Án ma khái yếu (day ấn huyệt)
04/01/2014 09:31 - Đăng bởi: admin
DAY ẤN HUYỆT
Xoa bóp là một môn chữa bệnh không dùng vị thuốc gì và khí cụ gì cả, toàn nhờ hai tay của thầy thuốc vận dụng các loại động tác chữa bệnh ở ngoài thân thể người bệnh mà có thể chữa bệnh được tốt.
Tác dụng xoa bóp đối với nhân thể
Chủ yếu là sơ thông kinh lạc, lưu thông khí huyết, nhờ đó mà làm cho dinh vệ được điều hòa, âm dương được thăng bằng, cho nên trước khi chữa, đầu tiên cũng phải thông qua tứ chẩn, biện chứng và đặc biệt chú trọng phép phúc chẩn và phép chẩn tra tại chỗ đau, phân tách rõ ràng hàn, nhiệt, hư, thực của bệnh v.v... rồi sau dùng thủ pháp mà bổ tả cho thích đáng. Mặt khác, vì phép xoa bóp và chữa ngoài thân thể thì những chỗ chọn dùng, trừ cách lấy huyệt tại chỗ đau và cách lấy huyệt ở xung quanh ra, còn có thể áp dụng quy luật lấy huyệt theo kinh (thấy trong mục kinh huyệt xử phương quy luật ở chương Châm cứu khái yếu), đó là chỗ giống nhau với phép chữa bằng châm cứu, chẳng qua phép châm cứu còn phải dùng một số khí cụ đơn giản như kim, ngải, mà phép xoa bóp thì chỉ dùng hai tay mà thôi, tất nhiên phải do bàn tay, ngón tay của thầy thuốc, phát huy kỹ xảo nhất định về cách chữa thì mới thu được hiệu quả nhất định, đặc biệt là làm phép xoa bóp cho người lớn thì công và lực càng trọng yếu. Do đó, các thầy thuốc xoa bóp đời này qua đời khác phần nhiều lấy phép luyện công lực(1), luyện tay(2) làm công phu cơ bản.
a) Luyện cách miết: sắm một cái bao gạo 32cm x 16cm trong đựng khoảng chừng hai cân gạo. Nắm tay lại như đánh quyền, đầu ngón tay không vượt qua lòng bàn tay, để cho trong tay trống không có sức co cổ tay vào, ngón tay cái duỗi thẳng, đậy lên chỗ hổng nắm tay. Đem đầu ngón tay cái đặt lên bao gạo, vận động khớp xương cổ tay, làm cho đầu ngón tay cái lay đồng trên bao gạo, cứ chuyển động đi lại không ngừng, mỗi phút chừng 160-200 lần.
b) Luyện tập cách nắm: sắm hai cái vò rượu nhỏ nặng chừng 5kg trở lại, duỗi thẳng khớp xương cổ tay, 5 ngón tay xòe ra, hai tay nắm chặt miệng vò nhấc lên, co vai duỗi khuỷu tay, hai tay thay đổi nhau, mỗi ngày sáng chiều hai lần, sức nặng và số lần tùy sức mà làm.
c) Luyện cách day: sắm 1 cái bao vải 40cm x 24cm, trong đựng gạo hay cát, trước hết dùng mu bàn tay của 1 tay lấy đốt dưới cùng của ngón tay út đặt sát trên bao, ngón út và ngón áp (vô danh) hơi cong, chuyển động đi lại không ngừng, luyện đến một trình độ thành thạo rồi, lại cố sức luyện tập mu bàn tay, đốt dưới của ngón út, ngón vô danh (áp), ngón giữa nữa.
Mọi người đều biết phép xoa bóp dùng chữa bệnh gân xương của người lớn, bệnh kinh phong, sôi đờm của trẻ con có hiệu quả lạ lùng. Trên thực tế, phép ấy đối với số nhiều tật bệnh về các khoa nội, khoa ngoại và khoa phụ nữ cũng có tác dụng trị liệu nhất định như thế. Trước kia người ta cho rằng phép xoa bóp khó mà chữa được những chứng như Phế lao, chứng cam còm của trẻ con v.v... Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, người làm công tác xoa bóp giải phóng được tư tưởng, lại được sự hợp tác của tập thể, đều thu được thành tựu rất lớn.
I. Thủ pháp cơ bản
1. Thủ pháp xoa bóp cho người lớn
Về thủ pháp xoa bóp cho người lớn, tuy có từng phái riêng khác nhau rất nhiều trên lâm sàng lại đều là kết hợp vận dụng, tùy thời biến hóa, nhưng thủ pháp cơ bản, quy nạp lại thì có thể chia ra 8 loại dưới đây:
a) Miết (đun tay): dùng phía nghiêng đầu chót ngón tay cái hoặc chỗ trấy tay (tức trái chanh, ngư tế) hoặc lườn tay (phía dưới ngón tay út) đặt lên chỗ đau hoặc trên huyệt miết tới cho có nhịp nhàng, gọi là miết, có khi gọi là đun tay.
+ Miết bằng: lấy một ngón tay, bàn tay hoặc trấy tay miết lên phía trước, thích dùng cho những chỗ ngực, bụng, lưng, tay, chân v.v...
+ Miết nghiêng: lấy ngón tay hoặc trấy tay, lườn tay miết ngang ra phía bên, thích dùng cho những chỗ đầu, cổ.
+ Miết đẩy: lấy ngón tay hoặc gốc bàn tay xát lên xát xuống như thợ mộc bào gỗ đưa lên, đưa xuống, thích dùng cho những chỗ ngực, bắp chân.
+ Miết quanh: lấy phía bên cao đầu ngón tay cái miết quanh vòng cung, liên tục không ngừng, càng mau càng tốt, thích dùng cho những chỗ ngực, sườn, bụng da.
2) Nắm (lắc rung): dùng tay nắm chặt bắp thịt hoặc khớp xương chỗ đau, rán sức từ nhẹ đến nặng, dùng sức dần dần gọi là nắm, hai cánh tay lay rung cũng là biến hóa từ cách nắm mà ra.
+ Nắm lắc: nắm chặt bắp thịt lắc qua lắc lại, thích dùng cho những chỗ đùi chân, cùi tay.
+ Nắm bóp: nắm chặt bắp thịt, nhấn thụt vào trong, thích dùng cho những chỗ vai cổ.
c) Lắc: Nắm chặt những khớp xương cử động được, thuận theo chiều hướng co giãn của gân thịt mà lay động, thích dùng cho những chỗ cổ, lưng và tay chân.
d) Rung: nắm chặt chỗ cổ tay hoặc chỗ mắt cá, dùng sức nhè nhẹ đẩy lên, làm lay động như cách sóng cuộn, thích dùng cho những chỗ tay chân.
c. Ấn (áp điểm): dùng ngón tay hoặc bàn tay ấn trên chỗ đau hoặc trên huyệt, nhẹ thì gọi là ấn, nặng thì gọi là áp, nặng nữa thì gọi là điểm.
+ Ấn ngón tay: dùng ngón tay cái hoặc ngón trỏ, ngón giữa, ngón vô danh mà ấn ép, thích dùng cho những chỗ đầu, cổ, lưng, mông, hai chân.
+ áp bàn tay: dùng gốc bàn tay hoặc bàn tay mà ấn ép, thích dùng cho những chỗ bụng dạ.
+ Điểm: lấy đầy ngón tay cái, đầu đốt giữa của ngón trỏ, ngón giữa hoặc đầu khuỷu tay điểm lên chỗ đau hoặc trên huyệt, lấy lõm sâu xuống làm chừng, các bộ phận trên toàn thân, đều có thể tùy tình hình mà chọn dùng.
d. Xoa nắn: lấy đầu ngón tay, lòng bàn tay hoặc trấy tay xoa vòng quanh không ngừng trên chỗ đau hoặc trên huyệt, nhẹ thì gọi là xoa, nặng thì gọi là nắn, các bộ phận trên toàn thân có thể tùy tình hình mà chọn dùng.
đ. Day: lấy mu bàn tay và đốt dưới của ngón út, hoặc mu bàn tay và đốt dưới của những ngón út, ngón áp, ngón giữa, dùng một áp lực nhất định tỳ lên chỗ đau hoặc trên huyệt, lại lấy khớp xương cổ tay tự ý day động trước sau không ngừng, gọi là day hai tay đồng thời cùng làm hoặc thay đều đổi mà làm đều được cả. Thích dùng cho những chỗ cổ, lưng trên, lưng dưới, mông đít, tay chân.
e) Véo (xoắn): lấy đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ, trên dưới nhằm cho đúng, cặp lấy một chỗ nào đó, dùng sức mà bóp vào, gọi là véo. Còn như khi đương véo chặt, rồi xoay qua xoay lại thì gọi là xoắn. Hai cách đều thích dùng cho những chỗ đầu, cuối chân tay.
g. Xe: thầy xoa bóp xòe hai bàn tay, lòng bàn tay trống không, nhằm dùng mà ôm lấy chỗ phải chữa, rồi sau day tay qua tay lại gọi là xe, thích dùng cho các chỗ chân tay và hai bên sườn.
8. Vỗ (đấm): lấy ngón tay, bàn tay để bằng mà vỗ vào chỗ đau hoặc trên huyệt, nhẹ thì gọi là vỗ, nặng thì gọi là đấm, nắm tay đấm vào.
+ Vỗ đơn: dùng 3 ngón tay trỏ, ngón giữa, ngón vô danh chụm khít lại, dùng một tay mà vỗ, thích dùng cho khuỷu tay, đầu gối.
+ Vỗ kép: y theo cách vỗ bằng bàn tay, lấy hai tay mà vỗ, thích dùng cho những chỗ lưng, ngực, vai.
+ Đấm nghiêng tay (giần): nghiêng hai bàn tay thay đổi mà đấm, thích dùng cho những chỗ sườn cụt, rốn.
+ Vỗ khum tay: xếp các ngón tay của hai tay lại, hơi khum khum, thành như nắm tay trống không để mà vỗ, thích dùng cho những chỗ lưng.
+ Xăm chụm ngón: dùng 5 ngón của hai tay kết hợp lại như hình răng cưa mà đấm, thích dùng cho những chỗ vai, khuỷu tay.
+ Gõ ngữa bàn tay: lấy mu bàn tay mà đấm, thích dùng cho những chỗ sườn và sườn cụt.
+ Đấm: nắm hai tay lại, để nghiêng như nhau, hoặc để ngang như nhau, thay đổi mà đấm, thích dùng cho vùng lưng.
2. Thủ pháp xoa bóp cho trẻ con.
a. Ấn: dùng tay đặt trên chỗ huyệt cần nên ấn mà làm động tác ấn xuống, nói chung thủ thuật ấy có 4 cách dưới đây:
+ Dùng ngón cái và ngón giữa, hoặc ngón cái và ngón trỏ của tay phải đối hợp với nhau dùng lực mà ấn vào, thích dùng cho những chỗ chân tay và hàm răng.
+ Chỉ dùng một ngón cái của tay phải ấn thẳng xuống, thích dùng cho các huyệt ở những chỗ ngực, lưng, vai.
+ Dùng lưng ngón cái của tay phải co lại mà ấn xuống, thích dùng cho những chỗ đầu gối, hoặc chỗ lõm gót chân
+ Dùng lòng bàn tay phải ấn xuống, thích dùng cho các huyệt vị ở ngực, bụng.
b. Xoa: là một loại động tác dùng tay xoa đi xát lại trên 1 huyệt vị, đại khái phép này có hai cách dưới đây:
+ Dùng cạnh ngón cái của tay phải mà xoa đi, xát lại, thích dùng cho những chỗ tay chân.
+ Dùng lòng bàn tay phải trực tiếp xoa xát, thích dùng cho những chỗ ngực bụng.
3. Miết: là dùng mặt hay cạnh của ngón tay nhằm trên huyệt nên miết, mà miết lên miết xuống cho nhanh, có 3 cách dưới đây:
+ Dùng cạnh ngoài ngón cái của tay phải miết lên, miết xuống hoặc miết qua, miết lại cho mạnh.
+ Gấp cong ngón tay của trẻ con lại, dùng cạnh ngoài ngón cái của tay phải thầy thuốc miết thật mạnh.
+ Duỗi thẳn ngón tay của trẻ con ra, dùng cạnh ngoài ngón cái của tay phải thầy thuốc mà miết thật mạnh.
Những cách trên thích dùng cho những chỗ bàn tay, cánh tay và đầu mặt.
d. Vần: Dùng ngón tay cái nhằm trên huyệt vị mà xoay chuyển vần đi hết vòng rồi vần lại, phép này có 2 cách dưới đây:
+ Dùng mặt ngón cái của tay phải hoặc cả hai tay mà vần đi, thích dùng cho đầu mặt và tay chân.
+ Dùng ngón tay giữa hoặc cả 4 ngón của hai tay, vần đi cùng một lúc. Cách này rất ít dùng cho trẻ con.
đ. Nắn: dùng mặt ngón cái của tay phải, nắn đi, nắn lại không rời chỗ cần nắn. Thích dùng cho các huyệt khắp toàn thân.
e. Bấm: dùng móng ngón cái của tay phải nhằm trên huyệt nên bấm mà bấm nhè nhẹ vào rồi lấy ra cho nhanh, thích dùng cho những chỗ tay chân.
g. Xe: dùng hai ngón tay nhằm trên kinh huyệt nắm lấy mà xe đi xe lại. Phép này có hai cách làm:
+ Dùng ngón cái hoặc ngón cái và ngón trỏ của tay phải (tuỳ chỗ cần xe mà quyết định) hợp lại hoặc thay đổi nắm lấy mà xe đi, xe lại.
+ Dùng hai tay hợp lại hoặc thay đổi nhau mà xe đi, xe lại.
Những cách trên thích dùng cho chân tay và chỗ bụng.
h. Lay, lắc: dùng hai ngón tay ôm lấy hoặc nắm lấy chỗ cần lay mà lay đi, lay lại. Thích dùng cho những chỗ đầu và các khớp xương tay chân.
II. Tác dụng chủ trị về thao tác từng vùng
1. Người lớn:
Trừ vận dụng 4 phép ấn, xoa, miết, nắm trong khoa thương tật có mục đích riêng của nó ra, thì còn có tác dụng với những tật bệnh của nội khoa, phân biệt quy nạp dưới đây:
a. Xoa bóp theo từng vùng:
Vùng đầu cổ: chữa các bệnh ở đầu (đau đầu, mắt, răng, tai).
Vùng ngực:
Trước ngực: thanh hỏa ở thượng tiêu (tâm, phế)
Sau ngực: tả nhiệt ở hạ tiêu (can, thận).
Vùng bụng:
Bụng trên: chữa nóng lạnh khí trệ, thực tích đau bụng.
Bụng dưới: chữa các bệnh ở thận, lưng.
Vùng chân:
Hai tay, hai chân: sơ thông khí huyết, thông lợi ứ đọng.
b. Xoa bóp toàn thân: tức là xoa bóp toàn bộ đầu, cổ, ngực, bụng, lưng trên, lưng dưới, hai tay, hai chân từ 1 đến 5 lần, có thể thông suốt khí huyết toàn thân. Đối với bệnh trúng phong tê liệt mới cảm, bán thân bất toại, bắp thịt co quắp, tay chân tê dại v.v... đều có hiệu quả tương đối.
2. Trẻ con:
a. Vùng đầu mặt:
Miết khảm cung (hình 39)
Huyệt vị: ở hai bên dưới trán, trên lông mày một chút.
Thao tác: khiến đứa trẻ nằm ngửa hoặc bế đứng dậy, lấy hai tay ôm chặt đầu trẻ rồi dùng bề mặt hai ngón tay, từ khoảng hai lông mày miết ra hai bên (huyệt Khảm cung).
Công hiệu: ngoại cảm phát sốt, cho đến hàng loạt tạp chủng đều có thể dùng được cả.
b) Miết ấn đường: (hình 40)
Huyệt vị: ở dưới Thiên đình, trong chỗ lõm khoảng giữa đầu hai lông mày.
Thao tác: khiến đứa trẻ nằm ngửa hoặc bế đứng dậy, dùng cạnh ngoài hai ngón tay cái, từ khoảng giữa hai lông mày, thay đổi miết thẳng lên trên.
Công hiệu: thương phong phát sốt, đầu tối xẩm, hay ngủ và các tạp bệnh đều có thể dùng cách miết được cả.
Vần thái dương (hình 41)
Huyệt vị: ở khoảng giữa hai đuôi lông mày và hai đuôi con mắt ra sau một chút.
Thao tác: khiến đứa trẻ nằm ngửa hoặc bế đứng dậy, đồng thời dùng hai ngón tay cái chuyển vận không ngừng trên huyệt ấy ở hai bên mặt, vần về bên tai là lương là tả, vần về bên mắt là nhiệt là bổ.
Công hiệu: hạ cơn sốt, ra mồ hôi, chữa đầu tối xẩm và các bệnh mãn tính.
Thuyết minh: phép tả chữa ngoại cảm, phép bổ chữa nội thương, hiệu quả trên lâm sàng, phép tả hơn phép bổ.
2. Chi trên
a. Phân âm dương (hình 42)
Huyệt vị: ở hai bên trên cổ tay, ở cạnh xương quay là huyệt dương (cũng gọi là dương trì) ở cạnh xương trụ là huyệt âm (cũng gọi là âm trì).
Thao tác: bảo đứa trẻ ngửa bàn tay lên, dùng 4 ngón của hai tay đỡ ở phía dưới cổ tay của đứa trẻ, đem ngón tay cái đặt lên hai huyệt âm dương của đứa trẻ, rồi miết ra hai bên phía ngoài.
Công hiệu: cảm mạo sinh ho, lúc nóng, lúc rét, bụng trướng ỉa chảy.
Thuyết minh: chứng hư, chứng hàn thì nên miết nhiều và miết mạnh ở huyệt dương; chức thực, chứng nhiệt thì nên miết nhiều và miết mạnh ở huyệt âm.
Vần bát quái:
Huyệt vị: ở xung quanh trong lòng bàn tay:
1. Càn 2. Khảm
3. Cấn 4. Chấn
5. Tốn 6. Ly
7. Khôn 8. Đoài
Thao tác: dùng tay trái nắm chặt lấy 4 ngón tay 2, 3, 4, 5 của đứa trẻ, xoay ngửa bàn tay lên, chính ìi phương hướng của ngón tay cái bên phải và bên trái của đứa trẻ trái hẳn với tay thầy xoa bóp, do đó cách thao tác cũng phải có hai cách như sau:
Tay trái: dùng ngón cái tay trái đè lên mặt ngón tay phải của đứa trẻ, để làm cho nó không cong vào trong được, tránh sự trở ngại đến động tác khi thao tác, rồi dùng mặt ngón cái của tay phải bắt đầu từ “cung càn” từ phải sang trái mà vần đến “cung đoài” làm thành một vòng tròn.
Tay phải: dùng ngón 3, 4, 5 tay trái đỡ vùng mu bàn tay của đứa trẻ, rồi dùng ngón thứ hau bắt chéo ở hổ khẩu của đứa trẻ cũng là để cho nó khỏi cong lại, rồi dùng mặt ngón cái tay phải, y theo cách làm ở tay trái mà vần (hướng vần ngược lại với tay trái).
Công hiệu: chữa nôn mửa, an thần, phát hãn, thanh nhiệt.
Thuyết minh: về cách thao tác và cách chữa của phép này, các bậc tiên hiền cũng chưa có một nhận thức nhất trí những giới thiệu trên đây là phương pháp ứng dụng trong khi lâm sàng của chúng tôi mà hiệu quả vẫn tốt.
Miết dọc xương quay (hình 45)
Huyệt vị: bắt đầu từ dương huyệt đến huyệt Khúc trì thì thôi (về phía xương quay).
Thao tác: bảo đứa trẻ ngửa bàn tay lên, tay trái nắm chặt cổ tay của đứa trẻ, 4 ngón tay phải xòe ra cặp lấy trên mặt cánh tay dưới của đứa trẻ, rồi dùng ngón tay cái từ dương huyệt miết đến huyệt Khúc trì.
Công hiệu: đau bụng, ỉa chảy, không muốn ăn uống, chân tay rã rời, cho đến hết thảy các chứng, sau khi khỏi bệnh mà không trở lại bình thường được dễ dàng.
Thuyết minh: phép này thuộc về ôn tính, đối với người bệnh phát sốt hơi nặng, nên dùng ít hoặc không dùng.
Miết lùi xương trụ (hình 46).
Huyệt vị: bắt đầu từ huyệt Khúc trạch (đời xưa cũng có gọi chung cả chỗ lõm khuỷu tay là Khúc trì, cho nên chỗ Khúc trạch cũng gọi là Khúc trì), cho đến âm huyệt thì thôi (phía xương trụ).
Thao tác: bảo đứa trẻ ngửa bàn tay lên dùng tay trái nắm lấy cổ tay của đứa trẻ, quặp 4 ngón tay phải lên trên mặt cổ tay của đứa trẻ, rồi dùng ngón tay cái miết từ huyệt Khúc trạch đến âm huyệt.
Công hiệu: cảm mạo phát sốt, hơi thở gấp, phiền táo, khóc la v.v...
Thuyết minh: cách này thuộc về tính mát chữa hết thảy các bệnh sốt, hiệu quả rất tốt.
Miết dọc mép ngón trỏ (hổ khẩu tam quan pháp) (hình 47)
Huyệt vị: từ phía bên chót ngón tay trỏ đến chỗ gốc ngón tay cái, bao gồm cả 3 đốt: phong quan, khí quan, mệnh quan.
Thao tác: bảo đứa trẻ thẳng tay ra, phía ngón tay cái lên trên, dùng tay trái nắm lấy những ngón 2, 3, 4, 5 của đứa trẻ, lấy những ngón 3, 4, 5 của tay phải mình ôm chặt lấy mu bàn tay lại dưỡng ngón thứ 2 đặt lên trên ngón tay cái lại dùng ngón thứ hai đặt lên trên ngón tay cái về phía bên bàn tay của nó, như thế là để ngón tay cái thẳng ra, khỏi đụng chạm với ngón thứ 2, rồi sau dùng ngón tay cái từ “mệnh quan” (đốt thứ 3 mé bên ngón tay trỏ) bắt đầu miết thẳng từ mệnh quan đến hổ khẩu.
Công hiệu: điều hòa khí huyết, ngoại cảm, nội thương đều dùng được cả.
g) Lay cùi tay (hình 48)
Huyệt vị: ở chỗ tiếp nhau giữa cánh tay và cẳng tay.
Thao tác: dùng cả bàn tay phải nắm chặt những ngón 2, 3, 4, 5 của đứa trẻ, làm cho ngón tay cái nghiêng lên, lấy tay trái mình bấm vào huyệt Đẩu trửu, rồi lấy tay phải lay ra phía ngoài.
Công hiệu: chữa cấp mạn kinh phong, khóc không ra tiếng, có thể thông lợi khí huyết khắp toàn thân.
Miết chỉ dọc ngón tay (hình 49)
Huyệt vị: ở trên chỉ ngang đốt thứ nhất phía mặt trong của những ngón 2, 3, 4, 5.
Thao tác: bảo đứa trẻ ngửa bàn tay lên, lấy tay đỡ lấy bàn tay và mu bàn tay của nó, rồi sau dùng ngón 3, 4 của tay trái và ngón 3, 4, 5 của tay phải đỡ ở phía dưới mu bàn tay và ngón tay của nó, đưa hai ngón tay phải, tay trái đặt lên trên lòng bàn tay của nó lại lấy ngón út tay trái lót vào phía dưới ngón tay mà mình định làm thủ thuật, thì ngón tay ấy sẽ nẩy lên. Sau đó, dùng ngón tay cái của tay phải, tay trái thay đổi mà miết luôn luôn trên huyệt ấy.
Công hiệu: chữa tay chân co rút, bụng trướng, ợ hơi và những chứng phát sốt, ho, khí huyết không hòa.
Thuyết minh: miết chỉ này cũng giống như cách miết chỉ ngang. Tác dụng chữa bệnh đại khái cũng giống nhau, cho nên trong khi lâm sàng, đều sử dụng lẫn lộn, hiệu quả lại càng rõ rệt, nếu gặp người bị chứng kính quyết (miệng mắt méo lệch) thì có thể dùng xen cả cách bấm.
Thông kinh dẫn khí (hình 50)
Huyệt vị: bao gồm những huyệt tổng kinh, âm dương, thiên hà thủy.
Thao tác: dùng tay phải kẹp chặt 4 ngón tay của đứa trẻ, không cho di động, 4 ngón tay trái, bắt đầu từ cổ tay phía bên huyệt Khúc trì lần lượt bóp nắn nhè nhẹ đến trên mặt huyệt Tổng kinh 9 lần, lại nắm lấy 2 huyệt âm, dương của đứa trẻ, rồi lấy tay phải ngửa lên rút vào, rút ra 7 lần.
Công hiệu: những chứng khóc không ra tiếng, khó thở, tay chân run giật cho đến phát nóng, bụng đầy v.v...
Thuyết minh: phép này chữa những chứng khí cơ của trẻ con uất kết, khóc không ra tiếng hiệu quả rất tốt.
Miết dọc cẳng tay (Thanh thiên hà thủy pháp) (hình 51)
Huyệt vị: ở khoảng giữa từ chỉ ngang cổ tay đến huyệt Khúc trì.
Thao tác: giống như cách miết dọc xương quay, nhưng bộ vị của dọc xương quay là từ dương huyệt bắt đầu miết đến huyệt Khúc trì về phía trong xương quay. Bộ vị của huyệt này là bắt đầu từ chỉ ngang cổ tay miết đến huyệt Khúc trì.
Công hiệu: chữa chứng phát sốt, phiền táo, miệng khát, đổ mồi hôi, nằm ngủ không yên.
Miết nửa vòng bàn tay (Vận thủy nhập thổ pháp)
Huyệt vị: ở dưới gốc ngón tay út đến dưới gốc ngón tay cái quanh ngoài rìa bàn tay.
Thao tác: bảo đứa trẻ ngửa bàn tay lên, dùng tay trái mình nắm gộp cả 5 ngón tay của nó, hơi ấn xuống, cho cả 5 ngón của nó không cựa được, như thế thì phía cuối bàn tay sẽ nẩy lên, rồi sau dùng những ngón 2, 3, 4, 5 của tay phải đỡ lấy mu bàn tay nó, sau hết dùng ngón tay cái từ chỗ dưới ngón tay út (thận thủy) bắt đầu miết qua rìa bàn tay tới gốc ngón tay cái (tỳ thổ) thì thôi.
Công hiệu: chữa đi tả, đi lỵ và những bệnh đường ruột.
Thuyết minh: khi làm phải chú ý làm cách nửa vòng tròn, nhất thiết chớ miết lên bộ vị cung “càn, khảm, cấn”.
3. Vùng mình.
Xoa nắn hai bên bụng (hình 53)
Huyệt vị: ở hai bên bụng trên và bụng dưới.
Thao tác: bảo đứa trẻ nằm ngửa, dùng 4 ngón của hai tay ôm lấy chỗ hai bên bụng của nó, hai ngón tay cái đặt lên hai bên phải trái trên bụng, rồi lần lượt xoa nắn từ trên xuống dưới.
Công hiệu: chữa hết thảy các bệnh ở bộ tiêu hóa, đặc biệt về những chứng đau bụng, đi tả, tích ăn, ỉa chảy càng có hiệu quả tốt.
Nắn vòng xương cụt (Nhu quy vĩ pháp) (hình 54)
Huyệt vị: ở chỗ đầu cuối xương sống.
Thao tác: bảo đứa trẻ nằm nghiêng, ngoảnh mặt vào trong, dùng tay trái mình ôm lấy chỗ mông đít, lầy bề mặt ngón tay cái của tay phải mình mà làm phép nắn vòng trên huyệt ấy.
Công hiệu: chữa chứng tiết tả, chứng lỵ.
Xoa nắn đan điền (xem lại hình 53)
Huyệt vị: ở phía dưới lỗ rốn.
Thao tác: bảo đứa trẻ nằm ngửa, dùng 4 ngón của hai tay ôm lấy hai bên bụng dưới của đứa trẻ, rồi lấy hai ngón tay cái nhằm phía dưới rốn mà xoa từ trên xuống dưới. Hoặc lấy lòng bàn tay phải mà vuốt thẳng xuống.
Công hiệu: chữa chứng tiểu tiện không thông (khi bị bệnh co quắp hoặc sau bệnh co quắp).
Thuyết minh: trong khi làm cách này, nên xoa đi, xoa lại nhè nhẹ, không kể mấy lần đến khi thông tiểu tiện là được.
Ấn huyệt Thần khuyết (xem lại hình 53)
Huyệt vị: chính giữa lỗ rốn.
Thao tác: bảo đứa trẻ nằm ngửa, dùng hai lòng bàn tay xát với nhau cho nóng lên rồi xoa nhè nhẹ trên rốn.
Công hiệu: chữa sôi bụng, ỉa chảy, hoặc đi ỉa lâu ngày, đi lỵ, đặc biệt là chữa chứng ỉa chảy thuộc hàn thì hiệu quả rất tốt.
4. Chi dưới
Lay hai chân (hình 55)
Thao tác: bảo đứa trẻ nằm ngửa, dùng hai tay phải, trái nắm lấy hai gót chân của đứa trẻ, hơi nhấc lên, rồi theo chiều trên dưới phải trái mà lay chuyển.
Công hiệu: chữa tiểu tiện không thông.
Thuyết minh: đời xưa không thấy ghi chép cách này, đó là một cách làm do kinh nghiệm lưu truyền gần đây, vả lại không có huyệt vị nào căn cứ. Nói chung là đều phối hợp sử dụng sau khi đã xoa nắn đan điền, nếu không thì kém hiệu quả.
Miết huyệt Thừa sơn (hình 56).
Huyệt vị: ở sau chân cách đất một thước (lấy chỗ huyệt Ngoại tam lý đến huyệt ủy trung dài 1 thước 6 thốn bẻ ra mà tính)
Thao tác: bảo đứa trẻ nằm sấp hay nằm nghiêng, lấy tay trái nắm chặt lấy bắp chân cho khỏi lay động, rồi sau dùng ngón cái của tay phải nhằm trên huyệt ấy mà miết hoặc bấm vào.
Công hiệu: chữa những chứng phát sốt, ho, hơi thở gấp có đàm.
Bấm huyệt ủy trung (hình 56)
Huyệt vị: ở chính giữa nhượng, chỗ lõm cong sau gối chỗ chỉ ngang.
Thao tác: giống như cách miết hoặc bấm huyệt Thừa sơn.
Công hiệu: chữa hết thảy chứng hôn mê giá lạnh, hoặc bị ngã ngất đi, kêu không lên tiếng.
Bấm huyệt Côn lôn (hình 56)
Huyệt vị: ở phía trên gót chân một chút.
Thao tác: giống như cách miết và bấm huyệt Thừa sơn.
Công hiệu: chữa những chứng thốt nhiên hôn mê bất tỉnh (trúng thử) và chứng cấp mạn kinh phong.
Bài viết này có 0 bình luận