Khí công khái yếu

   

 

KHÍ CÔNG KHÁI YẾU

 

 

 

Phép chữa bệnh bằng khí công là thông qua sự yên lặng tâm thần, điều hòa hơi thở, làm cho cơ thể được tu dưỡng và đều đặn, nhờ đó mà đạt được kết quả phòng chữa tật bệnh (đặc biệt là một số bệnh mãn tính), khôi phục lại sức khỏe, dài thêm tuổi thọ. Bởi vì, phương pháp chủ yếu của nó là trọng dụng cả hai mặt thần, tâm, tức là kết hợp giữa sự thở với tinh thần ý thức để phát huy và tăng cường sức đề kháng của nhân thể, chiến thắng sự xâm hại của tật bệnh, vì thế khí công là một phép chữa bệnh toàn diện.

 

 

    Phép chữa bệnh bằng khí công, đã có một lịch sử lâu dài, đời xưa gọi là phép dưỡng sinh, như trong sách Hoàng đế nội kinh cũng có ghi chép phép "Đạo dẫn thổ nạp", phép thổ nạp tức là nói về khí công. Về sau, trong sách Thiên kim yếu phương, sách Ngoại đài bí yếu và trong các sách thuốc đời này qua đời khác cũng đều có ghi chép chữa bằng khí công. Sau ngày giải phóng, nhờ sự giúp đỡ của Đảng và cá vị quan chức y tế ở cá địa phương để ý nghiên cứu, nên phép chữa bệnh bằng khí công được phát triển rất lớn. Trong lâm sàng chữa bệnh cũng thu được hiệu quả rất tốt. Vì thế mà ngày càng được quần chúng tín nhiệm.
 

 

 

I Nguyên lý của phép chữa bằng khí công

 

 

 

Tác dụng chủ yếu của phép chữa bằng khí công là thông qua sự điều hòa của khí và sự yên tĩnh của thần để kiện toàn nội tạng, để điều chỉnh công năng hoạt động của toàn bộ cơ thể, cũng tức là phép “Hòa thần đạo khí” đã chép trong sách Thiên kim yếu phương. Vì thế, rước khi thảo luận về nguyên lý của phép chữa bằng khí công, thì cần có một nhận thức chính xác về tác dụng của khí và thần. Khí là nguồn gốc sinh hóa của nhân thể, phàm sự sinh ra tinh, huyết, tân dịch không có gì là không nhờ ở khí; mà sự tuần hoàn của vinh huyết, sự phân bố của tân dịch v.v... chỗ nào cũng phải nhờ tác dụng của khí, cho nên khí hư không vận chuyển được, hoặc cơ quan hô hấp bị đình đốn thì thường làm cho cơ năng của nội tạng và sự vận hành của vinh huyết đều không có thể khỏe mạnh được.

 

Thần là sự biểu hiện công năng của tâm, tâm chủ về thần minh, là chủ tể sự hoạt động của tạng phủ của nhân thể, sự biến động của thần, có thể ảnh hưởng đến sự hoạt động của tạng phủ, như tâm thần bị hao tổn quá, thì âm dương trong tạng phủ, thường thấy mất thăng bằng mà sinh ra bệnh, cho nên các nhà dưỡng sinh cho việc thanh tâm yên thần là một vấn đề trọng yếu, chính như thiên Thượng cổ thiên chân luận sách Tố vấn đã nói: “Điềm đạm hư vô, thì chân khí theo đó mà bảo tồn được, tinh thần giữ gìn ở trong thì tật bệnh do đâu mà đến được”.

 

 

Do đó có thể biết, trong phép chữa bệnh bằng khí công thì việc điều hòa hơi thở và yên tĩnh tâm thần là có đủ ý nghĩa trọng yếu nhất định đối với sự tiêu trừ tật bệnh, khỏe mạnh thân thể. Hơi thở đều đặn, thì hô hấp bình hòa, có thể làm cho cơ năng trong cơ thể được điều tiết toàn bộ, khí cơ cũng theo đó mà được thư sướng thịnh vượng. Khí vượng thì huyết cũng vượng, ở trong thì ngũ tạng lục phủ, ở ngoài thì chân tay xương cốt, đều theo sự thở ra, thở vào và sự tuần hoàn thịnh vượng của khí huyết, đẩy mạnh được tác dụng chuyển hóa, do đó kiện toàn được công năng của tạng phủ.

 

Tâm thần yên tĩnh thì không những tinh thần đầy đủ, mà đã có tình trạng không bị sự vật nào bên ngoài xâm phạm đến. Thần của tâm chủ sáng suốt, có thể phát huy đầy đủ công năng, điều hòa tạng phủ của nó, do đó mà khiến cho âm dương được bình hòa, điều chỉnh được hiện tượng thiên lệch của bệnh lý. Thiên Linh lan bí điển luận sách Tố vấn nói: “Quân chủ sáng suốt, thì các khí quan ở dưới được yên, dùng cách dưỡng sinh như thế thì sống lâu..., quân chủ không sáng suốt, thì 12 khí quan nguy, đường sứ đạo bị ngăn chặn không thông, thì hình thể bị thương tổn lớn, dùng cách dưỡng sinh như thế thì có hại”.

 

Đó là nói rõ được tâm chủ thần minh, lại có công năng làm chủ tể cả lục phủ ngũ tạng, cũng nói rõ được sự hộ vệ công năng ấy có ý nghĩa trọng yếu của nó. Nói tóm lại, phép chữa bằng khí công sở dĩ phòng và chữa được tật bệnh, chủ yếu là do sự kết hợp chặt chẽ về điều khí và yên thần, vì thần có yên lặng, khí có điều hòa thì thủy mới thăng lên, hỏa mới giáng xuống, tâm, thận mới giao tiếp với nhau. Do đó mà tạo được hiệu quả là tinh thần vững mạnh, âm dương hòa hợp.

 

 

II. Các loại và các cách chữa bệnh bằng khí công

 

 

 

Phép chữa bằng khí công có rất nhiều loại. Hiện nay đem ứng dụng chỉ có 3 loại: một là Nội dưỡng công, chuyên môn dùng để chữa tật bệnh. Hai là Cường tráng công, không những có thể chữa được một số tật bệnh, mà còn có thể làm khỏe mạnh thêm cho thể chất người ta. Ba là Bảo kiện công tức là một loại của thuật “Đạo dẫn”, tác dụng của nó đã có thể chữa được bệnh, lại có thể thêm sức mạnh cho thể chất, có thể hợp dùng với hai loại nói trên, nhưng cũng có thể dùng riêng một mình nó. Nay đem phân biệt sơ lược giới thiệu như dưới đây:

 

 

A. Nội dưỡng công

  

 

Là tay chân thân thể dàn ra một tư thế nhất định, kết hợp với phép thở, phép nhẩm câu chú và phép tập trung ý thức (ý thủ) để tiến hành.

 

 

Tư thế

 

 

1. Cách nằm (hình 29): khi nằm, cần dùng cái giường bằng gỗ cứng trải nệm cho bằng phẳng, để cho tư thế chính xác, gối đầu cần đặt cho vừa, khi trời lạnh nên lấy chiếu hay mền đắp chân, nằm nghiêng (nằm nghiêng bên nào cũng được), đầu hơi thấp về phía trước, gối đầu lên gối cho bình ổn, hai mắt khẽ nhắm lại, để hơi lộ ra một tia sáng, mắt nhìn vào đầu sống mũi, tập trung ý thức vào đan điền (đan điền ở dưới rốn 1 thốn 5 phân) tai như không nghe thấy gì, miệng mím lại tự nhiên, thở bằng mũi, cánh tay phía trên duỗi ra một cách rất tự nhiên, để ngửa bàn tay lên, cách xa đầu độ 2 thốn, lưng hơi uốn ra phía trước, đùi bên trên co lại 1200, chồng lên trên đùi bên dưới, đùi bên dưới duỗi ra hơi cong cong một cách tự nhiên, úp bàn tay xuống đùi, tay phía dưới để lên cái gối, mở ra tự nhiên. Xếp đặt tư thế xong thì bắt đầu tập trung ý thức vào đan điền, rồi tiến hành phép hô hấp.

  

2. Cách ngồi (hình 30): dùng 1 chiếc ghế đẩu vuông, bằng phẳng, rộng rãi, sau khi ngồi xuống, đầu gối có lại 900, bàn chân không được bỏ thõng (nếu thấy không vừa thì dưới bàn chân có thể dùng miếng gỗ hay viên gạch mà kê lên), thân thể ngồi ngay thẳng yên ổn trên ghế, cố định tư thế cho tốt, không nên lắc lư về phía trước, phía sau và 2 bên, đầu hơi cúi về phía trước, đặt đít ngồi bằng phẳng thân mình với hai đùi trên làm thành góc 900, hai đùi mở ra, hai chân và hai vai rộng ngang nhau, người béo thì hai đùi cách nhau rộng hơn, khớp gối co lại 900, hai ống chân không nên co về phía sau hay phía trước, hai bàn chân để cho bằng nhau không nên để lủng lẳng, hai tay đặt lên trên hai trái đùi trên, bàn tay úp xuống cho nó bằng phẳng tự nhiên, nửa người trên không nên ưỡn ra phía sau, xuôi vai xuống, khép ngực lại. Khi ấy tập trung ý thức vào đan điền rồi bằt đầu thở, còn tư thế của tai mắt miệng mũi cũng như cách nằm (hình 29).

 

3. Nằm ngửa (hình 31):

  

Ngoài các vật liệu cần dùng cho cách nằm ra, lại phải dùng thêm một cái đệm mền hoặc cái kê cao đầu và nửa người bên trên thành như cái bực dốc, đầu kê cao 25 phân, dưới vai kê cao 5 phân, dùng cách nằm ngửa, đầu phải được ngay thẳng, không nên để lệch sang hai bên, tập trung ý thức vào Đan điền, rồi bắt đầu thở, hai đùi duỗi ra một cách tự nhiên và đều nhau, đầu chót hai bàn chân trỏ ngược lên, hai cánh tay duỗi thẳng ra cho tự nhiên, đặt vào phía ngoài hai đùi, còn tư thế của mặt, tai, mắt, miệng, mũi cũng y như cách nằm, hai mắt cũng để lộ một tia sáng, nhìn thẳng xuống đầu chót bàn chân (hình 31).

 

 

Phương pháp

 

 

 

1. Cách thở: môi miệng hơi mím lại, thở ra thở vào bằng mũi, miệng nhẩm câu chú. Khi hít hơi vào thì đầu lưỡi uốn lên thúc vào hàm trên, sau khi đã hít hơi vào, nửa chừng nên nín hơi lại một chút, đầu lưỡi không được động đậy gì hết, vẫn cứ để dính ở hàm trên. Khi thở hơi ra, thì đầu lưỡi buông xuống cho hơi thở ra. Cứ như thế mà làm đi làm lại cách thở. Thời gian nín thở lâu hay chóng có thể căn cứ vào tình trạng cụ thể của bệnh mà nắm cho vững.

 

 

2. Nhẩm câu chú: Khi thở bảo người bệnh miệng nhẩm câu chú, nói chung bắt đầu nhẩm câu 3 chữ, sau căn cứ vào tình trạng của người bệnh mà thêm dần lên hay không thêm, nhiều lắm cũng không được quá 9 chữ. Phương pháp cụ thể là khi nhẩm một chữ đầu thì hít hơi vào, khi nhẩm đến chữ giữa thì nín thở, số chữ ở khoảng giữa càng nhiều, thì thời gian nín thở càng lâu, nhẩm đến chữ cuối cùng thì thở hơi ra. Câu chú thường dùng là: “Ta yên tĩnh” “Ta ngồi yên tĩnh”. Câu chú nhiều nhất như: “Ta ngồi yên tĩnh thân thể khỏe mạnh” hoặc "Ta ngồi yên tĩnh thân thể mới khỏe mạnh". Nay đem cách thở về 3 chữ “Ta yên tĩnh” nói rõ sau đây: khi nói nhẩm chữ “ta” thì đầu lưỡi uốn lên, thúc sát vào hàm trên, khi nói nhẩm đến chữ “yên” thì nín thở, đầu lưỡi vẫn cứ dính vào hàm trên không động, khi nói nhẩm đến chữ “tĩnh” thì buông đầu lưỡi xuống rồi thở ra.

 

 

3. Tập trung ý thức vào đan điền: tập trung ý thức vào đan điền (Đan điền ở phía dưới rốn 1 thốn 5 phân, tức là bụng dưới) là làm cho người bệnh tập trung tư tưởng để chuyên tâm luyện công. Bắt đầu khi mới luyện công, chú ý giữ phép dắt dẫn tinh thần tập trung vào Đan điền, khi hít hơi vào cũng phải có ý thức đưa hơi xuống đan điền, trải qua trên dưới 20 ngày, người bệnh tự thấy khi mình hít hơi vào thì hơi đã thấu suốt đến đan điền, rồi sau đó có thể đem phép “tập trung ý thức vào đan điền” đổi sang “tập trung ý thức vào ngón chân cái”, lại trải qua một thời kỳ, nếu đã cảm thấy ngón chân có hiện tượng phát nóng, tư tưởng của người bệnh đã tập trung, tâm tình đã yên tĩnh, lòng nghĩ vơ vẫn đã hết thì cũng có thể bỏ phép tập trung ý đi, chưa được như thế thì không nên bỏ.

 

 

B. Cường tráng công

 

 

  Tư thế

  

1. Cách ngồi:

 

 

a) Ngồi xếp bằng đơn: (hình 32) ngồi thẳng người, xếp bằng mà ngồi, đùi bên trái gác lên đùi bên phải, hoặc đùi bên phải gác lên đùi bên trái, có thể tùy thói quen của người đó mà làm.

 

 

b) Ngồi xếp bằng kép: (hình 33) ngồi thẳng người, chân bên trái đặt lên đùi bên phải, lại lấy chân bên phải đặt lên đùi bên trái, hai lòng bàn chân ngửa lên.

 

 

c) Ngồi xếp bằng tự nhiên: hai đùi giao chéo nhau, xòe ra như chữ bát (), tùy ỳ đặt đùi cho bằng, ngồi một cách tự nhiên.

 

 

Ba phương pháp trên, ngoài những điểm đã kể ra, đều cần phải có đủ những chỗ chung nhau như: đít ngồi ngay thẳng yên ổn, hơi thòi ra phiá sau một chút, để cho đốt xương sống không co lại, ngực hơi cúi về phía trước, thành cái tư thế xuôi vai xuống, khép ngực lại, hai tay nhè nhẹ nắm chắp lại đặt lên trước bụng dưới, lấy 4 ngón tay bên này nắm nhẹ 4 ngón tay bên kia, 2 ngón tay cái giao chéo với nhau, hai tay nắm nhau, phải trái tùy ý (hoặc hai tay bỏ ra hai bên, nhè nhẹ đặt lên hai đùi, bàn tay úp xuống bằng phẳng một cách tự nhiên); đầu phải ngay thẳng, cúi về phía trước một chút, tai như không nghe gì, hai mắt hơi nhắm lại, để lộ ra một tia sáng, mắt nhìn xuống đầu sống mũi, miệng mím lại cho tự nhiên, chú ý vào đan điền, thở ra thở vào bằng mũi.

 

 

2. Cách nằm: cũng y như cách nằm của phép Nội dưỡng công. 

 

Phương pháP

  

 

1. Cách thở phổ thông: dùng mũi để thở ra hít vào tự nhiên (không nên để ý về hơi thở) làm cho hơi thở hòa hoãn, dần dần kéo dài hơi thở, cong đầu lưỡi thúc lên hàm trên, làm cho nước bọt trong mồm chảy ra càng nhiều và có thể từ từ nuốt xuống. Phép này thích dụng cho những người mới bắt đầu luyện công, tuổi già sức yếu, bệnh tình nghiêm trọng.

 

 

2. Cách thở sâu: khi thở cần im, nhỏ, sâu, dài, cốt không nghe tiếng thở là được. Thời gian thở hơi ra và hít hơi vào bằng nhau, không cần cách khoảng, khi mới luyện phải tự nhiên, không nên nóng tính, từ từ tiến hành thở. Cách này thích dùng cho những người tinh thần không tập trung, mà sức vóc đang khoẻ mạnh, người bị cao huyết áp và người đại tiện bí,v.v...

 

 

3. Cách thở ngực: khi hít hơi vào làm cho ngực nở lên, bụng dưới thu xẹp lại, khi thở hơi ra làm cho bụng dưới phình lên, ngực thu xẹp lại. Thở ra hít vào phải đạt được 5 điểm yêu cầu: yên, ổn, nhẹ, sâu, dài, và lặng, để cho tự nhiên tuyệt đối không nên miễn cưỡng, khoảng giữa thì thở ra hít vào không nên nín thở. Phép này không thường dùng, nhưng gặp người khỏe mạnh, thân thể nhanh nhẹn, thì sau khi luyện công, cũng có thể châm chước mà dùng.

 

 

C. Bảo kiện công

 

 

 

Bảo kiện công tức là thuật “Đạo dẫn” của người xưa, tức là trong khi luyện tĩnh công phối hợp với động tác nhất định, để gân cốt hoạt động khiến cho động tĩnh được ngang nhau. Về tư thế đều dùng tư thế củua cách ngồi, nay phân biệt giới thiệu như sau:

 

 

Chuẩn bị: ngồi xếp bằng trên giường, im lặng một chút y theo thứ tự các điểm kê dưới đây mà luyện công:

 

 

1. Gõ răng, bật não (hình 34): chú ý tập trung mình lại, đầu tiên dùng hai răng hàm lớn gõ lại với nhau, khiến hàm trên hàm dưới nhè nhẹ gõ lẫn nhau 24 lần, hình như trong mồm nhằn cái vật gì. Tác dụng của nó có thể làm cho vững răng, mạnh thận, phòng bệnh đau răng. Ngoài ra còn lấy hai tay úp vào tai, ngón tay đặt chỗ sau não, dùng ngón tay trỏ đè lên ngón tay giữa, và vuốt xuống bật khẽ vào sau não 24 lần, nghe tiếng vang tùng tùng, giống như đánh trống. Tác dụng của nó có thể mạnh não, chữa đau đầu, choáng đầu, ù tai, phòng tai điếc.

 

 

2. Ngoảnh qua ngoảnh lại (hình 34): chuyển động cổ gáy ngoảnh trông vai bên trái, bên phải, ngoảnh luôn 24 lần. Tác dụng của nó có thể điều bổ tỳ vị.

3. Ngoáy lưỡi, nuốt nước bọt: dùng đầu lưỡi ngoáy trên dưới, hai bên ở trong miệng và phía ngoài răng, rồi sau thúc lưỡi lên hàm trên, để cho nước bọt tràn lên màrửa cho sạch miệng, nhưng hãy đừng nuốt vội. Tiếp đó dùng nước bọt ấy súc miệng nhè nhẹ 24 lần, chia ra 3 ngụm mà nuốt, khi nuốt để ý đưa nước bọt xuống dần dần cho tới chỗ đan điền. Tác dụng của nó có thể sinh ra tân, chỉ khát, phòng ngừa miệng đắng, miệng khô, họng ráo, và có thể hòa vị nhuận trường, giúp đỡ tiêu hóa.

4. Hai tay xoa eo lưng (hình 35): trước hết đem hai tay xát với nhau cho nóng, lấy tay nóng xoa hai bên eo lưng, mỗi bên 24 lần. Tác dụng của nó có thể bổ thận, làm mạnh xương sống, phòng và chữa đau lưng, phụ nữ khi hành kinh lưng hay đau mỏi.

 

 

 

5. Hai tay giăng ra (hình 36): hai tay nắm lại, giăng ra hai bên, như cách kéo căng ra một vật gì 24 lần. Công năng của nó có thể làm cho vững mạnh tủy xương sống, tăng cường khí lực, sửa chữa xương sống cong vẹo.

 

 

6. Hai tay quay ròng rọc (hình 37): hai vai và hai cánh tay thay nhau xoay chuyển sang bên trái bên phải như quay cái ròng rọc 24 lần. Có thể thêm mạnh sự hoạt động của những cơ năng trong nội tạng.

7. Giơ tay chống trời (hình 38a): một tay giơ lên chống giơ qua đỉnh đầu, mắt ngó lên, hai tay thay đổi mà làm, trước tay trái sau tay phải, trái phải đều 12 lần. Có thể điều bổ tỳ vị, ăn uống ngon thêm.

8. Thư giãn gân cốt (hình 38b): ngồi lên giường, duỗi hai chân ra, cúi đầu, hai tay rán sức kéo lòng bàn chân 24 lần. Có thể thư giãn gân cốt, thêm mạnh sự vận hành của khí huyết khắp trong thân thể, chữa những bệnh ở lưng và ở bắp chân (hình 38).

 

 

 

 

III. Quy định và sắp xếp thời gian luyện công

 

 

 

 

1. Nội dưỡng công:

 

 

a) Cách nằm: đợt đầu, mỗi lần làm 30 phút, mỗi ngày làm 6 lần. Sau 5 ngày, đổi sang mỗi lần 1 giờ, mỗi ngày 6 lần. Lại làm 5 ngày nữa, trước sau cộng 10 ngày, sau 10 ngày, tăng thêm cách ngồi.

b) Cách ngồi: đợt đầu 15 đến 30 phút, mỗi ngày 6 lần, theo cách nằm mỗi lần 1 giờ, giảm đi 15 đến 30 phút, mỗi ngày 6 lần, cộng 10 ngày, trước sau cộng 20 ngày. Sau 20 ngày, cách ngồi thêm dần, mỗi lần đến 1 giờ, mỗi ngày 6 lần, có thể tuỳ tình hình thời gian mà làm một ít cách nằm, nhưng không choáng mất thời gian của cách ngồi. Làm như vậy đến ngày thứ 60, rồi cách ngồi mỗi lần đổi 1 giờ, mỗi ngày 4 lần, làm đến 75 ngày. Từ 75 đến 90 ngày, làm cách ngồi 3 lần, mỗi lần 1 giờ, trước bữa cơm sáng, trước bữa cơm chiều tăng thêm cách nằm ngửa nửa giờ, mồi ngày 2 lần.

 

2. Cường tráng công

 

 

Đợt đầu từ 1 đến 5 ngày, mỗi lần từ 20 đến 30 phút, mỗi ngày làm 6 lần, từ 5 đến 10 ngày, mỗi lần 40 phút, mỗi ngày 6 lần, 10 ngày trở về sau, dần dần đến 1 giờ, mỗi ngày 5 lần. Sau một tháng, mỗi lần 1 giờ, mỗi ngày làm 6 lần. Sau 70 ngày, đổi làm mỗi ngày 4 giờ, sau 90 ngày có thể đổi làm mỗi ngày 2 giờ.

Phân phối thời gian nói trên đây, là theo 90 ngày làm một đợt chữa bệnh mà chế định ra. Nếu lúc vì tình hình cụ thể của bệnh mà không thể chấp hành theo thời gian nói trên, thì có thể linh hoạt nắm vững, không nên câu nệ không thay đổi. Tóm lại, số lần luyện công, nên từ ít đến nhiều, thời gian thì nên căn cứ thể chất và tình hình khôi phục, ăn uống của người bệnh mà định (như người dùng để bảo vệ sức khỏe mỗi ngày có thể luyện 3-4 lần, mỗi lần nửa giờ).

 

IV. Chứng thích ứng và chứng cấm kỵ

 

 

 

1. Chứng thích ứng:

 

 

Những chứng tích tụ, đàm ẩm, bụng đầy trướng, tiêu hóa không tốt, ho lao phong thấp đau tê, cước khí mềm yếu, kiết lỵ kinh niên, bị thuốc độc, đại tiện không thông, đi đái nhắt.

Căn cứ, theo dõi trên lâm sàng gần đây, thì nội dưỡng công thích dụng cho những chứng can vị bất hòa, can tỳ không điều hòa, cho đến hết thảy thời kỳ khôi phục của những bệnh mãn tính. Cường tráng công thì thích dụng cho những chứng can dương làm choáng đầu (cao huyết áp, mất ngủ, tim hồi hộp, đau tê, cho đến thời kỳ cuối của phép chữa bằng nội dưỡng công).

 

2. Chứng cấm kỵ:

 

 

a) Bệnh cấp tính và bệnh truyền nhiễm cấp tính;

 

b) Người bệnh hôn mê và người bệnh về tinh thần (điên cuồng);

 

c) Bệnh ở mũi làm trở ngại sự hô hấp và bệnh ở miệng chưa thật lành;

 

d) Người bị bệnh giang mai mà chữa chưa lành.

 

 

Các việc cần chú ý trong khi chữa bệnh

 

 

 

Phép chữa bằng khí công cần phải căn cứ âm dương hư thực và bệnh tình nặng, nhẹ của thể chất mỗi người và theo sự chỉ đạo của thầy thuốc mà tiến hành. Trong khi luyện công không kể là chọn dùng phương thức nào, đều cần phải chú ý mấy điểm dưới đây:

 

 

1.Người bệnh đối với phép chữa bằng khí công, trước hết phải giữ tinh thần tin tưởng và bền bỉ không lười biếng, không nên nửa chừng bỏ dở, làm sao cho đến khi “tự yên tĩnh” và “hoàn cảnh yên tĩnh”.

 

 

2. Khi luyện khí công, cần phải thở bằng mũi: khi thở không nên lên gân, cần phải thư giãn các bắp thịt cả toàn thân.

 

 

3. Nên phải chú ý kịp thời về sự biến hóa của khí hậu, đặc biệt là khi luyện công phải tránh gió để phòng sự cảm mạo. Nếu về mùa đông hoặc đầu mùa xuân, lại cần phải giữ gìn hai đầu gối cho ấm áp vừa phải.

 

 

4. Khi chữa bệnh nếu có phát sinh ra hiện tượng gì lạ, hoặc có cảm giác đặc biệt gì, không nên nghi ngờ, sợ hãi, cứ theo phép mà luyện công liên tục.

 

 

5. Người bệnh thể lực hư yếu, thì trong thời kỳ chữa bằng khí công, nên cấm việc giao hợp, nhất là người bệnh mà khả nặng sinh dục suy yếu, trong thời kỳ khôi phục cành nên chú ý, không thì uổng công vô ích. Tất cả các người bệnh cũng đều nên kiêng việc giao hợp cho thích đáng.

 

 

6. Về phương diện ăn uống, nên ăn những đồ ăn dễ tiêu hóa mà nhiều chất dinh dưỡng, những đồ ăn chua cay kích thích thì đều không thích hợp.

 

 

7. Sau bữa ăn không nên luyện công ngay, đại khái thì chừng sau nửa tiếng đồng hồ mới nên tiến hành.

 

 

8. Nếu trong quá trình chữa bệnh có khi trong người cảm thấy phát ngứa, hoạt động giật kịch liệt, đó là hiện tượng thường thấy trong khi luyện có gì không cần phải lo, chỉ một thời gian sẽ tự nhiên tiêu mất. Trong khi làm phép chú ý đan điền, nếu hiện ra tình hình đi tả, có thể đổi làm phép chú ý ngón chân.

Bài viết này có 0 bình luận

Viết một bình luận :

7240