BI KÝ Y MIẾU HUẾ

Bi ký Y MIẾU HUẾ

 

 

 

     Nơi đây là di tích Tiên y miếu Triều Nguyễn, nơi thờ phụng các vị Thánh y, danh y tiền bối của nền Y học Đông phương và Việt Nam, nằm trong quần thể di tích Cố đô.

 

- Thời Gia Long, Tiên y miếu lập ở phường Dưỡng Sinh. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), xây miếu bên tả chùa Thiên Mụ. Năm 1849- 1850, để mở rộng qui mô và định lại thể thức tế tự, vua Tự Đức ban dụ xây miếu mới ở phường Thường Dũ, là địa điểm hiện nay (Khu vực Lương y, Thuận Lộc, Huế). Năm 1903 (đời Thành Thái), xây thêm hai nhà tả hữu.

 

Tiên y miếu thuộc hạng Quốc miếu, được sắc phong: “Hoàng triều sắc tứ Đông y thượng đẳng Lương y đệ nhất tôn thần” và do triều đình quản lí. Miếu có 10 phu dịch trông coi, hương khói ngày đêm nghiêm cẩn. Định lệ mỗi năm tế lễ hai kì vào xuân, đông. Một quan Tam phẩm vâng mệnh vua phụng tế; Viện sứ, Ngự y thì chầu trực các án.

 

Từ khoảng giữa đầu bán thế kỉ 20, do biến động lịch sử, chiến tranh, thiên tai, Y miếu ngày càng xuống cấp, trở thành hoang phế, khuôn viên thu hẹp dần.

 

- Cuối thế kỉ 20, Hội Đông y Thừa Thiên Huế đã lập hồ sơ đề nghị xác minh và tôn tạo di tích. Năm 2002- 2004, miếu được khôi phục, trên diện tích ít ỏi còn lại 300m2, kinh phí do UBND tỉnh cấp. Hội viên Đông y quyên góp công của cải tạo sân bãi, trang thiết nội điện. Giờ Y miếu được khang trang, nơi thờ tự tôn nghiêm.   Việc phụng thờ bảo tồn theo nếp xưa.

 

- Tiên y miếu là một thiết chế văn hóa không chỉ góp phần làm phong phú diện mạo kinh thành Phú Xuân, mà còn là cứ liệu để tìm hiểu chính sách trị quốc của Triều Nguyễn đối với nền Y học dân tộc. Đây là ngôi nhà thờ Tổ quan trọng nhất của ngành Đông y nước ta dưới thời Nguyễn, một cơ sở để khẳng định, tôn vinh và ghi công các bậc Thánh y, danh y tiền bối hữu công đã làm rạng rỡ truyền thống y đức, y thuật cao đẹp của nghề Thầy thuốc, nơi thể hiện đạo lí và tình cảm uống nước nhớ nguồn, tri ân Sư tổ của các thế lệ lương y Việt Nam.

 

Ngày nay, nền Đông y được quan tâm kế thừa, phát triển. Việc tôn tạo Y miếu theo phương châm Nhà nước và Hội Đông y cùng làm, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo y giới và quần chúng, góp phần bảo tồn một bộ phận di sản văn hóa dân tộc. Hằng năm, tại đây, thường tổ chức kỉ niệm trọng thể các ngày lễ truyền thống của ngành Đông y.

 

Mong ước Y miếu mãi được vun bồi, linh hiển, nền Đông y ngày càng hưng phát

 

                             

                           

                                                       Huế, ngày 28 tháng 7 năm 2012

                                                        (Mồng 10 tháng 6, Nhâm thìn)

                                                     Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên Huế

 

Bài viết này có 0 bình luận

Viết một bình luận :

2425