Đông y là nguồn phát minh nhiều vị thuốc hay, nhiều phương thuốc quý. Điều đó ai cũng công nhận nhưng chẳng biết vì sao, có một nguyên tắc thường gắn kết với một sự kiện: đó là “cái gì hiếm thì mới hay, mới quý để dùng làm thuốc”.
Huyền thoại về sừng tê giác
Chẳng hạn loài cọp thường ở rừng sâu, ít thấy, ít gặp thì cao hổ cốt là thuốc hay, thuốc quý. Ngũ linh chi (phân sóc) dùng làm thuốc thì phải là phân của loài sóc bay chứ không dùng phân của loài sóc thường chỉ biết chạy nhảy… tê giác cũng không ngoại lệ này. Ngày nay, tê giác đang trên đà tuyệt chủng nên giá trị của nó càng được nâng lên, đến nỗi mỗi kí sừng tê giác có giá bằng mấy kí vàng!

Vị thuốc tê giác là sừng của loài tây ngu (tê ngưu) như tê giác 1 sừng Ấn Độ, tê giác Java, tê giác Sumatra, hắc tê giác 2 sừng, bạch tê giác. Ngoài ra, còn có vị quảng giác hay sừng tê giác Châu Phi cũng tham gia thị trường đông dược.
Về dược tính, nếu theo truyền thuyết hoặc những lời đồn đại trong dân gian thì tê giác có thể chữa được rất nhiều bệnh khó, nan y kể cả ung thư… nhất là khi những người giàu có mắc bệnh không chữa được thì giới buôn tê giác sẽ đến để vẽ vời đủ thứ… Theo ý kiến của 1 lương y đã từng dùng nhiều sừng tê giác, nay đã trên 90 tuổi: “thời gian trước năm 1950, tê giác còn nhiều, lương y giỏi cũng còn nhiều và người giàu có cũng nhiều, nhưng cũng không thấy ai nhờ sừng tê giác mà chữa khỏi các bệnh hiểm nghèo hoặc sống lâu bằng người ngày nay, cho nên thời đó cụm từ thất thập cổ lai hy đúng hơn bây giờ”.
Trở lại với sách vở đông y truyền thống, sách “Dược tài đông y” của Lê Quý Ngưu – Trần Thị Như Đức ghi: tê giác có vị đắng, chua, mặn, tính hàn, tác dụng vào 3 kinh tâm, can, vị để thanh huyết nhiệt (làm mát máu), giải ôn độc và định kinh. Thường dùng trong các chứng sốt quá hoá điên cuồng, sốt vàng da, thổ huyết, chảy máu cam, động kinh, nói sảng, thương hàn, huyết nóng đưa lên gây thổ huyết, nhiệt độc sung đau. Liều dùng 3 – 4 gam, có thể dùng đến 12 – 14 gam/ngày. Mài trong chén đá với nước hoặc sắc hay tán bột uống.
Với những tác dụng nêu trên, các nhà trung y ở Quảng Đông đã dùng sừng trâu để thay thế sừng tê giác cho thấy cũng có tác dụng tốt.
Bản chất của sừng tê giác
Cấu trúc của sừng tê giác từng là đề tài bàn luận, tranh cãi của nhiều chuyên gia. Do chưa có tư liệu khoa học thuyết phục, nhiều người vẫn cho rằng sừng tê giác phải có cấu trúc sừng như các loài động vật bộ móng guốc với lí do sừng tê giác “cũng cứng như sừng”.
Trước đây, người ta cho rằng sừng tê giác không phải là sừng vì nó được cấu tạo từ khối da trước mõm con vật chứ không phải từ xương như sừng nai, sừng trâu. Mới đây, khảo sát của Tobin L. Hieronimus, Lawrence M. Witmer và Ryan C. Ridgely thuộc đại học Ohio, Hoa Kỳ đã chứng tỏ rằng cấu trúc của sừng tê giác có cùng nguồn gốc với tóc, móng, tức là được tạo ra từ thành phần chủ yếu là chất sừng (keratin) chứ không phải là chất cốt giao (gelatin).
Khảo sát bằng hình ảnh điện toán cắt lớp
Nhờ có được 1 cặp sừng (gồm 1 sừng mũi và 1 sừng trán của tê giác cái 34 tuổi) và 1 sừng trán của con tê giác đực 42 tuổi chết không rõ nguyên nhân, đại học Ohio đã tiến hành khảo sát cấu trúc sừng tê giác bằng điện toán cắt lớp (xem hình) thì thấy rằng sừng tê giác có cấu trúc kì lạ, khác hẳn các loài có sừng của bộ móng guốc.

Qua các hình ảnh thu nhận và khảo sát, các tác giả đã chứng minh rằng sừng tê giác là phần kéo dài ra của phần mao mạch biểu bì, trở thành cứng và có dạng như sừng nhờ vào bộ khung gồm các tế bào ống keratin hoá được tẩm canxi. Quá trình vôi hoá các tế bào ống do muối phốt phát canxi kết hợp với hắc tố (melanin) đọng lại trên khung keratin tạo ra. Tỉ lệ melanin trong sừng tê giác khảo sát, được phát hiện nhờ mức độ đậm nhạt quan sát trên phẫu thức.
Các tế bào ống được tạo ra từ mô bì tăng sinh. Mỗi ống được tạo từ một tế bào của mô này. Muối phốt phát canxi có dạng bát giác giống như hyroxyapatit.
Tóm lại, sừng tê giác là loại sừng có cấu trúc đặc biệt, nhưng thành phần hóa học tương tự như tóc người hay sừng nai, trâu, bò. Các nhà khoa học xếp chúng vào dạng cấu trúc của vuốt, mỏ chim, rùa… Các hình ảnh thu lượm được qua hình ảnh điện toán cắt lớp do các nhà nghiên cứu thuộc đại học Ohio đã chứng tỏ điều này. Với thành phần chính là keratin, melanin và canxi phốt phát, những dược tính được gán ghép cho sừng tê giác cần được nghiên cứu thêm. Việc chứng minh là sừng thật hay giả có thể phát hiện được đơn giản và nhanh chóng hơn qua ánh sáng huỳnh quang đặc trưng của tia cực tím khi chiếu vào.
DS Phạm Hữu Hiền
DS Phan Đức Bình
Bài viết này có 0 bình luận