Hầu khoa khái yếu
02/01/2014 10:41 - Đăng bởi: adminYết hầu là cái cửa để thở và ăn uống, thuộc về bộ phận tổ chức trọng yếu trên sinh lý. Thiên Ưu Tuệ vô ngôn sách Linh khu nói: “Họng là đường của đồ ăn uống, hầu là chỗ của khí đi lên đi xuống, hội yểm là cái cửa của tiếng nói...". Có thể thấy được người xưa nhận thức về yết hầu là rất chính xác.
Theo phương diện kinh mạch mà xét, thì yết hầu cũng là chỗ xung yếu của các kinh ra vào, ví như những kinh Thủ thái âm, Thủ thái dương, Túc thái âm, Túc thiếu âm, Túc quyết âm, Túc dương minh, Nhâm mạch đều có đi qua chỗ ấy cho nên bệnh của yết hầu cũng là phản ánh bệnh của các kinh, chẳng những ảnh hưởng đến sự hô hấp và ăn uống, đồng thời còn ảnh hưởng đến cả toàn thân.
Nguyên nhân bệnh của yết hầu đại để chia làm 3 loại:
1. Cảm phải phong hàn, táo nhiệt và chướng khí, dịch độc;
2. Âm kém thủy thiếu, hư hoả bốc lên;
3. Ham ăn những thức kích thích, như chiên xào đốt nướng, các đồ thơm cay, hút thuốc, uống rượu v.v... đến nỗi hỏa nhiệt chứa lại ở trong.
Bệnh hầu khoa thường thấy trên lâm sàng, phần nhiều là nguyên nhân thứ nhất và nguyên nhân thứ 3, còn nguyên nhân thứ 2, phần lớn là sinh ra trong tình hình sau khi ốm đau, âm khí bị tổn thương, tân dịch bị sút kém.
I. Tật bệnh chung về hầu khoa
1. Đau yết hầu
Lấy đau nhức làm chủ chứng thì những bệnh hầu khoa nặng hơn (như nhũ nga, hầu ung v.v...) cũng có chia ra nhẹ và nặng. Chứng của nó là yết hầu nghẹt đau, cửa họng sưng nóng nhè nhẹ, đỏ hoặc hồng nhợt. Phần nhiều vì ngoại cảm phong hàn hoặc âm hỏa vượng, nói năng quá nhiều, ăn cay nhiều quá mà gây ra.
2. Mụn trong họng
Thường mọc một bên cửa họng (cả 2 bên đều mọc thì rất ít thấy) hoặc trong cửa hoặc ngoài cửa, nhưng thấy mọc ngoài cửa nhiều hơn. Sưng lùm lên cao, chân không gọn gàng, đỏ hồng nóng rực, bề ngoài sáng trơn, ăn nuốt khó khăn, phát sốt sợ lạnh, đau ran cả đầu và tai, phiền toái không yen, rồi thì làm mủ loét vỡ, phần nhiều vì phong nhiệt đàm hỏa ủng trệ ở Phế và Vị gây ra. Cũng có khi vì họng đau đã lâu phát triển mà thành ra.
3. Mụn nhũ nga
Chứng này hay phát ở chỗ thịt lồi cao về 2 bên họng (Hạnh nhân), sưng lên một cục, hình như con ngài tằm, cho nên gọi là nhũ nga, sinh ra một bên gọi là đơn nhũ nga, hai bên đều mọc gọi là song nhũ nga. Sưng cao, xung quanh chân thu gọn, mặt ngoài cao thấp không bằng, lúc mới mọc sợ rét phát nóng, đỏ hồng mà đau, ăn nuốt khó khăn, miệng ráo lưỡi khô, mạch sác hữu lực, nặng thì ngoài gáy sinh ra hạch nhỏ, lổn nhổn như hạt châu, có thể di động được. Có khi trên cục sưng có cái màng vàng trắng tựa như miếng đờm đặc, hoặc như điểm sao, khêu đi cũng dễ, mà khêu đi rồi cũng không chảy máu, như có hiện tượng lở loét gọi là Lạn hầu nga. Chứng này phát về bên trái là thuộc tâm kinh, phát về bên phải là thuộc phế kinh, một bên là nhẹ, hai bên là nặng, loét ra thì càng nặng hơn, có chia ra chứng hư, chứng thực, cũng có lúc làm mủ, khi khám bệnh phải phân biệt cho kỹ càng.
4. Phi dương hầu
Phần nhiều vì đồ ăn xây xát hoặc bị bỏng nước sôi mà sinh ra. Đột nhiên nổi lên một nốt bỏng, ngăn lấp đầu họng, sắc đỏ ửng hoặc tím đen, da của nốt bỏng nổi lên mà mỏng vì phát bệnh một các nhanh chóng, cho nên gọi là “Phi dương hầu”. Có thể dùng kim châm vỡ, chảy hết máu tím thì tiêu đi, không nên để chậm, không thì lớn lên dần dần, có thể làm cho nghẹt thở.
5. Tỏa hầu phong
Đầu họng đỏ sưng, cái lưỡi gà thọng xuống, như bị khóa lại, cơm nước khó xuống, hơi thở khó khăn, đau nhức không yên, sắc mặt xanh nhợt, khi thở xương ngực lên xuống rất dữ, nặng thì đổ mồ hôi trán dầm dề, chân tay phát lãnh. Phần nhiều vì uống rượu ngon nhiều quá, ăn đồ béo mỡ không dè dặt, áo mặc quá ấm, đến nỗi nhiệt tích ở trong, lâu thì động hỏa sinh đờm là nguyên nhân sinh ra bệnh. Bệnh này chia ra 2 loại: cấp tính và mãn tính. Bệnh phát ra thình lình, chứng dữ thế gấp, gọi là Cấp-tỏa-hầu-phong, khó chữa hơn; bệnh phát lải rải, không thấy có chứng xấu, gọi là Mạn-tỏa-hầu-phong thì dễ chữa hơn.
6. Triền hầu phong (phong quai nón)
Chứng này giống chứng tỏa hầu phong, chỗ khác nhau là trước cổ sau gáy đồng thời sưng lan man cả, vả lại phát triển rất nhanh, màu sắc hồng tía, ngứa mà tê dại, ấn thì lõm xuống. Vì yết hầu bị ngăn trở, cho nên có những chứng thở thì há miệng, đờm dãi đầy nghẹt, tiếng như kéo cưa, chảy nước bọt ra, nước không xuống được, nặng thì miệng cắn chặt không mở, cuống lưỡi cứng đờ. Chứng này phần nhiều do chứng tỏa hầu phong phát triển mà sinh ra, thế bệnh nghiêm trọng, tử vong cũng khá nhiều.
7. Hầu sa
Vì cảm nhiễm những khí dịch lệ uế ác hoặc táo nhiệt mà gây ra. Lúc mới sinh ra thì phát sốt sợ rét, hầu họng thũng trướng, nổi ban điểm sắc đỏ, nuốt vật gì thì đau nhức, khát nước, lồng ngực đầy tức, rêu lưỡi vàng nhờn, bên rìa và đầu chót đỏ thắm, mạch sác hoặc trầm như phục, kế đó đầu họng nát loét miệng phà hơi thối, khắp mình mọc đầy nốt đơn. Nhân vì họng loét phát ra, cho nên gọi là “Lạn hầu đan sa”.
8. Bạch hầu
Nói chung, bắt đầu thì hơi có nóng rét, đầu đau, mình đau, tinh thần không phấn chấn, trong họng nóng đau (cũng có khi không cảm thấy đau), kế đó thì hai bên đầu họng hiện ra điểm trắng (cũng có khi sau 2, 3 ngày rồi mới thấy), hoặc lên thành miếng, sắc xám bẩn, trơ trệ, dần dần lây lan đến những chỗ trong ngoài cửa họng, hoặc chỗ lưỡi gà, mặt ngoài màng trắng sáng trơn, giới hạn từ bề rìa rõ ràng, khó khêu mất đi, gượng khêu đi thì sinh ra chảy máu, rất dễ phân biệt với những chứng Lạn hầu sa, Lạn nhũ nga. Nếu chỗ thối nát lan rộng, lại kiêm có những chứng mũi ngạt, tiếng khàn, đờm ủng khí suyễn, nghe như kéo cưa, ăn uống thì sặc, mặt trắng môi xanh, những chứng trạng ấy rất xấu, thường thường vì Bạch hầu ngăn lấp nghẹt thở mà chết. Chứng này phần nhiều vì cảm khí táo nhiệt và nhiễm dịch độc lưu hành mà gây nên.
9. Hầu tiên
Chứng này phần nhiều vì thận âm hư tổn, hư hỏa bốc lên, tân dịch không nhuận lên được, phế nhiệt hun nấu mà sinh ra. Người mắc bệnh lao, rất dễ bị chứng này. Nói chung, thường sinh ở những chỗ trong cửa họng và hội yếm, mạch máu đỏ rang rịt đầy khắp, giống như gân sau lưng lá hải đường, hoặc như đường nứt rạn trên bát sứ vỡ, hoặc như hình từng nốt ngứa đau khô ráo, thức ăn thường thường còn có thể miễn cưỡng nuốt xuống, mà nước hay thuốc thì một giọt cũng khó xuống khô nhám mà ngứa, về đêm càng nặng, không chữa kịp, thì dần dần khản cổ mất tiếng, nghẹn ăn mà chết.
10. Hầu khuẩn
Chứng này phần nhiều vì thất tình uất kết, huyết nhiệt khí trệ mà sinh ra, ở phụ nữ bị nhiều hơn. Phát sinh ra hai bên họng, mọc mụn lên như nấm, cao mà dày, sắc tía, chạm đến dễ chảy máu, ngoài việc chữa bằng thuốc ra, có thể dùng phép đốt.
11. Hầu cam
Phần nhiều thận âm hao thiếu, tướng hỏa bốc lên mà gây ra, hoặc nhiễm phải bệnh giang mai, độc tà tràn lên mà sinh ra: trước hết cảm thấy họng khô nhám, hơi sưng, hơi đau, sắc hồng nhợt, ăn uống không thông lợi, vết lở như vì xát mà bị trương, cổ gáy sinh hạch, kế đó thì đầu họng sinh ra ban hồng, dần dần biến ra sắc tím thẫm, nứt vỡ thối loét, lâu thì xuyên thông lỗ mũi, uống thuốc hay nước vào thì lại theo lỗ mũi sặc ra, ăn uống trở ngại, chất dinh dưỡng thiếu thốn, mình gầy trơ xương. Bệnh này do giang mai gây nên thì tục gọi là giang mai kết độc.
II. Chẩn đoán bệnh yết hầu
Chẩn đoán bệnh hầu khoa, đối với chứng trạng của toàn thân, thì cũng giống như bệnh nội khoa, là vận dụng tứ chẩn bát cương để mà phân tích. Bàn ở đây chỉ là phân tích chứng trạng cục bộ, nhưng khi lâm sàng cần phải kết hợp lẫn nhau với chứng trạng toàn thân, mới có thể biện chứng luận trị được.
1) Biện hàn nhiệt hư thực: đại để bệnh yết hầu thuộc thực nhiệt thì tất nhiên sưng đỏ, lồi lên cao, càng sưng càng căng, sắc đỏ tươi hoặc đỏ thắm, tất nhiên đau nhức, đau không ngớt. Ngoài ra lại có bao nhiêu chứng nhiệt như phát nóng, phiền khát, đại tiện bí kết, đờm dãi sôi mạnh, hơi thở hôi thối, rìa và đầu lưỡi đỏ thẫm, giữa trắng cuống vàng dày, mạch huyền mà sác.
Thuộc về chứng hư hàn, thì đại để không sưng, nếu sưng cũng không quá lắm, lan man mà không thu gọn, sắc phần nhiều nhợt màu phấn, mà không tươi sáng, khi đau nặng, lưỡi gà thòng xuống, đầu họng trên lưỡi khô ráo không có tân dịch, không có chứng tượng đờm dãi trào nghẹn, tuy quanh ven và đầu lưỡi đỏ hồng mà rêu trắng trơn, mạch phần nhiều vi tế hoặc trầm nhược, đại tiểu tiện như thường.
Nói tóm lại, bệnh thuộc thực nhiệt, thì họng đau lắm, bệnh thuộc hư hỏa thì họng đau vừa, đau về buổi sáng là khí phận có hỏa, đau về buổi chiều hoặc nửa đêm là huyết phận có nhiệt; ưa uống nước là thuộc nhiệt, không khát là thuộc hàn, đại tiểu tiện không lợi, chẳng qua là vì hư hỏa bốc lên, đại tiểu tiện bế kết là thực nhiệt ủng tắc ở trong. Những điều ấy đều là yếu điểm về chẩn đoán trong lúc lâm sàng, có thể tham khảo.
2. Biện khí vị: biện khí vị của bệnh yết hầu là có thể phân biệt được thuộc nhiệt hay thuộc hàn, và bệnh tình nhẹ hay nặng. Nói chung, hôi thối, nặng mùi là phần nhiều thuộc nhiệt chứng, thực chứng . Hư chứng, hàn chứng thông thường ít có mùi hôi, nếu có cũng rất nhẹ thoảng. Nếu chảy dãi, hôi tanh, thối tha phần nhiều thấy phát ở những chứng yết hầu bị thực nhiệt hỏa độc, như nhũ nga, hầu sa v.v..., như miệng phun ra hơi thối, tanh hôi làm người ta khó chịu, phần nhiều thuộc những chứng lạn hầu sa, hầu cam. Nếu có hơi nóng hôi thối, phần nhiều thuộc vị nhiệt bốc lên, nếu phe nhiệt quá lắm, thường có một luồng hơi thối, khiến người ta ngửi phải bắt nôn mửa. Trên đây là phương pháp thông qua khí vị để phân biệt hàn nhiệt.
3. Biện về mủ: Bệnh yết hầu làm mủ, thường thường thấy ở những chứng thực, chứng nhiệt, như những chứng nhũ nga, hầu ung. Hư chứng làm mủ thì rất ít. Biện biệt có mủ hay không, chủ yếu là căn cứ vào hình thái màu sắc mà xác định. nếu thế sưng nổi cao, màu sắc đỏ ửng, bốn bề quầng đỏ bó gọn, phát sốt 3, 4 ngày không lui, phần lớn là đã thành mủ, có thể chích ở chính giữa cho vỡ ra mà nặn mủ. Nếu màu sắc nhợt nhạt, thế sưng lan man không nổi lên cao, không có giới hạn rõ ràng, không đau nhức lắm, đại để là không có mủ. Lại có thứ thì sắc đỏ không ửng lên, chân thì lan man không gọn, mà chỗ sưng có cái như núm vú nổi lên, đó là nhiệt độc tản mác không tụ lại, nhưng ở trong đã làm mủ, có thể chích vào chỗ nổi núm cho vỡ ra mà nặn mủ. Chứng nhũ nga làm mủ chậm hơn, nếu 4, 5 ngày phát sốt đau nhức rất dữ, chỗ đau sưng vù, sắc đỏ ửng hoặc đỏ tía, quầng đỏ tản ra bốn bên là đã thành mủ rồi; hoặc chứng nhũ nga loét nát, tuy sắc đỏ sưng vù, nhưng tản mác mà không có vành chân là chưa làm mủ. Nếu bệnh ở cửa họng trở vào, thế sưng cao vót, phát sốt đau nhức, có thể dùng miếng tre nhỏ đã khử trùng ấn vào chính giữa chỗ sưng, thấy lõm xuống là có mủ, cứng ngắt không mềm là không có mủ. Sắc mủ vàng đặc mà tươi là tốt, sạm bẩn hôi thối là xấu, đó là tri thức cơ bản về biện mủ.
d) Biện tốt xấu lành dữ: biện tốt xấu lành dữ của bệnh yết hầu nói chung, phàm những nhiệt chứng, thực chứng như ung, nga, cam, dinh, thì lấy quầng đỏ tươi sáng làm tốt, tía sạm xám đen là xấu; mắt có thần là lành, mắt không thần là dữ; mũi nhuận như thường là lành, đen như phủ than, cánh mũi phập phồng luôn luôn là dữ. Phàm những chứng môi lưỡi khô xám, lỗ mũi khô mà đen như than khói, mắt lờ đờ, thở to, hơi ngắn, họng loét không máu, hôi thối khó ngửi, mồ hôi đổ giọt như dầu, hàm răng khó há ra ngậm lại, tinh thần mệt mỏi, hai mắt trông ngược, đều là chứng xấu, bệnh phần nhiều là nguy cấp. Phám những chứng sưng lên cao, màu sắc tươi sáng, thần chí sáng suốt, ăn uống được, đại tiểu tiện thông sướng, sắc mủ vàng đặc không hôi, miệng ngậm mở tự nhiên, đều là chứng tốt, dự đoán là tốt lành.
III. Phép chữa bệnh hầu họng
Chữa bệnh hầu họng trừ dùng thuốc thang, thuốc hoàn uống trong ra, thì phương pháp chữa ở ngoài chỗ đau cũng rất trọng yếu. Trong đó bao gồm những phép thổi thuốc vào, xông khói, súc, rửa, móc cổ cho mửa. Ngoài ra chữa bằng phép châm cứu cũng có một hiệu quả nhất định và có tác dùng cấp cứu.
1. Phép chữa trong
Trên kia đã bàn qua chứng yết hầu có hư có thực, chứng hư là do phần âm kém thiếu, hư hỏa bốc lên, cho nên phép chữa phải lấy tư âm giáng hỏa làm chủ. Chứng thực là do dịch độc bế kết, phong đàm quấy rối ở trên, phép chữa nên lấy thanh nhiệt giải độc hóa đàm làm chủ. Ngoài có biểu tà, thì nên sơ tán, nhưng phát hãn không nên quá nhiều, để tránh sự hao tổn tân dịch. Trong có tích nhiệt thì nên công hạ, nhưng không nên hạ quá mạnh để tránh sự thương tổn đến chính khí. Nói tóm lại, ngoại cảm chứng thực thì nên sơ tiết, mà không nên ức át đi, nếu cho uống thuốc hàn lương quá sớm, tất đến nỗi nhiệt độc hãm vào trong. Trong bị âm hư, nên dùng thuốc tư nhuận, mà không nên phát tán, nếu cho uống nhầm thuốc tân ôn, tất đến nỗi nước cạn người khô, thường không cứu nổi. Nay đem phương pháp chữa theo phân biệt nguyên nhân và chứng hậu, nói đại khái như sau:
Cảm phải phong hàn, ngạt mũi nặng tiếng, mình rét sợ gió, không có mồ hôi, đau đầu, mạch phù mà sác, cửa họng đau nhức, hơi sưng mà nuốt không lợi, trước hết phải nên sơ giải biểu tà, dùng thuốc như bài Kinh phòng bại độc tán.
Kinh dương minh tích nhiệt, không sợ rét lại sợ nóng, đại tiện khó khăn, mạch hồng thực hữu lực, cổ họng đỏ sưng, đau nhức nóng đốt, nên làm cho tiết hết uất nhiệt, lựa dùng những bài Lương cách tán, Điều vị thừa khí thang.
Cảm phải dịch độc thời khí, hiệp với hỏa ở phế vị bốc lên, mạch ở tả thốn và hữu quan đi Hồng huyền hữu lực, trong họng ngứa đau, khô cay sưng đỏ, nuốt khó, mắc nghẹn, muốn uống nước lạnh, nên thanh giải hỏa độc, lựa dùng những bài như Thanh yết lợi cách thang (1), Thử niêm tử giải độc thang (2).
Đàm hỏa sôi lên, mạch đi hồng sác, yết hầu sưng nghẹn đau nhức, thuốc nuốt khó xuống, nói năng ngọng nghịu, nặng thì tiếng đờm như kéo cưa, phép chữa lấy tiêu đàm làm chủ, có thể tùy chứng lựa dùng những bài như Hùng hoàng giải độc hoàn (3), Địch đàm thang (4).
Thường ngày vốn yếu, 6 bộ mạch vi tế, đại tiện phần nhiều là lợi, cửa họng hơi sưng mà khô, đau nhức phần nhiều ở lúc gần trưa, nên bổ trung khí để sinh tân dịch, có thể dùng bài Bổ trung ích khí thang, lấy những vị ngọt nhuận làm tá như những loại Hoa phấn, Huyền sâm v.v... Nếu mạch đi tế nhược, bộ tả thốn càng yếu lắm, chiều lại đau càng dữ, nên bổ huyết nhuận táo, chọn bài thuốc như bài Tứ vật thang, dùng bài Quỳnh ngọc cao để giúp sức.
Lo nghĩ quá độ, tỳ hư can uất, nên bổ tỳ sơ can, có thể dùng bài Quy tỳ thang hợp với bài Tiêu dao tá. Nếu vì vốn bẩm âm hư, thận âm bất túc, miệng khát họng khô, như có vật gì nghẹn họng, hơi sưng hơi đau, hơi đỏ, 6 bộ mạch tuy sác mà hai bộ xích Phù nhuyễn, nên tư âm giáng hỏa, có thể dùng loại bài Lục vị địa hoàng hoàn, bài Tri bá địa hoàng hoàn (5); như âm hư mà có thực nhiệt, nên dùng bài Ngọc nữ tiễn.
Những chứng hầu ung, nhũ nga lúc mới bắt đầu, nên dùng phép tân lương sơ tán, như bài Kinh phòng bại độc tán, bài Ngưu hoàng than (6) gia Hoàng liên, Sơn đậu căn, Xạ can v.v... Chứng hầu ung nên gia Quy vu vĩ, Đào nhân, Sơn giáp, Tạo thích, Xích thược, Thuyến thảo v.v... Biểu tà giải rồi mà nhiệt độc nặng, có thể dùng bài Hoàng liên giải độc thang gia Tế sinh địa, Tê giác, Tri mẫu, Đơn bì, Liên kiều, Lô căn để thanh hỏa giải độc.
Chứng lạn hầu sa, tà uất ở khí phận, lúc mới đầu nên tán biểu, như bài Kinh phòng bại độc tán, bài Thanh yết lợi cách thang bỏ Tiêu hoàng, gia Bách thảo sương, Mã bột làm tá. Nếu hỏa đã hóa vào phần dinh, thì nên thanh dinh giải độc ngay, lấy thuốc sơ thấu làm tá, nhẹ thì dùng bài Hắc cao thang (7), nặng thì dùng bài Tê giác địa hoàng thang.
Chứng bạch hầu bắt đầu nếu có kiêm biểu chứng nên dùng thuốc tân lương sơ giải, có thể dùng bài Trừ ôn hỏa độc thang (8), biểu chứng hết rồi, thì có thể dùng bài Dưỡng âm thanh phế thang để nuôi phế âm thanh phế nhiệt, như bạch hầu bớt mà nhiệt vẫn chưa thanh được, có thể dùng bài Thanh tâm dịch phế thang (9) để thanh hết dư nhiệt. Nếu phế âm không hồi phục nên dùng bài Dưỡng chính thang (10) bỏ Hoa phấn, gia Chích cam thảo, Sa sâm để dưỡng phế âm.
Những chứng hầu tiên, hầu cam vì thận thủy kiệt ở dưới, tướng hỏa bốc mạnh lên trên, phế âm bị hao mà sinh ra, chữa nên tư âm nhuận táo, nhất thiết kỵ thuốc khổ hàn làm tổn thương đến vị. Như những bài Lục vị địa hoànghoàn, bài Dưỡng âm thanh phế thang đều có thể chọn dùng.
Chứng giang mai kết độc gây ra chứng hầu cam, có thể dùng bài Tỳ giải thang (11), bài Thổ phục linh thang (12), bệnh đã lâu nên kiêm dùng phép dưỡng âm phù chính.
2.Phép chữa ngoài
Phép chữa ngoài thường dùng trong Hầu khoa, có những phép thổi thuốc, chích lể, móc cho mửa, xông khói, hơ lửa. Tác dụng của những phép ấy có thể đến thẳng chỗ đau, để giúp thêm cho sự thiếu sót của phương pháp chữa trong. Đặc biệt là có bệnh nặng quá, lúc thuốc thang không nuốt xuống được, thì phép chữa ngoài lại càng thấy rõ sự quan trọng.
a. Thổi thuốc:
Tức là dùng ống thổi (ống thổi thuốc bột) đem các loại bột thuốc thích hợp với bệnh tình mà thổi vào chỗ đau. Phàm tất thẩy bệnh yết hầu mới phát lên đỏ sưng đau nhức không ăn nuốt được, có thể thổi bột Băng bằng tán (13). Như hỏa nhiệt thịnh vượng, sưng vù đỏ óng, nóng bừng đau nhức, có thể dùng bột Thâm hoàng tán (14), Bột Băng thanh tán (15) thổi ngoài; như yết hầu sưng trước tắt nghẹn muốn nghẹt, thuốc nước khó xuống, nên thổi luôn bột Kim tỏa chủy tán (16), (thuốc tán này cũng có thể dùng chữa chứng toả hầu phong) hoặc bột Hạ thị đại chủy tán (17), như đỏ sưng mà khô nhám, không có tân dịch (như chứng hầu tiên, hầu lao v.v...) có thể dùng bột Băng bằng tán hợp với Băng thanh tán gia Tây qua sương (18) mà thổi vào; đờm dãi đóng ngăn cửa họng có thể dùng bột Bạch giáng tuyết tán (19) để tiêu đờm.
Hết thảy những bệnh yết hầu mà trong miệng loét nát có thể dùng bột Lục bào tán (20), bột Ngọc tiết tán (21) mà thổi vào. Như loét nát quá lắm, nát mà lại sưng (như những chứng Lạn nhũ nga, lạn hầu sa) có thể dùng bột Băng bằng tán (22) hoặc Lạn hầu xuy (23) mà thổi vào; nát loét ra máu, có thể dùng thuốc trên hợp với Tiểu kế tán (24) mà dùng chung; nát loét chảy máu mà ngứa, thì hợp với Kim táo tán (25) mà thổi vào; nát loét nặng thì có thể dùng Tích loại tán hoặc Tân định gia giảm tích loại tán (26). Còn như thịt thối đã hóa mà thịt mới không sinh ra, thì có thể dùng Đạm hoàng tán (27) hoặc trộn lẫn với Băng thanh tán mà thổi vào.
Bệnh yết hầu thuộc chứng hư, yết hầu khô đau, nghẹn tắc ngọng tiếng, tuy thuộc hư hỏa, thuốc thổi cũng nên lấy thanh lương làm chủ. Vì dưới tuy có hàn, mà trên có chứng hỏa, nên dùng bài Trương thị hư hầu xuy dược (28) hoặc Huyết dư tán (29) mà thổi và ngậm viên Hạ thị cầm hóa hoàn (30). Chứng hầu tiên thì nên thổi bột Phàn tinh tán (31).
Phàm chứng hầu phong đóng chặt, hàm răng ngậm cứng, không có cách gì mở được, trừ việc trước hết châm hai huyệt Hợp cốc, Giáp xa ra, có thể dùng bột Vị tự hiệu xuy tán (32) hoặc bột Khai quan thần ứng tán (33) do lỗ mũi thổi vào, ngoài dán Dị công tán.
Chứng Bạch hầu mới phát, thổi bột Thanh lương tán (34), nếu đờm dãi trào mạnh, nên tạm dùng Hùng hoàng giải độc hoàn. Nếu thối nát, nên chiếu theo phép chữa yết hầu thối nát mà xử lý.
Các phép chữa ngoài trên đây, đều là phương pháp dùng đã có hiệu quả trong lâm sàng, có thể căn cứ chứng trạng nhẹ nặng hoãn cấp mà phân biệt lựa dùng. Nhưng nên chú ý lúc thổi thuốc, không phải chỉ thổi ở chỗ đau, mà phải thổi ra cả bốn bề, để phòng bệnh độc lan đến.
b.Phép châm: dùng phép châm trong phép ngoại trị có 2 cách, một là châm vào huyệt cho ra máu, dùng vào lúc bệnh yết hầu sưng trướng dữ quá, hàm răng không mở được, hai là châm thủng cho ra mủ, dùng để nặn hết mủ ở chỗ sưng đau.
a) Châm vào huyệt: phàm hết thảy những chứng bệnh yết hầu cấp tính, sưng trướng tắc nghẹt nói không ra tiếng, thuốc nước không nuốt xuống được, lúc cần phải khai quan gấp, thì dùng phép châm thu được hiệu quả rất chóng. Tức là kim ba cạnh châm ở trên huyệt Thiếu thương tại phía trong góc móng tay cái của hai tay, cho ra máu để trừ nhiệt, hoặc châm huyệt Nội quan, lưu châm xoay chuyển mà tả đi, có thể làm cho chỗ bế tắc mở được ngay. Nếu bệnh tình nghiêm trọng, có thể dùng hào châm (kim nhỏ) châm sâu vào 2 huyệt Hợp cốc (phải cho vào 1 tấc 5 phân) thấu qua huyệt Lao cung ở lòng bàn tay, lại xoay chuyển luôn luôn để thêm mạnh tác dụng. Như thế thường có thể chuyển nguy làm an.
b) Chích mủ: nếu mủ thành rồi thì nên chích mủ, nên căn cứ theo chẩn đoán, dùng kim 3 cạnh nhè đúng chỗ rất nông mỏng của mụn mủ mà đâm thẳng vào, nên cách 3 đến 5 chỗ. Khi chích cần bảo người bệnh ngửa mặt, một người ôm chặt lấy đầu, dùng cái đè mà đè chặt lấy cuống lưỡi (không nên thò cái đè vào gần yết hầu quá, nếu không thì dễ gây ra nôn ọe), chích vào nhanh rút ra nhanh, phải làm nhanh tay, nhưng cần nông sâu cho vừa độ, không nên quá sâu, quá nông. Nếu chứng nhũ nga làm mủ, chất thịt bền dai, dùng sức hơi kém, thì thường thường chích không đến mức, lại thêm đau khổ, rất nên chú ý. Ngoài ra, chứng yết hầu thực nhiệt, đột nhiên sưng đỏ, nên dùng kim 3 cạnh chích ở chỗ đau cho ra máu xấu (không nên quá nhiều, chừng 3-5 chỗ thôi), thường thường liền thấy nhẹ đỡ (Những chứng bạch hầu, lạn hầu sa, lạn nhũ nga cho đến chứng cam sang đều cấm chích).
3. Phép móc cổ cho mửa: phép này thích dùng cho chứng hầu phong đờm dãi ràng rịt cổ họng, thổ không ra, nuốt không vào, thở bị ngăn trở. Phép làm là nửa chén nước sôi, thêm 4 thìa dầu trẩu, khuấy đều, dùng lông cứng cánh gà nhúng dầu, thò vào trong họng mà vặn, thò luôn vào 4,5 lần, thì đờm có thể thổ ra ngay, lại chọc lại thổ, khi nào đờm dãi thổ sạch, thở được thông sướng thì thôi. Kế đó dùng thang Cam thảo sắc lấy nước mà súc miệng để giải mùi dầu thẩu.
4. Phép xông khói: phép này tức là phép Khai quan ngọc toả chủy, thích dùng cho chứng hầu phong, hàm răng cắn chặt không mở ra được. Phép ấy dùng Ba đậu để trên giấy mà ép cho dầu thấm vào khắp giấy, liền đem giấy đã thấm dầu đó xe lại thành cái mồi, châm lửa mà xông cho khói vào trong mũi, một lát miệng, mũi chảy dãi, hàm răng tự mở ra. Sau khi đã mở miệng, dùng bột Nhị tiên tán mà thổi vào họng luôn luôn (Đảm sa 1 đồng, Cương tàm 3 đồng đều tán bột).
5. Phép nung lửa: phép này phần nhiều thích dùng vào chứng hầu khuẩn, phép làm là dùng cái dùi lửa lấy ngải nhung bao lại, ngoài lại dùng bông bọc nữa, tẩm dầu trẩu lên trên bông để sẽ dùng. Bảo người bệnh ngửng dậy ngồi cho ngay thẳng, đỡ chắc lấy đầu, dùng dây bạc nhỏ làm thành cái tròng, buộc giữ lấy miệng, lưỡi, rồi sau đem dùi lửa hơ trên ngọn đèn đỏ cho nóng, chùi sạch ngải và bông đi nhằm đúng chỗ đau mà nung cho thật mạnh, nếu nguội đi thì lại đốt như cách trên. Gần đây, người ta có dùng dầu mè thấm ngải nhúng cho ướt, châm lửa đỏ lên, rồi ghé dùi lửa lên trên ngọn lửa đốt đỏ mà nung, được giản tiện hơn, khi nung phải cẩn thận, chớ chạm phải cái lưỡi gà, làm thương tổn đến thịt lành, sau khi nung xong thì uống nước sắc Cam thảo để giải hỏa độc. Chứng hầu khuẩn chảy máu không cầm, có thể dùng phép này để chỉ huyết, hiệu quả rất rõ rệt.
Phụ phương
1. Thanh yết lợi cách thang (Chứng trị chuẩn thằng)
Thăng ma, Huyền sâm, Cát cánh (sao), Cam thảo (chích), Phục linh, Hoàng liên (sao) Hoàng cầm (sao), Ngưu bàng tử (sao tán), Phòng phong, Bạch thược (sao), phân lượng đều bằng nhau, mỗi lần dùng 1, 2 đồng, đổ nước vào sắc uống.
2. Thử niêm tử giải độc thang (Trương thị y thông)
Thử niêm tử (sao nghiền), Cát cánh, Thanh bì, Thăng ma, Hoàng cầm, Thiên hoa phấn, Sinh cam thảo, Huyền sâm, Sinh chi nhân (nghiền), Hoàng liên, Liên kiều (bỏ tim), Bạch truật (thổ sao), Phòng phong, Sinh địa, Cát căn đề bằng nhau, sắc uống sau bữa ăn.
3. Hùng hoàng giải độc hoàn (Trùng lâu ngọc thược).
Hùng hoàng 1 lạng, Uất kim 1 đồng, Ba đậu (bỏ vỏ dầu) 14 hột, đều tán bột, khuấy hồ với dấm làm hoàn bằng hột đậu xanh, mỗi lần uống 7 viên, uống với nước trà, thổ ra đờm dãi là có hiệu quả ngay. Nếu ngặt mình gần chết mà chỗ tim còn nóng đổ thuốc không xuống, lập tức lấy thìa sắt cạy miệng ra mà đổ. Nếu xuống khỏi họng được, thì chắc sống.
4. Địch đàm thang (Y phương tập giải / dẫn của Nghiêm thị)
Bán hạ (chế gừng), Đảm tinh đều 2 đồng rưỡi, Quất hồng, Chỉ thực, Phục linh đều 2 đồng, Nhân sâm, Xương bồ đều 1 đồng, Trúc nhự 7 phân, Cam thảo 5 phân, gia gừng sống sắc uống.
5. Tri bá địa hoàng hoàn
Tức Lục vị địa hoàng hoàn gia Tri mẫu, Hoàng bá.
6. Ngưu bàng thang (Thẩm thị tôn sinh thư)
Ngưu bàng tử, Thăng ma, Hoàng dược tử, Huyền sâm, Tử bối phù bình, Cát cánh, Cam thảo, Thiên hoa phấn.
7. Hắc cao thang
Đạm đậu sị, Sinh địa tươi, Chích cương tàm, Kinh xích thược đều 3 đồng, Bạc hà, Thiền y, Sinh cam thảo đều 8 phân, Liên kiều, Tượng bối mẫu, Phù àinh đều 3 đồng, Thạch cao, Thạch hộc tươi 4 đồng, Rễ tranh tươi, Rễ lau đều 1 lạng.
8.Trừ ôn hóa độc thang (Hầu chứng minh biên)
Cát căn, Kim ngân hoa, Sinh địa hoàng, Đông tang diệp, Bối mẫu (bỏ tim) đều 2 đồng, Tỳ bà diệp 1 đồng 5 phân (bỏ lông bôi mật nướng), Bạc hà 5 phân, Mộc thông, Sinh cam thảo đều 8 phân, Trúc diệp 1 đồng, sắc uống mỗi ngày 1, 2 lần.
9. Thanh tâm dịch phế thang (Bạch hầu tiệp yếu)
Sinh địa 3 đồng, Chiết bối 2 đồng, Hoàng bá 2 đồng, Mạch đông (bỏ tim) 3 đồng, Hoa phấn 2 đồng, Tri mẫu 2 đồng, Thiên môn, Hoàng cầm đều 2 đồng, Cương tàm 1 đồng, Cam thảo 5 phân, sắc uống mỗi ngày 1-3 thang, người yếu khí hư gia Sâm điều hoặc Sinh ngọc trúc.
10. Dưỡng chính thang (Bạch hầu tiệp yếu).
Sinh ngọc trúc 5 đồng, Hoài sơn (sao) 4 đồng, Thổ phục linh 3 đồng, Thục địa 4 đồng, Sinh địa 3 đồng, Tửu bạch thược 2 đồng, Thiên hoa phấn 2 đồng, Mạch môn (bỏ tim) 3 đồng, Chế hà thủ ô 4 đồng, Nữ trinh tử 3 đồng, đổ nước sắc uống.
11. Tỳ giải thang (Ngoại khoa chính tông)
Xuyên tỳ giải, Khổ sâm, Phòng phong, Sinh hà thủ ô đều 5 đồng, Uy linh tiên, Đương quy, Bạch chỉ, Thương truật, Hồ ma, Thạch xương bồ, Hoàng bá đều 6 phân, Khương hoạt, Xuyên tiêu đều 4 phân, Quy bản 5 đồng, Hồng hoa 2 phân, Cam thảo 5 phân.
12. Thổ phục linh thang (Trương Cảnh Nhạc)
Thổ phục linh 2-3 lạng, 3 bát nước, sắc còn 2 bát, uống từ từ bất kỳ lúc nào.
13. Băng bằng tán (Ngoại khoa chính tông)
Băng phiến 5 phân, Châu sa 6 phân, Huyền minh phấn (tinh chế), Bằng sa đều 5 đồng (có phương gia Chế cương tàm 3 phân), Đảm phàn 5 phân, Bồ hoàng 7 phân đều nghiền rất nhỏ, thổi xát vào chỗ đau mỗi ngày 5, 6 lần.
Phụ: phép huyện huyền minh phấn: sau ngày Đông chí dùng 10 cân Phác tiêu trong sạch, 1 đấu 5 thăng nước, 5 cân củ cải trắng đập nát, cho vào nồi nấu sôi, bỏ củ cải, dùng giấy bông 2 lớp lọc qua, phơi sương 3 ngày đêm, khi Phác tiêu gần ngưng kết, nghiêng đổ bỏ nước thừa đi, lại cho vào nồi đất, bắc lên lò than, thêm nước cho nó tan ra. Lấy dao đồng khuấy đều khi sắp đông, gạn sang nồi nhỏ, dưới nồi dùng 3 cái đinh, làm thành 3 góc găm vào đất bùn, cao chừng nửa tấc, trên đậy miếng ngói, bốn bề xây một cái lò trăm lỗ, cách cái nồi nửa tấc, đổ than đỏ vào trong lò, và trên dưới bốn bên mà nướng, khi nào nồi đỏ hồng là được. Ngày hôm sau đem nghiền nhỏ, rồi trải giấy bông lên chỗ đất im tối sạch sẽ, rải Tiêu ra trên giấy, dày bằng đồng tiền, sau 3 ngày đựng vào bình sứ mà cất, trên rải giấy vụn chừng 1 tấc để hút khí ẩm.
14. Thâm hoàn tán (Nghiệm phương của dân gian)
Nguyệt thạch 1 lạng, Huyền minh phấn (tinh chế) 1 đồng, Nhân trung hoàn 2 đồng, Minh hùng hoàng 2 đồng, Mai phiến 1 đồng đều nghiền cực nhỏ, không nghe tiếng nữa mới được, cất vào bình để dùng.
15. Băng thanh tán (Nghiệm phương của dân gian)
Xuyên liên 3 phân, Hài nhi trà, Thanh đại, Đăng tâm thán đều 3 phân, Tây hoàng 2 phân, Tinh chế nhân trung bạch 5 phân, Mai phiến 3 phân, đều nghiền cực nhỏ, bỏ bình nút kín để dùng.
16. Kim tỏa chủy tán
Hà diêm tiêu 1 lạng rưỡi, Mai phiến 2 phân rưỡi, đều nghiền bột.
17. Tạ thị đại chủy tán (Nghiệm phương của dân gian)
Nguyệt thạch 1 đồng, Bạc hà 5 phân, Sinh thạch cao 1 đồng, Đảm phàn 5 phân, Sinh cam thảo 3 phân,Chế tàm 5 phân, Tạo giác (nướng hết khói) 5 phân, Tây hoàng 5 phân, đều nghiền cực nhỏ, bỏ vào bình cất dùng, nút kín cho khỏi mất hơi.
18. Phép chế Tây qua sương
Dưa hấu 1 quả, dùng 1 cái bát lớn bằng đất, tùy bát lớn hay nhỏ mà bỏ dưa hấu vào, hơi lỏng đừng bỏ chặt quá, khoét một miếng trên quả dưa, moi bỏ 1 ít ruột, lấy Phác tiêu nhồi vào cho đầy rồi lại lấy núm dưa đậy lại, lấy tăm tre găm lại cho chắc, sẽ lấy 1 cái bát đất khác vừa bằng cái bát kia mà úp lên trên, ngoài dùng giấy nhồi với bùn non mà trét kín, đem đặt ở chỗ im tối thoáng gió. Qua một thời gian, ngoài bát nổi lên một thứ sương (phấn) trắng, dùng lông ngỗng mà quét lấy, càng nổi càng quét, khi nào hết thì thôi, thứ sương (phấn) trắng đó tức là Tây qua sương.
19. Bạch giáng tuyết tán (Y tông kim giám)
Thạch cao (nung) 1 đồng rưỡi, Bằng sa 1 đồng, Diêm tiêu, Đảm phàn đều 5 phân, Huyền minh phấn 3 phân, Băng phiến 2 phân đều nghiền cực nhỏ, lấy quản bút thổi vào trong họng.
20. Lục bào tán (Tiêu thị hầu khoa chẩm bí phương)
Hoàng bá 2 lạng, mật cá trám 1 lạng, trước hết đem Hoàng bá nướng khô, lấy mật cá trắm bôi lên, lại nướng lại bôi, mật hết mới thôi, nghiền bột, lại gia vào Nhân trung bạch 3 đồng, Thanh đại 3 đồng, Mai phiến 3 đồng, Bằng sa 3 đồng, nghiền bột cất vào bình để dùng.
21. Ngọc tiết tán (có tên gọi là mã Ngũ phá tào. Yết hầu mạch chứng thông luận phương)
Bạc hà 3 lạng, Bằng sa 3 đồng rưỡi, Hùng hoàng 3 đồng, Nhi trà 1 đồng, Băng phiến 3 phân, đều nghiền thành bột.
22. Băng hoàng tán (Nghiệm phương của dân gian)
Nguyệt thạch(1) 1 lạng, Huyền minh phấn 7 đồng, Nhân trung hoàng 1 đồng, Hùng hoàng 2 đồng, Đại mại 1 đồng, nghiền cực nhỏ để dùng.
23. Lạn hầu xuy (Nghiệm phương của dân gian)
Trân châu 2 phân, Trích nhũ thạch 6 phân, Châu sa 2 phân, Tây huyết phách 2 phân, Chế nhân trung bạch 6 phân, Tây hoàng 1 phân, Nhi trà 2 phân, Mai phiến 2 phân. Trước hết, dùng Nhân trung bạch tẩy cho sạch không nướng, nghiền nhỏ phi thủy, lấy thứ sạch nhẹ nổi lên, nghiêng gạn cả nước ra, để cho lắng đứng, thay nước vài mươi lần, lấy thứ trắng như phấn, phơi trong dâm cho khô, lại nghiền các vị kia cho cực nhỏ, lại hoà với Nhân trung bạch nghiền bột, cất vào bình để dùng.
24. Tiểu kế tán (Nghiệm phương của dân gian)
Tiểu kế thảo (sao nướng) 3 đồng, Bách thảo sương 3 đồng, Sinh hồ hoàng 3 đồng, Sinh hương phụ 3 đồng đều nghiền cực nhỏ, khi nào thổi bột bay lên như sương mù là tốt, cất vào bình nút kín để dùng.
25. Kim táo tán (Nghiệm phương của dân gian)
Hắc táo 20 quả, Bạch tín 2 đồng, Nhân trung bạch, Mai phiến đều 5 phân, Hắc táo bỏ hột, nhét Bạch tín vào, nướng trong bếp than cho cháy thành than, nghiền cực nhỏ, lại gia Nhân trung bạch, Mai phiến nghiền nhỏ đều nhau, cất vào bình để dùng.
26. Tân định gia giảm tích loại tán (Trương sơn Lôi Dương khoa cương yếu)
Nhân trung bạch 2 lạng (thứ tinh sạch), Tây ngưu hoàng 5 đồng, Lão nguyệt thạch 2 lạng, Kê trảo hoàng liên 1 lạng, Minh hùng hoàng 1 lạng rưỡi, Chân xuyên bối, Quảng uất kim đều 8 đồng, Cân dư thán (tức là móng tay người ta, rửa sạch, sao phồng hơi sém, chớ sém quá, nghiền nhỏ) 6 đồng, đều nghiền cực nhỏ, hòa đều để dùng.
27. Đạm hoàng tán
Thục thạch cao 4 phân, Huyền minh phấn 3 phân, Hùng hoàng 1 phân, bột Cam thảo 4 phân, Thần sa 2 phân, Mai phiến 3 phân.
28. Trương thị hư hầu xuy dược (Trương sơn Lôi Dương khoa cương yếu)
Nhi trà 3 đồng, Xuyên bối 3 đồng, Mẫu lệ phấn (tẩy sạch) 8 đồng, Tây huyết phách 6 đồng, Nhân trung bạch tẩy 5 đồng, Bồ hoàng thán 3 đồng, Tây ngưu hoàng 2 đồng, Mai phiến 6 phân, Xạ hương 3 phân, đều nghiền cực nhỏ, hòa đều cất kín.
29. Huyết dư tán (Dương khoa cương yếu phương)
Chân huyết dư tán 1 đồng, Chân khảm khí (cuống rốn) 1 cái, tẩy sạch sấy thành than, nghiền Huyết phách 5 phân, Yêu hoàng 2 đồng, Hoa long cốt 2 đồng, Thượng mai phiến 4 phân, tán nhỏ hòa đều mà thổi.
30. Hà thị cẩm hóa hoàn (Nghiệm phương của dân gian)
Xuyên bối 5 phân, Bách thảo sương 1 đồng, Cam thảo 5 phân, Khinh phấn 4 phân, Bạc hà 5 phân, Nguyệt thạch 5 phân, Thị sương 5 đồng, Mai phiến 2 phân, nghiền bột luyện mật làm viên bằng hạt sen, bỏ vào trong miệng ngậm cho tan.
31. Phàn tinh tán
Bạch phàn không cứ nhiều ít, nghiền nhỏ, dùng 1 viên gạch vuông, lấy lửa nung đỏ, tưới nước lên gạch. Đem bột phèn rải lên gạch lấy cái mâm sứ úp lên, bốn bề ủ tro kín một ngày đêm, phèn bay lên đọng lại trên mâm, quét xuống mà lấy. Dùng 2 đồng Bạch sương mai 2 quả (bỏ hột), Chân minh hùng hoàng 1 đồng, Xuyên sơn giáp (nướng) 1 đồng, nghiền nhỏ thổi vào họng.
32. Vị tự hiệu suy tán (Yết hầu kinh nghiệm bí truyền phương).
Hùng tinh 1 đồng, Phác tiêu 5 đồng, Bằng sa 2 đồng, nghiền nhỏ thổi vào họng.
33. Khai quan thần ứng tán (Tề hữu đường y án)
Minh tỉnh yêu hoàng, Khô bạch phàn, Sinh lê lô, Trư nha tạo giác (sao vàng đừng cho cháy, bỏ gân màng) đều nhau, tán bột hòa đều, cất kín, khi dùng đem thổi vào họng.
34. Thanh lương tán (Hậu chứng minh biện phương).
Bằng sa 3 đồng, Nhân trung hoàng 2 đồng, Hoàng liên 1 đồng, Bạc hà 6 phân, Thanh đại 4 phân, Mai phiến 5 phân, nghiền nhỏ thổi vào họng.
Bài viết này có 0 bình luận