PHÉP TẮC CHỮA BỆNH
Dùng các vị thuốc giúp cho chính khí người ta mạnh lên để trừ hết bệnh tà, điều hòa sự thiên suy của âm dương, làm cho từ quá trình bệnh lý chuyển biến thành trạng thái sinh lý bình thường, khôi phục sức khoẻ, đó là mục đích chữa bệnh.
Tật bệnh rất nhiều, phép chữa rất nhiều lại nhiều cách. Muốn vận dụng các phép chữa thích đáng, đúng với bệnh tình thì cần phải theo nguyên tắc “Biện chứng luận trị”, cũng là nói đầu tiên cần phải đem những chứng bệnh rối ren, căn cứ vào phép biện chứng mà phân tích, quy nạp tìm cho ra nguyên nhân bệnh ở đâu, hiểu rõ tính chất của chứng trạng, rồi sau xử lý cho thích đáng. Phương pháp chiếu theo quy luật ấy mà xử lý tật bệnh gọi là “phép tắc chữa bệnh”. Có sự chỉ đạo của phép tắc chữa bệnh rồi thì khi lâm sàng có thể lập pháp được chính xác, chọn bài thuốc được thích đáng, xử lý được linh hoạt những bệnh có nhiều biến hóa để đạt đến mục đích “Biện chứng luận trị”. Nay đem phép chữa và cách vận dụng thường làm trong lâm sàng, theo hai phương diện là bát pháp và ngoại trị chia ra trình bày như sau:
A. Bát pháp
Bát pháp là: hãn, thổ, hạ, hòa, ôn, thanh, bổ, tiêu. Tám phương pháp ấy là tám phép cơ bản và lớn nhất trong phép chữa bệnh của Trung y. Nay đem bát pháp và cách vận dụng phối hợp bát pháp: chính trị và phản trị, cho đến tiêu bản v.v... trình bày như sau:
I. ý nghĩa và phương pháp vận dụng bát pháp
1. Hãn pháp
a) ý nghĩa và tác dụng của hàn pháp
Hàn pháp là một phương pháp dùng các vị thuốc phát hãn hợp thành bài thuốc dùng để mở tấu lý, đuổi tà ra ngoài. Vì khi tà khí lục dâm phạm vào cơ thể con người thì phần nhiều bắt đầu vào da lông, rồi sau từ biểu vào lý. Khi tà còn ở ngoài lông da, chưa vào đến lý, thì nên lựa dùng hãn pháp làm cho tà giải ra ngoài, nhân đó mà khống chế được sự chuyển biến của bệnh, để đạt được đến mục đích chữa cho mau khỏi. Đó là ý nghĩa trong thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn nói: “Tà ở ngoài da thì cho ra mồ hôi”.
b) Vận dụng hãn pháp
Vì phát hãn có thể làm cho tà khí từ ngoài da mà bài tiết ra. Vì thế chẳng những chứng biểu của bệnh ngoại cảm có thể dùng hãn pháp mà cả đến thời kỳ đầu của các chứng thủy thũng, chứng mụn nhọt và chứng đậu sởi sắp mọc, chưa mọc cũng có thể dùng phép phát hãn được. Vận dụng phép phát hãn có một nguyên tắc chung, tức là phát ở trong tình trạng có biểu chứng đầy đủ mới có thể dùng được. Trái lại, nếu thấy bệnh phát triển, tà ở biểu đã truyền vào lý, tức là không thể dùng được pháp hãn nữa.
Phép phát hãn chủ yếu là dùng vào hết thảy các chứng bệnh ở biểu mà trong biểu chứng lại có hai loại biểu hàn, biểu nhiệt khác nhau, nên phép chữa cũng phải thích ứng với bệnh tình mà chia ra: tân ôn phát hãn và tân lương phát hãn. Biểu hàn tức là bệnh ngoại cảm mới bắt đầu, có những chứng trạng sợ lạnh, phát sốt, miệng không khát, rêu lưỡi trắng trơn, đầu nhức, mình đau, mạch phù khẩn, không có mồ hôi mà thở gấp, lúc bấy giờ nên dùng phép tân ôn phát hãn mà chữa, như bài Ma hoàng trong Thương hàn luận chẳng hạn (xem ở mục Thuốc phát biểu trong chương Phương Tễ).
- Biểu nhiệt tức là bệnh ngoại cảm mới bắt đầu có những chứng trạng phát nóng dữ, sợ rét nhẹ hơn, miệng khát, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi mỏng và vàng, mạch phù sắc, lúc bấy giờ nên dùng phép tân lương phát hãn mà chữa, như bài Ngân kiều tán trong sách Ôn bệnh điều biện chẳng hạn (xem ỡ mục Thuốc phát biểu trong chương Phương tể). Đó là hai phương pháp cơ bản để phát hãn.
- Còn như bệnh phong thủy(1) dùng bài Việt tỳ thang (xem ở mục Thuốc lợi thấp trong chương Phương tễ). Chứng mụn nhọt mới bắt đầu dùng bài Kinh phòng bại độc tán (1). Chứng đậu mùa mới bắt đầu dùng bài Thăng ma cát căn thang (2). Chứng sởi chưa mọc dùng bài Tuyên độc phát biểu thang (3)... cũng thuộc phạm vi phép phát hãn.
- Cũng là bệnh ở biểu, nhưng vì thể chất của mỗi người một khác, hoặc vốn có bệnh cũ, thành ra nội nhân và ngoại nhân kết hợp lẫn nhau. Chứng trạng lúc đầu biểu hiện ra rất phức tạp thì trong khi chữa, không nên câu nệ ở 2 phép phát hãn nói trên, phải linh hoạt chọn dùng nhiều phương pháp phối hợp mà chữa. Ví như: thể chất người bệnh vốn âm hư mà lại cả ngoại tà, tuy là ở biểu thì nên phát hãn, nhưng mồ hôi là âm dịch hóa ra nếu cứ tự ý phát hãn, hoặc cũng làm cho ra mồ hôi, thì chẳng những bệnh không lành được, trái lại còn làm cho chứng hao kiệt tân dịch, sinh ra hậu quả không tốt. Nếu bổ âm trước thì lại sợ ngoại tà đình trệ lại, chứng biểu cứ dằng dai không hết thì không lợi cho bệnh tình. Trong tình trạng như thế phải dùng cả phép tư âm mà phát hãn cùng chữa mới có thể trọn vẹn cả hai đường, như bai gia giảm Nuy di thang (4), tức là bài thuốc có tính chất đại biểu. Lại như người bệnh dương hư kiêm cả ngoại cảm, nếu chỉ đơn thuần phát hãn thì rất dễ gây ra biến chứng là mồ hôi ra nhiều vong dương. Cho nên trong phép phát hãn, cần phải chiếu cố đến dương khí, như bài Sâm phụ tái tạo thang (5).
Ngoài ra còn có phương pháp tuyên thương, ôn hạ, quyên ẩm, hóa đờm cùng dùng chung với hãn pháp đều là vì người bệnh gồm có những tình trạng phức tạp mà đặt ra.
c) Điểm cần lưu ý trong hãn pháp
+ Những trường hợp sau khi thổ tả kịch liệt, những người có bệnh lâu, có lở nhọt, có bệnh vong huyết và mạch ở bộ xích trì thì tuy có chứng biểu, nhưng trên nguyên tắc đều cấm phát hãn.
+ Khí hậu mùa hạ nóng nực, da dẻ sơ hở, dễ ra mồ hôi. Tuy gặp chứng nên phát hãn, nhưng dùng thuốc tân ôn phát hãn cũng phải thận trọng.
+ Phát hãn cũng không nên cho ra quá nhiều mồ hôi để đề phòng tân dịch bị tiêu hao quá độ.
2. Thổ pháp
a)ý nghĩa và tác dụng của thổ pháp
Thổ pháp là phương pháp tính năng làm nôn mửa của dược vật để đưa bệnh tà hoặc vật chất có hại theo đường miệng mà thổ ra, do đó mà hòa hãn được thế bệnh. Đó là phép tắc “bệnh ở cao thì nhân đó làm cho vọt ra” đã nói trong thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn. Phàm bệnh mà có chất ứ lại ở ngực và vị quản, trong tình trạng phát hãn không được, công hạ không được, thì dùng thổ pháp có thể làm cho thư thái được khí uất, giải trừ được khí kết, thông suốt được khí cơ, bài trừ được bệnh tà, để khỏi đến nỗi truyền vào đường ruột mà từ nhẹ chuyển sang nặng. Cho nên đối với bệnh tà ở thượng tiêu mà còn có thể đưa lên được thì dùng phép này để đuổi bệnh tà ra ngoài.
b) Vận dụng thổ pháp
Thổ pháp phần nhiều dùng vào những chứng thực mà bệnh tình nghiêm trọng khẩn cấp, phải cho thổ ra ngay những chất tích kết. Như gặp các chứng hầu phong, hầu tê, nhũ nga do đờm dãi tắc nghẹn cổ họng đến nỗi thượng tiêu không thông, hơi thở cấp bách có thể dùng bài Giải độc hùng hoàng hoàn (xem ở mục Thuốc dũng thổ trong chương Phương tễ).
- Nếu trúng phong đàm sôi chận nghẹt, mê man bất tỉnh, đờm quánh đặc ở ngực và hoàng cách mô, tiếng thở như kéo cưa, có thể dùng bài Cứu cấp hy diên tán (6).
- Còn như thức ăn đọng ở dạ dày, không tiêu hóa được và chướng đầy đau đớn và ăn nhằm chất độc, còn ở trong dạ dày, chưa vào đường ruột, có thể dùng bài Qua đế tán (xem ở mục Thuốc dũng thổ trong chương Phương tễ) v.v...
c) Điểm chú ý về thổ pháp
Thổ pháp là một phương pháp áp dụng trong khi khẩn cấp, dùng đúng thì có công dụng mau lẹ. Nếu dùng không đúng thì rất có thể làm tổn thương nguyên khí, hại đến vị âm. Do đó nói chung những bệnh mãn tính hoặc thân thể suy yếu gặp những tình trạng dưới đây thì đều không được dùng thổ pháp:
(1) Người già yếu, thân thể đã suy yếu.
(2) Người có thai hoặc sản hậu.
(3) Người bị thất huyết.
(4) Nười bị khí hư thở ngắn, hoặc có chứng suyễn.
(5) Người bị chứng cước khí xông lên.
3. Hạ pháp
a) ý nghĩa và tác dụng của hạ pháp
Hạ pháp là một phương pháp thông đại tiện, trục hết những thức kết đọng ở trong người, có đủ tác dụng bài trừ những vật tích chứa, thay cũ đổi mới. Phàm những chứng tà ở trong tràng vị, phân táo đình trệ, nhiệt tà kết hợp, cho đến những chứng nước kết đọng, huyết ứ, đàm trệ, đều có thể dùng hạ pháp cả.
b) Vận dụng hạ pháp
Hạ pháp là một tên chung, xét tính chất có thể chia làm 2 loại lớn là: hàn hạ và ôn hạ. Hàn hạ là phương pháp dùng vị thuốc đắng lạnh mà tả hạ, như 3 bài Thừa khí thang (7) tức là phương thuốc chủ yếu của phép hàn hạ. Ôn hạ là phương pháp dùng vị thuốc ôn mà tả hạ, như bài Tam vật bị cấp hoàn (xem ở mục Thuốc công lý trong chương Phương tễ), tức là bài đại biểu cho phép ôn hạ. Trong hai loại đó lại có chia ra hạ mạnh và hạ từ từ. Nêu một vài bệnh để mà nói, trong phép hàn hạ có bài Đại thừa khí thang, của chứng dương minh thực nhiệt (xem ở mục
Thuốc công lý trong chương Phương tễ) là phương pháp hạ mạnh. Phân táo bón kết ở ruột thì dùng bài Ma tử nhân hoàn (8) để nhuận trường thông đại tiện là phương pháp hạ từ từ. Còn như trong phép ôn hạ cũng có hạ mạnh và hạ từ từ khác nhau, như bài Bị cấp hoàn (9) tức là có tính chất hạ mạnh, bài Bán lưu hoàn (9) tức là có tính chất hạ từ từ. Nói tóm lại dùng phép công hạ, trước hết phải biện rõ hàn nhiệt của bệnh để quyết định phương pháp ôn hạ và hàn hạ, đồng thời còn phải xét đến thể chất người bệnh mạnh hay yếu, thể bệnh nhẹ hay nặng, hoãn hay cấp, để quyết định phương pháp hạ mạnh hay hạ từ từ.
Về phạm vi thích dụng của phép hạ, như hàn chứng thực nhiệt của bệnh thương hàn, khí tà truyền vào kinh Dương minh, nhiệt tà kết với cặn bã trong trường vị gây nên cho đến chứng ỉa chảy vì nhiệt kết, nước chảy ra chung quanh phân và chất bẩn trong ruột kết lại mà sinh ra, đều có thể dùng phép hàn hạ mà chữa. Về ôn hạ như những chứng hàn đàm kết trệ, uất ở trung quản, dạ dầy đau, không dám rờ tay vào và tỳ vị tích lạnh, hàn thực kết ở ngực... đều có thể áp dụng phép ôn hạ.
Ngoài ra đối với những chứng nước đọng ở dạ dày, trướng đầy suyễn thũng, mạch thực hữu lực mà sinh ra bệnh thủy kết, thì nên dùng phương pháp trục thủy, như bài Thập táo thang chẳng hạn (xem ở mục Thuốc lợi thấp trong chương Phương tễ). Lại như chứng đàm nhiệt kết lại, ứ đọng sinh ra đau tức, trở ngại đường lên xuống, ngực bụng đầy buồn, mạch hoạt, thực, huyền, sác mà hữu lực thì nên dùng phương pháp tả đàm, như bài Mông thạch cổn đờm hoàn chẳng hạn (xem ở mục Thuốc trừ đàm trong chương Phương tễ). Nếu ứ huyết chứa đọng ở trong, bụng dưới đầy cứng, tiểu tiện tự lợi, đại tiện sắc đen, người như phát cuồng thì có thể dùng phương pháp trục ứ như bài Để dương thang chẳng hạn (xem ở mục Llý thuyết trong chương Phương tể). Còn như đau bụng, môi hồng, ăn được, hoặc trên mặt phát ra ban trắng hoặc ham ăn một thức gì, đó là hiện tượng trùng tích nên dùng phương pháp khu trùng tiêu tích như bài Tiêu cam lý tỳ thang (10) chẳng hạn.
c) Điểm chú ý về hòa pháp
Bệnh tà còn ở biểu, chưa vào kinh Thiếu dương, hoặc tà đã vào lý, khi đã thấy những chứng thực như táo khát, nói sảng và chứng hàn của tam âm đều không nên dùng hòa pháp.
5. Ôn pháp
a)ý nghĩa và tác dụng của ôn pháp
Ôn pháp là một phương pháp dùng vị thuốc có tính ấm hoặc tính nóng, mà chữa những bệnh lạnh quá, để bổ thêm khí dương cho người bệnh. Phàm trong khi người bệnh phát hiện ra những chứng trầm hàn cố lạnh, dương hư hoặc vong dương, dùng phép này có hồi dương cứu nghịch, ôn trung khư hàn.
b) Vận dụng ôn pháp
Vận dụng ôn pháp trên lâm sàng, theo tính chất, có thể chia làm hai loại:
( “Hồi dương cứu nghịch” dùng vào trường hợp của người bệnh chân dương bị sút kém, hàn tà trúng thẳng vào 3 kinh âm, hoặc bị bệnh nhiệt, dùng thuốc thanh lương để hãn hạ nhiều quá, đến nỗi tà hãm vào ba kinh âm, mà phát ra những chứng trạng sợ lạnh, nằm co, ỉa chảy, ra mồ hôi, chân tay quyết lạnh thần kém, muốn ngủ, và trong bụng đau dữ, mạch vi tế hoặc trầm phục muốn tuyệt, tức thì phải dùng ngay ôn pháp để cứu lấy chút dương khí sắp mất, hy vọng chuyển nguy thành an được. Bài Từ nghịch thang (xem ở mục Thuốc khu hàn trong chương Phương tễ) tức là một bài thuốc đại biểu cho phép hồi dương cứu nghịch.
( “Ôn trung khư hàn” phần nhiều cùng cho những người bệnh vốn dương hư, những chứng trạng khí dương ở tỳ vị hư kém mà hình và thần mỏi mệt, chân tay mình mẩy rã rời, chân tay không ấm, ăn uống kém, vị quản đầy tức, bụng trướng, ợ chua, nôn mửa, đại tiện không thực, dùng phép ôn trung, để cho khí dương được phấn chấn, thì hàn tà tự nhiên tiêu trừ. Bài Lý trung hoàn (xem ở mục Thuốc khư hàn trong chương Phương tễ) tức là bài thuốc chủ yếu về ôn trung khư hàn, ngoài ra như khí dương ở thận không đủ, hỏa ở mệnh môn suy kém, mà đến nỗi sinh ỉa chảy lúc gần sáng. Lại nên dùng phương pháp “Bổ hỏa sinh thổ” như bài tứ Tứ thần hoàn chẳng hạn (xem ở mục Thuốc khư hàn trong chương Phương tễ) làm cho hỏa vượng có thể sinh thổ, không chữa tà mà tự nhiên khỏi.
c) Điểm chú ý về ôn pháp
Ôn pháp vốn vì chứng hàn mà đặt ra, cho nên phàm chứng dương thuộc về thực nhiệt thì nên cấm hẳn, nếu không thì như thêm dầu vào lửa, sẽ làm cho bệnh tình thêm nặng, thậm chí đến chết. Do đó vận dụng ôn pháp phải nên chú ý mấy điểm dưới đây:
- Nhiệt phục ở trong nhiệt sâu quyết cũng sâu, làm thành chứng: trong chân nhiệt, ngoài dã hàn thì cấm dùng.
- Hư hỏa động ở trong, mà hiện ra thổ huyết, đái ra máu, ỉa chảy ra máu thì cấm dùng.
- ỉa chảy kèm theo chứng nhiệt, thần mê khí kém, mình gầy mặt đen, trông giống như cây khô, âm dịch sắp thoát thì cấm dùng.
- Người vốn âm hư, chất lưỡi hồng, cổ họng khô ráo thì dùng nên cẩn thận.
6. Phép thanh
a) ý nghĩa và tác dụng của phép thanh
Phép thanh là một phương pháp dùng vị thuốc hàn lương để đạt mục đích làm cho lui cơn sốt. Phàm lúc bệnh tà hóa nhiệt nung nấu âm dịch, vận dụng phép thanh, thì có tác dụng thanh được nhiệt tà, giữ được tân dịch, trừ phiền giải khát, nó là phép tắc chủ yếu để chữa bệnh nhiệt tính.
b) Vận dụng phép thanh
Phép thanh vận dụng rất rộng, phàm thuộc chứng nhiệt đều có thể dùng phép thanh để chữa, nhất là trong tình trạng biểu tà đã giải hết, lý nhiệt nóng dữ thì dùng phép thanh là rất thích đáng. Vì chứng nhiệt có chia ra ở phần khí, phần dinh và phần huyết, cho nên trong phép thanh cũng có khác nhau ở chỗ dùng thuốc tân lương, khổ hàn và hàm hàn. Ví như nhiệt ở phần khí, hiện ra những chứng khát nóng, không sợ lạnh mà lại sợ nóng, mồ hôi ra, miệng khát, ham uống nước, rêu lưỡi vàng khô, mạch hồng đại thì phải dùng phương pháp tân lương, thanh nhiệt, sinh tân dịch như bài Bạch hổ thang chẳng hạn (xem ở mục Thuốc tả hỏa trong chương Phương tễ). Nếu hỏa nhiệt đã kết lại nhưng tân dịch chưa bị tổn thương, hiện ra chứng phát nóng, miệng khát, đại tiện bí, rêu lưỡi vàng dày thì nên dùng bài Hoàng liên giải độc thang (xem ở mục Tả hỏa trong chương Phương tễ) dùng thuốc khổ hàn mà tả hỏa.
Như nhiệt vào phần dinh, hiện ra chứng mạch sác, lưỡi đỏ tươi thì nên dùng phương pháp thanh dùng tiết nhiệt như bài Thanh dinh thang chẳng hạn (xem ở mục Thuốc tả hỏa trong chương Phương tễ). Nếu nhiệt vào phần huyết, hiện ra như chứng sắc lưỡi đỏ thẩm, vật vã, nói sảng, nổi ban chẩn, phát cuồng, thổ huyết, chảy máu mũi nên dùng thuốc hàm hàn để thanh huyết nhiệt, như bài Tê giác địa hoàng thang chẳng hạn (xem ở mục Thuốc lý huyết trong chương Phương tễ). Còn như trong quá trình bệnh nhiệt thấy có tình trạng nóng đốt, thương tổn khí âm, thủy không chế được hỏa, thì những phép nói trên không thể chữa được, phải dùng biện pháp thêm nước chữa cháy, như bài Hoàng liên a giao thang (13) để tả hỏa bổ thủy, bài Ngọc nữ tiễn (xem ở mục Thuốc tả hỏa trong chương Phương tễ) để dưỡng âm thanh nhiệt.
c) Điểm chú ý về phép thanh
Phép thanh tuy chữa được bệnh nhiệt, nhưng cũng có thể làm thương tổn dương khí của con người. Cho nên khi dùng cần phải chú ý bốn điểm dưới đây:
(1) Biểu tà không giải được, dương khí bị uất mà phát nóng thì cấm dùng.
(2) thể chất vốn hư, tạng phủ vốn hàn, kém ăn, đại tiện nhão sột sệt thì cấm dùng.
(3) Chứng hư nhiệt vì mệt sức quá độ, trung khí không đủ, mà chứng hư nhiệt phiền táo vì huyết hư mà gây ra, đều cấm dùng.
(4) Chứng chân hàn giả nhiệt, vì âm thịnh cách dương, chứng hư dương bốc lên, vì hỏa ở mệnh môn suy, đều không nên dùng lầm phép thanh.
7. Phép bổ
a) ý nghĩa và tác dụng phép bổ
Phép bổ là nhằm vào chứng hư tổn về âm dương khí huyết của toàn thân, hoặc của một tạng khí nào đó mà đặt ra. Nó là vận dụng các loại thuốc bổ khác nhau, để giúp đỡ cho khí huyết người ta đang bị thiếu thốn điều hòa sự thiên thắng của âm dương được thăng bằng. Ngoài ra trong tình trạng chính khí hư yếu, không thể quét sạch được dư tà thì dùng phép bổ, chẳng những làm cho chính khí khôi phục, mà còn có lợi cho việc quét sạch dư tà, cho nên phép bổ không phải chỉ đóng khung trong phương diện bổ hư giúp yếu; đồng thời còn có thể thu được hiệu quả gián tiếp đuổi tà nữa.
b) Vận dụng phép bổ
Phép bổ chủ yếu là bổ ích cho thể chất và cơ năng bị sút kém để tiêu trừ hết thảy hiện tượng suy yếu. Ứng dụng vào lâm sàng thì có thể chia ra làm bốn loại: bổ khí, bổ huyết, bổ âm, bổ dương.
Phương pháp bổ khí và ứng dụng cho những chứng bệnh khí hư như mỏi mệt, thiếu sức, nhác nói, sợ cử động, ít hơi không đủ thở, hư nhiệt tự đổ mồ hôi, mạch đại mà hư, hoặc có khi bị lòi trôn trê, sưng dái, cho đến đàn bà sa tử cung, dùng bài Tứ quân tử thang, bài Bổ trung ích khí thang (2 bài thuốc bổ dưỡng trong chương Phương tễ) làm bài thuốc chủ yếu.
Phương pháp bổ huyết là ứng dụng cho những chứng bệnh huyết hư như sắc mặt vàng héo, nóng tay chân và môi xanh nhợt, váng đầu, ù tai, nôn nao, tim động và đàn bà kinh nguyệt sai kỳ, kinh nhợt không tươi, nặng thì bế tắc không hành kinh, dùng bài Tứ vật thang (xem ở mục Thuốc bổ dưỡng trong chương Phương tễ), bài Nhân sâm dưỡng vinh thang (14) làm bài thuốc chủ yếu. Phương pháp bổ âm là ứng dụng cho những chứng bệnh âm hư như mình gầy gò, sắc tiều tụy, miệng khô, họng ráo, da dẻ khô ráo, ù tai, mờ mắt, hồi hộp, sợ hãi, hư phiền đổ mồ hôi trộm, di tinh, ho sặc khạc ra máu, tiêu khát, dùng bài Tả quy hoàn (xem ở mục Thuốc bổ dưỡng trong chương Phương tễ) làm bài thuốc chủ yếu.
Phương pháp bổ dương là ứng dụng cho những chứng bệnh dương hư như từ eo lưng trở xuống lạnh, lưng gối đau ê ẩm, hai chân mềm yếu, không bước đi được, dưới rốn tê dại, bụng dưới thường đau, đi ỉa lỏng, đái nhắt hoặc liệt dương, xuất tinh quá sớm, hư suyễn, dùng bài Hữu quy hoàn (xem ở mục Thuốc bổ dưỡng trong chương Phương tễ) làm bài chủ yếu.
Trên đây là tình hình chung về bổ khí, bổ huyết, bổ âm, bổ dương. Ngoài ra còn phân biệt 5 tạng, xem tạng nào hư yếu để tiến hành bồi bổ. Trong sự bổ ngũ tạng, lại có phép chính bổ và phép bổ mẹ sinh con. Ví như ho ra đờm huyết vì phế hư hỏa thịnh, thì dùng bài Bổ phế a gia tán (15) là phương pháp chính bổ.
Lại như người bị hư lao ho hen, đại tiện không thực, dùng bài Sâm linh bạch tỉuật tán (16), là phương pháp bồi thổ sinh kim, bổ mẹ sinh con. Còn 4 tạng khác, cũng có thể theo loại mà suy ra, ở đây không kể thêm nữa, đến như vận dụng cụ thể phép bổ, lại cần theo sát trình độ hư yếu mà phân biệt xử lý, do đó lại có khác nhau ở chỗ bổ mạnh và bổ từ từ. Bổ mạnh thích dùng cho những chứng bệnh hư quá sắp nguy, như bỗng nhiên ra huyết nhiều quá mà gây ra chứng hư thoát, dùng bài Độc sâm thang (17). Bổ từ từ thích dụng cho những chứng bệnh hư yếu thuộc mãn tính, hoặc tà khí chưa lui hết, chính khí hư không chịu nỗi sự bổ mạnh, nên dùng những vị thuốc có tính hòa bình, để có thể uống lâu được mà bồi bổ từ từ làm cho chính khí dần dần khôi phục, như bài Tứ quân tử thang.
Nói tóm lại, bổ khí huyết thì lấy tỳ vị ở trung tiêu làm chủ, vì tỳ vị là cái bể chứa đồ ăn uống, là nguồn gốc sinh hóa của dinh vệ khí huyết. Bổ âm dương thì lấy thận và mệnh môn làm chủ vì thận và mệnh môn là tạng thủy hỏa, là nguồn gốc sinh hóa của chân âm và chân dương. Khi vận dụng phép bổ thì những điểm có quan hệ trên đây đều phải nắm rất vững.
c) Điểm chú ý về phép bổ
Vận dụng phép bổ, trước hết phải chiếu cố tỳ vị, tỳ vị là nguồn sinh hóa của hậu thiên. Nếu tỳ vị không vận hóa được, thì không kể phép bổ gì, đều không thể gây được tác dụng bổ ích, đó là then chốt trọng yếu để sử dụng phép bổ. Ngoài điểm ấy ra, còn phải chú ý hai điểm dưới đây:
Người xưa nói: “Bệnh rất thực mà có trạng thái suy yếu”. Trong tình hình ấy cần phải chú ý chắc chắn đến bản chất của bệnh, không nên để vì giả tượng bên ngoài che lấp, nếu không thì phạm phải điều nhầm lẫn là giúp thêm cho bệnh.
Phép bổ tuy có thể giúp chính khí, trừ tà khí, nhưng đương lúc thế tà vượng thịnh, nếu như có hiện tượng hư, cũng không nên câu nệ phép ấy, nên lấy việc đuổi tà làm chủ, hoặc vừa công vừa bổ, tà lui thì chính khí tự an, nếu không thì sẽ sinh ra tệ hại, vì bổ mà đến nỗi lưu tà lại.
8. Phép tiêu
a) ý nghĩa và tác dụng của phép tiêu
Phép tiêu gồm có ý nghĩa tiêu tan và phá bỏ, tức là nguyên tắc chữa bệnh đã nói trong thiên Chí chân yếu đại luận sách Tố vấn: “Cứng thì bổ vỡ ra, kết lại thì làm tan đi”. Phàm những chứng tích tụ, ngừng trệ do khí, huyết, đờm và đồ ăn uống gây nên, đều có thể dùng phép tiêu mà chữa. Trên tác dụng thì phép tiêu tựa hồ như hạ pháp, nhưng trên thực tế thì trong khi lâm sàng, vận dụng có chỗ khác nhau.
Hạ pháp là chọn dùng phương pháp công trục thông hạ, để chữa những chứng thực tà hữu hình, mà nghiêm trọng gấp rút, như táo phẩn, ứ huyết, đình đàm, lưu ẩm; mà phép tiêu là đối với những chứng bệnh tích tụ, trung hà, nói chung thuộc về mãn tính, mà không thể dùng phép công trục thông hạ được, thì chọn dùng phương pháp tiêu dần dần, tan từ từ cho đến khi lành bệnh.
b) Vận dụng phép tiêu
Phép tiêu có nhiều cách, phải nhắm đúng được nguyên nhân bệnh rồi phân biệt lựa chọn mà dùng. Về những chứng trưng, hà, tích tụ, khí kết, huyết ứ thì nên dùng biện pháp tiêu chất cứng, mòn chất tích, hoặc thông khí tiêu ứ, như bài Hóa tích hoàn (18), bài Mẫu đơn tán (19); về những chứng do ăn uống quá độ, tỳ vị không vận hóa, thức ăn đình trệ mà sinh ra ợ hăng, nuốt chua, trướng đầy, bỉ muộn, ngại ăn thì dùng phương pháp tiêu thức ăn, không tích trệ như bài Bảo hòa hoàn (xem ở mục Thuốc tiêu đạo trong chương Phương tễ).
Chứng tích tụ có hình như thủy ẩm, tích ở vị quản, thấy dạ dày cứng như cái chén cái đĩa, thì dùng phương pháp tiêu nước hóa đờm, như bài Chỉ truật thang (20). Như những chứng thủy khí đầy tràn, công việc trị tiết của phế không làm được, khắp mình da thịt đều thũng, khí xông ngược, thở gấp hoặc từ eo lưng trở xuống thũng, nên uống bài Ngũ bì ẩm (xem ở mục Thuốc lợi thấp trong chương Phương tễ), mà chữa phế, tỳ, để tiêu thủy khí. Ngoài ra còn có những chứng trùng tích, chứng trong ngoài ung thũng, cũng có thể dùng phép tiêu mà chữa.
c) Điểm chú ý về phép tiêu
Phép tiêu là một phép thường dùng trong môn tạp bệnh, tuy không có sức mãnh liệt như hạ pháp, nhưng nếu dùng không đúng thì làm hại cũng không phải là ít. Do đó khi lâm sàng, nên chú ý mấy điểm dưới đây:
- Chứng cổ trướng vì khí hư đầy ở trong và chứng thũng vì thổ suy không chế được thủy thì cấm dùng.
- Lúc gặp những chứng trạng bệnh nhiệt vì âm hư, mà thấy miệng khát, không ăn, hoặc vì tỳ hư mà sinh ra trướng bụng, đi tả ra nguyên thức ăn thì cấm dùng.
- Tỳ hư sinh đàm, hoặc vị hư, nước tràn lên làm đàm thì cấm dùng.
- Đàn bà huyết khô mà nguyệt kinh bế tắc thì cấm dùng.
II. Phối hợp vận dụng bát pháp
Trên đây đã giới thiệu 8 phép tắc cơ bản là: hãn, thổ, hạ, hòa, ôn, thanh, bổ, tiêu. Nhưng vì bệnh tình phức tạp nếu chỉ đơn thuần dùng một phép chữa nào đó thì không thể trúng bệnh mà giải quyết được vấn đề. Do đó phải hiểu được cách phối hợp, ứng dụng lẫn nhau của 8 phép thì mới thích ứng được sự biến hóa của bệnh tình, nay nêu vài thí dụ tóm tắt như sau.
1) Hãn, hạ cùng dùng
Phàm bệnh tà ở biểu nên dùng hãn pháp, bệnh tà ở lý nên dùng hạ pháp; nếu gặp tình trạng đã có chứng biểu, lại có cả chứng lý, nói chung cách chữa là phải giải biểu trước, rồi sau công lý, cho nên mới có lệ cấm “biểu tà chưa giải, thì không được công lý”. Nhưng trong lúc trong ngoài đều ủng thực, biểu lý đều khẩn cấp thì không nên câu nệ vào phép thường là trước biểu sau lý, mà phải chọn phương pháp hãn, hạ cùng dùng để chữa. Như chứng của bài Quế chi gia đại hoàng thang trong sách Thương hàn luận: "Đã có chứng biểu là sợ gió, phát nóng, đau đầu, lại có chứng lý là bụng đầy mà đau, cho nên dùng bài Quế chi thang để giải biểu, gia đại hoàng để công lý”. Ngoài ra như bài Phòng phong thông thánh tán của Lưu Hà Gian (xem ở mục Thuốc biểu lý trong chương Phương tễ) là cũng cùng một phép tắc hãn, hạ cùng dùng.
2) Ôn, thanh cùng dùng
Phép ôn và phép thanh vốn là phép chữa trái nhau; nhưng trong một tình trạng nào đó thì hai phép ấy cần phải hợp lại mà dùng. Vì rằng thân thể người ta sau khi cảm bệnh sẽ tùy sự biến hóa về âm, dương, hư thực mà thường thường sinh ra chứng trạng phức tạp như trên hàn dưới nhiệt, hoặc trên nhiệt dưới hàn. Nếu dùng đơn thuần một phép ôn, hoặc một phép thanh mà chữa, sẽ thành ra một bên quá thịnh, gây ra biến chứng; cho nên cần phải dùng cả phép ôn và phép thanh cùng một lúc, làm cho hiện tượng nóng rét phức tạp, lẫn lộn đi đến chỗ hòa hợp, đó tức là đại ý của phép ôn thanh cùng dùng.
Như sách Thương hàn luận chép: “Bệnh thương hàn trong ngực nóng, dạ dày có tà khí, bụng đau muốn mửa thì dùng bài Hoàng liên thang (xem ở mục Thuốc hòa giải trong chương Phương tễ) là chủ yếu”. Đó tức là một ví dụ bệnh trong phép ôn thanh cùng dùng. Ngoài ra như bài Liên lý thang (21) cũng là bài thuộc trường vị nóng lạnh lẫn lộn mà đặt ra. Nhưng sử dụng phương pháp ấy cần phải phân tích rõ nóng, lạnh bên nào nhiều, bên nào ít để xử lý cho thích đáng.
3) Công, bổ cùng dùng
Chứng hư nên bổ, chứng thực nên công, đó là phép quen dùng, nhưng cũng có một số chứng vì thể chất vốn hư mà cảm tà lại thực, hoặc thể chất vốn thực, sau khi cảm bệnh, không xử lý thích đáng kịp thời để đến nỗi bệnh tà vào sâu, biến thành chứng chính hư tà thực. Lúc bấy giờ nếu chỉ đơn thuần dùng phép bổ thì tà khí sẽ lại cố kết thêm, đơn thuần dùng phép công thì lại sợ chính khí không chịu nỗi mà gây thành nguy hiểm hư thoát, cho nên gặp tình trạng không thể trước công sau bổ, hoặc trước bổ sau công được, thì cần phải chọn dùng phương pháp vừa công vừa bổ mà chữa như bài Đào Thị Hoàng long thang (22) là để chữa chứng nên hạ, mà không hạ thành chứng chính hư tà thực trong đó có nhân sâm, đương quy để giúp chính khí; lại có đại hoàng, mang tiêu để công thực tà, tức là phương pháp công bổ cùng dùng.
Ngoài ra như bài Tăng dịch thừa khí thang (23) cũng là ý nghĩa như thế. Phương pháp này nếu dùng được đúng vẫn có thể chuyển nguy thành yên được. Nếu dùng không đúng cũng sẽ lưu tà tổn thương chính khí, làm hại không ít. Do đó cần phải xét rõ trình độ hư thực, phối hợp cho khéo léo thỏa đáng, khiến công và bổ đều trúng bệnh cả, như thế thì mới nắm chắc được phương pháp công, bổ cùng dùng.
4) Tiêu, bổ cùng dùng
Tiêu, bổ cùng dùng là phương pháp đem thuốc tiêu đạo và thuốc bổ ích kết hợp lại mà dùng. Như những chứng tỳ vị vốn yếu, tiêu hóa không tốt, lại không kiêng ăn uống đến nỗi thức ăn đình trệ mà hiện ra bụng đầy tức, mỏi mệt, ít hơi, ăn uống không được, thì nên dùng bài Chỉ thực tiêu bĩ hoàn (xem ở mục
Thuốc tiêu đạo trong chương Phương tễ) mà chữa, trong đó có nhân sâm, bạch truật để bổ tỳ vị, chỉ thực, hậu phác để tiêu bĩ thông trệ, tức là phương pháp tiêu, bổ cùng dùng. Ngoài ra phàm những người bệnh trong thì có tích tụ mà chính khí lại suy yếu, đều có thể chọn dùng phương pháp ấy mà chữa. Nhưng gặp tình trạng bệnh ở thời kỳ đầu, tà và chính đều thực và bệnh đã lâu ngày, thể chất suy yếu, lại không có tích tụ thì không nên dùng.
Ngoài việc kết hợp sử dụng 4 cách chữa đối lập ấy ra, lại còn có những phương pháp tư âm để phát hãn, trợ dương để phát hãn; phép hạ bằng thuốc hàn, phép hạ bằng thuốc ôn, cho đến hòa giải kiêm phát biểu, hòa giải kiêm công lý v.v... trên thực tế đều là phép tắc phối hợp vận dụng cả.
III. Chính trị và phản trị
1. Chính trị
Tức là phương pháp nhằm đúng bệnh tình lựa chọn những vị thuốc trái với bệnh mà chữa, gọi là “nghịch giả chính trị” (dùng vị thuốc trái lại mà chữa là chính trị), ví như chứng hàn dùng thuốc nhiệt, chứng nhiệt dùng thuốc hàn, chứng thực dùng phép công, chứng hư dùng phép bổ v.v... phép chữa cứ theo mặt chính mà giải quyết cho đến bát pháp và cách phối hợp vận dụng bát pháp đã nói ở trên đều thuộc vào phạm vi chính trị.
2. Phản trị
Phép phản trị cũng gọi là tòng trị, là gặp khi tật bệnh hiện ra giả tượng, chọn dùng một loại biện pháp thuận theo hiện tượng của bệnh mà chữa, tức như ý nghĩa của câu “Tòng giả phản trị” đã nói trong thiên Chí chân yếu đại luận sách Tố vấn. Ví như chứng âm thịnh cách dương, ngoài có hiện tượng nhiệt, mà lại dùng thuốc nhiệt để chữa; chứng nhiệt sâu quyết sâu, ngoài thấy hiện tượng hàn, mà lại dùng thuốc hàn để chữa. Theo hiện tượng mà xét, phép này trái hẳn với phép chính trị, “chữa hàn dùng thuốc nhiệt, chữa nhiệt dùng thuốc hàn” cho nên gọi là “phản trị”. Trong sách Thương hàn luận, chữa chứng lý hàn ngoại nhiệt của bệnh thiếu âm, đi đại tiện ra nguyên thức ăn, tay chân quyết lạnh, mạch vi muốn tuyệt, mình lại không sợ rét, sắc mặt đỏ, dùng bài Thông mạch tứ nghịch thang (24). Chữa chứng nhiệt quyết, “mạch hoạt mà quyết" dùng bài Bạch bổ thang đều là những thí dụ rất rõ ràng.
Còn như chứng hư có hiện tượng thực, mà dùng thuốc bổ, cho đến chứng thực có hiện tượng hư, mà dùng thuốc tả, cũng là một phép tòng trị. Như những chứng tỳ hư đầy tức, không dùng thuốc tiêu đạo mà dùng nhân sâm, bạch truật; chứng nhiệt kết bàng lưu(1), không dùng thuốc cố sáp mà dùng bài Đại thừa khí thang. Kỳ thực, phép chữa ấy đứng trên bản chất mà xét thì cũng như là phép chính trị tức là phép chữa gốc, như trong thiên Chí chân yếu đại luận sách Tố vấn đã đề ra: “Muốn trừ hết được gốc bệnh, trước hết cần phải tìm được nguyên nhân bệnh”.
Còn có phép chữa phản tá, tuy ý nghĩa và tác dụng có chỗ khác với các phép chữa đã nói trên đây, nhưng cũng thuộc vào phạm vi phản trị. Phép ấy đều dùng vào những cực hàn, cực nhiệt, hoặc lúc có hàn nhiệt cách quãng. Vì trong tình trạng ấy, nếu đơn thuần dùng phép chính trị lấy thuốc nhiệt chữa hàn, lấy thuốc hàn chữa nhiệt, thì kết quả thường thường vì hàn nhiệt chống đối nhau mà thuốc không đến được, cho nên trong bài thuốc ôn nhiệt, cần phải phản tá bằng ít vị thuốc hàn, hoặc trong bài thuốc hàn lương, phản tá bằng ít vị thuốc nhiệt, để lấy tác dụng dẫn sự mà phòng ngừa dự chống đối nhau không tiếp xuống được. Như trong sách Thương hàn luận, chữa chứng thiếu âm đi tả, mạch vi cho uống bài Bạch thông thang, nếu lại trở nên quyết nghịch, không có mạch, mửa khan mà phiền, thì dùng bài Bạch thông gia nước mật lợn (25). Trong bài dùng khương phụ tính nhiệt để hồi dương, đuổi hàn, phản tá bằng ít nước mật lợn đắng hàn, để dẫn thuốc nóng đi xuống làm khỏi bị hư dương chống đối mà gây ra chứng trạng mửa khan tâm phiền. Trái lại trong khi chữa chứng nhiệt, cũng có phương pháp như thế, như loại lấy nước gừng sao hoàng liên, bài Tả kim hoàng (26) ý nghĩa và tác dụng cũng giống như trên.
Về phương diện uống thuốc, có phương pháp thuốc nóng uống lạnh, thuốc lạnh uống nóng, tức là ý nghĩa đã nói trong thiên Ngũ thường chính đại luận sách Tố vấn: “Dùng thuốc hàn chữa bệnh nhiệt, thì cho uống hơi nóng, dùng thuốc nhiệt chữa bệnh hàn thì cho uống nguội”. Phép thừa khí uống nóng, khương phụ uống nguội của Lý Đông Viên mục đích cũng là phòng giữ sự chống đối của hàn nhiệt, đó là biện pháp vận dụng linh hoạt trong phép phản tá.
Ngoài ra, còn có biện pháp bệnh ở trên chữa ở dưới, bệnh ở dưới chữa trên, bệnh bên trái chữa bên phải, bệnh bên phải chữa bên trái. Phép này về phương diện uống thuốc trong, hoặc châm cứu chữa ngoài đều có dùng cả. Ví như chứng miệng lưỡi sinh lở, răng đau lợi sưng, ra máu không ngừng hoặc cổ họng sưng đau, nên dùng bài Điều vị thừa khí thang mà tả hạ. Về bệnh đau đầu có thể dùng kim châm ở những huyệt Nội đình, Hành gian ở chân, đó là phương pháp bệnh ở trên chữa dưới. Lại như tiểu tiện không lợi, dùng thuốc tuyên thông phế khí như ma hoàng, cát cánh mà được thông lợi, chứng lòi trôn trê cứu ở huyệt Bách hội trên đầu, đó là phương pháp bệnh ở dưới chữa ở trên. Còn như bệnh ở bên trái chữa bên phải, bệnh bên phải chữa bên trái, thì về phương diện vận dụng châm cứu còn rộng rãi hơn, như những chứng đau một bên đầu, bán thân bất toại, miệng mắt méo lệch, thì bệnh bên trái châm bên phải, bệnh ở bên phải châm bên trái.
IV. Tiêu bản
“Tiêu bản” là phép chữa phân rõ ra chủ hay thứ, gốc hay ngọn, nhẹ hay nặng, cấp hay hoãn của bệnh chứng mà chỉ đạo cách chữa. Trong khi lâm sàng, gặp phải chứng trạng phức tạp rối ren, trước hết phải phân tách thế nào là tiêu, thế nào là bản rồi sau xét sự hoãn cấp của tiêu bản mà quyết định phép chữa.
Nghĩa chữ tiêu bản bao gồm khá rộng, như lấy bệnh tật mà nói thì nguyên nhân là bản, chứng hiện ra là tiêu. Lấy phát bệnh trước sau mà nói thì bệnh phát trước là bản, bệnh phát sau là tiêu. Lấy bộ vị của bệnh mà nói thì ở trong là bản, ở ngoài là tiêu, bệnh tuy nhiều, tóm lại không ra ngoài phạm vi tiêu bản. Hiểu được rõ ràng tiêu bản, nắm vững được chỗ cốt yếu thì khi chữa sẽ có tầng thứ, trước sau, hoãn cấp, là tự nhiên có đường lối không lẫn lộn, không đến nỗi ngồi bó tay hoặc làm cho đảo ngược gốc ngọn.
Chữa bệnh nên theo vào căn bản của bệnh, đó là nguyên tắc chung, ví như người âm hư phát nóng, thì phát nóng là tiêu, âm hư là bản, cho nên lựa dùng phương pháp tư âm thì có thể làm lui được nhiệt ở tiêu. Nhưng trong tình trạng nào đó lại không phải hoàn toàn như thế, ví như người bị chứng hầu phong, cuống họng sưng lấp, uống nước không xuống, thì nhân tố gây bệnh là bản, chứng trạng họng sưng là tiêu. Nhưng vì họng sưng mà đến nỗi uống không xuống, bệnh tình càng nguy cấp, cho nên trước hết phải dùng phép châm cho huyết xấu ra để cho tiêu sưng, rồi sau thuốc thang mới nuốt xuống được, đó là một ca lấy trị tiêu làm khẩn cấp.
Do đó có phép tắc biến thông là “Cấp thì trị tiêu, hoãn thì trị bản”. Lại như chứng ở biểu nóng rét không có mồ hôi của bệnh thương hàn thì nên phát hãn, nhưng lại có tượng trưng chứng ở lý như mạch trầm, tay chân không ấm thì phải ôn lý. Tuy chứng biểu là tiêu, chứng lý là bản, nhưng vì tiêu bản đều cấp, cho nên dùng phương pháp vừa ôn lý vừa phát biểu như bài Ma hoàng phụ tử tế tân thang (27) chẳng hạn, đó là phép tiêu bản đồng trị. Nói tóm lại, vấn đề tiêu bản, trước sau là căn cứ vào hoãn hay cấp, nhẹ hay nặng của bệnh tình mà quyết định. Tiêu gấp hơn bản thì nên trị tiêu trước, bản gấp hơn tiêu thì nên trị bản trước. Nếu không thì tiêu bản lẫn lộn không phân biệt được, thì dầu nắm vững bát pháp vẫn khó mà bảo đảm hoàn toàn hợp với bệnh tình. Cho nên thiên Tiêu bản bệnh truyền luận sách Tố vấn nói: “Biết được tiêu bản thì chữa đâu khỏi đấy, không biết tiêu bản thì chỉ là làm càn”. Như thế đã chỉ ra rõ ràng được tính trọng yếu của vấn đề này.
V. Những điều cần chú ý khi chữa bệnh
Trong khi tiến hành chữa bệnh thì ngoài việc đã nắm vững các phép tắc nói trên ra, còn phải chú ý đến tình hình khí hậu, địa phương, tuổi tác, trai gái, tình chí v.v... kết hợp chặt chẽ lại để mà nghiên cứu xử lý. Lấy khí hậu mà nói, như mùa xuân mùa hạ, khí hậu từ ấm dần sang nóng, thớ thịt của người ta mở ra, nhiều mồ hôi, thì những thuốc ôn táo phải dùng cho cẩn thận, để khỏi tổn thương đến tân dịch; mùa thu mùa đông, khí hậu từ mát dần sang rét, thớ thịt người ta đóng kín, khí dương tiềm tàng thì những thuốc hàn lương dùng nên cẩn thận để khỏi hại đến dương khí.
Lấy địa phương mà nói: như cùng một phép phát hãn, người ở phương Tây, phương Bắc, thường dùng các vị ma hoàng, quế chi, mà ở phương Nam lại thường dùng tô diệp, kinh giới. Thứ hai là những bệnh tật có tính địa phương như bệnh cổ trướng về địa phương ẩm thấp, bệnh hoàng đản lá dâu của địa phươngtrồng dâu nuôi tằm đều phải nên lưu ý. Lấy tuổi tác trai gái mà nói, như trẻ con thì những chứng sa đậu, kinh cam là bệnh thường thấy nhất, đều có quy luật cứu chữa nhất định, đồng thời tạng phủ của trẻ em mềm yếu, liều lượng dùng thuốc cũng không thể ngang với người lớn, còn như người tuổi già, khí huyết suy yếu, nếu dùng phép chữa công phạt thì phải nên chiếu cố đến chính khí. Phụ nữ vì có đặc điểm về sinh lý, cho nên mới có những chứng bệnh kinh đái, thai, sản và đều có đặc điểm về phép chữa của những bệnh ấy. Về những phương diện ấy đều cần phải nắm vững toàn diện để tránh sự xử lý sai lầm mà sinh ra tệ hại.
B. Phép chữa ngoài
Phép chữa ngoài là phép chữa bằng thuốc hay bằng tay, hoặc phối hợp những y cụ nào đó, để chữa những tật bệnh ngoại khoa ở ngoài thân thể hoặc chỗ bị đau. Ba cách ấy trên lâm sàng thường thường dùng chung với nhau. Nhưng các tật bệnh nội khoa cũng có thể dùng phương pháp chữa ngoài, và thường có thể thu được hiệu quả rõ rệt. Ở đây chủ yếu giới thiệu mấy phép dùng thuốc thống thường chữa ngoài thường để chữa những tật bệnh nội khoa.
1.Phương pháp xông
Phép xông là phép chữa dùng khói của vị thuốc đốt lên, hoặc hơi của vị thuốc nấu sôi lên để xông ngoài da thịt hoặc hít vào đường hô hấp của người ta. Cách xông thông qua đường hô hấp mà vào, phần nhiều dùng chữa các tật bệnh ở toàn thân. Cách xông ngoài da thịt, phần nhiều dùng chữa các chứng lở, nhọt ngoài da, hoặc chữa những chứng phong thấp đau nhức. Ví như lúc đàn bà đẻ ra huyết quá nhiều đến nỗi chóng mặt chết ngất (vận quyết) có thể dùng xông bằng dấm thanh, phép này dùng than củi đốt đỏ (hoặc đồ sắt đốt đỏ) nhúng vào dấm thanh sẽ có hơi dấm thanh bay lên, cho sản phụ ngửi thì có thể làm cho thần chí tỉnh dần.
Lại như chứng ở ngoài da, dùng thương truật, hoàng bá, phòng phong, khổ sâm đều 3 đồng, bạch tiễn bì, đại phong tử đều một lạng, ngũ bội tử, tùng hương đều 5 đồng, tán nhỏ vừa, mỗi lần dùng bột ấy l lạng, giã nửa lạng bột ngải cứu, lấy giấy mềm súc lại thành mồi, đốt lấy khói xông vào chỗ đau; một lát, trên dấu lở đọng lại một lớp khói sắc vàng, mỗi ngày có thể xông 2 lần (nghiệm phương lâm sàng). Lại như chữa những chứng phong thấp co giật, gân cốt đau nhức có thể dùng bài Nhị diệu thang (28) xông cả toàn thân.
2. Phương pháp tắm ngâm
Phép tắm ngâm là đem thuốc nấu nước lên rồi dùng mà tắm rửa hoặc ngâm tắm. Phép này ngoài công năng chữa bệnh của thuốc ra, cũng có tác dụng chữa bệnh nhất định bằng sự kích thích bởi lạnh hay nóng của nó.
Bệnh ở tay chân dùng phép ngâm, bệnh ở bộ phận thân thể dùng phép tắm là thích hợp. Ví như những bệnh ghẻ lở ngoài da thì nên dùng bài Khổ sâm thang (29) rửa chỗ đau có tác dụng sát trùng, giải độc, hết ngứa, trừ thấp. Lại như chứng Nga chưởng phong(1) dùng hoàng bá 3 đồng, thổ cẩu (dế nhủi) 1 lạng, đương quy 6 đồng, bách bộ 4 đồng, đuôi bò cạp(2) 10 cái, dấm thanh 1 cân tẩm thuốc 7 ngày bỏ bã thuốc, mỗi ngày đem tay ngâm vào dấm vài lần thì có công hiệu (nghiệm phương lâm sàng). Bệnh nóng vì thời khí, nhiệt tà thịnh quá, phiền táo khát lắm, thậm chí phát kinh quyết nói sảng có thể dùng nước đá, nước hoàng liên, nước tuyết mà đắp vào ngực.
3. Phương pháp bôi đắp
Phép bôi đắp là dùng vị thuốc tươi sống giã nát, hoặc dùng thuốc khô tán bột, hoặc hòa với mật hay rượu cho đều, bôi vào chỗ đau, khiến cho thuốc tiếp xúc với da được lâu để phát huy được công hiệu. Ví như trong quyển đầu của sách Ngoại trị thọ thế phương, chữa chứng hàn thấp đau nhức dùng một nắm lá tử tô, một nắm củ hành cả rễ, một củ gừng già sống cùng giã nát, đổ vào một chén rượu, lại gia một tý bột mì bỏ vào nồi xào nóng đắp vào chỗ đau có tác dụng ấm kinh mạch, tán hàn thông lạc mạch, khỏi đau. Lại chữa chứng cổ trướng, bụng rốn trướng lớn, đại tiểu tiện không thông, dùng một phân xạ hương nhét vào trong rốn, lại dùng cam toại, hùng hoàng đều 1 đồng, 1 con ốc bươu giã nhừ đắp lên rốn, lấy vải buộc lại có thể thông lợi đại tiểu tiện tiêu trừ thũng trướng.
4. Phương pháp dán
Thuốc dán thường gọi là thuốc cao. Một cách dùng thuốc tẩm vào trong dầu ngào khô bỏ bã, gia vào những vị hoàng đơn, duyên phấn làm thành cao, khi dùng hơ nóng cho chảy ra, phết vào trên miếng da hay miếng vải mà dán. Ví như những bệnh âm hàn, đau bụng, ỉa chảy, dùng Cao noãn tề (30) dán lên trên rốn. Những chứng phong hàn thấp tê, gân xương đau nhức dùng cao vạn ứng (31) dán lên chỗ đau. Chứng trong bụng bí tích có máu cục, nên dùng cao tiêu bỉ cẩu bì (32) dán lên chỗ đau.
5. Phương pháp chườm
Phép chườm là đem thuốc làm cho nóng lấy vải bọc lại chườm nóng lên chỗ đau, hoặc trực tiếp đem thuốc bôi lên chỗ đau rồi lấy bàn là nóng mà là lên. Phép này thường dùng chữa những chứng: phong hàn, thấp tê, bỉ tích đau nhức. Ví như chữa chứng phong hàn, thấp tê mà đau dùng bài Ủy phong tán (33) trộn với dấm thanh xào rất nóng, bọc vải bông chườm lên chỗ đau. Chữa chứng thức ăn đình trệ, vị quản đau nên dùng bài Tào hương bỉnh (34) đắp lên chỗ vị quản rồi dùng lửa mà chườm lên.
6. Phương pháp thổi mũi
Phép thổi mũi là phương pháp lấy bột thuốc thổi vào trong mũi. Phương pháp này chẳng những chữa tật bệnh ở lỗ mũi, mà về một số bệnh nội khoa cũng có dùng. Ví như chữa chứng Tỵ uyên, dùng đá ngư não thạch nướng lên nghiền bột, gia chút ít băng phiến, thổi vào trong mũi, chứng trúng phong mê man bất tỉnh, dùng bài Thông quan tán (35) thổi vào lỗ mũi để cho nhảy mũi. Chữa chứng hoàng đản, dùng bài Qua đế tán (36) thổi vào lỗ mũi.
7. Phương pháp ngậm súc (phép ngậm tan)
Phép ngậm súc là phép dùng thuốc nước ngậm để súc trong miệng. Phép ngậm cho tan là dùng thuốc thổi, hoặc thuốc viên ngậm vào miệng cho hòa tan ra. Phương pháp ấy chủ yếu là chữa những bệnh ở miệng và cổ họng. Như viên Cầm hòa thượng thanh hoàn (37) ngậm cho tan, có thể trừ ho, làm thanh tiếng, hóa đàm, khoan khoái trong ngực và chữa miệng lưỡi lở, cổ họng sưng đau. Lại như chứng nhũ nga tắc họng, có thể lấy nước sơn đậu căn ngậm nuốt (thành phương thiết dụng cứu cấp). Chứng nướu răng chảy máu, có thể dùng trúc nhự, tẩm dấm một đêm, rồi lấy dấm ngậm súc miệng (thời phương diệu dụng) v.v...
8. Phương pháp nhét
Phép nhét là phương pháp lấy thuốc tán bọc vào trong bông buộc chặc, hoặc dùng thuốc thổi nhét vào tai, mũi, cửa mình, lỗ đít để đạt mục đích chữa bệnh như những chứng Tỵ uyên dùng bài Khung cùng tán (38) bọc bông nhét vào mũi. Đàn bà bị chứng xích bạch đới, dùng bài Như thánh đan (39) bọc bông nhét vào âm hộ v.v...
9. Phương pháp thoa xát
Phép thoa xát là dùng thuốc thoa xát vào chỗ đau, như dùng ô mai nhục xát vào răng nướu để chữa chứng trúng phong cấm khẩu. Lại như trong tập đầu sách Ngoại trị thọ thế phương“.Chữa chứng phong hàn đau tê, dùng những vị mộc qua, ma hoàng, hải phong đằng, hy thiêm thảo, bạch già căn, đương quy, phòng phong, tầm giao sắc với rượu, lấy rượu thoa xát vào chỗ đau, có tác dụng ôn kinh, tán hàn, chỉ thống”.
10. Phương pháp xoa phấn
Phép bôi phấn là phép lấy thuốc nghiền thành phấn rất nhỏ xoa vào da, ví như sách Thiên kim phương dùng bài Ôn phấn (40) chữa những chứng tự ra mồ hôi, đổ mồ hôi trộm. Bài Ngọc nữ anh (41) chữa rôm sảy mùa hè.
11. Phương pháp làm phỏng da
Phép làm phỏng da là dùng vị thuốc có tính kích thích, giã nát hoặc nghiền bột bôi ngay vào da khiến cho nổi phỏng nước lên để đạt mục đích chữa bệnh, ví như chữa chứng song nhũ nga lấy bột Dị công tán (42) dùng thuốc cao dán vào hai bên gáy (đau bên trái thì dán bên phải, đau bên phải thì dán bên trái). Sau 3, 4 giờ thì nổi phỏng nước, dùng kim bằng bạc khêu vỡ ra thì khỏi. Lại như trong tập đầu sách Ngoại trị thọ thế phương chữa những chứng hoàng đản, dùng lá thiên nam tinh giã nát, bỏ vào chén trà, úp vào chỗ cách trên rốn một tấc dùng băng buộc chặt một đêm ngày rồi bỏ thuốc ra, trên da nổi phỏng nước, dùng kim bằng bạc khêu vỡ cho chảy hết nước vàng ra thì khỏi.
12. Phép móc họng cho mửa
Phép móc họng cho mửa là phép chữa dùng thuốc hoặc thứ khác làm cho kích thích trong họng mà mửa ra. Ví như dùng bài Đồng du tiễn (43) để móc cho mửa và chữa chứng triền hầu phong, cổ họng sưng đau, đờm dãi bế tắc, có tiếng khò khè thở ra hít vào khó khăn.
13. Phép thông đạo (thông khoan)
Phép thông đạo là phương pháp dùng vị thuốc chữa ngoài để thông dẫn đại tiện. Thuốc ấy là loại thuốc nước, rót vào trong ruột, hoặc dùng thuốc thỏi trơn nhuận nhét vào lỗ đít. Đối với người bệnh thân thể hư yếu, tân dịch trong ruột khô ráo, rất là thích dụng. Cách thường dùng trong khi lâm sàng có những phép Mật tiễn đạo (44) và Trư đảm thấp đạo (45).
*
* *
Trên đây là những phương pháp chữa ngoài bằng thuốc thường dùng, vì hình thức của thuốc và phương pháp có nhiều loại, nhiều cách, cho nên phạm vi ứng dụng rất rộng rãi. Nhất là gặp lúc bị bệnh bất ngờ, thế bệnh nguy cấp, thuốc uống trong không thể chữa kịp, càng nên lợi dụng các phương pháp chữa ngoài để cấp cứu.
Phép chữa ngoài, tuy dùng để chữa ngoài thân thể, nhưng cùng với phép uống thuốc trong cũng không có gì khác nhau cả, nếu khi mà tính lương, bổ, tả, của thuốc với hàn, nhiệt, hư, thực của bệnh tình không thích ứng với nhau, thì cũng đều làm hại không phải là ít. Sách Lý thược biền văn của Ngô Sư Cơ nói: “Lý luận chữa ngoài cũng như lý luận chữa trong, thuốc chữa ngoài cũng như thuốc chữa trong, chỗ khác nhau là phương pháp mà thôi”. Cho nên phép chữa ngoài, cũng phải theo sự chỉ đạo của phép biện chứng luận trị mà vận dụng linh hoạt, mới kết hợp với bệnh tình, đạt mục đích lành bệnh.
Phụ phương
1. Kinh phòng bại độc tán (Chứng trị chuẩn thằng)
Kinh giới tuệ, phòng phong, khương hoạt, độc hoạt, tiền hồ, sài hồ, chỉ xác (sao cám), cát cánh, xích phục linh, xuyên khung đều 1 đồng, nhân sâm, cam thảo đều 5 phân, sinh khương 3 nhát, nước 2 bát, sắc lấy 8 phần, uống cách xa bữa ăn, lạnh lắm thì giã ba củ hành.
2. Thăng ma cát căn thang (Tiền ất)
Thăng ma, cát căn, xích thược, cam thảo.
3. Tuyên độc phát biểu thang (Y tông kim giám)
Bạc hà diệp, cát căn, phòng phong, kinh giới, liên kiều, ngưu bàng (sao). Mộc thông, chỉ xác, đạm trúc diệp, tiền hồ, cát cánh, cam thảo, đăng tâm để dẫn thuốc.
4. Gia giảm nuy di thang (Thông tục thương hàn luận)
Sinh nuy di 3 đồng, củ hành tươi 3 củ, cát cánh 1 đồng 5 phân, đông bạch vi 1 đồng, đạm đậu sị 3 đồng, bạc hà 1 đồng, chích cam thảo 5 phân, hồng táo 2 quả.
5. Sâm phụ tái tạo thang (Thông tục thương hàn luận)
Cao ly sâm 1 đồng, đạm phụ phiến 5 phân, xuyên quế chi 1 đồng, khương hoạt 8 phân, miên kỳ bì (rữa rượu) 1 đồng rưỡi, bắc tế tân 5 phân, chích cam thảo 8 phân, phòng phong 8 phân.
6. Cứu cấp hi diên tán (Bản sự phương)
Trư nha tạo giác 4 quả, bạch phàn 1 lạng, tán bột, mỗi lần uống 5 phân, hòa với nước nóng.
7. Tam thừa khí thang (Thương hàn luận)
Bao gồm 3 bài: đại thừa khí thang, tiểu thừa khí thang, đều vị thừa khí thang (kề trong mục Công lý, ở chương Phương tễ).
8. Ma tử nhân hoàn (Thương hàn luận)
Ma tử nhân 2 thăng, hạnh nhân 1 cân (bỏ vỏ và đầu nhọn), chỉ thực (sao) nửa cân, hậu phác 1 cân, thược dược 1/2 cân, đại hoàng 1 cân, đều nghiền bột luyện mật, làm viên to bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống 10 viên, ngày 3 lần, thêm dần lên thấy kiến hiệu thì thôi.
9. Bán lưu hoàn (Cục phương)
Lưu hoàng 2 lạng (nghiền rất nhỏ, dùng chày gỗ liễu giã qua), bán hạ 3 lạng (rửa nước sôi 7 lần), sấy khô tán bột, cùng ngào với nước cốt gừng, cho vào hòa với bột nếp chín, phơi khô hòa đều, bỏ vào cối giã vài trăm chày, làm viên to bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống từ 15 viên đến 20 viên, 30 viên. Trẻ con viên bằng hạt gạo, mỗi lần uống từ 3 đến 5 viên với nước cơm, nước gừng sống, đàn bà uống với dấm.
10. Tiêu cam lý tỳ hoàn (Y tông kim giám)
Vu di, tam lăng, nga truật, thanh bì, sao trần bì, lô hội, binh lang, sử quân tử nhục, cam thảo (sống), xuyên hoàng liên, hồ hoàng liên, mạch nha (sao), thần khúc (sao), dùng đăng tâm để dẫn thuốc, sắc uống.
11. Thống tả yếu phương (Lưu thảo song)
Bạch truật (thổ sao) 3 lạng, bạch thược (sao) 2 lạng, trần bì (sao) 1 lạng rưỡi, phòng phong 1 lạng, hoặc sắc, hoặc viên, đi tả lâu ngày gia thăng ma.
12. Sái hồ quế chi thang (Thương hàn luận)
Sái hồ 4 lạng, bán hạ (rửa) 2 cáp rưỡi, hoàng cầm 1 lạng rưỡi, nhân sâm 1 lạng rưỡi, sinh khương 1 lạng rưỡi (thái ra), đại táo 6 quả, quế chi 1 lạng rưỡi (bỏ vỏ), thược dược 1 lạng rưỡi, chích thảo 1 lạng, cả 9 vị dùng nước 7 thăng, sắc lấy 3 thăng, bỏ bã, uống ấm 1 thăng.
13. Hoàng liên a giao thang (Thương hàn luận)
Hoàng liên 4 lạng, hoàng cầm 2 lạng, thược dược 2 lạng, a giao 3 lạng, kê tử hoàng 3 cái (lòng đỏ trứng gà). Cộng 5 vị, dùng nước 6 thăng, sắc trước 3 vị, lấy 2 thăng, bỏ bã, bỏ a giao vào cho tan hết, để hơi nguội cho lòng đỏ trứng gà vào khuấy cho đều, uống ấm 7 cáp, âm ấm, ngày uống 3 lần.
14. Nhân sâm dưỡng vinh thang (Cục phương)
Nhân sâm, trần bì, hoàng kỳ, quế tâm, đương quy, bạch truật, cam thảo đều 1 đồng, bạch thược 1 đồng rưỡi, thục địa, ngũ vị tử, phục linh đều 7 phân rưỡi, viễn chí 5 phân, nước lạnh 2 bát, gia gừng sống 3 nhát, đại táo 12 quả, sắc lấy 8 phân, uống trước bữa ăn.
15. Bổ phế a giao tán (Tiền ất)
A giao (sao với cáp phấn) 1 lạng rưỡi, mã đâu linh (sấy), cam thảo (chích), ngưu bàng tử (sao thơm) đều 1 lạng, hạnh nhân bỏ vỏ đầu nhọn 7 đồng, gạo nếp 1 lạng, nghiền thành bột, mỗi lần uống chừng 1 lạng, trẻ con 1, 2 đồng sắc với nước trong, uống âm ấm sau bữa ăn.
16. Sâm linh bạch truật tán (Cục phương)
Nhâm sâm 1 cân 8 lạng, sứ truật (thổ sao) 2 cân, phục linh 1 cân, sơn dược khô (sao) 1 cân 8 lạng, biển đậu (sao) 1 cân 8 lạng, chích cam thảo 1 cân, liên nhục (sao đỏ tim) 1 cân 8 lạng, trần bì 1 cân, ý dĩ (sao) 1 cân, cát cánh 1 cân, sa nhân 1 cân, tán nhỏ, mỗi lần uống 2, 3 đồng. Lấy đại táo sắc làm thang hoặc hòa với nước cơm cho uống.
17. Độc sâm thang (Cảnh nhạc toàn thư)
Nhân sâm, thứ tốt nhất (phân lượng thì tùy người, tùy chứng mà định), sắc với nước cho đậm đặc, uống hết cả một lúc.
18. Hóa tích hoàn (Thẩm thị tôn sinh)
Tam lăng, nga truật, a ngùy, hải phù thạch, hương phụ, hùng hoàng, binh lang, tô mộc, ngõa lăng tử, ngũ linh chi, nghiền thành bột, rỏ nước mà viên, uống với nước sôi.
19. Mẫu đơn tán (Vân kỳ tử phương)
Quế tâm, huyền hồ sách đều 1 lạng, nga truật, ngưu tất, xích thược đều 3 lạng, kinh tam lăng 1 lạng rưỡi, tán nhỏ vừa, mỗi lần dùng 3 đồng, nước và rượu đều nửa chén sắc uống.
20. Chỉ truật thang (Kim quỹ yếu lược)
Chỉ thực 7 quả, bạch truật 2 lạng, 2 vị trên dùng nước 5 thăng, sắc lấy 3 thăng, chia 3 lần, uống âm ấm.
21. Liên lý thang (Trương thị y thông)
Nhân sâm, bạch truật, càn khương, cam thảo, phục linh, hoàng liên, dùng nước trong sắc uống.
22. Đào Thị Hoàng long thang (Thương hàn lục thư)
Đại hoàng, mang tiêu, chỉ thực, hậu phác, cam thảo, nhân sâm, đương quy. Người tuổi già khí huyết hư thì bỏ mang tiêu đi. Nước 2 nhát, gừng 3 bát, táo 2 quả, sắc lên rồi gia cát cánh cho sôi một đạo, uống nóng làm chừng.
23. Tăng dịch thừa khí thang (Ôn bệnh điều biện)
Huyền sâm 1 lạng, mạch đông (để lõi) 8 đồng, tế sinh địa 8 đồng, đại hoàng 3 đồng, mang tiêu 1 đồng rưỡi, nước 8 chén, nấu lấy 3 chén, trước uống 1 chén, bệnh không chuyển lại uống.
24. Thông mạch tứ nghịch thang (Thương hàn luận)
Tức là thang tứ nghịch bội càn khương lên thành 3 lạng.
25. Bạch thông gia trư đảm thấp thang (Thương hàn luận)
Thông bạch 4 củ, càn khương 1 lạng, phụ tử 1 củ (để sống bỏ vỏ, chẻ làm 8 miếng), nước tiểu 5 cáp, nước mật lợn 1 cáp, cộng 5 vị lấy 3 thăng nước, nấu lấy 1 thăng, bỏ bã, đổ nước mật và nước tiểu vào, hòa cho đều chia 2 lần uống âm ấm.
26. Tả kim hoàn (Đan khê tâm pháp)
Hoàng liên (sao nước gừng) 6 lạng, ngô thù (ngâm nước muối) 1 lạng, tán bột hòa với nước hoặc hoà với hồ, uống với nước sôi 50 hoàn.
27. Ma hoàng phụ tử tế tân thang (Thương hàn luận)
Ma hoàng (bỏ mắt) 2 lạng, phụ tử (nướng bỏ vỏ) 1 củ, tế tân 2 lạng, cộng 3 vị. Lấy một đấu nước nấu ma hoàng trước, bớt một thăng, gạt bọt ở trên đi, bỏ các vị kia vào nấu lấy 3 thăng, uống âm ấm 1 thang, mỗi ngày 3 lần uống.
28. Nhị diệu thang (Tập đầu của sách Ngoại trị thọ thế phương)
Cam thảo, uy linh tiên, đều 1 cân, đổ nước nấu sôi, rồi đổ vào trong một cái thùng, đặt một cái ghế, bảo người bệnh ngồi xổm lên ghế trong thùng, lấy vải dày bao kín chỉ chừa đầu ra ngoài mà xông, làm sao cho ra mồ hôi, phải cần tránh gió lạnh.
29. Khổ sâm thang (Dương khoa đại toàn)
Khổ sâm 2 lạng, xà sàng tử 1 lạng, bạch chỉ 5 đồng, kim ngân hoa 1 lạng, dã cúc hoa 2 lạng, hoàng bá 5 đồng, địa phu tử 5 đồng, thạch xương bồ 3 đồng, dùng nước sôi nấu lên, khi rửa gia vào 4, 5 cái mật lợn mà rửa vài ba lần thì khỏi, kiêng những đồ ăn kích thích, tránh gió.
30. Noãn tề cao (Nghiệm phương)
Mẫu đinh hương, hồ tiêu đều 2 đồng, lưu hoàng, bột đậu xanh đều 3 đồng, ngô thù du 1 đồng, tán bột dùng 4 lạng cao thái ất đun cách thủy cho chảy ra, đem thuốc bột nhồi vào hòa đều, dán lên trên rốn thì hòa được hàn, hòa được khí khỏi đau và chỉ tả.
31. Vạn ứng cao (tức Vạn ứng bảo trân cao)
Sinh địa hoàng, mao truật, chỉ xác, ngũ gia bì, nga truật, đào nhân, sơn nại, đương quy, xuyên ô, trần bì, ô dược, tam lăng, xuyên đại hoàng, hà thủ ô, sài hồ, phòng phong, lưu ký nô, nha tạo, xuyên khung, quan quế, khương hoạt, uy linh tiên, xích thược dược, thiên nam tinh, hương phụ, kinh giới, bạch chỉ, hải phong đằng, cảo bản, xuyên đoạn, cao lương khương, độc hoạt, ma hoàng (bỏ mắt), cam tùng, liên kiều đều 3 đồng.
Cách chế: Dùng 4 cân dầu mè, bỏ thuốc vào nấu khô, lọc bỏ bã, bỏ 2 lạng tóc sạch vào cho tan ra. Lại bỏ 30 lạng nụy đan vào, ngào thành cao. Lại thêm nhục quế, xạ hương sau hãy bỏ vào, đều 1 đồng. Phụ tử phiến, long não, hồi hương, nhũ hương, mộc dược, a ngùy, tế tân đều 3 đồng, đều nghiền thật nhỏ nhồi vào trong cao tắt lửa đi, rồi quấy cho đều đạt thành cao.
32. Tiêu bỉ cần bỉ cao
A ngùy 1 lạng, nhục quế, công đinh hương đều 5 đồng, xạ hương 1 đồng, mộc hương 4 đồng, nhũ hương (bỏ dầu), một dược (bỏ dầu) đều 6 đồng, cùng nghiền bột, dùng 1 cân 8 lạng cao vạn ứng, nấu cách thủy cho tan rồi bỏ thuốc bột vào quấy đều đạt thành cao.
33. Ủy phong tán (Chứng trị chuẩn thằng)
Khương hoạt, bạch chỉ, phòng phong, tế tân, đương quy, nguyên hoa, bạch thược, ngô thù, quan quế, phân lượng đều nhau, nghiền nhỏ vừa, dùng hành tiều để cả rễ 8 lạng cắt nhỏ, đều hòa vào dấm thật chua mà xào cho thật nóng, bọc vải bông vào mà chườm vào chỗ đau.
34. Tào hương bĩnh (Tập đầu của sách Ngoại trị thọ thế phương)
Sinh hương tào 6 lạng, sinh khương, xương bồ đều 4 lạng, muối 2 lạng, giã đều, xào nóng, làm bánh dán lên chỗ đau, dùng lửa hơ bên trên.
35. Thông quan tán
Tế tân, tạo giác, bạc hà, hùng hoàng đều 1 đồng (1 bài có thêm nam tinh), bán hạ, nghiền bột thổi vào mũi.
36. Qua đế súc ty phương (Thiên kim dực phương)
Qua đế sao, nghiền bột, dùng một ít bằng hột đậu, thổi vào lỗ mũi, nhẹ thì nửa ngày, nặng thì một ngày, chảy nước vàng ra thì khỏi.
37. Cầm hóa thượng thanh hoàn (Nghiệm phương tân biên)
Ngọc lộ sương, thị sương, khoản đông hoa, ngũ vị tử, hoàng cầm, bạc hà, hải phù thạch, ô mai, cam thảo (chích), hàn thủy thạch, kha tử nhục, đại mạch nha, xuyên bối mẫu, thanh đại, phân lượng đều nhau, nghiền bột luyện mật mà viên bằng bột khiếm thực (của súng), mỗi lần uống một viên, ngậm tan nuốt xuống.
38. Khung cùng tán (Chứng trị chuẩn thằng)
Khung cùng, tân di đều 1 lạng, tế tân (bỏ mầm) 7 đồng 5 phân, mộc thông 5 đồng, nghiền bột, lấy bông gói một ít, nhét vào lỗ mũi, ướt thì thay đi.
39. Như thánh đan (Nho môn sự thân)
Xà sàng tử, khô bạch phàn, phân lượng đều nhau, tán bột, dùng dấm quấy hồ mà viên bằng viên đạn, yên chi làm áo, gói vào bông nhét vào âm hộ, nóng quá thì thay đi.
40. Ôn phấn (Thiên kim phương)
Long cốt nung, mẫu lệ nung, sinh hoàng kỳ đều 3 đồng, bột gạo tẻ 1 lạng, đều nghiền nhỏ, trộn đều, lấy lụa thưa gói lại thoa dần dần.
41. Ngọc nữ anh (Dương khoa tuyển túy phương)
Bột hoạt thạch 5 đồng, bột đậu xanh (sao qua) 4 lạng, trộn đều làm phấn mà thoa.
42. Dị công tán (Dịch sa thảo)
Ban miêu (bỏ chân cánh, sao với gạo nếp cho vàng, bỏ gạo) 4 đồng, huyết kiệt, nhũ hương, một dược, toàn yết, huyền sâm đều 6 phân, xạ hương 3 phân, đều nghiền bột, đựng vào bình sứ, bịt kín miệng cho khỏi mất hơi, dùng một lá thuốc cao thường, rồi lấy bột ấy cỡ hạt dầu nành dán lên chỗ cổ, đau bên trái thì dán bên phải, đau bên phải thì dán bên trái, đau ở giữa thì dán ở giữa, chừng 3, 4 giờ thì nổi mụn phỏng, lấy kim bạc khêu là khỏi.
43. Đồng du tiễn (Y tông kim giám)
Dầu chẩu bốn thìa, nước ấm nửa bát, quấy với dầu cho đều, dùng lông cánh gà hơi cứng nhúng dầu ngoáy vào trong họng, liền 4, 5 lần như thế thì trào đờm ra, lại ngoáy cho trào nữa đến khi người tỉnh, hét tiếng lên thì thôi.
44. Thông khoan bằng mật (Thương hàn luận mật tiễn đạo)
Mật ong 7 cáp, đổ vào nồi đồng sắc nhỏ lửa, đợi nó đặc lại như kẹo mạch nha, quấy luôn tay, chớ cho cháy xém, đặc có thể viên được thì lấy tay nắm thành thoi, nhọn đầu, lớn bằng ngón tay dài chừng 2 tấc, làm gấp khi đang nóng, lạnh sợ nó cứng, để đút vào trong lỗ đít.
45. Thông khoang bằng mật lợn (Thương hàn luận trư đởm thấp đạo)
Dùng một cái mật lợn, nặn lấy nước, hòa với ít dấm, thụt vào trong lỗ đít, chừng ăn xong bữa cơm sẽ đi tả ra những thức ăn cũ và chất độc.
Bài viết này có 0 bình luận