Hộ lý (chăm sóc)
04/01/2014 09:34 - Đăng bởi: adminBất kỳ bệnh gì, trong quá trình chữa bệnh và nghỉ dưỡng bệnh, ngoài việc cấp thuốc ra, còn về những phương diện tinh thần, ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi của người bệnh, đều cần phải căn cứ vào bệnh tình khác nhau để chăm sóc bệnh nhân cho thích đáng, đó là điều rất trọng yếu.
Đông y trước kia rất ít tổ chức chữa bệnh tập thể, cho nên cũng thiếu nhân viên chăm sóc chuyên nghiệp, cụ thể là công tác hộ lý đều do thầy thuốc chỉ dẫn cho người nhà bệnh nhân tự làm lấy. Vì thế nhìn ở bề ngoài, thì giống như Đông y không có phương pháp chăm sóc, kỳ thực Đông y rất chú ý đến việc chăm sóc, vả lại đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú.
Việc chăm sóc của Đông y, chính là do ở hình thức riêng biệt, cho nên chẳng những chỉ có thầy thuốc nắm vững được kinh nghiệm phong phú, mà một bộ phận trong đó đã trở thành việc chăm sóc thường thức, truyền bá trong dân gian, nhà nào cũng hiểu. Như trẻ con lên sởi cần tránh gió, bệnh ngoại khoa (như sang, lở, mụn nhọt v.v...) không nên ăn những thứ phát ra, đều đã phối hợp có hiệu quả với công tác chữa bệnh của Đông y.
Còn như sách vở ghi chép về việc chăm sóc của Đông y, phần nhiều thấy tản mác ở trong các tác phẩm Y học từ đời này qua đời khác. Ghi chép sớm nhất thì bắt đầu thấy ở trong thiên Tạng khí pháp thời luận sách Tố vấn nói: “Bệnh ở can... kiêng đứng chỗ gió...; bệnh ở tâm kiêng ăn đồ nóng, mặc áo ấm quá...; bệnh ở tỳ kiêng ăn đồ nóng, ăn no quá, ở chỗ thấp, mặc áo ướt...; bệnh ở phế... kiêng ăn uống lạnh, mặc lạnh...; bệnh ở thận... kiêng ăn đồ đốt nướng nóng quá, mặc áo hơ nóng”. Do đó có thể biết từ đời Chiến quốc xưa kia, các nhà y học đã đề ra sự kiêng kỵ về ăn mặc ấm lạnh theo bệnh của ngũ tạng là rõ ràng đã mở đường cho môn hộ lý học, đồng thời cũng nói rõ y học của Trung Quốc luôn luôn coi trọng công tác chăm sóc.
Nội dung chương này là căn cứ vào một bộ phận tài liệu sách vở thường thấy rồi chỉnh lý thêm để giới thiệu một cách đơn giản, đồng thời cũng chỉ ra sự hiểu biết về chăm sóc nói chung, còn như việc chăm sóc chuyên khoa lại còn có đặc điểm nhất định của nó, ở đây không bàn đến.
I. Phương diện tinh thần
Sự hoạt động về tinh thần của bệnh nhân có ảnh hưởng rất lớn đến tật bệnh. Như thất tình: mừng, giận, lo, nghĩ, buồn, sợ, kinh đều có thể làm cho tinh thần của người bệnh bị các thứ ảnh hưởng khác nhau. Thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn nói: “Giận quá hại can... mừng quá hại tâm...; nghĩ quá hại tỳ...; buồn quá hại phế...; sợ quá hại thận...” Đó tức là nói sự kích thích về tinh thần, cũng có thể ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của nội tạng mà sinh ra tật bệnh. Cho nên cần phải thông qua công tác chăm sóc, để tiêu trừ sự kích thích khác thường đến tinh thần của người bệnh, làm cho người bệnh giữ gìn được yên tĩnh, là có lợi cho công tác chữa bệnh.
1. Ảnh hưởng tinh thần của người bệnh
Người bệnh có khi sinh ra các thứ tình tự rất không yên tĩnh, nguyên nhân đó một phần có thể có quan hệ với bệnh tình khác nhau của mỗi người; một phần là do ở hoàn cảnh sinh hoạt khác nhau của mỗi người, về tư tưởng hoạt động cũng không giống nhau. Như thế thì người làm công tác chăm sóc cần có sự quan sát và hiểu biết tỉ mỉ nhằm đúng nguyên nhân khác nhau, và tình hình tư tưởng khác nhau mà giải thích và thuyết phục khác nhau. Nhất là một số bệnh nhân bị bệnh mãn tính nghiêm trọng thường lo lắng bệnh của mình không biết có chữa được khỏi không? Có nguy hiểm không? Lo sầu, sợ hãi, ngờ vực luôn luôn, thường thường làm cho thế bệnh trở thành nguy hiểm. Đối với những người bệnh như thế, thì thầy thuốc và nhân viên hộ lý làm thế nào để cởi mở được sự lo lắng cho những bệnh nhân đó, lại càng là một nhiệm vụ trọng yếu.
Cũng có một số người tính tình nóng nẩy, kiêu căng, sau khi mắc bệnh, hơi có chuyện bất bình, thì liền tức giận. Việc chăm sóc đối với những người bệnh như thế thì một mặt cần tiêu trừ nguyên nhân bị cám dỗ ở ngoài (không làm xúc động cho họ tức giận), một mặt cần phải có tính nhẫn nại, đem sự lợi hại để khuyên giải, làm cho bệnh nhân tự giác mà khắc phục khuyết điểm, để cùng hợp tác chặt chẽ với thầy thuốc và nhân viên hộ lý.
2. Người thăm bệnh có ảnh hưởng đến tinh thần bệnh nhân
Khi thăm người bệnh, nhất định phải giữ gìn yên tĩnh, không nên vì bệnh tình của người bệnh nặng hơn mà có sự kinh hãi, hoặc tỏ ý lo lắng, chỉ nên nói những chuyện vui vẻ với bệnh nhân, không nên gây cho người bệnh sinh nghĩ ngợi phức tạp. Bởi vì có một số bệnh nhân hay có cảm xúc mau lẹ đặc biệt, mà lại đa nghi, nên về ngôn ngữ thái độ đều cần phải chú ý.
3. Tiến hành công tác chăm sóc về tinh thần như thế nào?
Thái độ và ngôn ngữ của nhân viên hộ lý đối với người bệnh cần phải hòa nhã, vui vẻ, ôn tồn, mềm dẻo mà rộng lượng, cần khéo thông cảm được sự đau khổ của họ, và nêu rõ sự đồng tình sâu sắc. Truớc mặt người bệnh, không nên lộ ra vẻ căng thẳng, để tránh cho họ khỏi có sự hiểu ngầm không tốt; đồng thời cần phải hiểu được tâm lý của họ, dùng lời lẽ rõ ràng để tiêu trừ sự lo ngại và sợ hãi trong tư tưởng của họ, vì tật bệnh hoặc vì thủ thuật mà sinh ra. Như thế mới có thể làm cho người bệnh tâm tình vui vẻ, tinh thần yên ổn, mà có thể rút ngắn bệnh trình, sớm khôi phục được sức khỏe.
Hơn nữa, đối với một số người bệnh tính tình ngang trái, chỉ theo ý muốn của mình, không theo lời dặn của thầy thuốc, thì cần phải lấy thái độ thành thực mà khuyên răn và thuyết phục, làm cho trong lòng người bệnh có sự cảm động, theo đó mà sửa đổi tính tình ngang trái cố chấp. Thiên Sư truyền sách Linh khu nói: “Tính tình người ta, không ai là không sợ chết mà ham sống, bảo cho họ biết điều xấu, nói cho họ biết điều tốt, dẫn cho họ sự tiện lợi, cởi mở cho họ sự đau khổ, thì dù là người ngang ngạnh cứng đầu, lẽ nào họ lại không nghe sao?”. Chúng ta có thể thấy được rằng người xưa cũng coi trọng vấn đề giải quyết tư tưởng cho bệnh nhân.
II. Phương diện khí hậu
Trong thời tiết rét dữ, nắng to, người khỏe còn khó chịu huống hồ là người bệnh, thì lại càng khó mà chống chọi nổi, cho nên khí hậu trong buồng bệnh cần được “ấm, lạnh vừa phải”. Như mùa đông rét lạnh, trong buồng bệnh nên thiết bị cho có khí ấm; mùa hạ nóng bức, trong buồng bệnh nên sắp đặt cho thông gió giảm bớt nóng. Thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn nói: “Rét hại thân thể, nóng hại khí”. Lại nói: “Rét nóng quá độ thì sinh mệnh không vững”. Như thế có thể thấy được khí hậu nóng rét rất quan hệ đối với thân thể người ta. Như bệnh ngoại cảm không tránh gió lạnh thì mồ hôi không ra, mà biểu tà khó giải. Trẻ con lên sởi bị lạnh thì mụn độc không phát ra khắp được mà chuyển thành các chứng nguy hiểm; thời khí gây ra bệnh nhiệt, trong nhà nhiệt độ quá cao thì người bệnh dễ sinh ra phiền táo (tuy nên có không khí lưu thông, nhưng cũng không nên để gió lùa thẳng vào); lại như thời tiết mùa hè bị trúng thử, đem vào ở chỗ gió mát, thường thường dễ làm cho hạ cơn sốt tỉnh người; người cảm bệnh thấp tà, nên ở chỗ khô ráo mà không nên ở chỗ ẩm ướt v.v... Về phương diện chăm sóc đều nên lựa cách xếp đặt khác nhau, nếu không thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả về trị liệu. Tóm lại, đối với bệnh tình khác nhau, cần nên theo sự thay đổi khác nhau của khí hậu bốn mùa mà điều hòa cho thích đáng.
III. Phương diện ăn uống
1. Lựa chọn thức ăn uống
Thiên Tạng khí pháp thời luận sách Tố vấn nói: “Thuốc dùng đuổi bệnh tà, ngũ cốc để dinh dưỡng, trái cây để giúp thêm, thịt cá để bổ ích, rau đậu để sung dưỡng, hợp khí vị lại mà ăn uống, để bổ ích tinh khí”. Đó là chỉ bảo rõ cho chúng ta về thuốc chủ yếu là để đuổi bệnh, đồng thời cần phải lợi dụng những đồ ăn có nhiều chất bổ dưỡng như ngũ cốc, trái cây tươi, thịt cá, rau đậu để bổ ích tinh khí. Như thế thì tà khí mất đi mà chính khí cũng sớm khôi phục. Khí vị của đồ ăn cũng giống như vị thuốc, cũng có chia ra bốn khí: hàn, nhiệt, ôn, lương và năm vị: chua, đắng, cay, mặn, ngọt, cho nên về tính vị đồ ăn của người bệnh, cũng phải căn cứ vào bệnh tình mà lựa chọn một cách thích đáng.
2. Sự kiêng khem về ăn uống
Trong thời gian người bệnh uống thuốc, thì sự kiêng khem về phương diện ăn uống là rất trọng yếu, trong sách Nội kinh đã sớm nêu lên vấn đề này. Nói về tính và vị của đồ ăn, về phương diện tính thì như trên đã nói “Bệnh ở tâm kiêng ăn đồ nóng, bệnh ở phế kiêng ăn lạnh” v.v... Về phương diện vị, thì như thiên Ngũ vị sách Linh khu nói: “Bệnh ở can kiêng cay, bệnh ở Tâm kiêng mặn, bệnh ở tỳ kiêng chua, bệnh ở thận kiêng ngọt, bệnh ở Phế kiêng đắng”. Đây là người xưa đem lẽ tương khắc của Ngũ hành để nói rõ sự kiêng kỵ về ngũ vị đối với người bệnh. Trong lâm sàng đã chứng minh sự biến hóa đột nhiên của một số bệnh: sự kéo dài thời kỳ khôi phục, và sự tái phát sau khi bệnh đã khỏi, phần nhiều vì ăn uống bừa bãi, không kiêng khem cẩn thận. Sự kiêng khem về ăn uống đại để có thể chia làm hai phương diện:
a. Một số bệnh nào đó cần phải kiêng khem một số đồ ăn nào đó như bệnh đinh sang kiêng ăn đồ ăn hăng tanh kích thích; bệnh lao phổi kiêng ăn đồ cay nóng; bệnh Thủy thủng kiêng ăn mặn, bệnh hoàng đản và bệnh tiết tả kiêng ăn chất dầu mở; bệnh ôn nhiệt kiêng ăn tất cả các đồ ăn có tính cay nóng; bệnh thuộc hàn tính kiêng ăn các thứ hoa quả sống lạnh.
b. Uống một số vị thuốc nào cần phải kiêng một số đồ ăn nào, như: vị Miết giáp kiêng rau dền; Kinh giới kiêng ăn cá, cua; Thiên môn đông kiêng ăn cá chép; Bạch truật kiêng ăn đào, mận và tỏi; Mật ong kiêng ăn hành; bột sắn kiêng uống nước chè lá; uống thuốc bổ kiêng rau cải củ và các đồ ăn mặn. Những điều trên đây thì người làm công tác hộ lý đều cần phải hiểu rõ. Ngoài ra, hai thiên “Cầm thú trùng ngư, cấm kỵ tinh trị” và thiên “Quả thực thái cốc, cấm kỵ tinh trị” trong sách Kim quỹ yếu lược và sự ghi chép về kiêng kỵ ăn uống trong các sách khác, đều nên tham khảo.
c. Ăn uống có chừng mực
Chăm sóc việc ăn uống của người bệnh, chẳng những cần chú ý lựa chọn và kiêng kỵ mà còn phải chú ý đến năng lực tiếp thụ và số lượng cần thiết của người bệnh nữa. Đói quá, no quá đều có hại đến tỳ. Thí dụ: người bị bệnh mãn tính, trong khi sức tiêu hóa còn mạnh, thì số lượng ăn uống có thể căn cứ vào sự cần thiết của người bệnh, không nên hạn chế chặt chẽ quá, để khỏi ảnh hưởng đến sự bồi bổ dinh dưỡng. Nếu như sức tiêu hóa yếu hoặc người bị bệnh cấp tính, thì lượng ăn uống sẽ phải hạn chế cho được thích đáng, có thể áp dụng biện pháp ăn ít mà nhiều bữa, để ngăn ngừa người bệnh ăn nhiều làm tổn thương đến tỳ vị, trở ngại sự tiêu hóa. Người bệnh bị nhiệt tính, đương lúc nhiệt độ cao, còn phải xem xét kiêng hẳn đồ ăn dầu mỡ, hăng tanh để tránh khỏi bệnh tà lưu trệ, mặc dù sự ăn uống của người bệnh còn thấy ngon lành thì cũng chỉ có thể cho ăn những thứ thanh đạm. Nếu là những bệnh tật ở trường vị thuộc về thực tích đình trệ, thì càng cần phải dè dặt ăn uống, nếu không thì thế tất tăng thêm gánh nặng cho trường vị mà bệnh thế nặng thêm.
Thời kỳ khôi phục của người bệnh, bệnh tà đã khỏi, chính khí chưa khôi phục, cần nên chú ý đến sự dinh dưỡng của người bệnh. Sự kiêng kỵ và hạn chế số lượng ăn uống, cần mở rộng từng bước cho thích đáng, dựa vào đó mà xúc tiến việc ăn uống để giúp đỡ cho việc khôi phục sức khỏe. Thiên Ngũ thường chính đại luận sách Tố vấn nói: “Ngũ cốc, thịt, rau, quả ăn uống điều dưỡng thì tà khí sẽ hết”. Đó tức là nói không nên đơn thuần dựa vào thuốc chữa bệnh, mà coi thường sự ăn uống bồi dưỡng. Nhưng sự ăn uống bồi dưỡng cũng phải có chừng độ nhất định. Cho nên tiếp sau đó lại nói: “Đừng dùng quá mức, mà hại đến chính khí”. Thiên Nhiệt luận sách Tố vấn lại nói: “Bệnh nhiệt mới bớt, nếu ăn thịt thì bệnh trở lại, ăn nhiều thì dư nhiệt lưu lại không khỏi, đó là điều kiêng kỵ”. Đây lại nêu ra khi tật bệnh mới khỏi, không nên ham ăn mà gây thành chứng “thực phục”(1)
IV. Phương diện khởi cư
1. Vệ sinh buồng bệnh
Buồng của bệnh nhân cần trang trí đơn sơ, gọn gàng, sạch sẽ, ánh sáng đầy đủ, không khí lưu thông, những thứ phân, nước tiểu, nên dọn sạch ngay, và nên đốt hương hoặc cắm hoa thơm, giữ gìn khí thơm tho trong phòng không để cho người bệnh vì mùi thuốc, hoặc vì mùi ô uế của những vật bài tiết như phân, nước tiểu, đờm, dãi, máu, mủ v.v... lúc nào cũng cảm thấy mình bị tật bệnh bao vây, nhất là đối với người bị bệnh mãn tính, thì lại càng nên chú ý hơn.
2. Hoàn cảnh cư trú
Sau khi sinh bệnh, do sự đau khổ của thân thể, tinh thần tự nhiên phiền não khác thường, tình tự dễ hay xúc động, cho nên người bệnh trông mong có một hoàn cảnh cư trú được yên tĩnh. Mọi sự phiền phức, ồn ào như gà gáy, chó sủa, trẻ con la khóc, đồ vật đụng chạm v.v... đều dễ làm cho người bệnh không yên, thậm chí làm cho người bệnh kinh hoảng và bực dọc. Cho nên chỗ buồng bệnh nhất định cần giữ gìn trạng thái yên tĩnh, để cho người bệnh có thể nghỉ ngơi và ngủ được tốt, như thế mới có thể hợp với yêu cầu chữa bệnh và điều dưỡng cho người bệnh.
3. Nghỉ ngơi và vận động
Sự nghỉ ngơi và vận động của người bệnh là phải căn cứ vào tính chất và bệnh tình của tật bệnh để quyết định. Nói chung, người bị bệnh mãn tính, vận động nhẹ nhàng, để giúp cho sự vận hành của khí huyết. Như chăm sóc đối với người bệnh cước khí, thì trong thiên Cước khí luận sách Ngoại đài bí yếu nói: “Phàm người bị bệnh cước khí không thể khỏi hẳn, đến mùa xuân, mùa hạ lại phát ra. Mùa hạ thì tấu lý mở ra, không nên nằm ngủ... nên cử động khớp xương luôn luôn, để thường được thông lợi... Người có sức bình thường, thì sau mỗi bữa ăn, nên đi 500 bước, mỏi mệt thì thôi”. Thiên Kinh mạch sách Linh khu có chép về cách chữa bệnh Thiếu âm: “Thắt lưng lỏng, xõa tóc, dùng gậy vững, giày ấm mà đi”, đều nói rõ sự vận động là có lợi cho thân thể người bệnh, nhưng người bị bệnh nhiệt và người bệnh suy yếu quá, thì cần phải dứt khoát nằm nghỉ để khỏi vì nhọc mệt mà làm cho bệnh tìnhnặng thêm. Ngoài ra, bệnh nặng mới khỏi cũng cần phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng cho thích đáng, đợi sau khi sức khỏe đã khôi phục, mới có thể tham gia dần dần một số động tác thể dục.
Trong sách Thương hàn luận có ghi chép về bệnh lao phục, tức là vì sức khỏe chưa khôi phục được như trước, đã gắng gượng làm việc mà gây ra. Cho nên sau khi mắc bệnh nặng mới khỏi, thì nhất định phải tĩnh dưỡng cho thể lực được khôi phục, không nên lao động sớm quá mà làm cho bệnh trở lại, điểm này cần phải chú ý.
V. Cấp thuốc (Chủ yếu là thang tễ)
1. Sắc thuốc
Sắc thuốc có cách thức nhất định. Nói chung, thuốc phát biểu thì phần nhiều lấy khí cho nên dùng lửa cháy to sắc nhanh. Thuốc bổ ích thì cần lấy vị, cho nên phải dùng lửa nhỏ, sắc chậm. Ngoài ra có khi sắc đầu vị trước, rồi sau mới cho các vị khác vào; cũng có một số vị sắc trước, một số vị sắc sau; có khi cho một vị vào sắc trước để lấy nước sắc các vị thuốc khác; có khi sắc riêng từng vị trước, rồi sau lại sắc chung; có khi sắc trước một số vị thuốc mà hớt bỏ bọt ở trên đi; có khi bỏ nước đầu đi mà uống nước thứ hai. Những cách sắc thuốc như thế, đều có ý nghĩa thực tiễn nhất định, cần phải làm theo đúng lời dặn của thầy thuốc.
Khi sắc thuốc đổ nhiều nước hay ít, cần căn cứ vào tuổi của người bệnh, thang thuốc lớn hay nhỏ và tính chất của vị thuốc mà quyết định, không thể cho đều một mức được.
Khi sắc thuốc cần phải có người trông nom, không nên sơ suất, để nước thuốc khỏi trào ra, hoặc lại cạn khô. Sau khi thuốc sắc được rồi thì theo lời dặn của thầy thuốc mà cho uống, nước thuốc chưa uống hết, nên đựng vào trong cái lọ sạch sẽ (mùa hè cần chú ý đề phòng hay thiu), khi uống lần sau, nên hâm nóng cẩn thận, không nên uống lạnh.
2. Uống thuốc
Thời gian uống thuốc: bệnh từ ngực trở lên, thì nên uống sau khi ăn; bệnh từ ngực trở xuống thì nên uống trước khi ăn; bệnh từ tứ chi huyết mạch thì nên uống lúc tảng sáng; bệnh ở xương tủy, thì nên uống sau khi ăn cơm tối, hoặc khi sắp đi nằm; thuốc chữa bệnh sốt rét, thì cần uống trước khi lên cơn 2 tiếng đồng hồ; thuốc điều bổ thì nên uống khi đói bụng.
Uống thuốc có liều lượng và số lần: bệnh ở bộ phận trên, thì nên dùng số lượng ít mà chia nhiều lần uống; bệnh ở bộ phận dưới thì nên dùng số lượng nhiều mà uống cả một lần; bệnh yết hầu thì nên luôn luôn ngậm nuốt xuống từ từ; bệnh nặng gấp thì nên uống liền 1 ngày vài thang; về các bệnh nói chung thì mỗi ngày uống 1 thang, 1 thang chia 2 lần uống, nhưng cũng có thể 3 lần uống, chủ yếu là căn cứ vào sự cần thiết của bệnh tình mà quyết định.
Thí dụ: người bệnh lâu ngày uống thuốc đã nhiều, hoặc người bệnh vị khí hư yếu, phần nhiều là sợ uống thuốc, thậm chí nghe đến thuốc đã nôn nao, trong tình hình như thế, như muốn uống 1 thang ngay cả 1 lần, thì không thể tiếp thu được, nếu thang thuốc nhỏ quá, thì lại không công hiệu, chỉ có chia ra làm mấy lần uống, đã tiện cho sự tiếp thu, lại có thể làm cho sức thuốc được liên tục.
Về độ nóng của nước thuốc: nói chung, những thuốc hồi dương, bổ, thác, ôn dưỡng đều cần uống ấm, cho dễ vận hóa; thuốc phát hãn, càng nên uống nóng để giúp đỡ việc ra mồ hôi; thuốc thanh nhiệt thì không nên uống nóng. Ngoài ra còn có cách dùng thuốc nhiệt cho uống lạnh, để chữa chứng “âm thịnh cách dương” và cách dùng thuốc hàn cho uống nóng để chữa chứng “nhiệt phục ở trong”, đó là một phương pháp phản tá.
3. Những điều cần chú ý trong khi uống thuốc
a. Khi uống thuốc cần ổn định tinh thần cho bệnh nhân, không nên để nhìn hoặc nghe những sự tình không vui vẻ, cũng không nên có những tình tự giận dữ, buồn thương, lo nghĩ, nghi ngờ.
b. Sau khi uống thuốc phát hãn nên nằm yên. Như thuốc tân ôn phát biểu thì nên uống nóng, đắp mền ấm, để giúp cho mồ hôi ra; nếu thuốc tân lương phát biểu, thì tuy có đắp mền nhưng cũng không nên ấm quá. Phàm phát hãn chỉ nên cho mồ hôi dâm dấp khắp toàn thân, tránh ra mồ hôi nhiều quá dầm đề, mà tổn thương đến tân dịch. Sau khi uống thuốc phát hãn mà mồ hôi còn không ra, có thể uống một ít nước nóng, để giúp cho sức thuốc, nhưng không nên uống nhiều quá. Sau khi ra mồ hôi, kiêng ăn những đồ sống lạnh, cay, hăng, thịt ôi hoặc mì thiu.
c. Trước khi uống thuốc gây mửa, nên dặn người bệnh thắt chặt bụng dưới, sau khi uống không mửa ngay thì có thể dùng lông ngỗng ngoáy, hoặc lấy ngón tay móc vào cổ cho mửa, hoặc lại uống một ít nước nóng. Nếu mửa không thôi, thì có thể ăn một ít cháo để nguội, hoặc nước đun sôi để nguội. Nếu vì uống Qua đế mà mửa không thôi thì có thể dùng Xạ hương sắc lên mà uống. Nếu vì uống Lê lô mà mửa không thôi thì có thể dùng Thông bạch sắc cho uống. Sau khi mửa, kiêng ăn những đồ ăn sống lạnh, dầu mỡ khó tiêu hóa!
d. Thuốc tả hạ nên uống lúc bụng đói, nhưng không nên dùng số lượng nhiều quá, vì quá lượng thì thường làm cho hạ mạnh qúa không cầm được, mà sinh ra hư thoát. Sách Thương hàn luận có chép những lời: “Vi lợi" (hạ từ từ), “khoái lợi” (hạ nhanh) và “hạ được rồi, đừng uống thuốc còn lại nữa”, tức là nói rõ thuốc tả hạ phải căn cứ bệnh tình khác nhau, để sử dụng bài thuốc và số lượng khác nhau, khỏi bệnh thì thôi ngay, không nên hạ nhiều quá mà tổn thương đến vị khí.
5. Uống rượu thuốc mỗi ngày có thể uống 3, 4 lần, số lượng uống thì hễ cảm thấy có sức thuốc chạy làm chừng, nhất thiết đừng uống nhiều quá, nếu không theo đúng lại uống nhiều quá thì say mà mửa, làm tổn hại đến nguyên khí.
6. Uống những vị thuốc có chất độc, hoặc những tễ thuốc hơi lớn, thì thường thường sinh ra phản ứng bần thần khó chịu, đó tức là hiện tượng mà người xưa cho là công thuốc (minh huyễn), lúc đó nhân viên hộ lý cần giữ thái độ bình tĩnh, an ủi người bệnh, không nên kinh hoảng, và đem tình hình báo cáo ngay cho thầy thuốc biết để kịp thời xử lý cho thích đáng. Căn cứ tình hình hộ lý đã trình bày ở trên mà xét, thì việc hộ lý của Đông y chủ yếu là nhằm đúng những phương diện về tinh thần, ăn uống, khởi cư của người bệnh để xử lý, trong đó đặc biệt chú ý đến sự ảnh hưởng về tinh thần, điểm trọng yếu là giúp đỡ người bệnh để tiêu trừ hoặc làm giảm yếu những sự kích thích của người bệnh. Đó là đặc điểm về hộ lý của Đông y, mà cũng là mục đích căn bản của vấn đề hộ lý.
Bài viết này có 0 bình luận