Chữa bệnh từ thiện cho người nghèo ở A Đớt

A Lưới là chiến khu thời kháng chiến chống Mỹ, cuộc chiến đấu ở đây rất quyết liệt và gian lao, chẳng thế mà có gia đình được phong tặng 3 anh hùng, đó là Hồ Vai,  Căn Lịch, A Nem, dĩ nhiên A Lưới là huyện anh hùng lực lượng vũ trang. A Đớt là một xã của huyện A Lưới.
Tuy đã được giải phóng sức sản xuất, xây dựng nông thôn mới, song A Đớt là một xã vùng sâu, vùng xa, còn khá nghèo. Nên khi hội đông y Thừa Thiên Huế nhận được tài trợ của Nhóm Nhân Ái của Việt kiều tại Úc, do bà Nguyễn Bích Ngọc đứng đầu tài trợ cho Hội Đông y Thừa Thiên Huế để chữa bệnh cho người nghèo. Hội Đông y đã giao trách nhiệm này cho hội châm cứu của tỉnh. 

 

Ông Lê Quý Ngưu, trưởng đoàn đã lên A Đớt, làm việc với xã, cùng xã chọn được 261 người thuộc diện thành viên của các gia đình nghèo của 8 thôn trong xã, ông Lê Quý Ngưu đã phát 261 giấy mời có từng tên cụ thể, đến nhà văn hóa của thôn để các thầy thuốc đông y khám, châm cứu và phát thuốc.
Xét ra, để châm cứu cho bệnh nhân có hiệu quả, phải châm cứu cả tuần. Vì vậy ông Lê Quý Ngưu dẫn một đoàn 12 thầy thuốc đông y lên A Đớt từ ngày 25-9 đến ngày mồng 1 tháng 10. Trên đường đi từ Huế lên A Lưới vào tận A Đớt mất 90 km, đã vậy đường lên A Lưới đang sửa chữa một đoạn dài đến 10 km, có 4 máy xúc và 4 máy ủi đang làm việc, đoàn phải dừng lại từng đoạn đến cả tiếng đồng hồ, vì vậy, dù xuất phát ở Huế lúc 5 giờ sáng, tận 10 giờ xe mới đến A Đớt.
Thấy xe tới, các bệnh nhân đang ngồi chờ đầy dưới nhà rông ào ra đón xe, các thầy thuốc nhảy xuống xe, bắt tay từng người, không khí chân tình của các thầy thuốc và bệnh nhân. Rất nhanh chóng, các thầy thuốc mặc áo trắng, đội mũ trắng, xin lỗi và trình bày lí do đến muộn đồng thời giới thiệu bà Nguyễn Bích Ngọc người đại diện cùng Nhóm Hoa Nhân Ái là tổ chức tổ chức tài trợ việc khám chữa bệnh phát thuốc từ thiện hôm nay.
Các bệnh nhân đứng chờ ở tầng dưới mái hiên tầng trên các thầy thuốc đặt bàn khám bệnh. Có sẵn danh sách trong tay, các ông bà già trên 80 tuổi và các gia đình chính sách  được gọi tên khám trước, sau đó lần lượt đến những người bệnh nhân nghèo tiếp tục được gọi tên.
Qua việc bắt mạch và hỏi han thêm ở bệnh nhân, những người bệnh thường gặp ở các bệnh nhân 8 thôn xã A Đớt là: huyết áp cao, thấp khớp, thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa…

Bệnh nhân thấy các thầy thuốc chỉ bắt mạch mà đọc được đúng bệnh trong người, hỏi đâu đúng đấy, nên rất nể và rất tin.

Có bệnh nhân vừa châm cứu xong, ra khỏi phòng nghe ngóng trong người, nói với mọi người xung quanh rằng: “Lưng mình đỡ đau hẳn, thấy nhẹ cả người”, ai cũng thấy vui, mong muốn đến lượt mình. 

 


Tổng số người đến khám và chữa bệnh là 261 người, đúng như danh sách đã ghi, không thiếu một ai. 

Tổng số người châm cứu là 254 người, gồm 149 nữ, 105 nam. Trong 7 ngày, các thầy thuốc đã châm cứu tới 1075 lượt. Ngày châm cứu đông nhất là 179 người, ngày ít nhất là 131 người. Cả sáng và chiều, nhà văn hóa lúc nào cũng đông người.

Sau khi khám và châm cứu xong, mỗi bệnh nhân được nhận một túi thuốc, gồm thuốc uống chữa bệnh, ngoài ra còn có 1 lon sữa, một cục xà phòng vệ sinh, 1 hộp dầu nóng và 1 hộp thuốc vệ sinh cho phụ nữ.

Ngoài số thuốc phát cho người bệnh, xã A Đớt theo yêu cầu của nhóm Hoa nhân ái, chọn thêm 100 người nghèo nhất, đoàn phát cho mỗi gia đình ấy thêm 5 cân gạo và 1 lon sữa.
Tôi hỏi ông là Lê Quý Ngưu:

- Tổng cộng chi phí cho cuộc đi khám chữa bệnh từ thiện này, nhóm Hoa Nhân Ái đầu tư được bao nhiêu

Ông Lê Quý Ngưu đáp:

- Tổng cộng chi phí là 45 triệu.
Ông Lê Quý Ngưu tâm sự : ‘Những người trong nhóm Hoa Nhân Ái là người Thừa Thiên Huế cả, hiện họ là Việt Kiều tại Úc. Về thăm quê thấy nhân dân còn thiếu thốn, nhất là bệnh tật nhiều, họ đã có những hoạt động xã hội, gom tiền với nhau về quê tổ chức những cuộc từ thiện thế này. Chúng tôi đưa họ tới tận nơi chữa bệnh từ thiện họ rất phấn khởi. Anh thấy đó, họ xem thầy thuốc khám bệnh, châm cứu và hỏi chuyện bệnh nhân. Họ có ý rằng, chữa bệnh thế này rất tốt, họ sẽ tài trợ tiếp. Như vậy người nghèo sẽ tiếp tục được nhờ.
Ngày 1-10 là ngày chia tay, các bệnh nhân ra khoe mình đã khỏi bệnh đến đâu. Được chứng kiến cuộc chia tay này, tôi cảm thấy rất rõ ý nghĩa của những cuộc chữa bệnh phát thuốc từ thiện. Đó là một niềm vui giữa cuộc đời .
Nguyễn Quang Hà
 

Bài viết này có 0 bình luận

Viết một bình luận :

7710