã cảm thấy tuyệt vọng đối với mọi thứ rồi.

-          Luôn cảm thấy mình không có nơi nào nương thân, nói chuyện với bạn bè không được, giao tiếp với người ngoài cũng không xong. Sau đó thành tích học tập không tốt mà thái độ của cha mẹ đối với tôi cũng khá lạnh nhạt. Cảm thấy cuộc sống này chẳng có ý nghĩa gì, mất đi hết dũng khí muốn tiếp tục được sống.

 Vương Tân có sự thay đổi về 4 phương diện rất rõ ràng. Thứ nhất, tinh thần sa sút trong một thời gian dài, không ai giúp đỡ, thậm chí cảm tuyệt vọng, muốn chết. Thứ 2, xuất hiện sự hỗn loạn về ý thức, dường như mất đi khả năng suy nghĩ và quyết định. Thứ 3, mất ngủ, chán ăn, đồng thời thay đổi sinh lý. Cuối cùng, đó chính là hành vi bị đảo ngược, từ một học sinh ham học biến thành 1 người chán học, tự ruồng bỏ bản thân. Những thay đổi nói lên rằng cậu bé đã bị mắc chứng trầm cảm khá nghiêm trọng. Câu chuyện đến đây đã cho thấy những chẩn đoán của bác sĩ đều đúng và tất nhiên cũng theo yêu câù của bác sĩ, cha mẹ Vương Tân cũng phải điều trị tâm lý. Nhưng liệu cha mẹ cậu bé có chấp nhận chữa trị hay không?

 

-          Gia đình không chữa trị, thì con cũng không chữa được.

-          Mặc dù không tin tưởng lắm, nhưng cứ thử xem sao.

Do lo lắng cho việc chữa trị của con, cha mẹ Vương Tân cuối cùng vẫn quyết định chữa trị. Nhưng đó đương nhiên là không giống như phương pháp trị bệnh khác.

-          Thật không ngờ cái gọi là phương pháp chữa trị đó là tham gia vào 1 trại hè. Điều đó làm tôi vơi đi cảm giác lo sợ.

Cái gì? Lẽ nào một lần tham gia trại hè thì có thể chữa trị bệnh trầm cảm sao?

-          Chúng tôi đưa ra phương pháp chữa trị cho cậu bé. Trước tiên phải tạo ra cho cậu bé một bầu không khí an toàn và đầm ấm, khiến cậu bé dần dần mở rộng lòng mình. Dần dần học được làm sao có thể chơi được với bạn cùng lứa tuổi, làm thế nào giành được niềm vui từ cuộc giao tiếp đó.

Mặc dù trong bầu không khí như thế nhưng lúc đầu Vương Tân vẫn rất ngại nói chuyện, ngại giao lưu với mọi người. Nhưng trong 1 lần hoạt động, biểu hiện của cậu bé khiến mọi người đều cảm thấy ngạc nhiên.

-          Chúng tôi yêu cầu mỗi đứa trẻ vẽ cho mình một chiếc áo sơ mi. Còn phải vẽ cho cha mẹ để làm quà tặng. Vương Tân đã làm rất tốt, cậu sử dụng màu sắc rất hài hoà, đẹp mắt. Bức tranh vẽ cũng rất đẹp.

-          Cảm thấy con trai mình thật tài hoa, khiến tôi cũng ngạc nhiên.

Bức tranh của Vương Tân cũng được nhiều người khen ngợi. Chính lúc đó dường như lòng tự ti của cậu bé cũng bắt đầu mở rộng.

-          Cảm thấy dường như mình cũng có một số sở trường, nhờ đó mà cũng dần dần tìm cho mình chút tự tin.

Trong các hoạt động tiếp theo, các nhà tâm lý phát hiện, Vương Tân từ một người vốn ngại nói chuyện và tham gia hoạt động nay đã bắt đầu giao lưu với các bạn, cùng tham gia các hoạt động.

-          Lúc đó cảm thấy rất cởi mở, cảm thấy khá thoải mái. Sau đó lại thích viết ra những suy nghĩ của mình.

Khi trại hè được tổ chức đến ngày thứ 6, Vương Tân cuối cùng đã viết một bài thơ nói ra hết những gì chất chứa bấy lâu trong lòng mình.

-          Tôi là một người thật đặc biệt

Bởi gió xuân chưa bao giờ đến thăm con tim tôi

Tôi là con người cô độc

Vĩnh viễn sống trong mùa đông giá lạnh

Nhưng khi những băng giá hiếu kỳ kia tan vỡ

Một khung cảnh mới sẽ hiện ra.

-          Chúng tôi phát hiện đứa trẻ này có sở trường về hội họa, đồng thời phong cách viết khá tốt. Đoạn thơ của cậu cũng khá cảm động. Từ 2 điểm này, chúng tôi cảm giác rằng trong lòng của đứa trẻ này vẫn còn có những tư tưởng đẹp đẽ và cũng là ngưòi có khiếu về hội hoạ và thơ văn.

Thơ của Vương Tân khiến những người nghe xung quanh đó đều cảm thấy được con tim giá lạnh trong thời gian gần đây của cậu và tác động mạnh đến cha mẹ.

-          Tôi thấy bài thơ rất hay, rất có hồn và cũng khiến con tim tôi thổn thức. Tôi cảm thấy trong lòng con tôi thật cô đơn, và đang khát vọng về 1 điều gì đó. Con trai tôi thật đáng thương…

Trong thời khắc đó, người cha đã rất cảm động, vội viết cho con trai một bức thư. Ông ấy đã viết câu dạt dào tình thương “Con trai, con thật tuyệt”.

-          Anh ấy đã đem tất cả tình thương của bậc làm cha mẹ để viết ra. Tôi thật vui mừng.

-          Lúc đó tôi đã rất cảm động, đây là lần đầu tiên cha đã mở lòng với tôi, đã nói với tôi rất nhiều. Lần đầu tiên cảm giác thấy con lòng mình thật gần như vậy với cha.

Thời điểm đó, các nhà tâm lý cũng đã thấy được là cách chữa trị của họ bắt đầu phát huy tác dụng rồi.

-          Nhiều người chỉ nhìn thấy 1 góc cuả vấn đề. Bởi vì cả một thời gian dài ở trong đó, sẽ cảm giác rơi vào bế tắc. Họ sẽ không thể nhận thức một cách toàn diện và khách quan hơn vấn đề này. Vì vậy giúp họ đánh giá lại gia đình, đánh giá lại mỗi thành viên, đặc biệt là những đứa con của mình.

-          Tôi rất cảm động, cảm thấy mình trước đây đã xao lãng bổn phận một người cha, đã hiểu quá ít về con trai. Không ngờ trong lòng con mình lại có nhiều ấm ức, sao lại cô đơn vậy.

 

Thưa các bạn, thực ra phương pháp chữa trị căn bệnh trầm cảm thật đơn giản, đó chính là thay đổi những nhận thức sai của người được điều trị. Như trường hợp của cậu bé Vương Tân, chỉ vì cha mẹ quá quan tâm đến thành tích học tập của con đã khiến cậu bé lấy thành tích học tập của mình để xét đoán đến tất cả mọi vấn đề. Kết quả học tập không tốt đã dẫn đến tâm lý sợ cha mẹ bỏ rơi và thậm chí có tư tưởng không chấp nhận chính bản thân mình khiến trong lòng đầy mặc cảm và tự ti. Nhưng rất may, qua việc tham gia trại hè lần này đã giúp cậu bé lấy lại niềm tin, khẳng định giá trị bản thân đồng thời cũng đã giúp cha mẹ cậu thay đổi những nhận thức sai lầm về cậu con trai.

 

Những hoạt động của trại hè đang dần dần mở rộng lòng Vương Tân. Khi sắp kết thúc, mọi người đã cùng chơi một trò chơi. Đây là một hoạt cảnh tưởng tượng: Giữa vùng biển rộng lớn, có một chiếc thuyền đang chở tất cả trẻ em và các bậc phụ huynh đang bị gặp nạn trong đêm tối. Trong đó có một số người buộc phải nhảy xuống hy sinh tính mạng để cứu lấy những người còn lại trên thuyền, nếu không thuyền sẽ chìm.

-          Mẹ Vương Tân đã quyết định mình sẽ nhảy xuống, cô ấy chân thành nói sẽ hy sinh tính mạng của mình để cho cậu bé và người chồng được sống. Trong quá trình chơi đó, người mẹ đã nói những lời từ trong tận đáy lòng mình, thật cảm động.

-          Mẹ sắp đi rồi. Thực ra mẹ không muốn nhảy xuống. Nhưng không thể không rời xa con. Mẹ đem toàn bộ hy vọng gửi lại nơi con, mong con hãy sống thật tốt.

Hoạt động này tuy chỉ là hoạt cảnh tưởng tượng, nhưng lời nói chân tình của mẹ đã làm ấm lòng cậu bé.

-          Cha tôi thì nói sẽ chăm sóc tôi thật tốt cho đến khi tôi trưởng thành. Sau này có gặp khó khăn sẽ cùng nhau vượt qua. Lúc đó tôi cảm thấy cha mẹ vẫn còn rất yêu tôi.

-          Để cho cậu bé biết rằng cho dù cha mẹ có thể không vừa lòng ở cậu bé một số điểm nhưng vẫn yêu cậu, vĩnh viễn sẽ không bỏ rơi cậu. Từ đó tăng cảm giác an toàn cho cậu bé.

-          Chỉ cần con tôi khoẻ mạnh là mừng rồi, vứt bỏ đi những suy nghĩ thiếu thực tế ấy đi.

-          Tôi chỉ mong con trai tôi khoẻ mạnh, hoà nhập với xã hội

Dòng chữ: Bây giờ, Vương Tân đã lại có thể đến trường.

Thưa các bạn, căn bệnh trầm cảm có liên quan chặt chẽ đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Hãy tạo ra một bầu không khí gia đình thật đầm ấm, thân thiện và quan tâm chia sẽ là điều kiện để giúp con cái phát triển khoẻ mạnh. Còn nếu chẳng may, một thành viên trong gia đình hay con bạn có những biểu hiện khác thường về sức khoẻ như giảm hoặc lên cân, giảm hoặc tăng cảm giác ngon miệng, mất ngủ hoặc ngủ triền miên. Hay có các biểu hiện như kích động hoặc trở nên chậm chạp, mệt mỏi, mất sức, giảm khả năng tập trung kéo dài hơn 2 tuần thì hãy đến tư vấn các chuyên gia tâm lý. Nhưng trước hết chúng ta cũng có thể tự kiểm tra trước ở nhà bằng bảng kiểm tra trắc nghiệm tâm lý mà chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn sau đây:

Các nhà tâm lý đã liệt kê 20 câu hỏi, bạn có 4 phương án trả lời "rất hiếm khi", "hiếm khi", "thường xuyên", "gần như luôn luôn", với số điểm tương ứng từ 1-4.

1, Tôi cảm thấy mình cáu bẳn, lo lắng hơn bình thường.

2, Tôi cảm thấy sợ hãi vô cớ.

3, Tôi dễ suy sụp hoặc hay hoảng hốt.

4, Tôi có cảm giác rằng tôi không thể làm chủ được mình.

5, Tôi có cảm giác hoàn toàn bình yên, tôi cảm thấy chẳng có chuyện gì tệ hại sẽ xảy ra với tôi.

6, Tay và chân tôi run rẩy.

7, Tôi thường bị đau đầu, đau lưng, đau cổ.

8, Tôi cảm thấy uể oải và mau mệt.

9, Tôi thanh thản, tôi có thể bình tĩnh mà không cần nỗ lực gì.

10, Tôi cảm thấy tim mình đập gấp.

11, Tôi hay bị chóng mặt.

12, Tôi hay bị rã rời cả người.

13, Tôi thở bình thản.

14, Tôi cảm thấy tê buốt ở các ngón tay và ngón chân.

15, Tôi cảm thấy đau vùng dạ dày và rối loạn tiêu hóa.

16, Tôi thường hay mót tiểu.

17, Bàn tay tôi khô và nóng.

18, Mặt tôi đỏ và nóng.

19, Tôi dễ ngủ và ngủ sâu.

20, Tôi hay bị ác mộng về đêm.

Khi cộng lại được 30-40 điểm thì bạn không bị trầm cảm, nếu từ 41-45 điểm thì bạn bị trầm cảm nhẹ, nếu từ 46-65 thì bạn cần sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. 

Bài viết này có 0 bình luận

Viết một bình luận :

9072