Nhãn khoa khái yếu

 Nhãn khoa của Đông y từ đời Tống đã đặt thành một chuyên khoa, về sau trên cơ sở ấy các chuyên gia đều có phát minh và bổ sung thêm. Ở đây chủ yếu là tham khảo các sách “Chứng trị chuẩn thằng” của Vương Khẳng Đường, “Nhãn khoa thẩm thị dao hàm” của Phó Nhân Vũ và các quyển “Ngân hải tinh vi”, “Nhãn khoa cẩm nang” mà bàn chép ra một cách khái quát.

 

I. Sinh lý và sự cấu tạo của mắt

Mắt tuy là một trong những khí quan ở ngoài thân thể, nhưng có quan hệ mật thiết với nội tạng theo vào toàn bộ mà nói, mắt là bộ phận khai khiếu ra ngoài của Can. Thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố Vấn nói: “Can chủ mắt... Khiếu của Can là mắt”. Thiên Ngũ duyệt ngũ sử sách Linh khu lại nói: “Mắt là khí quan của Can”. Nhưng các bộ phận trong mắt thì lại đều có chỗ sở thuộc của nó, cho nên đời sau phát triển ra thành thuyết “Ngũ luân”, “Bát quách” để nói rõ công năng sinh lý của mắt, và quan hệ giữa các bộ phận tổ chức của mắt với nội tạng. Trong đó, thuyết Ngũ luân là chỗ thường dùng của các thầy thuốc nhãn khoa qua các thời đại. Ngũ luân là: Nhục luân, Khí luân, Huyết luân và Thủy luân. Nay nói rõ như dưới đây:

Nhục luân: Nhục luân là chỉ vào mu mắt cũng tức là mí trên, mí dưới ra ngoài mí trên và mí dưới gọi là “vành mí” (mí trên gọi là “thượng huyền”, mí dưới gọi là “hạ huyền”, cũng gọi là thượng cương và hạ cương) đều có sinh lông mi. Mí mắt thì ngoài việc quản lý sự nhắm mở ra còn có tác dụng trọng yếu t Tỳ chủ về cơ nhục, cho nên mu mắt gọi là Nhục luân.

Huyết luân: chỗ mí trên và mí dưới kết hợp với nhau, phía đầu bên trong gọi là khóe trong (đầu mắt), phía bên ngoài gọi là khóe ngoài (đuôi mắt). Đầu mắt và đuôi mắt gọi là Huyết luân. Ở mí trên chỗ đầu hai con mắt có tổ chức phân tiết nước mắt, ở mí dưới thì có cái ống để bài tiết nước mắt. Trên quan hệ với nội tạng thì Huyết luân thuộc tâm, vì tâm chủ huyết, cho nên đầu mắt và đuôi mắt gọi là Huyết luân.

Khí luân: Khí luân là chỉ vào tròng trắng mà nói, lúc bình thường thì sắc trắng tươi nhuận và không hiện ra tia máu. Trên quan hệ với nội tạng, thì tròng trắng thuộc với phế, vì phế chủ về khí, cho nên tròng trắng gọi là Khí luân.

Phong luân: Phong luân tức là tròng đen. Lúc bình thường thì lấp lánh trong trẻo. Trên quan hệ với nội tạng, thì tròng đen thuộc can, vì can là tạng thuộc về phong mộc, cho nên tròng đen gọi là Phong luân.

Thủy luân: ở phía sau tròng đen có một lớp niêm mạc gọi là “hoàng nhân” để phân tiết những chất thủy dịch mà nuôi dưỡng mắt (người xưa gọi là thần thủy), ở chính giữa có một lỗ tròn, gọi là “con ngươi” (đồng tử) có thể tùy theo sức mạnh yếu của ánh sáng mà giãn ra co lại. Hoàng nhân, con ngươi và thần thủy hợp với nhau thành ra Thủy luân. Trên quan hệ với nội tạng thì Thủy luân thuộc thận vì thận là tạng thuộc thủy, cho nên gọi là Thủy luân.

Thủy luân và Phong luân có quan hệ mật thiết với thị lực của mắt, nhất là Thủy luân thì lại quan hệ rất lớn. Phía sau Thủy luân có gương mắt (tinh châu thủy tinh thể) và thần cao bao xung quanh có “thị y” và “Tỉnh mạc”, người xưa nhận rằng những thứ ấy đều là chỗ sinh ra thị lực. Da, thịt xung quanh tròng mắt gọi là “cơ mắt”, chủ về vận động của mắt. Xương vành xung quanh gọi là khung mắt. Phía sau tròng mắt có đường kinh mạch thông lên não, đi ra sau liền với xương sống gọi là “mục hệ”.

Mắt tuy là một trong những khí quan ở ngoài thân thể, nhưng trên thực tế thì mắt có quan hệ mật thiết với ngũ tạng lục phủ, 12 kinh mạch và đại não ở trong, cho nên thiên Đại hoặc luận sách Linh khu nói: “Tinh khí của ngũ tạng lục phủ đều dồn lên mắt, mà thành tinh, mắt là chỗ ở các tinh tụ lại, tinh của xương là đồng tử (con ngươi), tinh của can là tròng đen, tinh của huyết là đường lạc, tinh của phế khí là tròng mắt, tinh của bắp thịt là cơ mắt, tinh bọc lấy gân xương, huyết, khí cùng với mạch thành ra mục hệ, đi lên thuộc với não, đi ra sau vào chính giữa gáy”. Thiên tà khí tạng phủ bệnh hình lại nói: “Huyết khí ở 12 kinh mạch và 365 đường lạc, đều đi lên mặt mà chạy vào những chỗ hở, thứ dương khí tinh hoa trong đó chạy vào mắt mà thành con ngươi”. Những điều đó đều đã nói rõ sự tổ chức của mắt đều có liên quan đến ngũ tạng, lục phủ kinh lạc, huyết khí, cân, mạch và xương thịt. Cho nên sự thịnh suy và bệnh biến của ngũ tạng, lục phủ và khí huyết đều có ảnh hưởng đến công năng của mắt, đặc biệt là não và mắt, thì trong cơ chế sinh bệnh thường có quan hệ nhân quả với nhau. Những lý luận trên đây đối với sự nhận thức về bệnh tật của mắt và cách chẩn đoán trị liệu đều có ý nghĩa trọng yếu.

II. Cách chẩn đoán nhãn khoa

Chẩn đoán nhãn khoa trước hết cần xem tình hình về hai mí mắt, rồi sau xem màu sắc ở tròng trắng và hai khóe mắt, có mộng thịt hay không, ở tròng đen có sáng suốt và có màng với tia máu hay không, màu sắc ở chỗ niêm mạc như thế nào, chỗ con ngươi thu giãn như thế nào, và lỗ con ngươi có mây che không; sau hết lật hai mí mắt ra để thấy rõ hết được đường dây trong mí mắt, xem có nổi hột, nổi mụn và đỏ sưng hay không. Nếu gặp chứng mây màng nhiều và có nội chướng thì cần xác định được đã hoàn toàn mù hay chưa. Nếu như không thấy được vật gì, nhưng còn cảm giác được tối đen và ánh sáng là chưa phải hoàn toàn mù, còn có thể chữa được. Đó là quá trình chung trong việc xem xét về tròng mắt. Ngoài ra cũng cần phải hỏi để biết rõ tình hình đau đầu, đau mắt, ngứa mắt như thế nào. Còn như cách biện chứng về nhãn khoa thì nên chú ý mấy điểm dưới đây:

1. Phân biệt nội chướng, ngoại chướng

Bệnh đau mắt rất là phức tạp, nhưng mà xét vào chỗ bệnh biến, đại khái có thể chia ra hai phương diện là nội chướng và ngoại chướng. Ngoại chướng thì bệnh nhẹ dễ chữa, nội chướng thì bệnh nặng khó chữa.

a) Ngoại chướng: bao gồm bệnh ở những bộ phận mí mắt, lông mi, khóe mắt, tròng trắng và tròng đen. Về nguyên nhân bệnh thì phần nhiều thuộc về ngoại cảm lục dâm, hoặc trong có tình trạng thấp nhiệt, thực trệ, hỏa uất, cho nên chứng trạng hiện ra phần nhiều là mắt đỏ bừng, sưng thũng, đau nhức, chói mắt chảy nước mắt, nhiều dử (ghèn) như mủ, hoặc mộng thịt che con ngươi, hoặc tròng đen có mây che, đồng thời thường thường kiêm có các chứng trạng toàn thân, như đau đầu, sợ rét, phát sốt, hoặc bụng đầy không muốn ăn, nói chung là thuộc về chứng hàn nhiệt hữu dư.

b) Nội chướng: bao gồm bệnh ở những bộ vị thủy luân, thần thủy, tình châu, thần cao, thị y. Về nguyên nhân bệnh nói chung, phần nhiều thuộc về nội thương, thất tình, hoặc uống nhiều rượu, hoặc dâm dục quá độ, cho nên chứng trạng hiện ra phần nhiều thường là lỗ con ngươi mất bình thường, ở trong sinh ra mây màng, mắt nhìn tối sẫm, xem trong tròng thì thường như người không có bệnh, nhưng hai mắt tối mù không thấy gì, có khi tuy có tình trạng mắt đỏ, đau nhức, chảy nước mắt, chói v.v... nhưng đều không nặng như chứng ngoại chướng, đồng thời thường kiêm có chứng trạng của toàn thân, do can thận suy kém, khí huyết đều hư, hoặc âm hư hỏa vượng, biểu hiện ra. Cho nên nói chứng nội chướng, phần nhiều thuộc về chứng tinh khí suy kém, hư ở trong.

2. Phân biệt về chứng mắt đỏ (nhặm)

Mắt đỏ là chứng trạng thường thấy nhất trong bệnh đau mắt, hiện tượng này cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau, cho nên khi chữa bệnh cần phải phân biệt được tính chất và cơ chế phát bệnh. Nếu hai mí đỏ bừng sưng thũng đau nhức, phần nhiều thuộc về chứng thực nhiệt ở biểu, do phong nhiệt ở tỳ kinh gây nên. Nếu ngoài vành mí hoặc trong mu mắt đỏ tươi, lở loét, phần nhiều thuộc về chứng thực nhiệt ở lý, do thấp nhiệt ở tỳ kinh bốc lên. Nếu tròng trắng đột nhiên đỏ bừng sưng đau, dây máu chằng đầy mắt, là phần nhiều do phong nhiệt tà ở phế kinh bốc lên. Nếu đỏ, loét, ghèn nhiều như nước mủ, lại là do phong nhiệt kèm với thấp, đều là chứng thực nhiệt ở biểu của phế kinh. Nếu hai khóe mắt đỏ như máu, là phần nhiều thuộc về chứng thực nhiệt, do tâm hỏa bốc lên. Nếu tròng trắng ít tia máu, mắt khi đỏ nhiều khi đỏ ít, dây dưa không khỏi, phần nhiều là chứng lý hư, do hư hoả ở tâm phế bốc lên. Nếu xung quanh tròng đen có sắc đỏ sẫm, hoặc tròng trắng biến thành sắc xanh lam, đó là hiện tượng bệnh nặng ở chỗ hoàng nhân do uất hỏa ở can thận bốc lên.

3. Phân biệt về đau, ngứa, ghèn và nước mắt

a) Đau, ngứa: nói chung mắt đau phần nhiều thuộc về chứng thực nhiệt, mắt ngứa phần nhiều thuộc về chứng hư hàn, nhưng cũng có khi hoàn toàn không phải như thế. Nếu mắt đỏ mà đau nhức phần nhiều thuộc về phong nhiệt là chứng biểu thực, mắt không đỏ mà đau nhức, phần nhiều thuộc về hỏa ở can thận, là chứng lý hư. Lại có bệnh mắt đau, khi đau khi tạm ngừng, như đau vào buổi sáng là chứng dương hư âm thịnh, hoặc chứng đầu phong; như đau nhức vào buổi chiều, phần nhiều là chứng âm hư dương thịnh. Nếu rất ngứa khó chịu, phần nhiều thấy ở chứng vì can hư phong nhiệt công phá ở trên. Nếu gặp gió thì ngứa là phần nhiều thấy ở chứng can kinh hư hàn.

b) Ghèn (dử), nước mắt: nói chung, nước trong mắt chảy ra là nước mắt, nước mắt ủ lại thành ghèn, nước mắt và ghèn ra nhiều quá, thường thấy ở lúc mắt đỏ sưng đau, nếu ghèn ra như mủ là rất dễ sinh mây màng ở tròng đen, những tình trạng như thế phần nhiều thuộc về chứng thực nhiệt. Nếu ở hai khóe mắt thường thấy ghèn đọng lại, là phần nhiều vì phế bị tà nhiệt mà gây nên. Nếu hai mắt không đỏ, không đau mà gặp gió lại chảy nước mắt ra, đó là nước mắt lạnh, thường phát ra ở chứng hư hàn vì can kinh bị hư tổn. Trái lại nước mắt giảm khác thường làm cho hai mắt trở nên khô, đó lại là vì tinh khí của can thận suy kém không dồn lên trên được.

4. Phân biệt về màng váng, mộng thịt

a. Màng: màng là bệnh ở tròng đen, nói chung chia làm hai: loại màng mây và màng lốm đốm. Màng mây là bọc khắp tròng đen, màng lốm đốm là tròng đen có những điểm, hoặc như đường dây, hoặc như từng đám nhỏ. Đó là theo trên hình thái của màng mà phân biệt đại khái, kỳ thực thì màng mây khi mới sinh, thường thường có lẫn những điểm lốm đốm sắc trắng, mà màng lốm đốm đến khi nặng cuối cùng, cũng có thể trở thành mây màng, cho nên hai thứ ấy hoàn toàn không có giới hạn rõ rệt.

+ Màng lốm đốm: lúc đầu mới có một hoặc hai điểm nổi lên ở tròng đen, chưa to rộng ra, thì gọi là “Ngân tinh độc hiện” là chứng rất nhẹ, thường không chữa cũng khỏi, sau khi khỏi rồi cũng không lưu lại dấu vết gì, nếu màng lốm đốm phát ra có từng lúc thì gọi là “Thời phục xứng tinh”. Chứng này phần nhiều vì có đàm hỏa thấp nhiệt ở trong, nếu phát ra luôn cũng tổn hại đến mắt. Màng lốm đốm lúc đầu từ mấy điểm tròn nối liền nhau mà sinh ra, hoặc tụ lại mà thành, hoặc tan ra mà thành, bỗng nhiên hiện ra một chỗ lõm xuống như hột tấm thì gọi là “Băng hà ê” hoặc “Bạch hãm ngư lân”, rất dễ tổn thương đến tròng đen, thậm chí cái nũ trắng đóng sâu vào hoàng nhân mà thành bệnh nặng. Nếu không chữa ngay thì phần nhiều biến thành mây màng, mà không trông thấy gì nữa. Ngoài ra còn có một thứ gọi là “Đinh ế”, chứng này lúc đầu ở tròng đen nổi lên một điểm màng trắng, như hột vừng hoặc như đầu mũi kim, lâu ngày thì đóng sâu vào niêm mạc; chứng này phải phân biệt với chứng “Ngân tinh độc hiện” vì hậu quả của hai chứng ấy rất khác nhau. Chứng "Ngân tinh độc hiện” thì trắng nõn nổi lên trên tròng đen mà không lan rộng ra, mà chứng “Đinh ê” thì sắc trắng ẩn vào phía trong tròng đen, lan ra nhanh chóng và dễ đóng sâu vào niêm mạc, hoặc dễ phá vỡ tròng đen. Nói tóm lại, chứng màng lốm đốm thì nổi lên và non mà không lan rộng ra là nhẹ; trắng lõm sâu vào là nặng, cứ phát đi phát lại không khỏi là màng nặng, lan rộng ra nhanh chóng, ăn thối tròng đen là nguy hiểm, đều là chứng thực nhiệt vì phong nhiệt hỏa độc có thừa gây nên.

Mây màng: phần nhiều vì “thời khí dịch” mắt đỏ “đau mắt cảm phải phong nhiệt” “lông quặm đâm vào mắt” mà gây nên, nhưng cũng có khi nguyên nhân phát ra ở tròng đen, chứng này có hư và có thực. Chứng hư như các chứng “cam nhãn” “mã não ế” của trẻ con, do ở can, thận, tỳ, vị bị thương ở trong mà gây nên, chứng này tuy rất sợ ánh sáng, nhưng không đỏ, không đau mấy, và kiêm có triệu chứng hư nhược của toàn thân. Chứng thực như các chứng “hỗn chướng”, “hoa ế bạch hãm” do thực nhiệt ở can đởm mà gây nên những chứng đỏ, đau, chảy nước mắt, chói ánh sáng đều là chứng đau nặng. Cho nên chứng màng mây thì tương đối dễ phân biệt về hư thực. Nhưng còn có mây dày, mây mỏng, mây nổi, mây chìm, chữa được và không chữa được khác nhau.

Mây màng như lớp mù mỏng, mây nổi, sắc trắng mà non, còn nhìn thấy được con ngươi, là chứng màng mỏng và nhẹ, chữa là có thể sáng lại được. Nếu thấy màng sắc xanh già hoặc trắng, hoặc vàng là thứ màng dày, màng dày mà còn có thể phân biệt được tối sáng hoặc có những điểm mỏng nhợt ở một chỗ, hoặc nhiều chỗ mà hơi có sắc xanh, là còn có thể chữa khỏi. Nếu thành phiến dày tối, không biết sáng tối là khó chữa. Nếu màng dày mà lộ ra sắc vàng, sẫm, bẩn và có dây máu chằng chịt lên như màng che đi, tuy chưa tan hết cả tròng đen, cũng thuộc về chứng khó chữa, vì thứ màng đó ăn sâu vào thực chất củ tròng đen, về sau tất nhiên sẽ hủy hoại toàn bộ tròng đen.

Còn như “Hắc châu ê” cũng gọi là “Giải tinh é” là tròng đen có một hột hoặc hai hột màng, sắc đen như ngọc huyền, hoặc như mắt cua. Chứng này là vì tròng đen đã bị phá vỡ, hoàng nhân lồi ra mà gây nên, là hậu quả nghiêm trọng của chứng màng mây và màng lốm đốm. Lại như tròng đen bị phá vỡ mà hoàng nhân không lồi ra, thì thành chứng “nhãn lậu nung huyết”, bệnh đến như thế, phần nhiều là không chữa được nữa.

b. Váng: váng sinh ở tròng trắng mà lan đến tròng đen, cho nên thường lẫn lộn với mây màng mà khó phân biệt. Điểm chủ yếu để thấy được sự khác nhau là: mây màng nhìn vào thì có hình mà thật ra là không có vật để lấy ra được. Váng thì như sợi bông, chẳng những là có hình tích mà còn có vật, có thể lấy ra được. Váng mà sắc đỏ là còn nhẹ, sắc vàng là nặng, nếu lại thấy có chứng đầu đau dữ, tròng đau sưng lên là bệnh nặng và cấp; nếu làm thối nát tròng đen, lại lây đến hoàng nhân là rất nguy hiểm. Váng như miếng thịt đỏ là không chữa được. Chứng này phần nhiều là thực chứng về phong hỏa và thấp nhiệt.

c. Mộng thịt: là trong mắt sinh ra một thứ thịt thừa, sắc hoặc đỏ hoặc trắng, lúc mới phát thường thấy ở khóe đầu con mắt, dần dần lớn lên thời xâm phạm vào tròng đen.

Mộng thịt là chất thịt nổi lên, nếu đỏ sưng đau nhức, có đường gân mỏng sắc vàng, nổi bằng lên ở tròng đen là dễ chữa, nếu đường gân dày sắc đỏ nổi nhọn lên và ăn sâu vào tròng đen là khó chữa, tuy chữa khỏi rồi cũng dễ tái phát.

5. Phân biệt về ngũ phong nội chướng

Ngũ phong nội chướng là gọi chung về 5 thứ nội chướng: ngân phong, thanh phong, hoàng phong, lục phong, hắc phong.

Ngân phong nội chướng, bệnh ở con ngươi, xem kỹ vào lỗ con ngươi phía trong có một điểm trắng sáng, hoặc như một miếng ngân tinh (sao bạc), hoặc như hoa cây táo, hình thái không nhất định. Lúc mới phát người bệnh chỉ thấy mắt mờ không trông rõ, và không thấy có chứng trạng đỏ đau gì khác, lâu ngày thì trông không rõ nữa, chỉ có thể phân biệt được tối, sáng mà thôi, chứng này phần nhiều thấy ở người già cả.

Thanh phong nội chướng là xem kỹ ở lỗ con ngươi thấy như có một làn mây mù mỏng bọc lên trên dãy núi xanh, lỗ con ngươi hơi tán rộng ra, người bệnh thường có những chứng trạn đầu đau, mắt đau, trông không rõ, đêm nhìn vào đèn thì thấy có một quầng sáng chung quanh.

Lục phong nội chướng và Hoàng phong nội chướng đều là sự phát triển nghiêm trọng của chứng thanh phong nội chướng, nhìn kỹ vào lỗ con ngươi, thấy có trạng thái như một lớp mây mù xanh hoặc vàng ở phía trong, bệnh khi đã thành chứng hoàng phong nội chướng, thì phần nhiều là không trông thấy nữa. Chứng này bệnh phát ra không phải là ở con ngươi, nhất thiết không thể nhận lầm là chứng ngân phong nội chướng, mà chữa bằng hình thức dùng kim vàng để lấy màng.

Hắc phong nội chướng là xem kỹ ở hai mắt không khác gì mắt người khỏe mạnh vô bệnh, cũng không có chứng trạng đau ngứa gì, chỉ có người bệnh tự biết là mù mịt và thường cảm giác thấy như có ruồi bay bướm bay ở không trung.

Biện chứng về nhãn khoa rất là phức tạp, sự ghi chép ở trên chỉ là tình hình đại khái, ở đây cần phải chỉ rõ ra là biện chứng về bệnh đau mắt, cũng cần phải kết hợp với 4 phép chẩn đoán, tổng hợp tình hình toàn bộ của bệnh mà xem xét phân tích, mới có thể chẩn đoán được một cách toàn diện và chính xác.

III. Chứng trạng và cách chữa về nhãn khoa

Y gia các thời đại chia ra rất nhiều chứng về nhãn khoa, như sách Đắc hiệu phương chia ra 23 chứng về nội chướng, 45 chứng về ngoại chướng. Đến sách Chứng trị chuẩn thằng lại tăng thêm đến 160 chứng, nhưng trong đó phần nhiều là một bệnh mà chia ra nhiều chứng. Ở đây thì vì giấy mực có hạn, chỉ chọn lấy những bệnh hậu thường thấy nhiều hơn làm trọng điểm giới thiệu ra như dưới đây:

1. Ngoại chướng

a) Nhãn đơn (mụt lẹo) thường gọi là “Du chàm nhãn” do tỳ kinh có phong, vị kinh có nhiệt, hai thứ kết hợp với nhau, độc khí đưa lên mí mắt, sinh ra những mụn sưng nhỏ, lúc đầu thì ngứarồi sau sưng đỏ đau nhức, phần nhiều phát ra ở trẻ con và người còn ít tuổi. Lúc đầu còn dễ tiêu, nhiệt quá thì sưng cứng khó tan, mà trở nên làm mủ. Cách chữa chứng này lúc mới phát thì trong nhân dân thường dùng lông gáy con lợn thông tuyến nước mắt ở khóe trong mắt, làm cho nhiệt độc theo nước mắt mà ra, là có thể tiêu được. Về thuốc chữa, như có biểu chứng thì dùng bài Kinh phòng bại độc tán, như có lý chứng thì dùng bài Thanh vị tán gia Đại hoàng để thông lợi và dùng bài thuốc sắc lên xông ở mắt. Nếu đã cứng sưng làm mủ, thường pì©n nhiều tự vỡ mủ ra, đợi sau khi mủ ra rồi, thì cách chữa là theo vào phương pháp ngoại khoa chung. Nếu đã làm mủ ở trong mí mắt, thì nên lật mí mắt ra mà nhể cạo, rửa sạch máu mủ, rồi nhỏ thuốc Long não hoàng liên cao (1). Chứng này tuy dễ chữa, nhưng chữa không đúng, thì đã không tan đi được, lại không thể làm vỡ ra được, phần nhiều làm cho sưng cứng thêm, lúc ấy nên cạo vỡ ở đầu chỗ sưng, trừ hết mủ độc đã cố kết lại, nếu để lâu không trừ đi thì có thể hại đến tròng đen mà sinh màng.

b) Lông quặm: chứng trạng của bệnh lông quặm là thỉnh thoảng nước mắt chảy ra, đau ngứa, chói, đỏ, khó mở ra được, thích dụi vào mắt. Chứng này là da ở phía ngoài mu mắt giãn ra, mà màng ở bên trong mu mắt săn lại, đến nỗi lông mi đâm vào mắt, rất dễ tổn thương đến tròng đen mà dần dần sinh ra mây màng. Cách chữa có thể dùng cái kẹp bằng tre, kẹp vào da phía ngoài mu mắt (cách làm xem ở mục Phụ chú số 3 trong chương này) và cứu 4, 5 mồi ở chỗ kẹp lại, làm cho lông quặm hướng ra phía ngoài. Nếu vì lông mi mọc loạn lên, thì nên nhổ hết những lông mọc không đúng chỗ đi, mà dùng cái đồ bằng sắt nung đỏ dí vào để trừ hết chân lông, nhưng thường thường về sau lại mọc lên. Nếu tròng đen vì lông quặm đâm vào mà sinh mây màng, thì dùng thuốc Nhị bát đơn nhỏ vào, (xem ở phụ lục số 4 trong chương này), màng sẽ tiêu mòn đi.

c) Phong huyền xích lạn (mắt toét): chứng này phần nhiều vì thấp nhiệt ở tỳ vị hiệp với phong tà mà làm cho rìa ngoài mí mắt đỏ, loét chảy nước mắt, nhiều ghèn, chỗ đau ngứa nhặm, sợ ánh sáng, nên dùng bài Xuyên khung trà điều tán (2) hoặc bài Tam hoàng thang (3). Ngoài thì rửa bằng bài Kim tiền thang (4) và nhỏ bằng thuốc Thanh lương đơn (xem ở phụ lục 4 trong chương này). Nếu ra gió thì đỏ, loét, chảy nước mắt, kiêng gió thì lại lành, gọi là chứng Nghinh phong xích lạn nên uống bài Sài hồ tán (5) và rửa bằng bài Sơ phong tán thấp thang (6).

d) Phong túc, tiêu sang (mắt hột): chứng phong túc là những hột tròn rất nhỏ tụ lại sinh ở mé trong hai mu mắt, sắc vàng mà mềm. Nếu thấy sắc đỏ mà cứng là chứng tiêu sang, hai chứng ấy có khi cùng phát hiện với nhau. Lúc mới phát không có cảm giác mấy, thỉnh thoảng thấy như có cát nhám khó chịu, hoặc hơi đau ngứa, đến khi nặng thì màng ở mu mắt đỏ sưng, chồng chất thành từng phiến như lở giang mai, nhiều nước mắt, nhiều ghèn, thường làm cho hai mí mắt dính lại, thậm chí tròng trắng đỏ sưng đau nhức, chói, sợ ánh sáng. Nếu để lâu ngày không chữa thì chứng trạng tuy bớt, mà niêm mạc mu mắt còn có vết sẹo, hoặc có lông quặm, hoặc ra gió thì nước mắt chảy ra. Đồng thời, chứng phong túc, tiêu sang thường dễ làm thương tổn đến tròng đen, mà sinh ra mây màng. Cách chữa có thể lật mí mắt lên, dùng kim nhọn khêu vỡ từng hạt ra, lại dùng cành Long tu thảo xát vào, để trừ hết hạt tròn và huyết ứ đi, là có công hiệu. Về phương diện uống thuốc ở trong, nếu là chứng phong túc thì dùng bài Trừ phong thanh tỳ ẩm (7). Nếu là chứng tiêu sang thì dùng bài Quy thược hồng hoa tán (8). Về thuốc nhỏ mắt, thì khi mới đỏ sưng có thể dùng bài Hùng đởm cao (9) hoặc gia bài Thanh lương đơn, khi tròng đen sinh màng có thể dùng bài Tam thất đơn (thấy ở phụ lục 4 trong chương này).

đ) Mắt nhặm (dịch đau mắt đỏ): mắt đỏ là bệnh đau mắt cấp tính, truyền nhiễm lẫn nhau, vì cảm phải một thứ khí độc lưu hành. Bệnh này có loại nặng, loại nhẹ.

Chứng nhẹ thì tròng trắng đỏ tươi, đầu đau, mắt đau, chói, sợ ánh sáng, nhiều nước mắt, ghèn đặc, nặng hơn thì hai mí sưng phù, nhặm khó mở. Có thể dùng nước tiểu trẻ con sắc với Hoàng liên, phơi sương một đêm, hâm ấm lên mà rửa, mỗi ngày rửa 4, 5 lần để giải trừ hết độc khí, trong thì uống bài Tẩy can tán và dùng Thanh lương đơn nhỏ vào.

Chứng nặng là phần nhiều tự nhiên phát ra, ngoài những hiện trạng như chứng nhẹ nói ở trên, hai mắt sưng to như quả đào, nước mắt, nước mũi đầm đìa, sợ lạnh, phát sốt, nằm ngồi không yên, nặng hơn thì suốt đêm không ngủ được, ăn uống không biết ngon. Nếu không chữa ngay, thì rất dễ làm cho tròng đen sinh màng nên dùng bài Hồ tuyên nhị liên thang (10) nghiền thật nhỏ hòa với nước gừng, nhỏ vào khóe mắt, để làm thông nước mắt ứ đọng, thì sẽ bớt đau và dùng các thứ lá đào đắng, lá trắc bá, lá cúc, lá liễu, sắc làm nước thang mà xông rửa. Về thuốc uống thì lúc bệnh mới phát, nên dùng bài Tẩy can tán gia Liên kiều, Ngưu bàng; nếu không có biểu chứng thì có thể dùng bài Bát chính tán (11) hoặc bài Đạo xích tán (12). Về thuốc tán nhỏ thì dùng bài Hùng đởm cao, nếu tròng đen sinh màng mà dày thì có thể dùng bài Nhất cửu đơn. Bệnh này nếu chứng nhẹ thì trong một hai tuần có thể khỏi, nếu chứng nặng thì cần phải chữa ngay, không thì tổn hại đến tròng đen, mà suốt đời mang bệnh. Lại có một thứ khác vì gió dữ, nóng, lạnh, phần nhiều bởi phong nhiệt ở can phế công lên trên mà gây nên, chứng trạng cũng tương tự với chứng mắt nhặm, nhưng ít khi truyền nhiễm. Cách chữa có thể xét theo chứng mắt nhặm, rồi tùy đó mà gia giảm. Nếu vì độc giang mai gây ra, nên kiêm chữa cả bệnh giang mai.

e) Bụi bặm vào mắt: chứng này là một bệnh đau mắt vì bị thương ở ngoài như mụn đá, mụn sắt nhỏ, hoặc bụi, cát, bắn vào mắt mà gây ra. Nếu bụi ấy dính lại ở khoảng màng mu mắt, thời đau khó mở mà nước mắt chảy ra. Nếu mụn sắt gắn vào tròng đen, thì có thể gây ra đau nhức dữ dội, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, mắt nhắm khó mở. Cách chữa lúc đầu nên xem kỹ bụi nhỏ ấy ở đâu, nếu ở khoảng niêm mạc mu mắt thì nên dùng cái tăm quấn bông mà gạt ra là khỏi, nếu ở vào tròng đen thì nên dùng kẹp mở mắt, mở hai mí ra, và dùng cái kim để giữ vững tròng mắt rồi dùng cái kim nhỏ để khêu bụi ấy ra, sau lại nhỏ thuốc cao Hùng đởm vào. Nếu để lâu ngày không chữa thì chỗ niêm mạc mu mắt mà bụi ấy dính vào sẽ có huyết đọng lại thành khối, hoặc thành hột thịt, trước hết nên lấy hết bụi nhỏ ấy đi, sau lại dùng mũi kim cạo sạch ứ huyết và nhỏ thuốc Thanh lương đơn.

g) Màng lốm đốm:

Ngân tinh độc hiện: chứng này là trên tròng đen sinh ra một hoặc hai điểm, đặc điểm của nó là không lớn dần lên, phá đi thì tròng đen sâu lõm xuống và lở vỡ. Nếu như sinh liên kết với nhau, sinh chụm lại với nhau, hoặc điểm ấy cứ dần dần rộng ra thì đều không phải chứng này. Trên lâm sàng, chứng có nặng, có nhẹ khác nhau, sắc trắng nổi lên mà non, tròn mà nhỏ là chứng nhẹ, hỏa tà hết thì hết, có thể không phải chữa cũng khỏi; nếu thấy chìm sát xuống mà cứng trơn là chứng nặng, không thể tự khỏi được, cần phải chữa kịp thời. Nếu là chứng hư hỏa, thì nên uống bài Lục vị địa hoàng thang gia những vị như Huyền sâm, Quyết minh, Cốc tinh thảo. Nếu là chứng thực hỏa, thì nên cho uống bài Tả can tán (13)

Băng hà ế: chứng này vì can kinh có nhiệt, hoặc vì thất tình uất kết mà gây nên. Khi mới bệnh, thì tròng đen sinh ra điểm màng nhỏ, tròng đen không trong, dưới chân màng có ghèn và nước mắt dính lại, giống như nước mũi, hoặc vàng hoặc trắng, rồi thì đỏ và nhặm, nước mắt và ghèn ra nhiều, che kín con ngươi, như cái màng che tròng mắt, chùi đi lại cứ sinh ra. Bệnh này thường trở đi trở lại, lâu ngày thì ăn lấn vào tròng đen, làm cho lõm xuống, và có thể tổn hại đến mắt. Cách chữa trong thì uống bài Bát vân thối ế tán hoặc bài Tả can tán, ngoài thì dùng bài Tam thất đơn nhỏ vào mắt. Ngoài ra lại có chứng “Bạch hãm ngư lân” cũng rất giống với chứng này, hiện trạng của chứng ấy, giống như cái vẩy cá xây sắp lên, giữa có điểm trắng lõm sâu xuống, sinh ra bất kỳ lúc nào, thậm chí cái điểm trắng lấn sâu vào niêm mạc, dần dần trở thành bệnh nặng.

Đinh ế: chứng này phần nhiều thấy ở người tính tình nóng nảy hoặc đàn bà tinh thần bị uất ức, vì can hư hỏa động mà phát ra, hoặc vì giang mai độc mà gây nên. Lúc mới phát thì tròng đen có điểm màng trắng nhỏ như mũi kim, hoặc như hạt mè, dần dần to ra, mà lấn sâu vào đến hoàng nhân. Con mắt có bệnh thì đỏ, sưng, đau dữ, đau quá thì ran lên đến óc, sợ sáng, chảy nước mắt, ghèn ra như mủ. Bệnh này thường trước đau ở một mắt, rồi sau lây đến mắt khác, nếu không chữa thì có thể làm cho tròng đen bị phá vỡ, chảy ra máu mủ, hoặc như mắt cua nổi lên. Cách chữa: lúc đầu như có biểu tà thì cho uống bài Tu can tán (14), có lý tà thì cho uống bài Lương cách tán và căn cứ vào tình hình lớn, nhỏ nặng, nhẹ của màng ấy mà lựa chọn thuốc đơn thổi vào, đồng thời dùng những vị Phòng phong, Xuyên khung, Cúc hoa, Quy vĩ, Bạch chỉ, Ma hoàng, Kinh giới sắc lên làm thuốc thang mà rửa. Nếu vì có độc giang mai sinh ra, thì nên chữa cả giang mai.

h) Mây màng:

Hoa ế bạch hãm: chứng này vì nhiệt độc ở can, đởm, công phá ở trên mà gây ra. Chứng trạng của nó là trong mắt bỗng nhiên đau nhức, sưng thũng, đỏ và nhặm, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, đầu đau, mũi tịt, tròng đen con mắt bị đau, sinh màng như hoa cây củ cải hoặc như vẩy cá lõm vào, giống như hạt tấm, về sau cứ dần dần to ra, dăng díu hỗn hợp lại mà thành như đám mây. Cũng có khi lúc đầu sinh màng từ giữa khoảng tròng trắng và xung quanh tròng đen, dần dần dày rộng đến nỗi che hết cả toàn bộ con ngươi mà trở nên mù. Cách chữa như có biểu chứng thì cho uống bài Tẩy can tán có lý chứng thì cho uống bài Tả can tán, còn chỗ đau thì dùng Nhị bát đơn mà nhỏ vào.

Hỗn chướng: chứng này vì phong độc và tích nhiệt ở can kinh gây nên, lúc mới phát thì trong mắt nóng, tròng trắng đỏ đau, ra gió thì chảy nước mắt, nhắm lại thì khó mở ra được, tròng đen có màng như hạt tấm hiện ra, lâu ngày thì dần dần thành phiến, che khắp tròng đen, có hai thứ trắng, đỏ khác nhau. Trắng là màng trắng che khắp cả tròng đen, đỏ là ở trên màng có nhiều tia máu. Chứng này thường bị nhiều và khi chữa thì chứng đỏ dễ chữa hơn, trong cho uống những bài như: Địa hoàng tán (15), Tả can tán, ngoài nhỏ Nhị bát đơn. Nhưng chứng trắng thì không nên trơn bóng như rêu, đỏ thì không nên có tia máu lan ra ngoài, nếu có hiện tượng như thế, là tất nhiên khó lành và dễ phát trở lại.

Mã não ế (màng nổi lên như đá mã não): chứng này sinh màng mỏng ở tròng đen, màng tròn hoặc khuyết, sắc trắng mà hơi vàng xám, hoặc hơi đỏ như mã não, và còn có những chứng trạng mắt đau, chảy nước mắt, đỏ, nhặm, sợ ánh sáng. Phần nhiều là vì sau khi bị bệnh, hoặc vì những nguyên nhân khác thương tổn đến tinh khí của can đởm mà gây nên. Chữa thì có hy vọng bớt dần nhưng khó mà trừ căn được, nên cho uống bài Bổ can hoàn (16) ở trong, và nhỏ thuốc đơn ở ngoài.

Tiểu nhi cam nhãn (cam mắt): chứng này vì trẻ con cam tích, hoặc tiết tả, hoặc nóng cơn về đêm, lâu ngày tinh khí bị suy hao không thể nuôi dưỡng được hai mắt mà gây nên. Lúc mới bệnh thì hai mắt đỏ nhặm và chói, đau nhức chảy nước mắt, về sau thì tròng đen sinh ra àng trắng hoặc màng xanh. Cách chữa có thể cho uống bài Bổ can hoàn để bổ ích can tỳ, ngoài thì dùng sữa hòa với Nhất cửu đơn nhỏ vào mắt. Còn có một cách khác là dùng 1, 2 phân khinh phấn, 1 quả rưỡi Sử quân tử, nhân vải, củ hành cùng bỏ vào trong quả trứng gà, lấy bông ướt bọc ở ngoài, đem nướng chín mà ăn, ăn luôn 5, 7 lần, lại nên nấu gan dê (gan heo cũng được), đem phơi sương chấm với bột Dạ minh sa mà ăn.

f) Mạc chướng: chứng này có nhiều tên bệnh, chứng trạng khác nhau, như từ trên thõng xuống sắc hồng nhạt thì gọi là “xích mạc hạ thùy”; một phiến màng trắng có tia máu chằng chịt dưới chân, thì gọi là “thùy liêm ế”; từ dưới vươn lên, sắc vàng, thì gọi là “dũng ba ế”; trong màng có mủ ăn hư tròng đen, lúc đầu một mắt, về sau đến cả hai mắt, thì gọi là “mạc nhập thủy luân”; màng dày mà sắc vàng, có tia máu chằng chịt xung quanh bám vào tròng đen, đỏ như miếng thịt, thì gọi là “huyết ế bao tình”. Cách chữa thì ngoài việc dùng thuốc uống trong, thuốc xức ngoài ra, việc dùng thủ thuật cắt đi cũng rất cần thiết, nói chung là xem rõ được gốc tia máu ở chỗ nào, rồi dùng câu móc lên, sau đó lấy kéo cắt đi, lại lấy sắt nung đốt vào chỗ cắt (cách làm xem ở mục phụ lục 2 trong chương này) và lấy Nhất nguyên đơn (18) hòa với sữa nhỏ vào. Về thuốc uống trong, nói chung như sắc đỏ thì uống bài Tu can hoạt huyết thang (19) để trừ phong nhiệt ở huyết phận, như sắc vàng thì dùng bài Tỉnh vị kim hoa hoàn (20) để trừ thấp nhiệt ở tỳ vị. Thuốc nhỏ thì có thể dùng thuốc đơn hoặc bài Quyển liêm tán (21).

k) Mộng thịt che mắt (nỗ nhục phan tình): nguyên nhân phát ra mộng thịt che mắt, phần nhiều vì thất tình uất kết, hoặc tửu sắc quá độ, hoặc tính tình nóng nảy, ăn nhiều thức cay nóng, huyết ngừng trệ ở khóe đầu mắt mà gây nên, nếu không chữa thì dần dần lan rộng ra mà lấn vào tròng đen. Chữa bệnh này có thể chia ra hai loại là hư và thực:

Chứng thực thì mộng thịt dày, rộng và đỏ, lan ra nhanh chóng, tích lũy lâu ngày, thì che đến cả con ngươi, đầu nhọn lên và ăn sâu vào tròng đen. Cách chữa nên câu ra cắt đi, nhưng thường sau khi cắt rồi lại phát trở lại, đồng thời nếu không cắt luôn mấy lần, thì không hết được. Nếu sau khi cắt rồi, dùng lửa nung vào, thì có thể giảm bớt được sự phát sinh trở lại. Về thuốc chữa thì dùng mật hòa với thuốc bột Thôi ế quyển vân tán (22) mà nhỏ vào, mỗi ngày một lần, trong cho uống bài Tam hoàng tả tâm thang là có công hiệu (bài này tức là bài Tả tâm thang).

Chứng hư thì mộng thịt mỏng mà sắc vàng, lan ra chậm, khi phát, khi ngừng hoặc dần dần chỉ lại không lan ra nữa. Nếu đầu bằng mà nổi lên ở tròng đen thì dễ cắt và dễ khỏi. Nếu đã dừng lại không lan ra nữa, thì không nên câu cắt, chỉ cần lấy Quyển liêm tán nhỏ vào là khỏi.

2. Nội chướng:

a. Huyết quán đồng nhân (Huyết thấm vào con ngươi)

Chứng này vì huyết độc đưa lên phía trong con ngươi, làm lẫn lộn chất thanh trọc sinh ra sưng đau khó chịu, trước mắt thấy đỏ rực lên, mờ mờ không rõ, như nhìn vật gì cách một lớp lụa mỏng, bệnh này phát ra có hai nguyên nhân:

+ Huyết nhiệt ở can kinh, tích lũy lâu ngày, thấm vào con ngươi, ngưng kết lại ở trong nước con ngươi, chứng này là bệnh có quan hệ đến thận kinh và can kinh.

+ Bị thương ở ngoài, hoặc vì thủ thuật không khéo hoặc tia máu bị thương tổn ở trong mà làm cho huyết thấm vào con ngươi.

Cách chữa hai chứng này đại khái là giống nhau, nếu tròng mắt sưng đau khó chịu, thì trước nên uống bài Một dược tán (23) để hành huyết chỉ thống, sau uống bài Đại hoàng đương quy tán (24) để tả nhiệt trừ ứ. Nếu vì can nhiệt bức huyết đi lên mà thấm vào con ngươi, thì nên uống bài Trụy huyết minh mục ẩm (25) để dưỡng âm bình can, thanh nhiệt, trừ huyết ứ. Ngoài thì dùng Sinh địa hoàng hoặc Phù dung căn đâm dập đắp vào mắt, để tán ứ huyết. Nói chung, huyết vì bị thương ở ngoài mà thấm vào, thì lành mau hơn, huyết vì nhiệt ở can kinh thấm vào thì tương đối khó lành. Vả lại thường thường là vì đau ở một mắt mà lây sang mắt khác, thậm chí có thể làm cho hai mắt đều bị tổn hại.

2. Đồng nhân can huyệt (con ngươi khô lõm)

Chứng này phần nhiều vì độc giang mai gây ra, hoặc vì tổn thương đến can thận, hư hỏa bốc lên mà gây nên. Chứng trạng chủ yếu của bệnh này là xung quanh con ngươi như răng cưa, so le sứt mẻ không tròn, lúc mới phát thì khung mắt sa xuống mà đau, khóe đầu mắt hơi đỏ, dần dần thì đồng nhân đóng chặt trông không rõ ràng, tròng đen có màng kết ở trong, sắc màng hoặc vàng hoặc xanh hoặc trắng, cuối cùng là mù. Phép chữa nếu là chứng vì tổn thương đến can thận, thì nên dùng những bài như Ngũ tả thang (26), Tỉnh phong thang (27) và Bổ thận minh mục hoàn (28), tùy chứng lựa dùng. Còn có cách chữa là dùng gan heo luộc chín, phơi sương một đêm, sáng ngày đem thái ra, chấm với bột Dạ minh sa mà ăn cũng có công hiệu. Nếu là do độc giang mai gây nên thì nên theo về dương mai độc mà chữa.

3) Ngân phong nội chướng.

Chứng này vì đã sẵn có chứng đầu phong, hoặc bị đả thương ở đầu, hoặc bị thất tình uất kết, hoặc uống nhiều rượu, ăn nhiều thứ cay nồng, ngon béo, nhiệt tà uất lại nung nấu mà gây nên. Lúc đầu không ngứa, không đau, chỉ cảm thấy trông lờ mờ như mình ở trong một lớp mây mù mỏng, hoặc cảm thấy ở trong không gian như có những hoa trắng bay lượn, trước tiên bị một mắt, rồi sau lây đến cả hai mắt, lâu ngày thì thấy ở con ngươi có một lớp trắng như bạc. Chứng này là cố tật, khó chữa, không phải như chứng Ngân nội chướng, nên cho uống bài Thạch quyết minh tán (29).

4) Thanh phong nội chướng (Phụ chứng Lục phong nội chướng và Hoàng phong nội chướng).

Chứng Thanh phong, Chứng Lục phong và chứng Hoàng phong cũng là một chứng. Sách “Chứng trị chuẩn thằng” nhận rằng Thanh phong là nhẹ, Lục phong là nặng, Hoàng phong là nặng hơn. Do ở quá trình phát bệnh của 3 chứng ấy có trước sau khác nhau, cho nên bệnh tình cũng có nặngm, nhẹ khác nhau. Nguyên nhân sinh ra bệnh này trừ lý do vì chứng đầu phong nặng gây nên, thì nói chung rất thường thấy là vì âm hư huyết thiếu, hoặc vì quá khiếp sợ buồn giận, hoặc tửu sắc nhọc mệt, làm cho phong khí ở can bốc lên mà gây ra. Nhưng cũng có khi vì thương hàn dịch lệ gây nên.

Chứng Thanh phong nội chướng thì lúc đầu không đau nhức lắm, xem kỹ ở con ngươi thì sắc tối mù, như một dãy núi xanh có lớp mù mỏng, khói nhợt bọc ở ngoài, nhưng vẫn còn có sức trông thấy, chỉ cảm thấy sức trông sút kém mà không rõ ràng lắm, về sau ngày càng mờ thêm, con ngươi tán rộng ra, sắc hơi xanh, rồi dần dần trở nên mù.

Chứng Lục phong nội chướng phần nhiều do chứng Thanh phong chuyển biến ra, chứng cũng hơi nặng, lúc mới đầu có hiện tượng chóng mặt, hoa mắt, đau ran ở chỗ hai bên trán, sườn mũi và con ngươi nhìn thấy tối mờ, trong không gian như có những hoa trắng nổi lên hoặc sinh nôn mửa, xem kỹ ở con ngươi thì khí sắc vẩn đục không trong, mà có sắc xanh lục. Chứng này hoặc xuất hiện ra ở một mắt hoặc đồng thời xuất hiện ra ở cả hai mắt. Đại phàm bệnh thành chứng Lục phong là bệnh đã nghiêm trọng.

Chứng Hoàng phong nội chướng thường thường hiện ra sau chứng Lục phong, là bệnh tình càng nặng hơn, xem kỹ vào con ngươi thì chẳng những có một đám màng vàng vẩn đục, mà chỗ lỗ con ngươi còn tán rộng ra, bệnh đến như thế phần nhiều là không có hy vọng sáng lại nữa. Cách chữa có thể lựa dùng bài Linh dương giác thang (30), bài Trấn can minh mục dương can hoàng (31), bài Thạch hộc dạ quang hoàn (32).

5) Hắc phong nội chướng (tức là Ô phong nội chướng)

Hắc phong nội chướng và Ô phong nội chướng là một bệnh mà hai tên, phần nhiều vì uất ức lo nghĩ, hoặc tửu sắc quá độ, hoặc làm việc khó nhọc, phiền bực, hoặc có sẵn độc giang mai, làm cho can thận hư yếu, tinh khí của ngũ tạng không đưa lên được, làm cho sức nhìn thấy bị trở ngại. Bệnh này lúc đầu hoàn toàn không đau nhức, khi trông ra thấy toàn những hoa đen lẫn lộn, hoặc trông trong không gian như có những con bướm bay lượn, hoặc như có những tia điện lấp lánh, hoặc hai mắt tối mù, lâu ngày thì lỗ con ngươi rộng to ra, cuối cùng thì thần khí hao tán, nhìn không thấy nữa, xem ở tròng mắt thì hoàn toàn không có màng như người vô bệnh. Cách chữa bệnh này chủ yếu là phải đại bổ can thận, dập tắt nội phong, có thể uống bài Hoàn tinh bổ thận hoàn (33), nếu tinh thần uất ức, thì uống kèm với bài Gia vị tiêu dao tán (thấy ở phụ chú 31 trong mục Thương khoa khái yếu), nếu can thận có nhiệt, thì uống kiêm với bài Trư linh tán (34).

6) Quáng gà (tước mục)

Tước mục còn gọi là “kê manh” (quáng gà). Trong các sách thuốc cũng có những tên gọi khác nhau, như “cao phong tước mục”, “can hư tước mục”, “hoàng hôn bất kiến”, “tiểu nhi tước mục”. Chứng này phần nhiều vì tinh khí của can thận suy kém, hoặc thỉnh thoảng bị đau đầu, hoặc trẻ con bị cam tích, thương tổn đến can tỳ mà gây ra. Bệnh ban ngày trông thấy như thường, đến lúc hoàng hôn về sau thì không trông thấy gì, sáng ngày lại trông thấy bình thường. Lâu ngày cũng có thể sinh mây ở tròng đen, về sau sẽ không trông thấy gì nữa. Cách chữa chủ yếu là cho uống bài Bổ can hoàn (35) và gan dê hoặc gan heo. Nếu trẻ con vì bị cam tích mà gây nên thì uống kèm bài Ngũ cam hoàn (36) và bài Trư can tán (37).

7) Sắc manh (trông màu đỏ như trắng)

Chứng này là hai mắt không phân biệt được màu sắc rõ ràng, ngày xưa gọi là chứng “sắc manh”, thông thường thì trông được màu đỏ và màu xanh là nhiều hơn. Nói chung như hoàn toàn không phân biệt được màu sắc, thì đa số là vì tiên thiên bất túc hỏa bị uất kết mà sinh ra. Cách chữa chủ yếu là nên bổ hư và kiêm kiện tỳ, thư uất, giáng hỏa, buổi sáng cho uống bài Minh mục tử châu hoàn (38), bài Khoan hung lợi cách hoàn (39), buổi chiều cho uống bài Thanh can thối ế hoạt huyết hoàn (40), bài Tư âm minh mục hoàn (41), lấy Cam thảo 2 đồng, Cát cánh 3 đồng, Thanh bì 1 đồng, Viễn chí 3 đồng, sắc lên làm nước thang mà nuốt. Như không phân biệt được một vài màu sắc, thì lại là vì âm hư và tỳ hư, can uất mà sinh ra, cách chữa buổi sáng uống bài Khoan hung lợi cách hoàn, bài Tư âm minh mục hoàn, buổi chiều uống bài Thanh can thối ế hoạt huyết hoàn, bài Kiện tỳ thối ế hoàn (42), lấy Huyền sâm 2 đồng, Cát cánh 3 đồng, Cam thảo 3 đồng, sắc lên làm nước thang mà nuốt.

8) Viễn thị và cận thị

Viễn thị là hai mắt trông xa thì rõ mà trông gần thì không rõ, cận thị là hai mắt trông gần thì rõ mà trông xa thì lờ mờ không rõ. Chứng viễn thị là vì chất âm tinh bị thiếu ở trong, phần nhiều là phát ở người già, cho nên cách chữa chủ yếu là nên dùng những bài như Địa chi hoàn hoặc Lục vị địa hoàng hoàn. Chứng cận thị nếu là vì tiên thiên di truyền thì khó chữa, nếu bệnh về hậu thiên là vì dương khí hư kém ở trong, phần nhiều là phát ở người tráng niên. Cách chữa nên dùng những bài như Định chí hoàn, Bổ thận từ thạch hoàn (43).

 

Phụ lục

A. Cách lể

 

 

(Trích theo trong bài Châm thuật trị liệu bạch nội chướng của Diêu Hòa Thanh, sơ bộ giới thiệu ở Đông y tạp chí tháng 2 năm 1955).

1. Chứng thích ứng: toàn bộ trong mắt vẩn đục, có một phiến mây trắng, mắt người bệnh hoàn toàn không thấy gì, nhưng còn phân biệt được sáng tối.

2. Chuẩn bị trước:

a) Dặn trước bệnh nhân khi lể không nên sợ, cần hợp tác chặt chẽ với thầy thuốc, sau khi lể rồi cần giữ theo đúng lời dặn của thầy thuốc, yên tâm điều dưỡng nghỉ ngơi.

b) Trước khi lể dùng nước xà phòng rửa mặt và xung quanh mắt, lại dùng nước 1% muối rửa đi rửa lại ở trong mắt, sau dùng bông tiệt trùng chùi khô, rồi lầy cồn sát trùng ở các chỗ ngoài mí mắt và lông mày.

c) Chuẩn bị đồ dùng - các thứ đồ dùng như kim vàng, nhíp mở mí mắt, nhíp phải nhúng vào rượu cồn 750 chừng nửa giờ.

d) Người lể phải dùng nước xà bông rửa hai tay rồi xoa rượu cồn.

3. Cách thao tác: người bệnh nằm ngửa lên trên bàn mổ, dùng vải tiệt trùng che kín đầu người bệnh, chừa hai mắt, người thầy thuốc đứng phía bên trái người bệnh, dùng kìm mở mắt mở rộng con mắt đau, bảo người bệnh trông xuống phía dưới, sau rồi tay trái dùng cái nhíp thò vào chỗ gần tròng trắng ở dưới khóe bên phải con mắt đau, để giữ vững tròng mắt lại, rồi tay phải dùng kim vàng châm ở huyệt Thái thủy (mắt bên phải) hoặc huyệt Thái tố (mắt bên trái) chỗ ngang với chính giữa tròng đen cách mé ngoài tròng đen chừng trong ngoài 1 phân, vê từ từ cho kim xuống, sâu vào chừng trong ngoài 4 phân, cũng tức là khoảng dài ngắn giữa huyệt Thái tố hoặc huyệt Thái thủy cách với chính giữa con ngươi (khi châm kim nên lường trước khoảng cách ấy) cho mũi kim đâm ngang ra nhằm vào chỗ lỗ con ngươi vượt qua chỗ nội chướng sắc trắng, lúc đó có thể nhìn ở phía ngoài nội chướng mà thấy được mũi kim, lại từ từ cho mũi kim chuyển lên giữa đỉnh chỗ nội chướng, đến khi cảm thấy phía sau nội chướng như không có cản trở gì nữa, thì đổi hướng châm kim, cho kim xuống đã chỗ nội chướng lại, lúc đó đã có thể thấy được chỗ lỗ con ngươi từ sắc trắng chuyển dần thành sắc đen, như thế là biểu lộ nội chướng đẽ không ở nguyên chỗ cũ nữa. Nhưng còn cần phải cho kim tiến sâu thêm, đồng thời để vững kim lại từ 3 đến 5 phút, không thế, thì khi rút kim ra, nội chướng lại nổi lên như cũ. Trong lúc để vững kim, có thể hỏi người bệnh có trông thấy mấy ngón tay của người cầm kim hay không, nếu thấy được là biết việc châm đã thành công. Sau lại cho kim hướng lên đến chỗ lỗ con ngươi rồi chuyển kim đến chỗ châm cũ, và vê nhè nhẹ rút kim ra. Lúc này có thể cất hết các kìm, nhíp, lấy vải thưa che hai mắt và lấy băng bọc lại.

4. Xử lý sau khi đã làm thủ thuật

+ Ngày hôm sau trở đi, mỗi ngày lại mở hai mắt ra và đổi băng khác, qua sự quan sát rồi sau 10 hôm thì cắt băng đi, đồng thời mở vải bọc ở mắt không bệnh ra, và để cho người bệnh nằm ngồi nghỉ ngơi trong thời gian ngắn, sau 15 ngày sẽ mở vải bọc ở mắt đau.

+ Trong 3 ngày sau khi châm kim, người bệnh nhất định cần phải tuyệt đối giữ gìn không để đầu động đậy, thân mình cũng không được tự ý chuyển trở, đại tiểu tiện tốt hơn là dùng cái chậu đi ngay ở trên giường, ăn uống cũng phải do người hộ lý bón, chỉ cho uống thuốc ăn cháo, không để răng phải nhai. Đồng thời cũng không được cho người bệnh nói, mỗi khi cần nói gì đều phải dùng tay ra hiệu (cách ra hiệu cần dạy trước khi châm kim). Ba ngày về sau cho đến một tuần lễ thì những điều kiện ấy có thể châm chước nới rộng nhưng bộ phận đầu vẫn không được cử động.

B. Cách câu cắt mộng thịt

 

1. Chuẩn bị trước khi câu cắt (cũng như trong các điều 1, 2, 4 trong cách lể ở trên)

2. Chuẩn bị đồ dùng: các thứ như nhíp phanh mí mắt, nhíp giữ mắt, nhíp nhỏ, kim để câu, kim may, chỉ tơ nhỏ, kéo cắt về nhãn khoa, đều nhúng vào rượu cồn 750 chừng nửa giờ, và có sẵn bàn là nhỏ, lò than nhỏ.

3. Cách câu cắt: bảo người bệnh nằm ngửa ra, lấy vải tiệt trùng che kín đầu người bệnh, để lộ con mắt đau, dùng kìm mở mí, mở hai mí mắt ra, người giúp việc dùng “nhíp giữ vững” kềm vào chỗ khóe ngoài tròng trắng để giữ vững tròng mắt. Sau đó, người thầy thuốc dùng câu, câu ở chỗ giữa mộng thịt lên, dùng kim có chỉ xâu qua chỗ phần dưới mộng thịt, sau rồi dùng tay trái nắm hai đầu múi dây, từ từ bóc chỗ mộng thịt dưới tròng đen ra, lại lấy tay trái nắm hai đầu múi dây, từ từ bóc chỗ mộng thịt dưới tròng đen ra, lại lấy tay trái dùng cái nhíp nhỏ kéo cái mộng thịt lên, tay phải dùng kéo cắt đứt dưới rễ mộng thịt đi, chỗ đã cắt thì dùng bàn là nhỏ theo thủ pháp thật nhanh mà là vào, khi là không nên là lâu quá, cũng không được là nhiều và làm thương tổn đến xung quanh tròng trắng. Sau hết nhỏ thuốc cao vào, cất hết đồ cặp mắt đi, dùng vải thưa quấn lại, mỗi ngày thay thuốc một lần, chỉ trong mấy hôm là bình phục ngay.

 

C. Cách kẹp mí mắt

 

Dùng thanh tre mỏng rộng 2 phân, dài chừng 1 tấc, mài xát trơn bóng, bỏ vào trong dầu vừng để dùng. Trước khi kẹp thì dùng rượu cồn 750 rửa ngoài mí và xung quanh mắt để tiêu độc, sau rồi lấy 2miếng tre mỏng kẹp vào ngoài da mắt, 2 đầu lấy chỉ cột chặt lại, đồng thời lấy ngải cứu cứu 3 đến 5 tráng, chỗ kẹp không được cao quá, cũng không được thấp quá, chỉ cách ngoài mí mắt 3 ly làm chừng, chỗ cặp rộng hay hẹp thì căn cứ da ngoài mắt căng hay chùng mà định, không được nhiều quá cũng không được ít quá, xem chừng đừng cho lông mi đâm vào tròng mắt là được. Kẹp lại như thế chừng một tuần lễ thì miếng da ấy khô chết và rụng đi, đồng thời chỗ lở ấy cũng tự nhiên khỏi.

 

IV. Cách chế thuốc đơn và chứng thích hợp (Chứng trị chuẩn thằng)

 

1. Dương đơn

Chữa các bệnh đau mắt ngoại chướng, dây máu khắp tròng, chói sợ ánh sáng, nhắm dính khó mở,vành mắt đỏ loét, màng lốm đốm che con ngươi.

Bài thuốc: Hoàng liên, Hoàng bá, mỗi vị một lạng, Đại hoàng, Hoàng cầm, Phòng phong, Long đởm thảo mỗi vị 5 đồng, Đương quy, Liên kiều, Khương hoạt, Chi tử, Bạch cúc hoa, Sinh địa hoàng, Xích thược, Khổ sâm mỗi vị 3 đồng, Thương truật, Ma hoàng, Xuyên khung, Bạch chỉ, Tế tân, Thiên lý quang (cúc đùi trống), Long não, Bạc hà, Kinh giới, Mộc tặc mỗi vị 1 đồng 5 phân.

Cách chế: các vị trên lấy nước giếng rửa sạch, thái nhỏ, ngâm với nước giếng trong nồi đồng, mùa xuân ngâm 3 ngày, mùa hạ ngâm 2 ngày, mùa thu ngâm 4 ngày, mùa đông ngâm 5 ngày (xét chế về mùa đông là tốt hơn), mỗi ngày đem phơi nắng, thường lấy tay bới thuốc ra, phơi cho thôi ra hết sức thuốc, lấy lụa dày lọc đi, để lại một bát nước trong để phi thuốc, để lại 3 bát nước đục để tôi thuốc.

Lại lấy một cái nồi đồng đúc, bỏ vào 1 cân Lô cam thạch đâm dập (Cam thạch cần lựa thứ chất nhẹ sắc xanh nhợt là tốt, dùng cái vung mới đậy lên, lấy than gỗ thông đốt cho đến khi đỏ thì gắp ra, tôi vào trong nước thuốc một lúc, vừa đốt vừa tôi 3 lần, lại dùng thứ nước trong đã để lại mà phi, nghiền thật nhiều lần, lọc lấy nước trong bỏ nước đục đi, phơi khô lại nghiền cho đến khi không nghe tiếng nữa là được. Dùng lụa dày rây qua vài lần rồi cất vào trong cái bình sành mà dùng.

Cách dùng: bột Lô cam thạch 1 đồng, Xạ hương 3 ly, Phiến não 1 phân, nghiền nhỏ, cất kín để tra vào mắt.

2. Âm đơn

Chữa các chứng đau mắt mây màng che tròng huyết thấm vào con ngươi, lông quặm, mộng thịt, loét mắt và các chứng đau mắt khác.

Bài thuốc: bài thứ nhất: Lô cam thạch (nung đỏ) 1 lạng, Đồng thanh (rĩ đồng) 1 đồng 9 phân, Não sa 6 phân 2 ly rưỡi, Một dược 2 phân, Thanh diêm 3 phân 7 ly rưỡi, Hùng đởm 1 phân 2 ly rưỡi, Mật đà tăng 2 phân rưỡi, Hoàng liên 5 đồng, Long đởm thảo 2 đồng rưỡi, Nhũ hương 3 phân 7 ly rưỡi.

Bài thứ hai: Bạch đinh hương, Hải phiêu tiêu, Bạch phàn (sống), Khinh phấn mỗi vị 1 phân 7 ly rưỡi, Bằng sa 2 phân rưỡi, Hùng hoàng, Nha tiêu, Hoàng đơn, Huyết kiệt, Chu sa mỗi vị 1 phân 2 ly rưỡi, Duyên bạch sương, Phấn sương, Đởm phàn ứng đều mỗi vị 7 ly rưỡi.

Cách chế: trước tiên đem các vị thuốc ở bài thứ nhất (trừ Hoàng liên, Long đởm thảo) tán nhỏ, lại dùng Hoàng liên 5 đồng, Long đởm thảo 2 đồng rưỡi, sắc lấy nước bỏ bã, hòa với thuốc bột trên, đem phơi khô rồi nghiền thật nhỏ, nghiền đến khi không nghe tiếng là được. Lại đem các vị thuốc ở bài thứ hai chế thành bột nhỏ, rồi đem trộn với thuốc của bài trên nghiền hết sức nhỏ, nghiền đến khi không nghe tiếng nữa mới được. Dùng bình sành cất kín mà dùng.

3. Cách phối hợp Dương đơn và Âm đơn

Nhất cửu đơn (tức là Cửu nhất đơn): Âm đơn 1 phân, Dương đơn 9 phân, Bằng sa (đốt khô) 9 ly, Đởm phàn (sống) 5 ly.

Nhị bát đơn: Âm đơn 2 phân, Dương đơn 8 phân, Bằng sa 8 ly (đốt khô), Đởm phàn (sống) 4 ly.

Tam thất đơn: Âm đơn 3 phân, Dương đơn 7, Bằng sa (đốt khô) 7 ly, Đởm phàn (sống) 3 ly.

Tứ lục đơn: Âm đơn 4 phân, Dương đơn 6 phân, Bằng sa (đốt khô) 6 ly, Đởm phàn (sống) 2ly.

Âm dương đơn (đối giao đơn): Âm đơn 5 phân, Dương đơn 5 phân, Bằng sa (đốt khô) 5 ly, Đởm phàn (để sống) 1 ly.

Thanh lương đơn (Thanh lương tán): Âm đơn 1 đồng, Bằng sa (đốt khô) 1 phân, Đởm phàn 1 ly.

Sáu bài thuốc (đơn) ở trên khi dùng đến có gia 3 ly Xạ hương, 1 phân Phiến não, nghiền nhỏ trộn đều mà điểm vào mắt.

Cách sử dụng: tròng đen không có mây màng thì nên dùng Dương đơn; nếu có mây màng, mộng thịt, thì phối hợp với Âm đơn; nếu mây màng mỏng non hoặc phát ra không lâu, thì nhiều Dương đơn mà ít Âm đơn; nếu mây màng dày mà xanh già rồi hoặc đã lâu năm không chữa, thì nhiều Âm đơn mà ít Dương đơn. Về cách gia giảm trừ 6 bài ở trên ra, còn có thể phối hợp một cách linh hoạt nữa, như âm 2 phần dương 4 phần, âm 3 phần, dương 5 phần v.v... (Lời bàn của người chép sách: như thuốc bột, nhỏ vào thổi vào không tiện lợi, hoặc sinh ra đau nhặm, thì cũng có thể hòa thuốc với mật ong tốt thành thuốc cao mà dùng).

 

Phụ phương

 

1. Long não Hoàng liên cao (Chứng trị chuẩn thằng).

Hoàng liên 1/2 cân, Long não 1 đồng.

Trước tiên thái xắt nhỏ Hoàng liên ra, lấy 3 bát to nước cho vào trong bình sành bỏ Hoàng liên vào, rồi đun nhỏ lửa ngào lại còn một bát rưỡi, lọc bỏ bã, rồi cho vào trong cái nồi sành mỏng đun cách thủy thành cao còn chừng nửa chén, khi dùng thì hòa vào 1 đồng Long não, rồi nhỏ vào mắt bất kỳ lúc nào cũng được.

2. Xuyên khung trà điều tán (Ngân hải tinh vi)

Xuyên khung, Phòng phong, Khương hoạt, Cam thảo, Thạch quyết minh, Mộc tặc, Thạch cao, Kinh giới, Cúc hoa, Bạc hà diệp, mỗi vị 1 lạng, tán nhỏ, mỗi lần uống 2, 3 đồng với nước chè sau khi ăn.

3. Tam hoàng thang (tức là bài Tả tâm thang thấy ở thuốc Tả hỏa trong chương Phương tễ)

4. Kim tiền thang (Ngân hải tinh vi).

Đồng tiền cổ (tức là đồng tiền xưa đã rỉ) 7 đồng, Hoàng liên 2 đồng nghiền thành bột, Bạch mai can 5 quả, 3 vị này dùng 2 chén nhỏ rượu, cho vào trong bình sành sắc còn nửa chén đến đêm dùng mà rửa 3, 4 lần là khỏi, mỗi ngày rửa 2 lần.

5. Sài hồ tán (Chứng trị chuẩn thằng)

Sài hồ, Phòng phong, Xích thược, Kinh giới, Khương hoạt, Cát cánh, Sinh địa hoàng, mỗi vị 1 đồng, Cam thảo 5 phân, các vị tán nhỏ, mỗi lần uống 3 đồng cân với nước sôi.

6. Sơ phong tán thấp thang (Thẩm thị giao hàm)

Xích thược, Hoàng liên, Phòng phong, mỗi vị 5 phân, Đồng lục (cho vào riêng), Xuyên hoa tiêu, Quy vĩ mỗi vị 1 đồng, Khinh phấn 1 phân (cho vào riêng), Khương hoạt, Ngũ bội tử mỗi vị 3 phân, Kinh giới 6 phân, Đởm phàn, Minh phàn mỗi vị 3 ly. Các vị trên cho vào 3 bát nước sắc còn 1 bát rưỡi bỏ bã, ngoài gia thêm Đồng lục, sau khi đã lọc rồi, cho Khinh phấn vào khuấy đều, rồi dùng giấy bạch lọc qua, để cho trong lại, rồi dùng tay rửa vào chỗ ướt lở trong mắt.

7. Trừ phong thanh tỳ ẩm (Thẩm thị giao hàm)

Quảng bì, Liên kiều, Phòng phong, Tri mẫu, Huyền minh phấn, Hoàng cầm, Huyền sâm, Hoàng liên, Kinh giới tuệ, Đại hoàng, Cát cánh, Sinh địa. Các vị đều nhau, đem thái nhỏ cho vào 2 bát nước, sắc còn tám phần bát, bỏ bã, uống xa buổi ăn.

8. Quy thược hồng hoa tán (Thẩm thị giao hàm)

Đương quy, Đại hoàng, Chi tử nhân, Hoàng cầm, Hồng hoa, các vị trên đều rửa rượu sao qua, Xích thược, Cam thảo, Bạch chỉ, Phòng phong, Sinh địa hoàng, Liên kiều, các vị bằng nhau, tán nhỏ, mỗi lần uống 3 đồng với nước sôi sau khi ăn một lúc lâu.

9. Hùng đởm cao (Ngân hải tính vi)

Hùng đởm 1 đồng (thứ thật thì sắc như đường cát hơi ướt nhuận, nếm vào thấy đắng mà mát), Ngưu hoàng 1 đồng, Long đởm 5 phân (tức là Bạc hà ở Tô châu), Nhụy nhân 1 đồng (bỏ đầu), Bằng sa 1 đồng, Hoàng liên (tán bột) 2 lạng. Các vị trên nghiền thật nhỏ đến khi không nghe tiếng, dùng mật ong tốt hòa thành cao.

10. Hồ xuyên nhị liên thang (Ngân hải tính vi)

Hồ hoàng liên 5 phân, Xuyên hoàng liên 1 đồng nghiền thật nhỏ.

11. Bát chính tán (Vệ sinh bảo giám)

Đại hoàng, Cù mạch, Mộc thông, Chi tử, Hoạt thạch, Cam thảo, Biển súc, Xa tiền tử. Các vị bằng nhau tán nhỏ, mỗi lần lấy 5 đồng cân sắc với nước mà uống, hoặc cho thêm Trúc diệp, Đăng tâm, củ hành mà sắc, uống sau bữa ăn.

12. Đạo xích tán (Ngân hải tính vi)

Mộc thông, Cam thảo, Chi tử, Hoàng bá, Sinh địa, Tri mẫu, các vị bằng nhau nghiền thật nhỏ, mỗi lần uống 4, 5 đồng cân, một bát nước, cho Trúc diệp, Đăng tâm vào sắc uống sau bữa ăn.

13. Tả can tán (Ngân hải tính vi)

Hắc sâm, Đại hoàng, Hoàng cầm, Tri mẫu, Cát cánh, Xa tiền tử, Khương hoạt, Long đởm thảo, Đương quy, Mang tiêu, các vị bằng nhau, tán thành bột sắc lên uống.

14. Tu can tán (Ngân hải tính vi)

Chi tử, Bạc hà, Phòng phong, Đương quy, Cam thảo, Liên kiều, Đại hoàng, Hoàng cầm, Thương truật, Khương hoạt, Cúc hoa, Mộc tặc, Xích thược, Ma hoàng, các vị bằng nhau tán nhỏ, mỗi lần uống 2 đồng cân hòa với mật, hoặc chế thành thuốc sắc ngày uống 2, 3 lần vào sau bữa ăn.

15. Địa hoàng tán (Chứng trị chuẩn thằng)

Sinh địa, Đương quy, Thục địa, Đại hoàng, mỗi vị 7 đồng rưỡi, Cốc tinh thảo, Hoàng liên, Bạch tật lê, Phòng phong, Mộc thông, Ô tê giác, Huyền sâm, Mộc tặc thảo, Khương hoạt, Thuyền thoái, Phấn thảo, mỗi vị 5 đồng tán thành bột, mỗi lần nửa đồng cân hòa với nước gan lợn hoặc gan dê, nấu lên uống khi đói.

16. Bổ can hoàn (Thẩm thị giao hàm).

Thương truật, Thục địa hoàng, Thuyền thoái, Xa tiền tử, Xuyên khung, Đương quy thân, Liên kiều, Dạ minh sa, Khương hoạt, Long đởm thảo, Cúc hoa, các vị bằng nhau nghiền thành bột, dùng gan lợn nấu với nước vo gạo, giã nát ra cho thuốc vào viên bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống 50 viên với nước Bạc hà.

17. Vu dy hoàn (Ngân hải tính vi)

Vu dy, Hoàng liên, Thần khúc, Mạch nha, các vị bằng nhau, tán thành bột, viên với nước hồ bằng hạt đậu lớn, mỗi lần uống từ 10 đến 15 viên với nước cơm.

18. Nhất nguyên đơn (Nhãn khoa cẩm nang)

Thủy tiên căn, Cam thảo, hai vị bằng nhau, thiêu tồn tính nghiền thật nhỏ mà dùng.

19. Tư can hoạt huyết thang (Ngân hải tính vi)

Đương quy, Sinh địa hoàng, Xích thược, mỗi vị 1 lạng rưỡi, Xuyên khung, Khương hoạt, mỗi vị 7 đồng, Hoàng kỳ, Phòng phong, Hoàng liên, Đại hoàng, Bạc hà, Liên kiều, Cúc hoa, Bạch tật lê, mỗi vị 1 lạng. Các vị trên mỗi lần uống 4, 5 đồng, sắc lên cho vào 2 chén rượu uống âm ấm.

20. Tinh vị kim hoa hoàn (Ngân hải tính vi)

Chi tử, Hoàng cầm, Hoàng bá, Tang bạch bì, Địa cốt bì, Cát cánh, Tri mẫu, Cam thảo, các vị tán nhỏ, luyện mật mà viên, uống với nước chè.

21. Quyền liêm tán (Chứng trị chuẩn thằng)

Lô cam thạch 4 lạng, Phác tiêu 5 đồng, Hoàng liên 7 đồng giã dập (sắc lấy nước bỏ bã). Các vị trên, trước đem Lô cam thạch tán nhỏ cho vào trong cái nồi đất, để hở miệng đốt cho đến khi ở ngoài có màu đỏ như sắc ráng là được, rồi tẩm vào nước Phác tiêu và Hoàng liên mà phi qua, để khô, lại bỏ vào 5 phân Hoàng liên, phi với nước để cho khô, sau lại cho vào những thứ sau đây: Nhị phấn (nghiền riêng), Não sa (nghiền riêng), Bạch phàn (nửa để sống, nửa phi), Hoàng liên (nghiền nhỏ) đều 5 đồng, Thanh đồng 1 lạng 5 đồng, Bạch đinh hương (nghiền riêng), Nhũ hương (nghiền riêng), Duyên bạch sương (nghiền riêng), Thanh diêm (nghiền riêng), Đởm phàn (nghiền riêng), mỗi vị 1 đồng. Các vị này tán nhỏ đem nghiền chung với các vị trên, mỗi lần dùng một ít nhỏ vào mắt.

22.Thoái ế quyển vân tán (Ngân hải tinh vi)

Âm đơn 1 thìa, Dương đơn 1/2 thìa, Khương phấn 3 phân, Phi phàn 1/2 phân đốt qua, muối 1 phân rưỡi, nghiền thật nhỏ trộn với nhau, tra vào mắt.

23. Một dược tán (Ngân hải tính vi)

Một dược, Huyết kiệt, Đại hoàng, Phác tiêu, các vị tán nhỏ, mỗi lần 2 đồng cân, uống với nước trà sau bữa ăn.

24. Đại hoàng đương quy tán (Ngân hải tính vi)

Đương quy 2 đồng, Cúc hoa 3 đồng, Đại hoàng, Hoàng cầm mỗi vị 1 lạng, Hồng hoa 2 đồng, Tô mộc 2 đồng, Chi tử, Mộc tặc mỗi vị 5 đồng, các vị sắc lên uống sau bữa ăn.

25. Truy huyết minh mục ẩm (Thẩm thị giao hàm)

Tế tân, Nhân sâm mỗi vị 1 đồng, Xích thược, Xuyên khung, Ngưu tất, Thạch quyết minh, Sinh địa hoàng, Sơn dược, Tri mẫu, Bạch tật lê, Quy vĩ, Phòng phong, mỗi vị 8 phân, Ngũ vị tử 10 hạt sắc uống.

26. Ngũ tả thang (Ngân hải tính vi)

Hoàng bá, Tri mẫu, Mộc thông, Chi tử, Sinh địa, Cam thảo, Hắc sâm, Cát cánh, Hoàng cầm, Phòng phong, nếu nóng nhiều thì gia dương Linh giác, Tê giác, Hoàng liên. Các vị tán thành bột, mỗi lần uống 6 đến 7 đồng cân, sắc lên uống sau bữa ăn.

27. Tỉnh phong thang (Ngân hải tính vi)

Phòng phong, Tê giác, Đại hoàng, Tri mẫu, Huyền sâm, Hoàng cầm, Linh dương giác (Can hư thì không dùng), Cát cánh, các vị tán nhỏ, mỗi lần uống 2 đồng, cho Đăng tâm, Trúc diệp sắc lên uống sau bữa ăn.

28. Bổ thận minh mục hoàn (Ngân hải tính vi).

Linh dương giác, Sinh địa hoàng, Nhục thung dung, Khởi tử, Phòng phong, Thảo quyết minh (mỗi vị 1 lạng), Chử thực tử 5 đồng, Cúc hoa, Khương hoạt, Đương quy, mỗi vị 2 đồng, Dương tử can (gan dê) 4 lạng, các vị tán nhỏ luyện mật mà viên bằng hạt ngô, mỗi lần uống 20 viên, mỗi ngày uống 3 lần.

29. Thạch quyết minh tán (Thẩm thị giao hàm)

Thạch quyết minh, Phòng phong, Nhân sâm, Sung úy tử, Xa tiền tử, Tế tân (bớt một nửa), Tri mẫu, Bạch phục linh, Ngũ vị, Huyền sâm, Hoàng cầm, các vị bằng nhau nghiền nhỏ thành bột, mỗi lần uống 2 đồng cân.

30. Linh dương giác thang (Thẩm thị giao hàm).

Nhân sâm 1 lạng, Xa tiền tử 1 lạng rưỡi, Huyền sâm, Địa cốt bì, Khương hoạt, Linh dương giác mỗi vị 1 lạng. Các vị tán nhỏ, mỗi lần uống lấy 1 chén nước, 1 đồng cân thuốc, sắc cạn một nửa, bỏ bã uống âm ấm sau bữa ăn.

31. Trấn can minh mục dương can hoàn (Thẩm thị giao hàm)

Kê dương can(1) 1 cái, cho vào nồi đất mới sấy khô, lấy dao tre thái mỏng, Quan quế, Bá tử nhân, Khương hoạt, Cúc hoa, Bạch truật, Ngũ vị, Tế tân mỗi vị 5 đồng, Xuyên liên 7 đồng, tán thành bột luyện với mật viên bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống 40 viên, uống khi đói, cách bữa ăn đã lâu với nước sôi.

32. Thạch hộc dạ quang hoàn (Chứng trị chuẩn thằng)

Thiên môn đông, Nhân sâm, Phục linh, mỗi vị 2 lạng, Ngũ vị tử 5 đồng, Càn cúc hoa 7 đồng rưỡi, Mạch đông, Can địa hoàng, Sinh địa hoàng mỗi vị 1 lạng, Thỏ ty tử, Càn sơn dược, Khởi tử, Ngưu tất, Hạnh nhân mỗi vị 7 đồng 5 phân, Tật lê, Thạch hộc, Thung dung, Xuyên khung, Chích thảo, Chỉ xác, Thanh sương tử, Phòng phong, Hoàng liên mỗi vị 5 đồng, Thảo quyết minh 8 đồng, Ô tê giác, Linh dương giác, mỗi vị 5 đồng, tán nhỏ luyện với mật viên bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống từ 30 đến 50 viên với rượu hoặc nước muối.

33. Hoàn tinh bổ thận hoàn (Ngân hải tính vi).

Nhân sâm, Bạch truật, Phục linh, Sa uyển, Tật lê, Khương hoạt, Mộc tặc, Cúc hoa, Phòng phong, mỗi vị 1 lạng, Cam thảo 4 đồng, Xuyên khung, Sơn dược, Nhục thung dung, Mật mông hoa, Thanh sương tử, Ngưu tất, Thỏ ty tử, mỗi vị 1 lạng. Các vị tán nhỏ luyện mật mà viên, hoặc sắc lên uống cũng được.

34.Trư linh tán (Ngân hải tính vi)

Mộc trư linh (2) 1 lạng, Xa tiền tử 5 đồng, Mộc thông, Đại hoàng, Chi tử, Cẩu tích, Hoạt thạch, Biển súc, Thương truật, mỗi vị 1 lạng. Các vị tán nhỏ, mỗi lần uống 3 đồng cân với nước muối.

35. Bổ can hoàn (Thẩm thị tôn sinh)

Xuyên khung, Đương quy, Bạch thược, Sinh địa hoàng, Phòng phong, Khương hoạt, các vị nghiền thật nhỏ, luyện với mật viên bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống 3 đồng với nước đã đun sôi.

36. Ngũ cam hoàn (Ngân hải tính vi)

Hồ hoàng liên 5 đồng, Ngưu hoàng 1 đồng, Lục phàn 3 lạng, Mật đà tăng 1 lạng, Dạ minh sa 3 lạng, tán thành bột, dùng Táo nhục tán chung với thuốc, viên bằng hạt đậu xanh, mỗi lần uống 30 viên với nước cơm.

37. Trư can tán (Ngân hải tinh vi)

Chân cáp phấn, Cốc tinh thảo, Dạ minh sa, tán thành bột, dùng 2 lạng gan heo thái ra bỏ thuốc vào, lấy dây buộc chặt lại mà nấu, để nguội rồi nhai nhỏ nuốt cả gan và thuốc, đồng thời uống cả nước nấu gan.

38. Minh mục từ châu hoàn (chép theo mục “Giới thiệu kinh nghiệm chữa chứng sắc manh bằng Đông y” trong Đông y tạp chí số ra tháng 10 - 1958).

Từ thạch 6 lạng, Thỏ ty tử 3 lạng, Ba kích 5 đồng, Viễn chí nhục 1 lạng, Thục địa (chế kỹ) 3 lạng, Thạch hộc 1 lạng, Tử du quế 5 đồng, Ngũ vị tử 5 đồng, Quãng mộc hương 3 đồng, Cam thảo 5 đồng, Thần khúc 4 lạng, Tế chu sa 5 đồng, Nhục thung dung 1 lạng 5 đồng.

Đốt từ thạch: dùng lửa đốt rồi tôi giấm 7 lần, thủy phi, tán thành bột. Từ thạch lấy được thứ hút được sắt là tốt.

Nhục thung dung: gọt bỏ vỏ ngoài, tẩm rượu một đêm phơi khô.

Các vị trên luyện với mật, viên mỗi viên 3 đồng cân, mỗi lần uống từ 1/2 viên đến 1 viên.

39. Khoan hung lợi cách hoàn (như trên)

Quảng mộc hương, mao thương truật, Xuyên hậu phác, Thảo quả, Chỉ xác, Sa nhân, Thần khúc, Mạch nha, Sơn tra, Cát cánh, Thanh bì, La bặc tử, Quãng hoắc hương, Binh lang, Trần bì, Cam thảo, Xuyên bối, mỗi vị 1 lạng, Sao bạch thược 2 lạng, Chế đại hoàng 4 lạng (cách chế Đại hoàng: 10 cân Đại hoàng thì dùng Hồng hoa, Đương quy, Hoàng tửu, Đồng tiện mỗi vị 2 cân rưỡi, sắc lên tẩm ngâm). Các vị trên tán nhỏ, luyện mật viên mỗi viên 3 đồng cân, mỗi lần uống từ 1/2 viên đến 1 viên.

40. Thanh can thoái ế hoạt huyết hoàn (như trên)

Nhụy nhân 1 lạng, Tê giác 1 lạng, Thạch cao nung, Cát cánh mỗi vị 1 lạng, Xuyên bối 5 đồng, Chi tử 2 lạng, Đơn bì 2 lạng 4 đồng, Đào nhân 2 lạng, Liên kiều 1 lạng, Hoàng cầm (sao rượu) 2 lạng 4 đồng, Phòng phong 1 lạng 2 đồng, Mạn kinh tử 3 lạng, Mạch đông 1 lạng 2 đồng, sao Nhũ hương 1 lạng 2 đồng, sao Một dược 1 lạng 2 đồng, sao Sinh địa 3 lạng, Khương hoạt, Huyền sâm, mỗi vị 1 lạng 2 đồng, Binh lang 2 lạng 4 đồng, Mộc tặc 2 lạng 5 đồng, Thuyền thoái 1 lạng 8 đồng, Khương hoàng liên 1 lạng, Long đởm thảo 1 lạng 6 đồng, Bạc hà 1 lạng, Tế tân 5 đồng, Mật chích tang bì 1 lạng 2 đồng, Cúc hoa 1 lạng 8 đồng, Tật lê 1 lạng 6 đồng, Xích thược 2 lạng 4 đồng, Thố sao tam lăng, Thố sao nga truật mỗi vị 1 lạng 8 đồng, Trần bì 2 lạng, Thảo quyết minh, Bạch chỉ, mỗi vị 1 lạng 2 đồng, Quãng mộc hương 5 đồng, Hoắc hương 1 lạng, Thần khúc 2 lạng, Mạch nha 2 lạng, Thanh bì 1 lạng 2 đồng, Sơn tra 2 lạng 4 đồng, Xuyên khung 1 lạng 2 đồng, Sài hồ 1 lạng 2 đồng, Cam thảo 3 lạng, Mao thương truật 7 đồng, Viễn chí nhục 1 lạng, Hồng hoa 3 lạng, Long y 2 đồng, Đương quy 3 lạng, Chỉ xác 1 lạng, Tri mẫu, Hoàng bá, Thanh sương tử, Thỏ ty tử mỗi vị 5 đồng, Chế hương phụ 1 lạng 5 đồng, Xa tiền tử 5 đồng, Bạch thược 2 lạng, Vân linh 1 lạng, Ô dước 5 đồng, Đởm tinh 3 đồng, Cốc tinh thảo 1 lạng, Mật mông hoa 5 đồng, Ngân hoa 1 lạng, Trúc diệp 3 đồng, Đăng tâm 2 đồng 5 phân, Xuyên hậu phác 1 lạng 5 đồng, Chế đại hoàng 30 lạng, tán thành bột luyện với mật, viên mỗi viên 3 đồng cân, mỗi lần uống từ 1/2 viên đến 1 viên.

41. Tư âm minh mục hoàn (như trên)

Đảng sâm 1 lạng, Đơn sâm 6 đồng, Tử du quế 5 đồng, Trần bì 3 đồng, Nhân sâm 1 lạng, Câu kỷ 1 lạng, Thùng dũng 5 đồng, Sa uyển tử 5 đồng, Chu sa 5 đồng, Đương qui 1 lạng, Xích thược 5 đồng, sao Linh địa 1 lạng, Chử thực tử 5 đồng, Xuyên khung 3 đồng, Thổ thục linh 1 lạng, Sao táo nhân, Bá tử nhân, Thiên môn đông, Mạch môn đông, Phục thần, Chỉ xác mỗi vị 5 đồng, Tiêu tam tiên 1 lạng 2 đồng, Tri mẫu 4 đồng, Hoàng bá 4 đồng, Thanh sương tử 3 đồng, Binh lang 5 đồng, Thỏ ty tử 1 lạng, Uất kim, Hoàng kỳ, Thạch xương bồ, Cúc hoa, Mạn kinh tử, Cam thảo, mỗi vị 5 đồng, Thảo quyết minh 3 đồng, Chế đại hoàng 2 lạng, Dưỡng can tán 10 lạng.

Các vị trên tán thành bột, luyện với mật viên mỗi viên 3 đồng cân, mỗi lần uống từ 1.2 viên đến 1 viên.

Chép thêm “Dưỡng can tán”: Đại thục địa 1 cân, Toàn dương quy, Chỉ xác, Xa tiền tử, Thỏ ty tử, Ngũ vị tử, mỗi vị 1/2 cân tán thành bột dùng.

42. Kiện tỳ thoái ế hoàn (như trên)

Sử quân tử 1 lạng, Thương truật 1 lạng 2 đồng, Bạch truật 1 lạng 6 đồng, Cúc hoa 1 lạng 2 đồng, Viễn chí nhục 1 lạng 6 đồng, Kê nội kim 1 lạng 2 đồng, Bạch tật lê 1 lạng 2 đồng, Mạn kinh tử 1 lạng 2 đồng, Hồng hoa 1 lạng 2 đồng, Binh lang 1 lạng 2 đồng, Nga truật 1 lạng 2 đồng, Mộc tặc 1 lạng 2 đồng, Thuyền y 8 đồng, Chỉ thực 1 lạng 2 đồng, sao Sinh địa 1 lạng 2 đồng, Long y 4 đồng, Cam thảo 4 đồng, Tam lăng 1 lạng 2 đồng, Chế đại hoàng 5 lạng, Dưỡng can tán 5 lạng, Thanh can thoái ế hoạt huyết hoàn 4 lạng/

Các vị tán thành bột, luyện mật làm viên, mỗi viên 3 đồng cân, mỗi lần uống từ 1/2 viên đến 1 viên.

43. Bổ thận từ thạch hoàn (như trên)

Hà từ thạch, Cam cúc hoa, Thạch quyết minh, Nhục thung dung, Thỏ ty tử, mỗi vị 1 lạng.

Các vị trên tán thành bột, dùng 15 con chim sẻ trống bỏ lông, mỏ và chân đi, để bụng ruột lại, lấy hai lạng thanh diêm, 3 gáo nước nấu cho đến khi thịt chim sẻ bấy nhừ, nước sắp hết là được. Lấy ra giã bét như cao, hòa với bột thuốc, viên bằng hạt ngô, mỗi lần uống 20 viên với rượu nóng khi đói bụng.

Bài viết này có 0 bình luận

Viết một bình luận :

6335