Truyện “Ngư Tiều vấn đáp y thuật” trước đây đã có cả thảy sáu bản in. Cuối năm 2006, Nhà xuất bản Thuận Hóa in lại tập sách này do Lương y Lê Quý Ngưu phiên âm và chú thích.
Lê Quý Ngưu tâm sự: “Tôi muốn bạn đọc hiểu một cách tường tận, từ đó quý mến, trân trọng sách của Nguyễn Đình Chiểu nên tôi cho in song ngữ chữ Nôm và chữ Quốc ngữ với những chú thích hết sức kỹ càng tường tận. Tôi đã bỏ công gần 10 năm trời để hoàn thành công việc này với mục đích giúp đỡ cho các thầy thuốc Đông y có tài liệu Đông y bằng chữ Nôm của chính người Việt Nam viết”.
Nguyễn Đình Chiểu viết nhiều tác phẩm: Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Tứ thơ ngũ kinh gia huấn ca, Tam thập lục nạn, Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây… Suốt đời, ông đau nỗi tang thương nước mất nhà tan nên ngay cả trong “Ngư Tiều vấn đáp y thuật”, một cuốn sách chuyên nói về thuốc, vẫn thấy ông quặn thắt nỗi đau nhân tình:
“Đánh nhau thây bỏ đầy đồng
Máu trôi đọng vũng, non sông nhơ hình”
Chính từ nỗi thương tâm đó, Nguyễn Đình Chiểu đã nghiên cứu nghề thuốc rồi làm lương y để chữa bệnh cho dân và viết sách thuốc truyền tâm nguyện đến với mọi người.
“Ngư Tiều vấn đáp y thuật” kể chuyện Mộng Thê Triền và Bào Tử Phược không chịu sống dưới ách ngoại bang đã rời quê hương đi ở ẩn, thành Tiều và Ngư. Đời sống quá cực khổ, vợ con ốm đau.
Thương nỗi mình, cảm cảnh đồng bào, Ngư và Tiều tìm thầy học thuốc, rồi đi chữa bệnh cho cộng đồng. “Ngư Tiều vấn đáp y thuật” tập trung giới thiệu về y thuật, gồm các phần: Mạch, chế dược, vận khí, thương hàn, sản phụ, nhi khoa…
Tác giả rất khéo léo đề cập tới một căn nguyên bệnh là từ miệng ăn vào, từ lòng tham:
“Mũi thời tham vị hương vinh
Miệng thời tham béo, ngọt, thanh, rượu, trà
Vóc thời muốn bận sô, sa
Bụng thời muốn ở cửa nhà thếp son”
Các thầy thuốc Đông y xem bệnh, chữa bệnh qua mạch, qua kinh lạc, ngũ tạng, lục phủ…, đánh giá bệnh bằng sự cân bằng âm, dương, sự hài hòa ngũ hành. Những thầy thuốc giỏi khám bệnh qua sắc diện, hơi thở, chỉ cần đặt tay vào mạch là đọc bệnh cho bệnh nhân nghe, rồi từ đó tính toán chữa bệnh gì trước, bệnh gì sau.
Ngũ tạng trong cơ thể con người gồm tâm, can, tỳ, phế, thận, là những tạng khí có công năng tàng trữ và gạn lọc, chế tạo ra tinh khí. Một tạng bị bệnh ảnh hưởng ngay tới sự vận hành chung.
Trong “Ngư Tiều vấn đáp y thuật”, tác giả kể về tạng của can như sau:
“Tạng can thuộc mộc, cây vào mùa xuân
Sắc xanh con mắt là chừng
Hoa ra giáp mấy dây gân buộc ràng”
Qua những câu thơ lục bát, bạn đọc hiểu được sự nguy hiểm của căn bệnh này. “Ngư Tiều vấn đáp y thuật” có bàn tới những bài thuốc cụ thể:
“Như đau bụng thốn tử cung
Can khương, phụ tử chẳng dùng sao an?
Như đau máu chứa bàng quang
Phương nào khỏi hốt đại hoàng, đào nhân”
Nguyễn Đình Chiểu phê phán rất nghiêm khắc những người chỉ khoác áo lương y thôi”
“Học thầy nào dạy cho mày
Làm ngay không phép hại bầy sinh linh
Cả gan riêng lập phép hình
Khảo dân lấy của lung tình ăn chơi”
Với 3644 câu, “Ngư Tiều vấn đáp y thuật” cốt để dạy cách làm thuốc chữa bệnh. Nguyễn Đình Chiểu viết truyện bằng thơ để người đọc ngâm nga cho dễ nhớ. Đó là phong cách soạn sách của một thời ở miền Nam.
Có tâm huyết với dân với nước, Nguyễn Đình Chiểu đã đào sâu y thuật để cứu người.
Ông viết sách để truyền thụ cho dân gian kiến thức nghề thuốc và y đức của người thầy thuốc. “Ngư Tiều vấn đáp y thuật” mang tinh thần ấy cho nên được truyền tụng cho đến tận bây giờ và sẽ mãi còn giá trị.
NGUYỄN QUANG HÀ
Bài viết này có 0 bình luận