1. Cảm sốt
18/01/2014 05:25 - Đăng bởi: admin
Bạc hà (nam)
Mentha arvensis Linn.
Họ: Hoa môi (Lamiaceae)
Tên khác: Bạc hà nam.
Mô tả:
Cây: cây cỏ, cao 30-40 cm.
Thân: thân mềm, mọc bò, hình vuông, màu xanh hoặc tím tía.
Lá: lá mọc đối, mép khía răng.
Hoa: hoa nhỏ, màu trắng hồng hoặc tím hồng, mọc tụ tập ở kẽ lá. Toàn cây có lông và có tinh dầu thơm.
Nơi mọc: cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi, trồng bằng thân ngầm vào mùa xuân, thu, chỗ ẩm mát, nhiều mùn.
Mùa hoa quả: tháng 7-10.
Bộ phận dùng: toàn thân mang lá, lúc cây sắp ra hoa hoặc đang có nụ, dùng tươi, phơi k hô hoặc cắt lấy tinh dầu.
Công dụng: chữa cảm, cúm, sốt, nhức đầu, sổ mũi, đau bụng.
Liều dùng: mỗi ngày 4-8g hãm hoặc sắc uống. Nếu xông thì phối hợp với nhiều vị thuốc khác. Nếu dùng tinh dầu thì uống từng giọt.
Tía tô
Perilla frutescens (Linn.) Britton.
Họ: Hoa môi (Lamiaceae).
Tên khác: Tử tô, hom tô (Thái).
Mô tả:
Thân: cây nhỏ, thân vuông, có rãnh dọc và có lông.
Lá: lá mọc đối, có cuống dài, mép khía răng, uốn lượn, mặt trên xanh lục, mặt dưới màu tía, có khi cả hai mặt đều tía, có lông.
Hoa: hoa trắng hay tím mọc thành xim co ở ngọn cây.
Nơi mọc: cây được trồng làm gia vị và làm thuốc.
Mùa hoa quả: tháng 5-8.
Bộ phận dùng: cả cây, trừ rễ gồm lá (Tô diệp), cành (Tô ngạng), quả (Tô tử), phơi khô.
Công dụng: chữa cảm, làm ra mồ hôi, ngực đau, ho, nôn mửa, khó tiêu, an thai.
Liều dùng: mỗi ngày 6-12 g (lá và hạt), 8-20 g (cành) sắc uống.
Chú thích: loài tía tô là quăn (Perilla frutescens (Linn.) Britton var. crispa Decne) có giá trị sử dụng cao hơn.
Kinh giới
Elshotlzia cristata Willd.
Họ: Hoa môi (Lamiaceae).
Mô tả:
Thân: cây nhỏ, cao 40-60 cm, thân vuông, có lông mịn.
Lá: lá mọc đối, mép khía răng.
Hoa: hoa nhỏ màu tím nhạt mọc thành bông lệch ở đầu cành.
Quả: quả bế.
Nơi mọc: cây được trồng làm gia vị và làm thuốc. Trồng bằng hạt vào mùa xuân
Mùa hoa quả: tháng 8-10.
Bộ phận dùng: cành lá thu hái lúc cây đang ra hoa, phơi khô.
Công dụng: chữa cảm, sốt, cúm, sởi, thổ huyết, băng huyết.
Liều dùng: mỗi ngày 5-10 g sắc uống.
Sả
Cymbopogon citratus Stapf.
Họ: Lúa (Poaceae).
Tên khác: hương mao, chạ phiéc (Thổ), phắc châu (Thái).
Mô tả:
Thân: cây cỏ, sống lâu năm, mọc thành bụi, thân rễ trắng hoặc hơi tím.
Lá: lá dài, hẹp, giống lá lúa, mép hơi ráp.
Hoa: cụm hoa gồm nhiều bông nhỏ không cuống, toàn cây có mùi thơm như chanh.
Nơi mọc: cây được trồng làm gia vị và làm thuốc, trồng bằng thân rễ vào mùa xuân.
Mùa hoa quả: tháng 3-4.
Bộ phận dùng: cả cây thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi mát cho khô, có thể cất lấy tinh dầu mà dùng.
Công dụng:
Chữa cảm, cúm, sốt: 10-20 g cả cây nấu nước xông.
Chữa chàm mặt: rễ giã, xát.
Chữa đầy bụng, chống nôn, lợi trung tiện: 3-6 giọt tinh dầu uống với nước.
Ngoài ra, dầu sả còn có tác dụng trừ muỗi và các loại côn trùng khác.
Cúc hoa vàng
Chrysanthemum indicum Linn.
Họ: Cúc (Asteraceae).
Tên khác: Kim cúc.
Mô tả:
Thân: cây cỏ, sống hằng năm, hay sống dai, cao 20-50 cm.
Lá: lá mọc so le, có thùy sâu, mép khía răng.
Hoa: hoa hình đầu, màu vàng, mọc ở kẽ lá hoặc ngọn cành.
Nơi mọc: cây được trồng làm cnảh, lấy hoa ướp chè và làm thuốc, trồng bằng đoạn thân vào mùa xuân.
Mùa hoa quả: tháng 11-1.
Bộ phận dùng: hoa thu hái vào mùa đông, phơi khô.
Công dụng: chữa đau mắt, mờ mắt, nhức đầu, chóng mặt.
Liều dùng: mỗi ngày 8-16 g sắc uống hoặc ngâm rượu uống.
Hương nhu trắng
Ocimum gratisimum Linn.
Họ: Hoa môi (Lamiaceae).
Tên khác: Hương nhu trắng lá to.
Mô tả:
Thân: cây nhỏ, sống lâu năn, cao 1-1,5 m, thân vuông.
Lá: lá mọc đối, chéo chữ thập, mép khía răng thô, đầu nhọn dài, có lông.
Hoa: hoa màu trắng, mọc thành xim co ở kẽ lá hoặc ngọn cành.
Quả: quả bế, toàn cây có mùi thơm.
Nơi mọc: cây mọc hoang ở nhiều nơi, thườngs gặp ở các bãi cỏ ven đường, còn được trồng.
Mùa hoa quả: tháng 5-7.
Bộ phận dùng: Như hương nhu tía, Hương nhu trắng thường được cất lấy tinh dầu để chế ơgiênol dùng trong nha khoa.
Gừng
Zingiber officinale Roscoe.
Họ: Gừng (Zingiberaceae).
Tên khác: Khương.
Mô tả:
Thân: cây cỏ, cao 40-80 cm, sống lâu năm, thân rễ to, phân nhánh, rất thơm.
Lá: lá mọc thành hai dãy, không cuống, gân song song.
Hoa: hoa màu vàng không đều, cánh môi màu tím.
Quả: quả nang.
Nơi mọc: cây được trồng làm gia vị và làm thuốc.
Mùa hoa quả: tháng 5-8.
Bộ phận dùng: thân rễ (tươi gọi là Sinh khương, khô là Can khương) thu hái vào mùa thu đông.
Công dụng: chữa đau bụng, ỉa chảy, khó tiêu, ho, dùng ngoài đắp có tác dụng cầm máu.
Liều dùng: mỗi ngày 4-12 g hãm hoặc sắc uống.
Sắn dây
Pueraria thomsonii Benth.
Họ: Cánh bướm (Fabaceae).
Tên khác: Cát căn, bắn mắm kéo (Thái).
Mô tả:
Thân: dây leo, rễ củ.
Lá: lá kép mọc so le gồm ba lá chét nguyên hoặc xẻ thùy.
Hoa: hoa màu xanh tím mọc thành chùm.
Quả: quả giáp có lông.
Nơi mọc: cây mọc hoang và được trồng, trồng bằng thân vào mùa xuân, sắn dây mọc hoang có rễ nhỏ, ít bột, nhiều xơ.
Mùa hoa quả: hoa: tháng 9-10, quả: tháng 11-12.
Bộ phận dùng: rễ củ thu hoạch vào mùa đông, xuân, thái miếng, sấy diêm sinh, phơi khô, có thể mài lấy bột.
Công dụng: giải nhiệt, làm ra mồ hôi, chữa sốt, khát nước, mụn nhọt.
Liều dùng: mỗi ngày 10-15 g cát căn phiến sắc uống hoặc 5-10 g bột sắn dây uống sống hoặc nấu chè.
Tam nại
Kaempferia galanga Linn.
Họ: Gừng (Zingiberaceae).
Tên khác: Địa liền, Sơn nại, củ thiền liền (miền Nam).
Mô tả:
Thân: cây cỏ, sống lâu năm, thân rễ hình trứng gồm nhiều củ nhỏ.
Lá: lá 2-3 cái, mọc sát đất, có bẹ.
Hoa: hoa trắng pha tím, toàn cây nhất là thân rễ có mùi thơm và vị nóng.
Nơi mọc: cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi, trồng bằng thân rễ vào mùa đông xuân.
Mùa hoa quả: tháng 5-7.
Bộ phận dùng: thân rễ thu hái vào mùa đông xuân, phơi khô.
Công dụng: chữa ngực bụng lạnh đau, giúp tiêu hóa, tê thấp, đau răng, ỉa chảy.
Liều dùng: mỗi ngày 4-8 g sắc hoặc tán bột uống, có thể ngâm rượu để xoa bóp.
Dây cườm cườm
Abrus precatorius Linn.
Họ: Cánh bướm (Fabaceae).
Tên khác: Cam thảo dây.
Mô tả:
Thân: dây leo, cây thường xanh.
Lá: lá kép lông chim, mọc so le.
Hoa: hoa màu hồng, mọc thành chùm ở kẽ lá.
Quả: quả dẹt.
Hạt: hạt nhỏ hình trứng màu đỏ có đốm đen, rất độc. Toàn cây có vị ngọt
Nơi mọc: cây mọc hoang ở rừng núi, còn được trồng làm cảnh và làm thuốc, trồng bằng dây hoặc bằng hạt vào mùa xuân.
Mùa hoa quả: hoa: tháng 7-8, quả: tháng 9-10.
Bộ phận dùng: dây mang lá, thu hái lúc cây chớm có hoa, phơi khô.
Công dụng: giải nhiệt, giải độc, chữa ho.
Liều dùng: mỗi ngày 8-16 g sắc uống.
Từ bi
Blumea balsamifera (Linn.) DC.
Họ: Cúc (Asteraceae).
Tên khác: Đại bi, co nát (Thái), phặc phà (Thổ, đại ngải).
Mô tả:
Thân: cây nhỏ, cao 1-2 m.
Lá: lá mọc so le, phía cuống có vài đôi lá nhỏ do phiến lá bị xẻ quá sâu, mép khía răng.
Hoa: hoa hình đầu, màu vàng, họp thành ngù.
Quả: quả bế có lông, toàn cây có lông trắng mềm và có mùi thơm như long não.
Nơi mọc: cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi, trồng bằng cành.
Mùa hoa quả: tháng 3-5.
Bộ phận dùng: lá thu hái vào mùa hạ, dùng nguyên lá hoặc cất lấy mai hoa băng phiến (long não đại bi).
Công dụng: giải cảm, chữa ho, đau họng.
Liều dùng: mỗi ngày 5-10 g dưới dạng thuốc xông, thuốc sắc uống, lá hoặc mai hoa băng phiến ngâm rượu xoa bóp chữa chấn thương.
Bài viết này có 0 bình luận