CHẨN ĐOÁN HỌC
Chẩn đoán là cách dò xét và phán đoán tật bệnh. Nội dung chủ yếu là thông qua tứ chẩn: vọng, văn, vấn, thiết để xem xét kỹ càng và hiểu rõ được nhiều mặt ở người bệnh, sưu tầm các loại bệnh tình, nắm vững nguyên nhân gây bệnh, rồi sau đó vận dụng bát cương mà phân tích quy nạp để phân biệt rõ bệnh chứng thuộc tính gì, chính khí, tà khí thịnh hay suy, chỗ đau nông hay sâu, làm cho những chứng trạng phức tạp được rành mạch để theo đó mà chẩn đoán được chính xác, lựa chọn định ra cách chữa cho thích ứng với bệnh để đạt mục đích (biện chứng luận trị).
Việc dò xét phán đoán tật bệnh, cần phải lấy lý luận cơ bản của âm dương ngũ hành, tạng phủ, kinh lạc, dinh vệ, khí huyết làm chỉ đạo, đồng thời còn phải xuất phát từ quan niệm hính thể, bất cứ bệnh gì và những chứng trạng của nó sinh ra, đều không có thể xem xét một cách cô lập, cần phải liên hệ đến cả sự biến hóa của khí hậu thời tiết, ảnh hưởng của phong thổ địa phương và sự biến đổi của hoàn cảnh sinh hoạt cho đến cả thể chất mạnh hay yếu lúc bình thường, rồi tổng hợp xem xét cả toàn bộ thì mới có thể phân tích có hệ thống và phán đoán đúng đắn về tật bệnh, để đạt được mục đích nắm vững bệnh tình và chữa khỏi tật bệnh.
Nguyên tắc của quan niệm chỉnh thể và biện chứng luận trị là quán triệt trong toàn bộ Trung y, xét về phương pháp chẩn đoán thì yêu cầu chung có thể tóm tắt 4 điểm dưới đây:
1. “Đo lường sự khác thường”: tức là nhận thức tình hình bình thường về sự biến hóa trái thường của tật bệnh.
2. “Phân tích so sánh”: tức là thông qua phương pháp phân tích, quy nạp, chỉnh lý kỹ càng, đem tất cả chứng trạng mà phân tích, dựa vào những hiện tượng phức tạp của nó mà tìm ra quy luật.
3. “Biến hóa ngược xuôi: tức là cân nhắc một tật bệnh cùng với tình hình thích ứng của cơ thể đối với hoàn cảnh và chiều hướng phát triển của bệnh tật để tìm ra phương pháp xử lý thích đáng.
4. “Tà chính thịnh suy”: Tức là nhận thức tiên lượng lành dữ của một tật bệnh như chính khí thắng thì có thể dẹp được tà khí, tà khí thịnh thì tất nhiên hại đến chính khí, hai xu hướng khác nhau ấy thế là mấu chốt chủ yếu để quyết định cho việc tiên lượng bệnh tật. Về tinh thần của những điểm này, đều thể hiện rõ ở chẩn đoán của tứ chẩn và bát cương trong chẩn đoán học.
A. Bát Cương
Phạm vi ứng dụng bát cương của Đông y rất rộng rãi. Nó quán triệt mọi phương diện bệnh lý, chứng hậu và trị liệu. Điểm thảo luận ở đây chủ yếu là xuất phát từ khía cạnh chẩn đoán, để làm phương pháp phân tích và quy nạp một số chứng trạng và căn cứ vào đó để làm nguyên tắc trị liệu thích đáng.
Chúng ta biết rằng, thầy thuốc trong khi tiếp xúc với bệnh nhân, đầu tiên gặp những chứng trạng của tật bệnh như: đau đầu, phát sốt, mình đau, bụng đau, mửa, ỉa v.v...
Đối với những chứng trạng biểu hiện lẫn lộn phức tạp như thế chúng ta làm thế nào mà tìm được mấu chốt của nó, nắm vững được mặt chủ yếu của nó, làm cho những chứng trạng phức tạp như thế có thể rõ ràng rành mạch được và theo đó mà thấy được chiều hướng phát triển của toàn bộ tật bệnh, để chỉ đạo cho việc trị liệu, thế thì việc vận dụng bát cương là một phương pháp rất hay.
ý nghĩa chủ yếu của bát cương: “Âm dương” là tổng cương để phân biệt các loại bệnh chứng. Bất kỳ bệnh chứng nào, hữu dư hay bất túc, thịnh suy, mạnh yếu, thuận nghịch, lành dữ, đều có thể thông qua âm dương để phân loại bệnh, khi chúng ta nắm vững được âm dương rồi thì đối với chiều hướng mọi mặt của tật bệnh là có thể có một ấn tượng khái quát. “Biểu lý” chủ yếu là nêu rõ chỗ phát bệnh như ngoài da ở kinh lạc là biểu, ở ngũ tạng lục phủ là lý. Trong việc chẩn đoán chủ yếu là dùng phép này để phân biệt bệnh chứng nông hay sâu. “Hàn nhiệt” là chỉ vào hiện tượng của bệnh tình, ví dụ như khi lâm sàng thấy bệnh tình biểu hiện chứng trạng như: sợ lạnh, mình lạnh, thích ấm và có trạng thái thiên về trầm tĩnh, thì gọi là hàn chứng.
Trái lại, bệnh tình biểu hiện ra những chứng trạng như: sợ nóng, khát nước, mình nóng và có trạng thái thiên về phiền táo, thì gọi là nhiệt chứng. “Hư thực” là chỉ vào chính khí tà khí hơn kém mà nói, hư là chỉ vào chính khí hư, thực là chỉ vào tà khí thực. Trên đây là một khái niệm cơ bản về bát cương, trong bát cương còn có rất nhiều biến hóa như trong dương có âm, trong âm có dương, từ biểu vào lý, từ lý ra biểu, hàn nhiệt lẫn lộn, hư thực đều hiện ra v.v... Đó là do nơi sự xuất hiện của chứng trạng mà không phải có thứ tự rành mạch như chúng ta tưởng tượng một cách máy móc đâu, nó phản ánh cụ thể về bệnh biến động là rất phức tạp. Phương pháp xét đoán của chúng ta cũng phải căn cứ vào quy luật phát triển khách quan, để ứng dụng linh hoạt. Mà bát cương là căn cứ vào tình hình toàn diện của chứng hậu, rồi phân tích, quy nạp, rút ra được một khái niệm về bệnh tình theo đó mà nhận thức được chiều hướng toàn bộ của bệnh; đồng thời cũng nêu ra được kết luận chẩn đoán của thầy thuốc đối với một tật bệnh nào đó. Cho nên quan hệ lẫn nhau giữa bát cương rất là mật thiết mà không thể chia cắt ra một cách máy móc được. Nay đem sự vận dụng về bát cương chia từng tiết mục nêu ra lần lượt trình bày như sau
1. Âm dương:
Về phương diện chẩn đoán, âm dương là đứng đầu bát cương; tức là Tổng cương bao quát cả biểu lý, hàn nhiệt, hư thực. Như biểu, nhiệt, thực, có thể quy vào phạm vi của dương, lý, hư, hàn, đồng thời có thể quy vào phạm vi của âm. Cho nên trong thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn nói: “Người giỏi chẩn đoán, xem sắc, chẩn mạch trước hết là phân biệt âm dương”. Đem hai cương âm dương làm then chốt chủ yếu của việc biện chứng, thiên Âm dương trong Truyền trung lục sách Cảnh nhạc toàn thư lại đặc biệt nêu ra: “Phàm xét đoán và chữa bệnh, cần phải xét về âm dương trước, đó là cương lĩnh của y đạo! Nếu âm dương không lầm lẫn, thì chữa bệnh không sai được. Y đạo tuy là phiền phức mà có thể nói bao quát là âm dương mà thôi”. Cho nên trong lâm sàng, đem những bệnh tình thiên biến vạn hóa lẫn lộn, phức tạp mà chia làm 2 loại lớn, nắm vững tính chất cơ bản của nó thì trong khi chữa bệnh mới có thể “nắm lấy phần giản đơn mà bỏ phần phiền phức”. Nay đem hai cương âm dương vận dụng cụ thể vào việc chẩn đoán nêu lên và nói rõ ở đây.
a) Dương chứng và âm chứng:
Dương chứng, âm chứng là đem những chứng hậu phức tạp và hay biến hóa mà tóm tắt làm 2 loại lớn là âm và dương.
Dương chứng: như những chứng trạng: nằm ngoảnh mặt ra ngoài, mở mắt trông ra sáng, thích thấy người, nằm ngửa, tay chân duỗi ra, mình nhẹ tâm thần rạo rực không yên, nói nhiều, thở mạnh, muốn đến chỗ mát, miệng khát muốn uống nước luôn, tiểu tiện đỏ, đại tiện táo, mạch phù hoặc sác, mình nóng, tay chân ấm.
Âm chứng: như những chứng trạng: nằm ngoảnh mặt vào vách, nhắm mắt sợ sáng, không muốn thấy người, mình lạnh tay chân co lại, tâm thần yên lặng, không nói năng gì, hơi thở nhỏ, muốn được ấm áp, không khát nước, đại tiểu tiện trong trắng, mạch trầm hoặc trì, mình lạnh, tay chân lạnh.
Lại còn lấy chứng hậu của tạng phủ khí huyết để phân loại âm dương, như bệnh ở tạng thuộc âm, bệnh ở phủ thuộc dương, bệnh ở huyết thuộc âm, bệnh ở khí thuộc dương v.v...
b) Chân âm kém và chân dương kém:
Chân âm kém và chân dương kém là 2 loại bệnh tình khác nhau, vì dương khí và âm khí hư lệch mà biểu hiện ra. Sách Thẩm thị tôn sinh nói: “Dương hư và âm hư đều thuộc thận. Dương hư là chân dương ở trong thận hư, chân dương tức là chân hỏa hư thì mạch bộ xích tay phải tất nhiên thấy nhược; âm hư là chân âm ở trong thận hư, chân âm tức là thận thủy, là thủy hư, thì mạch tất nhiên thấy tế sác”... Trong sách Y học tâm ngộ cũng có một đoạn trình bày tương đối tóm tắt như sau: “Nếu như mạch sác vô lực, hư hỏa có lúc bốc lên, miệng ráo, lưỡi khô nóng ở trong, đại tiện táo bón, khí nghịch xông lên, đó là chân âm kém. Nếu như mạch đại mà vô lực, tay chân mỏi mệt, môi nhợt, miệng như thường, da lạnh, đi ỉa nhão, ăn uống không tiêu hóa, đó là chân dương kém”.
c) Vong âm và vong dương:
Vong âm và vong dương là chứng trạng trầm trọng quá trình tật bệnh, phần nhiều xuất hiện ra những tình trạng vì nhiệt độ xông bốc lên cao, ra mồ hôi nhiều quá, hoặc bị thổ tả nhiều quá, mất huyết nhiều quá (người bệnh nặng thì suyễn nghịch lên mà nấc, cũng có thể sợ dương khí thoát hết). Mà chứng vong âm và vong dương vì mồ hôi ra nhiều quá lại càng làm cho người ta phải chú ý. Nay dẫn ra dưới đây bài luận về “Vong âm vong dương” của Từ Linh Thai để giúp cho việc tham khảo: “Phép phân biệt vong âm và vong dương như thế nào? Mồ hôi ra vì vong âm thì mình sợ nóng, tay chân ấm, da nóng, mồ hôi cũng nóng mà mặn, miệng khát, thích uống nước lạnh, thở mạnh, mạch hồng thực, đó là đúng chứng vong âm; mồ hôi ra vì vong dương thì mình lại sợ lạnh, tay chân lạnh, da mát, mồ hôi lạnh mà nhạt, hơi nhờn, miệng không khát mà thích uống nước nóng, thở yếu, mạch vi sác rỗng không, đó là đúng chứng vong dương. Còn như mồ hôi ra thường ngày vì nóng mà ra mồ hôi, vì tà khí mà ra mồ hôi, tự ra mồ hôi, thì không phân liệt vào 2 loại này”.
d) Biện về âm dương sinh tử
Dựa vào âm dương để phân biệt sinh tử, chủ yếu là trong khí bệnh tình trầm trọng, xem xét âm dương còn hay mất để phán đoán và tiên lượng lành dữ, đại phàm chứng hư hàn thì thấy sự còn hay mất của dương khí mà quyết đoán sinh tử, dương khí còn ở trong thì bệnh đó có thể chữa được, dơng khí bị tiêu mất đi thì bệnh phần nhiều không chữa được, cho nên thiên Thiến âm trong sách Thương hàn luận nói: “Bệnh thiếu âm ỉa chảy, nếu ỉa chảy tự nhiên hết, sợ rét mà nằm co, tay chân ấm thì có thể chữa được”. “Bệnh thiếu âm sợ rét nằm co mà ỉa chảy, tay chân nghịch lạnh thì không chữa được”. Mà chứng thực nhiệt thì lấy sự còn hay mất của âm khí mà quyết đoán sinh tử, âm khí chưa hết thì còn có hy vọng sống, âm khí hao hết thì bệnh cũng khó chữa được. Nhưng thiên Thái dương trong sách Thương hàn luận nói: “Bệnh thái dương trúng phong do hỏa để làm ra mồ hôi... dương thịnh thì chảy máu mũi, âm hư thì tiểu tiện khó, âm dương đều hư kiệt thì thân thể đều khô ráo, lâu ngày thì nói sảng, nặng hơn thì ọe, tay chân vật vã, lần áo, sờ giường, người náo tiểu tiện lợi thì có thể chữa được. Thiên Dương minh nói: “Bệnh thương hàn nếu sau khi dùng phép thổ và phép hạ rồi mà không khỏi... Nếu nặng quá, bệnh phát lên thì không biết gì, lần áo, sờ giường, sợ hãi mà không yên, hơi suyễn, mắt trực thị, mạch huyền thì sống, mạch sác thì chết”. Đó là một ví dụ về bệnh thương hàn.
2. Biểu lý
Hai chữ biểu lý chủ yếu là phân biệt bộ vị của bệnh. Phàm tà khí lục dâm ở ngoài xâm lấn vào, đầu tiên phạm vào lông da, kinh lạc, đó là bệnh ở biểu; đến khi bệnh tà truyền vào trong, tiến vào tạng phủ thì là bệnh ở lý. Nếu bệnh từ trong sinh ra hoặc vì thất tình, hoặc vì nhọc mệt, hoặc bị thương vì ăn uống, hoặc vì rượu chè, trai gái mà gây ra bệnh làm cho nội tạng phát bệnh trước cũng gọi là bệnh ở lý. Nếu chẩn đoán không rõ ràng thì có thể ảnh hưởng đến việc chữa bệnh. Nhất là bệnh thương hàn, bệnh ôn, nếu biểu lầm là lý, lý lầm là biểu, thì thường dễ gây thành hoại bệnh. Còn như có một số chứng trạng hiện ra đã không ở biểu lại không ở lý, mà ở giữa khoảng biểu và lý, đó tức là chứng bán biểu bán lý. Cùng trong một chứng ở biểu hoặc chứng ở lý cho đến chứng bán biểu bán lý, lại còn có sự khác nhau về hư, thực, hàn, nhiệt nữa. Vì thế, sự phân biệt biểu lý cần phải chú ý đến chiều hướng truyền biến của bệnh, và sự quan hệ của hàn, nhiệt, hư, thực nữa.
Như thế mới có thể nắm vững được toàn diện xử lý được đúng đắn. Nay trình bày đại yếu như sau:
a) Hàn, nhiệt, hư, thực của biểu lý
Biểu hàn: như những chứng đầu đau, gáy cứng, sợ lạnh, không có mồ hôi, khớp xương ê ẩm, mạch phù khẩn, rêu lưỡi mỏng trắng.
Biểu nhiệt: như những chứng phát nóng, hơi sợ gió, lạnh có mồ hôi, hoặc không có mồ hôi, miệng khát, mạch phù sác.
Biểu hư: như những chứng phát nóng, sợ gió, tự đổ mồ hôi hoặc mồ hôi tiết ra không chỉ, mạch phù hoãn.
Biểu thực: như những chứng phát nóng, sợ lạnh, không đổ mồ hôi, mạch phù khẩn.
Lý hàn: như những chứng rêu lưỡi trắng, nhuận, không khát, tay chân lạnh, lợm giọng, nôn mửa, ỉa chảy, bụng đau.
Lý nhiệt: như những chứng bốc nóng bừng bừng, không sợ lạnh, lại sợ nóng, lưỡi đỏ, rêu vàng, miệng khát muốn uống nước lạnh, bứt rứt không yên, mạch đại hoặc hồng sắc, tiểu tiện đỏ.
Lý hư: như những chứng chất lưỡi mềm bệu, rêu lưỡi trắng nhợt, hơi thở yếu, lười nói, kém ăn, tay chân lạnh, tim đập, đầu choáng, mệt mỏi, mạch trầm nhược.
Lý thực: như những chứng rêu lưỡi vàng dày, tay chân đổ mồ hôi, phát nóng, không đi đại tiện, bụng đầy chướng hoặc đau mà sợ ấn, tâm phiền, đánh dắm luôn, mạch trầm thực, nặng hơn thì nói sảng phát cuồng.
b) Biểu lý đồng bệnh
Một bệnh đã có biểu chứng, lại có lý chứng, thì gọi là đồng bệnh. Trong khi lâm sàng chẳng những cần phải biện rõ hai chứng ấy, chứng nào trước, chứng nào sau, chứng nào nhẹ, chứng nào nặng, mà còn lại phải phân biệt sự khác nhau về hàn nhiệt, hư thực của nó nữa. Biểu lý đồng bệnh, tóm tắt có mấy điểm dưới đây.
Biểu hàn lý nhiệt là hàn ở biểu chưa khỏi mà nhiệt ở lý đã phát ra như thấy mạch phù khẩn, phát nóng sợ lạnh, mình đau nhức, không đổ mồ hôi mà bứt rứt không yên. Đó là chứng hậu của bệnh hàn ở biểu, nhiệt ở lý, vả lại hàn ở biểu, nhiệt ở lý đường nào hơn, đường nào kém, cũng cần phải phân biệt rõ ràng hơn.
Biểu nhiệt lý hàn như những chứng đau đầu phát nóng, hơi sợ gió, lạnh, mạch trầm, ỉa chảy; hoặc người đó sẵn có chứng hàn ở trong mà mới cảm chứng phong nhiệt nữa hoặc bị nội, thương vì đồ ăn sống lạnh mà ngoài bị cảm phong nhiệt chẳng hạn.
Biểu hư lý thực như những người vốn dương hư, mà ở trong có hiện cả chứng thực trệ và đờm tích, hoặc ra mồ hôi, sợ gió, mà bụng đầy truớng, không đi đại tiện.
Biểu thực lý hư như những chứng mình đau nhức, mạch trầm trì, hoặc ỉa chảy mà đầy tức, hoặc bụng đầy có khi đau, đó là tà ở biểu chưa khỏi mà khí ở lý đã hư.
Biểu lý đều hàn như hàn ở biểu của kinh Thái dương chưa khỏi mà hàn ở lý lại phát ra; hoặc hàn ở lý của kinh Thiếu âm phát ra ở trong mà có kiêm cả hàn ở ngoài biểu bó lại.
Biểu lý đều nhiệt như những chứng biểu nhiệt, suyễn, đổ mồ hôi, mạch xúc, lý nhiệt, ỉa chảy.
Biểu lý đều hư như về biểu chứng kinh Thái dương dùng lầm phép hạ rồi, lại phát hãn, gây ra những chứng rét run, mạch vi tế.
Biểu lý đều thực như biểu chứng chưa khỏi, mà lý chứng đã hiện ra, như ăn không tiêu, hoặc có tích nhiệt, hoặc có thủy tích, hoặc có đờm đình trệ.
c) Bán biểu bán lý
Phàm bệnh tà đã không ở biểu, lại chưa vào lý, mà sinh ra chứng hậu của khoảng giáp giới giữa biểu và lý, gọi là chứng bán biểu bán lý, nhưng chứng trạng chủ yếu là thoạt nóng thoạt lạnh, tức ngực khó chịu, tâm phiền, hay mửa, lịm lịm không muốn ăn uống và miệng đắng cổ khô, mắt hoa, rêu lưỡi trơn, mạch huyền tế (nóng rét qua lại, ngực sườn đầy tức).
d) Chứng biểu vào lý, chứng lý ra biểu
Sự phát triển và diễn biến của bệnh chứng có khi từ biểu vào lý, cũng có khi từ lý ra biểu. Đại thể như từ biểu vào lý là nặng là nghịch, từ lý ra biểu là nhẹ là thuận, vì thế cần phải nắm vững chiều hướng phát triển của nó truyền thế nào, biến thế nào mới có thể biết được rõ ràng mà xử lý được sát đúng.
Chứng biểu vào lý: phàm bệnh chứng ở biểu mà tiểu tiện trong lợi, thì biết là chưa truyền vào lý nếu thấy lợm mửa, miệng đắng hoặc trong ngực đầy buồn không ăn là biểu tà truyền vào trong ngực, dần dần vào lý; nếu thấy phiền táo không ngủ được, miệng khô, khát nuớc, nói sảng hoặc bụng đau ỉa chảy tức là chứng trạng tà đã vào lý.
Chứng lý ra biểu: do chứng ở lý như bứt rứt không yên ho nghịch lên buồn tức ở cách mô mà phát ra nóng, đổ mồ hôi, hoặc lên đậu hoặc phát ban chẩn, đó là chứng trạng từ lý ra biểu.
Căn cứ mấy điểm trên có thể thấy được chứng ở biểu, chứng ở lý, chứng ở giữa khoảng biểu và lý lại còn có sự phân biệt về hàn, nhiệt, hư, thực nữa. Nguyên nhân chủ yếu gây ra một số chứng hậu phức tạp như thế là quyết định ở thể chất mạnh yếu của người bệnh và các loại bệnh tà cảm nhiễm phải.
Cho bên khi vận dụng bát cương trong lâm sàng, cần phải suy xét đến quan hệ lẫn nhau ở trong đó.
3. Hàn nhiệt
Hai chữ hàn nhiệt chủ yếu là biện chứng hai loại tượng trưng khác nhau của bệnh tình biểu hiện ra. Chứng hàn và chứng nhiệt đơn thuần thì phân biệt còn dễ, nhưng mà sự phản ánh của hiện tượng bệnh thường là phức tạp, ngoài chứng hàn hoặc chứng nhiệt của toàn thân ra còn có những chứng trạng thiên về phần trên, thiên về phần dưới và hàn nhiệt lẫn lộn nữa. Lại còn cần chú ý đến sự chân giả của hàn và nhiệt, như trong chân hàn mà ngoài giả nhiệt hoặc trong chân nhiệt mà ngoài giả hàn, loại bệnh tình này rất phức tạp và đều xuất hiện trong khi tật bệnh trầm trọng đến tột bậc, nay chia ra trình bày như sau:
a) Chứng hàn và chứng nhiệt
Chứng hàn: những chứng miệng không khát hoặc tuy khát mà không muốn uống nước, hoặc thích uống nóng, tay chân buốt lạnh, sắc mặt xanh nhợt, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng loãng, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch trì.
Chứng nhiệt: những chứng miệng khát mà uống nhiều nước, thích uống lạnh, nóng từng cơn, phiền táo, mặt đỏ, tiểu tiện ngắn đỏ, đại tiện táo bón, rêu lưỡi vàng nhám, mạch sác.
Nói chung, biện về hàn chứng và nhiệt chứng có thể dựa theo các mặt: miệng khát, đại tiểu tiện, tay chân và mạch để nhận thức, ví dụ như: những chứng miệng khát là có nhiệt, không khát là không nhiệt, ỉa chảy hoặc tiểu tiện trong trắng là có hàn, tiểu tiện đỏ, đi lỵ nhiệt hoặc đại tiện táo bón là có nhiệt; mạch sác hoặc hoạt là hiện tượng nhiệt, mạch trì hoặc trầm là hiện tượng hàn; tay chân vật vã là có nhiệt, tay chân quyết lạnh là có hàn.
b) Hàn nhiệt ở trên ở dưới
Hàn ở trên: phần nhiều là những chứng nghẹn, ăn uống không tiêu, đầy ọe.
Hàn ở dưới: Phần nhiều là những chứng chất thanh trọc không phân biệt được ỉa như cứt cò, đau bụng sán khí, tay chân lạnh.
Nhiệt ở trên: phần nhiều là những chứng đầu đau mắt đỏ, họng đau, răng đau.
Nhiệt ở dưới: phần nhiều là những chứng ngang lưng và chân sưng đau, đại tiện bí kết, tiểu tiện đục, vàng đỏ.
Sự biểu biện của chứng trạng hàn và nhiệt thường thường không phải là hoàn toàn nhất trí, chứng thuần hàn, thuần nhiệt, cố nhiên là có nhưng tình trạng thiên về hàn, thiên về nhiệt lại càng thường thấy luôn. Như có một số bệnh là hàn ở trên, có một số ị ở phần dưới và có bệnh trên nhiệt dưới hàn, có bệnh trên hàn dưới nhiệt, có bệnh trường hàn, vị nhiệt, có bệnh trường nhiệt, vị hàn v.v... Những bệnh tình lẫn lộn và phức tạp như vậy đều là căn cứ vào chứng trạng hàn hay nhiệt ở bộ vị của bệnh biểu hiện ra để phân biệt.
c) Phân biệt sự chân, giả của hàn, nhiệt
Thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn nói: “Hàn thịnh quá thì biến ra nhiệt, nhiệt thịnh quá thì biến ra hàn”. Lại nói: “Hàn cực thì sinh nhiệt, nhiệt cực thì sinh hàn”. Đó là chỉ vào hàn chứng phát triển đến cực điểm thì thấy hiện ra giả tượng của nhiệt, nhiệt chứng phát triển đến cực điểm cũng thấy hiện ra giả tượng của hàn. Sự xuất hiện của một số chứng trạng như thế đều đã đến giai đoạn nguy cấp, một còn, một mất, một sống, một chết. Vì thế, biện chứng nêu kỹ càng, sát, đúng để khỏi bị lầm vì giả tượng.
Chân nhiệt giả hàn: vì nhiệt ở trong càng thịnh quá, dương khí bị uất kết mà không phát ra được, cho nên lại thấy tay chân buốt lạnh, mạch trầm mà hữu lực, xét chứng bên trong của nó, tất nhiên là hơi thở to (thô) và nóng, họng khô và hôi, rêu lưỡi vàng đen hoặc như có gai, rất khát, nóng sảng, hoặc bụng đầy trướng, nắn vào thì đau, tiểu tiện đỏ mà ít, đại tiện táo kết hoặc đại tiện ra thuần nước không có phân(1). Đó cũng là nói chung về chứng dương quyết (nhiệt quyết).
Chân hàn giả nhiệt: về bệnh tình chân hàn giả nhiệt, thì sách Thông tục Thương hàn luận dựa vào chứng trạng lâm sàng mà quy nạp vào hai loại “Hàn thủy vũ thổ” và “Thận khí lăng tâm”. Nguyên văn dưới đây:
Chứng hàn thủy vũ thổ: “Đau bụng thổ tả, tay chân buốt nghịch, mồ hôi lạnh tự chảy ra, cơ thịt giãn, gân run, tiếng nói yếu, ăn ít, bụng đầy, hai chân càng lạnh, tiểu tiện trong trắng, chất lưỡi mềm bệu, rêu lưỡi đen mà trơn, màu đen chỉ thấy ở giữa lưỡi, mạch trầm vi muốn tuyệt, đó đều là chứng cớ của bệnh chân hàn ở lý; duy ở ngoài da, ấn tay nặng xuống thì không nóng, phiền táo mà khát, muốn uống nước cũng không uống nhiều, miệng ráo, họng đau, đòi nước đưa đến lại không uống, đó là âm hỏa vô căn, vì âm thịnh ở trong bức dương ra ngoài, ngoài giả nhiệt mà trong chân âm hàn, đó là chứng “cách dương”.
Chứng thận khí lăng tâm: "Hơi thở ngăn svà gấp, đầu chonág, tim chảy mạnh, chân lạnh, tiểu tiện trong, đại tiện nhão, hoặc đi chảy, khí kém, không hay nói, gắn gượng nói thì hơi trên không tiếp hơi dưới, rêu lưỡi tuy đen thẳng đến đầu lưỡi nhưng mà lưỡi mềm bệu, đó đều là chứng cớ của bệnh chân hư hàn ở lý; duy miệng và mũi có khi ra huyết, miệng ráo, răng lung lay, mặt đỏ, da tươi hơi trắng hoặc phiền táo muốn cởi truồng hoặc muốn nằm ngồi vào trongbồn nước, mạch phù sác, ấn tay xuống như không thấy gì, tuy cũng là hỏa vô căn nhưng âm kiệt ở dưới, dương vượt lên trên, ở trên thì giả nhiệt mà ở dưới thì chân hư hàn, đó là chứng"đái dương".
Chứng cách dương là âm thịnh ở trong, cách dương ra ngoài, trong chân hàn mà ngoài giả nhiệt; chứng đái dương là âm kiệt ở dưới, dương vượt lên trên, dưới chân hư hàn mà trên giả nhiệt, đó là theo trên lý luận để phân biệt. Trên thực tế, bệnh tình đến đó rất dễ sinh biến, chứng trạng của hai bệnh này thường thường thấy lẫn lộn nhau mà không thể tách rời hẳn được, đó lại là điều cần phải biết.
Tóm lại điểm trọng yếu để biện biệt hàn, nhiệt, chân, giả, đại để có thể dựa vào hai phương diện mạch và chứng trạng mà xét.
Phương diện mạch: mạch của bệnh giả nhiệt, hoặc phù hoặc sác, nhưng ấn xuống không đập mạnh ở ngón tay, ấn nặng xuống như không có gì, đó là âm thịnh cách dương, và không phải là nhiệt chứng; mạch của bệnh giả hàn, hoặc trầm hoặc trì, nhưng ấn xuống thấy càng đập mạnh vào đầu ngón tay, hoạt mà hữu lực, đó là dương đến cực độ giống như âm, không phải là hàn chứng.
Phương diện chứng trạng: có thể căn cứ vào thiên Dương minh sách Thượng hàn luận nói: “Người bệnh mình nóng dữ (giả nhiệt ở ngoài) lại muốn mặc áo (chân hàn trong) là nhiệt ở ngoài da, hàn ở trong xương tủy; người bệnh rét dữ (giả hàn ở ngoài) lại không muốn mặc áo (chân nhiệt ở trong) là hàn ở ngoài da, nhiệt ở trong xương tủy”.
Theo đây chúng ta có thể biết được chân hàn ở trong (hoặc chân nhiệt) là bản chất của bệnh, giả nhiệt ở ngoài (hoặc giả hàn) là hiện tượng của bệnh. Hiện tượng và bán chất thường thường là không nhất trí, vì vậy rất nên chú ý trong khi chẩn đoán bệnh.
4. Hư thực
Hư thực là chỉ vào sự thịnh suy của chính khí và tà khí mà nói. Thiên Thống bình hư thực luận sách Tố vấn nói: “Tà khí thịnh thì thực, tinh khí mất thì hư”. Vì thế, hư chứng là chỉ vào chính khí hư nhược, thực chứng là chỉ vào tà khí cang thịnh, phân biệt hư thực cũng tức là xem xét sự mạnh yếu của chính khí người bệnh và tình tình thịnh suy của tà khí để làm căn cứ cho việc dùng thuốc hoặc công hoặc bổ. Trên lâm sàng, ngoài việc cần phải nhận rõ sự khác nhau căn bản về thực chứng và hư chứng ra còn cần phải phân tích kỹ hơn là thuộc về khí hư, huyết hư và phân biệt sự chân giả của hư thực nữa, nếu gặp những chứng hậu phức tạp như trong chứng hư có kèm theo thực nữa, trong chứng thực có kiêm hư thì còn cần phân biệt hư và thực, mặt nào nhiều mặt nào ít. Những điều đó đối với việc nắm vững bệnh tình, châm chước bổ tả, đều có ý nghĩa trọng yếu. Nay nêu lên trình bày rõ dưới đây:
a) Hư chứng và thực chứng
Thiên Ngọc cơ chân tạng luận sách Tố vấn nói: “Mạch thịnh da nóng, bụng đầy trướng, đại tiểu tiện không thông, mắt mờ và buồn phiền, đó gọi là năm chứng thực; mạch tế, da lạnh, khí kém, đại tiểu tiện không cầm được, không ăn uống được, đó là năm chứng hư”. Sách Y học chính truyền nói: “Hư là chính khí hư làm cho sắc hãm, người gầy thần khí hư kém, hoặc tự đổ mồ hôi không ngừng, hoặc đại tiểu tiện không cầm được, hoặc mộng tinh, hoạt tinh, hoặc nôn mửa, nghẹn, hoặc bệnh lâu ngày mà dùng thuốc công phạt nhiều, hoặc ngắn hơi giống như suyễn, hoặc nhọc mệt tổn thương quá độ, hoặc bỗng nhiên bị sự khốn khó làm tổn hại đến trí, tuy chứng giống thực, mà mạch nhược vô lực, đều là chứng hư nên bổ. Thực là tà khí thực, hoặc bế lại ở ngoài kinh lạc, hoặc kết ở trong tạng phủ, hoặc khí ngừng trệ mà không lưu thông, hoặc huyết lưu lại mà ngưng trệ, đó là mạch và bệnh đều thịnh, là chứng thực nên công phạt.
Nói chung, người thể chất khỏe, bệnh mới phát thì chứng phần nhiều thuộc thực, người thể chất yếu, bệnh lâu ngày thì chứng phần nhiều thuộc hư. Phàm người bệnh thể chất và chứng hậu thấy có những hiện tượng hữu dư, cường thịnh thì phần nhiều là thực chứng, thấy có những hiện tượng bất túc, suy nhược thì phần nhiều là chứng hư. Ví dụ như chứng phát nóng kiêm cả sợ rét là tà ở ngoài phần biểu, nếu không có mồ hôi là biểu thực, có mồ hôi là biểu hư: thấy chứng trang của trường vị là tà ở phần lý, nếu bụng đầy, đại tiện bí là lý thực, bụng mềm, đại tiện lỏng là lý hư, v.v...
b) Khí huyết hư thực
Khí hư: Chứng trạng bệnh này là hơi thở ngắn, tiếng nói hơi thấp, ngại nói, tự đổ mồ hôi, tim đập hồi hộp, đầu choáng, tai ù, nhọc mệt, ăn ít, tiêu hóa thất thường, mạch vi hoặc hư đại. Ngoài ra có người vốn ít lao động, người béo mà chân tay mềm nhão, yếu sức mà người hay gắng sức làm việc nặng, thì thường thường có những chứng lòi trôn trê, sa ruột xuống bìu dái (trường sán) và đàn bà sa dạ con cũng là khí hư.
Khí thực: chứng khí thực phần nhiều do những nguyên nhân là đờm nhiệt, thấp nhiệt thực trệ, uất kết và phục hỏa gây nên, thường hiện ra những chứng ngực đau, bụng đầy tức, đờm nhiều, suyễn đầy, há miệng, rút vai, bụng đầy trướng nuốt chua, ợ hăng, đại tiện táo bón hoặc ỉa chảy muốn ỉa mà không ra.
Huyết hư: nguyên nhân làm cho huyết hư, phần nhiều vì kém sự dinh dưỡng bị mất huyết hoặc tật bệnh mãn tính gây nên. Thường thấy những chứng tâm phiền ít ngủ, nóng nảy hay giận, đêm nóng ra mồ hôi trộm, da dẻ khô sáp, môi nhợt, sắc mặt ủ rũ, mạch tế, vô lực.
Huyết thực: chứng huyết thực phần nhiều vì những nguyên nhân ứ huyết, súc huyết gây nên, huyết ứ ở thớ thịt thường thấy những chứng thoạt nóng, thoạt rét; huyết ứ ở bắp thịt, thường thấy những chứng trạng nóng từng cơn, đổ mồ hôi trộm; huyết ứ ở kinh lạc thường thấy những chứng trạng mình đau, gân rút; huyết ứ ở thượng tiêu thường thấy những chứng trạng sườn đau nhói như dao đâm, sắc lưỡi tím bầm, hay quên; huyết ứ ở trung tiêu thường thấy những chứng trạng bụng dạ đau nhói, đại tiện đen; huyết ứ ở hạ tiêu thường thấy những chứng trạng bụng dưới đau dữ, bụng đầy, tiểu tiện đi nhiều, người như điên.
c) Phân biệt hư thực chân giả
Sách Cảnh nhạc toàn thư nói: “... Bệnh rất hư lại có hình thế thịnh, bệnh rất thực lại có trạng thái hư, do đó cần phải phân biệt. Như những chứng bệnh gây ra vì thất tình, hoặc no đói mỏi mệt quá, hoặc vì thương tổn, vì tửu sắc, hoặc tiên thiên bất túc, đến khi đã có bệnh thì phần nhiều có những chứng mình nóng, tiện bí, mặt đỏ, trướng đầy, hư cuồng, giả ban giống như là bệnh hữu dư, mà nguyên nhân của nó thật là bất túc..."
Lại như bệnh tà của ngoại cảm chưa khỏi, mà lưu lại ở kinh lạc; đồ ăn đình trệ, không tiêu hóa tích tụ ở tạng phủ; hoặc vì uất kết, khí nghịch không tan được, hoặc vì ngoan đờm ứ huyết đọng lại. Còn bệnh lâu ngày làm cho hư yếu giống như là bệnh bất túc, nhưng không biết căn bệnh chưa khỏi, thì còn phải chữa ở căn bệnh, nếu dùng thuốc bổ thì bệnh đó lại càng tăng thêm.
Bệnh rất thực mà có trạng chứng suy, bệnh rất hư mà có trạng chứng thịnh cùng một lối với bệnh chân nhiệt giả hàn, chân hàn giả nhiệt, vì thế muốn phân biệt chân thực giả hư, chân hư giả thực, thì cần phải xét chứng, xem mạch, dựa vào quan niệm chỉnh thể mà tìm hiểu toàn diện, mới có thể chẩn đoán được chính xác.
Nội dung bát cương đã trình bày rõ ràng như trên. Dựa vào phạm vi chẩn đoán mà nói thì, đã là một giải pháp để phân tích về bệnh lý biến hóa, lại là một phương pháp để quy nạp chứng trạng. Nhưng cần phải hiểu rõ cương lĩnh của phép chẩn đoán, tuy chia ra làm tám cương nhưng trên thực tế thì nó là mấy phương diện thuộc về tính chất cụ thể của bệnh chứng, vì thế giữa bát cương với nhau đều có quan hệ mật thiết lẫn nhau, quyết không thể tách rời ra một cương nào được. Như lấy âm dương mà nói, thì hàn hóa là âm, nhiệt hóa là dương; ở lý là âm, ở biểu là dương; hư là âm, thực là duơng.
Lấy biểu lý mà nói thì biểu có chia ra hư ở biểu, thực ở biểu, hàn ở biểu, nhiệt ở biểu. Lý có chia ra hàn ở lý, nhiệt ở lý, hư ở lý, thực ở lý. Lại có những tình trạng nhiệt ở biểu, hàn ở lý, hàn ở biểu, nhiệt ở lý, hư ở biểu, thực ở lý, thực ở biểu, hư ở lý, biểu và lý đều hàn, biểu và lý đều nhiệt, biểu và lý thực ở lý, thực ở biểu, biểu và lý đều thực, biểu và lý đều hư. Còn như hàn nhiệt, thì ngoài những chứng hàn chứng nhiệt ra còn có phân biệt thiên về phần trên, thiên về phần dưới, hàn nhiệt lẫn lộn nhau. Lại bàn đến hư thực thì cần phải kết hợp chính khí, tà khí mà xét, có khi tà khí thịnh mà chính khí không hư, có khi tà khí không thịnh mà chính khí đã hư, có khi chính khí rất hư mà tà khí vẫn không hư, có khi tà khí và chính khí giằng co nhau mà không giải được. Cho nên vận dụng bát cương không phải là cô lập mà là quan hệ lẫn nhau.
Ngoài ra còn có vấn đề tiêu bản cũng rất đáng chú ý. ý nghĩa về tiêu bản trên việc biện chứng luận trị sẽ nói trong chương “Phép tắc trị liệu” ở đây không nói đến nữa. Tóm lại, trong thực tiễn lâm sàng chúng ta cần phải nắm vững bát cương, lại cần phải hiểu được tiêu bản nữa, như thế việc chẩn đoán và chữa bệnh mới tương đối toàn diện được.
b. Tứ chẩn
Khi xem xét tật bệnh, vận dụng bốn phương pháp vọng, văn, vấn, thiết để quan sát và tìm tòi hiện tượng và chứng trạng của bệnh nhân làm tài liệu để phán đoán tật bệnh, đó là tứ chẩn. Giữa tứ chẩn cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau, để xem xét và hiểu rõ mọi mặt đồng thời vận dụng những lý luận bát cương ngũ hành, kinh lạc để phân tích, mới có thể chẩn đoán được chính xác và toàn diện.
1. Vọng chẩn
Vọng chẩn tức là thầy thuốc dùng thị giác mà xem xét về thần, sắc, hình thái của người bệnh để xét đoán được sự biến hóa của bệnh tình. “Thần” là sự biểu hiện của tinh thần hoạt động, “sắc” là sự biểu hiện ra ngoài của ngũ tạng và khí huyết, “hình” là hình thể, “thái” là động thái.
Ở đây chia ra hai bộ phận để giới thiệu, đầu tiên nói về vọng chẩn, đem sự nhận thức cơ bản về thần, sắc, hình, thái mà bàn tóm tắt.
Thần là chỉ vào tinh thần, thần khí và thần chí mà nói. Xem xét sự biến hóa của thần có thể biết được sự suy, vượng, thịnh, suy của con người, cũng có thể thấy rõ được tật bệnh nặng hay nhẹ và tiên lượng được sự lành hay dữ. Thí dụ như chứng trạng của người bệnh tuy trầm trọng, nhưng thần khí còn tốt (như tất cả các thực chứng) tức là chính khí chưa bị thương tổn thì tiên lượng là tốt. Trái lại, chứng trạng hiện ra tuy không nặng quá nhưng thần khí bại hoại không phấn chấn (như một số chứng hư) là hiện tượng chính khí suy yếu thì tiên lượng là không tốt. Cho nên trong Thiên niên sách Linh khu nói: “Mất thần thì chết còn thần thì sống”.
Sắc là chỉ các thứ sắc trạch(1), nó biểu hiện ra ngoài của tạng phủ, khí huyết, cũng là sự biểu hiện của tật bệnh biến hóa. Căn cứ vào sắc trạch khác nhau có thể rõ được sự thịnh suy của khí huyết và sự phát triển biến hóa của tật bệnh.
Sắc và trạch có sự phân biệt, sắc là nói về màu: xanh, vàng, đỏ, đen; trạch là nói về vẻ tươi nhuận, khô ráo, sáng sủa, mờ tối. Khi lâm sàng dùng phép vọng chẩn có khi chú trọng về phương diện sắc, có khi chú trọng về phương diện trạch, cũng có khi kết hợp sắc và trạch để chẩn đoán.
Phương pháp chẩn đoán đầu tiên cần phải hiểu rõ 5 sắc đều có sở chủ của nó, cũng là sự phối hợp của 5 sắc với 5 tạng và 4 mùa, hiểu được những quan hệ như thế thì có thể căn cứ vào quy luật của nó để chẩn đoán như trong thiên thứ nhất về mục tạng phủ kinh lạc tiên hậu bệnh mạch chứng ở sách Kim qủy yếu lược nói: “Nếu như can vượng thì sắc xanh, 4 màu đều tùy sắc của nó; can sắc xanh mà lại sắc trắng, là sắc mạch trái mùa, đều là có bệnh”. Đó tức là vận dụng cụ thể để cùng kết hợp 5 sắc với 4 mùa và 5 tạng. Ngoài ra, theo vào nhan sắc khác nhau có thể xét đoán được nguyên nhân hoặc chứng trạng khác nhau của bệnh. Như thiên Ngũ sắc ở sách Linh khu nói: “Sắc đen sắc xanh là đau, sắc vàng sắc đỏ là nhiệt, sắc trắng là hàn”. Đó đều là theo phương diện “sắc” mà biện chứng. Thiên Mạch yếu tinh vi luận sách Tố vấn lại nói: “Sắc đỏ nên như lụa trắng bọc chu sa, không nên như son; sắc trắng nên như lông ngan, không có nên như muối sắc; xanh tươi như ngọc bích, không nên như màu chàm; sắc vàng nên như lụa bọc hùng hoàng, không nên như hoàng thổ; sắc đen như màu đen sơn phủ, không nên tối như đất đen. Đó là dựa theo phương diện “màu mỡ” để biện chứng. Lại như bệnh hoàng đản có phân biệt ra dương hoàng, âm hoàng. Dương hoàng là vàng mà sắc tươi, âm hoàng là vàng mà sắc tối. Đó là dựa vào sắc và trạch để biện chứng. Những lời nói trên đều là yếu điểm của việc chẩn đoán về sắc.
Hình và thái thường liên hệ với nhau, về hình thái mà xét thường thường có thể nêu ra rất nhiều bệnh tình như: “Người béo phần nhiều hay trúng phong, người gầy phần nhiều hay ho lao”, lại như trong thiên Mạch yếu tinh vi luận sách Tố vấn nói: “Đầu là phủ của tinh minh, nếu đầu nghiêng, mắt mờ đi là tinh thần sắp suy bại rồi. Lưng là phủ của ngực, nếu lưng uốn còng, vai xệ xuống, là phủ sắp bại hoại. Ngang lưng là phủ của thận, nếu quay trở không được, là thận sắp bại hoại. Đầu gối là phủ của gân, nếu co duỗi không được, đi thì lom khom, là gân sắp bại hoại. Xương là phủ của tủy, nếu không đứng lâu được, đi thì lảo đảo là xương sắp bại hoại”. Đó là nói rõ sự quan sát bất thường của hình thể, là có thể hiểu rõ được bệnh của tạng phủ. Lại như thiên Bình mạch sách Thương hàn luận nói: “Đi chậm là vì tà khí lấn vào căng thẳng ở phần biểu; ngồi mà cúi thấp xuống là ngắn hơi, ngồi mà bỏ thỏng xuống một chân là đau lưng, chứng lý thực lấy tay đỡ vào bụng trên, như nâng trứng là đau tim”. Đó là nêu ra các loại bệnh tật, có thể biểu hiện ra các hình thái riêng biệt. Lại như người mình mẩy nhẹ nhàng, dễ quay trở, mắt mở thích nhìn người phần nhiều là dương chứng, bệnh tương đối dễ chữa; nếu mình mẩy nặng nề khó xoay trở, lại nằm co, thích quay mặt vào vách, mắt nhắm, không muốn nhìn ra sáng, ngại thấy người, tức là âm chứng bệnh tương đối khó chữa. Lại như bệnh nhiệt truyền biến, phiền táo, nói sảng, mắt đỏ như lửa, đứng dậy mà muốn chạy, đó là thuộc về thực nhiệt của dương minh; nếu thấy lần áo sờ giường, bắt chuồn vê chỉ, lại là hiện tượng bệnh tình nguy hiểm, thần khí tán loạn rồi.
Sự trình bày trên đây là tình hình đại khái về thần, sắc, hình, thái cũng là nói chung về vọng chẩn. Còn như vọng chẩn về các bộ phận đầu, ngực, bụng, rêu lưỡi, tay chân, da dẻ, tuy đều chú ý ở sự biến hóa của thần, sắc, hình, thái, nhưng cần kết hợp tình hình cụ thể của các bộ phận để phân tích, nay lại chia ra trình bày dưới đây:
a) Mặt, mắt
Sắc bệnh hiện ra ở bộ mặt, chẳng những nêu rõ bệnh chứng của tạng phủ, còn có thể căn cứ vào lý luận ngũ sắc nói ở trên để hiểu rõ sự diễn biến của tật bệnh, ví dụ như: hai gò mấ ứng với phế, người bị bệnh ở phế thì sắc mặt xanh nhợt, thường đến quá trưa thấy hiện ra sắc đỏ tươi đẹp trên hai gò má, như bôi phấn hồng, đó tức là hiện tượng “thủy suy, hỏa vượng”, “hỏa hình phế kim”. Lại như đầu sống mũi thuộc tỳ, sắc xanh thuộc can, bệnh ở tỳ mà đầu sống mũi sắc xanh, là nêu rõ ra hiện tượng “mộc khắc thổ”. Những chứng như thế đều là hiện tượng trái ngược.
Nếu sắc mặt đỏ bừng bừng, là dương khí bị uất lại ở biểu, vì mồ hôi ra không thấu suốt được. Mặt đỏ, nóng từng cơn, nói sảng, là thực nhiệt kết tụ ở lý. Mặt đỏ như màu xấu là hiện tượng của tâm kinh tuyệt. Hai gò má hơi hồng tươi mà tay chân buốt lạnh, ỉa lỏng ra nguyên chất đồ ăn, mạch trầm vì muốn tuyệt, gọi là chứng “Đái dương”, là hiện tượng nguy cấp của bệnh “chân hàn giả nhiệt”. Lại như sắc vàng thuộc tỳ, vị, người ta lấy vị khí làm gốc, cho nên người bệnh sắc mặt hơi vàng là có vị khí, không có sắc vàng là vị khí đã bại hoại, thuộc về bệnh nguy. Vì thế có sắc vàng hay không, đó là một điểm chủ yếu về vọng chẩn ở bộ mặt. Còn như chủ bệnh của sắc vàng đại để là thuộc thấp, vàng mà nổi sóng là phong thấp, vàng như màu quả quýt chín là thấp nhiệt; vàng mà nhạt là hàn thấp; vàng mà xanh sẫm là thuộc về ứ huyết mà kèm thấp nhiệt; vàng nhợt không tươi thuộc về tỳ hư; vàng mà đỏ là phong nhiệt; vàng như màu quả trấp chín là tỳ đã kiệt; vàng mà tươi nhuận sáng sủa là bệnh sắp khỏi. Sắc mặt trắng mà hơi đỏ, tươi nhuận là khí huyết đầy đủ; trắng mà khô gầy là huyết bị khô cạn; trắng mà phù nề là khí hư; trắng mà gầy gò, gò má đỏ, môi đỏ là âm hư hỏa vượng; trắng như xương khô là phế kinh đã tuyệt. Đại để sắc trắng phần nhiều là chứng hư hàn; tuy có hiện tượng mất huyết, phát nóng, cũng phần nhiều thuộc về hư chứng. Sắc mặt xanh là hiện tượng khí huyết ngừng trệ, thuộc về hàn và đau, xanh mà xám đen là hàn nặng và đau dữ, xanh như cỏ đen là can kinh đã tuyệt, sắc mặt đen mà ngoài da nổi vẩy lên, là thuộc về huyết ứ; đen như hòn than là thận khí đã tuyệt; sắc mặt đen phần nhiều là hiện tượng dương khí suy yếu, là thuộc về chứng không lành.
Sự biến hóa về sắc trạch, ở tròng con mắt, cũng có thể xét đoán được một số bệnh, ví dụ: mắt đỏ là nhiệt, tròng trắng biến vàng là sắp phát bệnh da vàng, lại như bệnh nhiệt mà tiêu hao thận thủy, thì mắt mờ tối, bệnh hàn thì mắt trong suốt; bệnh thấp thì trong đục lẫn lộn; bệnh táo thì mắt khô xác; đờm nhiệt bế lại ở trong thì tròng mắt hơi đứng lại; can hỏa đọng ở trong thì tròng mắt nhìn xiên; âm hư hỏa vượng thì mắt hiện ra tia đỏ. Những tình hình như thế, đều là các chứng bệnh hiện ra ở mắt, ngoài ra như bệnh tật sắp khỏi thì đầu mi mắt vàng, đầu sống mũi sáng và chỗ gốc mũi (sơn căn) sáng sủa, đó có thể nói bệnh sắp khỏi, thì ở mặt và mắt tự nhiên thấy hiện ra một khí sắc tươi tắn và vàng nhuận.
b) Lưỡi và rêu lưỡi
b1. Tình hình chung về lưỡi và rêu lưỡi
Xem xét về lưỡi bao gồm hai bộ phận là chất lưỡi và rêu lưỡi. Chất lưỡi là chỉ vào bản thể của lưỡi, rêu là chỉ vào rêu cáu của lưỡi. Nhưng thường đem bản thể của lưỡi gọi là chất lưỡi, rêu cáu gọi là rêu lưỡi, phân biệt chất lưỡi, có thể biết được sự hư thực của ngũ tạng: xét nghiệm rêu lưỡi có thể đoán được sự nông sâu của lục dâm. Đồng thời, người xưa còn nhận là xem sự thay đổi của chất lưỡi so với sự thay đổi của rêu lưỡi càng có ý nghĩa trọng yếu, như trong sách Chẩn gia trực quyết nói: “Phàm xem lưỡi phải nên phân biệt rêu lưỡi và chất lưỡi, rêu lưỡi tuy xấu, mà chất lưỡi như thường, là vị khí uế trọc mà thôi”. Sách Thông lục Thương hàn luận nói: “Rêu lưỡi không kể là sắc gì, cũng đều là dễ chữa cả, mà chất lưỡi đã biến sắc, thì nên xét xem sắc đó là sống hay chết. Như sống thì xét kỹ dưới cuống trong lưỡi thấy còn có sắc đỏ tươi mờ mờ, đó chẳng qua là huyết khí có sự trở ngại, chứ không phải là tạng khí đã bại hoại: như chết thì dưới cuống trong lưỡi thấy toàn là khô héo, mờ tối, là mất hết sinh khí, là tạng khí không thấu đến được. Đó gọi là sắc của chân tạng”. Rêu lưỡi là do vị khí xông lên mà sinh ra. Rêu lưỡi sở dĩ có thể phản ảnh ra được sự biến hóa của tạng phủ bên trong là vì nó có sẵn quan hệ mật thiết với nội tạng. Sách Hình sắc ngoại chẩn giản ma nói: “Rêu lưỡi là do ở vị khí xông bốc lên, ngũ tạng đều bẩm khí ở vị, cho nên có thể lấy đó để xét về hàn, nhiệt, hư, thực của ngũ tạng”.
Còn như vị trí phân phối của rêu lưỡi: một là lấy tạng phủ để phân biệt, rêu đầy cả lưỡi là thuộc vị, ở giữa lưỡi cũng thuộc vị; đầu lưỡi thuộc tâm; cuống lưỡi thuộc thận; hai bên thuộc can và đởm; xung quanh thuộc tỳ. Hai là lấy tam tiêu để phân biệt: rêu ở đầu lưỡi thuộc thượng quản; ở giữa lưỡi thuộc trung quản; ở gốc lưỡi thuộc hạ quản.
Rêu lưỡi người thường: nói chung là rêu lưỡi mỏng trắng hoặc không có rêu, chất lưỡi đỏ nhuận, hoặc hơi đầy có hoa, khô ướt vừa phải, không ráo không trơn, đó là lưỡi không có bệnh. Sách Thông lục thương hàn luận nói: “Người thường giữa lưỡi hay có một lớp rêu trắng, hoặc một lớp rêu vàng nổi lên. Thời bệnh mùa hè chủ về thấp thổ, rêu lưỡi thường tương đối đầy mà hơi vàng, nhưng không đầy lưỡi và không đóng mảng”. Trên đây là tình trạng bình thường của rêu lưỡi nói chung.
b2. Sự thay đổi biến hóa của lưỡi và rêu lưỡi
Về hình thái của lưỡi, thân lưỡi nên mềm mại, không nên cứng rắn, mềm mại là khí dịch tự đầy đủ, cứng rắn là mạch lạc mất sự nuôi dưỡng, hoặc vì phong đờm trở ngại kinh lạc. Như nổi sưng lên là “thiệt trướng”, nguyên nhân của nó là hoặc vì đờm tràn lên, hoặc vì thấp tà kết lại ở trên. Mỏng và gầy là “thiệt khô”, nguyên nhân của nó hoặc vì tâm hư, hoặc vì huyết thiếu, hoặc vì nóng ở trong thịt mà lưỡi bị tóp đi. Như lưỡi rụt mà bìu dái bị teo lại, là bệnh vào kinh Quyết âm, thường là bệnh chết. Như lưỡi sưng đầy miệng, không chuyển động được, thì gọi là “Mộc thiệt”. Dưới đáy lưỡi lại mọc thêm ra một cái nữa, nói năng không rõ, ăn uống không được thì gọi là “trùng thiệt”. Mộc thiệt, trùng thiệt đều do tâm hỏa bốc lên mạnh mà gây nên. Còn như lưỡi thè ra thụt vào yếu sức, là vì khí hư; có khi muốn thè ra ngoài miệng, là vì nhiệt ở trong; lưỡi rắn khó nói là vì khí ở tâm tỳ kém; lưỡi đưa đi đưa lại luôn luôn là vì phong ở can. Mềm liệt mà không cử động được, thì nên phân biệt bệnh đã lâu ngày hay bỗng nhiên bị bệnh, bỗng nhiên lưỡi mềm liệt, phần nhiều là vì nhiệt nung nấu, bệnh đã lâu ngày mà mềm liệt, phần nhiều là vì âm khô. Lưỡi thè ra không thu lại được, là vì đờm dãi tắc lên, trẻ em bị bệnh mà thấy chứng ấy là tâm khí hao tán là chứng nguy hiểm. Lại như trẻ em thường bị chứng lộng thiệt, thổ thiệt là nhiệt kết ở tâm, tỳ; sau khi đau nặng mà bị bệnh này thì không tốt. Như lưỡi thè ra mà lệch một bên thì cũng có hai quan hệ: nếu sắc đỏ tía mà eo lại là phong ở can phát ra bệnh “kinh”; nếu sắc đỏ nhạt mà thế hoãn là bị trúng phong “thiên khô”.
Tươi, khô, già, non, bệu: tươi là có vẻ tươi sáng, mọi bệnh đều tốt; khô là không có màu tươi sáng, mọi bệnh đều không tốt, tươi nhuận thì tân dịch còn đủ, khô ráo thì tân dịch đã thiếu. Vì thế sáng sủa tươi nhuận mà có huyết sắc là sống, khô tối mà không có huyết sắc là chết.
Lại như chất lưỡi cứng chắc già rắn, xanh thẫm, thì không kể là rêu lưỡi màu vàng, trắng, xám, đen, bệnh phần nhiều là thuộc về thực, chất lưỡi mềm lên thì không kể rêu lưỡi màu xám, đen, vàng, trắng, bệnh phần nhiều thuộc về hư.
Nhuần, ráo, cáu, nhờn: rêu lưỡi trơn nhuận là tân dịch chưa bị hao kém; rêu lưỡi ráo sáp là tân dịch đã hao kém rồi. Thông thường chứng nhiệt thì lưỡi phần nhiều ráo; chứng thấp thì lưỡi phần nhiều trơn nhuận, nhưng cũng có khi thấp tà truyền vào phần huyết, khí không hóa được tân dịch mà lại bị ráo; hoặc nhiệt tà truyền vào phần huyết mà lưỡi lại trơn nhuận.
Cáu và nhờn: “Cáu" là chất dày xốp, cạo đi thì hết ngay, như bã nát, gân nát hoặc như bã đậu hũ đắp vào là hiện tượng dương khí có thừa làm cho khí ô trọc ở trong vị bốc lên, tà khí sắp hóa. “Nhờn” là rêu bợn đóng lại, cạo vẫn không sạch được, đầy mà đầy nhờn, thậm chí không thấy những hột lấm tấm ở lưỡi nữa. Cũng có khi đầy mà khô, mà cuống lưỡi còn phủ một lớp nhờn dính. Đó là dương khí bị trọc tà ngăn chặn, tất nhiên có những bệnh: thấp trọc, đờm ẩm, thực tích, ngoan đờm. Ngoài ra còn có thứ rêu lưỡi gọi là “cáu đặc”(1) và “cáu mốc”(2), lại có sự phân biệt với “rêu cáu” nói ở trên. Cáu đặc là rêu trắng mà hồng nhạt, dính nhờn mà đầy như mụn có mủ, phần nhiều hiện ra ở những chứng ung ngọt ở trong, như phế ung, phần nhiều là cáu trắng, vị ung phần nhiều là cáu vàng, can ung phần nhiều là cáu tím. Cáu mốc là mọc ra lớp trắng đầy khắp lưỡi, hoặc mọc ra những điểm lấm tấm như hột cơm, gọi là “khấu my”, đó là do ở trong vị đã bị hủ bại, tân dịch hóa hết cả ra chất cáu đục mà xông lên, theo đường thực quản lên họng, rồi thì đầy khắp lưỡi, ra đến cả răng, môi. Hàm trên và hàm dưới đều có rêu bợn, bệnh này phần nhiều là khó chữa.
Rêu lưỡi “có gốc” hay “không có gốc”: Sách Y môn bỗng hát nói: “Không gốc là trọc khí ở phần biểu tụ lại, bệnh này thì nhẹ; có gốc là bệnh tà kết ở trong, bệnh này thì nặng. Rêu lưỡi có gốc lại nên phân biệt là nó dày hay mỏng, xốp hay chắc, dày là bệnh tà nặng, mỏng là bệnh tà nhẹ; xốp là vị khí sơ thông, chắc là vị khí bế kết”. Lại sách Biện thiệt chỉ nam nói: “Như rêu lưỡi có gốc thì rêu mỏng, cứ rải khắp và bám chặt lấy phía trên lưỡi giống như từ trong lưỡi sinh ra, thì mới là rêu có gốc; nếu rêu dày thành một mảng chung quanh gọn ghẻ như cắt xén, hơi giống như lấy một thứ gì khác bôi lên trên lưỡi, không phải tự nhiên trong lưỡi sinh ra, đó là rêu không gốc”. Như thế, tất nhiên bệnh đã lâu ngày trước kia là có vị khí mà sinh ra rêu, rồi sau đó vị khí hết không thể sinh rêu mới nữa mà rêu cũ vẫn nổi ở trên lưỡi không thể thông với khí ở trong lưỡi, tức là vị khí và thận khí không thể đưa dồn lên để thông với lưỡi được, nếu dùng lầm thuốc hàn lương hại đến dương khí, hoặc thuốc nhiệt hại đến âm khí, chợt khi gặp hiện tượng này thì cấp cứu ngay hoặc nay còn có thể khỏi được, nếu bệnh thế giằng dai lâu ngày dần dần thấy có hiện tượng này thì chân khí đã tàn hết, là không thể chữa được nữa. Hai đoạn trên này bàn về cáu lưỡi có gốc hay không gốc, đoạn trước phân biệt về sự nông sâu của bệnh tà là hiện tượng của thời kỳ bắt đầu và thời kỳ giữa của bệnh; đoạn sau là phân biệt về vị khí có hay không, là hiện tượng của thời kỳ sau cùng của bệnh. Những hiện tượng đó tuy là cùng bàn về có gốc và không có gốc mà lại là nhằm đúng vào hai điểm bệnh trình khác nhau, và tình hình khác nhau mà nói trong khi chẩn đoán cần phải chú ý.
Phân biệt về thể chất khác nhau ở rêu lưỡi: ví dụ như tỳ vị đã sẵn có chứng thấp nhiệt nặng, thường thường năm này qua năm khác có rêu trắng dày hoặc giữa lưỡi xám vàng, tân dịch của vị và thận không đủ, lưỡi phần nhiều đỏ không có rêu hoặc đầu lưỡi, rìa lưỡi nhiều điểm hồng. Nếu giữa lưỡi có tia sắc hồng, tục gọi là “lưỡi tím gà”, thì âm dịch càng kém.
Sự thay đổi thuận nghịch về sắc của rêu lưỡi: hễ rêu lưỡi từ trắng biến ra vàng, từ vàng mà tróc dần đi, tróc đi rồi lại sinh ra rêu trắng; hoặc từ rêu dày mà chuyển ra rêu mỏng, đều là hiện tượng thuận. Nếu rêu lưỡi từ trắng biến ra vàng, từ vàng biến ra màu xám tro, từ màu xám tro biến ra màu đen, từ rêu sống biến ra rêu chết hoặc từ rêu mỏng mà chuyển thành rêu dày, đều là hiện tượng nghịch. Lại còn có cáu chóng tróc, chóng hết, không phải là tróc đi dần dần, đó là hiện tượng tà hãm.
b3. Chủ bệnh của lưỡi và rêu lưỡi
* Chất lưỡi
Lưỡi hồng: hồng nhợt không có sắc là khí huyết ở tâm, tỳ đã hư sẵn; nếu khô mà sắc không tươi, là tân dịch và khí ở trong vị đều kém, không có thể hóa thành chất dịch mà tư nhuận lên lưỡi được. Như chất lưỡi hồng tươi, ở bệnh ôn là nhiệt hóa, ở bệnh hư lao là âm hư hỏa vượng; riêng có đầu lưỡi đỏ là tâm hỏa bốc lên, rìa lưỡi đỏ là thuộc về can nhiệt; giữa lưỡi khô nóng là phần âm bị thương tổn; nếu lưỡi hồng sáng mềm mại không có tân dịch gọi là lưỡi mặt gương, là vì phát hãn, công hạ nhiều quá, là do tân dịch ở trong bị hao mà gây ra. Lưỡi hồng mà ra máu như chứng chảy máu cam, là nhiệt tà làm thơng tổn đến tâm bào lạc, nếu hồng mà trong đó thấy có điểm tía là bệnh sắp phát ban; lưỡi hồng nhợt mà trong đó thấy có điểm đỏ sẫm là bệnh sắp phát hoàng đản.
Lưỡi đỏ sẫm: nhiệt tà truyền vào phần dinh thì sắc lưỡi tất nhiên đỏ sẫm phần nhiều có lẫn cả rêu vàng và trắng, đó là tà ở phần khí chưa hết; nếu chỉ đỏ sẫm tươi nhuận thì là bào lạc đã bị bệnh. Sắc đỏ sẫm mà giữa lưỡi lại khô là hỏa ở tâm, và vị bốc lên, làm tiêu hao tân dịch; riêng đầu lưỡi đỏ, đó là tâm hỏa bốc lên, sắp thành chất trọc đờm che lấp tâm bào lạc; lưỡi đỏ sẫm mà trên có chất nhờn dính giống như rêu mà không phải là rêu, là khí uế trọc ở trung tiêu; đỏ sẫm mà có lẫn điểm vàng trắng, thì sinh bệnh cam, lưỡi đỏ sẫm mà có điểm đỏ chói, là nhiệt độc phạm vào tâm; lưỡi đỏ sẫm mà sáng bóng, là vị âm đã tuyệt; lưỡi đỏ sẫm mà không tươi mà khô héo, là thận âm đã cạn khô.
Lưỡi tím: lưỡi tím mà sưng to là bị độc rượu xông lên tâm, sắc tím mờ tối là ứ huyết súc tích lại. Lưỡi tím mà giữa lưỡi có rêu trắng trơn là sau khi uống rượu bị thương hàn; xanh tía trơn nhuận, là chứng âm tà trực trúng vào can, thận; nếu tím mà rêu vàng khô ráo là tạng phũ đã bị nhiệt sẵn, mà tỳ vị lại càng nóng hơn.
Lưỡi màu chàm: Chất lưỡi màu chàm mà còn sinh rêu được, là tạng phủ tuy bị thương, nhưng chưa nặng lắm, còn có thể chữa được, nếu lưỡi màu chàm sáng không có rêu, bất luận là mạch gì, cũng đều thuộc về khí huyết rất suy kém, bệnh rất trầm trọng. Lại có khi lưỡi hơi có màu chàm mà không khắp lưỡi, ở vào lúc bệnh ôn dịch, bệnh thấp ôn, nhiệt uất không giải được, có thể thấy có rêu này, chứng thấp đờm, đờm ẩm cũng thấy có đầy rêu trơn nhờn, trong đó thấy có màu chàm, là chứng thủy ẩm hóa ra nhiệt.
* Rêu lưỡi
Rêu trắng: rêu trắng phần nhiều là chứng ở biểu, mỏng trắng mà trơn, là ngoại cảm phong hàn; trắng trơn nhờn dính, là đờm thấp ở trong; rêu trắng mà cuống lưỡi đỏ sẫm, là thấp át mà nhiệt phục ở trong, rêu trắng mà rìa đỏ, là phong ôn xâm phạm vào phế, đầu lưỡi trắng mà cuống lưỡi vàng là chứng ở biểu chưa hết, rêu trắng hơi vàng là tà sắp truyền vào lý; rêu dày trắng mà không trơn, không có tân dịch mà ráo là thực nhiệt; lưỡi trắng mềm trơn, cạo đi thì sạch, là thuộc chứng hư hàn ở lý, rêu trắng như trát phấn, là chứng ôn dịch uế trọc rất nặng, rêu trắng như màu muối mỏ, là trong dạ dày có chất uế trọc đình trệ uất kết lại.
Rêu vàng: rêu vàng thuộc về chứng ở lý, hơi vàng mà không khô ráo lắm, là bệnh tà mới truyền vào lý; vàng sẫm mà thấy trơn nhờn, là thấp nhiệt bị ngăn trở ở trong; rêu vàng mà khô, là hỏa đã bốc ở bên trong, rêu lưỡi vàng tụ lại là dương minh thực nhiệt, là chứng có thể hạ được. Nếu rêu vàng khô, mà sinh ra gai đen, hoặc giữa có vết nứt, là nhiệt kết đã nặng, khí huyết đều hao; còn có rêu màu vàng như củ nghệ vàng hoặc vàng như hoa thông, tân dịch nhuận mà lạnh, đều là những chứng dương suy, thổ bại, thuộc về bệnh khó chữa.
Rêu màu xám tro: tức là thứ rêu màu đen hơi nhợt, có chia ra âm dương và hàn nhiệt khác nhau. Như chứng trực trúng vào âm kinh, thì lưỡi biến ngay ra màu xám tro mà không có đóng rêu; nếu chứng nhiệt tà truyền kinh, thì có rêu xám đen mà khô. Lại như mặt đen lưỡi xám tro, người như cuồng, hoặc mắt mờ nói sảng, cũng có lúc không cuồng, không nói, không còn biết gì, đó là chứng súc huyết. Lại như trong khoảng giữa màu tronhờn nhợt ấy 4, 5 điểm rêu trơn như giọt mực, đó là tà nhiệt đã truyền vào lý, có kiêm cả thức ăn đình trệ chưa tiêu hóa. Nếu thấy màu tro đen mà trơn nhuận, đó là hàn thủy lấn thổ, thuộc về chứng thái âm trúng hàn.
Rêu đen: giữa rêu trắng lại đen dần đi, là chứng thương hàn tà nhiệt truyền vào lý; nếu lưỡi đỏ mà giữa lại biến đen dần, đó là triệu chứng xấu của bệnh thấp nhiệt, ôn dịch truyền biến. Đen mà trơn nhuận là thủy lại khắc hỏa, dương hư mà âm hàn thịnh; đen mà ráo nứt là hỏa cực thịnh, giống như thủy, nóng bốc lên mạnh mà tân dịch khô. Nếu cuống lưỡi có rêu đen mà ráo là thực nhiệt kết ở hạ tiêu, nên dùng thuốc hạ ngay; cuống lưỡi không có rêu, chỉ đầu lưỡi có đen mà không khô, là tâm hỏa tự đốt cháy, bệnh đó rất nguy. Nếu bắt đầu bị bệnh phát nóng, ngực buồn, khắp lưỡi đen mà nhuận, không có chứng trạng hiểm nghèo khác, là trong lồng ngực đã có sẵn phục đờm.
b4. Cách xét nghiệm lưỡi để quyết đoán sống chết
Phán đoán về sống chết, quyết định dựa vào chứng trạng toàn thân, thì trong sách Nội kinh có chép tương đối rõ ràng đầy đủ, nếu thêm cả cách xét nghiệm lưỡi, thì sự suy đoán tiên lượng càng được chính xác. Nay lựa chọn kinh nghiệm của người xưa chép thêm vào đây để chúng ta tham khảo lúc lâm sàng.
Lưỡi như quả bầu dục lợn bỏ màng đi, là bệnh nguy.
Lưỡi như mặt gương, kiếng
Lưỡi như giấy ráp (nhám) mà khô ráo, nứt nẻ.
Lưỡi co bóp lại như cơm quả vải, mà không có một chút tân dịch.
Lưỡi như màu quả hồng khô.
Lưỡi khô như bánh nướng, đều là bệnh nguy.
Lưỡi sáng không có rêu, thuộc về vị khí đã tuyệt, là không chữa được.
Lưỡi rụt mà bều dái co lại, là không chữa được.
Cuống lưỡi cứng đờ, chuyển động không được lanh lẹ, nói năng ngượng nghịu là bệnh nguy.
Lưỡi sinh rêu trắng như một miếng tuyết là tỳ lạnh mà sinh khí bế tắc, là không chữa được.
Vì uống nhầm Hoàng cầm, Hoàng liên mà lưỡi hiện ra vằn chữ nhân là không chữa được.
b5. Những điều cần chú ý về xem lưỡi
Xem rêu nên chú ý đến những tình hình nhuận ráo, thay đổi về sắc lưỡi, chất lưỡi, đầu lưỡi, giữa lưỡi, rìa lưỡi, cuống lưỡi.
ăn uống và nhuốm rêu: phàm xem lưỡi nên xem trước khi ăn uống thì rêu dày hay mỏng để phân biệt. Lại như sau khi ăn quả trám (cà na) thì rêu lưỡi có thể biến ra sắc đen, sau khi ăn quả tỳ bà (nhót), thì rêu lưỡi có thể biến ra vàng v.v... cũng cần phải biết rõ. Sách Mạch lý chính nghĩa nói “Hễ thấy rêu lưỡi đen, thì nên hỏi xem đã có ăn đồ chua và đồ ngọt, đồ mặn gì không, nếu mới ăn, thì có thể nhuốm thành sắc đen chứ không phải vì bệnh mà sinh ra. Nhưng nhuận mà không ráo, cạo thì sạch ngay, là khác ở chỗ đó thôi”.
Xem lưỡi khi có vết thương và ban đêm: nếu thấy lưỡi có vết thương dính máu thì cần hỏi xem người đó có bị vật gì ở ngoài làm tổn thương không, không nên thấy có máu mà lầm là những chứng âm huyết bị khô ở trong, hoặc vì nhiệt làm tổn hại đến tâm bào lạc. Lại như soi đèn xem rêu vàng thường thành ra rêu trắng. Tình hình trên đây, trên lâm sàng nên chú ý, để tránh sự nhầm lẫn về bệnh tình.
Xem xét lưỡi rêu khác thường: bất luận mọi thứ sắc lưỡi nào, hễ thấy trên lưỡi sinh ra gai, đều là triệu chứng nhiệt cực ở thượng tiêu, thì nên dùng vải xanh tẩm nước bạc hà mà xát, thấy mát ngay là bệnh nhẹ, xát rồi lại thấy sinh ra ngay là bệnh nguy hiểm. Còn như lưỡi khô đen, lại nên lấy mật ong mà đánh rêu đi, rồi sau xem hình sắc, thấy đỏ hồng là có thể chữa được, xanh đen là không thể chữa được.
c) Miệng, mũi, răng
Lỗ mũi khô ráo, đen như than khói, là chứng dương độc nhiệt thâm. Nếu lỗ mũi lạnh trơn mà đen, là chứng âm lạnh đến cực độ. Mũi nghẹt chảy nước đục, là ngoại cảm phong nhiệt, chảy nước trong là ngoại cảm phong hàn. Đầu mũi sắc xanh, trong bụng đau, lạnh quá thì chết; sắc mũi hơi đen, là trong ngực có đờm ẩm; sắc trắng, khí hư, hoặc mất huyết; sắc vàng là thấp; sắc đỏ là phế nhiệt. Nếu thấy cánh mũi phập phồng, khi mới cảm bệnh thì phần nhiều là tà nhiệt, phong hỏa bế tắc phế khí, thì thuộc về thực nhiệt nhiều hơn; nếu bệnh đã lâu, cánh mũi phập phồng suyễn thở, đổ mồ hôi là phế tuyệt, thì không chữa được nữa.
Môi đỏ hồng, sưng mà khô là cực nhiệt; môi miệng xanh đen mà nhuận là cực hàn. Trắng nhợt là huyết hư; đỏ tươi là âm hư hỏa vượng. Môi dộp mà khô là tích nhiệt; môi miệng xanh tím là ứ huyết. Cấm khẩu không nói được là bệnh kinh; môi miệng méo lệch là trúng phong. Nếu môi xanh lưỡi co, xung quanh miệng đen sì, há miệng thở ra, hơi ra không vào, đều là chứng không chữa được.
Răng nhuận ướt hay khô ráo, có thể đoán được dịch vị đầy đủ hay thiếu thốn. Răng khô là âm dịch bị thương; răng sáng mà khô như hòn đá, là vị nhiệt đã đến cực độ; sắc như xương khô, là thận âm sắp khô cạn. Răng khô có cáu, là thận hư vị nhiệt, răng khô không có cáu, là tân dịch ở vị và thận khô cạn. Cáu răng vàng dày là thấp nhiệt xông bốc lên. Lại như hàm răng cắn chặt, hoặc nghiến răng là phong đờm tắc đường lạc, hoặc nhiệt cực sinh ra bệnh “kinh”.
d) Tay, chân
Tay chân co quắp, co duỗi không lợi, phần nhiều là hàn bị ngưng tụ ở kinh mạch. Nếu tay chân co rút, uốn ván, là nhiệt vào sâu mà sinh ra bệnh “kinh”. Nếu chân không thể đi được, mềm yếu mà không đau, là chứng “nuy”; khắp mình, đốt xương tay chân đau nhức, hoặc một bộ phận đốt xương tay chân đau nhức, đó là chứng “tý”.
Móng tay chân: người bệnh gầy mòn, móng tay chân đỏ tươi, là âm hư có hỏa; móng tay chân sắc nhợt, là phế và vị hư hàn, móng trắng là huyết hư, sắc không vinh nhuận được. Lại lấy ngón tay ấn vào móng tay của người bệnh, nếu ấn vào thấy trắng, bỏ tay ra thấy đỏ trở lại, thì tuy bệnh lâu ngày cũng có thể chữa được, bỏ tay ra mà không thấy đỏ trở lại, thì tuy bệnh mới phát cũng nguy hiểm. Lại như móng tay chân xanh đen là chứng chết.
Chỉ tay trẻ em: chỉ tay vốn là huyết mạch cho nên cũng gọi là mạch văn, xem chỉ tay là một phương pháp chẩn đoán rất tốt trong nhi khoa (thường áp dụng với trẻ em dưới 3 tuổi).
- Tam quan: chỉ tay ở phía trong ngón tay trỏ của hai tay, từ hổ khẩu trở lên chia đốt tay ra làm tam quan: đốt thứ nhất là phong quan, đốt thứ hai là khí quan, đốt thứ ba là mệnh quan.
- Chẩn đoán bằng cách xem chỉ tay: bảo người bế trẻ đứng ra ngoài chỗ sáng, thầy thuốc lấy tay trái nắm vào ngón tay trỏ của em bé, chấm nước lạnh vào phía trong ngón cái tay phải rồi xát từ mệnh quan xuống khí quan và phong quan. Chỉ tay càng xát càng hiện ra, rồi theo đó mà xem xét sự biến hóa, suy tìm bệnh tình.
Xem màu sắc ở chỉ tay: chỉ tay sắc đỏ vàng lẫn lộn, mờ mờ không rõ là hiện tượng không có bệnh. Sắc tía là nhiệt, đỏ là thương hàn, vàng là thương tỳ, đen là trúng ác, xanh là kinh phong, trắng là cam tích. Lại như trẻ em da dẻ trắng bệch, sắc môi nhợt, phần nhiều thuộc về dương hư, chỉ tay bốn mùa đều nhợt, tuy có bệnh cũng chỉ đỏ nhợt, xanh nhợt, tía nhợt mà thôi. Đỏ nhợt là hư hàn, xanh nhợt là hư phong, tía nhợt là hư nhiệt, đó là căn bản không vững, khí ở trung tiêu suy kém, thì không kể bệnh mới phát hay đã lâu ngày, đều qui kết là hư, nhất thiết không nên công phạt. Nếu như bệnh tà ngăn chặn, vinh vệ bị trở ngại, sự lên xuống không lợi, chỉ tay xoa vào thấy sáp trệ, tuyệt nhiên không thấy hiện tượng lưu lợi, là vì đờm thực và phong nhiệt cấu kết nhau, đó là thực chứng.
Xem chỉ tay: chỉ tay hiện ra ở phong quan là bệnh nhẹ, hiện ra ở khí quan là bệnh nặng, nếu hiện ra ở mệnh quan là bệnh khó chữa. Chỉ tay thẳng thì nhiệt, văn cong thì hàn; chỉ nhiều giống như mạch sác; chỉ tay ít giống như mạch trì.
đ) Da dẻ
Hoàng đản: mặt, mắt và thân thể, da dẻ thấy hiện ra là sắc vàng, là bệnh hoàng đản. Nếu sắc vàng mà sáng sủa như màu quả quít chín là dương hoàng, do thấp nhiệt gây nên. Nếu sắc mờ tối như xông khói là âm hoàng, do hàn thấp gây nên.
Lên đậu: chứng đậu mùa, nói chung là lớn nhỏ đều nhau, mọc lên một loạt mụn đậu, trên đỉnh lõm xuống, chung quanh có quầng đỏ, chất nước đặc như mủ, sắc đục, đóng kết vẩy dày. Bệnh thủy đậu mụn lớn nhỏ không đều nhau, và mọc ra so le; đỉnh mụn không tẹt xuống, chung quanh không có quầng, chất mủ loãng như nước, sắc sáng trong như thủy tinh, không kết vẩy dày.
Lên sởi: chứng sởi đều bắt đầu từ mặt, dần dần khắp mình mẩy chân tay, hình như hạt mè, sắc đỏ hình nhọn, khi mới bắt đầu mọc lên thưa thớt, dần dần mọc đầy kín, có thành hột mà không có chân, có quầng, chỗ mọc với chỗ không mọc, có phân biệt giới hạn rõ ràng. Sởi thì mọc lên khắp cả mà đều, sắc bóng hồng nhuận. Khi sởi lặn đi, thì chỗ mọc trước lặn trước, chỗ mọc sau lặn sau, rồi lần lượt lặn hết. Nếu như đột nhiên mà sởi lặn đi, hôn mê, suyễn cấp, mình nóng không lui, đó là nhiệt độc chạy vào trong, là bệnh thuộc về nghịch chứng. Nếu như sắc sởi hồng nhợt mà tối, là phong tà bế ở ngoài, đỏ tía mà mờ tối, là nhiệt độc chứa lại nhiều quá; trắng mà không đỏ, lại là thuộc về hiện tượng chính khí hư nhược, không thông đạt ra ngoài được. Bệnh đan sa sắc tươi hồng, thành từng mảng không phân biệt rõ ràng với chỗ da lành lặn được. Chứng này tấy nhiên có kiêm cả sợ lạnh, nóng dữ, họng sưng đỏ đau nhức, nó khác với bệnh lên sởi.
Ban chẩn: đều do nhiệt độc nhiễm vào phần dinh huyết mà gây ra. Ban thì thành từng mảng, sắc đỏ mà không có mụn, sởi thì có mụn hình như hạt kê. Lên sởi thì nhẹ, phát ban thì nặng, thấy có ít là nhẹ, thấy có nhiều là nặng, sắc hồng là nhẹ, sắc đỏ là nặng, sắc ban đen mà tối, phần nhiều là chết.
Bạch bồi(1): ngoài da hiện ra những mụn nhỏ, sắc trắng gọi là bạch bồi, sắc như thủy tinh là tốt, bạch bồi mọc dày khắp là thấp nhiệt bốc lên mạnh, bệnh lâu ngày sắc không tươi, mụn không đều đặn là khí dịch hao kém. Nếu trắng như xương khô, đó là khí dịch đã hao tổn quá, thì thường là triệu chứng không tốt lành.
2. Văn chẩn
Phạm vi của phép văn chẩn phải chỉ bàn định về tai nghe, còn bao quát cả mũi nữa. Vì thế ta đem chia văn chẩn chia làm hai bộ phận để bàn thuộc về phương diện thính giác là nghe âm thanh, thuộc về phương diện khứu giác là ngửi khí vị.
a) Âm thanh
Tiếng nói: chú ý vào sự thay đổi âm thanh ở lời nói của người bệnh, có thể phân biệt được những tật bệnh nội thương, ngoại cảm hư thực hàn nhiệt. Ví dụ, như lời nói thấp nhỏ, phần nhiều là chứng hư về nội thương; tiếng nói sang sảng, phần nhiều là chứng thực về ngoại cảm. Tiếng cao nói nhiều hoặc nói mê, phần nhiều là nhiệt chứng, thực chứng; tiếng thấp, nói ít, nói thì thào phần nhiều thuộc hàn chứng, hư chứng. Lại như tiếng nói ngượng nghịu, phần nhiều là phong đờm; nói một mình, phần nhiều là thần bị thương tổn.
Hơi thở: thở to là hơi thở có sức mà không bình thường, mỗi khi bị ngoại cảm nóng dữ, có thể thấy bệnh này phần nhiều ở hai kinh phế và vị; thở nhỏ là hơi thở nhỏ yếu, chủ về bệnh hư yếu, thường thấy ở bệnh nội thương, bệnh lâu ngày hoặc khi người bệnh chưa khỏi mà chính khí chưa khôi phục được. Trong tạp bệnh, sau khi mất huyết nhiều quá cũng thường có hiện tượng thở yếu.
Khí suyễn: có chia ra hư thực. Thực suyễn thì ngực đầy trướng, thở to tiếng cao, thở dồn lên cuồn cuồn ành ạch, không chịu được chỉ thở ra mới thấy dễ chịu, phần nhiều là thực nhiệt ở phế và vị; hư suyễn hoảng hốt, đuối hơi, tiếng thấp, hơi ngắn, đứt hơi chỉ muốn thở được hơi dài là dễ chịu, phần nhiều là thuộc về thận hư. Lại như khí suyễn mà kiêm cả chứng mũi thở phập phồng bệnh này phần nhiều là nguy thuộc về khí nghịch bế tắc, thường vì ngất đi mà chết.
Thái tức là thở dài, là một thứ hơi thở bị kéo dài ra, thường vì tình tự uất ức, khí trệ không lợi, trong ngực đau buồn mà phát sinh ra, phần nhiều thấy ở bệnh buồn uất lo nghĩ.
Ho: chứng ho tất nhiên là có quan hệ với phế tạng như bệnh của ngũ tạng, lục phủ cũng có thể ảnh hưởng tới phế mà sinh ra chứng ho vì thế chẩn đoán bệnh ho thì cần phải xem xét kỹ càng, chia rõ là chủ yếu và thứ yếu. Người xưa thường nhận rằng ho có tiếng không có đờm là “khái”, có đờm không có tiếng là “thấu”, có tiếng và có đờm là "khái thấu". Lại nói ho mà không có đờm, thì chú trọng về ho, chủ trị ở phế; vì đờm mà ho thì chú trọng về đờm chủ trị ở tỳ. Lại như mới bị bệnh ho khan, phần nhiều là tà uất ở phế; bệnh lâu ngày ho khan, phần nhiều là thuộc về nội thương suy tổn, tân dịch khô ráo, bệnh đó thường dễ thành lao. Lại như thốt nhiên bị ho, khàn tiếng, phần nhiều là phế thực (kim thực bất minh: chuông đặc không kêu), bệnh đó không vì hàn tà thì tức là vì hỏa tà; ho lâu ngày khàn tiếng phần nhiều là phế hư (kim phá bất minh: chuông vỡ không kêu), không phải khí hư, thì tức là tinh bị tổn thương. Còn như chứng ho mũi nghẹt, chảy nước mũi nhiều, phần nhiều là cảm mạo, bệnh đó dễ khỏi; chứng ho từng cơn, khi phát lên thì liên thanh không dứt, nặng hơn nữa là nôn mửa, là bệnh “ho gà” (tục gọi là bệnh bách nhật khái) thì bệnh kỳ kéo dài hơn.
Nôn mửa: nấc ợ hơi, nôn mửa, trong khi văn chẩn có thể tiếng mạnh hay yếu, mửa nhiều hay ít mà kiêm cả những chứng trạng khác để phán đoán hàn nhiệt, hư thực của bệnh tình. Ví dụ như nôn mửa ra nước trong, đờm dãi, rêu luỡi trắng trơn, mạch nhỏ vô lực, đó là trong vị có hàn; nôn mửa ra đờm đặc, nước vàng, hoặc chua hoặc đắng, rêu lưỡi vàng, mạch đại hữu lực đó là trong vị có nhiệt ăn vào mửa ra, nôn mửa thì là tỳ và thận đều hư, không có thể tiêu hóa được; chứng lý thực ẩu thổ thì đại tiện bí kết, bụng đầy, ngực buồn, đó là trong ruột bị táo bón, khí uế trọc xông lên mà gây ra.
Chứng ách nghịch tục gọi là nấc, trọng điểm về biện chứng này là nấc tiếng cao hay thấp, đứt quãng hay liên tục, lấy đó để phán đoán hàn, nhiệt, hư, thực của bệnh tình. Ví dụ như nấc liên thanh mà có sức, thuộc về thực nhiệt, thường thấy ở bệnh chứng của thương hàn không chữa kịp thời đến nỗi đại tiện bí kết, vị khí không đưa xuống được; nếu tiếng nấc thấp yếu mà không đạt lên cuống họng được thì thuộc về hư hàn, thường vì ỉa chảy lâu ngày, tỳ dương suy yếu, hư khí nghịch lên mà gây ra. Nếu nấc đứt quãng, nửa giờ mới nấc một tiếng thì phần nhiều hiện ra ở bệnh đã lâu ngày, hoặc thời kỳ sau cùng của bệnh sốt, đó là vị khí đã bại, là rất nguy hiểm. Nói chung chứng nấc thuộc thực, thuộc nhiệt, tiếng nấc có sức là dễ chữa, nấc thuộc hư hàn, tiếng nấc không có sức là khó chữa.
ợ hơi là do tỳ vị bị ủng trệ, sự tiêu hóa mất bình thường, đồ ăn tích trệ ở trong mà khí nghịch ợ lên, ợ ra thường có mùi chua hăng. Nếu bệnh can liên cập đến tỳ, vị, khí nghịch lên, cũng thường thấy ợ hơi, nhưng không có mùa chua hăng, đó là điểm khác nhau của hai chứng.
b) Khí vị
Bệnh khí: người bị bệnh ôn dịch khí mới bắt đầu phát ra thì có một thứ hơi lạ thường sặc lên, mùi rất khó ngửi, nhẹ thì ở trong phạm vi giường màn, nặng thì đầy khắp cả nhà. Người bị thương hàn lúc mới bắt đầu không có bệnh khí, đến khi đã chuyển vào dương minh phủ chứng mới có bệnh khí phát ra nhưng chỉ trong phạm vi giường màn không thấy đầy khắp nhà. Ngoài mùi hôi thối của người bị bệnh dịch ra còn một thứ mùi thây ma, ngửi phải làm cho người ta khó chịu; còn bệnh tật khác thì chỉ có hơi thối hoặc hơi hôi của mồ hôi.
Hôi miệng đờm mũi: hôi miệng là trong miệng thở ra mùi hôi thối, như trong dạ dày có nhiệt, thì sinh ra hơi hôi nóng, trong dạ dày thức ăn không tiêu thì sinh ra hơi chua; răng bị cam thì sinh ra hôi thối. Ho mửa đờm đục, máu đặc có tanh hôi, thì phần nhiều là phế ung; mũi chảy nước đục, có mùi tanh hôi thì gọi là tỵ uyên.
Đại tiểu tiện: mùi đại tiện cũng có thể giúp cho việc chẩn đoán, như đại tiện có hơi chua thối, phần nhiều tích nhiệt trong ruột; đại tiện tanh hôi mà đi ra lỏng loãng, phần nhiều là chứng hàn ở trong ruột. Lại như tiểu tiện khai mà đục, phần nhiều là thấp nhiệt dồn xuống bàng quang. Đánh rắm thối lắm, phần nhiều là tiêu hóa mất bình thường; thức ăn không tiêu mà đình trệ lại.
3. Vấn chẩn
Vấn chẩn là thầy thuốc nói chuyện với bệnh nhân hoặc với người nhà bệnh nhân để hiểu tình hình diễn biến của tật bệnh, sự sinh hoạt, làm lụng, nghỉ ngợi, hoàn cảnh chung quanh của người bệnh, dựa theo đó mà cung cấp được rất nhiều tài liệu cho sự nhận thức tật bệnh. Vì thế, vấn chẩn ở trên phương pháp chẩn đoán là có tác dụng rất lớn. Nhưng cũng có sự hạn chế nhất định ở một đôi chỗ nào đó. Thí dụ như trẻ con hoặc người bệnh thần chi mê mẩn thì không thể bày tỏ hoặc bày tỏ không được rõ ràng, vả lại trình độ chịu đựng sự đau khổ của người bệnh cũng không giống nhau, vì thế khi lâm sàng chẩn đoán chẳng những cần vận dụng phép vấn chẩn một cách chính xác, mà lại còn cần kết hợp chặt chẽ với những phép “vọng” và “văn”, “thiết” nữa, mới có thể chẩn đoán được chính xác. Nay đem nội dung chủ yếu của phép vấn chẩn, phân biệt trình bày rõ ràng dưới đây:
a) Quê quán (bao gồm cả những địa phương khác mà cư trú lâu ngày)
Hỏi quê quán là rất trọng yếu, bởi vì sự sinh hoạt, làm lụng nghỉ ngơi khác nhau, thiên thời, địa lý, phong tục, tập quán khác nhau đều có quan hệ mật thiết với tật bệnh. Cho nên về bệnh tình và dùng thuốc cũng thường có tính chất đặc biệt khác nhau của nó. Như chữa bệnh ngoại cảm, ở khu vực Tây Bắc là hàn thấp nặng thì phần nhiều dùng thuốc tân ôn, khu vực Hoa Nam dãy Giang Tây Chiết Giang thì phần nhiều dùng thuốc thanh lương; lại như khu vực trồng dâu nuôi tằm, thì phần nhiều là bệnh hoàng bạn(1), khu vực ao hồ hai bên bờ sông Trường Giang thì phần nhiều có những chứng cổ trướng, đều là ví dụ cụ thể.
b) Tình hình sinh hoạt tập quán và sức khỏe ngày thường
Sự sinh hoạt tập quán hàng ngày thường có thể ảnh hưởng đến bệnh tình. Như nói về ăn uống, nếu thường ngày ăn uống mất điều hòa thì khí ở trung tiêu phần nhiều bị hao tổn trước, mà khí ở trung tiêu mạnh hay yếu là có thể ảnh hưởng đến sự truyền biến của tật bệnh. Lại nói về thể chất, như người vốn khỏe mạnh từ trước, thì sức đề kháng cũng mạnh; người vốn yếu đuối từ trước, thì không chịu nổi được sự xâm phạm của tà khí. Những điều nói trên rất có quan hệ với dự đoán bệnh tình, khi lâm sàng phải nên chú ý.
Ngoài ra, trong ngũ vị mà có sở thích riêng về vị gì thì có thể đoán biết được chứng hậu thiên thịnh hoặc thiên suy của tạng khí. Ví dụ thích ăn ngọt là tỳ hư, thích ăn cay là bệnh ở phế, thích ăn chua là can hư, thích ăn mặn là thận yếu, thích ăn đắng là bệnh ở tâm v.v...
c) Tinh thần hoàn cảnh
Sự tốt hay không tốt của hoàn cảnh tinh thần có ảnh hưởng rất lớn với sự phát sinh, phát triển và dự đoán về sau của một số tật bệnh, cho nên trong khi chẩn trị càng nên chú ý. Sách Y học nhập môn nói: “Nên hỏi hoàn cảnh của người bệnh thuận hòa hay không, hoàn cảnh thuận hòa tính thì tình tính hòa mà khí huyết cũng dễ điều hòa; hoàn cảnh ngang trái thì khí huyết bị uất ức, thuốc cho uống nên dùng thêm những thuốc khai uất, hành khí nữa”.
d) Tình hình bệnh bắt đầu và chuyển biến
Hiểu rõ bệnh tình khi bắt đầu và chuyển biến có thể giúp cho chúng ta một ấn tượng chẩn đoán bước đầu, như mới bị bệnh thấy ngay đau đầu, sợ lạnh, phát nóng thì phần nhiều là bệnh ở biểu; nếu bắt đầu bị bệnh thấy ngay đau bụng thổ tả, tay chân quyết lạnh là bệnh ở lý. Lại như bắt đầu bị bệnh rất nhẹ, dần dần biến ra nặng, thì nên chú ý đến tiêu, bản, lành, dữ, khi bệnh tình đã phát triển rồi, thì xử lý cũng nên tùy cơ ứng biến. Nếu như khi bệnh bắt đầu rất nặng đột nhiên chuyển ra nhẹ, thì cũng nên xét kỹ về thịnh hay suy, nghịch hay thuận, không nên sơ ý được, thường thường có khi tà suy thì chính cũng suy; hoặc là hiện tượng bệnh ở ngoài tuy nhẹ, nhưng bên trong lại có sự biến hóa nặng. Ví dụ như một số “chứng nội hãm” là như thế. Lại như trước suyễn sau đầy trướng là chủ bệnh ở phế; trước đầy trướng sau suyễn là chủ bệnh ở tỳ. Đây là nói rõ hỏi được kỹ càng tình hình trải qua và chuyển biến của tật bệnh, là có ý nghĩa khá trọng yếu về việc chẩn đoán.
đ) Hàn, nhiệt
Hỏi về hàn, nhiệt có thể phân biệt được biểu, lý, hư, thực của bệnh tình, ví dụ như khi bắt đầu bệnh nóng lạnh không có mồ hôi, đau đầu, đau mình, phần nhiều thuộc về ngoại cảm phong hàn, là bệnh tà ở biểu, như thấy phát sốt có mồ hôi mà không đỡ, miệng khát, đại tiện bí, tiểu tiện đỏ, nói sảng, phần nhiều vì thực nhiệt đốt ở trong, là bệnh tà ở lý. Nếu như bệnh âm hư phát nhiệt thuộc chứng nội thương, thường thường là nhiệt thế liên miên, lòng bàn tay nóng khó chịu, lâu ngày không lui, bệnh khi lên, khi lui không nhất định, gò má đỏ, môi khô, nhưng không sợ rét đau đầu, nếu dương hư phát nhiệt thường thấy tự ra mồ hôi, mình mỏi, sắc mặt trắng nhợt, miệng bình thường, có hiện tượng hơi sợ gió, sợ lạnh. Ở trong chứng sợ lạnh còn có sự phân biệt, như lưng sợ lạnh thì thận dương hư.
e) Mồ hôi
Chú ý phần chủ yếu là có mồ hôi hay không có mồ hôi, mồ hôi ra nhiều hay ít, thời gian ra mồ hôi. Như chứng ở biểu không có mồ hôi là biểu thực, có mồ hôi là biểu hư, nếu như mồ hôi ra thì chứng sợ lạnh khỏi mà nóng không lui, là tà đã vào lý. Dương hư, tự ra mồ hôi, động đến việc gì thì thấy thiếu hơi, ra mồ hôi, âm hư đổ mồ hôi trộm, ngủ thì mồ hôi ra, tỉnh thì mồ hôi hết. Mồ hôi thấp nhiệt thì màu sắc thường vàng; dương hư khí thoát thì mồ hôi trán; mồ hôi ra như chất dầu thì là tuyệt hãm; mồ hôi ra nhờn dính thì là thoát hãn.
f) Đầu, mình
Đầu đau có thể thấy ở nhiều thứ tật bệnh, như lấy chỗ đau khác nhau để phân biệt thì đau ở sau đầu liền xuống gáy thuộc về thái dương; đau ở trước đầu liền xuống trán thuộc về dương minh; đau ở hai bên đầu thuộc thiếu dương; đầu đau như bó chặt lại thuộc về thái âm; đầu đau rút giận trong óc thuộc về thiếu âm; đau ở đỉnh đầu thuộc về quyết âm. Bệnh nội thương đau đầu thường kiêm cả váng đầu hoa mắt, đau có khi thôi; bệnh ngoại cảm đau đầu, thì đau không ngớt, tất nhiên có kiêm cả nóng rét. Đầu choáng váng mà có kiêm cả thực chứng, phần nhiều vì đờm trọc là trở ngại ở trong; khí thanh dương không đưa lên được, đầu choáng mà kiêm cả hư chứng, phần nhiều thuộc về thận hư can dương nhiễu động ở trên. Đầu nghiêng(1) phần nhiều thuộc về não hư, đầu trướng thuộc về thấp nặng.
Mình đau liên miên phần nhiều thuộc về hàn tà; đau mà chạy ran, là kèm cả phong tà; tay chân mình mẩy tê đau không di dịch là hàn thấp lưu trệ, khí huyết bị trở ngại; nếu khớp xương đau nhức thì gọi là tê thấp; mình đau mà kiêm cả nhức đầu, phần nhiều vì biểu tà gây ra; mình đau mà thấy cả da thịt bị nóng đốt, hoặc sưng đỏ không tiêu đi được, hoặc nóng ở trong, phiền, khát, thì là hỏa ở dương minh vị thịnh quá; tay chân hoặc mình mẩy bị tê dại ở một chỗ nào đó thì phần nhiều là khí hư; ngón tay tê dại, thậm chí ran đến cả cánh tay và khuỷu tay, thường là triệu chứng đầu tiên của bệnh trúng phong; bệnh lâu ngày gầy mòn mà thấy đau mình, là vì khí huyết suy kém không thấm nhuần nuôi dưỡng được mà gây ra; nếu mình nặng mà đau cử động khó khăn, là thấp tà làm trở ngại ở bắp thịt kinh lạc; nếu bệnh lâu ngày mình nặng như đá không cử động được, là bệnh nguy rồi.
g) Đại tiểu tiện
Hỏi về tình tình đại tiểu tiện, có thể phân biệt hư thực, hàn nhiệt của bệnh tình. Ví dụ đại tiện bí kết, khô ráo khó đi, phần nhiều là thuộc về hư nhiệt, đại tiện lỏng, ỉa chảy không thôi phân nhiều là thuộc về hư hàn. Lại như đại tiện trong loãng, tanh hôi phần nhiều thuộc hàn; đặc dính chua thối, phần nhiều thuộc nhiệt. Màu đen như cao ứ huyết, tía như màu tương là thấp nhiệt. Đại tiện bí mà thấy cả mạch và chứng thực nhiệt, là dương kết; đại tiện bí mà thấy cả mạch và chứng âm hàn, là âm kết; đại tiện bí mà cả mạch và chứng huyết hư là huyết khô, ruột táo; đại tiện đi loãng mà gây ra chất đồ ăn không tiêu hóa được kiêm cả mạch và chứng hư hàn đó là hàn tả; đại tiện đi tả mạnh dồn xuống mà bức, lỗ đít nóng, kiêm cả mạch và chứng thực nhiệt đó là nhiệt tả. Lúc đi đại tiện mót, rặn rất khó đi, bụng đau khó chịu, sau khi đi đại tiện rồi mới thấy dễ chịu đó là thực chứng; khi đi đại tiện, tự nhiên chảy xuống, bụng không đau, sau khi đi đại tiện thấy khó chịu đó là hư chứng. Chứng tiết tả mà nhiệt kết nước chảy xung quanh, tất nhiên thấy vùng dạ dày hoặc bụng rốn đầy cứng mà đau, khi ở trung tiêu bị hãm xuống, có khi muốn đi tiểu tiện đại tiện, không hạn chế được.
Tiểu tiện vàng đỏ thuộc nhiệt, trong trắng thuộc hàn. Vàng đỏ mà có lẫn đục, thậm chí tiểu tiện giắt không lợi là thấp nhiệt; trong trắng mà đái nhắt, thậm chí tiểu tiện tự són ra, là khí hư. Lại như người bệnh đi ỉa chảy, tiểu tiện tất nhiên ít và vàng. Nếu như phát nóng mà tiểu tiện trong dài, là bệnh tà chưa truyền vào lý; bệnh sốt mà tiểu tiện dần dần trong dài là bệnh tình đã có chiều hướng giảm bớt. Lại như tiểu tiện nhiều mà miệng khát, hay uống nước, thân thể gầy mòn dần dần, phần nhiều là bệnh tiêu khát. Tiểu tiện dầm dề, đau nhói trong ngọc hành là bệnh lâm; đau mà tiểu tiện ra huyết là bệnh huyết lâm.
h) Ăn uống khẩu vị
Hỏi đến vấn đề ăn uống có thể hiểu được tình hình về trường vị của người bệnh. Nếu như bị bệnh mà ăn uống như thường, là vị khí chưa bị thương tổn; không muốn ăn uống mà đại tiện bí kết, hoặc thường thường ợ hơi, là trường vị bị trệ; đói không ăn được, trong dạ dày cồn cào, là đờm hỏa trở ngại ở trong; ăn nhiều hay đói, hình thể lại gầy, là vị hỏa đốt ở trong; hay ăn, hay đầy trướng là vị mạnh tỳ yếu; ăn vào đầy tức, là khí trệ thức ăn tích lại. Phàm bệnh được ăn vào mà hơi thấy dễ chịu, phần nhiều thuộc về hư và có trùng; ăn vào bệnh càng thêm nặng là thuộc về thực. Lại như người bệnh ăn uống thích nóng, phần nhiều là thuộc hàn ở trong; thích lạnh phần nhiều thuộc nhiệt ở trong.
Miệng đắng phần nhiều thuộc nhiệt; miệng nhạt mà thèm mặn là thuộc hàn; nuốt chua ợ hơi là trong có đồ ăn không tiêu, trong miệng ngọt nhờn là thấp nhiệt chứa lại ở Tỳ.
i) Ngực, bụng
Ngực bụng đau, trước hết phải hỏi đau ở chỗ nào, như đau ở thượng tiêu là bệnh ở phế, ở ngực và hoành cách mô; đau ở trung tiêu là bệnh ở tỳ và vị; đau ở hạ tiêu là bệnh ở can, thận, đại tiểu trường, bàng quang. Bỗng nhiên bị bệnh, phần nhiều thuộc thực; bệnh lâu ngày, phần nhiều thuộc hư. ăn vào thì bớt đau là hư; sau khi ăn đầy trướng là thực; đau từ từ mà không gấp, và đau không có chỗ nhất định, bệnh phần nhiều thuộc hư'; đau dữ dội mà cứng có chỗ nhất định không di chuyển, bệnh phần nhiều thuộc thực. Sườn đau nhói, là có huyết ứ; sườn đầy buồn tức mà đau, là khí ở can không thư thái. Trong dạ dày đau dữ dội, thấy cả chứng sợ lạnh, miệng nôn ra nước lạnh, gặp lạnh càng nặng hơn là vị hàn; trong dạ dày đau đầy cứng, không ưa xoa bóp, nuốt chua, ợ hăng, ăn vào càng đau nặng là thực tích; dạ dày đau từng cơn, đầy tức ợ hơi, là can và vị không hòa. Bụng đau, bụng sôi, mình nóng, tâm phiền, nôn mửa, ỉa chảy là thấp nhiệt thực chứng; bụng đau liên miên, tay chân lạnh, sợ lạnh, đại tiện đi chảy, là hàn thấp hư chứng bụng đau đầy cứng, mình nóng miệng khát, tâm phiền không ngủ được là thực nhiệt táo kết; bụng đau có cục, đau ở một chỗ, về đêm càng nặng, là ứ huyết ngừng tụ; đói thì đau dữ, có khi mửa ra nước trong, bụng đầy căng to ra, hoặc mửa ra giun đũa là đau bụng trùng tích. Còn như khí hư đầy trướng lại nên kết hợp với chứng trạng toàn thân để phân biệt.
k) Tai điếc, tai ù
Chứng tai điếc nói chung như bỗng nhiên bị điếc là thuộc thực, bị điếc lâu ngày là thuộc hư. Bệnh thương hàn bỗng nhiên tai điếc, phần nhiều vì tà ở thiếu dương, kinh khí bị bế tắc mà gây nên; bệnh ôn mà tai điếc, phần nhiều là âm tinh không đạt lên trên được, tà hỏa che lấp thanh khiếu. Cũng có khi bỗng nhiên bị cảm phong ôn, mũi ngạt đầu nặng, chuyển thành bệnh tai điếc, là dễ chữa hơn. Như người bệnh “khí hư”, “tinh thoát” mà tai điếc, thì bệnh tình nguy hiểm. Người xưa đã nói: điếc có chia ra nặng nhẹ, điếc nhẹ thì bệnh nhẹ, điếc nặng hay nhẹ có thể hiểu được bệnh tình tiến hay lui. Nếu theo sự chữa bệnh mà dần dần điếc nhẹ đi là bệnh lui; qua sự chữa bệnh mà điếc lại dần dần nặng thêm là bệnh tiến.
Chứng tai ù cần chia ra hư thực. Như tai ù mà thấy đau choáng, tâm động mạnh, phần nhiều là chứng hư; nếu tai ù mà thấy đại tiện bí kết, ngực buồn bực, ăn kém, thậm chí nôn mửa, phần nhiều là chứng thực.
l) Miệng khát
Rất khát mà muốn uống lạnh, thuộc về nhiệt ở lý; khát mà muốn uống nóng, thuộc về hàn ở trong, hoặc vì thấp nhiệt. Miệng tuy khát mà không muốn uống, là chân âm ở trong bị kém, tân dịch không đưa lên được; không có bệnh mà miệng không khát, đó là tân dịch đủ; nếu có bệnh miệng không khát, thì hoặc vì biểu tà còn chưa truyền vào lý, hoặc vì bệnh ở lý mà dương hư hàn thịnh. Lại có bệnh ôn kèm thấp, nhiệt bị thấp át đi, tuy thuộc chứng nhiệt mà miệng không khát cũng có bệnh ôn nhiệt, tà vào phần huyết mà lại không khát nước, là điều cần phải phân biệt.
m) Đàn bà, trẻ em
Về sinh lý của đàn bà khác với đàn ông, cho nên có một số bệnh tật, thường có quan hệ với kinh nguyệt, đái hạ, thai nghén, sản hậu, vì thế trong khi chẩn đoán bằng phép hỏi bệnh, cần phải chú ý. Như hỏi nguyệt kinh có đúng kỳ không? Màu sắc và số lượng kinh nguyệt có bình thường không? Khi thấy kinh có đau bụng không? Có thai hoặc mới đẻ hay đã lâu? v.v... nên hỏi rõ ràng thì có thể biết rõ được bệnh tình hàn hay nhiệt hư hay thực. Như kinh nguyệt thấy trước kỳ, sắc tươi hoặc tía, phần nhiều thuộc nhiệt; nếu kinh nguyệt thấy sau kỳ, sắc không tươi hoặc trước khi thấy kinh đau bụng, phần nhiều thuộc hàn; số lượng của kinh mất bình thường, bụng đau không ưa xoa bóp, phần nhiều thuộc thực; thấy kinh nguyệt trước kỳ mà sắc nhợt, số lượng ít, lưng mỏi, đái hạ, hoặc sau khi hết kinh lại thấy đau bụng, phần nhiều là hư; lại như bệnh thấy nóng sốt cơn, ho đờm, người gầy, tự đổ mồ hôi, mà kinh nguyệt bị bế lại, là huyết hải bị khô kiệt (bệnh này mà ăn chưa bị kém là bệnh còn có thể chữa được, nếu ăn ngày kém dần đi là khó chữa). Cũng có người vốn là không có bệnh về nguyệt kinh, bỗng nhiên tắt kinh, tiếp thấy những chứng nôn mửa, ăn rở(1) thì nên xem xét là có thai hay không, có đau bụng không, nói chung thấy rét nóng đau đầu là ngoại cảm; máu đẻ không thông mà đau bụng là ứ huyết.
Dùng phép vấn chẩn đối với trẻ em, nên hỏi kỹ càng người gia trưởng và người bảo mẫu của nó, về trẻ em cần phải hiểu tình hình sức khỏe của nó về trước, và cần hỏi rõ đã từng lên sởi, lên đậu chưa? Đã chủng đậu(2) chưa? Ngoài ra như về những mặt ăn, ở, bẩm tính và sự ham thích hàng ngày, thời gian phát bệnh, quá trình tật bệnh v.v... đều nên thăm hỏi kỹ càng, như thế mới có thể nắm vững được tình hình toàn bộ của tật bệnh.
4. Thiết chẩn
Thiết chẩn tức là thầy thuốc dùng tay ấn vào hoặc sờ, gõ ở chỗ nhất định trên thân thể người bệnh, nhờ đó để hiểu được sự biến hóa ở bên trong, hoặc sự phản ảnh ra bên ngoài của tật bệnh. Như mạch khi thịnh hay suy, ngực bụng có hình gì không, mềm nhũn hay cứng chắc, tay chân ấm hay lạnh v.v... Phương pháp chẩn đoán này có ý nghĩa trọng yếu ngang với ba phép chẩn đoán: vọng, văn, vấn. Về kỹ thuật vận dụng phép thiết chẩn giỏi hay không, thường thường có thể ảnh hưởng đến trình độ chính xác của việc chẩn đoán. Phương pháp cụ thể đại để có thể chia ra làm hai bộ phận là mạch chẩn và xúc chẩn.
a) Mạch chẩn
Mạch chẩn là thầy thuốc dùng ba đầu ngón tay là ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp (tay nhẫn) bắt mạch người bệnh, để phân biệt mạch tượng, kết hợp ba phép chẩn vọng, văn, vấn để chẩn đoán âm dương, biểu lý, hàn nhiệt, hư thực của tật bệnh, đó là một kỹ thuật tinh xảo, vì thế mà đầu tiên cần phải theo trên lý luận để tiến hành nghiên cứu, rồi sau đó theo trên lâm sàng mà thể nhận, học tập kỹ càng như thế mới có thể vận dụng theo ý mình được, ở đây trình bày vấn đề có quan hệ với mạch học trước, sau đó lại giới thiệu về mạch tượng và chủ bệnh.
* ý nghĩa về chẩn mạch: chẩn đoán mạch tượng có thể hiểu rõ được sự biến hóa của bệnh tà, theo đó mà phân biệt chứng hậu; còn mặt khác lại có thể dò biết được sự thường hoặc biến của khí huyết, theo đó mà suy đoán được sự thịnh hay suy của chính khí, làm cho thầy thuốc có thể nắm vững được chiều hướng tiêu trưởng trong lâm sàng. Những điểm trên đây, ở sách của y gia đời xưa có ghi chép nhiều, như thiên Mạch yếu tinh vi luận sách Tố vấn nói: “Mạch là phủ của huyết, mạch trường thì khí được trường, mạch đoản thì khí bị bệnh, mạch sắc thì tâm phiền, mạch đại thì bệnh tiến triển”. Thiên Nghịch thuận sách Linh khu nói: “Sự thịnh suy của mạch là để xét biết được sự hư hay thực, hữu dư hay bất túc của khí. Những câu đó đều nói rõ chẩn mạch có thể hiểu được sự tiến hay lui của tà khí và sự biến hóa của chính khí. Thiên Phương thịnh suy luận sách Tố vấn lại nêu lên cụ thể về giá trị của việc chẩn mạch trong lâm sàng. Trong sách đó nói: đem những tình hình tỉ mỉ đã xem xét được mà tổng hợp lại, suy tìm sự biến hóa của âm dương, hiểu rõ bệnh tình của ngũ tạng, rút ra được kết luận đúng đắn rồi căn cứ vào điểm cốt yếu của hư thực, ngũ chẩn, ngũ độ để phán đoán. Do đó, chúng ta có thể thấy được phép chẩn mạch là để dò xét sự thịnh suy của khí, huyết, âm, dương, chiều hướng hư thực của chính khí, tà khí, và thường độ của ngũ tạng, để làm căn cứ cho việc chẩn đoán và trị liệu. Tất nhiên cần phải hiểu phép chẩn mạch chỉ là một trong bốn phép chẩn, nhất định là phải kết hợp với ba phép chẩn kia mới có thể kết luận được chính xác. Đương nhiên, trong một số tình hình nào đó, còn phải căn cứ vào tinh thần biện chứng luận trị, hoặc bỏ mạch theo chứng, hoặc bỏ chứng theo mạch để xử lý.
* Bộ vị chẩn mạch và phân phối tạng phủ: bộ vị chẩn mạch và phân phối tạng phủ, người xưa có chỗ khác nhau. Nay đem bộ vị chẩn mạch của sách Tố vấn và Nạn kinh cùng với phương pháp phân phối tạng phủ của đời này qua đời khác, giới thiệu những điều kiện cốt yếu dưới đây, làm cho người học có được kiến thức khái quát để tiện nghiên cứu thêm.
- Tam bộ và cửu hậu của sách Tố vấn
Xét theo lời bàn trong thiên Tam bộ cửu hậu luận sách Tố vấn thì bộ vị chẩn mạch chia khắp toàn thân, phương pháp chẩn đoán lúc bấy giờ là đem thân thể người ta chia làm 3 bộ phận: thượng, trung, hạ; mỗi bộ phận đều chia 3 hậu: thiên, địa, nhân. 3 hậu thiên, địa, nhân của thượng bộ (ở đầu) là 2 bên trán (huyệt Thái dương), 2 bên má (huyệt Cự liêu), trước hai tai (từ huyệt Hòa liêu đến huyệt Nhĩ môn); 3 hậu thiên, địa, nhân của trung bộ (ở tay) là 2 mạch thủ Thái âm (bộ Thốn khẩu), 2 mạch thủ Dương minh (huyệt Hợp cốc), 2 mạch thủ Thiếu âm (huyệt Thần môn); 3 hậu thiên, địa, nhân của hạ bộ (ở chân) là Túc quyết âm (huyệt Ngũ lý, đàn bà lấy huyệt Thái xung), túc Thiếu âm (huyệt Thái khê), (túc Thái âm (huyệt Cơ môn, xem về vị khí thì lấy huyệt Xung dương).
Tam bộ cửu hậu của sách Tố vấn là suy tìm huyết quản ở tầng lớp nông cạn của toàn thân để phân tích sự biến hóa về khí huyết trong thân thể người ta hoặc thịnh hoặc suy, hiện nay trong lâm sàng cũng ít dùng, nhưng mà trong trường hợp bệnh tật nguy hiểm, thì thường thường xem mạch ở 3 bộ Thái xung, Thái khê và Xung dương để dự đoán về sau.
- Sách Nạn kinh chỉ dùng một bộ thốn khẩu
Bộ vị chẩn mạch của Nạn kinh là đem mạch thốn khẩu ở cánh tay trước chia thành 3 bộ: thốn, quan, xích, mỗi bộ lại chia ra 3 hậu: phù, trung, trầm, đem hợp lại cũng là 3 bộ 9 hậu, chỉ lấy một bộ thốn khẩu, theo đó mà thăm dò sự thịnh hay suy của khí huyết trong toàn thân.
Lý luận chỉ dùng một bộ thốn khẩu của Nạn kinh là “12 kinh đều có động mạch, phương pháp lấy một mình bộ thốn khẩu để quyết đoán ngũ tạng, lục phủ, sinh tử, lành dữ là thế nào? Trả lời: thốn khẩu là chỗ đại hội của mạch, là động mạch của thủ Thái âm... là thủy chung của ngũ tạng, lục phủ, cho nên phương pháp là lấy ở thốn khẩu”.
Xét trong thiên Ngũ tạng biệt luận của sách Tố vấn nói: “Hoàng đế hỏi: khí khẩu sao lại làm chủ riêng của ngũ tạng? Kỳ Bá trả lời: vị là cái bể chứa đồ ăn, là nguồn lớn của lục phủ”. Sách Tứ chẩn quyết vi của Lâm Chi Hàn đời Thanh dẫn lời bàn về thốn khẩu, khí khẩu, mạch khẩu của Trương Cảnh Nhạc, chứng thực 3 bộ phận này đều chỉ vào mạch thủ Thái âm phế mà nói (nói rõ ở điều mục Thiết chẩn ở sách Quyết vi quyển thứ 4). Do đó có thể biết phương pháp lấy riêng 3 bộ 9 hậu của thốn khẩu tuy là ở sách Nạn kinh, mà lý luận lấy một mình thốn khẩu đó, thực ra cũng bắt nguồn ở sách Tố vấn.
- Phân phối tạng phủ
Sự phân phối về tạng phủ trong lâm sàng thường dùng hiện nay là noi theo phương pháp lấy một bộ phận thốn khẩu của Nạn kinh tức là đem động mạch ở phía cánh tay trước chia thành 3 bộ phận: thốn, quan, xích; 3 bộ phận này phối hợp riêng từng tạng phủ, gọi là phân phối tạng phủ. Người xưa đối với việc phân phối tạng phủ của 6 bộ ở 2 tay, tuy có đôi chút khác nhau nhưng mà tinh thần cơ bản là nhất trí. Nay đem mấy phương pháp phân phối mấy loại này quy nạp sơ lược nêu lên những bảng sau đây, trong đó lấy sự phân phối tạng phủ trong mạch kinh của Vương Thúc Hòa đã vận dụng rất rộng rãi trong lâm sàng. Còn các sách khác thì có thể giúp cho việc tham khảo trong lâm sàng.
* Phương pháp cụ thể về xem mạch
Trước khi học tập phương pháp chẩn mạch, đầu tiên cần phải hiểu rõ tiêu chuẩn của mạch tượng bình thường. Mạch người bình thường đáng lẽ hòa hoãn, nhịp nhàng, qua lại đều nhau, đã không gấp rút cũng không quá chậm, không rộng không hẹp, không cao, không thấp, thông một hơi thở mạch đến 4, 5 lần, đó là mạch của người không có bệnh.
- Cách đặt ngón tay: phương pháp cụ thể về chẩn mạch, các y gia đời xưa trong khi chữa bệnh có ghi chép rất nhiều, trước tiên là cách dùng ngón tay, trong sách Hoạt nhân thư của Chu Quăng nói: “Phàm khi mới đặt ngón tay xuống, đầu tiên đặt ngón tay giữa vào bộ quan (chỗ ngang với lồi xương quay) rồi đặt luôn hai ngón tay trước và sau là 3 bộ mạch. Ngón tay trước là bộ thốn khẩu, ngón tay sau là bộ xích. Nếu người tay dài thì đặt thưa ngón tay. nếu người tay ngắn thì đặt khít ngón tay”. Khi đặt ngón tay cần phải để đầu ngón tay bằng nhau, vì chừng mực cảm giác ở da của ba đầu ngón tay không giống nhau lắm. Ví dụ cảm giác của ngón tay trỏ là rất nhạy, ngón giữa tương đối kém, ngón áp càng kém hơn, vì thế mà khi cần đếm nên dùng chỉ nhĩ (chỗ đầu ngón tay nổi lên như sợi chỉ) để sờ ấn. Điều trọng yếu hơn nữa là không nên đem mạch đập ở đầu ngón tay của mình mà nhận nhầm lẫn với mạch đập của người bệnh, bởi vì đầu ngón tay của thầy thuốc là có động mạch, điều đó trong khi lâm sàng cũng cần nên chú ý.
- Định hơi thở: hơi thở của thầy thuốc nên bình tĩnh, phù hợp với trạng thái yên tĩnh khi bình thường ở khoảng một hơi thở ra hít vào, giữ được một tiêu chuẩn mạch đập 4 lần thì gọi là định hơi thở (1 lần thở ra, 1 lần hít vào là 1 hơi thở). Sau đó căn cứ vào tiêu chuẩn này, hết sức chú ý tập trung vào dưới ngón tay để thăm dò mạch tượng và số mạch đếm của người bệnh. Đồng thời khi định hơi thở, thầy thuốc còn cần làm cho ngón tay ấm áp, không nên lạnh quá để tránh cho người bệnh vì lạnh quá mà làm cho tinh thần căng thẳng, ảnh hưởng tới sự chân thực của mạch tượng.
- Chẩn mạch nên kiêng: chẩn mạch tốt nhất là lúc tảng sáng. Thiên Mạch yếu tinh vi luận sách Tố vấn nói: “Cách chẩn mạch thường vào lúc tảng sáng, âm khí chưa động, dương khí chưa tan, chưa ăn uống vào, kinh mạch chưa thịnh, mạch lạc đều đặn, khí huyết chưa rối loạn, cho nên mới xem được mạch có bệnh”.
Như thế là nói rõ lúc tảng sáng, bệnh nhân tương đối ổn định hơn thì sự thiên thịnh, thiên suy của tà khí và chính khí mới dò xét được dễ dàng. Nhưng lúc lâm sàng, không thể yêu cầu mỗi người bệnh đều chẩn mạch vào lúc tảng sáng cả, vì thế chúng ta cần phải nắm vững tinh thần chủ yếu mà nên chẩn mạch vào lúc tình hình yên ổn. Nhất thiết không nên khinh thường xem mạch vào lúc người bệnh ăn uống nóng, đói quá, no quá hoặc khi vừa mới uống rượu hoặc sau khi đi bộ, đi thuyền, đi xe mỏi mệt. Ngoài ra như ống tay áo người bệnh chật quá, và hoàn cảnh chung quanh ồn ào, không yên tĩnh đều có ảnh hưởng tới việc xem mạch, cũng nên tìm cách mà tránh.
a1. Mạch tượng và chủ bệnh
Phân loại mạch tượng là rất phức tạp, trải qua việc chỉnh lý và quy nạp của y gia đời này qua đời khác định ra 28 mạch. Nay giới thiệu sơ lược như sau:
Mạch phù
Mạch tượng: mạch đi nổi ở mặt ngoài da, ấn nhẹ thấy ứng ở ngay ngón tay.
Chủ bệnh: mạch phù thuộc về mạch dương, phần nhiều thấy ở biểu chứng phong tà còn ở bên ngoài, Nếu như mạch phù mà vô lực thì thuộc về chứng hư rồi.
Mạch trầm
Mạch tượng: mạch đi chìm ở khoảng gân, xương, ấn nặng tay mới rõ được, ấn nhẹ tay không thấy.
Chủ bệnh: mạch trầm thuộc về mạch âm, phần nhiều thấy ở lý chứng, có tà khí phục ở trong, nhưng chứng khí trệ hoặc chứng khí hư cũng có thể thấy mạch trầm.
Mạch trì
Mạch tượng: mạch đi chậm chạp, một hơi thở chỉ đến 3 lần.
Chủ bệnh: mạch trì thuộc về âm mạch, phần nhiều thấy ở chứng âm hàn ở nội tạng. Nếu như mạch phù mà kiêm cả trì là dương hư ở ngoài, như mạch trầm mà kiêm cả trì là hỏa suy ở trong.
Mạch sác
Mạch tượng: mạch đi gấp rút, một hơi thở đến 6 lần.
Chủ bệnh: mạch sác là thuộc về mạch dương, phần nhiều thấy về chứng nhiệt ở phủ. Nếu như mạch phù sác, không có lực, là hiện chứng âm hư; mạch trầm sác hữu lực là chứng hỏa nhiệt thịnh ở trong.
Mạch hoạt
Mạch tượng: mạch đi qua lại lưu lợi, tròn tròn.
Chủ bệnh: mạch hoạt có mấy tình trạng, huyết thịnh thì mạch hoạt lợi, là mạch không có bệnh; đàn bà có thai thì mạch cũng hoạt lợi, cũng là mạch không có bệnh. Chứng đờm và ăn không tiêu thì mạch cũng hoạt, khi tà khí nặng thì mạch cũng hoạt, đó là mạch có bệnh. Có bệnh mà thấy mạch hoạt thì đều là thuận lợi. Mạch hoạt có bệnh hay không có bệnh, có thể căn cứ vào chứng trạng để quyết định.
Mạch sáp
Mạch tượng: mạch đi khó khăn không lưu lợi.
Chủ bệnh: mạch sáp thấy ở chứng huyết ít, tinh bị thương tổn. Chứng khí trệ hoặc hàn thấp cũng có thể thấy mạch sáp.
Mạch hư
Mạch tượng: mạch đi phù mà trì nhuyễn, ấn tay xuống không thấy.
Chủ bệnh: mạch hư thấy về chứng huyết hư. Lại như mạch thương thử cũng thấy mạch hư.
Mạch thực
Mạch tượng: mạch đi đầy chắc, hữu lực, dài lớn và cứng chắc.
Chủ bệnh: mạch thực thấy về chứng tà khí thịnh, hỏa chứng tà thịnh, hoặc tà thực ủng kết cũng thấy mạch thực.
Mạch trường
Mạch tượng: mạch đi kéo dài thẳng lên thẳng xuống quá khỏi bộ vị của nó.
Chủ bệnh: mạch trường là hiện tượng hữu dư, thấy về chứng khí nghịch hỏa thịnh. Mạch dài mà thon như đầu vót cần câu, là tượng trưng mạch khỏe không có bệnh.
Mạch đoản
Mạch tượng: mạch ngắn mà sáp nhỏ, đầu đuôi như không có, ở giữa nổi lên, không đầy đủ bộ vị.
Chủ bệnh: mạch đoản là hiện tượng bất cập, thấy ở chứng bất túc, nguyên khí hư suy cũng thấy mạch đoản.
Mạch hồng
Mạch tượng: mạch tới cuồn cuồn đầy dẫy dưới ngón tay, khí đến mạch lớn, khi đi mạch kém dần.
Chủ bệnh: mạch hồng thấy ở chứng tà khí thịnh hỏa mạnh quá, nhưng nếu mạch hồng mà vô lực, đó là hư hồng, tức là hiện chứng hỏa bốc lên mà thủy cạn.
Mạch vi
Mạch tượng: mạch lờ mờ, rất nhỏ, rất mềm, giống như có, giống như không, muốn tuyệt mà không phải tuyệt.
Chủ bệnh: mạch vi thấy ở chứng vong dương, khí huyết suy quá không cấp cứu thì không thể vãn hồi được.
Mạch khẩn
Mạch tượng: mạch đi khẩn trương hữu lực.
Chủ bệnh: mạch khẩn thấy ở chứng hàn tà, chứng đau cũng có mạch khẩn.
Mạch hoãn
Mạch tượng: mạch đi khoan hòa, đều đặn, số mạch đập không thay đổi mấy.
Chủ bệnh: mạch hoãn là hiện tượng có vị khí đều không phải là mạch bệnh. Nhưng thấp tà gây ra bệnh cũng thấy mạch hoãn.
Mạch khâu
Mạch tượng: mạch hình như ống lá hành, ấn nhẹ, ấn nặng và ấn hai bên đều có, ấn vừa vừa thì trống rỗng.
Chủ bệnh: mạch khâu thấy ở chứng thất huyết, như những bệnh thổ huyết, nục huyết, băng huyết, lậu huyết.
Mạch huyền
Mạch tượng: như ấn tay vào dây dàn căng thẳng dưới ngón tay.
Chủ bệnh: nạch huyền thấy ở chứng can phong, chứng khí uất cũng thấy mạch huyền. Như chứng đờm ẫm mà đau thì mạch cũng thấy mạch huyền.
Mạch cách
Mạch tượng: mạch lớn mà huyền cấp, đặt nhẹ tay thấy ngay, ấn xuống thì không thấy, như ấn tay vào da trống, ngoài căng trong rỗng.
Chủ bệnh: chứng biểu hàn cực thịnh thì thấy mạch cách. Đàn ông mất tinh mất huyết, đàn bà đẻ non, rong huyết, băng huyết cũng thấy mạch cách.
Mạch lao
Mạch tượng: mạch lớn mà huyền thực, ấn nặng xuống mới thấy, ấn nhẹ hay ấn vừa đều không thấy.
Chủ bệnh: chứng tích tụ thì thấy mạch lao.
Mạch nhu
Mạch tượng: mạch đi phù mà rất nhỏ, rất mềm, nhẹ tay thì thấy ngay, ấn nặng tay thì không thấy.
Chủ bệnh: mạch nhu thấy ở chứng âm hư, thận hư, tủy kiệt, tinh thương thì mạch cũng thấy nhu.
Mạch nhược
Mạch tượng: mạch tế tiểu mà trầm, ấn nặng tay thì thấy, ấn nhẹ tay như không có.
Chủ bệnh: mạch nhược thấy ở chứng dương suy. Nếu bệnh lâu ngày mà thấy mạch nhược, đều không phải là chứng nguy hiểm.
Mạch tán
Mạch tượng: mạch phù mà tán loạn, ấn vừa vừa thì thấy mất dần, ấn nặng thì không có.
Chủ bệnh: mạch tán thấy ở chứng thận khí suy bại, bệnh mà thấy mạch tán thì tất nhiên là nguy vong.
Mạch tế
Mạch tượng: mạch như sợi dây, nhỏ và mềm, nhưng còn rõ hơn mạch vi.
Chủ bệnh: mạch tế thấy ở chứng khí suy. Chứng thấp cũng thấy mạch tế. Nếu các chứng hư lao tổn mà thấy mạch tế thì bệnh nặng.
Mạch phục
Mạch tượng: mạch núp lặn bên trong, phải đẩy gân sát xương mới tìm thấy được.
Chủ bệnh: mạch phục thấy về chứng bệnh tà thâm nhập vào lý. Nếu vì âm tà ngăn lại ở ngoài, dương khí phục ở trong mà thấy mạch phục, thì sau khi ra mồ hôi mạch tượng thấy rõ ngay.
Mạch động
Mạch tượng: mạch động thấy ở bộ quan, hình như hột đậu, mạch đi hoạt sác.
Chủ bệnh: mạch động thấy ở chứng đau. Bị kinh sợ mà mắc bệnh cũng thấy mạch động.
Mạch xúc
Mạch tượng: mạch đến cấp xúc có lúc dừng lại.
Chủ bệnh: mạch xúc thấy ở chứng hỏa. Phần khí bị trở ngại cũng thấy mạch xúc.
Mạch kết
Mạch tượng: mạch đến chậm chạp, có khi thấy ngừng lại.
Chủ bệnh: mạch kết thấy ở chứng tích trệ ngừng kết ở trong.
Mạch đại
Mạch tượng: mạch đi thay đổi, cứ mấy lần đến thì đứng lại một lần, không trở lại được lâu lâu lại thấy động.
Chủ bệnh: tạng khí suy bại thì thấy hiện tượng mạch đại. Bệnh thấy mạch đại thế tất đã nguy lắm rồi.
Mạch tật
Mạch tượng: mạch đi nhanh chóng, một hơi thở đến 7, 8 lần, rất vội vàng.
Chủ bệnh: bệnh thấy mạch tật là dương khí cực thịnh, âm khí sắp kiệt, không sớm thì chiều có thể nguy đến tính mạnh.
Trên đây là mạch tượng của 28 mạch và đại khái về những bệnh chủ yếu của nó, nhưng trong lâm sàng không nhất định xuất hiện một cách đơn thuần, thường thường một mạch thấy kiêm cả mấy mạch, mà kiêm mạch khác nhau thì chủ bệnh cũng có chỗ khác nhau. Như mạch phù kiêm khẩn là thương hàn; phù kiêm hoạt là đồ ăn tích lại không tiêu; phù kiêm sác là phong nhiệt. Lại như mạch tượng biểu hiện khác nhau ở bộ vị thốn, quan, xích của tay phải tay trái thì chủ bệnh của nó cũng có chỗ phân biệt. Đó là nên kết hợp bộ vị của tạng phủ phân phối để xem xét. Đương nhiên như vậy đều không phải là vận dụng một cách máy móc, mà là giúp cho việc tham khảo trong lâm sàng. Về kiêm mạch và chủ bệnh nói ở trên, người học có thể nghiên cứu thêm ở trong những sách chuyên nói về mạch học hơn nữa.
a2. Mạch quái
Mạch quái tức là mạch không có vị khí, mà lại khác với tất cả các mạch tượng, đó là mạch tượng bệnh nhân sắp chết mà xuất hiện ra. Phàm khi gặp tật bệnh nghiêm trọng cần phải chú ý. Trong mạch quái thường hay thấy có mấy thứ dưới đây:
* Tước trác: mMạch ở khoảng giữa gân và thịt, luôn luôn nảy dưới ngón tay, chợt có chợt không, ggiống như chim sẻ mổ thóc, đến 3 lần mà đi 1 lần;
* ốc lậu: mạch ở khoảng giữa gân cốt, như dưới máng nước đã nát, hồi lâu mới rớt một giọt (khoảng 1 hơi thở mới đến 1 lần, hình như nước không có sức vọt lên).
* Đàn thạch: mạch ở khoảng giữa gân và thịt, bần bật dưới ngón tay, mạch xúc mà cứng.
* Giải sách: mạch giống như gỡ dây rối, tán loạn không có thứ tự.
* Ngư tường: mạch ở bì phu như cá, đầu im mà đuôi ngoắt nổi lửng lơ ve vẫy.
* Hà du: mạch ở bì phu như con tôm bơi trên mặt nước, vụt một cái không thấy nữa.
* Phủ phí: mạch ở bì phu có đi ra không đi vào, cuộn lên như nước sôi không có định số. Những loại mạch như thế đều là biểu lộ ra bệnh nguy hiểm lắm không còn cơ sống nữa.
a3. Mạch phản quan
Có người mạch không đi ở bộ vị thốn khẩu, mà từ huyệt Liệt khuyết di chuyển đến bộ vị huyệt Dương khê ở sau cẳng tay gọi là mạch phản quan, khi chẩn mạch phải đặt sấp bàn tay mới thể biết được mạch đập. Có mạch phản quan ở một tay, cũng có mạch phản quan ở hai tay đều là vì bẩm sinh khác nhau hoặc vì bị thương vấp ngã mà gây nên.
a4. Những điều cần chú ý về chẩn mạch
Ngoài những điểm căn cứ vào mạch để đoán biết được bệnh đã nói ở trên như bệnh thương hàn thì mạch khẩn, thương phong mạch hoãn, bệnh nhiệt mạch sác, trúng thử mạch hư, còn cần chú ý mấy điểm dưới đây:
* Quan hệ của mạch đối với thời tiết như: mùa xuân thuộc mộc thì mạch nên huyền, mùa hạ thuộc hỏa thì mạch nên hồng chẳng hạn... Nếu như ở mùa đó mà không có mạch đó, tức là trạng thái bệnh của con người cùng khí trời không thích ứng với nhau.
* Quan hệ thuận nghịch của mạch với chứng: như bệnh tỳ mà thấy mạch huyền là “thổ hư mà mộc lấn át”, bệnh phế mà thấy mạch hồng là “hỏa đến khắc kim”. Lại như sau khi bị thất huyết, mạch nên tế tĩnh mà lại hồng đại là khí sắc thoát ra ngoài, bệnh nhiệt thịnh thì mạch nên hồng sác, mà lại tế nhược là mạch và chứng không phù hợp với nhau, biểu hiện ra bệnh thế có nhiều hướng không tốt.
* Quan hệ của mạch với thể cách: như người béo da thịt mập mạp thì mạch nên trầm, người gầy da thịt mỏng mảnh thì mạch nên phù. Nếu trái lại là trạng thái bệnh.
* Quan hệ mạch với bệnh tình chân giả: như ở ngoài đủ các chứng mình nóng, mặt đỏ, phiền táo, thở gấp, tuy giống như chứng nhiệt, nhưng án mạch thấy trầm tế, vi nhược (hoặc phù đại mà ấn tay xuống trống rỗng) thì có thể quyết định được chân hàn giả nhiệt. Trái lại như tay chân quyết nghịch, thậm chí khắp mình lạnh giá, nhưng án mạch thấy trầm hoạt, hoặc trầm mà hữu lực, thì lại thuộc về bệnh tình chân nhiệt giả hàn: “Nhiệt thâm quyết thâm”.
* Quan hệ của mạch với bệnh tình phát triển: như bệnh thương hàn 2, 3 ngày mà mạch cấp sác là bệnh thế phát triển, mạch tĩnh là bệnh không truyền kinh nữa. Bệnh lỵ mạch đại là bệnh tiến; mạch tiểu là bệnh hư.
* Quan hệ của mạch với việc dự đoán về sau: như dương chứng thấy mạch dương (phù, đại, hoạt, sác, v.v...), âm chứng thấy mạch âm (trầm, vi, tế, sáp, v.v...) là thuận, dương chứng thấy mạch âm là xấu, không tốt lành. Như thế là tham khảo cả mạch lẫn chứng thì có thể dự đoán được sự lành hay dữ của tật bệnh.
a5. Sự quy loại mạch tượng và ý nghĩa của nó trong lâm sàng
Về chẩn mạch, ngoài những nội dung nói trên ra, thì phương pháp quy loại trong sách Bát mạch yếu chỉ vi cương của Trương Cảnh Nhạc, cho đến sách Lục mạch cương lĩnh của Hoạt Thọ đời Minh và sách Tứ Mạch cương lĩnh của Lý Sĩ Tài đối với cấp sơ học mà nói thì là lối học tắt rất tốt. Trương Cảnh Nhạc đem 28 mạch phân biệt quy nạp làm 8 loại, mỗi một loại đều có chủ mạch với kiêm mạch. 8 loại chủ mạch là phù, trầm, trì, sác, tế, đại, đoản, trường, mà đem 20 mạch kia phân biệt quy nạp vào dưới 8 loại chủ mạch này, gọi là kiêm mạch. Ông Hoạt Thọ lấy phù, trầm, trì, sác, hoạt, sáp làm cương lĩnh, chia ra bao gồm cả 28 mạch kia. Lý Sĩ Tài lấy 4 mạch phù, trầm, trì, sác làm cương lĩnh chia ra bao gồm cả 24 mạch kia. Những phương pháp ấy đối với việc học tập và lâm sàng đều rất thuận tiện. Nó có một mấu chốt làm cho dễ ghi nhớ và phân biệt nhận thức được mạch tượng; mặt khác lại có thể thể hiện ra được tính chất chính thể của mạch học, làm cho học giả biết được các loại mạch tượng; đều không phải cô lập mà là quan hệ chặt chẽ với nhau. Tuy cách sắp xếp các loại mạch của các danh y có thay đổi thêm bớt, nhưng cũng là lấy cái đơn giản bỏ cái rườm rà làm mục đích chung. Dưới đây là phương pháp quy nạp lấy 6 mạch làm cương lĩnh của Hoạt Thọ, kê bảng như sau để giúp cho việc tham khảo:
Bảng quy loại 6 mạch cương lĩnh
Phù - Phù mà rất hữu lực, như đè vào da trống là mạch cách.
- Phù mà rất vô lực, như lụa ngâm trong nước là mạch nhu.
- Phù trầm đều hữu lực, mạch chắc dưới tay là mạch thực.
- Phù trầm đều vô lực, nấp dưới tay thoang thoảng là mạch hư.
- Phù trầm đại, giữa rỗng ngoài chắc như ống lá hành là mạch khâu.
Trầm - Trầm mà rất hữu lực, đè tay sát xương mới thấy là mạch phục.
- Trầm mà hữu lực, ở giữa khoảng trầm và phù là mạch lao.
- Trầm mà rất vô lực, tìm kỹ mới thấy được mà mạch nhược.
- 1 hơi thở 4 lần là mạch hoãn.
Trì - Hoãn mà có khi đứng lại là mạch kết.
- Khi trì, khi sác đứng lại, có số nhất định là mạch đại.
- Đến không đều số, đè tay thấy phù mà tán loạn là mạch tán.
Sác - Mạch sác ở bộ quan, không có đầu đuôi là mạch động.
- Đi lại thấy mạch sác, thường đứng dừng lại rồi lại đi là mạch xúc.
- 7, 8 lần đến là mạch tật.
Hoạt - Như đè tay vào dây đàn là mạch huyền.
- Đi lại, như xoắn dây là mạch khẩn.
- Không to không nhỏ, như vót cần câu dài là mạch trường.
- Đến thịnh đi suy, đến to đi dài là mạch hồng.
- Như hình hột đậu, đụng vào tay xuống ngay là mạch đoản.
Sáp - Rất nhỏ mà mềm, ấn tay vào muốn tuyệt là mạch vi.
- Như mạch vi mà rõ hơn là mạch tế.
b. Xúc chẩn
Về thiết chẩn thì ngoài việc chẩn mạch ra, còn có những cách chẩn cơ biểu ở tay chân, ngực, bụng nữa. Nay giới thiệu tóm tắt dưới đây:
Chẩn đoán ngoài da: sờ tay nhẹ ngoài da có thể biết được da dẻ nhuận hay táo, theo đó mà biết được người bệnh có mồ hôi hay không có mồ hôi. Đè nặng tay xuống, có thể phân biệt được bệnh tình khác nhau của bệnh thũng trướng, như ấn xuống thì theo tay mà lên, giống như bọc nước ở trong là bệnh thủy thũng, ấn lõm xuống mà không nổi lên, sắc da không thay đổi là bệnh phù trướng. Lại như da dẻ nổi vẩy là có hiện tượng ứ huyết ở trong. Về mặt ngoại khoa, cũng có thể thông qua phương pháp xem xét ở da thịt để phân biệt có mủ hay không có mủ, như lấy tay ấn xuống chỗ đau, nóng mà mềm là có mủ, không nóng mà cứng rắn là không có mủ; ấn nhẹ tay liền thấy đau là mủ ở nông cạn, ấn tay nặng mới đau là mủ ở bộ phận sâu; ấn lõm xuống mà không lên là mủ chưa thành, ấn lõm xuống mà lên ngay là mủ đã thành rồi. Đó đều là ứng dụng chẩn đoán về thiết chẩn ở ngoài da.
Chẩn đoán tay chân: “Tay chân là gốc của các khí dương” cho nên chẩn về tay chân ấm hay lạnh có thể hiểu được dương khí còn hay mất, là có ý nghĩa trọng yếu trong việc chẩn đoán để tiên lượng được về sau. Như trong thiên Luận xích sách Linh khu nói: “Đại tiện ra từng lát mát, đi ra sống phẩn, mạch nhỏ tay chân lạnh là khó chữa khỏi”. Lại như bệnh thương hàn thuộc kinh Thiếu âm càng nên chú ý xem xét tay chân ấm hay lạnh. Đồng thời xem xét tay chân còn có thể phân biệt được bệnh nội thương hay ngoại cảm, như lưng bàn tay nóng là bệnh ngoại cảm, lòng bàn tay và bụng dưới nóng là bệnh nội thương. Nóng ở lòng bàn tay còn có thể kết hợp nóng ở trán mà dò xét, như lòng bàn tay nóng hơn trán là hư chứng; trái lại, trán nóng hơn lòng bàn tay là biểu nhiệt. Mặt khác như trẻ em sốt cao độ, đầu chót ngón tay lạnh thì nên đề phòng chứng kinh quyết, phát nóng, ho đờm, chảy nước mũi. Mắt đỏ chảy nước, thấy đầu chót ngón tay lạnh là sắp lên sởi.
Chẩn đoán ngực, bụng: xem xét ngực, bụng có thể xem xét được bệnh của tạng phủ. Ví dụ như dưới mỏ ác(1) đầy mà ấn tay vào thấy đau cứng là bệnh “kết hung" thuộc về thực, dưới mỏ ác
đầy mà ấn tay vào thấy mềm nhũn không đau là bệnh “bỉ khí” thuộc về hư. Lại như bụng đầy, ấn tay vào thấy đau là thuộc về thực, không đau là thuộc hư. Thích đặt tay ấm vào là thuộc hàn, thích gần vật lạnh là thuộc nhiệt. Lại như sờ ở bụng mà thấy nóng dữ thì nóng ở trong cũng nặng; sờ vào bụng mà thấy nóng nhẹ thì nóng ở trong cũng nhẹ. Lại như xem mạch có nhiệt mà sờ vào bụng không nóng là biểu nhiệt, sờ vào bụng nóng như rát tay, đau không chịu nổi thì nên đề phòng bụng nội ung. Lại như chung quanh rốn đau mà sờ vào dưới bụng bên trái thấy lổn nhổn giống như hòn cục là có phần táo bón, nên cho uống thuổc xổ.
Ngoài ra chẩn mạch “Hư lý” cũng là phương pháp rất trọng yếu, mạch hư lý ở chỗ xương sườn thứ 4, thứ 5 dưới vú bên trái (bộ vị tâm tạng) sờ vào đó hơi động mà không ứng với tay là “tổng khí” ở trong bị hư. Không dùng đến tay sờ mà có thể trông thấy động lên áo là tổng khí tiết ra ngoài: ấn vào ứng với tay, động mà không khẩn, hoãn mà không cấp là tổng khí chứa ở chiên trung, thế là bình thường.
Phụ: ghi chép bệnh án
1. ý nghĩa và trình tự ghi chép bệnh án
Ghi chép bệnh án hiện nay gọi là bệnh lịch tức là thầy thuốc đem các loại bệnh tình đã thấy được trong lúc lâm sàng, và những cách phân tích, chẩn đoán, xử lý đối với những bệnh tình đó, ghi chép lại rất đúng đắn không thiếu sót, thành một văn kiện quý báu có tính chất thực tiễn. Nó là một tài liệu trọng yếu của viện nghiên cứu bệnh tật và tổng kết kinh nghiệm có đủ lý luận phong phú, có tác dụng nâng cao và phát triển học thuật. Vì thế trên lâm sàng, thầy thuốc phải ghi chép được y án đầy đủ là việc rất trọng yếu.
Sự ghi chép y án có một lịch sử lâu đời xưa kia từ đờn Hán Thuần vu đã có làm quyển Chẩn tịch, ngoài ra như về đời nhà Minh có cuốn y án Nhất tông của Hán Mậu, Mạch án cách thức của Ngô Côn, đến đầu thời Thanh có Nghị bệnh thức của Dụ Gia Ngôn, đều là những trước thuật về việc ghi chép bệnh án. Do đó có thể biết được y gia đời xưa đã từng chú trọng công tác này. Ở đây chép thêm Nghị bệnh thức trong quyển Ngụ ý thảo của Dụ Gia Ngôn ra sau đây, để thấy được sự cẩn thận của người xưa trên lâm sàng, giúp cho sự tham khảo.
Ông cùng với học trò đặt ra nghị bệnh thức: “Năm nào tháng nào, chỗ nào, đàn ông hay đàn bà, tuổi bao nhiêu, gầy béo cao thấp... sắc đen hay trắng, khô hay nhuận. Tiếng nói thanh trọc, dài ngắn thế nào, tính khí vui buồn ra sao... Bệnh bắt đầu từ ngày nào... Đầu tiên uống thuốc gì... tiếp đó lại uống những thuốc gì... thuốc gì bớt... thuốc gì không bớt.. ban đêm nặng hay ban ngày nặng... rét nhiều hay nóng nhiều... thích ăn uống hoặc không thích những thứ gì... ăn nhiều hay ít... đại tiểu tiện dễ dàng hay khó khăn... Mạch 3 bộ hậu có riêng mạch nào khác không... trong 24 mạch thì mạch nào thấy riêng... mạch nào thấy kiêm mạch... Chứng bệnh người đó nội thương hoặc ngoại cảm... hoặc kiêm nội ngoại... theo sách đoán là bệnh gì...Tiêu bản, tiên hậu ở chỗ nào... Hãn, thổ, hạ, hòa, hàn, ôn, bổ, tả đã ghi chép gì... Về thuốc nên dùng những bài gì ở trong thất phương... bài gì ở trong thập tể... khí gì ở trong ngũ khí... vị gì ở trong ngũ vị... dùng thang gì để gia giảm hợp hòa... hiệu nghiệm định vào thời gian nào... rõ ràng từng điểm, cốt cho từng ly từng tý không sai, làm cho mọi người tin theo, để làm mẫu mực cho nghề thuốc, không cần phải nói dài dòng".
Tổng hợp những lời nói trên, chúng ta có thể thấy rõ cách thức về bệnh án của Dụ Gia Ngôn là tương đối kỹ càng, bệnh án đó yêu cầu ghi rõ thời gian, chỗ ở, trai hay gái, tuổi, tính khí để tiện cho việc phân tích hoàn cảnh bên trong, bên ngoài với quan hệ của tật bệnh. Đồng thời chú ý đến sự phát sinh, phát triển, truyền biến đã trải qua của tật bệnh và bệnh lịch hiện tại được rõ ràng, để làm căn cứ cho sự phân tích và phán đoán trong lâm sàng. Điều rất trọng yếu là ông yêu cầu cần phải ghi chép: căn cứ phương pháp qua từng bước và bài thuốc cụ thể trong việc xử lý, để ngăn ngừa những tệ hại có thuốc không phương, có phương không pháp, và chủ trương cho uống thuốc lung tung. Và lại đề ra mục “hiệu nghiệm vào thời gian nào”. Dựa vào đó để kiểm tra công tác của mình để đề ra được manh mối và căn cứ cho việc xử lý về sau, nội dung kỹ càng và cụ thể, đáng để cho chúng ta tham khảo và bắt chước.
2. Yêu cầu và cách thức ghi chép y án
Ghi chép y án cần ghi đầy đủ tất cả (bao gồm họ, tên, trai hay gái, v.v...) lời người bệnh kể ra, chứng trạng trước mắt, trải qua sự phát bệnh, bệnh tình diễn biến, lúc bình thường làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống, hoàn cảnh gia đình, những bệnh chứng đã qua, tình hình sức khỏe trong gia tộc, cho đến sự chẩn đoán và xử lý của thầy thuốc (bao gồm cả lời bàn về nguyên nhân bệnh, đặt cách chữa, lựa chọn phương thuốc và dùng thuốc). Nếu là tái chẩn(1) thì cần nên ghi rõ sự diễn biến của bệnh tình và đã dùng qua những thuốc gì rồi. Bệnh nhân nội trú thì ngoài nội dung bệnh án nói trên còn nêu, ghi chép kỹ càng bệnh lịch vào viện và ghi thêm kế hoạch chữa bệnh, ghi chép một bản về bệnh tình hàng ngày (bao gồm chứng trạng, mạch tượng, rêu lưỡi và xử lý). Khi bàn giao thì đề vào ban đã giao và ban nhận lĩnh, khi ra viện làm tổng kết qua các thời kỳ chữa bệnh về mọi mặt, điền vào giấy ra viện, khi cần còn nên ghi chép tình hình theo dõi. Đó là đặc điểm của Trung y.Tham khảo, kết hợp sự ghi chép của người xưa và cách thức thường dùng hiện nay, tổng hợp nội dung của nó để đặt ra cách thức bệnh án, trình bày phụ thêm sau đây để giúp cho việc tham khảo.
3. Nói rõ về bảng ghi chép bệnh án
a) Ghi năm âm lịch, tiết khí và mưa nắng, nguyên nhân chủ yếu là vì sự thay đổi biến hóa đó đều có thể ảnh hưởng đến bệnh tình. Thí dụ như, bệnh thời tiết là không thể tách rời mùa tiết ra được, tạp bệnh mà thoát ly mùa tiết, lại không theo đâu để phân biệt thuận, nghịch, nặng, nhẹ của nó. Vì thế mà viết điền vào ô này, về tên bệnh, thuận nghịch, dự đoán đều có giá trị về tham khảo.
b) Ghi chép về họ tên, trai gái, chức vụ của người bệnh là có thể biết được hoàn cảnh chung quanh của người bệnh và ảnh hưởng đối với bệnh tật.
c) Vọng chẩn cần nên ghi chép thần sắc, hình thái (bao gồm rêu lưỡi, da dẻ). Thần sắc là sự vinh nhuận ở ngoài của khí huyết, hình thái là đặc trưng của tật bệnh, trong đó càng lấy việc quan sát sắc mặt và phân biệt rêu lưỡi làm trọng điểm.
Văn chẩn cần nên ghi chép phân biệt về thính giác và khứu giác. Khi nghe nên chú ý tiếng nói có sức hay không có sức và hơi thở dài hay ngắn, hơi và tiếng thấp hay cao, có sôi bụng hay không, dựa vào đó để xét được bệnh hư hay thực, hàn hay nhiệt. Khi ngửi cần nên chú ý đến mồ hôi, đờm, nước mũi, vật chất mửa ra, đại tiểu tiện, kinh, đái hạ và máu đẻ của phụ nữ có gì hay không v.v...
Vấn chẩn nên chiếu theo 10 điều hỏi, chọn bệnh tình có quan hệ với bệnh đó, thăm hỏi và ghi chép có hệ thống, (vấn chẩn liệt vào hàng đầu của tứ chẩn, nguyên nhân là tiện ghi chép).
Thiết chẩn thì ngoài sự ghi chép về chủ mạch, kiêm mạch của mạch tượng ra, còn phải sờ ấn vào ngực, bụng, tay, chân, như phân biệt về đầy cứng, có thủy thũng hay không, chân tay lạnh hay nóng v.v...
Mục này là bộ phận chủ yếu để cung cấp tư liệu bệnh tình, là căn cứ của thầy thuốc để phân tích và phán đoán tật bệnh. Vì thế mà yêu cầu ghi chép phải đúng trọng điểm, chính xác, và toàn diện.
Mẫu ghi chép bệnh án
Bản ghi chép bệnh án
Tên đơn vị
Dương lịch: ngày.............tháng.............năm.............Số khám ngoại trú:......................................
Mưa hay nắng........................................Số phí tổn về chữa bệnh.................................................
Âm lịch: ngày.............tháng.............năm.............Số nội trú:.......................................................................
Tiết khí
Khoa...................................
Họ tên............................Trai gái.......................................Tuổi................Kết hôn chưa.......................................
Chức nghiệp........................................Quê quán...................................................................................................
Đơn vị công tác....................................Chỗ ở hiện tại...........................................................................................
..........................................(ở đâu lâu nhất......................) Số điện thoại.............................................................
Vấn chẩn:...............................................................................................................................................................
Vọng chẩn:...................................... Thần sắc........................... Hình thái.........................................................
........................................................... Rêu lưỡi............................ Bì phu..............................................................
Vấn chẩn:........................................ Thanh âm........................ Khí vị..............................................................
Thiết chẩn:...................................... Mạch tượng..................... ngực, bụng, tay, chân .................................
........................................................... Các chứng khác.........................................................................................
Lời nhận xét...........................................................................................................................................................
Phép chữa.......................................... Chọn phương.............................................................................................
Dùng thuốc.............................................................................................................................................................
Lời dặn của thầy thuốc..........................................................................................................................................
Y sư ký tên
d) Lời nhận xét, phép chữa, chọn phương, dụng dược như chúng ta thường nói “Lỵ, pháp phương, dược” là quá trình nhận thức tật bệnh và xử lý tật bệnh.
Lời nhận xét là nhận thức về lý luận, cũng là căn cứ vào lý luận của Trung y học về toàn bộ tài liệu nói trên, tổng hợp và phân tích một cách hoàn chỉnh, sau cùng mới đặt cách chẩn đoán. Lập pháp tức cách chữa, căn cứ vào lời nhận xét để đặt ra phương pháp xử lý. Chọn phương là căn cứ vào lập pháp ở trong phạm vi lập pháp mà lựa chọn bài thuốc thích hợp với bệnh của nó.
Đương nhiên trên lâm sàng dùng bài thuốc phải linh hoạt nhưng cần nên ghi rõ bài nào làm chủ mà gia giảm. Dùng dược cũng là xử phương, tinh thần chủ yếu của nó là cần phải căn cứ vào chủ phương đã chọn dùng, hoặc phương gia giảm của chủ phương, ghi vào kỹ càng, bao gồm cả liều lượng dùng, cách bào chế và chế tễ.
Nguyên tắc gia giảm của nó nên có lập pháp sát đúng với bệnh tình và nguyên tắc phối ngũ làm căn cứ.
đ) Cột ghi chú các chứng khác là dùng để ghi chép tư liệu kiểm tra ngoài tứ chẩn để tiện cho việc tham khảo. Trong cột lời dặn của thầy thuốc, nội dung viết trong đó là những việc người hộ lý cần phải chú ý: ăn uống nên kiêng, cách cho uống thuốc và bài thuốc đó uống mấy liều.
e) Tái chẩn và giấy ghi bệnh tình hàng ngày của bệnh nhân nội trú thì cách thức chủ yếu của nó cũng giống như “y án ký lục”. Chỉ là những giấy khi sơ chẩn hoặc chuyển viện, chuyển khoa, và giấy nằm viện, yêu cầu viết vào cho rõ ràng hơn. Về phúc chẩn thì nên lượt lấy những điểm cốt yếu, nội dung nói trên không cần viết lại nữa.
Trên lâm sàng còn thấy trong một quá trình tật bệnh, thường có rất nhiều chuyển biến và phương pháp xử lý thích hợp với những chuyển biến. Trong khi ấy thường vì vội vàng, hoặc không lưu ý mà bỏ sót đến lúc tổng kết trong một quý hoặc cuối năm mới phát hiện tài liệu không được hoàn toàn, đến nỗi không biết căn cứ vào đâu hoặc viết ra tổng kết một cách miễn cưỡng cũng giảm mất hiệu lực để thuyết phục mọi người; lại không có giá trị để nghiên cứu và rút kinh nghiệm. Vì thế, muốn có tài liệu nghiên cứu về lâm sàng được hoàn chỉnh có đủ tính chất khoa học, tất nhiên thường ngày tích lũy dần dần; phương pháp duy nhất của sự tích lũy là ghi chép y án cho tốt.
Bài viết này có 0 bình luận