Thương khoa khái yếu
30/12/2013 01:34 - Đăng bởi: adminThương khoa khái yếu
Thương khoa là một môn học chữa về trật đã tổn thương. Từ đời nhà Chu đã sớm đặt ra Dương y (thầy thuốc ngoại khoa). Dương y lúc bấy giờ là chữa chung tất cả các tật bệnh như bị sưng, bị loét, bị đâm chém, bị gẫy, Từ đời Tống trở về sau, mới lập ra chuyên khoa, trong đó bộ phận nắn xương lại có thành tựu rất lớn, nhất là đời Nguyên, vì hay dùng việc võ, tinh nghề cưỡi ngựa bắn cung, cho nên đối với sự chữa bị té ngã, đâm chém có phát triển khá, theo đó mà làm thêm phong phú nội dung của thương khoa.
Thương khoa chép trong sách vở của các đời tuy có tên gọi khác nhau, như rơi, ngã, đánh, té, vết đâm, chém, bong gân, gãy xương, nắn bó gãy xương, kỳ thực những bệnh chứng chủ trị đều không ngoài phạm vị vết thương và gãy xương.
Sinh ra bệnh thương khoa, nguyên nhân của nó là lấy ngoại thương làm chủ, ví như bị rơi, bị đánh, vấp ngã, bị gãy, cất nặng, bị đâm, bị dằn cho đến bị chém, bị đứt, bị thương ở ngoài v.v... đều gây nên ắự tổn thương nặng nhẹ khác nhau. Nhưng ngoài những nguyên nhân ấy, cũng còn có vì nguyên nhân bên trong gây ra nữa, ví như trật khớp hàm dưới, phần nhiều vì khí hư không giữ chặt được khớp xương mà sinh ra. Do đó, theo thói quen, thì đều lấy bộ vị hoặc chứng trạng của vết thương mà phân loại, tức như bị gãy nát tay chân, thân thể, da thịt, gân cốt, thì gọi là ngoại thương, nếu ảnh hưởng đến tạng phủ khí huyết trong thân thể, thì gọi là nội thương.
I. Chẩn đoán
Chính như đã nói trên, thương khoa có chia nội thương và ngoại thương. Trong đó bệnh nội thương tuy nguyên nhân sinh bệnh cùng với bệnh nội khoa khác nhau, nhưng vì có ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của tạng phủ khí huyết, cho nên các chứng trạng phản ảnh ra cùng với một số bệnh nội khoa, thật có chỗ giống nhau, cần phải phân biệt. Bài tựa họ Lục trong sách Chính thể loại yếu nói: “Tay chân thân thể thương tổn ở ngoài thì khí huyết bị thương ở trong, phần vệ phần dinh không thông suốt với nhau, tạng phủ do đó mà không hòa, không lẽ cứ đơn thuần dùng thủ pháp, mà không tìm mạch lý, xét hư thực để bổ tả hay sao?”. Lại nữa trong bệnh ngoại khoa, có những chứng như nhọt di chuyển ở chỗ hoàn khiêu, mụn ở chỗ bả vai và hết thảy mụt trong xương, theo bề ngoài mà xem xét, cách đau, hình lệch, thế sưng v.v... thường thường hơi giống những chứng sai xương, gãy xương, trật xương của thương khoa, nhưng xét cho kỹ, thì hoàn toàn khác nhau. Do đó có thể biết chẩn đoán về thương khoa là tương đối trọng yếu. Nay lấy bốn phép chẩn làm cương lĩnh, trình bày sơ lược dưới đây:
1. Vọng chẩn
Chứng trạng của thương khoa, trừ về mặt nội thương ra, nói chung là biểu hiện ra bề ngoài thân thể, cho nên đầu tiên cần xét về vọng chẩn cho rõ.
a. Toàn thân:
+ Phàm thấy hiện tượng thần sắc chưa suy, đổ mồ hôi kêu gào, đau nhức không yên, đó là sự phản ảnh bình thường, bệnh tình còn thuận.
+ Phàm thấy sắc mặt xanh nhợt, hai mắt không có thần, rên rỉ tiếng nhỏ, thường ra mồ hôi lạnh, hơi thở vắn gấp, đó là chính khí suy yếu, bệnh đã nghiêm trọng.
+ Phàm thấy môi xanh, mặt trắng dờ, tinh thần mê mẩn, con ngươi khuếch tán, mồ hôi ra như dầu, hơi thở nhỏ yếu là đã đến lúc nguy hiểm.
+ Ngoài ra còn có một số chứng trạng cũng không dễ chữa, trình bày dưới đây để tiện tham khảo:
+ Như trên hai lòng trắng con mắt có nhiều gân đỏ, thì trong người ứ huyết tất nhiên, chữa cũng khó hơn (có một thuyết nói Hoành cách mô rách nát thì mắt đỏ như máu).
+ Ngũ quan bị phá hoại nghiêm trọng, thì khó khôi phục lại được.
+ Thương tổn vào đến phế hoặc dưới sườn bị thương thấu vào trong, ruột bị thương đứt, bụng dưới bị thương thấu vào trong, hòn dái bị thương vỡ hoặc thụt lên trên, trong vai và sau tai bị thương thấu vào trong, huyết ra hết, đều thuộc chứng nguy hiểm khó chữa.
+ Bóp nơi móng tay mà máu trở lại ngay là dễ chữa, không thế thì khó chữa. Móng tay móng chân đều đen, lòng bàn chân đều vàng như sáp là chứng nguy.
b. Cục bộ
* Phàm bị sang thương chưa có miệng, thì phải xem sưng lớn nhỏ, sắc hồng, đỏ tía, đen thế nào, bị ở chỗ nào, về kinh nào, lạc nào. Đặc biệt là theo những phương diện hình, sắc, cứng, mềm của dấu sưng, lại có thể xét biết hư thực của khí huyết, trình độ dấu sưng, ví dụ dưới đây:
- Thế sưng như bông, màu da và ôn độ bình thường, nắn xuống thì lên ngay là sưng thuộc thực.
- Nắn chỗ xương lõm xuống, không lên ngay được là sưng thuộc hư.
- Sưng cứng như có cục hoặc trong da có vệt máu bầm, ôn độ không lên cao là sưng thuộc huyết.
- Sưng cứng như đá, màu da hồng tía, ôn độ tăng cao là khí huyết đều bị thương.
* Phàm bị vết thương mà có vỡ miệng, trừ phải xét bộ vị của nó ở chỗ nào ra, còn phải chú ý đến miệng to hay nhỏ, sâu hay nông, bị ở da, bị ở thịt hoặc bị ở gân, bị ở xương, v.v...
* Phàm bị vết thương ra máu, nếu máu theo vết thương luôn luôn rỉ ra, sắc máu tươi hồng mà ít, đó là bị thương đến mạch máu nhỏ, nếu sắc máu tươi hồng phun ra như suối không ngừng là bị thương đến mạch máu to. Nếu máu ra không cầm được thì khó chữa.
* Phàm thấy khớp xương sai, bộ vị gọi là trật xương:
- Trật xương quai hàm dưới, há miệng không ngậm lại được, ăn nuốt khó khăn, chảy nước dãi luôn. Trật bên trái thì nghiêng sang bên phải, trật bên phải thì nghiêng sang bên trái, trật một bên thì nói năng không rõ, trật cả hai bên thì miệng há càng to, không nói năng được.
- Trật khớp xương vai: cánh tay không xuôi, không động đậy được, chỗ vai thành hình vuông, không duỗi nhấc lên được.
- Trật khớp xương khuỷu tay: chỗ khuỷu tay sưng lên rõ rệt, thấy như co nửa chừng, vận động bị ngăn trở.
- Trật khớp xương cổ tay: cổ tay và ngón tay không vận động được.
- Trật khớp xương mông: chỗ mông đít lồi ra, không co lại được, đi đứng vẫn yếu sức. Chân co vắn lại hay duỗi dài ra.
- Trật khớp xương gối: chỗ gối sưng lên, lồi ra rõ rệt, không co duỗi được.
- Trật khớp xương mắt cá: thường thường xương mắt cá ngoài, lòi ra phía ngoài, chỗ bàn chân có hình trạng quặp vào phía trong, nhưng cũng có một số rất ít là xương mắt cá trong lòi vào phía trong.
* Phàm xương bị gãy, gọi là gãy xương:
- Gãy xương đầu: chỗ gãy sưng lên, màu da bầm tím hoặc có chảy máu, nặng thì có thể chóng mặt chết ngất.
- Gãy xương mũi: sống mũi lõm xuống, đổ máu mũi.
- Gãy xương hàm: há miệng không thuận, nước bọt có máu, nói năng khó khăn, không thể nhai được, có dạng xiên lệch.
- Gãy xương đòn gánh: xung quanh chỗ xương đòn gánh có hình cong, một bộ phận hoặc toàn bộ cánh tay không vận động được.
- Gãy xương mông: chỗ xương mông sưng lên, không vận động được, chân quặt ra phía sau, hoặc nghiêng vào phía trong.
- Gãy xương bánh chè: chỗ xương bánh chè sưng lên, khớp xương đầu gối không co duỗi vận động được.
- Gẫy xương sườn: ở bên bị thương có khi lồi ra, có khi lõm xuống, thở thì khó khăn, ho thì đau dữ dội, mình không quay trở được.
- Gãy xương sống: chỗ lưng không cong xuống được, mất hết công năng vận động, nặng thì chân tay không lay động được, toàn thân tê dại, đại tiểu tiện đi són, hai chân co giật, mất hẳn tri giác.
- Gãy xương chân tay:
+ Năng lực vận động của tay chân bị thương đều mất hết.
+ Bề ngoài thấy có thay đổi và tay chân bị thương rút ngắn lại
+ Xung quanh sưng lên.
+ Chỗ bị thương có hiện tượng cong.
2. Vấn chẩn
Phép vấn chẩn trong thương khoa, trừ các cánh vấn chẩn chung ra, nên lấy hai phương diện về nguyên nhân sinh ra bệnh và sự cảm giác ở chỗ đau làm trọng điểm.
a. Nguyên nhân sinh ra bệnh.
- Tự mình sinh ra bệnh: người bệnh vì bởi tự mình vấp ngã, tránh né mà sinh ra, nói chung thì thế bệnh tương đối đơn thuần.
- Vì nguyên nhân ngoài mà sinh bệnh: là người bệnh bị vật khác đè ép phải, chà phải, đụng phải, đâm phải mà gây ra, nói chung, thế bị thương có phức tạp hơn.
- Cớ khác: lai lịch bệnh đã qua của người bệnh, có bệnh gì cũ không, cho đến quá trình chữa như thế nào, cần phải nói rõ toàn diện:
b. Sự cảm giác ở chỗ đau:
- Chỗ bị thương đau nhức mà không cho nắn và sưng đỏ là thực chứng, quá nửa là hiện tượng mới bị thương ở bắp thịt hoặc ởhuyết phận. Nếu đau phiền không nhất định chỗ nào, ưa nắn mà sắc da bình thường, phần nhiều là hư chứng, là ở kinh lạc, khớp xương bị thương hoặc vết thương cũ đồng thời phát ra.
- Chỗ bị thương tê dại mà sưng đỏ méo vẹo, hoặc không biết đau, không vận dụng được, phần nhiều là kinh lạc hoặc trong xương bị thương. Nếu tê dại không biết đau, sắc da như thường, nặng thì teo nhăn lại, phần nhiều là bệnh nặng, vì kinh lạc và gân thịt bị thương.
- Ngực buồn thiếu sức, tự cảm thấy tim nhảy, mà đau không nhất định chỗ nào, là bị thương ở khí phận.
- Thiếu sức, bụng đầy hoặc đau bụng mà tiện bí, là bị thương ở huyết phận.
- Họng ngứa mà ho, thổ huyết, khi chưa thổ huyết thì ngực buồn, thổ rồi thì nghe thư thái, cho đến thiếu sức, thở gấp, mỏi rũ, là chứng hậu ứ huyết.
- Thổ huyết ngực buồn và ho là huyết khí đều bị thương.
3. Văn chẩn
Phép văn chẩn của thương khoa, cần đặc biệt chú ý đến hai phương diện tiếng nói và tiếng vang của xương:
a. Tiếng nói:
- Khí suy tiếng nhỏ là hư; khí thịnh tiếng mạnh là thực. Hét to mà rên rỉ nặng tiếng là đau lắm; nói năng trước sau không tiếp tục, hôn mê là chứng nguy.
- Ngọng nghịu, tiếng nhỏ yếu, hoặc nói ra chậm chạp, phần nhiều là bệnh đã lâu. Thở gấp tiếng nói nhỏ, phần nhiều là bị thương ở bụng và ngực.
b. Tiếng chạm của xương:
- Về phương diện gãy xương, trừ vọng chẩn, xúc chẩn ra, xét nghe tiếng cọ xát của xương nát, là một điểm trọng yếu làm căn cứ.
- Khi nắn xương trật trở lại chỗ cũ, có thể bằng vào tiếng trật lại của đầu xương ở bộ phận khớp xương mà đoán được thủ thuật nắn lại chỗ cũ có thành công hay không.
4. Thiết chẩn:
a) Chẩn mạch:
Tật bệnh của thương khoa, tuy không phải vì nội tạng phát bệnh, hoặc cũng không phải có thương tổn đến thực chất của nội tạng, nhưng khi ngoài thân thể bị tổn hại đến một trình độ nhất định, thì từ ngoài vào trong cũng ảnh hưởng đến toàn thể, cho nên ở nơi mạch cũng có sự phản ứng, biến hóa hư, thực, thuận, nghịch.
- Bề ngoài tuy vết thương không chảy máu, nhưng ở trong có huyết ứ khí trệ, mà hiện ra sưng đau, thuộc về thực chứng. Nếu thấy mạch hồng, đại, khẩn là thuận, trái lại thấy mạch hư, vi, sáp, tiểu là nghịch.
- Vết thương ra máu nhiều hơn, khí tất theo huyết mà tiết ra, thấy mạch hư, tế, vi, khổng là thuận, trái lại thấy huyền, khẩn, hồng, đại là xấu.
- Thương tổn đến khí trong tạng phủ, mạch trầm hoạt mà khẩn là ứ trệ kiêm mà có đàm; phù hoạt mà sác, tất có phong đàm cùng phát.
- Chứng trạng tuy giống nhau như đơn thuần, mà 6 bộ mạch lờ mờ phần nhiều khó trị, bệnh tình tuy nặng, mà mạch hoãn có thần, dự đoán phần nhiều là tốt. Đang lúc vết thương nặng, đau nhức kịch liệt mà hiện ra mạch kết, mạch đại, cũng đều là hiện tượng bệnh lý chung.
b) Xúc chẩn:
Xúc chẩn ở trong 8 phép chỉnh cốt, gọi là cách sờ nắn, là một khâu trọng yếu trên thứ tự xử lý. Phương pháp xúc chẩn và thứ tự, phần nhiều là trước nhẹ, sau nặng, từ nông đến sâu, từ xa đến gần, hai đầu đối nhau, đồng thời sờ nắn, tình trạng đổi khác của đầu xương, đốt xương và khúc xương dài.
- Lạnh hay nóng: đem chỗ đau mà so sánh trình độ lạnh nóng với những bộ vị khác hoặc xung quanh, có thể biện biệt ra được là thuộc về những chứng nhiệt hay hàn. Sưng mà nóng là biểu thị ra mới bị thương và có nhiệt; sưng mà mát là biểu thị ra chứng hàn hoặc ứ huyết.
- Điểm đau: điểm đau là biểu thị ra gần quanh đó còn có đầu xương gãy hoặc mảnh xương gãy còn lại. Phạm vi đau của xương gãy xiên thì lớn, gãy ngang thì nhỏ, xương không gẫy hoàn toàn thì đau có chỗ nhất định.
- Hình xiên vẹo: theo hình xiên vẹo biết được có bị trật không, có chồng lên nhau không, có thành góc hoặc xoay chuyển biến hình hay không, cho đến hình xương nát thế nào.
- Tiếng chạm của xương: tức là lấy tay sờ mò để đoán biết trình độ xương gãy. Tiếng cọ sát nhau rõ rệt là xương gãy hoàn toàn.
II. Chứng trạng và cách chữa
A. Ngoại thương
Ngoại thương làm tổn hại, phần nhiều ở da thịt, gân xương, vì nguyên nhân và hoàn cảnh sinh bệnh khác nhau nên tên bệnh rất khó nhất trí. Đại để bị chém, cắt, xây xát, đâm, đánh, mà làm cho một chỗ nào ở da thịt bị rách mà chảy máu gọi là bị yết (sang thương); nhân vì né tránh bị đánh đấm, bị vặn, bị bẻ sái, đến nỗi gân thịt bị thương, tuy có sưng đau mà da thịt còn hoàn toàn, gọi là bị sái (nữu thương); nhân bị rơi ngã, bị đè ép, bị vấp ngã mà đến nỗi đốt xương sai khớp, hoặc gẫy cả ống xương thì gọi là bị gãy (chiết thương). Nay đem chứng trạng và phép chữa, phân biệt trình bày đại khái như sau:
1. Chấn thương
a) Cách chữa ngoài:
- Khi bị thương ở ngoài mà da chưa rách, chỉ sưng đau nhè nhẹ, có thể dùng bài Tán ứ hòa thương thang (1), hoặc bài Chỉ thống tán (2) nấu lấy nước để xông, rửa.
- Bị thương bên ngoài, da thịt sưng đỏ, nóng bừng mà chưa bị rách lở, có thể dùng bài Như ý kim hoàng tán hoặc bài Tử kim đỉnh (3) mà bôi.
- Sưng trướng không đỏ, khí hư rét lạnh, có thể dùng bài Hồi dương ngọc lang cao.
- Sang thương chảy máu không cầm mà thế hoãn, trước nên dùng nước muốinấu sôi, hoặc bài Cam thông tiễn (4) mà rửa miệng vết thương cho sạch, rắc bài Đào hoa tán (5) rồi băng bó lại ngay, chớ để lộ ra gió.
- Phàm miệng vết thương đã hoá mủ, hoặc lâu ngày không thu miệng, nên chiếu theo phép chữ về ngoại khoa.
- Như vết thương ở ngoài chảy máu không cầm, thấy thế gấp hơn, có thể dùng bài Như thánh kim đao tán (6) rắc lên, ngoài băng bó nó lại, hoặc dùng Chỉ huyết hắc nhự nhung điếm (7) đắp lên miệng vết thương, rồi ép chặt lại.
- Phàm lưỡi, môi, tai, thịt bị xé rách, có thể dùng chỉ lụa hoặc chỉ tơ khâu lại, rồi bôi thuốc vào.
- Nếu bị thương rách da thịt, phong tà vào lạc, đến nỗi uốn ván co rút không thôi, đó là chứng phá thương phong có thể dùng phép châm cứu mà chữa. Phép chữa đã bày rõ trong chương Châm cứu khái yếu.
b. Phép chữa trong:
- Phàm hết thảy sự đụng chạm, mà đến nỗi ứ huyết chứa đọng lại, chỗ đau sưng cao lên nên dùng bài Đại thành thang (8).
- Bị thương sưng đau dữ dội, nên dùng bài Nhũ hương định thống tán (9).
- Mọi vết thương sưng, nếu có hiện tượng mưng mủ làm thành nhọt nên dùng bài Thần thụ vệ sinh thang.
- Như vết thương có miệng, chảy máu khá nhiều, lúc dùng thuốc uống nói chung nên lấy sự dưỡng dinh hoà vệ làm chủ; như thấy mình nóng sưng đau, mạch phù, có thể dùng viên Tam hoàng bảo lạp hoàn (10) hòa ra mà uống.
- Như vết thương ra máu nhiều quá, mặt vàng mắt đen, không nên chỉ chuyên về công ứ huyết, nên dùng Bát trân thang.
- Phá rách da thịt, phong tà vào lạc, đến nỗi hàm răng cắn chặt, uốn ván, co quắp không yên, nên trong uống bài Ngọc chân tán (11) hoặc bài Giang phiêu hoàn (12).
- Như miệng vết thương lâu ngày không lành, vì khí huyết đều suy kém, nên dùng bài Thập toàn đại bổ thang.
c. Dự đoán:
+ Hết thảy vết thương, nếu vị khí bình thường, ăn uống không sút, tuy chưa thu miệng nhưng vì khí dương thịnh vượng, âm huyết dễ sinh, dự đoán phần nhiều là tốt.
+ Vỡ óc tủy lòi ra, mà thấy hơi thở không đều, trong họng có tiếng đờm sôi sục, hai mắt trực thị, có thể biết là bệnh không ở chỗ vết thương, mà đã ngấm thấu vào trong, bệnh ấy khó chữa, hoặc ra máu không cầm, trước đỏ sau đen, chân tay mình mẩy phù thũng cũng khó chữa.
2. Bong gân, trật khớp
a) Phép chữa ngoài:
+ Phàm những bộ phận khớp tay, khớp chân, gân thịt bị vặn sái, vận động không lợi, sưng đau nhè nhẹ, thì có thể châm cứu ở chỗ đau vào những kinh huyệt xung quanh đó, rồi xoa bóp, ngoài thì bôi Tán thũng cao (13).
+ Phàm sái gân mạch ở chỗ lưng và xương cùng, tuy không sưng lên rõ rệt, nhưng đau nhức khó chịu, đứng ngồi không được, có thể châm cứu ở chỗ đau và các huyệt xung quanh đó, lại châm hai huyệt Nhân trung và Ủy trung rồi xoa bóp ở chỗ đau và bôi Bảo trân cao (14).
+ Gân mạch bị sái lâu ngày, máu sưng không tan, nắn thì đau mà không cho nắn, có thể dùng Kim tam lăng châm chỗ đau cho ra máu đen, rồi bôi thuốc Xạ quế bảo trân cao (15) hoặc dùng bài Tán ứ hòa thương thang mà xông (1)
+ Gân mạch bị sái, không chữa hoặc chữa nhầm, rồi phát ra nhọt di chuyển hại đến gân, nên theo cách chữa ngoại khoa giải quyết.
b. Phép chữa trong:
+ Đường gân bị sái, đau nhức không thôi, nên uống Tiểu hoạt lạc đan (16).
+ Gân thịt gần khớp xương bị sái, sưng đau dữ dội nên uống bài Tráng cân dưỡng huyết thang (17) hoặc bài Bổ cân thang (18).
+ Chỗ lưng bị sái thuộc thực chứng mà đau, nên dùng bài Thất ly tán (19) hay bài Tử kim tán (20).
+ Sau khi bị sái, ứ huyết xông lên, đối với người thể thực thì nên dùng bài Sâm hoàng tán (21) hoặc bài Phục nguyên hoạt huyết thang, nếu huyết xấu ngưng kết, sắc da như thường sưng lên không đỏ nên dùng bài Gia vị Quy tỳ thang (22).
c. Dư hậu:
Phàm bệnh ở gân thịt, nếu chữa được sớm, thì lành mạnh rất mau, nếu dây dưa không chữa hay chữa nhầm, có thể chuyển biến thành mụn lở, nếu để vết thương còn lại lâu ngày, có khi sinh ra đau tê dại, dần dần thành bệnh nặng mà ảnh hưởng đến sức khỏe.
3. Chiết thương (gẫy xương và trật khớp)
Trật khớp xương và gãy xương là chứng bệnh chủ yếu trong khoa nắn bó gẫy xương, cũng là một bộ phận tổ chức trọng yếu của thương khoa. Vì việc xử lý chỗ xương bị thương, ngoài những việc chữa bằng cách uống thuốc trong, chữa thuốc ngoài, và cách băng bó nói chung, còn cần phải vận dụng thủ thuật và khí cụ nhất định mới có thể làm chỗ vết thương được lành lặn ngay thẳng, đặc biệt là có khéo tay, thì trong quá trình nắn bó xương mới làm nổi bật được tác dụng quyết định.
a. Thủ thuật: thầy thuốc nắn xương gần đây, về cách chữa bằng thủ thuật phần nhiều lấy 8 phép nắn xương của sách “Y tông kim giám” làm nguyên tắc, nhưng vì truyền thụ kinh nghiệm khác nhau rồi sử dụng cụ thể trong lâm sàng, có thể có hơi xê xích nhau, nay xin trình bày sơ lược dưới đây:
+ Cách sờ nắn: cách sờ nắn thực ra là phép xúc chẩn chủ yếu của thương khoa, là bước thứ nhất của việc nắn xương, mục đích là để kiểm tra vị trí của xương và sự thay đổi của chân tay thân thể, theo đó mà hiểu tình hình cụ thể là gãy xương hoặc trật xương.
+ Cách chắp xương: là cách đem mẫu xương chắp liền với nhau cho như cũ. Phàm bị ngã trật gãy xương, sai lạc, gãy rời ra, hoặc lõm xuống lồi lên, thì vận dụng cách chắp, có thể khiến gãy thì nối liền lại, sai lạc thì trở lại như cũ, lõm xuống thì nổi lên, lồi lên bằng lại, nát ra thì hợp lại được.
+ Cách nắn cho ngay: là một trong thủ thuật nắn lại như cũ những xương bị trật khớp. Trong khi thi hành phải căn cứ vào phương hướng trật, độ số sai nhau, lấy một tay hoặc hai tay nắm vững chỗ cần sửa lại cho ngay, hoặc lôi kéo từ trên xuống dưới, hoặc nắn thẳng từ ngoài vào trong, hoặc kéo thẳng, hoặc kéo xiên, và sau khi xương trở lại chỗ cũ rồi, theo hướng vận chuyển trở được, dùng thủ thuật giúp cho nó chuyển trở một cái.
+ Cách nâng lên: là một cách lôi kéo nâng đỡ, có thể đem cái xương bị gãy lõm xuống, nâng cho nò lên nguyên chỗ cũ. Hoặc lấy hai tay ra mà nâng, hoặc lấy dây buộc lên chỗ cao mà nâng hoặc sau khi đã nâng lên, dùng cái đỡ cho nó vững chắc phòng nó khỏi lõm xuống trong khi làm việc ấy, cần phải đo lường trình độ lõm xuống thế nào, không nên quá nhẹ hay quá nặng, nhẹ thì chỗ lõm xuống không trở lại như cũ được, nặng thì lại sinh ra có khớp ngấn.
+ Cách miết: có hai mục đích: một là làm cho cái xương gãy sai đó trở lại chỗ cũ, hai là làm cho gân thịt đang bị căng thẳng trở lại bình thường.
+ Cách nắm: là một loại động tác kéo lại trái với cách miết, trên thực tế thì trong khi làm, phần nhiều kết hợp vận dụng với cách miết. Phàm gặp xương gãy sau khi đã chữa rồi, vết thương tuy đã lành mà khí huyết chưa thông lại không thể dùng những cách chắp, cách chỉnh lại, cách nắn ngay, cách nâng lên, thì có thể dùng cách miết, cách nắm để cho thông kinh lạc mà hoạt huyết.
+ Cách ấn: là ở chỗ đau mà trên một huyệt vị nhất định, dùng tay ấn đè xuống, để cho hoạt huyết và tán ứ, tiêu trừ sưng đau làm mục đích, có thể làm cho chỗ đau nổi phồng trở lại bình thường; huyết mạch không thông thì được lưu thông.
+ Cách xoa: xoa là nắn nhẹ, ấn là ấn nặng, hai phép thường thường cùng kết hợp vận dụng. Một nhẹ, một nặng, có thể điều dinh vệ, thông khí huyết. Phàm da dẻ gân thịt bị thương, chỉ thấy sưng đau tê dại mà xương chưa gãy đứt, hoặc vì bị vấp ngã, đấm thụi, khớp xương có sai một ít, chỗ bị thương sưng đau, đều có thể vận dụng phép ấn, xoa. Sách Y tông kim giám nói: “ấn chỗ kinh lạc cho thông chỗ bế tắc, xoa chỗ ứ đọng lại cho tan ứ kết”. Đó là tác dụng trọng yếu của hai phép ấn và xoa.
Nói tóm lại, trong khi lâm sàng, 8 phép là có liên hệ lẫn nhau. Trước khi làm phép sờ nắn, phải sờ cho rõ ràng; trước khi làm phép chắp, phép nắn ngay cần phải làm cách nâng lên cho tốt; trước khi làm cách nâng lên, cần phải làm cách nắm và cách miết, sau khi làm phép chắp và cách năn cho ngay rồi, lại phải làm cách sờ nắn để kiểm tra xem đã lại chỗ cũ hay chưa; sau khi lại chỗ cũ rồi, lại thường thường cần làm những cách miết, nắm, ấn xoa để thông lợi khí huyết. Do đó, 8 cách cần phải phối hợp vận dụng.
b. Dụng cụ: dụng cụ nắn bó gãy xương theo sách Y tông kim giám chép có 10 loại: băng vải(1), gậy gõ(2), da ốp(3), dây vịn(4), gạch kê(5), gỗ lót(6), đòn ép(7, Mành tre(8)) (đăng), phên the mốc(1), bó gối(2). Mục đích của nó đều là để giúp đỡ thủ thuật, giữ vững tư thế, sửa chữa lại tình trạng bệnh. Hiện nay, trong lâm sàng thườn dùng đại khái chia ra 3 loại: miếng ghép cứng, miếng ghép mềm và lưới sắt.
+ Miếng ghép cứng: có chia ra những loại ván gỗ, miếng gỗ the mốc, vỏ cây, miếng tre, phần nhiều dùng cho những ống xương dài bị gãy, dài, vắn, rộng, hẹp phải tuỳ theo bộ vị và hình thể vết thương mà quyết định.
+ Miếng ghép mềm: có thể chia ra mấy loại tấm giấy, tấm da, mành mành, sơn bột keo, phần nhiều dùng cho những xương dẹp bị gãy hoặc khớp xương bị thương, khi dùng thì nên lót bông ở trong, lấy dây băng bó ở ngoài.
+ Lưới sắt hoặc lồng tre: phải theo hình mà thiết kế, phần nhiều dùng cho xương bánh chè bị gãy, giống như mục đích bó đầu gối của phép xưa.
Còn như khí cụ thường dùng trong ngoại khoa chung, thì ở đây không thuật lại nữa. Nhưng khi sử dụng các miếng ghép, cần phải chú ý mấy điểm sau đây: chỗ bị thương ở đoạn giữa cái xương thì dùng miếng ghép không được quá hai đầu đốt xương, khi bị gãy gần chỗ khớp xương thì miếng ghép chỉ có thể cho 1 đầu qua vết thương một chút mà bó, không nên chặt quá, trong khi đương liền trở lại không được cởi mở một cách khinh thường, như khi mình mẩy chân tay tê dại, nên phải nới lỏng ngay miếng ghép ra mà xem xét, nhưng vài ba ngày sau, khi băng bó cố định miếng ghép rồi, hai đầu trên dưới chỉ có phát sưng mà không có chứng trạng gì khác, thì không nên nới lỏng ra. Nói tóm lại, phải chờ sau khi xương gãy đã gắn liền chắc chắn rồi, mới có thể không dùng miếng ghép nữa.
c. Dùng thuốc:
+ Khi bị gãy xương mà hôn mê, thấy có chứng bế, có thể dùng bài Tô hợp hương hoàn; thấy có chứng thoát,nên dùng bài Phụ tử tứ nghịch thang.
+ Lúc mới bị gãy xương nên uống trong bài Chính cốt đan (23) hoặc bài Tiếp cốt đan (24), thời kỳ cuối nên uống bài Tráng cân dưỡng huyết thang, sau khi liền lại rồi nên uống bài Hổ tiềm hoàn.
+ Gãy xương thì ngoài nên bôi Chính cốt khổ tửu cao (25), hoặc Tiếp cốt thương cao (26).
+ Sau khi xương gãy đã lành như cũ rồi, nếu vì hình khí bị tổn thương, kinh lạc căng đầy quá độ, ứ huyết ủng trệ sưng đau ở ngoài nên bôi Bảo trân cao.
+ Phàm gân sưng, khớp xương đau, ở chỗ đau nên thay dùng Xạ quế cao.
+ Xương gãy mà chỗ đau có miệng, theo phép chữa sang thương ở trên mà xử lý.
(Phụ) - Phương pháp nắn bó gãy xương, trừ nội dung khái quát về chữa trong chữa ngoài đã nói ở trên ra, còn có một phép gọi là chắp xương bằng cành liễu. Trong sách vở đời Đường đã có chép, nhưng về sau hình như thất truyền, sau khi giải phóng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã sưu tầm ra, đáng cho chúng ta từ nay về sau coi trọng và nghiên cứu thêm.
B. Nội thương
Nội thương về thương khoa không ngoài sự tổn thương khí huyết và tạng phủ. Nhưng trên lâm sàng thường thường lại thấy lẫn lộn với nhau. Vì muốn cho rõ ràng trọng điểm, để dễ nắm vững thì chia ra nói rõ như sau:
1. Tổn thương khí huyết
a) Nói chung, huyết bị ứ đọng lại, thì dùng bài Phục nguyên hoạt huyết thang, Kê minh tán (27), bệnh nặng hơn mà ứ huyết xông lên tâm, thì nên dùng bài Lê đông hoàn (28).
b) Huyết ứ ở trong, ngực bụng trướng đau, hoặc đại tiện không thông, nên dùng bài Gia vị thừa khí thang (29), chẳng qua trong một tình hình nào đó, vì quan hệ về thể chất người bệnh, dùng thuốc tính hàn phá ứ, lại làm cho ứ huyết ngưng trệ không thông, nên phải lấy thuốc cay nóng làm tá, như bột Nhục quế, Mộc hương, rồi dùng rượu nóng hòa uống.
c) Vì bị thương mà chỗ đau hoặc các khiếu ra máu, can hỏa thịnh lắm, dùng bài Gia vị tiêu dao tán (30) hoặc bài Tứ sinh hoàn.
d) Nhân bị thương ra máu, dùng bài Huyết kiệt tán (31)
e) Mất huyết quá nhiều, dùng bài Tứ vật thang, bài Đương quy tán (32).
g) Bệnh nội thương mà khí bế tắc, tức thời mê mẩn, ngã lăn ra, thì dùng bài Tô hợp hương hoàn.
h) Bệnh nội thương mà khí nghịch đọng lại ở thượng tiêu, phát sốt, thở dốc hoặc ho ra máu, đổ máu mũi, nên dùng bài Thập vị sâm tô ẩm. (33).
i) bệnh nội thương mà khí hư, dùng bài Bát trân thang.
2. Tổn thương tạng phủ
a) Tổn thương đến tâm: phàm thấy những chứng tức thời mê mẩn, hư thoát phun máu, nên dùng bài Độc sâm thang hoặc đổ cho uống bài Đoạt mệnh đan (34), ngoài thổi Thông quan tán (35).
b) Tổn thương đến phế: phàm thấy ho suyễn, ngực đau, thổ huyết, chứng thực thì uống bài Thập vị sâm tô tán, chứng hư thì uống bài Nhị vị sâm tô ẩm (36).
c) Tổn thương đến can: phàm thấy hai sườn đau nhức, hai mắt đỏ, lại thấy ho ra máu lấy bài Gia vị tiêu dao tán làm chủ, chứng thực, châm chước dùng bài Đương quy tán ứ thang (37), chứng hư, châm chước dùng bài Gia vị Tứ quân tử thang (38).
d) Tổn thương đến tỳ: phàm thấy không cho xoa nắn vào sườn bên phải, nên uốn bài Bát trân thang gia Uất kim, Chỉ thực, Thanh bì, nếu hư thì nên uống bài Quy tỳ thang.
e) Tổn thương đến thận: phàm thấy những chứn lưng đau, không động được, tai điếc, tự khóc, tự cười, nên uống bài Đoạt mệnh đan, chứng thực thì nên uống bài Thất ly tán, bài Phục nguyên hoạt huyết thang, chứng hư thì uống bài Bổ thận tráng cân thang (39).
g) Tổn thương đến vị: phàm thấy mửa ra thức ăn, dạ dày đau nhức, không ăn được, thổ huyết sắc như nước đậu, chứng thực thì nên uống bài Mộc hương lưu khí ẩm (40) hoặc bài Bách hợp tán (41), chứng hư thì uống bài Khung quy thang (42).
h) Tổn thương đến tiểu trường: phàm thấy bụng đau không cho nắn, nôn mửa, thực thì nên uống bài Đương quy đạo trệ tán (43), hư thì uống bài Thư trường hoạt huyết thang (44).
i) Tổn thương đến đại trường: phàm thấy những chứng đại tiện bí, đau bụng, thở dốc, bụng trướng hoặc ỉa chảy, chứng thực thì uống bài Đào nhân thừa khí thang hoặc bài Thừa khí dưỡng vinh thang.
k) Tổn thương đến đảm: phàm thấy những chứng thổ ra nước đắng, sườn bên trái đau dữ, 2 mắt phát vàng, nên uống bài Tiểu sài hồ thang gia Nhân trần, Thanh bì, kiêm uống bài Hoà thương hoàn (45).
l) Tổn thương đến bàng quang: phàm thấy những chứng bụng dưới đau, tiểu tiện gắt mà đau, hoặc đái ra máu, nên uống bài Hổ phách tán (46) hoặc bài Phục nguyên hoạt huyết thang gia Mộc thông.
m) Đàn bà có thai bị thương: sinh ra đau bụng, nên uống bài An thai hòa khí ẩm (47) gia một ít thuốc trừ huyết ứ, sinh huyết mới, để hòa khí huyết.
Phụ phương
1. Tán ứ hòa thương thang (Y tông kim giám)
Mã tiền tử 5 đồng, Hồng hoa 5 đồng, Sinh bán hạ 5 đồng, Cốt toái bổ 3 đồng, Cam thảo 3 đồng, Rễ hành 1 lạng, đổ 5 bát nước sấu sôi, thêm vào 2 lạng, 2 đồng giấm thanh, sắc sôi vài mươi dạo đem xông rửa chỗ đau, mỗi ngày vài lần.
2. Chi thống tán (Y tông kim giám).
Phòng phong, Kinh giới, Đương quy, Kỳ ngải, Đan sâm, Hạt sắc, Thăng ma đều 1 đồng, Khổ sâm 2 đồng, Thiết tuyến thấu cốt thảo, Xích thược đầu 2 đồng, Xuyên tiêu 3 đồng, Cam thảo 8 phân, đều tán bột bỏ vào trong túi, cột miệng cho chặt, nấu sôi xông rửa.
3. Tử kim đỉnh (Thương khoa tâm đắc tập)
Sơn tử cô 2 lạng, Ngũ bội tử 1 lạng, Thiên kim tử (Tục tùy tử) 1 lạng, Châu sa 5 đồng, Hùng hoàng 5 đồng, Đại kích 1 lạng rưỡi, nghiền bột, gia bột gạo nếp hoà đều giã thật nhuyễn làm thành từng thỏi, khi dùng lấy nước sôi mà hòa tan ra hoặc mài nát cũng được.
4. Cam thông tiễn (Thương khoa bổ yếu)
Cam thảo, hành tươi đều nhau, đổ nước nấu sôi, chờ nguội lọc trong, dùng để rửa ngoài miệng vết thương.
5. Đào hoa tán (Y tông kim giám)
Vôi (Bạch thạch khôi) 8 lạng, Đại hoàng phiến 2 lạng, dùng nước tôi, Thạch khôi cho ra bột, cùng sao với Đại hoàng, Thạch khôi biến ra sắc đỏ là được, bỏ Đại hoàng đi, đem Thạch khôi nghiền nhỏ hòa nước lạnh bôi.
6. Như thánh kim đao tán (Y tông kim giám)
Tùng hương 7 lạng, Sinh bạch phàn (phèn chua sống) 1 lạng rưỡi, Khô bạch phàn 1 lạng rưỡi, nghiền thành bột cất để dùng.
7. Chi huyết hắc nhự nhung điếm (Thương khoa bổ yếu)
Huyền sâm, Thuyến thảo, Lưu ký nô, Đại hoàng, Hoàng cầm, Hoàng bá, Ô mai, Ngũ bội tử đều nhau, sắc 3 lần, bỏ bã giữ nước trong lại, lại dùng nước cỏ mực, nước Mã lan, Tạo phàn, Kinh mặc, Bách thảo sương, cùng sắc đặc dùng bông chấm lấy 2 thứ nước ấy cho khô, cùng nấu với sáp, khi sôi sẽ cho phèn, mực, nhọ nồi vào, rồi đem bông thấm lấy để dùng.
8. Đại thành thang (Y tông kim giám)
Đại hoàng 3 đồng cân, Phác tiêu 2 đồng, Hậu phác 1 đồng, Đương quy 1 đồng, Hoa hồng 1 đồng, Mộc thông 1 đồng, Tô mộc 1 đồng, Trần bì 1 đồng, Cam thảo 1 đồng, 2 bát nước, sắc còn 8 phân, uống lúc nào cũng được.
9. Nhũ hương định thống tán (Trương thị y thông)
Bạch chỉ, Đương quy, Sinh địa hoàng, Đơn bì, Xích thược, Xuyên khung, Nhũ hương, Một dược, Bạch truật, Cam thảo đều bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 3 đồng với rượu ấm.
10. Tam hoàng bảo lạc hoàn (Y tông kim giám)
Thiên trúc hoàng 2 lạng, Đằng hoàng 4 lạng, Đại kích 3 lạng, Lưu ký nô 3 lạng, Huyết kiệt 3 lạng, Quy vỹ 1 lạng rưỡi, Châu sa 3 đồng, Nhi trà 3 đồng, Nhũ hương 3 đồng, Hổ phách 3 đồng, Khinh phấn 3 đồng, Thủy ngân (cùng nghiền với Khinh phấn không thấy óng ánh nữa), Xạ hương 3 đồng, nghiền nhỏ, lại dùng sáp vàng 24 lạng, nấu cho tan ra, bỏ bột thuốc vào quấy đều, bệnh nặng thì mỗi viên 1 đồng, bệnh nhẹ thì mỗi viên 5 phân, dùng rượu nóng hòa uống, nếu bị thương rất nặng, uống luôn vài lần, sau khi uống thuốc, uống rượu cho ra mồ hôi càng tốt.
11. Ngọc châu tán (Y tông kim giám)
Thiên nam tính 1 lạng, Phòng phong 1 lạng, Bạch chỉ 1 lạng, Thiên ma 1 lạng, Khương hoạt 1 lạng, Bạch phụ tử 1 lạng 2 đồng, tán bột, mỗi lần uống 3 đồng, uống với nước đái trẻ con.
12. Giang phiêu hoàn (Chứng trị chuẩn thằng)
Thiên ma 1 đồng, Hùng hoàng 1 đồng, Ngô công 2 con, Giang phiêu 5 phân, Cương tàm 5 phân đều nghiền bột, chia làm hai phần, một phần viên với cơm bằng hột ngô đồng. Châu sa làm áo, còn một phần gia Ba đậu sương 2 phân rưỡi, cũng viên với cơm bằng hạt Ngô đồng. Mỗi lần dùng thuốc có Châu sa 20 viên, thì gia thuốc có Ba đậu 1 viên, lần uống thứ hai gia lên 2 viên, uống với nước sôi.
13. Tán thũng cao
Hắc chi tử 8 lạng, Tử kinh bì (sao đến lên màu tía) 8 lạng, Toàn đương quy 2 lạng, Xích thược 2 lạng, Phòng kỷ 2 lạng, Xuyên ngưu tất 2 lạng, Đan sâm 2 lạng, Mộc qua 2 lạng, Khương hoàng 2 lạng, Khương hoạt 2 lạng, Độc hoạt 2 lạng, Xuyên khung 1 lạng, Tần giao 1 lạng, Liên kiều 1 lạng, Cam thảo 6 đồng, Thiên hoa phấn 2 lạng. Các vị trên đều nghiền bột hòa đều, lấy mật đường và di đường (kẹo mạch nha) mỗi thứ một nửa hòa như hồ mà dùng.
14. Bảo trân cao
Đương quy, Hoàng kỳ, Xuyên khung, Đậu sị, Xuyên đại hoàng, Sinh địa, Bạch chỉ, Thương truật, Nhục quế, Xuyên ô đều 2 lạng 4 đồng.
Sơn tam nại, Thăng ma, Ngô thù, Ma hoàng, Tế tân, Lương khương, Hồng hoa đều 2 lạng.
Đan bì,Thảo ô, Xích thược, Phòng phong, Độc hoạt, Thủ ô, Khương hoạt đều 1 lạng 6 đồng, dầu mè tốt 1 cân nấu chín, rồi bỏ vào 2 cân hành tươi, 8 lạng gừng sống, nấu lên cho vàng, rồi đem 25 vị thuốc trên kia bỏ vào, chờ khi thuốc nấu đã thành sắc đen, dầu thuốc nhỏ vào nước đã thành châu, dùng cái rây bằng tre lọc bỏ bã, lại lấy 5 cân Quãng đan bỏ vào dần dần để thu cao. Khi dùng phết vào miếng nhỏ hoặc trên giấy bìa làm thành 3 lạng, lớn: (3x3 tấc), vừa (2x2 tấc), nhỏ (1,5x1 tấc) theo phạm vi lớn nhỏ của vết đau mà dùng.
15. Xạ quế bảo trân cao (tức Bảo trân cao gia Xạ hương)
16.Tiểu hoạt lạc đan (Cục phương)
Bào xuyên ô, Bào thảo ô, Đảm tinh đều 6 lạng, Địa long (sấy), Chích nhũ hương, Chính một dược đều 3 lạng 3 đồng, nghiền bột làm hoàn, mỗi hoàn nặng 6 lạng, mỗi lần uống 1 hoàn.
17. Tráng cân dưỡng huyết thang (Thương khoa bổ yếu)
Tứ vật thang gia Hồng hoa, Xuyên tục đoan, Đỗ trọng, Ngưu tất, Đơn bì.
18. Bổ cân thang (Thương khoa bổ yếu)
Đương quy, Thục địa, Bạch thược, Hồng hoa, Phục linh, Trần bì, Cốt toái bổ, Công đinh hương, Nhũ hương, Một dược.
19. Thất ly tán (Thương khoa bổ yếu)
Nhũ hương, Một dược đều 15 lạng, Đương quy 2 lạng, Nhi trà 1 lạng 8 đồng, Hồng hoa 15 lạng, Huyết kiệt 12 lạng 8 đồng, Châu sa 15 lạng, Sạ hương 1 lạng 2 đồng, Băng phiến 2 đồng đều nghiền bột, uống bên trong, dùng 5 phân đến 1 đồng, nuốt với rượu lâu năm hâm nóng, dùng bên ngoài thì hòa với rượu mà bôi.
20. Tử kim tán.
Tử kim bì, Cốt toái bổ, Sinh bồ hoàng, Đan bì, Quy vĩ, Hồng hoa, Xuyên khung, Xuyên đoạn, Địa miết trùng, Đơn đào nhân, Nhũ hương, Mộc dược đều 1 lạng, nghiền bột, mỗi lần uống từ 1 đến 3 đồng, sớm và chiều hai lần dùng rượu lâu năm hâm nóng mà uống.
21. Sâm hoàng tán (Thương khoa bổ yếu)
Sâm tam thất 1 lạng, Đại hoàng 4 đồng, Xuyên hậu phác 1 lạng, Chỉ thực 1 lạng, Đào nhân 3 lạng, Quy vĩ 3 lạng, Xích thược 1 lạng rưỡi, Uất kim 1 lạng, Huyền hồ 1 lạng, Nhục quế 5 đồng, Sài hồ 6 đồng, Cam thảo 4 đồng, Thanh bì 1 lạng, nghiền bột, mỗi lần uống 1 đến 3 đồng, hòa rượu lâu năm mà uống.
22. Gia vị quy tỳ thang (Chứng trị chuẩn thằng)
Hắc chi, Đan bì, Nhân sâm đều 1 đồng, Hoàng kỳ, Bạch truật đều 1 đồng rưỡi, Phục thần 3 đồng, Táo nhân 1 đồng rưỡi, Đương quy 1 đồng, Mộc hương 5 phân, Viễn chí 8 phân, Long nhãn nhục 2 đồng, Cam thảo 5 phân và Khương, Táo sắc uống.
23. Chính cốt đan
Đương quy vĩ 1 cân 6 lạng, Xuyên đại hoàng 4 lạng, Ngũ gia bì 4 lạng, Nhũ hương 6 lạng 4 đồng, Thanh bì 3 lạng 2 đồng, Xuyên khung 2 lạng 4 đồng, Hương phụ 2 lạng 4 đồng, Tự nhiên đồng 2 lạng 4 đồng, Bằng sa 1 lạng, nghiền bột làm hoàn với mật, to bằng hột đậu xanh, mỗi lần uống từ 2 đến 3 đồng, mỗi ngày 2 đến 3 lần.
24. Tiếp cốt đan (Dương khoa đại toàn)
Thổ miết trùng 10 con, bỏ đầu chân, tẩm rượu phơi 3 nắng 3 sương, lấy ra sao, Cốt toái bổ xắt miếng, Thả sương 3 đêm phơi khô, Tự nhiên đồng, nướng lửa tôi vào giấm 7 lần, Ba đậu sương, Ngũ hương bỏ đầu, Huyết kiệt, Một dược bỏ đầu đều 5 đồng, Quy vĩ tẩm rượu 1 đêm sấy khô, Bằng sa đều 3 đồng, Địa long 14 con, bỏ đất tẩm rượu phơi khô, đều tán bột, mỗi lần uống 7, 8 ly đến 3 phân, hòa với rượu nóng mà uống.
25. Chính cốt khổ tửu cao
a) Khổ tửu tán: ý dĩ nhân, Mạch phấn đều 8 lạng, Địa du 3 lạng, Tự nhiên đồng 4 đồng, Tang bì 2 lạng, Long não 2 đồng, nghiền bột dùng.
b) Khổ tửu phương: Kê huyết đằng, Thảo ô đều 2 lạng, Hải đồng bì, Độc hoạt đều lạng, Ngũ gia bì 7đồng, Thấu cốt thảo 8 đồng, Hoàng bá 8 đồng, Nhục quế 4 đồng, Giấm mẻ 20 cân, dùng 2 lạng Khổ tửu tán, Khổ tửu 1 cân 4 lạng, ngâm 5 phút quấy đều, rồi dùng lửa nho nhỏ ngào thành cao, dán vào chỗ đau.
26. Tiếp cốt thương cao
Tức Bảo trân cao gia Xạ hương 1 phân, Băng phiến 1 phân.
27. Kê minh tán (Tam nhân cực nhất bệnh chứng phương luận)
Quy vĩ 5 đồng, Đào nhân 3 đồng, Đại hoàng 1 lạng, sắc với rượu uống lúc gà gáy, đến sáng sớm có thể đại tiện ra ứ huyết.
28. Lê động hoàn (Ngoại khoa sinh tập)
Ngưu hoàng, Băng phiến, Xạ hương đều 2 đồng rưỡi, A ngùy, Hùng hoàng đều 1 lạng, Sinh đại hoàng, Hài nhi trà, Thiên trúc hoàng, Tam thất, Huyết kiệt, Nhũ hương, Một dược, Đằng hoàng đều 2 lạng, Sơn dương huyết đều 5 đồng. Các vị trên đều tán bột, làm chảy tan, Đằng hoàng(1), mua viên lớn bằng hột Khiếm thực, nếu khó quá thì thêm vào một ít mật ong.
29. Gia vị thừa khí thang (Thương khoa bổ yếu)
Đại hoàng 2 lạng, Phác tiêu 2 lạng, Chỉ thực 1 đồng, Hậu phác 1 đồng, Cam thảo 5 đồng, Đương quy 1 đồng, Hồng hoa 1 đồng, rượu và nước đều 1 bát sắc uống,
30. Gia vị tiêu dao tán (Chứng trị chuẩn thằng)
Sài hồ, Đương quy (sao rượu), Bạch thược (sao rượu), Bạc hà, Bạch truật (thổ sao), Phục linh, Cam thảo (chích) đều 1 đồng, Đơn bì, Sơn chi (sao đen) đều 7 phân, tán bột uống với nước sôi.
31. Huyết kiệt tán (Thương khoa bổ yếu)
Huyết kiệt, Phát khôi (tóc rối đốt tồn tính), rễ cỏ tranh, Cửu căn (rễ hẹ) đều nhau, sắc với nước tiểu trẻ con mà uống.
32. Đương quy tán (Chứng trị chuẩn thằng)
Đương quy, Xuyên khung, Càn khương, Xuyên tiêu, Hoàng cầm, Tang bạch bì, Ngô thù du, Bạch thược, Chích cam thảo đều 5 đồng, Nhục thung dung 4 lạng, Nhân sâm, Hoàng kỳ, Hậu phác đều 1 lạng, đều tán bột, mỗi lần uống 2 đồng, mỗi ngày uống 3, 4 lần, trước khi ăn hòa với rượu ấm mà uống.
33. Thập vị sâm tô ẩm (Chỉnh thể loại yếu)
Nhân sâm, Tử tô, Bán hạ, Phục linh, Trần bì, Cát cánh, Tiền hồ, Cát căn, Chỉ xác đều 1 đồng, Cam thảo 5 phân, dùng nước gừng sắc uống.
34. Đoạt mệnh đan (Thương khoa bổ yếu)
Quy vĩ, Đào nhân đều 3 lạng, Huyết kiệt 5 đồng, Thổ miết trùng 2 lạng, Nhi trà 5 đồng, Nhũ hương, Một dược đều 1 lạng, Tự nhiên đồng 2 lạng, Hồng hoa 5 đồng, Đại hoàng 3 lạng, Châu sa 5 đồng, Cốt toái bổ 1 lạng, Xạ hương 5 phân, nghiền bột làm hoàn to bằng hạt ngô, mỗi lần uống một hoàn với rượu nóng.
35. Thông quan tán (Thương khoa bổ yếu)
Nha tạo 5 đồng, Bạch chỉ 3 đồng, Tế tân 3 đồng, Băng phiến 2 phân, Xạ hương 2 phân, Thiềm tô 5 phân đều tán bột, cất đựng vào bình sứ, khi dùng khẽ lấy thổi vào lỗ mũi.
36. Nhị vị sâm tô ẩm (Chính thể loại yếu)
Nhân sâm 1 lạng, Tô mộc 2 lạng sắc uống
37. Đương quy tán ứ thang (Thương khoa bí yếu)
Quy vĩ, Huyền hồ, Hồng hoa, Ngũ linh chi, Xích thược, Đào nhân, Cam thảo, Xuyên sơn giáp, Nhũ hương, Một dược sắc uống.
38. Gia vị tứ quân tử thang (Vương hải Tàng)
Tứ quân tử thang gia Hạnh nhân, Tang bạch bì đều nhau, Bán hạ bớt nửa đổ nước sắc uống.
39. Bổ thận tráng cân thang (Thương khoa bổ yếu)
Thục địa, Quy thân, Ngưu tất, Sơn thù, Vân linh, Xuyên đoạn, Đỗ trọng, Bạch thược, Thanh bì, Ngũ gia bì sắc uống.
40. Mộc hương lưu khí ẩm (Cục phương)
Mộc hương 6 lạng, Bán hạ 2 lạng, Thanh bì, Hậu phác, Tử tô, Hương phụ, Cam thảo đều 1 cân, Trần bì 2 cân, Nhục quế, Bồng nga truật, Đinh hương bì, Đại phúc bì, Tân lang, Mạch đông, Thảo quả nhân đều 8 lạng, Mộc thông 8 lạng, Hoắc hương, Bạch chỉ, Phục linh, Bạch truật, Mộc qua, Nhân sâm, Thạch xương bồ đều 4 lạng, nghiền nhỏ mỗi lần dùng 4 đồng, gia 2 lát gừng sống, 2 quả táo sắc uống.
41. Bách hợp tán (Thương khoa bổ yếu)
Tê giác, Uất kim, Đan bì, Hoàng liên, Đương quy, Xuyên khung, Xích thược, Sinh địa, Bách hợp, Trắc bá diệp, Kinh giới, Chi tử, Đại hoàng đều tán bột dùng rượu ấm hoặc Đồng tiện mà uống.
42. Khung quy thang (Chứng trị chuẩn thằng)
Xuyên khung, Đương quy, Nhân sâm, Phục linh, Ngô thù, Khổ cát cánh đều 3 đồng, Xuyên phác, Thược dược đều 2 đồng, nước trong 9 thăng sắc lấy 3 thăng chia làm 3 lần uống.
43. Đương quy đạo trệ tán (Thương khoa bổ yếu)
Đại hoàng, Đương quy đều 1 lạng, Xạ hương 1 phân tán bột, mỗi lần uống từ 1 đến 3 đồng.
44. Thư trường hoạt huyết thang (Thương khoa bổ yếu)
Xuyên khung, Đương quy, Đào nhân, Đại phúc bì, Hồng hoa, Xuyên tục đoan, Huyền hồ, Chỉ xác, Mộc thông, Đại hoàng sắc uống.
45. Hòa thượng hoàn
Ngũ linh chi 2 lạng, Phục thần 4 lạng, Xuyên khung, Ngũ gia bì, Chỉ xác, Xích thược, Bạch thược, Nhũ hương, Bạch truật, Thanh bì, Quy vĩ, Thương truật, Hương phụ, Tô mộc đều 1 lạng, Địa miết trùng 19 con, Hồng hoa 7 đồng, Hoàng cầm 6 đồng, Thảo quả 7 đồng, Nga truật 5 đồng, Cam thảo 5 đồng, Hồng khúc 3 đồng, Đơn bì 3 đồng, Mộc qua 5 đồng, Kinh tam lăng 5 đồng nghiền bột làm hoàn bằng hột đậu xanh, lấy 5 đồng Nhục quế làm áo, mỗi lần uống 2 đến 4 đồng, mỗi ngày uống 2 lần.
46. Hồ phách tán
Nhũ hương, Một dược, Trạch lan, Xích thược đều 1 đồng, Đào nhân 3 đồng, Mộc thông 1 đồng, Độc hoạt 8 phân, Sinh đại hoàng 2 đồng (bỏ vào sau), Mang tiêu 1 đồng hòa vào mà uống, Cam thảo tiêu 1 đồng, Thăng ma 4 phân.
47. An thai hòa khí ẩm (Thương khoa bổ yếu)
Đương quy, Bạch thược, Sinh địa, Xuyên khung, Điều cầm, Bạch truật, Sa nhân.
Bài viết này có 0 bình luận