Quy trình điều tra sưu tầm cây thuốc

 

Quy trình điều tra sưu tầm cây thuốc

 

Chuẩn bị:

 

1. Thu thập các tài liệu, bản đồ nơi tiến hành điều tra để sơ bộ nắm tình hình về mọi mặt.

 

2. Nêu những yêu cầu cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm: thành lập ban chỉ đạo điều tra, tập hợp lực lượng, lập danh sách cây cần điều tra, lựa chọn nơi điều tra, mùa điều tra, định thời gian điều tra, dự trù kinh phí.

 

3. Chuẩn bị tài liệu và phương tiện dung cụ cần thiết cho công tác:

 

Về tài liệu: sách cây thuốc, các tranh ảnh cây thuốc cần điều tra, danh lục thống kê cây thuốc.

 

Về dụng cụ: cặp ép, cặp mang, kéo cắt cây, máy ảnh, ống nhòm, dao đi rừng, giấy báo, nhãn ghi, dây buộc ... những thứ dùng để tổ chức triễn lãm nhỏ tại chỗ (khi đi thành đoàn và có điều kiện).

 

4. Chuẩn bị đất trồng để tiếp nhận những cây tươi sưu tầm được trong đợt điều tra.

 

5. Báo nơi đến điều tra biết ngày giờ tới để địa phương chuẩn bị. Trình bày với chính quyền địa phương mục đích, nội dung công tác, đề xuất việc giúp đỡ. Có cuộc họp nhỏ gồm thành phần y tế, đông y, lâm nghiệp, các ngành khác, để định kế hoạch, thời gian, địa điểm và sự phối hợp công tác. Đồng thời tổ chức hội nghị hiến kể với những người làm thuốc, biết thuốc (ông lang, bà mế) để thừa kế những cây thuốc tốt, bài thuốc hay.

 

6. Tổ chức sơ thám: tìm hiểu những hoạt động về dược liệu và công tác thu mua, sản xuất ở đại phương (qua y tế và xuất khẩu). Trên thực địa, sơ bộ nắm được nguồn dược liệu có ở nơi điều tra.

 

Huấn luyện:

 

1. Giới thiệu quy trình, yêu cầu và nội dung công tác, cách thu thập tiêu bản, sơ bộ phần thực vật đại cương, các đặc điểm chủ yếu đối với cây cần sưu tầm, cách ghi chép.

 

2. Tổ chức nhận thức cây thuốc ở vườn mẫu hoặc trên tiêu bản cây khô, nhất là đối với những cây có trong danh sách điều tra.

 

Tiến hành công tác:

 

1. Phương pháp điều tra sưu tầm cây thuốc:

 

Dựa vào những người làm thuốc, biết thuốc (phương pháp khai thác kinh nghiệm dân gian)

 

Dựa vào kiến thức sẵn có, các tài liệu cổ kim (phương pháp đi sâu nghiên cứu khoa học).

 

Tùy tình hình thực tế của địa phương và hoàn cảnh của những người làm thuốc mà vận dụng linh hoạt và sáng tạo hai phương pháp trên.

 

2. Phân vùng điều tra tùy điều kiện đất đai và khí hậu khác nhau, những khu vực đại diện cho từng hệ thực vật như vùng núi cao - núi thấp, vùng núi đá - núi đất, khu rừng thưa - đồi trọc, vùng ven suối, bờ biển ...

 

3. Thu thập mẫu cây, mẫu vật, cây trồng hoặc hạt giống, đối với những cây, cần hái từ 3-5 mẫu đủ tiêu chuẩn. Những cây quý hiếm không cần chờ hoa quả, cứ lấy mẫu sau sẽ bổ sung. Những mẫu vật phải là những thứ điển hình về kích thước, bảo đảm đúng quy cách phẩm chất. Về cây trồng, nên lấy cây con hoặc cành để dâm tái sinh (đối với những cây sinh sản vô tính), nếu cây có quả, thu hái hạt già (đối với những cây sinh sản hữu tính). Mỗi mẫu cây, mẫu vật, cây trồng đều phải có nhãn ghi tên cây để tránh nhầm lẫn.

 

4. Lập lý lịch từng cây, ghi dọn, đầy đủ, tường tận theo trình tự: tên cây (tên phổ thông và tên địa phương), nơi cây mọc, điều kiện sinh thái, mô tả sơ bộ, mùa hoa quả, bộ phận dùng làm thuốc, công dụng, cách dùng, liều lượng, dạng dùng, cách bào chế, kiêng kỵ, địa điểm lấy cây, trạng thái của cây (cây mọc hoang hay được trồng), tên các người giới thiệu và địa chỉ, tên các người lấy mẫu, ngày lấy mẫu.

 

Nếu là bài thuốc thì ghi tên bài thuốc, tên các vị thuốc và số lượng dùng, cách bào chế và cách dùng, kiêng kỵ nếu có, tên người cống hiến và địa chỉ.

Đồng thời vẽ hoặc chụp ảnh cây.

 

5. Ghi những cây thuốc thông thường mọc dại và được trồng trong vùng điều tra. Bổ sung công dụng, mùa hoa quả và tiêu bản.

 

6. Phân tích sơ bộ hóa thực vật những cây thuốc tốt (nếu có điều kiện).

 

7. Sơ bộ tập hợp tài liệu để báo cáo kết quả với chính quyền địa phương và kiểm điểm công tác rút kinh nghiệm với các cơ quan liên quan tham gia, kèm theo những đề nghị cần thiết như: phát huy kết quả, bảo vệ cây thuốc quan trọng ...

 

8. Tổ chức triễn lãm, nói chuyện nhằm giới thiệu nguồn dược liệu địa phương và những kết quả thu được của đoàn.

 

9. Nhận xét tình hình và đánh giá kết quả tòan đợt.

 

Nội nghiệp

 

Chuẩn bị:

 

1. Chuẩn bị đầy đủ những dụng cụ cần thiết như cặp ép, giấy báo, giấy khâu, kim khâu, giấy viết, nhãn ghi, hóa chất bảo quản, bình ngâm và hóa chất ngâm mẫu vật ...

 

2. Tập hợp những tài liệu sưu tầm ở ngoại nghiệp, cần sắp xếp thứ tự để tiện cho công tác chỉnh lý thống kê.

 

Thống kê, đối chiếu, giám định, tiêu bản:

 

1. Khâu mẫu cây khô trên giấy, ngâm những hiện vật thu được làm thành tiêu bản lưu trữ với đầy đủ nhãn ghi và lý lịch cây.

 

2. Xác định tên khoa học các mẫu cây sưu tầm được, tham khảo sách nước ngoài để đối chiếu, xác minh và bổ cứu. Nếu không tự xác định đựoc thì nhờ các cơ quan trong nước hoặc nước ngoài giúp đỡ.

 

3. Thống kê số lượng cây thuốc sưu tầm được trong đợt, phân thành nhiều loại:

 

Cây phục vụ trọng tâm.

Cây thu mua có giá trị.

Cây theo kinh nghiệm dân gian.

Hoặc phân loại theo bệnh:

Cây thuốc trừ giun sán.

Cây thuốc cầm máu.

Cây thuốc chữa tê thấp.

 

4. Tập hợp các bài thuốc (từ xã đến tỉnh), chọn lấy những bài có giá trị để phổ biến, sử dụng hoặc đề xuất nghiên cứu tác dụng.

 

5. Thống kê lập danh lục cây thuốc có trong địa điểm điều tra (xã, huyện, tỉnh), kể các cây mọc hoang lẫn cây được trồng, cây dân gian thông thường và cây có giá trị kinh tế, gồm đầy đủ các phần: tên cây, bộ phận dùng, công dụng. Lập danh sách ông lang, bà mế (xã, huyện, tỉnh). Xây dựng bản đồ sơ bộ phân bổ đối với một số cây thuốc mọc tập trung (huyện tỉnh).

 

6. Tập hợp những tranh vẽ, ảnh chụp để xây dựng cuốn an bom và bộ triển lãm nhỏ (ở tỉnh) về cây thuốc và những hoạt động điều tra sưu tầm. Viết nhật ký sưu tầm.

 

7. Xây dựng vườn cây thuốc mẫu (ở tỉnh) với những cây sưu tầm được trong đợt điều tra.

 

8. Viết báo cáo kết quả toàn đợt.

 

9. Hoàn chỉnh các tài liệu thu thập được, sắp xếp và phân loại có hệ thống. Rút kinh nghiệm.

 

10. Phát huy kết quả điều tra bằng nhiều hình thức: triển lãm, thông báo, xuất bản tài liệu ...

 

Bài viết này có 0 bình luận

Viết một bình luận :

7789