Phân loại Chứng hậu

     

 

PHÂN LOẠI CHỨNG HẬU

 

 

 

Chứng hậu là tập hợp các chứng trạng biểu hiện ra trong khi công năng sinh lý của cơ thể người ta mất bình thường. Các chứng trạng xuất hiện ra tuy nhiên là lẫn lộn phức tạp, biến hoa nhiều cách nhưng cũng có quy luật nhất định của nó, và lại còn có quan hệ mật thiết lẫn nhau nữa. Vì thế, có phân tích và nhận định được các chứng trạng mới có thể hiểu rõ bản chất của bệnh tật mà tìm ra phép chữa được thích đáng.

 

 

Trong quá trình thực tiễn chữa bệnh lâu dài. Đông y đã nhận thức được: sự xuất hiện đồng thời hoặc trước hoặc sau của một số chứng trạng nào đó là có quy luật nhất định của nó mà có thể tìm ra được, vì thế mới đem những chứng trạng khác nhau chia ra thành từng loại để nắm vững. Cho nên phương pháp phân loại các chứng hậu là quy luật cơ bản để chúng ta nhận thức bệnh tật trong khi lâm sàng. Chương này căn cứ vào phân loại như: lục kinh, tam tiêu, vệ khí, dinh huyết, ngũ tạng, lục phủ để trình bày. Ngoài ra như 12 kinh lạc và 8 mạch kỳ kinh, mỗi một kinh đều có biểu hiện chứng hậu riêng của nó, đem hợp lại mà xét thì cũng là thuộc về phương pháp phân loại của một hệ thống về bộ phận ấy, đã bàn rõ trong chương kinh lạc, ở đây không nói đến nữa.

 

 

A - Bệnh chứng lục kinh

 

 

1. ý nghĩa phân chứng của lục kinh

 

 

     Bệnh chứng lục kinh là một phép phân loại về bệnh ngoại cảm, bao gồm 6 loại chứng hậu là: thái dương, dương minh, thiếu dương, thái âm, thiếu âm và quyết âm. Đó là Trương Trọng Cảnh căn cứ lý luận của Nội kinh, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của mình, nắm vững được quy luật phát triển của bệnh, đem các thứ chứng trạng trong quá trình phát triển của bệnh ngoại cảm, phân tích và quy nạp có hệ thống một cách rất kỹ càng và có tính cách sáng tạo để làm căn cứ và làm phương pháp cho việc biện chứng luận trị. Phương pháp này trước tiên căn cứ vào tính chất khác nhau của bệnh, phân làm tam âm và tam dương. Nói chung khi mới phát bệnh, chính khí của người bệnh chưa bị suy yếu mà chứng trạng phản ánh ra với hiện tượng dữ dội, thì gọi là dương chứng. Tam dương bệnh: thái minh, dương minh, thiếu dương tức là 3 loại thuộc dương chứng Tam âm bệnh: thái âm, quyết âm, thiếu âm tức là 3 loại thuộc âm phần nhiều thuộc về nhiệt chứng và thực chứng.

 

Nếu trong quá trình bị bệnh mà chính khí của người bệnh có chiều suy yếu, má chứng trạng phản ánh ra với hiện tượng yếu đuối thì gọi là âm chứng, phần nhiều thuộc về hàn chứng, hư chứng. Nói chung bệnh ngoại cảm thì tà khí, lần lượt từ biểu tiến sâu vào lý, mà kinh thái dương là chủ về phần biểu của người ta, tà khí đã từ ngoài lẫn vào thì tất nhiên trước hết phải hiện ra chứng trạng của thái dương, cho nên bệnh thái dương cũng có thể đại biểu cho hiện tượng mới bị ngoại cảm. Nếu bệnh ở kinh thái dương không khỏi, tà khí thịnh mà truyền vào trong thì có thể xuất hiện ra chứng trạng của dương minh hoặc tà khí truyền vào khoảng bán biểu bán lý thì hiện ra chứng trạng của thiếu dương. Nếu như tà khí đã truyền khắp 3 kinh dương mà bệnh vẫn không khỏi, lúc đó chính khí đã hư, tà khí liền nhân chỗ hư, truyền vào âm kinh mà xuất hiện ra chứng trạng của 3 kinh âm. Như trên, có thể thấy rõ được ý nghĩa và giới hạn về phân chứng của 6 kinh. Do sự sáng lập ra cách phân chứng về 6 kinh mà làm cho chúng ta nắm vững được đúng đắn về quy luật phát triển của bệnh ngoại cảm và có chỗ làm căn cứ để biện chứng, bởi thế nó là phương pháp rất thiết thực để phân loại các chứng hậu trong khi lâm sàng.

 

 

2. Chủ chứng, chủ mạch của lục kinh

 

 

a)Bệnh thái dương

 

 

Bệnh thái dương nói chung là xuất hiện ở thời kỳ mới bị ngoại cảm, khi ấy phong hàn ngoại tà mới phạm đến ngoài da, bệnh biến của nó cũng biểu hiện nhiều ở phía ngoài cơ thể, vì thế gọi tắt là biểu chứng. Mạch chứng chủ yếu của nó là: phát nóng sợ rét, nhức đầu mạch phù. Phát nóng sợ rét bị uất lại mà tranh nhau với tà khí, nhân đó mà phát nóng; tà khí bó chặt kinh mạch thái dương cho nên nhức đầu; chính khí với tà khí chống nhau ở phía ngoài, cho nên hiện ra mạch phù. Hễ thấy hiện ra các chứng trạng trên đây thì gọi là bệnh thái dương.

 

 

Bệnh thái dương lại có phân biệt biểu hư và biểu thực. Thí dụ: như đã có đủ mạch chứng chủ yếu của bệnh thái dương nói ở trên, mà thấy sợ gió, đổ mồ hôi, mạch hoãn, thì gọi là trúng phong thuộc về chứng biểu hư; thấy sợ rét không có mồ hôi, mạch khẩn thì gọi là thương hàn thuộc về chứng biểu thực.

 

 

Ngoài ra còn có một loại ôn bệnh, khi mới bắt đầu tuy cũng có đủ chứng trạng của bệnh thái dương, nhưng so với bệnh thương hàn trúng phong thì khác hẳn. Bởi vì bệnh thương hàn trúng phong là do khí phong hàn bó lại ở ngoài biểu, mà ôn bệnh thì còn có uất nhiệt. Vì thế phần nhiều có cả những chứng trạng khát nước, mạch sác, mà chứng gai rét cũng chỉ nhẹ và ngắn, thậm chí không sợ rét nữa, đó là 3 loại chủ yếu của bệnh thái dương.

 

 

Bảng kê phân biệt sơ lược chứng hậu trúng phong,

 

 

Thương hàn, ôn bệnh của bệnh thái dương

 

 

 

Tên bệnh

Chứng trạng chủ yếu

Mạch

Lưỡi

Phân biệt

Trúng phong

Phát sốt, sợ gió, đầu nhức, gáy cứng, đổ mồ hôi.

Phù hoãn.

Trắng mỏng.

Sợ gió, có mồ hôi, mạch hoãn.

Thương hàn

Phát sốt (hoặc chưa phát sốt), sợ rét, không mồ hôi, nhức đầu, đau mình, mỏi lưng, đau khớp xương, nôn mửa hoặc suyễn.

Phù khẩn.

Trắng mỏng.

Sợ lạnh, không mồ hôi, mạch khấn.

Ôn bệnh

Phát sốt, không sợ rét, nhức đầu, khát nước.

Phù sác.

Chất lưỡi hồng, rêu trắng mỏng, hoặc vàng nhợt.

Không sợ rét, khát nước, mạch sác.

 

 

b) Bệnh dương minh

 

 

Bệnh thái dương không chữa kịp thời, thì nhiệt tà càng mạnh thêm, tất nhiên phát triển sâu vào phần lý, mà thành ra bệnh của dương minh. Bởi vì nhiệt tà ở phần lý căng thịnh quá, nên gọi tắt là chứng lý thực nhiệt.

 

 

Bệnh dương minh chia ra kinh chứng và phủ chứng. Kinh chứng là chỉ nhiệt tà vô hình rải rác khắp trong ngoài, cặn bã ở trường vị chưa kết thành phân táo, xuất hiện ra trạng chứng nóng dữ dội, mồ hôi ra nhiều, không sợ rét, lại sợ nóng, khát nước, mạch hồng đại, bởi vì khi ấy tà khí đã từ biểu vào lý, biểu tà đã giải, lý nhiệt đã mạnh, cho nên không sợ rét nữa mà chỉ sợ nóng, đó là triệu chứng đặc biệt của loại bệnh nhiệt thuộc dương minh. Bởi vì khí nóng ở trong hun bốc ra ngoài, cho nên ra nhiều mồ hôi; nhiệt tà, làm khô tân dịch, cho nên khát nước mạch hồng đại cũng là hiện tượng nhiệt tà thịnh vượng quá. Phủ chứng là nhiệt tà đã truyền vào trường vị, nhiệt độc kết lại ở phần lý, trong ruột đã có phân táo ngăn trở, cho nên ngoài chứng phát nhiệt ra, lại còn có chứng cứ đến buổi chiều thì phát cơn nóng (triều nhiệt), đại tiện bí, đau bụng, đầy bụng, phiền táo, nói sảng v.v..., nặng lắm thì tinh thần mê mẩn như thấy ma quỷ, mạch trầm thực mà hữu lực.

 

 

Bảng kê phân biệt sơ lược kinh chứng

 

 

Phủ chứng của bệnh dương minh

 

Dương minh bệnh

Chứng trạng chủ yếu

Mạch

Lưỡi

Phân biệt

Kinh chứng

Phát sốt cao độ, không rợ rét, lại sợ nóng, khát uống nước nhiều, ra mồ hôi, buồn bực.

Hồng đại phù hoạt

Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng

Không có chứng trạng: đau bụng, đại tiện bí và phân táo kết ở trong.

Phủ chứng

Nóng từng cơn, có mồ hôi, khát nuớc, bứt rứt khó chịu, nói sảng, bụng đầy cứng rắn, thở hổn hển, suyễn, đau quanh rốn, đại tiện bí, nặng lắm thì tinh thần mê như thấy ma quỷ.

Trầm thực mà hữu lực.

Vàng ráo nhờn dày hoặc đen xạm, khô ráo.

Có các chứng trạng: đại tiện bí, bụng đau, đầy trướng, phân táo kết ở trong.

 

 

c) Bệnh thiếu dương

 

 

Là chỉ vào quá trình bệnh nhiệt hiện ra những chứng trạng đắng miệng, khô cổ, hoa mắt, nóng rét qua lại, ngực sườn đầy tức khó chịu, buồn bực hay nôn lợm, lim lịm không muốn ăn, mạch huyền v.v..., gọi là chứng bán biểu, bán lý.

 

 

Bệnh thiếu dương đã không thuộc về biến chứng của thái dương, lại không thuộc về lý chứng của dương minh, mà là phát ở khoảng bán biểu bán lý, cho nên gọi là chứng bán biểu bán lý (nửa trong nửa ngoài). Miệng đắng, buồn bực, nôn mửa, không muốn ăn, là đởm kinh có nhiệt, vị khí không hòa. Cổ khô là nhiệt mà tân dịch thiếu, nhưng không nặng bằng chứng miệng khát thích uống nước lạnh, nóng nhiều, * tân dịch khô kiệt của kinh dương minh. Mắt hoa vì hỏa ở đởm xông lên khi nóng khi rét.

 

 

Ngoài ra còn vì chính khí và tà khí đấu tranh với nhau ở giữa phần biểu và phần lý. Bộ phận hông sườn là chỗ qua lại của mạch thiếu dương, vì tà uất đọng ở kinh Thiếu dương, cho nên hông sườn đầy tức khó chịu. Căn cứ vào một loại chứng trạng ấy có thể nhận rõ là bệnh tà đã không còn ở phần biểu, nhưng cũng chưa thành lý chứng của dương minh, cho nên nói bệnh này là nhiệt chứng thuộc bán biểu bán lý.

 

 

Bởi vì bệnh thiếu dương chính là giai đoạn ở vào khoảng giữa biểu chứng và lý chứng, vì thế thường có xuất hiện các chứng hậu kiêm biểu chứng hoặc kiêm lý chứng như “phát nóng hơi sợ rét, các khớp xương đau, buồn nôn mửa nhẹ, nhói dưới bụng”, đó là bệnh thiếu dương mà có kiêm cả biểu tà của bệnh thái dương còn lại; “hông sườn đau mà nôn lợm, buổi chiều lại có cơn nóng hoặc đại tiện không thông”, đó là bệnh thiếu dương mà còn kiêm cả chứng hậu về lý thực của bệnh dương minh.

 

 

d) Bệnh thái âm

 

 

Đặc điểm của bệnh ở 3 kinh âm là chủ về chứng hư, nói chung ít có chứng trạng sốt rét. Hiện chứng chủ yếu của bệnh thái âm là “bụng đầy mà mửa, ăn không được, ỉa chảy, có lúc đau bụng, không khát, mạch hoãn và nhược”, đó là một loại chứng hư hàn của tỳ vị. Tỳ dương không mạnh, không thể vận hóa được, thủy thấp thì hiện ra chứng ỉa chảy, nôn mửa, miệng không khát. Khí kết lại không hóa được, thời bụng đầy và đau, bệnh thái âm và bệnh dương minh đều là bệnh tỳ vị ở trung tiêu, cho nên đều có những chứng trạng về trường vị như bụng đầy, nhưng có tính chất trái nhau, một hư, một thực, một âm, một dương. Bệnh dương minh là táo nhiệt, thực chứng, bệnh thái âm là thấp hàn, hư chứng, vì thế miệng không khát, mình không nóng, ỉa chảy, mạch nhược là đặc điểm của bệnh thái âm, khác hẳn với chứng hậu: miệng rất khát, mình rất nóng, đại tiện bí, mạch trầm thực, hữu lực của bệnh dương minh.

 

 

đ) Bệnh thiếu âm

Nói chung chứng trạng chủ yếu là “mạch vi tế, chỉ muốn ngủ, sợ rét, tay chân quyết lạnh, ỉa ra nguyên chất đồ ăn”, đó là chứng hư hàn toàn thân hiện ra, vì dương khí của tâm thận kém, cho nên một loạt chứng hậu như sợ rét, tay chân quyết lạnh, ỉa ra nguyên chất đồ ăn, mạch vi tế, đều là kết quả của dương hư âm thịnh, bệnh do hàn mà gây ra. Ngoài ra lại có chứng hậu âm hư mà sinh nóng ở trong là do nhiệt hóa ra, những chứng hiện ra phần nhiều là buồn bực, nằm không yên, hoặc ỉa chảy, họng đau, ngực đầy. Âm hư thì tâm hỏa bốc lên, tâm thần không yên, cho nên tâm phiền mà không nằm được. Chứng ỉa chảy thuộc về hư nhiệt, tất nhiên làm cho âm dịch tổn thương, hư hỏa bốc lên cho nên hiện ra những chứng họng đau, ngực đầy.

 

Bảng phân biệt sơ lược chứng hư hàn,

Hư nhiệt của bệnh thiếu âm

 

B ệnh thiếu âm

Chứng trạng chủ yếu

Mạch

Rêu lưỡi

Phân biệt

 

Chứng hư hàn

Chỉ muốn ngủ, sợ rét, nằm co, ỉa lỏng, nôn mửa, tay chân quyết lạnh.

Vi tế

Bệnh nặng thì lưỡi đen và trơn

Mạch vi tế, chỉ muốn ngủ, tay chân quyết lạnh.

Chứng hư nhiệt

Bứt rứt khó chịu, không nằm được, hoặc ỉa chảy, họng đau, ngực đầy, hoặc miệng khô, họng khô

Tế mà sác.

Chất lưỡi đỏ tươi.

Tâm phiền, nằm không yên, ỉa chảy, họng đau, ngực đầy.

 

e) Bệnh quyết âm

Kinh quyết âm là kinh cuối cùng của 3 kinh âm, cũng là chỗ cuối cùng của chính khí và tà khí đấu tranh với nhau, lúc ấy vì chính khí không vững, sự điều tiết của âm dương rối loạn, cho nên chứng trạng chủ yếu biểu hiện ra là: âm dương lẫn lộn, hàn chứng và nhiệt chứng cùng xuất hiện lẫn lộn, như những chứng miệng khát, uống nước luôn, khí xông lên ngực, trong ngực đau nhói cảm thấy nóng đói mà không muốn ăn, ăn thì nôn mửa ra giun đũa, đó là một loại chứng hậu trên nhiệt dưới hàn. Miệng khát luôn, khí xông lên, trong ngực nóng đau, là thượng tiêu bí nhiệt; đói không muốn ăn, nôn mửa ra giun đũa, đó là hiện chứng hư hàn của trung tiêu và hạ tiêu.

 

Ngoài ra, còn vì chính tà tiêu trưởng âm dương thắng phục nhau, cho nên bệnh quyết âm còn có một loại chứng hậu “quyết”(1) và “nhiệt” thay thế nhau. Nếu như quyết nhiều hơn nhiệt, hoặc quyết nghịch không khỏi, đó là bệnh tiến; nếu thấy nhiệt nhiều hơn quyết, hoặc quyết khỏi rồi nhiệt trở lại, đó là hiện tượng của chính khí đã khôi phục, cho nên chứng hậu của bệnh quyết âm, chủ yếu không ngoài hai loại là hàn nhiệt lẫn lộn và quyết nghịch thắng phục nhau.

 

 

3. Sự truyền biến của lục kinh

 

 

Sự truyền biến của 6 kinh đã bàn sơ lược và tóm tắt ở trên, còn như mấu chốt chủ yếu của sự truyền biến là quyết định ở 3 mặt: bị cảm nặng hay nhẹ, bệnh nhân mạnh hay yếu, và chữa đúng hay sai. Như khi tà khí thịnh, chính khí hư, thì sinh ra truyền biến; chính khí thịnh, tà khí suy, thì bệnh sẽ khỏi. Người thân thể mạnh, thì bệnh truyền biến phần nhiều ở 3 kinh; người thân thể yếu thì bệnh dễ truyền vào 3 kinh âm.

 

Ngoài ra, trị không đúng như phát hãn, hạ... cũng là một nhân tố làm cho bệnh tật truyền biến. Nói chung, tình hình truyền biến ngoại cảm, đại để bệnh ở 3 kinh dương, phần nhiều từ biểu truyền vào lý, bệnh ở 3 kinh âm, phần nhiều từ thực đến hư. Đồng thời, bệnh của 3 kinh âm, cũng không nhất định là từ 3 kinh dương truyền vào, có khi ngoại tà cũng có thể trúng thẳng vào 3 kinh âm. Ngoài ra, chứng hậu của 6 kinh, tuy đều có chủ chứng, chủ mạch, nhưng khi lâm sàng thường thường thấy lẫn lộn nhau mà thành hợp bệnh, tính bệnh, nay đem quy luật chung và tính chất khác nhau của sự truyền biến để trình bày đơn giản dưới đây:

 

 

Truyền kinh: truyền kinh là chỉ vào chứng hậu của một kinh nay truyền biến sang chứng hậu của 1 kinh khác, nói chung bệnh tà từ ngoại cảm, phần nhiều bắt đầu từ biểu chứng của thái dương. Nếu như bệnh thái dương không khỏi rồi theo thứ tự truyền vào trong, có thể thành ra chứng hậu bán biểu bán lý của thiếu dương, hoặc thành chứng lý của dương minh; bệnh tam dương không khỏi mà chính khí đã hư, thì tất nhiên truyền vào thành bệnh tam âm, trong bệnh tam âm thì bệnh thái âm là nhẹ hơn, nếu như gây nên dương khí trong ngoài bị sút kém, thì thường thường chuyển thành bệnh thiếu âm, thậm chí truyền đến quyết âm, đó là quy luật chung của bệnh ngoại cảm.

 

Nhưng sự phát triển của tật bệnh không phải là một mực không biến đổi, bệnh thái dương có thể truyền tắt vào dương minh, cũng có thể không qua thiếu dương, dương minh mà truyền thẳng vào tam âm. Vả lại, vì quan hệ “biểu lý” giữa 6 kinh (đây là chỉ vào quan hệ của sự ảnh hưởng lẫn nhau về bệnh biến của mỗi tạng phủ như: thái dương bàng quang và thiếu âm thận, dương minh vị và thái âm tỳ, thái dương đởm và quyết âm can, đều là quan hệ biểu lý của tạng phủ và có ý nghĩa khác nhau với sự chủ biểu chứng của bệnh thái dương, chủ lý chứng của bệnh dương minh), bệnh thái dương có thể truyền vào thiếu âm; bệnh thiếu dương có thể truyền vào quyết âm, cách truyền biến này gọi là “biểu lý tương truyền”, khi lâm sàng thường thấy luôn.

 

 

Trực trúng: phàm bệnh tà không từ dương kinh truyền vào, mới phát bệnh liền có chứng trạng của tam âm hiện ra, đó gọi là trực trúng. Ví dụ khi phát bệnh, thấy chứng trạng nôn mửa, ỉa chảy, tay chân mát, bụng đầy, miệng không khát, như thế tức là chứng hậu trực trúng của kinh thái âm. Loại bệnh này phần nhiều vì thể chất người ta yếu sẵn, dương khí không đủ, chính khí suy kém, một khi cảm phải ngoại tà, là trực tiếp hãm vào 3 kinh âm, thành ra hư chứng, hàn chứng. Chứng hậu tam âm đều có bệnh biến về “trực trúng”, trong đó thường thấy nhiều về thái âm và thiếu âm.

 

 

Lý chứng chuyển thành biểu chứng: sự truyền biến nói ở trên là thuộc về tà ở biểu vào lý. Còn một phương diện khác cũng có ở lý ra biểu, tức là điều cần nói ở đoạn này. Lý chứng chuyển thành biểu chứng là hiện tượng người bệnh chính khí dần dần trở lại. Khi lâm sàng thấy chứng tam âm chuyển thành chứng tam dương là có thể dự đoán được bệnh tình có chiều hướng tốt. Ví dụ: chứng trực trúng của bệnh thái âm nêu ở đoạn trên, bắt đầu là nôn mửa, ỉa chảy khỏi, mà trái lại đại tiện bế kết rồi thấy phát nóng, miệng khát, đó tức là bệnh thái âm do dương khí ở trường vị đã khôi phục, nhưng bệnh tà chưa hết, nhân đó mà chuyển thành bệnh dương minh. Phàm bệnh ở âm kinh phần nhiều là hư hàn, nên chính khí thắng tà khí, thì bệnh ở tam âm sẽ chuyển ra bệnh ở tam dương. Trái lại, chính khí không thắng tà khí, âm chứng không có thể chuyển ra dương kinh, thì dự đoán được là không tốt.

 

 

Hợp bệnh: hợp bệnh là 2 hoặc 3 kinh đồng thời bị cảm tà khí, ví dụ như đã có biểu chứng của thái dương, lại có lý chứng của dương minh, chứng trạng của 2 kinh đồng thời xuất hiện, đều không phải là do sự truyền biến gây nên, đó là hợp bệnh của 2 kinh dương mà thành ra. Nếu như đồng thời thấy cả chứng bán biểu bán lý của thiếu dương thì gọi là hợp bệnh của 3 kinh dương.

 

 

Tính bệnh: tính bệnh là chứng trạng của một kinh chưa khỏi, lại truyền sang 1 kinh khác, như khi chứng trạng của bệnh thái dương chưa khỏi hẳn lại hiện ra chứng trạng của bệnh dương minh, đó gọi là tính bệnh. Tính bệnh phần nhiều do truyền biến mà sinh ra, nhưng cần phải thấy tình hình về chứng trạng của một kinh trước hãy còn, mà chứng trạng một kinh sau đã đầy đủ, mới có thể gọi là tính bệnh, vì thế có chỗ khác với hợp bệnh.

 

 

Xem cách truyền biến của 6 kinh ở trên đây, không những đã thấy rõ quy luật chung trong quá trình phát triển của bệnh ngoại cảm, mà còn có thể biết được 6 kinh là một chỉnh thể có ảnh hưởng lẫn nhau, và không phải là tồn tại một cách cô lập, cũng không phải là truyền biến một cách cố định. Lại vì sự phát sinh phát triển cho đến lúc cuối cùng của một bệnh tật, trong các giai đoạn đều hiện ra chứng hậu nhất định mới hình thành rõ được quá trình diễn biến của bệnh tật trên một hình thức nhất định. Vì thế khi lâm sàng nếu muốn nhận thức đúng đắn về bệnh tình trước mắt và biết được bệnh sẽ chuyển biến ra như thế nào, thì quyết không thể tách rời sự phân tích và nhận định chứng hậu được, mà quy luật biện chứng về 6 kinh của bệnh thương hàn tức là một phương pháp cơ bản để chúng ta khi lâm sàng, tùy chứng hậu mà quy nạp và tổng kết.

 

 

B. Chứng bệnh của vệ khí, dinh huyết và tam tiêu

 

 

1.ý nghĩa của vệ, khí, dinh, huyết và tam tiêu trong việc biện chứng

 

 

Công năng sinh lý của vệ, khí, dinh, huyết đã nói rõ trong chương tạng phủ trên, ở đây chỉ bàn về bệnh chứng của vệ khí, dinh huyết và tam tiêu, là cương lĩnh biện chứng của học thuyết ôn bệnh, cũng là phương pháp phân loại các chứng hậu của bệnh ôn nhiệt. Nó hình thành trên cơ sở chia ra các chứng của 6 kinh thông qua thực tiễn lâu dài mà dần dần được đầy đủ. Bởi vì nó phản ánh đúng đắn được quy luật phát triển và đặc điểm về bệnh lý của bệnh ôn nhiệt, nên khi chữa bệnh, vận dụng phép này thì có thể nắm vững được phần cốt yếu, sát hợp với bệnh tình đối với việc chữa bệnh ngoại cảm mà nói thật là mọi sự phát triển rất lớn.

 

 

Phân loại các chứng hậu của vệ, khí, dinh, huyết có thể nêu rõ được 4 tầng nông sâu khác nhau. Nông nhất là phần vệ, rồi đến phần khí, rồi đến phần dinh, sâu nhất là phần huyết. Vì thế, ngoại tà truyền vào thân thể người ta, chứng trạng xuất hiện trước nhất là ở phần vệ, nếu như lại truyền vào trong thì chứng trạng xuất hiện phải theo thứ tự vào phần khí, phần dinh rồi đến phần huyết.

 

 

Tam tiêu cũng như thế, nó chẳng những đại biểu cho sự nặng nhẹ và bộ vị của tật bệnh, mà còn đại biểu cho quá trình phát triển toàn bộ của 1 bệnh tật. Nói chung, bệnh ngoại cảm lúc đầu phần nhiều phát ở thượng tiêu, cho nên bệnh thượng tiêu phần nhiều lại nhẹ và nông, theo thứ tự thuận rồi truyền đến trung tiêu, nếu bệnh truyền đến hạ tiêu thì phần nhiều là giai đoạn rất phức tạp và nghiêm trọng

 

 

2. Phân loại các chứng hậu của vệ, khí, dinh, huyết và tam tiêu

 

 

a) Chứng trạng của vệ, khí, dinh, huyết

 

 

Chứng trạng phần vệ: phần nhiều thấy ở khi bệnh ngoại cảm mới phát, chứng trạng chủ yếu là phát nóng, hơi sợ rét, không có mồ hôi, hoặc ít mồ hôi, đầu nhức, mình đau, mũi ngạt, tiếng nói nặng trệ, ho đờm, rêu lưỡi trắng và mỏng, mạch phù, chứng trạng xuất hiện như thế chủ yếu là vì biểu tà bó chặt lỗ chân lông lại, công năng mở đóng không thông ặãi cho nên không có mồ hôi, hoặc có mồ hôi mà không ra hết, tuy phát sốt lại thường có lúc hơi sợ rét hoặc sợ gió, đo là biểu chứng.

 

 

Chứng trạng phần khí: khí tà đã vào đến phần khí rồi, nói chung ở biểu đã hết tà nhiệt ở lý dần dần mạnh lên, cho nên phát sốt không sợ rét mà lại sợ nóng, có mồ hôi, thở mạnh, khát nước, mạch hoạt sác hoặc hồng đại, rêu lưỡi từ trắng chuyển sang vàng. Nếu như nhiệt tà truyền vào phía trên lồng ngực thì có cả những chứng trong ngực buồn bực, nôn nao lợm mửa. Nếu tà truyền vào trường vị thì có những hiện tượng: bụng đầy mà đau, đại tiện bí kết, hoặc ỉa chảy, nóng ở hậu môn, nói mê, sốt cơn, tiểu tiện khó đi, sắc vàng hoặc đỏ, mạch sác thực, rêu lưỡi phần nhiều vàng, dày, khô ráo, đều gọi là lý chứng.

 

 

Chứng trạng phần dinh: chủ yếu là bứt rứt, không yên, đêm không ngủ được, nôn nao buồn bực, chất lưỡi đỏ thắm, môi khô, miệng ráo, ít uống nước, giống như ngủ mà không phải là ngủ, nóng dữ dội, tinh thần mê mẩn, thường thường nói mê, tiểu tiện khó đi mà ít, nóng mà đau, nặng thì tiểu tiện đỏ như máu, sức nóng liên tục không lui, cứ đến chiều thì sốt cao hơn, hoặc phát ra ban chẩn lờ mờ trong da.

 

 

Chứng trạng phần huyết: phần huyết bị nhiệt tà nung nấu, tất nhiên sắc lưỡi đỏ sẫm, nếu lưỡi tía mà khô đen thì bệnh tình càng nặng hơn. Nhiệt tà vào phần huyết bắt buộc huyết phải đi sai đường, cho nên ngoài thì phát ban, trong thì thổ huyết chảy máu cam, đi ỉa ra máu, đại tiện dễ đi, sắc đen, tiểu tiện thông lợi, ban ngày yên tĩnh, ban đêm vật vã, nói sảng, phát cuồng, hoặc có hiện tượng giật hôn mê, quyết nghịch.

 

 

Bảng phân biệt sơ lược chứng hậu của vệ, khí, dinh, huyết

 

 

Từng thứ

Chứng trạng chủ yếu

Lưỡi

Mạch

Vệ

Phát sốt, hơi sợ rét, ho, hơi khát nước

Mỏng trắng

Phù

 

Khí

Không sợ rét mà sợ nóng, khát nước, tiểu tiện vàng, ra mồ hôi, hoặc nôn nao buồn mửa hoặc bụng đầy mà đau, đại tiện bế kết, hoặc ỉa chảy, nóng hậu môn, nói mê, sốt cơn.

Từ trắng chuyển sang vàng

Hồng đại hoạt sác

Dinh

Tinh thần mê man bứt rứt, đêm ngủ không yên, nói mê

Chất lưỡi đỏ sẫm

Sác

 

Huyết

Hôn mê nói sảng, phát cuồng co giật, ngoài phát ban, trong thổ huyết, đỏ máu cam, ỉa ra máu

Đỏ sẫm

Tế sác hoặc huyền sác

 

b) Chứng trạng của tam tiêu

Thượng tiêu: chủ yếu là bao gồm cả kinh thủ Thái âm phế, và kinh phủ Quyết âm tâm bào lạc. Chứng trạng của kinh phủ Thái âm phế là đau đầu, hơi sợ gió, sợ rét, mình nóng, tự ra mồ hôi, khát nước, hoặc không khát mà ho, mạch không hoãn, không khẩn mà động sác. Nếu là khí nghịch truyền lên kinh thủ Quyết âm tâm bào lạc, thì biểu lộ ngay ra các hiện tượng: sắc lưỡi đỏ sẫm, bứt rứt khát nước, nặng hơn thì tinh thần hôn mê, nói sảng, đêm ngủ không yên, lưỡi rụt, tay chân quyết lạnh.

Trung tiêu: Chủ yếu là bao gồm cả hai kinh: túc Dương minh vị và túc Thái âm tỳ. Kinh dương minh chủ về táo khí, kinh Thái âm chủ về thấp khí, nếu thấy phát sốt, không sợ rét lại sợ nóng, cứ đến buổi chiều thì nặng hơn, có mồ hôi, mạch dại, mặt mắt đều đỏ, hơi thở lớn mạnh, đại tiện bí tiểu tiện gắt, miệng ráo khát, rêu lưỡi vàng sậm, thậm chí đen và như có gai, tức là chứng trạng của kinh túc Dương minh vị ở trung tiêu; nếu thấy mình nóng vừa, quá trưa nặng hơn, mơ mơ màng màng, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch hoãn, đầu sưng, mình nặng nề, ngực buồn tức, không biết đói, nôn nao muốn mửa, tiểu tiện không lợi, đại tiện không khoan khoái, hoặc đi ỉa chảy tức là chứng trạng của kinh túc Thái âm tỳ, thuộc trung tiêu.

Hạ tiêu: chủ yếu là bao gồm cả hai kinh, túc Thiếu âm thận và túc Quyết âm can. Bệnh đến giai đoạn này là lúc tân dịch bị hao kiệt. Bệnh ở kinh túc thiếu âm thận thì biểu hiện ra những chứng ban ngày tương đối yên, ban đêm trằn trọc bứt rứt, miệng khô ráo, mà không muốn uống nhiều. Cổ họng đau, đi ỉa chảy, hoặc họng đau có mụn, không nói được, tâm phiền, đi tiểu ít mà đỏ, bệnh ở kinh túc Quyết âm can thì biểu hiện ra những chứng khi nóng khi lạnh, trong ngực đau nóng, nôn nao buồn bực, có khi mửa khan, hoặc đau đầu chảy dãi, trong lóng đói cồn cào mà không ăn được, có lúc lìm lịm, trên thì miệng khô nứt nẻ, dưới thì ỉa chảy mà mót rặn, hoạt động phong co giật, bều dái săn lại, bụng đau, tai điếc v.v....

 

Bảng phân biệt sơ lược chứng hậu

Của thượng, trung, hạ tam tiêu

 

Bộ vị

Kinh thuộc

Chứng trạng chủ yếu

Thượng tiêu

Thủ thái âm phế

Phát sốt, sợ rét, tự ra mồ hôi, đầu đau mà ho

 

Thủ quyết âm tâm bào

Lưỡi đỏ sẫm, bứt rứt không ngủ, mơ màng hoặc lưỡi rụt, tay chân lạnh

Trung tiêu

Túc dương minh vị

Phát nóng, không sợ rét, lại sợ nóng, ra mồ hôi, khát nước, mạch đại

 

Túc thai âm tỳ

Mình nóng, không khát, mình đau, nặng nề, ngực tức, nôn ọe, rêu lưỡi nhờn, mạch hoãn

Hạ tiêu

Túc quyết âm can

Càng nóng chân tay càng lạnh, trong lòng thột sợ, tay chân run động, thậm chí thành co giật

 

Túc thiếu âm thận

Mình nóng, mặt đỏ, lòng bàn tay, bàn chân nóng, trằn trọc không ngủ, môi nứt lưỡi khô

 

3. Sự truyền biến bệnh chứng vệ, khí, dinh, huyết và tam tiêu

 

 

Nói chung ôn bệnh mới cảm thấy phần nhiều bắt đầu từ phần vệ, rồi theo thứ tự truyền vào phần khí, phần dinh, phần huyết. Nhưng 4 loại ấy trong khi lâm sàng thường thấy xuất hiện lẫn lộn rất khó phân biệt rành rõ, có khi bệnh đã vào phần khí mà tà ở phần vệ vẫn chưa hết, có khi sức nóng lan man, không những nóng ở phần khí, mà cả đến phần huyết cũng bị nóng dữ, gây thành khí huyết đều bị nóng đốt. Hơn nữa sau khi bệnh đã vào phần huyết, đại đa số vẫn kèm có chứng trạng phần dinh. Nếu là ôn bệnh phục tà thì không nhất định phát từ phần vệ, có khi mới đã bị phát hiện ngay ra chứng trạng phần dinh. Nếu là bệnh mới cảm lôi kéo phục tà càng phát ra, thì lại kiêm cả chứng trạng của phần vệ nữa.

 

 

Tuy rằng quá trình truyền biến của tam tiêu là từ trên xuống dưới, nhưng đó chỉ là nói chung, chứ không phải cố định như thế. Có một số ôn bệnh thường bắt đầu từ kinh thủ Thái âm ở thượng tiêu, truyền vào kinh Dương minh ở trung tiêu, đó là truyền thuận, có bệnh lại không truyền xuống Dương minh mà lại truyền vào tâm bào, đó tức là truyền nghịch. Có bệnh sau khi truyền vào kinh Dương minh, dùng phương pháp thanh nhiệt hoặc công hạ mà khỏi Có bệnh lại thường từ thượng tiêu truyền tắt xuống hạ tiêu hoặc từ trung tiêu truyền sang can, thận. Cũng có bệnh mới phát đã hiện ra chứng nặng của kinh túc Thái âm ở trung tiêu, như ôn bệnh khi mới phát, thường dễ xuất hiện những chứng trạng sợ rét, mình nặng nề, lưỡi trắng, không khát, tức ngực, không đói, quá trưa phát nóng, tiểu tiện đục, đại tiện sột sệt mà không khoan khoái, đó là hiện tượng thấp khí xâm phạm vào kinh Thái âm tỳ thổ. Cũng có khi mới phát bệnh, đã hiện ngay chứng trạng quyết âm (như chứng thử quyết, thử phong, lúc mới bị đã thấy ngay các chứng trạng hôn mê, kinh quyết, tay chân co giật, uốn ván) giống chứng trực trúng của bệnh thương hàn. Ngoài ra, cũng có hợp bệnh, tính bệnh của lưỡng tiêu nữa, đó lại giống như hợp bệnh và tính bệnh của 6 kinh về bệnh thương hàn.

 

 

Lục kinh, vệ, dinh, huyết và tam tiêu, đều là phương pháp quy nạp các loại chứng hậu, đem các loại ấy vận dụng vào tất cả các bệnh ngoại cảm, lại kết hợp với bát cương là: âm dương, biểu lý, hàn nhiệt, hư thực để phân tích* thì có thể xét định được thuộc tính và chỗ đau của chứng bệnh hiện ra. Ba phương pháp quy loại đều có điểm giống nhau. Thí dụ: khi tà ở kinh thái dương, là gần với kinh thủ thái âm ở thượng tiêu và phần vệ; khi tà đã truyền sang dương minh, thì cũng gần với kinh Dương minh ở trung tiêu và phần khí. Ngoài ra giữa các loại ấy lại còn có một thứ quan hệ là giao lẫn với nhau. Thí dụ: bệnh dương minh có chứng trạng của phần khí ở trung tiêu, cũng có thể xuất hiện ra chứng trạng của phần dinh. Bệnh dương minh phát ban, tức là loại hình hỗn hợp cả phần khí mà lại có cả phần huyết. Bởi thế, phương pháp chia loại của tam tiêu và vệ, khí, dinh, huyết thật là có thể bổ sung vào chỗ thiếu sót của lục kinh. Trong khi lâm sàng ứng dụng, thì 3 loại ấy không thể dùng riêng một thứ này mà bỏ thứ kia được. Chỉ có hiểu rõ được tinh thần cơ bản và đặc điểm của phép phân loại, cùng với mạch chứng chủ yếu của mỗi loại, thì khi lâm sàng nói có thể tùy tiện để ứng dụng và nắm vững được bệnh tình.

C- Bệnh chứng ngũ tạng lục phủ

Sự phân chứng ngũ tạng lục phủ là phương pháp phân loại dựa trên cơ sở bệnh lý biến hóa của tạng phủ quy nạp mà thành ra. Nói chung thì dùng nó làm cương lĩnh biện chứng của bệnh nội thương, nó cũng giống với ý nghĩa phân chứng của lục kinh, vệ, ở chỗ nào, còn phải phân tích thuộc tính của chứng hậu về hư thực, hàn nhiệt nữa, thì trong lâm sàng mới có thể nhận thức và xử lý tật bệnh được rành rẽ tất cả mọi mặt và sát đúng với bệnh tình. Đồng thời ngũ tạng, lục phủ là một chỉnh thể có liên hệ với nhau rất mật thiết, giữa ngũ tạng với nhau sẵn có quan hệ sinh khắc, chế hóa; giữa tạng với phủ lại là quan hệ biểu lý với nhau (đã nói rõ trong hai chứng âm dương ngũ hành và tạng tượng). Do kết quả ảnh hưởng lẫn nhau đó mà thường thường làm cho bệnh tật biến hóa phức tạp, cũng vì thế mà trong khi biện chứng, không những cần phải chia loại và chia tính chất của chứng hậu, mà còn cần phải nắm vững quy luật diễn biến của nó nữa. Sự trình bày ở đoạn này chỉ là đại cương của sự phân loại các chứng hậu, để làm phép tắc chung cho sự nhận thức bệnh tật và thuộc tính của tạng phủ trong thực tiễn lâm sàng.

 

 

1. Chứng hậu bệnh tâm

 

 

Tâm là chủ tể của nội tạng, lại là then chốt của huyết dịch tuần hoàn khắp trong cơ thể, như nói: “Tâm tàng thần”, “tâm chủ huyết” đều là nói rõ sự trọng yếu về công năng của tâm. Bởi thế phàm những bệnh có liên quan đến thần chí và huyết dịch, như các chứng tâm rung động, kinh sợ, tinh thần hôn mê, nói sảng, thổ huyết, chảy máu mũi, máu miệng v.v... phần nhiều có quan hệ với tâm, cho nên tâm bị bệnh cũng thường thấy biểu hiện ra các chứng lưỡi đỏ, lưỡi sưng, tự đổ mồ hôi, mồ hôi trộm. Tâm bào lạc là ngoại vệ(1) của tâm, tuy nó thuộc riêng về một tạng khác, nhưng kỳ thực trong tật bệnh thì không thể tách rời khỏi tâm được, vì có thuyết nói: “Tâm không bị tà xâm phạm”, cho nên trên cơ bản chứng hậu của tâm, đều là chứng hậu của tâm bào lạc. Lại vì tiểu trường là phủ của tâm, nếu tâm có nhiệt, cũng thấy xuất hiện chứng trạng của tiểu trường. Ngoài ra bệnh phát sinh ở những chỗ đi lại của kinh mạch thủ Thiếu âm cũng thuộc phạm vi của bệnh tâm. Về phần này đã bàn rõ trong chương kinh lạc, ở đây không bàn kỹ nữa. (Các tạng phủ khác cũng như thế).

 

 

a) Tâm nhiệt

 

 

Chứng hậu về tâm nhiệt thì mặt đỏ lưỡi khô, đầu lưỡi đỏ, mạch sác, khát muốn uống nước, hai mắt đau nhức, đỏ sưng, sợ ánh áng, dưới lưỡi sưng và cứng, hoặc thổ huyết, chảy máu miệng máu mũi, hoặc ngực nóng bức không ngủ được, hoặc nói sảng như cuồng, cười luôn luôn, hoặc lồng ngực nóng buồn, đau nhức như kim châm, nếu nóng ở tâm chuyền xuống tiểu trường, thì sẽ xuất hiện ra các chứng tiểu tiện vàng đỏ và tiểu tiện ra huyết.

 

 

b)Tâm hư

 

 

Người bị bệnh tâm hư, mạch thường tế nhược, lưỡi thường đỏ nhợt, trí nhớ kém, sợ sệt không yên, lại thường thường vì sợ sệt mà ảnh hưởng đến giấc ngủ, thường thấy mộng đảo điên, không những khi lao động mới cảm thấy trong tâm rung động hồi hộp, mà hễ hoạt động một chút cũng đã thấy tim đập mạnh mà thở hổn hển, trong lòng cồn cào như đói, sự cảm giác rất khó mô tả; hoặc dưới tâm bỗng nhiên đau dữ dội, dưới sườn đau ran sau lưng, sắc mặt khô nhợt, cuống lưỡi cứng, thường lo sầu, người nào tâm hư nhược quá, dễ sinh ra chứng nguy hiểm như tự nhiên ngã lăn ra mà hôn mê, ngoài ra như những chứng tự đổ mồ hôi, ra mồ hôi trộm chẳng qua chỉ là phân biệt dương hư hay âm hư thôi, mà chứng di tinh lại thường thường có quan hệ với thận tạng nữa. Nguyên nhân ấy tức là tâm thận bất túc.

 

 

 

Bảng tóm tắt chứng hậu của tâm bệnh

 

 

Tính chất

Thần chí

Ngủ

Chứng trạng toàn thân

Mạch

Lưỡi

Chứng khác

Nhiệt

Cười luôn, nói nhảm như cuồng

Bứt rứt ảnh hưởng đến giấc ngủ

Mặt đỏ, khát muốn uống nước, tiểu tiện vàng đỏ hoặc thổ huyết, chảy máu mủi, trong ngực đau như kim châm

Sác

Đầu lưỡi đỏ

Lưỡi sưng mọng hay cứng

Tim đập nhanh, hồi hộp, hay lo sầu, hay quên

Nằm ngủ không yên, thường hay sợ hãi hay thấy mộng

Di tinh, trong lòng cồn cào như đói hoặc bỗng nhiên đau dữ dội, hoặc đau dưới sườn ran ra lưng, đổ mồ hôi trộm (âm hư), tự đổ mồ hôi (dương hư)

Tế nhược

Chất lưỡi đỏ nhợt

 

 

 

2. Chứng hậu bệnh tiểu trường

 

 

Công năng chủ yếu của tiểu trường là nhận lấy đồ ăn uống ở dạ dày đưa xuống để làm việc tiêu hóa và đem cặn bã chuyển xuống đại trường cho nên gọi nó là “ chức vụ chứa đựng, vật chất biến hóa do đó mà ra”. Bởi vì, nó có khả năng gạn lọc ra chất trong đục, làm cho chất nước ngấm vào bàng quang, cặn bã đưa xuống đại trường, cho nên tiểu trường có bệnh sẽ làm cho đại tiểu tiện mất sự bình thường. Như tiểu trường không gạn lọc được chất đục thì thủy dịch không thể thấm thấu ra ngoài, thức ăn trong ruột không phân biệt được, liền gây ra hiện tượng tiểu tiện không thông, đi ỉa chảy. Tiểu trường quan hệ biểu lý với tâm, vì thế chứng hậu của tiểu trường biểu hiện ra thì có quan hệ nhất định với tâm.

 

 

a)Tiểu trường hư hàn

 

 

Mạch tế nhược, bộ xích bên trái lại tế nhược hơn, rêu lưỡi mỏng trắng, tiểu tiện trong mà nhiều, hoặc đi luôn mà lại không thông, bụng dưới đau trệ xuống, hoặc có chứng trạng sôi bụng ỉa chảy, hoặc phân đi ra máu mủ lẫn lộn.

 

 

b)Tiểu trường thực nhiệt

 

 

Chứng hậu về tiểu trường thực nhiệt thì mạch hoạt sác, bộ xích bên trái lại hoạt sắc hơn, rêu lưỡi vàn dày, hoặc hai bên và đầu lưỡi đều đỏ, tâm phiền, lưỡi lở hoặc bụng rốn đầy trướng đánh dắm được mới thấy đễ chịu, chứng đau về khí ở tiểu trường nặng thì đau ran ra lưng và xương sống, kéo rút hòn dái, hoặc tiểu tiện đỏ sẻn, ngọc hành đau buốt, hoặc có nóng rét. Nếu nhiệt khí đọng kết nhiều ở tiểu trường thì có thể làm thành bệnh trường ung (lên mụn trong ruột).

 

 

Bảng tóm tắt về chứng hậu của bệnh tiểu trường

 

 

Tính chất

Vùng lưng bụng

Đại tiểu tiện

Mạch

Lưỡi

Chứng khác

Hư hàn

Bụng dưới đau trằn xuống, ưa xoa bóp

Tiểu tiện trong dài hoặc đi đái gắt không thông, ỉa ra phân trắng đỏ lẫn lộn

Tế nhược

Mỏng trắng

 

Thực nhiệt

Tiểu trường khí thống đau lan ra lưng, xương sống, hòn dái, bụng đầy trướng đánh dầm được mới dễ chịu

Tiểu tiện đỏ sẻn, trong ngọc hành đau

Hoạt sác

Rêu lưỡi vàng trơn 2 bên và đầu lưỡi đỏ

Tiểu trường ung

 

 

3. Chứng hậu bệnh phế

 

 

Công năng của phế là hô hấp, chủ về khí của toàn thân, nếu công năng của phế mất bình thường thì biểu hiện chủ yếu là bệnh hô hấp và bệnh khí, như các chứng trạng ho, ho suyễn. Phế lại khai khiếu ở mũi, mà họng thở lại là đường thông giữa phế và mũi, vì thế nếu phế có bệnh thì phần nhiều thể hiện ra ở bộ phận mũi và họng. Về mặt quan hệ của tạng phủ, nếu mộc hỏa mạnh quá cũng có thể thấy hiện tượng hao tổn phế âm, gọi là “mộc, hỏa hình kim”(1). Đồng thời, bệnh biến của tỳ vị và thận, cũng ảnh hưởng đến phế, vì tỳ vị thuộc thổ, thổ là mẹ của kim, nếu tỳ vị hư yếu, mất công năng vận hóa, có thể làm cho phế khí cũng hư yếu, đó là thổ không sinh được kim, thuộc loại bệnh “mẹ yếu thì ảnh hưởng đến con”. Lại như thận không nạp được khí, cũng thấy ảnh hưởng đến công năng bình thường của phế mà sinh ra bệnh, như chứng trạng khí suyễn, vì thận thuộc thủy, thủy là con của kim, cho nên gọi loại bệnh này là loại bệnh “con cướp mất khí của mẹ”.

 

 

a) Phế hàn

 

Nếu phế bị lạnh làm cho phế mất công năng khí hóa, gây nên nước uống vào không hóa được mà thể hiện ra các chứng trạng: ho suyễn, ra đờm loãng trắng, miệng không khát, lưỡi trắng trơn, mạch phù hoặc huyền hoạt, hoặc ngực sườn tức lói, nghịch lên, không thể nằm ngửa được, hoặc phù thủng trên mặt, mắt và khắp mình.

 

 

b) Phế nhiệt

 

Nhiệt với hàn vẫn là đối lập, nhưng hàn là uất lại, lâu ngày cũng có thể hóa hỏa mà sau khi hoá thành hỏa tức là tượng trưng của nhiệt. Bởi thế, nguyên nhân của bệnh phế nhiệt, trừ các nhân tố nội tại, như tích nhiệt ở tỳ vị và uất hỏa ở can đởm ra, còn có một nhân tố khác là do hàn tà chuyển hóa mà gây nên. Ngoài ra, cũng có khi cảm phải táo khí, táo nhiệt làm hại phế mà gây nên. Chứng trạng cụ thể của chứng phế nhiệt là phát nóng, mặt đỏ, hai gò má đỏ trước, rất khát, uống nước nhiều, họng đỏ và đau, đại tiện táo kết, tiểu tiện đỏ sẻn, mạch hoạt, sác, rêu lưỡi khô vàng, đầu mũi hơi đỏ, chảy máu mũi, ho thổ ra đờm đặc, trong đờm có lẫn huyết, hoặc khi ho thì đau ran ra ngực và lưng v.v... cũng có khi yết hầu bế tắc sưng đau, hoặc trong họng có mụn trắng.

 

 

c) Phế hư

 

Có hai thứ là: phế khí hư và phế âm hư. Chứng trạng chủ yếu của chứng phế khí hư là hơi thở khẽ, tiếng nói thấp yếu, thường tự đổ mồ hôi, cổ khô ráo, mắt trắng nhợt, da khô nhăn, lông tóc thường hay rụng, đi đái nhắt, mình mẩy lạnh, rất dễ bị cảm, hoặc ho lâu, khí đoản, khí suyễn, sức yếu, chất lưỡi đỏ nhợt, mạch hư tế, bộ thốn tay phải nhược hơn. Chứng trạng chủ yếu của chứng phế âm hư là nóng từng cơn, ra mồ hôi trộm, hai gò má hồng, họng khô, miệng khát, ho sặc, khó khạc đờm, hoặc họng đau tắc tiếng, ho ra máu, thân thể mỗi ngày càng gầy mòn, chất lưỡi đỏ, mạch hư, tế sác hoặc khâu sác.

 

 

d) Phế thực

 

Thực tà phong hàn làm ngăn trở phế tạng, thì phế khí bế tắc mà không lợi thường thấy suyễn thở, hơi thở to (thô), ngực đầy có ngẩng lên mới thở được, mạch hoạt mà thực. Nếu phế khí thịnh, thì ho suyễn mà khí nghịch lên, vai lưng đều đau, mồ hôi đổ ra. Nếu là thủy ẩm chứa đọng lại, thì liền xuất hiện ra các chứng trạng mửa khan, khí đoản, khi ho mửa thì đau ran cả lồng ngực và hai bên sườn. Còn như bệnh do đờm kèm, ứ nhiệt, thì thấy các chứng trạng ho và khí nghịch lên, mạch thực sác, thậm chí thổ ra đờm lẫn mủ và tanh hôi, ngực sườn đầy trướng.

 

 

Bảng kê sơ lược về chứng hậu bệnh phế

 

 

Tính chất

Chứng trạng chủ yếu

Mạch

Rêu lưỡi

Chứng khác

Hàn

Không khát, ho suyễn, đờm loãng trắng

Phù huyền hoặc hoạt

Trắng trơn

Ngực sườn cảm thấy đầy, đau, không nằm thẳng được

Nhiệt

Mình nóng, bứt rứt, khát, tiểu tiện không thông, ho ra đờm đặc, đau họng, chảy máu mũi,

Hồng sác

Rêu lưỡi vàng, đầu lưỡi đỏ

Cổ họng nghẹt, sưng đau hoặc họng có men trắng, hoặc đầu mũi hơi đỏ

Da dẻ khô ráo, tiếng nói nhỏ yếu, thở khẽ, mình mẩy sợ lạnh, tự đổ mồ hôi, hoặc nóng từng cơn, ra mồ hôi trộm, gò má đỏ

Hư tế hoặc tế sác

Lưỡi nhợt, không có rêu hoặc đỏ thắm

Tiếng nói ngọng, lông tóc dễ rụng, cổ khô ráo, mặt trắng, người gầy.

Thực

Thở suyễn, hơi thở to, ngực đầy ngẫng lên mới thở được, mửa khan, khí đoản, ngực sườn đầy đau

Hoạt thực hay phù đại

Dầy và nhờn

Ho ra đờm đặc,mùi đờm tanh hôi, vai lưng đau, đổ mồ hôi.

 

 

4. Chứng hậu bệnh đại trường

 

 

Đại trường có công năng chuyển vận chất cặn bã, cho nên gọi nó là “chức vụ truyền đạo”. Đại trường có bệnh thì chủ yếu là biểu hiện ra ở đường đại tiện, theo quan hệ của tạng phủ mà nói thì phế với đại trường là quan hệ biểu lý với nhau, nếu khí trong trẻo của phế không giáng xuống được thì thường có hiện tượng đại tiện không thông. Đồng thời, đại trường cũng có quan hệ với thận, nếu thận thủy không đủ thì tân dịch ở trong ruột thiếu kém cũng có thể gây thành chứng đại tiện bí kết. Còn như tỳ vị hư yếu, sự tiêu hóa kém cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đại trường, làm cho công năng truyền đạo mất bình thường.

 

 

a) Đại trường hàn

 

Đại trường có hàn thì chất cặn bã bài tiết ra trong loãng mà lạnh, bụng đau và sôi, tiểu tiện trong và nhiều, đại tiện sột sệt như phân vịt, tay chân lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch trầm trì.

 

 

b) Đại trường nhiệt

 

Đại trường nhiệt thì miệng khô môi dộp, đại tiện hoặc bí, hậu môn sưng đau, nếu có thấp nhiệt chứa đọng lại, thì phần nhiều đi đại tiện sột sệt hôi thối, màu như tương mạch sác, rêu lưỡi vàng khô, đái ngắn sẻn, chỗ cuối cùng của trực trường hoặc trong hay ngoài hậu môn lở loét, chảy nước, lâu ngày không khỏi làm thành chứng tạng độc hoặc trĩ lậu. Nếu phần huyết bị nhiệt, làm hại đến huyết lạc thì đại tiện ra huyết.

 

 

c) Đại trường hư

 

Đại trường khí hư thì hậu môn lồi ra, khó thu lại được; đàn bà khi rặn đẻ nhiều quá, gây nên trực tràng sa xuống, cũng có bệnh đi lỵ lâu ngày, khí hư hạ hãm mà lồi trôn trê thường thấy chân tay giá lạnh, mạch vi tế.

 

 

d) Đại trường thực

 

Thực nhiệt ở dạ dày chuyển vào đại trường, thì đại tiện không thông, bụng đau sợ nắn vào, phiền khát nói mê, rêu lưỡi khô vàng mà có nhờn, mạch trầm thực. Nếu thấp độc và nhiệt ứ kết lại ở đại trường thì bụng dưới đau, nắn vào càng đau thêm, đại tiện có máu đặc, rét nóng, tự ra mồ hôi, mạch hoạt sác (hoặc thành chứng ung nhọt ở ngoài). Nếu như thử tà và thấp tà cùng với đồ ăn uống tích trệ kết đọng ở đại trường, thành ra bệnh lỵ thì xuất hiện các chứng trạng: bụng đau xoắn, đại tiện mót rặn (lý cấp hậu trọng).

 

 

Bảng kê tóm tắt chứng hậu bệnh đại trường

 

 

Tính chất

Chứng hậu toàn thân

Vùng bụng

Đại ,tiểu tiện

Mạch

Lưỡi

Chứng khác

Hàn

Tay chân giá lạnh

Bụng đau và sôi

Đại tiện nhão, sột sệt như phân vịt, tiểu tiện trong nhiều

Trầm trì

Rêu trắng trơn

 

Nhiệt

Miệng khô môi dộp

Bụng đầy, quanh rốn đau

Đại tiện rắn kết, hậu môn sưng, đau, hoặc ỉa chảy hôi thối, tiểu tiện đỏ ít

Sác

Vàng ráo

Tạng độc hoặc trĩ lậu, ỉa ra máu

Hậu môn lồi ra, hoặc tay chân giá lạnh

Bụng mềm

Hoặc đi lỵ lâu ngày, hoạt thoát

Tế vi

Trơn mềm, ít rêu

 

Thực

Rét nóng, tự đổ mồ hôi

Bụng đau chói nắn vào, hoặc mót rặn hoặc bụng dưới đau

Đại tiện không thông hoặc đi ra máu đặc

Trầm thực hoặc hoạt sác

Khô vàng mà có nhờn

 

 

 

5. Chứng hậu bệnh tỳ

 

Chứng hậu của tỳ và vị tuy thường xuất hiện ra một lúc, nhưng vị chủ thu nạp, tỳ chủ vận hóa, vì thế chứng hậu của tỳ, vị nếu về phần vận hóa mất bình thường thì chất tinh vi của đồ ăn không thể cung dưỡng được cho toàn thân, hơn nữa có thể phát sinh bệnh khí kém, lười nói, sắc mặt trắng, không tươi sáng hoặc vàng úa. Lại vì chân tay và bắp thịt đều do tỳ làm chủ, cho nên phần nhiều lại thấy chứng trạng tay chân yếu sức, thân thể gầy mòn.

 

Tỳ là âm thổ, ưa táo mà ghét thấp, tỳ hư thì thuỷ thấp không hóa được, thấp thịnh thì tỳ thổ bị hại, vì thế bệnh tỳ thường có quan hệ liên đới với thấp tà. Về phương diện chứng trạng, thường thấy nhiều nhất là bệnh ỉa chảy, bệnh phù thũng. Còn như nói: “Tỳ thống huyết” thì lại là một công năng khác nữa, ví dụ: trong một số bệnh nào đó mà do sự mất tác dụng thống nhiếp huyết dịch của tỳ, thì có thể thấy hiện tượng ra huyết. Thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn nói: “Chí của tỳ là nghĩ, nghĩ thì hại tỳ”. Đó lại nói rõ được nguyên nhân của bệnh tỳ, không những vì sự ăn uống nhọc mệt gây nên, mà nghĩ ngợi quá độ cũng hại đến tỳ.

 

 

a) Tỳ hàn

 

Tỳ Dương bất túc, không thể vận hóa được thủy thấp, gây ra khí lạnh hơn lên, trong khi lâm sàng có thể thấy hiện ra những chứng đau bụng liên miên, ỉa chảy ra chất trong lạnh, ăn uống không tiêu, tay chân lạnh, mình mẩy nặng nề. Ngoài ra như da dẻ vàng sẫm, hoặc khắp mình phù thũng, tiểu tiện không thông lợi, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch trầm trì, bộ quan tay phải lại trầm trì hơn, đều thuộc về hiện tượng tỳ hàn.

 

 

b) Tỳ nhiệt

 

Tỳ vốn là thấp thổ, nếu có kiêm cả nhiệt, thì thấp với nhiệt cùng bốc lên, đầu nặng như đội vật gì, mình mẩy nặng nề, ngực buồn bực, ăn ít, lại rất dễ phát sinh các chứng trạng như: hoàng đản, tiểu tiện vàng, đỏ mà ít, hoặc nhiệt lỵ, đau bụng, khi đau khi thôi, môi đỏ, miệng ngọt, có chất nhờn dính.

 

 

c) Tỳ hư

 

Tỳ thổ hư yếu, công năng kiện vận không giữ vững được thì ăn uống kém sút, khó tiêu hóa, khí nghịch, nôn mửa, đầy bụng, sôi bụng, ỉa nhão, tay chân giá lạnh, mỏi mệt hay nằm, bụng đau ưa nắn bóp, hoặc gầy mòn, phù thũng, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng trơn, mạch hư hoãn, bộ quan tay phải càng hư hoãn hơn, lại còn kiêm cả chứng trạng sắc mặt vàng héo, môi khô, đờm nhiều.

 

 

d) Tỳ thực

 

Tỳ thực phần nhiều là bệnh thấp tà lưu trệ, tà nói trái lại với bệnh tỳ hư như thấp trệ ngăn trở thì bụng trên đầy trướng; thấp tà lưu ở bắp thịt, thì mình mẩy nhức mỏi nặng nề; thấp tà ngăn chặn đường khí thì đại tiện, tiểu tiện không thông, ngực buồn bực, khí bị bế tắc, bụng đầy trướng và đau.

 

 

Bảng kê sơ lược về chứng hậu của bệnh tỳ

 

 

Tính chất

Chứng trạng toàn thân

Vùng bụng

ăn uống

Đại tiểu tiện

Mạch

Lưỡi

Chứng khác

Hàn

Môi nhợt, tay chân lạnh, da vàng sẫm, hoặc phù thũng

Đau bụng liên miên

Ăn không tiêu

ỉa chảy chất trong lạnh

Trầm trì

Trắng mỏng mà nhờn

 

Nhiệt

Môi đỏ, da vàng

Đau bụng khi đau khi thôi

ăn ít

Tiểu tiện vàng đỏ

Sác

Mỏng vàng

Miệng ngọt đặc dính

Sắc mặt vàng héo, môi khô, gầy mòn, hoặc phù thũng, tay chân lạnh

Bụng ưa nắn bóp

ăn không tiêu

ỉa chảy

Hư hoãn

Nhợt trơn

Nhiều đờm hay nằm

Thực

Mình nặng nề, lồng ngực tức, khí nghẹt hoặc đau khắp mình.

Bụng trên đầy đau

Có khi dễ đói

Đại tiểu tiện không thông

Trầm hoạt

Khô vàng

 

 

 

6. Chứng hậu bệnh vị

 

Vị là cái bể chứa đồ ăn, phàm ăn uống không điều độ, lúc no lúc đói thất thường, hoặc đồ nóng lạnh không thích đáng đều có thể ảnh hưởng đến công năng bình thường của vị mà sinh ra tật bệnh. Vị là táo thổ, bản tính ưa nhuận ghét táo, cho nên tất cả các chứng táo nhiệt như khát nước, đại tiện bí là thuộc về vị. Vị là chủ việc thu nạp, cho nên khi lâm sàng thường thấy các chứng nôn mửa là hiện chứng chủ yếu của bệnh ở vị.

 

 

a) Vị hàn

 

Khi khí dương trong vị không đủ mà khí lạnh hơn lên, thì có thể làm cho vị quản đầy trướng và đau liên miên không ngớt, nước trong và đờm dãi tràn lên luôn luôn, thậm chí có hiện tượng nôn mửa, nấc, hoặc đau đớn kịch liệt, thích chườm nóng và nắn bóp, hoặc tay chân buốt lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch bộ quan tay phải trầm trì.

 

 

b) Vị nhiệt

 

Vị hỏa quá mạnh thì tân dịch ở vị dễ bị tiêu hao, hiện ra chứng miệng khát, uống nước rất nhiều, thường có cảm giác đói bụng hoặc cồn cào, đó là chủ chứng của vị nhiệt. Còn như chứng hôi miệng, chân răng chảy máu, hoặc sưng phổng nước, sâu răng, đều do vị nhiệt gây nên. Mà chứng ăn rồi mửa ra ngay là đặc trưng của bệnh nôn mửa do vị nhiệt. Nếu nhiệt ở vị chuyển xuống đại trường, phần nhiều có hiện tượng đại tiện khó đi, thậm chí táo kết lại.

 

 

c) Vị hư

 

Vị khí hư, thì bụng đầy tức, buồn bực hoặc đau, không muốn ăn uống, hoặc có khi ợ hơi, hoặc ăn không tiêu, ỉa chảy, thậm chí đi ỉa sống phân, môi lưỡi trắng nhợt, mạch bộ quan tay phải nhuyễn nhược. Nếu tân dịch trong vị không đủ, sẽ có thể gây nên chứng nghẹn.

 

 

d) Vị thực

 

Chứng vị thực phần nhiều phát sinh ở bệnh ngoại cảm, tức là thực chứng của bệnh dương minh phủ, bởi vì trường vị thực nhiệt, cho nên biểu hiện ra chứng đau bụng sợ nắn bóp, đại tiện không thông. (Xem ở mục ngoại cảm, lục kinh chủ chứng chủ mạch). Nếu vì ăn uống không tiêu thì bụng và vị quản đầy trướng, đau nhức, mửa chua, ợ hăng, đại tiện bí kết hoặc đi lỵ không khoan khoái, rêu lưỡi vàng dày, mạch thực đại.

 

 

Bảng kê sơ lược về chứng hậu bệnh ở vị

 

 

Tính chất

Chứng trạng chủ yếu

Mạch

Lưỡi

Hàn

Dạ dày trướng đầy và đau liên miên không ngớt, mửa ra nước trong, nấc cụt, nôn mửa, tay chân buốt lạnh, hoặc đau kịch liệt, ưa chườm nóng

Bộ quan tay phải trầm trì

Trắng trơn

 

Nhiệt

Khát uống nước nhiều, dễ cảm thấy đói, cồn cào không ngớt, hoặc hôi miệng, răng nướu sưng đau hoặc chảy máu.

Hoạt sác

Lưỡi đỏ ít tân dịch

ăn uống khó tiêu, ngực bụng đầy tức, có khi ợ hơi, kém ăn, môi lưỡi trắng nhợt, hoặc đi ỉa chảy

Hữu quan nhuyễn nhược

Sắc lưỡi nhợt, ít rêu

Thực

Vị quản, bụng đều đầy đau, ợ ra mùi khẳm, thổ ra nước chua, đại tiện không thông

Thực đại

Vàng dầy

 

 

7. Chứng hậu bệnh can

 

 

Can có công năng tàng huyết, tính thích thư thái điều đạt, giận dữ uất ức là nhân tố sinh ra bệnh ở gan. Mẹ của can mộc là thận thủy, nếu thận thủy kém sút, thì rất dễ sinh ra chứng bệnh can dương quá thịnh, tức là nói “thủy không nuôi được mộc”.

 

 

Về chứng trạng của bệnh can, là một loại hiện tượng thuộc phong, (phong ở đây là nội phong khác với ngoại phong của lục dâm, như đã nói trong chương nguyên nhân bệnh). Thí dụ: các chứng hoa mắt, choáng đầu, run giật, cứng đờ, co rút, tức là bệnh chứng mà trong thiên Chí chân yếu đại luận sách Tố vấn đã nói: “Các chứng phong co giật, hoa mắt đều thuộc về can”.

 

 

Còn như các bộ vị của kinh túc Quyết âm can đi qua (như bộ sinh dục, xương sườn) cho đến những nơi có liên quan với can như móng tay, móng chân va gân mạch thì khi can bị bệnh cũng đều thấy có hiện tượng khác thường.

 

 

a) Can hàn

 

Chứng hậu can hàn khi phần nhiều xuất hiện ở hạ tiêu, hạ tiêu hàn thì gân mạch co rút, khí huyết ngừng trệ, cho nên đau ran đến cả bìu dái teo lại hoặc làm thành chứng sưng đái, hoặc bụng dưới đau đầy trướng, hoặc nôn mửa ra nước trong, mạch phần nhiều trầm huyền mà trì.

 

 

b) Can nhiệt

 

Nguyên nhân của chứng can nhiệt, phần nhiều vì “mộc vượng sinh hỏa”, trong đó có một số chứng trạng như: đau sườn, hoa mắt, váng đầu, hay giận, cho đến các chứng uốn ván, run giật, cứng đờ, co rút, thuộc loại “nhiệt cực sinh phong” giống với chứng can thực, nhưng thêm một hiện tượng nhiệt tính là can hỏa bốc lên, như các chứng mắt đỏ sưng đau, nhiều nước mắt, lưỡi đỏ, miệng khô, trong lòng buồn nóng, đêm ngủ không yên, khi nằm ngủ hay sợ hãi, mạch huyền sác. Cũng có khi can hỏa đi xuống làm cho âm khí đau, đi đái ra máu hoặc đái buốt, đái đục.

 

 

c) Can hư

 

Chứng hậu thuộc can hư, phần nhiều vì huyết dịch suy kém hoặc thận thủy không đủ, không thể nuôi được mộc mà gây nên; chứng trạng chủ yếu của nó như: ù tai, hoa mắt, váng đầu, mắt khô, quáng gà, mạch thường huyền tế và nhược. Ví dụ: can hư, huyết thiếu, không thể dinh dưỡng được cân mạch thì thành các chứng gân giật co quắp, hoặc tay chân mình mẩy tê dại không cảm giác, móng tay móng chân khô và xanh, có khi phát sinh chứng váng đầu, muốn ngủ, đó là vì âm hư dương mạnh quá, âm dương không được thăng bằng kín đáo.

 

 

d) Can thực

 

Can khí thái quá làm cho người ta dễ sinh giận dữ, khí huyết uất kết, ngực sườn đầy trướng đau nhức, hoặc đau ran xuống bụng dưới, can khí nghịch lên, có thể lấn át tỳ vị mà sinh ra các chứng trạng đau dạ dày, đau bụng nôn mửa ra nước chua, hoặc đau bụng đi tả, đó là “can mộc khắc thổ”. Cũng có khi can khí nghịch lên, phát sinh những hiện tượng khí bế tắc, ho suyễn, thậm chí thổ huyết, khái huyết, nếu giận động đến can phong có thể xuất hiện các chứng trạng tay chân cứng đờ, co rút uốn ván, chứng can thực thì mạch phần nhiều là huyền mà cứng.

 

 

Bảng kê sơ lược về chứng hậu của bệnh can

 

 

Tính chất

Chứng trạng chủ yếu

Mạch

Lưỡi

Chứng khác

Hàn

Gân co rút, dái đau rút, đái sưng, bụng dưới trướng đau, nôn mửa nước trong

Trầm huyền mã trì

Rêu lưỡi sắc xanh, trơn mà tối, hoặc nổi rêu trắng

 

Nhiệt

Mắt đỏ sưng đau, nhiều nước mắt, miệng đắng khô, trong lòng nóng buồn, đêm ngủ không yên, đau trong âm khí, lâm trọc, đái ra máu

Huyền sác

Sắc lưỡi đỏ

Nóng trong xương, ho đờm

 

ù tai, hoa mắt, mắt khô quáng gà, gân co giật, thân thể tê dại, móng tay móng chân xanh khô, đầu choáng váng muốn ngã

Huyền tế và nhược

Chất lưỡi nhuần nhợt, không có rêu

 

 

Thực

Hay giận, ngực sườn đầy, đau ran xuống bụng dưới, đau ngực, đau bụng, nôn mửa ra nước chua, khí nghẹt, ho suyễn, tay chân co rút, cứng thẳng, uốn ván, mắt hoa đầu choáng, tai điếc.

Huyền mà cứng

Sắc lưỡi tía, rêu vàng nhợt

 

 

 

8. Chứng hậu bệnh đởm

 

 

Đởm có quan hệ biểu lý với can, trong quá trình bệnh của đởm, thường thường có thể gây ra chứng trạng về một bộ phận của bệnh can mà bệnh can cũng có khi tràn lan đến đởm, cho nên hai tạng ấy, trên phương diện bệnh tật có ảnh hưởng lẫn nhau. Về mặt biện chứng trên lâm sàng, cũng thường thường giống nhau, có khi không thể tách riêng ra được.

 

 

a) Đởm hàn

 

 

Đởm có tác dụng đưa khí lên, nên khí thanh dương không được thư thái sẽ thấy hiện ra chứng trạng lồng ngực buồn tức, chóng mặt nôn mửa, đêm ngủ không được, rêu lưỡi trơn nhờn, đó là vì khí thanh dương không đưa lên, chất trọc đờm không hóa được.

 

 

b) Đởm nhiệt

 

 

Miệng đắng hay giận, nôn mửa ra nước đắng, hoặc thoạt nóng thoạt lạnh, đêm ngủ không yên, mạch huyền sác đó là chủ chứng của đởm nhiệt. Đồng thời thường hay hiện ra những chứng trạng hoa mắt, tai điếc, sườn đau (chứng can nhiệt mà miệng đắng nói ở trên thực ra là hậu quả của bệnh can nhiệt rồi ảnh hưởng đến đởm). Nếu đởm nhiệt kém thấp sẽ thấy phát ra chứng hoàng đản, thậm chí trong tâm buồn bực, ảo não, nằm ngồi không yên.

 

 

c) Đởm hư

 

 

Nguyên nhân chứng đởm hư và chứng can hư, trên cơ bản đều giống nhau, đều vì huyết kém, cho nên những chứng trạng của hai tạng phủ ấy thường hay xuất hiện một lúc như: đầu choáng, mắt hoa, hay sợ, nhìn không rõ. Nhưng đởm hư lại còn có biện chứng chủ yếu của nó là hư phiền, không ngủ, đởm yếu hay thở dài.

 

 

d) Đởm thực

 

 

Đởm thực là rất dễ phát ra giận dữ, lồng ngực đầy tức, buồn bực, hoặc dưới sườn đau sưng, thậm chí đau kịch liệt, không chuyển mình được, sắc mặt như có bụi, da không tươi nhuận, hay ngủ, đau hai bên trán và đuôi con mắt đều đau, mạch huyền thực.

 

 

Bảng kê sơ lược về chứng hậu của bệnh đởm

 

 

Tính chất

Chứng trạng chủ yếu

Mạch

Lưỡi

Kiêm chứng (có kiêm chứng với can)

Hàn

Đêm không ngủ, đầu choáng váng, nôn mửa

Trì

Rêu lưỡi trơn nhờn

Trong ngực buồn bực, bực tức

Nhiệt

Ngực buồn bực, miệng đắng thổ ra nước đắng, đêm ngủ không yên

Huyền sác

Vàng có bợn

Mắt hoa, sườn đau, tai điếc hay giận, hoàng đản, thoạt nóng thoạt lạnh

Đầu choáng váng, hư phiền, không ngủ, có khi thở dài

Huyền tế

Đỏ nhợt, ít rêu

Đầu choáng váng hay sợ, trông thấy vật lờ mờ

Thực

Hay ngủ, 2 bên đầu và 2 đuôi con mắt đều đau.

Huyền thực

Đỏ hoặc có rêu vàng

Hay giận, ngực đầy, sườn đau.

 

 

9. Chứng hậu bệnh thận

 

 

Thận là nơi chứa tinh cũng là nguồn gốc của chân âm mà trong đó chứa cả chân dương của mệnh môn nữa, những thứ ấy đều là cơ sở vật chất và cơ năng của thân thể con người, chỉ nên tàng trữ đầy đủ, không nên tiết lộ tiêu hao, vì thế bệnh của thận phần nhiều thuộc về chứng hư. Lại vì thận khai khiếu ở tai. Lưng là vành ngoài của thận, xương cũng thuộc thận, cho nên một khi thận bị bệnh, thì các bộ phận ấy cũng thường thường có chứng trạng hiện ra.

 

 

a) Thận âm hư

 

 

Trong các bệnh của thận, nếu vì âm hư thì có những chứng chủ yếu như: di tinh, ù tai, răng lung lay, lưng đau, hoặc lưng đùi ê ẩm, thậm chí còn liệt dương nữa. Có khi cũng có thể ảnh hưởng đến tạng phủ khác. Thí dụ: vì thận âm hư kém làm cho can hỏa quá mạnh, thì miệng ráo, cổ khô, đầu choáng, mắt hoa. mặt hồng hồng, tai đỏ, trong tai chảy mủ, không nghe được. Nếu ảnh hưởng đến phế sẽ thấy các chứng ho hắng, ho ra máu, nóng về đêm, đổ mồ hôi trộm, người gầy mòn, đó là vì âm hư hỏa vượng, đốt lên phế kim.

 

 

Thận thuộc thủy, tâm thuộc hỏa, thủy và hỏa cần phải giúp đỡ lẫn nhau. Nếu thận âm hư mà tâm hỏa bùng lên, thì tâm thần không yên, sinh ra chứng không ngủ. Trái lại, tâm thần không yên hoặc thần khí suy nhiều cũng rất dễ liên cập đến bệnh của thận, sinh ra chứng di tinh, ù tai, đau lưng.

 

 

b) Thận dương hư

 

 

Thận dương hư thì tinh khí không nhiếp nạp được thường có những chứng tinh lạnh, hoạt tinh, liệt dương, hoặc lưng đùi cảm thấy lạnh, hai chân yếu liệt. Thận dương kém không hóa được thủy, thì có thể làm cho thủy khí đình tụ lại, tiểu tiện không lợi, môi nhợt, miệng như thường, thậm chí sinh ra phù thũng nặng mình, đầy bụng. Ngoài ra những chứng đi tả lúc gần sáng cũng là vì thận dương hư yếu, không thể làm cho tỳ thổ ấm được, đến nỗi công năng chuyển vận thủy khí và tiêu hóa đồ ăn của tỳ bị giảm sút, lại có chứng “thận tiêu”, miệng khát uống nước nhiều, tiểu tiện cũng đi nhiều, uống một phần đi tiểu hai phần là do thận dương suy kém quá: không thể phân hóa được thủy dịch mà gây nên. Nếu thận hư không thể nạp được khí, khí nghịch nên thoát ra, phát sinh chứng trạng hai chân quyết lạnh, khí nghịch suyễn thở, thậm chí trán đổ mồ hôi, mạch trầm, mu bàn chân sưng phù thế là bệnh đã tiến lúc nguy kịch.

 

 

Bảng kê sơ lược về chứng hậu của bệnh thận

 

 

Tính chất

Chứng trạng chủ yếu

Mạch

Lưỡi

 

Âm hàn

Di tinh, đau lưng, lưng mềm yếu, tai ù, tai điếc, đầu choáng, mắt hoa, tay chân teo yếu

Hư tế mà sác

Lưỡi đỏ ít rêu

Ho đờm, ho ra huyết, đêm nóng, mồ hôi trộm

Dương hư

Tinh lạnh, hoạt tinh, liệt dương, lưng đùi lạnh, tay chân teo yếu, phù thũng, đi tả khi gần sáng, bụng đầy 2 chân lạnh, khí nghịch suyễn thở

Trầm trì

mà hư

Đen nhuần hoặc non bễu

Chứng thận tiêu mặt mắt đen xám

 

 

10. Chứng hậu bệnh bàng quang

 

Thiên Linh Lan bí điển luận sách Tố vấn nói: “Bàng quang là chức vụ châu đô tân dịch chứa ở đó, nhờ có khí hóa thì mới bài tiết ra được”. Cho nên bệnh chứng của bàng quang phần nhiều đều biểu hiện ở tiểu tiện mà bàng quang lại có quan hệ biểu lý với thận, nếu thận khí không hóa cũng có thể gây ra bệnh của bàng quang.

 

 

a) Bàng quang thực nhiệt

 

 

Thấp nhiệt lưu trệ ở bàng quang khí hóa không thông được, thì tiểu tiện ngắn, sẻn không lợi, nước tiểu vàng đỏ hoặc đục gợn, không trong. Khi đi tiểu cảm thấy nóng, rất hôi khắm, thậm chí đi ri rỉ không khoan khoái, đau buốt khó chịu, hoặc đi tiểu ra máu mủ, cũng có khi thấp nhiệt kết lại, thành hòn như đá sỏi đến nỗi đóng nút lỗ đái, tiểu tiện không thông được. Trong chươn chứng trạng bệnh của ngũ tạng lục phủ ở sách Chữ bệnh nguyên hậu luận của Sào Nguyên Phương nói: “Bàng quang bị sáp trệ, tiểu tiện không thông, bụng dưới sưng đau một bên, đó là khí bàng quang thực”, nhưng sự biến hóa của tiểu tiện cũng thường thường chịu ảnh hưởng của tạng phủ khác.

 

 

Thí dụ: thấp nhiệt ở tiểu trường thấm vào bàng quang cũng có thể gây ra chứng tiểu tiện vàng đỏ không thông lợi.

 

 

b) Bàng quang hư hàn

 

 

Nếu thận dương không đủ, thiếu tác dụng ôn hóa thủy khí, có thể gây ra chứng bàng quang hư hàn đến nỗi đi đái nhắt màu trong suốt hoặc tiểu tiện không lợi, sinh ra phù thủng, sắc mặt xanh (xem ở tiết thận dương hư để tham khảo). Người bệnh chính khí hư yếu thường thấy bàng quang mất tác dụng thu nhiếp bình thường mà gây ra chứng tiểu tiện dầm dề không giữ lại được, hoặc đi đái són, hoặc đi đái nhắt mà ít. Các bệnh ấy tuy là bệnh ở bàng quang, nhưng thực ra thì có quan hệ đến toàn bộ, bởi vì bàng quang là phủ của thận, phế lại có công năng điều hòa tiết chế khí nước cho nên các chứng thuộc hư như thế phần nhiều là hậu quả của thận khí kém hoặc với khí hư yếu.

 

 

Bảng kê sơ lược về chứng hậu của bàng quang

 

 

Tính chất

Chứng trạng chủ yếu

Tiểu tiện

Chứng khác

Hư hàn

Đi đái nhắt mà ít hoặc tiểu tiện dầm dề không giữ lại được hoặc đi đái són.

Trong suốt

Phù thũng

Thực nhiệt

Tiểu tiện ngắn sẻn, không thông hoặc tắc không thông, cảm thấy nóng hoặc đau buốt khó chịu

Đỏ, vẩn đục không trong, đi ra máu đặc hoặc đá sỏi

Bụng dưới đầy cứng đau

 

 

11. Chứng hậu bệnh tam tiêu.

 

 

Tam tiêu là ngoại phủ của nội tạng, có công năng khơi thông tân dịch, vận chuyển chất tinh vi của đồ ăn.

 

 

Mỗi bộ phận của tam tiêu đều bao gồm một số tạng khí, như thượng tiêu ở lồng ngực vành ngoài của hai tạng tâm và phế trung tiêu và hạ tiêu là chỉ vùng bụng trên và bụng dưới, trong đó có tỳ vị và can thận. Vì thế, phàm chứng hậu của thượng tiêu xuất hiện, cũng là bệnh biến của tâm và phế, mà chứng hậu của trung tiêu và hạ tiêu, trên cơ bản là bệnh biến của tỳ vị và can thận. Cho nên đem tam tiêu chia ra mà xem thì có ba bộ phận là thượng, trung, hạ (chứng trạng đều khác nhau), họp lại mà xem, thì lại là một chỉnh thể không chia cắt ra được. Chứng trạng có thể xuất hiện lẫn lộn.

 

 

Nay đem chứng trạng chủ yếu của bộ phận tam tiêu trong sách Thiên Kim Phương trình bày ở bảng trên đây, lại đem chứng trạng phát sinh ra do thủy khí ở tam tiêu không lợi của Lý Đông Viên, trình bày thêm vào và nên tham khảo bộ phận tam tiêu ở chương Tạng tượng, còn như chứng trạng tam tiêu về nhiệt bệnh đã có ở mục “Bệnh chứng của dinh vệ, khí huyết và tam tiêu” ở tiết thứ hai trong chương này.

 

 

 

Bảng kê chứng hậu của bệnh tam tiêu

 

 

 

Tên tiêu

Phân loại

Chứng trạng chủ yếu (căn cứ ở Thiên Kim phương trung tàng kinh)

Tam tiêu thủy khí Hệnh biến (Lý Đông Viên)

 

Thượng

Hư hàn

Tinh thần không vững,

thở khó, nói không ra tiếng

 

Suyễn đầy (như sương mù không tan)

Tiêu

Thực nhiệt

Tức ngực, khó chịu, đổ mồ hôi trán,

Lưỡi khô, cổ họng sưng đầy, suyễn

 

 

Trung

Hư hàn

Sôi bụng, đau bụng, ỉa chảy, bụng đầy,

ưa nắn bóp

 

Uống nước vào đọng trệ bụng đầy

tiêu

Thực nhiệt

Bụng đầy trướng, không mửa, không ỉa,

suyễn gấp

(như cái bọt không thông lợi)

 

hạ

Hư hàn

ỉa chảy không thôi, tiểu tiện trong dài

hoặc đái són, bụng đầy, mình sưng

 

Sưng đầy (như đường nước không lợi)

Tiêu

Thực nhiệt

Đại, tiểu tiện không thông, hoặc đi lỵ ra

máu đặc

 

 

Bài viết này có 0 bình luận

Viết một bình luận :

3153