Phương pháp làm tiêu bản mẫu cây thuốc khô

Trong thiên nhiên, phần lớn cây cỏ kể cả cây thuốc đều ra hoa, quả trong một thời gian nhất định trong một năm. Mỗi cây chỉ mọc ở từng vùng nhất định trong nước ta hoặc ở các nước khác. Không thể bất cứ lúc nào cũng có sẵn cây tươi để nghiên cứu và cũng không phải bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể tổ chức điều tra sưu tầm, cho nên việc ép mẫu cây là rất cần thiết.

 
Có được mẫu cây thuốc khô, ta mới tiến hành xác định tên khoa học của cây, mới có thể nghiên cứu côngd ụng qua các tài liệu và giới thiệu sử dụng rộng rãi. Mẫu cây thuốc khô còn giúp ta nhận biết được cây thuốc, nâng cao chất lượng điều tra sưu tầm và dùng để trao đổi quốc tế.
 
Muốn có tiêu bản mẫu cây thuốc khô, có 4 việc chính cần làm là:
- Lấy mẫu cây.
- ép và phơi sấy.
- Đính mẫu cây trên giấy.
- Bảo quản.
 
1. Lấy mẫu cây: cần hái đủ các bộ phận của cây như rễ, thân, lá, hoa, quả ... Nếu là cây to, chỉ cần hái một cành có đủ lá, hoa, quả. Trường hợp là cây nhỏ thìa hái cả cây. Đối với cây thuốc tốt mà chưa có hoa, quả ta cũng vẫn lấy mẫu, sau sẽ bổ sung.
 
Mẫu cây hái phải khô ráo, lá không bị sâu hoặc héo. Chú ý lấy thêm những bộ phận dùng làm thuốc như rễ, củ, vỏ cây, hạt ....
 
Mỗi cây cần hái 3-5 mẫu về sau chọn giữ lại những mẫu đẹp, đạt yêu cầu. Sau khi lấy mẫu, nên buộc ngay vào mẫu cây một mảnh giấy nhỏ (nhãn) có ghi số thứ tự, tên cây, địa điểm lấy cây, công dụng chữa bệnh, ngày và người lấy mẫu. Khi đi lấy mẫu, nên đem theo cặp gỗ hoặc cặp tre có quai đeo để đặt tạm mẫu cây vào đó, về nhà sẽ ép cẩn thận. Làm như vậy, tránh được mẫu cây rụng hoa, quả và lá ít bị thoát hơi nước nên chậm héo, bảo đảm lúc ép được dễ dàng, mẫu cây sẽ đẹp. Nếu có điều kiện, ép ngay tại chỗ thì tốt nhất.
 
2. ép và phơi sấy:
 
khung ép làm bằng gỗ hoặc bằng tre, có nhiều lỗ thoáng để hơi nước bốc đi dễ dàng.
 
Đặt khung ép lên chỗ phẳng, trên đó để vài tờ giấy báo hoặc giấy bản (có tác dụng hút nước ở mẫu cây), rồi đặt mẫu cây vào một tờ giấy báo hác, gấp đôi, sửa lại lá, hoa, quả cho phẳng, cố gắng giữ nguyên hình dáng tự nhiên của cây. Chú ý lật ngược 1-2 lá để khi đã khâu, ta vẫn nhận được cả hai mặt lá. Nếu mẫu cây nhiều lá, có thể tỉa bớt nhưng phải giữ lại phần cuống của lá. Đối với mẫu cây dài quá, có thể gấp đôi, gấp ba theo hình chữ chi. Nếu quả to, cát dọc chỉ để dính vào cuống phần giữa. Trường hợp quả không to lắm, có thể ép được nhưng chêm nhiều giấy. Đối với các bộ phận to, dày như củ, rễ ... có thể phơi riêng rồi dính vào mẫu cây khi khâu.
 
Sau khi sửa xong, gấp tờ giấy lại, đặt lên trên đó, vài tờ giấy làm đệm để tránh mẫu nọ hằn lên mẫu kia. Tiếp tục đặt các mẫu khác, làm như vậy độ 20-30 mẫu, dùng dây buộc chặt khung ép lại, đem khung ép phơi nắng hoặc để chỗ thoáng gió cho khô, nếu không có nắng, có thể sấy trên giàn bếp, mỗi ngày thay giấy một lần, riêng mấy ngày đầu, nên thay giấy 2 lần 1 ngày vì mẫu cây còn ướt sau sẽ làm đen mẫu ép. Những tờ giấy thay ra bị ẩm, đem phơi khô sau dùng lại được. Khi thay giấy, nên nhẹ tay tránh làm rụng lá, hoa, quả.
 
Thời gian ép và phơi sấy thường từ 5-7 ngày là xong.
 
3. Đính mẫu cây trên giấy:
 
sau khi mẫu cây đã khô kiệt, cần đính mẫu lên giấy, dùng giấy cứng hay bìa với khổ 30 cm chiều rộng và 40 cm chiều dài.
 
Đính mẫu cây bằng chỉ, chú ý không để mẫu cây dài quá, thò ra ngoài khổ giấy, đối với những mẫu bị rụng lá, có thể khâu ghép nhưng phải đặt lá đúng vị trí tự nhiên của nó, mỗi mẫu cây khâu xong cần có nhãn. Nhãn dán vào bên phải phía dưới tờ giấy, có ghi: tên cây, bộ phận dùng, công dụng, nơi hái, ngày hái và người hái.
 
4. Bảo quản:
 
mẫu cây khô dễ bị mốc, muốn tránh mốc, mọt, cần đựng mẫu cây trong hòm kín, khô, bên dưới có để vôi, silicagen ... trước khi đính mẫu cây trên giấy, ta có thể nhúng mẫu cây khô vào dung dịch cồn thủy ngân (3 gam clorua thủy ngân trong 1 lít cồn 900) hoặc dung dịch phèn chua (phèn chua; 30 g, kali nitrat: 5 g, nước nóng: 300 ml). Ngâm mẫu cây trong vài phút lấy ra lại ép và phơi sấy như trước. Đợi khi mẫu cây hoàn toàn khô mới khấu, nếu không có điều kiện tẩm thuốc, phải bảo đảm mẫu cây hoàn toàn khô kiệt.
 
Chú ý: cồn thủy ngân là loại thuốc độc, khi dùng phải hết sức thận trọng.

Bài viết này có 0 bình luận

Viết một bình luận :

5614