Phòng Bệnh cơ bản

 

 

PHÒNG BỆNH CƠ BẢN

 

 

Tư tưởng phòng bệnh của Đông y học là một vấn đề trọng yếu đã thảo luận, thiên Thượng cổ thiên Chân luận / 3 sách Nội kinh nói: khi có trái gió trở trời phải trốn lánh kịp thời, đề phòng nhân tố ngoại lai gây bệnh, đồng thời cũng nhấn mạnh tính chất trọng yếu nội tại là chân khí. Sách ấy nói tiếp: chú ý bảo dưỡng mặt tinh thần làm cho tình tự yên ổn, chân khí mới sung túc, tinh thần vững chải bên trong thì làm sao mà bệnh tật len vào được. Cho nên cách phòng bệnh của Đông y tuy cũng nêu ra hai mặt nội nhân và ngoại nhân, nhưng đối với nội nhân càng coi trọng hơn. Vì sự phát ra bệnh tật cổ nhân có sẵn quan hệ chặt chẽ với khí hậu biến hóa của tự nhiên mà mấu chốt chủ yếu là có bệnh với không có bệnh ở chỗ nhân thể hư hay không hư. Ví dụ: thiên Bách bệnh thủy sinh sách Linh khu nói: “Gió mưa nóng rét thường thì không hại gì cho sức khỏe con người vì nó không phải là hư tà”. Mặt khác tuy hằng gặp mưa to gió lớn mà cũng chẳng phát sinh bệnh tật là do thể chất con người vững chắc một mình tà khí không gây bệnh được.

 

 

Do đó có thể biết được việc phòng bệnh chẳng những cần tránh nhân tố gây bệnh từ ngoài đến, không cho tà khí xâm phạm trực tiếp vào thân thể người ta, mà điều trọng yếu hơn là bảo dưỡng chính khí như thế nào để tăng cường sự đề kháng, làm cho bệnh tà không còn chỗ hở mà vào được. Thiên Tứ khí điều thần đại luận lại nói: “Bậc thánh nhân không chữa khi đã mắc bệnh, mà chữa khi chưa mắc bệnh, không trị khi đã loạn, mà trị khi chưa loạn”, là ý nghĩa đó. Nếu bệnh đã thành rồi mà sau cho uống thuốc, nước đã loạn rồi mới trị, khác nào khát nước mới đào giếng, chiến tranh rồi mới đúc vũ khí, thì chẳng hóa ra muộn lắm ru!”. Đó chính là nói rõ ý nghĩa trọng đại của việc phòng bệnh. Mặc khác là sau khi đã mắc bệnh, đều không có thể xem nhẹ về tác dụng tích cực về việc phòng bệnh.

 

Cũng là làm thế nào ngăn ngừa được bệnh nhẹ không để biến thành bệnh nặng, bệnh của một tạng phủ này không để cập lụy đến một tạng phủ khác. Như trong thiên Ngọc cơ chân tàng luận sách Tố vấn nói: “Phong hàn xâm phạm vào người làm cho lông tóc sởn cả lên, da dẻ bế lại mà phát sốt, trong khi đó có thể dùng phép “hãn” cho ra mồ hôi... Nếu không chữa ngay thì bệnh khí truyền vào phế...Nếu không chữa ngay thì phế bệnh sẽ truyền vào can...” Vì thế cần nên nắm vững quy luật phát triển của tật bệnh, đề phòng từng ly từng tý, ngăn ngừa sự truyền biến của tật bệnh, cách trị liệu bằng phòng bệnh như trên cũng là một trong những đặc điểm của Trung y học. Dưới đây giới thiệu hai mặt là phòng bệnh khi chưa có bệnh và phòng bệnh khi đã có bệnh.

 

 

A. Phòng bệnh khi chưa có bệnh
 
 

1. Tu dưỡng tinh thần

 

 

Về tu tưởng hoạt động của con người đối với sự phát sinh tật bệnh là có quan hệ rất mật thiết với nhau, tinh thần bị kích thích quá độ, có thể ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của cơ thể mà gây ra bệnh. Thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn nói: “Giận quá hại can”, “mừng quá hại âm”, “nghĩ qúa hại tỳ”, “lo qúa hại phế”, “sợ quá hại thận”. Thiên Cử thống luận sách Tố vấn lại nói: “Trăm bệnh sinh ra ở "khí”, giận thì khí bốc lên, mừng thì khí hoãn, buồn thì khí tiêu, sợ thì khí hạ..., kinh thì khí loạn... nghĩ thì khí kết”. Thiên Sơ ngũ quá luận sách Tố vấn lại nói: “Đột nhiên vui quá, đột nhiên khổ quá, trước vui sau khổ, đều hại tinh khí; tinh khí kiệt hết thì hình thể hủy hoại”. Những điều nói trên tức thường gọi là tật bệnh do nội thương thất tình mừng, giận, lo, nghĩ, buồn, sợ, kinh mà gây ra. Bởi vì tất cả sự vật đều có thể làm cho kích thích người ta mà ảnh hưởng đến tư tưởng, tình tự, sự kích thích như thế ở trạng thái bình thường thì không ảnh hưởng đến sức khỏe của người, nếu vượt quá mức độ nhất định thì có thể làm cho người bị bệnh.

 

Thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn cũng nói: “Đột nhiên giận quá thì hại âm, đột nhiên mừng quá thì hại dương... sinh bệnh thì không giữ vững được”. Vì thế đối với việc tu dưỡng tinh thần cần nên coi trọng. Thiên Thượng cổ thiên chân luận sách Tố vấn lại nói: “Ngoài thân thể không làm việc mệt nhọc quá, trong tư tưởng không lo lắng quá, lấy điềm tĩnh lạc quan làm mục đích, luôn luôn thấy tinh thần thoải mái”. Đó là người ta nên tiết chế lòng ham muốn, không nên nghĩ càn, cần để cho trong lòng được cởi mở, lạc quan mới không đến nỗi rối loạn sinh lý bình thường của cơ thể. Ngoài ra, thiên Sinh khí thông thiên đại luận sách Tố vấn lại nói: “Thanh tĩnh thì bắp thịt, lỗ chân lông kín đáo vững chắc, tuy có “gió to độc dữ cũng không thể làm hại được”. Nói rõ tư tưởng điềm tĩnh, đã có thể ngăn ngừa sự kích thích của nhân tố gây bệnh ở trong (thất tình) lại còn có thể làm cho bắp thịt, lỗ chân lông, da dẻ ở ngoài tăng thêm năng lực chống đỡ với ngoại tà, dầu có sự xâm phạm của nhân tố gây bệnh ở ngoài cũng không đủ để làm cho tật bệnh phát sinh được, nhờ đó mà giữ được sức khỏe của thân thể.

 

 

2. Thích ứng với khí hậu bốn mùa

 

 

Trong khoảng bốn mùa thì mùa xuân, mùa hạ là mùa sinh trưởng bồng bột, thuộc dương, mùa thu, mùa đông là mùa túc sát rét căm căm vạn vật co rút lại thuộc âm. Sự nóng lạnh của khí hậu là theo sự thay đổi của thứ tự bốn mùa. Vạn vật trong vũ trụ cũng theo sự biến hóa của bốn mùa mà có quy luật phát triển chính thường về sinh, trưởng, thu, tàn. Cho nên thiên Tứ khí điều thần đại luận sách Tố vấn nói: “ Âm dương của bốn mùa là căn bản của vạn vật”. Lại nói: “Âm dương bốn mùa là thủy chung của vạn vật, gốc của sinh tử, trái lẽ đó thì tai hại sinh, theo lẽ đó thì tật bệnh không sinh ra được” bởi vì sinh vật và tự nhiên giới là có quan hệ rất mật thiết. Nếu cơ năng điều tiết của thân thể người ta không thích ứng được với sự biến hóa của khí hậu tự nhiên, thì cũng khó tránh khỏi sự xâm phạm của bệnh tà.

 

Còn như phương pháp dưỡng sinh cụ thể để thích ứng với khí hậu bốn mùa, như thiên Tứ khí điều thần đại luận sách Tố vấn nói: “Ba tháng mùa xuân... ngủ muộn dậy sớm đi tản bộ ở sân, xõa tóc vươn mình, làm cho ý chí linh hoạt. Ba tháng mùa thu: ngủ sớm dậy sớm, tảng sáng thì dậy, làm cho ý chí yên tĩnh. Ba tháng mùa hạ ngủ muộn dậy sớm không nhàm chán sự oi ả nóng bức và ngày dài, để cho khí vui vẻ không giận. Ba tháng mùa đông ngủ sớm dậy muộn, chờ mặt trời mọc mới dậy... tránh chỗ rét, đến chỗ ấm, không để cho da thịt phơi trần ra đến nỗi khí bị đoạt mất”.

 

Đó là nói người ta không cứ là về phương diện làm việc hoặc nghỉ ngơi mà cả đến phương diện tinh thần, tư tưởng đều nên theo thay đổi của thời tiết bốn mùa mà thích ứng với sự biến hóa của hoàn cảnh bên ngoài một cách có trình độ, mới có thể bảo vệ tốt được sức khoẻ, cho nên thiên Tứ khí điều thần luận sách Tố vấn lại nói “... Mùa xuân, mùa hạ nuôi dưỡng dương khí, mùa thu, mùa đông nuôi dưỡng âm khí, nên thuận theo nguyên tắc căn bản này... Nếu trái nguyên tắc đó thì căn bản của sinh mạng sẽ bị tổn thương, chân khí sẽ bị bại hoại”. Lẽ dưỡng âm dưỡng dương ở đây cũng tức là nói rõ ý nghĩa trọng yếu về cơ thể cần phải thích ứng với khí hậu tự nhiên.

 

 

3. Ăn uống điều độ, làm lụng, nghỉ ngơi chừng mực

 

 

Thiên Thượng cổ, thiên chân luận sách Tố vấn nói: “Ăn uống điều độ, làm lụng nghỉ ngơi chừng mực, không làm việc bừa bãi, mệt nhọc quá, cho nên hình thể và tinh thần đều khỏe mạnh mà sống đến hơn trăm tuổi”. Lại nói “Lấy rượu làm nước, coi việc càn bậy làm sự thường, say rượu nhập phòng, ham mê sắc dục làm cho hao kiệt tinh khí, hao tán chân nguyên, không biết giữ gìn tinh khí đầy đủ, không thường xuyên bảo vệ tinh thần, chỉ ham khoái lạc, trái với sự vui thú của lẽ dưỡng sinh, làm việc và nghỉ ngơi không chừng mực, cho nên đến 50 tuổi đã già yếu rồi”. Ở đây nói rõ những phương diện sinh hoạt về ăn uống, làm việc nghỉ ngơi, cần giữ gìn quy luật nhất định, thì mới có thể làm cho thân thể được khỏe mạnh. Nếu như sinh hoạt thất thường, tửu sắc bừa bãi, tự ý trác táng đều là nhân tố chủ yếu gây ra bệnh tật và chứng suy nhược. Dưới đây chia làm hai phương diện để giới thiệu.

 

 

a) Ăn uống:

 

 

Đông y học nhận rằng việc ăn uống với tật bệnh là rất có quan hệ. Sự duy trì sinh mạng tuy phải nhờ vào sự cấp dưỡng của đồ ăn uống, nhưng nếu ăn uống bừa bãi không có điều độ hoặc ăn những đồ ăn thiu thối có chất độc thì chẳng những vô ích, trái lại có thể làm hại đến sức khỏe. Thiên Tý luận sách Tố vấn nói: “Ăn uống qúa nhiều thì trường vị bị tổn thương”. Thiên Sinh khí thông thiên luận sách Tố vấn nói: “Ăn đồ cao lương mỹ vị nhiều quá thì thường hay mọc mụn đinh nhọt”. Sách Kim qũy yếu lược cũng nói: “Cơm ôi, thịt thiu, cá ươn ăn vào đều hại người...lục súc chết toi, chết dịch có độc không nên ăn”.

 

Cho nên vệ sinh ăn uống cần chú ý mỗi bữa ăn nên định giờ định lượng, mới không làm cho tiêu hóa rối loạn, dinh dưỡng được bình thường. Lại như thiên Ngũ tạng sinh thành sách Tố vấn nói: “Ăn nhiều vị mặn thì mạch ngưng trệ mà sắc biến đổi, ăn nhiều vị đắng thì da khô ráo mà lông rụng, ăn nhiều vị cay thì gân căng thẳng mà móng tay móng chân khô ráo, ăn nhiều vị chua thì bắp thịt co săn lại màu môi nhếch lên, ăn nhiều đồ ngọt thì xương đau mà tóc rụng, đó là sự tổn hại về ngũ vị”. Đây là chỉ cho người ta về sự ăn uống cần phải có chừng mực, nếu có sở thích riêng mà ăn uống bừa bãi tham lam, thì có thể hại đến tạng phủ, sinh ra tật bệnh.

 

 

b) Làm lụng, nghỉ ngơi:

 

 

Lao động vừa sức, có thể tăng thêm sức khỏe, nếu mệt nhọc quá độ lại có thể hao tổn đến hình khí. Thiên Tuyên minh ngũ khí luận sách Tố vấn nói: “Nhọc mệt quá thì khí hao”. Thiên Cử thống luận sách Tố vấn nói: “Trông lâu hại huyết, nằm lâu hại khí, ngồi lâu hại thịt, đứng lâu hại xương, đi lâu hại gân”. Những điều đó là đều nói rõ: nhọc mệt quá độ cơ thể ảnh hưởng đến sức khỏe, không lao động cũng hại đến sức khỏe.

 

Hoa Đà nói “Thân thể người cần phải vận động, nhưng không vận động nhiều quá, vận động thì đồ ăn dễ tiêu hóa, huyết mạch được lưu thông, bệnh không thể sinh ra được”. Ví dụ “chốt cử kéo ra kéo vào luôn thì không mục nát”. Đó là nói rõ lao động vừa phải thì chẳng những có thể rèn luyện thân thể, làm cho tinh thần đầy đủ, mà lại có ý nghĩa tích cực về phòng ngừa bệnh tật nữa, lại như trong thiên Tà khí sách Linh khu nói: “Nếu hành phòng quá độ, tắm lúc mồ hôi ra thì hạithận”. Đó là nói rõ hành phòng quá độ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ.

 

 

4. Rèn luyện thân thể

 

 

Coi trọng việc rèn luyện thân thể là một trong những phương pháp tích cực phòng bệnh của người xưa, đã có sớm từ 220 trước công nguyên. Hoa đà căn cứ vào lẽ “Nước chảy luôn không bẩn, chốt cửa không mọt” và phương pháp đạo dẫn mà sáng tạo ra môn “Ngũ cầm hí” bắt chước điệu bộ sinh động hoạt bát của năm giống động vật như hai chân trước vươn lên của con hổ, quay thẳng đầu gáy của con hươu, nằm ngã lom khom của con gấu, chúm chân nhảy nhót của con vượn và buông cánh bay lượn của con chim, để rèn luyện và tăng thêm sức khỏe cho thân thể, do đó phòng ngừa sự xâm hại của bệnh tà.

 

Ngoài ra,những môn thái cực quyền, bát đoạn cẩm (1), dịch cân kinh(2) của đời sau, cũng là phương pháp rèn luyện thân thể. Bởi vì những phương pháp đó có thể làm cho khớp xương thư lợi khí huyết điều hòa, chỉ cần giữ được thường xuyên, tự mình có thể làm cho thân thể khỏe mạnh dần dần và có tác dụng phòng bệnh nữa.

 

 

5. Tránh truyền nhiễm

 

 

Thiên Thích pháp luận sách Tố vấn nói: “Năm bệnh dịch(3) phát sinh đều truyền nhiễm từ người này sang người khác, không cứ người lớn trẻ con bệnh trạng thì giống nhau. Người không nhiễm phải là vì chính khí đầy đủ thì ngoại tà không xâm phạm được”. Trong đoạn văn này chẳng những trình bày tình hình truyền nhiễm của bệnh dịch, đồng thời cũng nêu ra chính khí của con người là có hiệu lực chống đỡ với sự cảm nhiễm dịch tà. Ghi chép về sự cách ly để ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm lưu hành, đời Tùy đã từng đặt ra “Lệ nhân phường”(4) để cách ly người bệnh hủi.

 

Trong sách Thiên kim phương của Tôn Tự Mạo đời Đường nói “thường tập không nhổ xuống đất” tức là cần gây cho người thành thói quen không thể nhổ đờm xuống đất. Đến đời Minh lại phát minh ra cách lấy đậu người tiếp trồng để phòng ngừa bệnh đậu mùa làm hại người ta, sự phát minh này về việc phòng bệnh đối với y học có một ý nghĩa rất lớn. Trong sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân giới thiệu dùng tề đài phấn (bột bằng cuống rốn) để phòng bệnh đậu chẩn, ngoài ra còn có phương pháp như dùng Tử thảo căn uống trong để phòng bệnh sởi truyền nhiễm.

 

 

6. Vệ sinh phụ nữ và trẻ em

 

 

a) Vệ sinh phụ nữ

 

 

Do sinh lý của đàn bà khác với đàn ông như kinh nguyệt, thai, sản v.v..., cho nên có những việc cần phải đặc biệt chú ý. Nay chia làm ba phương tiện trình bày tóm tắt:

 

 

+ Vệ sinh khi hành kinh

 

Đàn bà trong thời gian hành kinh, về sinh hoạt cần nên chú ý hơn. Sách Phụ nhân đại toàn lương phương nói “Như gặp lúc hành kinh nên rất cẩn thận, nếu bị giận, sợ, làm việc mệt nhọc thì khí huyết rối loạn, kinh mạch không hành phần nhiều gây ra bệnh lao trái (ho lao)...” Bởi vì trong thời kỳ hành kinh sức đề kháng tương đối yếu, cần phải cẩn thận tránh gió lạnh, kiêng hẳn tắm rửa, ăn uống cũng cần phải chú ý, kiêng ăn sống lạnh chua, tinh thần cần giữ gìn vui vẻ, giảm nhẹ lao động, không nên vận động mạnh quá và tránh hẳn sự giao hợp. Như thế có thể giảm bớt sự sinh bệnh về kinh nguyệt.

 

 

+ Vệ sinh về thời kỳ thai nghén

 

Sau khi đàn bà thụ thai, cần phải chú ý vệ sinh, mới có thể giảm bớt được tật bệnh và bảo vệ được sức khỏe của thai nhi, người xưa gọi là “thai giáo” là có bao hàm ý vệ sinh. Ví dụ: cần cho đàn bà có thai ở nhà riêng tránh phòng dục, mừng, giận, thương, vui không được quá độ, mọi việc đều lạc quan, để tránh sự kích thích đến tinh thần và nên ăn uống điều độ, chú ý về dinh dưỡng. Về phương diện làm việc nghỉ ngơi, người đàn bà có thai nên nhẹ nhàng lao động, thường khi tắm rửa, thắt lưng không nên chặt quá, cần ngủ đầy đủ, đừng uống thuốc bừa bãi đừng trèo cao, đừng mang nặng v.v... Như thế mới có thể bảo vệ được sức khỏe trong thời kỳ có thai và sự phát dục bình thường của thai nhi.

 

 

+ Vệ sinh sau khi sinh đẻ

 

Đàn bà có thai và sau khi sinh đẻ là thời kỳ sinh lý phát triển biến hoá của phụ nữ, hơn nữa sau khi sinh đẻ, khí huyết đều hư, trong thân thể chưa khôi phục được như trước, nếu không chú ý vệ sinh thì rất dễ đau ốm. Sách Thiên kim phương nói: “Đừng cho rằng trong thời kỳ sinh đẻ không có bệnh gì khác mà ham muốn bừa bãi, không gì là không phạm, khi phạm thì nhỏ như lông, khi cảm phải bệnh thì to hơn núi”.

 

Như thế là đã nêu ra rất rõ rệt điểm trọng yếu về vệ sinh sau khi sinh đẻ. Sau khi đẻ được một tháng tục gọi là mãn nguyệt (đầy tháng hai tháng gọi là đôi mãn nguyệt), trong thời kỳ đó nên ở trong nhà tránh gió, quần áo mặc ấm mát vừa để phòng bệnh ngoại cảm. Ăn uống nên chọn những thứ bổ dưỡng mà dễ tiêu hoá, đừng ăn đồ lạnh sống cứng rắn, để tránh về ăn uống mà tổn hại đến tỳ vị và không nên lao động quá độ, buồn sợ lo uất, mừng qúa giận quá, đều không nên phạm đến, phải nhận rằng thất tình tổn hại đến người ta còn nặng hơn lục khí, nhiều bệnh về sản hậu thường vì không chú ý đến vệ sinh cho nên cần phải cẩn thận.

 

 

b) Vệ sinh trẻ em

 

Lúc còn trẻ nhỏ cần phải chú ý đủ mọi mặt làm cho ít sinh tật bệnh, như thế sự phát dục mới tốt và thân thể mới kiện toàn. Ví như cây có gốc, tường có móng, nhất định cần phải gốc rễ vững chắc thì cành lá mới có thể tốt tươi, nền móng có ổn định thì nhà cửa mới kiên cố được. Trẻ con mới sinh ra cho cháu bú mớm cần định giờ giấc, nếu no đói không điều độ thì dễ sinh ra tật bệnh. Lại không dùng áo chăn dày quá, sách Thiên kim phương nói: “Phàm trẻ con mới sinh ra da dẻ còn non nớt, không nên mặc áo ấm quá, mặc ấm quá làm cho gân cốt yếu ớt”. Phàm lựa chọn người vú nuôi cần có tính tình hòa nhã, thái độ ôn tồn.

 

Bởi vì huyết khí của người vú nuôi làm ra sữa, tính tình thiện hay ác là do huyết khí sinh ra. Khi cho trẻ bú đều nên cẩn thận về sự mừng giận, lại nói “Đừng cho bú khi mới giao hợp làm cho trẻ gầy còm... đừng cho bú khi giận, làm cho hay kinh mà sinh chứng khí giản, lại làm cho khí nghịch lên điên cuồng, đừng cho bú khi mới bị thổ tả làm cho trẻ con hư yếu; đừng cho bú khi say làm cho trẻ mình nóng bụng đầy”. Đó là vì sữa có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thân thể của trẻ con. Ngoài ra, phương pháp cho con bú cũng nên cần chú ý, ví như “trước khi cho con bú nên xoa vú, làm cho tan nhiệt khí, không để sữa vọt ra làm cho trẻ con nghẹn, thường kéo vú ra để cho trẻ nhỏ dễ thở, thở rồi lại cho bú... Khi trẻ con nằm người vú nuôi nên lấy cánh tay đều gối cho đứa bé, làm cho vú và đầu đứa trẻ bằng nhau sẽ dễ cho bú để trẻ khỏi bị nghẹn. Mẹ muốn ngủ nên kéo vú ra, vì sợ lấp miệng, mũi và không biết đứa trẻ no hay đói”. Những điều đó là việc cần phải chú ý để chăm nuôi trẻ con trong khi còn bú.

 

 

 

B. Phòng bệnh khi đã mắc bệnh

 

 

1.Phòng bệnh trong khi chữa bệnh

 

Quy luật truyền biến của bệnh tật, nói chung đều là từ nông vào sâu, và có thể từ một tạng phủ này truyền vào một tạng phủ khác, khi lâm sàng cần phải tính đến sự biến hóa có thể phát sinh mà có thể có kế hoạch trước. Thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn nói: “Người giỏi chữa bệnh thì chữa ở bì mao trước rồi chữa đến cơ phu, rồi chữa đến cân mạch, rồi chữa đến lục phủ, rồi chữa đến ngũ tạng. Khi chữa đến ngũ tạng là bệnh nửa sống nửa chết rồi”. Sách Kim quỹ yếu lược nói: “Chữa khi chưa bị bệnh là thấy bệnh ở can, can sẽ ttruyền sang tỳ, nên làm cho tỳ mạnh trước”, câu nói trên nói rõ đương lúc tật bệnh còn ở lông da thì cần phải xử lý thích đáng, tranh thủ chữa sớm đi để làm cho bệnh tà không thể kế tục mà truyền sâu vào mà gây ra hậu quả không tốt, câu dưới là nói rõ lúc bệnh đương ở can nếu biết sẽ truyền sang tỳ thì nên tăng cường cơ năng của tỳ trước, không để cho bị ảnh hưởng.

 

Đó là một phương pháp trọng yếu để ngăn ngừa sự phát triển của bệnh thể. Tóm lại cần chú ý đặc biệt đến chiều hướng phát triển của bệnh tình, ngăn chặn kịp thời không cho sinh bệnh khác, thì có thể khống chế hoặc giảm bớt sự biến ra nguy hiểm của tật bệnh mà thu được hiệu quả về phòng bệnh.

 

 

2. Phòng bệnh trong công tác hộ lý

 

 

Chữa bệnh hiệu quả hay không là do công tác hộ lý tốt hay xấu. Bởi vì công tác hộ lý chẳng những đối với bệnh nhân có một trách nhiệm chăm sóc kỹ càng cẩn thận, vả lại có rất nhiều điểm cũng bao hàm cả ý nghĩa phòng bệnh nữa. Thí dụ: bệnh sởi cẩn thận tránh gió lạnh mới có thể làm cho sởi có sự thuận lợi mà mọc hết ra được, không để đến nỗi độc khí hãm lại ở trong sinh ra biến chứng, đối với người bệnh về tinh thần cần phải khéo an ủi giải thích để khỏi tăng thêm sự kích thích mà thúc đẩy bệnh tình phát triển, người bệnh thương hàn cần chú ý sự ăn uống để tránh khỏi bệnh tình trở lại.

 

Ngoài ra như các khoa: phụ khoa, nhi khoa, ngoại khoa đều có phương pháp hộ lý nhất định để phối hợp với việc chữa bệnh, nâng cao hiệu quả, do đó mà rút ngắn được bệnh tình.

Bài viết này có 0 bình luận

Viết một bình luận :

7682